3/4/23

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : SONG, SÔNG


Song Sa vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng

SONG SA 窗紗: SONG là cửa sổ, SA là Vải the hay lụa mỏng, nên SONG SA là rèm che cửa sổ bằng luạ hay vải the mỏng. Khi lần đầu tiên hội ngộ với Kim Trọng từ trưa đến xế chiều, Thúy Kiều đã phải :

Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,
Giã chàng, nàng mới kíp rời SONG SA.

Còn khi một thân một mình thui thủi ở lầu xanh hết ngày này qua tháng nọ thì cụ Nguyễn Du đã tả hình bóng của Thúy Kiều một cách thật tội nghiệp :

SONG SA vò võ phương trời,
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.
Lần lần thỏ bạc ác vàng,
Xót ngưòi trong hội đoạn tràng đòi cơn !

SONG HỒ 窗糊 : là cửa sổ được dán bằng giấy dầu có áo một lớp hồ cho cứng. Ngày xưa chưa có pha lê, nên cửa sổ thường được dán giấy hồ, gọi là CHỈ HỒ SONG 紙糊窗 để che gió che mưa. Ta thường gọi là SONG HỒ. Trong truyện thơ Nôm Bích Câu Kỳ Ngộ tả khi anh chàng Trần Tú Uyên mua được bức tranh của Giáng Kiều thì cứ treo ở trong phòng ngắm mãi không thôi :

Mưa hoa khép cánh SONG HỒ,
Sớm khuya với bức họa đồ làm đôi.

Còn chàng Kim Trọng si tình thì khi đã mướn được căn nhà gần nhà của Thúy Kiều thì mỗi ngày cứ :

SONG HỒ khép nửa cánh mây,
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.

SONG HUỲNH : 螢 HUỲNH là con đom đóm; nên SONG HUỲNH là Cửa sổ có ánh sáng của con đom đóm. Theo Xa Dận Truyện trong Tấn Thư 《晉書·車胤傳》có ghi lại tích :

XA DẬN 車胤 (333-401), tự là Võ Tử, văn học gia đời Đông Tấn, làm quan đến chức Lại Bộ Thượng Thư. Lúc nhỏ nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp đèn để học; trong những đêm hè ông phải bắt thật nhiều đom đóm bỏ vào trong bọc, rồi nương theo ánh sáng của các con đom đóm mà đọc sách, học hành. Vì tích nầy mà hình thành thành ngữ NANG HUỲNH DẠ ĐỘC 囊螢夜讀 là "Bắt đom đóm bỏ vào bọc để học ban đêm".
Trong văn học cổ dùng SONG HUỲNH, TRƯỚNG HUỲNH hay HUỲNH SONG để chỉ phòng học, nơi học tập. Như trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của vua Lê Thánh Tông có câu :

Củi quế, gạo châu, kham khổ nằm chung trường ốc;
SONG HUỲNH, án tuyết, dùi mài mến nghiệp thi thư.

Trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều chia tay với Kim Trọng về đến nhà, thấy cha mẹ đi mừng thọ ngoại gia còn chưa về, nàng bèn "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" đi tìm Kim Trọng lần nữa, trong cảnh :

                        Nhặt thưa gương giọi đầu cành,
                  Ngọn đèn trông lọt TRƯỚNG HUỲNH hắt hiu.


 SONG ĐƯỜNG 雙堂 : là XUÂN ĐƯỜNG 椿堂 và HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂.
      * XUÂN ĐƯỜNG 椿堂 còn đọc là THUNG ĐƯỜNG. Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du 莊子·逍遙遊, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình. Nên XUÂN ĐƯỜNG là CHA.
      * HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂 : HUYÊN 萱 là một loài thảo mộc được trồng trong nhà như cây Trường sinh, lá thon dài, nở hoa màu vàng và cho hương thơm dìu dịu, ăn được, ta thường gọi là Hoa KIM CHÂM, dùng để chỉ sự dịu dàng của người mẹ; nên HUYÊN ĐƯỜNG là MẸ.
      SONG ĐƯỜNG là CHA MẸ, như trong truyện thơ Nôm "Phạm Tải Ngọc Hoa" có câu :

                          Một là tủi phận thẹn gương,
                      Hai là báo đáp SONG ĐƯỜNG mà lo.

      Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du gọi là HAI ĐƯỜNG, khi tả ông bà Vương viên ngoại cùng Thúy Vân và Vương Quan đi mừng sinh nhật ngoại gia :

                        Ngày vừa sinh nhật ngoại gia,
                     Trên HAI ĐƯỜNG dưới cùng là hai em,
                        Tưng bừng sắm sửa áo xiêm,
                     Biện dâng một lễ xa đem tấc thành.


SÔNG DỊCH chữ Nho là DỊCH THỦY 易水, bắt nguồn từ Huyện Dịch của vùng Trực Lệ, thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay. Theo Chiến Quốc Sách 戰國策 : Con sông nổi tiếng với tích Thái tử Đan của nước Yên đưa Kinh Kha sang sông để hành thích Tần Thủy Hoàng, với tiếng tiêu đưa tiễn bạn của Cao Tiệm Ly, nổi tiếng với lời ca khảng khái hào hùng :

                風蕭蕭兮易水寒,    Phong tiêu tiêu hề... Dịch Thủy hàn,
                      壯士一去兮不復還。  Tráng sĩ nhất khứ hề... bất phục hoàn !
Có nghĩa :
              Gió hiu hắt nầy... đây sông Dịch lạnh,
              Tráng sĩ ra đi nầy... chẳng hẹn ngày về ! 

      Trong Hoài Cổ Khúc của Tương An Quận Vương Nguyễn Phúc Miên Bảo có câu :

                      Sắp lưng quày quả lên yên,
                Bóng lìa sông Dịch, thây tan cung Tần !

      Trong bài thơ Tống Biệt Hành của thi sĩ Thâm Tâm thời tiền chiến, đoạn cuối có câu :

                   Sông Hồng chẳng phải xưa Sông Dịch
                   Ta ghét hoài câu ...“nhất khứ hề”...

 SÔNG NGÂN hay NGÂN HÀ 銀河 hoặc NGÂN HÁN 銀漢 gì đều chỉ Giải Thiên Hà 天河 là dải sao dày đặc vắt ngang lưng trời trông mờ mờ như dòng sông bạc, với truyền thuyết về truyện tình của Ngưu Lang và Chức Nữ mà trong dân gian Trung Hoa và Việt Nam không mấy người không biết đến. Trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải có câu :

                        SÔNG NGÂN đã bắc nên cầu,
                     Kẻo lòng Ngưu, Nữ lo âu cách lìa.

       Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thì gọi là NGÂN HÁN khi ngắm sao nhớ người chinh phu ở nơi xa :

                         Bóng NGÂN HÁN khi mờ khi tỏ,
                         Độ Khuê triền buổi có buổi không.

SÔNG TẦN tức TẦN XUYÊN 秦川. Vì từ XUYÊN có nghĩa là dòng sông, nên nhầm là Sông Tần; Thực ra TẦN XUYÊN là chỉ dải đất đồng bằng rộng lớn từ Lũng Sơn đến Quảng Đông, là vùng đất Trung nguyên, là nơi nhiều người quần cư, nên TẦN XUYÊN là từ phiếm chỉ Quê Hương, như trong Nhạc Phủ đời Ngụy Tấn bài Lũng Đầu Ca Từ《隴頭歌辞》魏晋樂府 có hai câu như sau :
                   遙望秦川,   Dao vọng Tần Xuyên,
                   心肝斷絕。   Tâm can đoạn tuyệt.
Có nghĩa :
                   Tần Xuyên trông ngóng xa xa,
              Lòng đau như cắt nhớ nhà khôn khuây.

      Trong Truyện Kiều lúc tiễn đưa Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, Thúy Kiều và Thúc Sinh đã chia tay đầy lưu luyến :

                     SÔNG TẦN một dải xanh xanh,
                 Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan.
                     Cầm tay dài ngắn thở than,
                Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời..


SÔNG TƯƠNG là TƯƠNG GIANG 湘江, còn gọi là TƯƠNG THỦY 湘水, là một nhánh lớn của sông Trường Giang chảy qua Quảng Tây, Hồ Nam, Trường Sa rồi đổ vào Động Đình Hồ. Tương truyền khi vua Thuấn đi tuần ở miền Nam, ngã bệnh và mất ở đất Thương Ngô. Hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm chồng và cùng tự trầm ở dòng sông Tương nầy. Trong một khúc cổ cầm có tựa là Tương Giang Oán 湘江怨 với lời từ của Lương Ý Nương 梁意娘, một nữ sĩ Hậu Chu đời Ngũ Đại ở đất Hồ Nam, trong đó nổi tiếng với các câu :

                   君在湘江頭,  Quân tại Tương Giang đầu,
                   妾在湘江尾。  Thiếp tại Tương Giang vĩ.
                   相思不相見,  Tương tư bất tương kiến,
                   淚滴湘江水。  Lệ trích Tương Giang thủy !
Có nghĩa :
               Chàng ở đầu sông Tương,
               Thiếp ở cuối sông Tương.
               Nhớ nhau mà chẳng gặp được nhau,
               Giọt lệ nhớ thương cùng nhỏ xuống dòng sông Tương !

Một dị bản của câu cuối là :

                   同飲湘江水。  Đồng ẩm Tương Giang thủy.

Có nghĩa là : Cùng uống nước của dòng sông Tương.

      SÔNG TƯƠNG thường dùng để nói lên sự mơ ước nhớ nhung mến thương của lứa đôi, trai gái, người yêu, chồng vợ. Như sau khi trao đổi tín vật và hứa hẹn đá vàng thì Kim Trọng và Thúy Kiều càng tưởng nhớ nhau hơn :

                        Từ phen đá biết tuổi vàng,
                Tình càng thắm thía dạ càng ngẩn ngơ.
                     SÔNG TƯƠNG một dải nông sờ,
                  Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia !
      
Mãi cho đến hiện nay, SÔNG TƯƠNG vẫn còn là dòng sông tương tư thương nhớ của văn nhân thi sĩ và cả nhạc sĩ nữa. Khoảng thập niên năm mươi của Thế kỷ trước, giới thanh niên tuổi trẻ ai mà không biết đến bản nhạc "Ai Về SÔNG TƯƠNG" của nhạc sĩ Thông Đạt. Cho đến hiện nay giới ca nhạc trong nước cũng như hải ngoại vẫn còn hát mãi "Ai có về bên bến SÔNG TƯƠNG, nhắn người duyên dáng tôi thương...."
Mời bấm vào link dưới đây để nghe nhạc.


Đỗ Chiêu Đức   杜紹德



3/2/23

GÓP Ý VỀ BÀI VIẾT " Những từ dùng sai trong ngôn ngữ tiếng Việt "

Dưới đây là những góp Ý rất chân thành và khách quan của tôi, nhằm mục đích làm trong sáng và phong phú hơn tiếng Việt một cách thực tế, phù hợp với " Tập quán Ngôn ngữ " hằng ngày của cộng đồng người VIỆT nói tiếng VIỆT, chớ không lập dị hoặc bới lông tìm vết gì cả !

 *Trước tiên, xin đề cập đến từ " CHUNG CƯ hay CHÚNG CƯ ".
Trích bài viết : của tg Hà Thủy Nguyên)
CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.
Theo tôi nghĩ : Góp ý của Đỗ Chiêu Đức)
Từ CHUNG CƯ là từ được viết gọn lại của nhóm từ CÙNG CHUNG CƯ NGỤ, đã được quần chúng sử dụng từ trước đến nay, nghe đã quen tai, không cần thiết phải đổi lại thành CHÚNG CƯ, nghe vừa xa lạ vừa chói tai, vừa lập dị vừa không hợp với tập quán ngôn ngữ. Xin được giải thích...
Xin được nói về TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, TẬP QUÁN là Thói Quen, NGÔN NGỮ là Tiếng Nói. TẬP QUÁN NGÔN NGỮ là Thói quen của một Tiếng nói nào đó mà mọi người đã quen sử dụng và chấp nhận Ý nghĩa của nó theo Thói Quen. Ví dụ :
Từ CHẮC là CHẮC CHẮN, được sử dụng theo nghĩa KHÔNG CHẮC CHẮN gì cả ! Như các câu sau đây :
- Trời oi bức quá, chiều nay CHẮC mưa.
- Trời mưa, CHẮC nó không đến đâu !
- Tối nay có đi xem phim không ?- CHẮC đi !
Trả lời là " CHẮC đi "để tỏ cái Ý " KHÔNG CHẮC đi " gì cả ! Đó là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ ! Thế thì...
Khi nói " CHUNG CƯ " là mọi người đều hiểu ngay rằng đó là nơi có nhiều người CÙNG CHUNG CƯ TRÚ, chớ không phải là NƠI Ở CUỐI CÙNG, MỒ CHÔN hay NGHĨA ĐỊA gì cả , vì " CHUNG CƯ là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ được mọi người cùng chấp nhận, thì TẠI SAO ta phải đi bới lông tìm vết, bảo nó không chính xác mà phải nói là CHÚNG CƯ cho đúng với cách nói của từ Hán Việt ?! CHÚNG CƯ vừa chói tai khó nghe, vừa không hợp với TẬP QUÁN NGÔN NGỮ !
Ta có bảo người Pháp chào nhau bằng câu : " comment allez vous ? " là sử dụng SAI động từ ALLER ( đi ) không ? Và người MỸ chào nhau bằng câu : " How are you doing ? là dùng không chính xác động từ TO DO ( làm ) không ? Cũng như người Việt ta chào nhau bằng câu : " Có khỏe không ? ", không phải ta dùng sai từ KHỎE đâu, người Hoa chào nhau bằng câu : " Sực fàl mì ? 吃飯沒?" ( Ăn cơm chưa ? ) không phải là họ nói SAI đâu, mà tất cả đều là do TẬP QUÁN NGÔN NGỮ được mọi người cùng chấp nhận mà thôi !!!
Sở dĩ tôi phải nói dài dòng như thế là chỉ để làm cơ sở cho những nhận xét kế tiếp của phần bên dưới.
Ghi chú: phần trích trong bài viết của tg Hà Thủy Nguyên. Phàn góp ý của Đỗ Chiêu Đức


Về từ KHẢ NĂNG 可能

Trích...

KHẢ NĂNG. “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng 可 能 (capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.
* Góp ý :
Theo tôi nghĩ thì : KHẢ NĂNG là Phó Từ, có nghĩa là Có Thể ( perhaps, maybe, possibly ), còn NĂNG LỰC mới là Tài Năng và Sức Lực ( capability, ability ) của con người làm được việc gì đó. Nên câu:
Hôm nay, khả năng trời không mưa.
chỉ là câu nói thiếu chữ, sai văn phạm, chớ không sai từ, nếu nói lại như thế nầy, thì câu sẽ hoàn chỉnh :
Hôm nay, có khả năng trời sẽ không mưa .
Và câu...
Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh…
Nói lại thành...
Con bò nầy có khả năng sẽ chết vì bị bệnh…
Nhưng...
Nếu KHẢ NĂNG là Danh Từ, thì có nghĩa giống như là NĂNG LỰC . VD :
NĂNG LỰC của một người là chỉ KHẢ NĂNG của người đó có thể làm được việc gì đó.



Về từ " HUYỀN THOẠI "

Trích...

HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền 玄 là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại 話 là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 cầu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chữ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”

* Góp ý :

Chưa chắc mình đã giỏi hơn ai, sao lại cười người quá thế ?!

Chỉ đồng ý với cách giải nghĩa đen của từ HUYỀN THOẠI, sao không tìm hiểu NGHĨA BÓNG và NGHĨA PHÁT SINH của một từ mà lại vội tỏ lời khinh bạc sâu cay đối với người khác như thế ?!
HUYỀN THOẠI ngoài nghĩa là " Câu chuyện Huyền diệu, Huyền hoặc, Huyền vi không có thực " ra, còn được sử dụng như là một HÌNH DUNG TỪ để chỉ những khả năng vượt trội siêu thực, khó có thể có được trong đời sống hằng ngày.
Điều cần nhớ, bây giờ NÓ là TÍNH TỪ chớ không phải là DANH TỪ nữa, phải hiểu theo nghĩa HÌNH DUNG của NÓ, thì mới thấy được cái dụng Ý của nhóm từ HUYỀN THOẠI PÉLÉ hay HUYỀN THOẠI MARADONA. Vì đây là những nhân tài Bóng Đá hiếm thấy trong làng TÚC CẦU THẾ GIỚI mà trước mắt hay tương lai cũng khó mà có được !
Hơn nữa đây đã là TẬP QUÁN NGÔN NGỮ, vì mọi người đều chấp nhận gọi thế, Ý nghĩa cũng đã rõ ràng, sao lại còn làm ra vẻ ta đây là " bác học " để chê trách mọi người " Dốt hay nói chữ "!.



Bây giờ thì ta sẽ nói về các từ " HÔN PHU, HÔN THÊ " đây.... 
Trích :
HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.

* Góp ý : HÔN 婚 ( marry, marier ) mà giải nghĩa là CƯỚI là SAI ...BÉT ! Theo tôi học thì HÔN là "GIÁ 嫁 và THÚ 娶", GIÁ là Gã, là Lấy chồng, còn THÚ là Cưới vợ. Vậy, HÔN 婚 là Sự CƯỚI GÃ. Cho nên...
HÔN PHU, HÔN THÊ là Vợ hoặc Chồng có cưới hỏi đàng hoàng, có làm Giấy Giá Thú, Hôn Thú đàng hoàng, chớ không phải Vợ Chồng Tự Kết Hợp, tự mình ăn ở với nhau ! Và khi nói...
HÔN PHU, HÔN THÊ không ai nghĩ đó là nguời chồng u mê, người vợ u mê cả !, mà hiểu ngay đó là VỢ CHỒNG HỢP PHÁP, CÓ CƯỚI HỎI ĐÀNG HOÀNG. Những từ nầy RẤT QUAN TRỌNG đối với các Luật Sư và Tòa Án.
Đâu có ai lập dị một cách... đa sự, mà đi đánh đồng từ ĐỒNG ÂM giữa HÔN PHU 婚夫, HÔN THÊ 婚妻 và HÔN QUÂN 昏君 bao giờ ! Hai chữ HÔN khác nhau xa mà !



Từ PHONG KIẾN . 
Trích ...
Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.
 
* Góp ý : Chỉ đồng Ý với nghĩa đen của từ PHONG KIẾN và trên bình diện nghiên cứu Lịch Sử. Còn về nghĩa thông dụng khi đi vào cuộc sống thì nhận xét như trên là quá hẹp hòi, vì từ... PHONG KIẾN khi dùng rộng ra là để chỉ những Chế Độ Quân Chủ Chuyên Chế lạc hậu so với phong trào đấu tranh Dân Chủ đang lên. Gọi Chế Độ Quân Chủ CHUYÊN CHẾ là PHONG KIẾN để Nhấn Mạnh đến tính chất lạc hậu, cổ hủ, không có nhân quyền... so với Chế độ DÂN CHỦ mới mẻ tôn trọng quyền sống của con người hơn. Trong lúc muốn đả phá cái cũ lạc hậu có nói quá lố một chút cũng là chuyện bình thường mà thôi. Chính vì thế mà khi chấp chánh Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM đã chủ trương BÀI PHONG ĐẢ THỰC ( Bài trừ phong kiến và Đánh đuổi thực dân ) để xây dựng cuộc sống mới . Đâu phải tại dốt và dùng sai từ PHONG KIẾN đâu !



Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm). 

QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. 
Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giố mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu. Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日. 
Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc. 

GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng. 

* Góp ý : Theo tôi nghĩ, gọi ... QUỐC GIỖ, GÓA PHỤ là một Sáng tạo làm giàu thêm cho ngôn ngữ tiếng Việt đó chứ ! Sao lại cứ phải khăn khăn ghép từ theo kiểu Hán Việt thế ?! Chả lẻ lại gọi là NGÀY QUỐC KỴ hay toàn Nôm là NGÀY GIỖ NƯỚC ? Còn... GÓA PHỤ hay QUẢ PHỤ gì thì đều là những từ thông dụng đã đi vào TẬP QUÁN NGÔN NGỮ của tiếng Việt, sao lại còn phải thắc mắc ?!!! Còn luôn miệng bảo là phải ghép hai chữ Hán lại thành một từ mới hợp với Văn Phạm Hán Việt (???) thì xin hãy quên đi !!! 

Mời xem các Ví dụ sau đây : 
Từ HÁN VIỆT : HƯƠNG là THƠM ( NÔM ), ta có từ Ghép : Hương Thơm. 
HOA là BÔNG, ta có từ Ghép : Bông Hoa. 
KÝ là GỞI , ta có từ Ghép : Ký Gởi. 
PHÂN là CHIA, ta có từ Ghép : Phân Chia. 
LÝ là LẼ, ta có từ Ghép : Lý Lẽ.
SANH là ĐẺ, ta có từ Ghép : Sanh Đẻ. 
TIẾP là NỐI , ta có từ Ghép : Tiếp Nối....... nhiều vô số kể !.... AI ? Ai dám bảo là KHÔNG THỂ GHÉP MỘT TIẾNG HÁN và MỘT TIẾNG NÔM lại để thành lập một từ mới ?!



Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm. 

X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi về kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang 光 có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chăn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?

* Góp ý :

Luôn miệng mạt sát và mỉa mai người khác ( “đại giáo sư tiến sĩ” nào ), mà không biết đến sự cổ hủ, cố chấp của mình !
TIA X là Tia gì ? Tia Sáng, Tia Chớp, Tia Nước hay Tia... Nhìn ?! Trong khi...
X- QUANG có nghĩa là : TIA SÁNG X .
Nói chơi thế thôi, chớ TIA -X hay X- QUANG ( tia Röntgen ) gì mà chả được ! Có cần phải khó chịu đến nỗi phải lý luận tràng giang đại hải khoe mình uyên bác như trên kia không ?!
TIA-X hay X-QUANG đều dễ hiểu, dễ đi vào quần chúng, thì thôi, thắc mắc làm gì cho nó ốm ?!
Sự thật X-QUANG là lấy từ " X-光 " của người Hoa phiên âm sẵn, rồi ta lấy xài luôn cho tiện, khỏi mất công ! Chuyện nầy cũng không phải mới mẻ gì mà đã từng xảy ra trong quá khứ và còn ảnh hưởng mãi cho đến hiện nay. Ví Dụ :
Người Hoa phiên âm chữ CANADA là 加拿大 ( Jia-na-da ), ta dịch ra Hán Việt là nước GIA NÃ ĐẠI. Tương tự ITALI, họ phiên âm là 意大利 ( Yi-da-li ), ta dịch và gọi là nước Ý ĐẠI LỢI. v.v. và .v.v .... đâu có chết " thằng Tây " Phú Lang Sa nào đâu, thắc mắc làm gì cho nó mệt ?!

**********
Kết luận:
Tương tự như thế, suốt bài viết, tác giả bài viết tưởng rằng mình giỏi Hán Việt lắm, cứ chê trách tập thể cộng đồng người Việt nói tiếng Việt dốt nát, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thực ra, sửa sai mà sửa một cách lập dị, cố chấp, thiếu đầu óc thông thoáng và hiểu biết, thì chưa biết là ai " buồn cười " hơn ai đây ?!

Suốt từ đầu đến cuối gồm 16 mục Hà Thủy Nguyên (?) luôn miệng bảo : Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm. ( ? ) Không biết là cái Văn Phạm nầy HTN học từ đâu ra mà cứng ngắt không linh động chút nào cả ! Vả lại, chữ Hán Việt cổ có Văn Phạm đâu mà học ?! Ngay cả dấu chấm câu còn không có mà làm sao có Văn Phạm được ?! . Nhưng thôi, ta hãy nói chuyện chính trước...

Xuất phát từ động cơ tốt, muốn làm rõ nghĩa để sử dụng từ ngữ một cách chính xác hơn, nhưng cách nhận xét và phê bình của Bài Viết có vẻ thô lổ, cộc cằn, luôn miệng mỉa mai, xài xể bóng gió những từ ngữ được đề cập... do ai đó tạo ra, đưa ra ! Thật tội nghiệp ! Nói và Viết nghiêm chỉnh đàng hoàng còn chưa có tác dụng, huống hồ với giọng điệu trịch thượng, ta đây như Bài Viết thì làm sao mà đạt mục đích yêu cầu cho được. Xin được dẫn chứng...
Khoảng giữa năm 1994, dân Sài Gòn đọc được một bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng của Giáo Sư Lương Duy Thứ, Trưởng Khoa Trung của Đại Học Tổng Hợp vừa chuyển sang thành Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, nội dung bài báo đề cập đến việc nên dùng từ " CHÚNG CƯ " thay thế cho từ " CHUNG CƯ " giống như bài viết nầy đã đề cập. Sau đó, các báo, đài đều hưởng ứng dùng từ CHÚNG CƯ thay thế cho CHUNG CƯ, nhưng , chỉ một thời gian sau và mãi cho đến hiện nay, đã hơn 20 năm qua , thì... đâu vẫn hoàn đấy ! Tập thể Quần Chúng nói tiếng Việt vẫn thích dùng từ CHUNG CƯ hơn là CHÚNG CƯ !!! Tất cả báo đài trước mắt đều quảng cáo cho các CHUNG CƯ CAO CẤP, chớ không phải CHÚNG CƯ nữa !
Từ đó, ta có thể xác định lại một lần nữa là : Cái TẬP QUÁN NGÔN NGỮ của quần chúng, NÓ mạnh biết chừng nào !. Nên, theo tôi thì...
Những từ nào đã được tập thể quần chúng nhân dân sử dụng rộng rãi rồi thì... thôi, ta nên chấp nhận ( không chấp nhận cũng không được ! ) Nó như là một thành viên mới trong gia đình, nếu tự bản thân Nó không ổn, chắc chắn Nó sẽ bị đào thải mà thôi ! Ví dụ như từ " CHÚNG CƯ " đã nêu ở trên.
Trở ngược về xa hơn, ta thấy trong TRUYỆN KIỀU của cụ NGUYỄN DU cũng có những từ đã bị đào thải theo thời gian, như :

Vài tuần chưa cạn chén khuyên,
Mái ngoài NGHỈ đã giục liền ruổi xe,
Xót con lòng nặng CHỀ CHỀ,
Trước yên ông đã NẰN NÌ thấp cao.

NGHỈ : là Nhân Vật Đại từ, Ngôi thứ ba số it.
Nặng CHỀ CHỀ : Bây giờ ta nói là Nặng CHÌNH CHỊCH.
NẰN NÌ : là Năn Nỉ.
Trong khoảng đầu thập niên 60 của thế kỉ trước rất thịnh hành các từ " Lấy Le ", " Bỏ qua đi Tám ! ", " Hứa Lèo "... Nhưng sau 1975 thì các từ nầy biệt dạng luôn ! Cũng như sau 1975 Miền Bắc đã cho du nhập vào Miền Nam các từ : " Lính Thủy đánh bộ ", " Trung Tâm Nghe Nhìn ", " Máy bay lên thẳng "... như bài viết đã đề cập, nhưng bây giờ khi nhắc đến quân đội MỸ, họ vẫn sử dụng từ " Thủy Quân Lục Chiến, Trực Thăng Chiến Đấu ... như thường !
Vì thế mà ...
Ta thấy, Ngôn Ngữ tự nó có sức sống và giá trị riêng của nó, nên cũng đừng quá lo lắng ưu tư đối với các từ như : " Bê-tông hóa ", " tin tặc ", " Lưu Ban ", " Kích Cầu ". ... Nếu không đủ sức thuyết phục người nghe người nói thì tự nó sẽ bị đào thải mà thôi !
Một điều đáng nói nữa là vì là lân bang tiếp xúc lâu ngày với ngôn ngữ Trung Quốc, nên bị ảnh hưởng bởi một số từ của Tiếng Hán Hiện Đại, như :
Sự Cố 事故 : là Nguyên nhân xảy ra một sự việc nào đó, hàm Ý chỉ : Có sự việc rắc rối xảy ra. Còn Cố Sự 故事: là Chuyện Đời Xưa hoặc là Một câu chuyện nào đó .
Kiêu Ngạo 驕傲: Ngoài nghĩa Kiêu Căng Ngang Ngược, Kiêu Ngạo còn có nghĩa là Làm Phách. Vì không hiểu nghĩa nầy trong Tiếng Hán Hiện Đại, nên người viết bài nầy mới không giải thích được câu hỏi của người bạn. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo với người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được. Kiêu Ngạo là Làm Phách. Nên ”Thằng A hay kiêu ngạo với người khác.” là " Thằng A hay làm phách với người khác " Thế thôi !

Tham Quan 參觀 : Tham là Tham gia, Quan là xem xét, nhìn ngắm. Đi THAM QUAN là đi tham gia để xem xét và ngắm nhìn cái gì đó, nơi nào đó, chớ không phải như người viết đã mỉa mai. THAM QUAN. 參觀 : Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.

ĐĂNG KÝ 登記 : là Ghi chép, là Viết lại cái gì đó. Vì không hiểu nghĩa nầy, nên người viết bài đã lên tiếng mỉa mai một cách rất buồn cười như sau : Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày nay, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

Người viết còn không phân biệt được Tiếng Hán Cổ và Tiếng Hán Hiện Đại, nên đã viết...
Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa.

Tham khảo Bài viết của Hà Thủy Nguyên: Những từ dùng sai trong tiếng Việt

2/28/23

MÙA BẮT BA KHÍA

Phùng Nhân

        Năm nào cũng vậy, khi tiết trời vào tới tháng Bảy âm lịch, thì cư dân trong làng Lộc Thuận huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre họ đã chuẩn (chửng) bị hết rồi. Từ mấy gịa muối hột, chiếc xuồng ba lá, xuồng vịt, ghe tam bảng cho tới cái đèn soi và đá lửa hột quẹt với một chai dầu lửa, đó là tất cả những thứ cần thiết mà người đi soi Ba Khiá cần phải có trong lúc vào mùa.

Ảnh internet
        Riêng gia đình ông Bảy thì đã có một chiếc xuồng vịt từ lâu, đó là một phương tiện sanh nhai cho những người nào đang sống trong vùng sông nước miệt Bến Tre. Nhưng nó đã tróc đường hèm, mấy ngày nay hai vợ chồng ông phải xú dầu chai để mà xảm trét lại.Công việc làm tuy cực khổ, nhưng đó là huê lợi Trời cho hằng năm để kiếm miếng ăn. Hễ tới mùa nào, thì kiếm ăn thứ đó. Nhưng mùa bắt Ba Khiá năm nay, ở trong cái xóm nầy chỉ có hai vợ chồng ông là hăm hở. Còn lại bao nhiêu thì họ lo đi phát đất để cấy lúa mùa, hoặc trồng giồng để kiếm tạm miếng ăn. Vì mắm Ba Khiá coi dễ làm như vậy, nhưng nó hay bị hư. Nếu khi ướp muối hột không đều tay, thì chỉ cần một số con Ba Khiá bị thúi, thì cái mùi của nó cũng sẽ lan dần qua nguyên khạp mắm.

        Con Ba Khiá nó khác với con Nha. Con Nha thì thường làm hang và sống ở trên ruộng, trong bờ, cái mu (mai) của nó có màu hơi đen sậm, cặp càng cũng lớn. Còn con Ba Khiá thì nhỏ con hơn, cái mu có màu hơi tiá lợt, ngoài chót càng màu đỏ ớt chín cây. Nhưng con Ba Khiá thường sống ở rừng mắm, rừng bần, cặp theo những con xẻo sầm uất bóng đêm. Cũng chính vì vậy mà người đi bắt nó, phải chịu cảnh đối đầu với bầy muỗi đói. Có lẻ con Ba Khiá nhờ ăn bông mắm, bông bần mà thịt của nó rất ngon, nên muối làm mắm chừng một tuần lể sau thì bay mùi thơm phức. Còn người nào vừa hết bịnh, thìăn rất mau tiêu cơm. Còn người nào có chửa, thìăn cơm no cành bụng cũng không biết ngán…

Ba khiá (Ảnh internet)
           Thông thường con Ba Khiá và con Nha người ta chỉ có làm mắm, hoặc thỉnh thoảng nấu canh chua với trái đậu bắp mà thôi. Vì khi nấu canh chua thì màu nước hơn đen, nhưng ăn cơm húp vô một miếng thì nghe cái mùi ngọt dịu thâm trầm chạy xuống dài trong bao tử. Nhưng quê tôi ở làng Lộc Thuận cách đây chừng 60 – 70 năm thì Ba Khiá thiếu cha gì, người ta chỉăn cua biển, còn Ba Khiá, Nha thì chỉ có nước xách đèn đi soi về làm mắm, để dành ăn trong những ngày nước rong không thể ra đồng.

        Trưa hôm nay hai vợ chồng ông Bảy lo ăn cơm cho sớm, để đợi tới con nước ròng rồi bơi xuồng đi xuống Rạch Mây. Vì ở nơi đó tới tháng nầy, khi nước lớn đầy mà thì tụi Ba Khiá đeo lên nhánh bần, nhánh mắm thành một màu đỏ chạch.Còn bà Bảy thì lo cụ bị mấy chai nước mưa lượt sạch xách xuống xuồng, sau đó bưng mấy gịa muối hột đổ xuống khoang, rồi chặt thêm mấy tàu lá dừa nước phủ lại. Xong xuôi đâu đó rồi bà nhìn ông hỏi:

- Đâu ba sắp nhỏ coi còn thiếu thứ gì hôn?

        Ông nhìn bà, nói nhỏ:

– Bà lo mấy vung giấy quyến, với gộp thuốc rê cho tôi. Vì thiếu nó thì tui không chịu nổi…

        Hai vợ chồng ngồi bàn tính một hồi, thì con nước ròng từ con rạch Cả Muồng bắt đầu chảy xuôi ra biển cả.Ông nhìn bà hối:

Má nó coi còn thiếu thứ gì hôn. Nếu không thì mình đi cho kịp nước.

        Trong lúc bà đi lấy cây dầm, còn ông Bảy thì lo đi xách cây đèn dầu chai. Vì chỉ có loại đèn nầy khi đi ra gió thì không sợ tắt. Hai vợ chồng xuôi theo con nước mà bơi. Thỉnh thoảng ông Bảy cũng cất giọng ca bài vọng cổ. Bà Bảy thì ngồi trước mũi xuồng nhìn trời rộng bao la. Một buổi trưa tháng bảy thật buồn, khi đi ngang qua voi đất của ông Bộ Hùng. Bất ngờ có tiếng chim Bìm Bịp kêu lên rất làãm đạm. Bà nhìn ông nói nhỏ:

Ba sắp nhỏ à. Nghe tiếng chim Bìm Bịp kêu làm cho tôi chạnh nhớ tới hôm năm rồi, cũng tới mùa mắm mình bơi xuồng đi lên chợ Mỹ Tho ngồi bán mắm Ba Khiá. Mình có nhớ hôn, xém một chút nữa thì tui bị tụi “bối” nó móc túi hết tiền rồi. Từ đó đền nay hễ mỗi lần đi tói chỗ đám đông, thì tui cứ bịn miệng túi vậy thôi cứng ngắt.

        Ông phà hơi thuốc rê bay ra, rồi nói:

– Mai mốt bà may một cái ruột tượng mà đeo. Tui thấy làm như vậy thì chắc ăn dữ lắm, chớ còn gài kim gút thì đối với tụi bối có nhầm nhò gì…

        Bà Bảy cười cười, rồi cãi lại:

– Ý… đâu có được ông. Đó là đàn bà Bắc Kỳ, còn tui Nam Kỳ cuốc làm như vậy thì bị họ nói…

        Hai vợ chồng nói chuyện dần lân một hồi thì chiếc xuồng bơi theo con nước cũng ra khỏi họng vàm con rạch Cả Muồng, từ nơi đây đi xuống tới Rạch Mây chắc cũng còn xa hơn 7 cây số. Con sông Ba Lai khúc nầy tuy không lớn, nhưng là một khúc sông nguy hiểm cho những ghe xuồng. Vì thường có những cơn sóng dữ nổi lên mà không báo trước, nên những người đi quơ củi, hay đi qua sông họ rất sợ ở chỗ nầy, nhưng rồi cũng phải đi qua. Vì phía bên kia là xã Bình Khương, chạy dài xuống tới Tân Xuân là một dãy rừng Chà Là bất tận, còn cặp theo hai mé xẻo thì dừa nước mọc tối trời. Chỉ cần chóng chiếc xuồng vô đây, đốn cây cà bắp rồi róc lạc ra chở về bán cho mấy vựa lá cũng đủ gạo ăn. Còn người nào có ghe lớn, thì họ đốn chà là vác chất xuống ghe, rồi chở đi lên mấy vựa cây ở Mỹ Tho bán lại. Nhờ vậy mà con nhà nghèo cũng sống đắp đổi qua ngày. Còn cua cáở trong miệt đất nầy biết bao nhiêu mà kể…

        Ông Bảy thấy nước chảy xuôi cũng không có gì gấp rút, nên ông ngừng tay rồi vấn một điếu thuốc rê, sau khi le lưỡi liếm cho hai đầu giấy quyến nó dính chặc với nhau rồi đưa lên môi bập. Bập xong mấy cái, ông thấy khỏe trong người, vì chất thuốc xua tan cơn buồn ngủ đang làm cặp mắt sụp mi. Buồn tình quá ông bắt đầu ca vọng cổ. Bài Phạm Công Cúc Hoa là bài ruột, nên ông nói lối rồi xuống giọng thật mùi. Khi tới chỗ bà mẹ ghẻ là bà Tàu Thị bắt con chồng, là hai anh em Nghi Xuân, Tấn Luật đi chăn trâu làm cho bà Bảy rơi nước mắt, nên bà bệu bạo nói:

Ba sắp nhỏ nó à. Nếu mai mốt tui có chết trước, ông có bước đi thêm bước nữa không? Chớ nghe trong bài ca vọng cổ vừa rồi, làm cho lòng của tui buồn dữ lắm

        Ông Bảy nhìn bà cười, rồi nói:

– Tui đương thèm bước, mà tui nhảy cho mau. Bài ca nầy người ta đặc theo sự tích bên Tàu chưa chắc gì có, mà chỉ cốt khuyên răn người đời, ăn ở với nhau cho có nghĩa có tình. Chỉ có vậy mà bà cũng rơi nước mắt!

        Bà cự lại:

– Ông nói. Phải có tích mới dịch ra tuồng. Chuyện mẹ ghẻ con chồng là chuyện xưa nay. Tui nói vậy chắc ông đã hiều…

        Là vợ chồng ăn ở với nhau có tới mấy mặt con, nên ông đã hiểu cái tánh của bà rất là đa cảm. Tuy là dãi nắng dầm mưa, nhưng bà cũng còn giữ được cái nếp sống của con nhà giàu, nhờ vậy mà căn nhà lá của ông tuy nền đất nhưng lúc nào cũng gọn gàng ngăn nắp trước sau. Ông bèn giả lả:

– Tui nói giỡn với má nó cho vui. Hai vợ chồng tụi mình sẽ sống với nhau cho tới khi đầu bạc răng long, chớ đâu có chuyện gì mà lo xa dữ vậy.

        Bà Bảy đưa tay lên chậm nước mắt, nói:

– Ba sắp nhỏ nó à. Mình ráng làm năm nay Tết may cho mấy đứa nhỏ mỗi đứa một bộ đồ mới để đi mừng tuổi ông bà. Hồi năm rồi nhìn thấy mấy đứa con, mặc đồ cũ mà tui buồn rơi nước mắt…

        Trời bắt đầu sẩm tối, từng lượng sóng nhấp nhô vỗ lách chách dưới mạn xuồng. Ông Bảy hối:

– Má nó ráng phụ bơi mạnh tay một chút nữa đi. Nếu đi trễ gặp nước ngược thì rất mệt…

        Chiếc xuồng lầm lũi rẻ nước mà đi. Nó đã bỏ lại con kinh Giồng Kiến, xẻo Cây Cui, Rạch Gừa, Rạch Vọp, Bà Trang. Nhưng vì xuồng cũ, nước rịn đường hèm tràn vô ngó thấy. Ông Bảy nói:

– Má nó ngừng tay lo tát nước dùm tui, đừng để nước rịn vô, rồi làm muối hột của mình tan ra uổng lắm. Để tôi lủi vô voi đất, má nó xắn cục đất vẻo, rồi vò lại trét đỡ chỗ nào nước mội rịn vô. Đi chuyến nầy về nhà kéo lên ụ, tui mua dầu chai lấp thêm một lớp nữa, còn không thì mấy lá be nầy sẽ mụt hết…

        Tiếng gào tát nước lách chách trong bóng tối lờ mờ tạo ra một âm thanh buồn thảm lạnh lùng. Thỉnh thoảng tiếp đập muỗi vang lên bốp chát âm thầm, để đánh thức bóng đêm, rằng đã có một chiếc xuồng đang bơi tới đây để soi Ba Khiá. Khi tới họng con Rạch Mây, ông Bảy nhẹ tay dầm, rồi tìm chỗ cấm xuống cột dây ngồi trên xuồng đợi nước. Con nước lớn từ từ chảy tới, mang theo cả sự sống của muôn loài, trong đó có cả loài người, nên xứ nào mà xa biển, không có sông nước mênh mông thì sẽ không phát triển.

        Câu ca dao mà người dân ở đây hay hát “xứ nào vui cho bằng bằng xứ cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi, vậy chớ đỉa lền tợ bánh canh”. Còn đêm nay, ở ngay chỗ Rạch Mây nầy.Hai vợ chồng ông Bảy không biết nó có thua kém gì hôn. Chớ mỗi khi đêm xuống, thì tiếng muỗi kêu cũng là sầu thảm. Ông nhìn bà nói:

– Má sắp nhỏ coi quấn lại cái khăn cho bít cần cổ nghe. Còn tui thì coi lại cây đèn. Mình bắt đầu chóng xuồng vô, đi tới đâu bắt nó tới đó. Nếu chưa đầy xuồng, khi trở ra thì mình bắt tiếp…

        Bà nhìn ông nói trong bóng đêm:

– Hình như nước chưa đầy mà ông…

        Ông Bảy nói:

Tui biết. Nước lên tới cỡ nầy thì tụi Ba Khiá đã bị ngập hang rồi, bây giờ tụi nó đang đeo nhánh mắm, nhánh bần mà nhí nha nhí nhảnh hò hẹn với nhau.

        Trong bóng đêm dưới ánh trăng non đang rựng mọc ở phía chân trời, có một chiếc xuồng đang lách mình chun vô con Rạch Mây âm thầm không tiếng động. Khi đi qua khỏi hai cái voi đất, thì ông Bảy một tay cầmcây sào, một tay quơ cây đèn chai lên mấy nhánh cây, rồi nói:

– Có Ba Khía rồi bà. Coi mòi cũng bộn à…

        Nói xong ông quơ cây sào lên cháng cây, từng cặp Ba Khiá đang ôm nhau tình tự buông tay rơi xuống. Những tiếng rớt nghe lộp độp trong xuồng, làm cho hai vợ chồng bà cảm thấy rất vui. Chừng vài giờ đồng hồ sau, thì sẽ đầy xuồng chớ không có ít. Lâu lâu ông Bảy cũng hạ cái đèn dầu chai rọi xuống khoang xuồng, để cho bà Bảy cầm cái mo cau xúc muối hột rải lên, khiến cho mấy con Ba Khiá ăn muối nằm yên mà chịu trận.

        Càng vô sâu chừng nào thì Ba Khiá nó hội rất nhiều, trên những chạc cây chỉ toàn một màu đỏ nhờ nhờ trong bóng tối. Nhưng muốn gạt cho tụi nó buông tay, thì phải là người có kinh nghiệm với nghề làm mắm nầy. Còn không, gạt nó không rớt mà còn làm động ổ tụi nó rút đi mất hết.

        Con Ba Khiá trong mùa nầy rất sạch, vì khi nước lớn ngập hang thì tụi nó bò ra, rồi tắm rửa giỡn hớt một hồi, sau đó mới bò lên nhánh mắm, nhánh bần hội tụ. Rồi tụi nó làm chồng làm vợ với nhau, sau đó con cái mang bầu, cái yếm của nó mang một chùm trứng để chờ sanh nở. Dòng đời như vậy cứ tiếp tục xoay dần, nếu con người không tàn phá đến thiên nhiên, thì thiên nhiên sẽ nuôi sống con người thật là phong phú.

        Công việc làm coi vậy mà cũng mệt rất nhiều, nên ông Bảy chóng cây sào nghỉ mệt một chút cho đỡ mỏi tay, rồi ông vấn một điếu rêđưa lên môi bập. Ông nhìn bà Bảy, hỏi:

– Má nó làm một điếu nghen…

        Bà Bảy trả lời:

– Ừ… ông vấn cho tui một điếu bập cho vui. Chớ muỗi nó bu vào hai mang tai cắn chắc là sần mình sần mẩy.

        Rồi công việc tiếp tục, khi chiếc xuồng Ba Khiá khẩm muốn lừ đừ ông Bảy nghỉ tay. Nhìn bà nói:

Đủ rồi má sắp nhỏ à…

        Trong bóng đêm hai bàn tay của bà rất là thuần thục. Bà rải thêm một mớ muối hột phủ kín con Ba Khiá, rồi lo rửa tay cho sạch sẽ mới lấy mấy cục cơm nếp ép gọn trong cái mo cau. Sau đó chòm người tới đưa cho ông. Hai người vừa ăn vừa đập muỗi. Tiếng nhai cơm nếp, hoà lẫn với tiếng xào xạc của rừng cây, đã tạo ra một âm thanh kỳ lạ đến rợn người. Chỉ có những người nghèo khổ, vì kế sanh nhai, mà phải bơi xuồng đi trong đêm tối.

        Chiếc xuồng quay mũi trở ra, khi tới vàm xẻo thì nước đã vựt ròng, nên hai vợ chồng phải chóng cái xuồng đi tìm voi đất rồi cấm lại. Hai vợ chồng ngủ ngồi một giấc cho quá nửa đêm, khi con nước lớn đẩy chiếc xuồng nổi lên trên mặt nước.

        Hai vợ chồng đều tỉnh ngủ, vấn mỗi người một điếu thuốc bập cho vui. Cũng chính vì những thói quen nầy, mà mấy người đàn bà nhà quê họ thường hay ghiền thuốc.Chiếc xuồng vẫn êm ái nhẹ nhàng lướt đi trên một khúc sông im ắng đến lạnh người. Thỉnh thoảng cũng có tiếng cá Sửu, cá Chẻm, cá Đối, cá Chim táp mồi trong bãi bần vang lên lồng lộng. Ông nhìn bà nói:

– Ráng làm để dành tiền ra giêng tôi sắm ít giềng câu. Tui với má nó bơi xuồng xuống đây giăng câu cũng đủ sống.

        Tiếp theo sau đó là một tiếng thở dài. Vì thời buổi nầy lưỡi câu và dây nhợ nó mắc vô phương, con nhà nghèo thì đừng có mong mơ tưởng. Khi bơi xuồng về tới nhà thì trời cũng hừng đông, cho dù cực khổ tới đâu, hai vợ chồng cũng ráng làm cho xong việc.

        Ông Bảy lẹ làng nhảy lên bờ cột dây xuồng, rồi xúc từng rổ Ba Khiá đầy vun, bưng vô đổ đầy trong mấy cái khạp da lươn, xong cái nào ông xúc muối hột rắc lên rồi dùng thanh tre gài lại. Bốn cái khạp da lươn đầy ắp mắm Ba Khiá để một dãy sau hè, còn cạnh đó là mấy máy vú nước mưa, mà bà Bảy đã dầm mưa hứng cho đầy rồi đập nắp lại để dành uống trong mùa hạn hán.

        Hai vợ chồng ông Bảy sau đó ngủ một giấc sảy tay, tới chiều thì mới thức dậy lo nấu cơm cho sắp nhỏ. Một bầy con như một tổ chim non, đang nằm trong ổ chờ mồi. Chớ tụi nóđâu có biết rằng, muốn có một miếng mồi để móm cho con, thì chim mẹ phải lặn lội suốt ngày nơi đồng vắng.

        Mới đó mà một tuần lễ trôi qua, bà Bảy đi ra sau hè giở mấy khạp mắm ra thăm thử, thì hởi ơi mấy khạp mắm đã khẩm mùi. Cái nầy mấy người làm mắm họ thường nói mắm bị hư, nên trong ruột gan bà Bảy bắt đầu bấn loạn. Lúc đó thì ông Bảy không có ở nhà, chắc đang tán dóc với anh em, nên bà lật đật bắt một cái trả lên trên bếp lửa, rồi xúc muối hột đổ vào. Đợi cho nước sôi vài dạo bà hớt bọt cho trong, rồi san ra từng ãng nấu thêm ba trả nữa.

        Công việc làm tuy có mệt nhưng bà cũng phải ráng hết sức mình, có tận thiên mệnh mới truy ra số phận. Bà vớt từng thúng Ba Khiá ra để trên giàn cho ráo nước, rồi bà sắp trở vô, đợi nước muối nấu thiệt nguội rồi đổ vô gày lại. Vừa lúc đó thì ông Bảy về tới, hỏi:

– Vậy chớ má sắp nhỏ làm cái gì mà coi mệt vậy?

        Bà vừa thở, vừa than:

– Mấy khạp mắm Ba Khiá bị hư hết rồi ông ơi!

        Ông Bảy ngồi xuống cái giường cây, rồi nói nhỏ:

– Để tui đái vô khạp cho nóthơm trở lại nghen bà…

        Bà Bảy la lên:

– Ý … đâu có được ông. Ai bày ông vậy hả?

– Tụi thằng Tư Sai, Ba Điểu, Bốn Hoằng, Năm Khạp. Mấy ông nầy chuyên môn đi chèo ghe mướn cho xứ Cà Mau, tụi nó nói từ miệt rừng U Minh Hạ, Năm Căn mà chèo lên tới Sàigòn cũng gần mười bữa. Chủ ghe mắm họ biểu mấy ông nầy, hễ mắc đái, thì cứ đái trong ghe. Nhờ nước đái, mà mắm Ba Khiá ngon dữ lắm…

        Vừa nghe qua bà Bảy cự lại liền:

– Đồ ăn của người ta, mà mấy ông nhậu rồi nói bậy không sợ tội. Tui đã nấu nước muối để nguội gày lại kỹ rồi.Đợi một tuần lễ nữa thì sẽ hay, nều không được ngon, thì tôi gày thêm vài tháng nữa cho rã thịt. Sau đó tui chịu cực nấu làm nước “mắm đồng” để dành ăn cũng được cả năm. Chớ ai đâu mà tin những điều tầm bậy…

        Hai vợ chồng ngồi nói chuyện láp giáp một hồi thì cũng làm thinh. Bởi trong cái đạo vợ chồng, sự yêu thương không cần lời nói. Mà phải bằng hành động, hai người phải hiểu nhau, người nầy nói, người kia lắng nghe, thì trong đó sẽ có sự yêu thương bền chặt.

        Gà buổi trưa trong xóm bắt đầu gáy vang lên lồng lộng, xen lẫn với tiếng cục tác của mái tơ, chắc đang tìm ổ để đẻ lứa so, nên tiếng cục tác của nó rất là vồn vã. Cặp theo bờ đất con rạch Cả Muồng, là một dãy đất rộng mêng mông. Nhưng dường như tất cả là của tụi Chà Đò (Chà Và), mà người dân ở nơi đây do tổ tiên để lại, hoặc khai phá sau nầy nhưng vì thua bài bạc, hoặc chạy chức ông Tổng ông Cai, nên lần lượt đi vay hỏi tụi Chà Đò, khi quá hạn trả thì bị tụi nầy qua bộ…

        Con kinh Cả Muồng vẫn trầm mặc với tháng năm, vẫn có những cái búng sâu cho cá tôm về trú ngụ. Nhưng muốn bắt được thì phải có miệng chài, hoặc mấy đường câu. Chớ còn đi nom, đi xúc thì chỉ đủ ăn chớ không khá được. Riêng về cửa nhà ông Bảy, nhờ có mấy bụi tre gai. Khi cây tre đã già, thì ông đốn xuống rồi đem ngâm dưới bùn chừng 6 tháng. Sau đó chẻ ra rồi bện đăng làm lọp, làm giẹp, làm bung. Nhờ vậy mà tới nước rong ông đem gày trên họng xẻo, hoặc mấy con mương, còn tới nước kém thì đem gày dưới búng.

        Mới đó mà mấy khạp mắm của bà Bảy cũng đủ cử mười ngày, trưa nay bà mới giở nấp ra thăm, một mùi thơm của mắm bay ra thật là dễ chịu. Bà liền khom người xuống, bợ mấy tảng đá cục bỏ ra, rồi giở từng nan tre sắp ra trên cái ảng. Bà bốc ra mấy con để thử trên cái dĩa bàn, rồi bẻ từng cái chèo của nó rút ra. Quả thật đúng như bà dự đoán, từng cái chèo rút ra có kèm theo cả bắp thịt còn nguyên bóng lưởng, đó là dấu hiệu của con mắm đã trở mình. Bà liền đưa lên miệng nếm thử. Tuy hương vị không được đậm đà như mấy kỳ mắm vừa rồi. Chớ nó cũng ngon, như vậy thì đem ra chợ bán được rồi, hoặc gánh đi lên chợ Vang Quới bán, hoặc đổi dừa khô về nhà thắng dầu dừa để dành xức tóc cho mượt cũng được.

        Bà giở ra thăm mấy khạp mắm xong xuôi, khạp nào cũng bay mùi thơm rất nhẹ. Bà liền bắt ra chừng một chục có đầu, sau đó bà đi ra trước giồng quằn nhánh khế chua thấp xuống, rồi hái đem vô năm trái. Khi đi ngang qua lảnh rau, tiện tay bà ngắt một nắm rau râm đem vô rửa sạch, rồi ngồi xuống ghế xắt lát mấy trái khế chua bỏ chung vô trong cái tượng hột xoài.

        Bà chậm rãi tách mu Ba Khía ra, gỡ bỏ cái yếm xong, bà bẻ từng cục nhỏ ra trông rất là bắt mắt. Xong xuôi mấy việc đó, bà mới đi hái hai trái ớt sừng trâu, đem vô xắt nhỏ cùng vài ba tép tỏi. Bà bầm lộp cộp một hồi, rồi đổ vô hết trong tô. Sau đó cầm đũa lên trộn cho đều, rồi đậy nấp lại đợi cho nó thấm.

        Vừa lúc đó thì ông Bảy đi đâu về tới, hỏi:

– Má sắp nhỏ làm gì đó. Cơm nước gì chưa?

        Bà Bảy trả lời:

– Đang bẻ mấy con Ba Khiá ra trộn đặng một lát ăn cơm. Còn ông đi đâu cho tới giờ nầy mới dìa (về)?

        Ông Bảy mặt buồn hiu ngó mong ra cửa, rồi nói:

– Đi lại nhà ông Ba Điểu chơi, định một lát rồi về. Gặp mấy thằng chả đang cáp độ gà, nên tui ở lại…

        Bà sanh nghi, hỏi tiếp:

– Ăn hay thua?

– Thua hết $10 đồng bà ơi…

        Bà nhìn ông, nói:

– Sao ông không biết phận mình. Như vầy thì làm sao để dành tiền mua áo mới cho con, với còn phải sắm mấy giềng câu và một miệng chài nữa chớ!
    
        Ông Bảy biết mình có lỗi, nên nói nhỏ:

– Thôi việc đó nó cũng đã lỡ rồi. Má nó bỏ qua cho tôi đi. Từ đây về sau tôi hứa, không bao giờ như vậy nữa…

        Bà Bảy nghe một niềm sung sướng âm thầm đang thấm dần trong ruột trong gan. Vì phận gái mười hai bến nước, bà đã may mắn cặp được bến trong, mặc dầu hiện tại còn nghèo. Nhưng nếu hai vợ chồng chịu cực ráng làm ăn, thì nuôi tụi sắp nhỏ ăn học để sau nầy làm một ông thầy giáo, nên bà nhìn ông nói:

– Thôi mình rửa tay rồi ăn cơm với tui. Coi cái tài của tui sửa mắm Ba Khiá trở có chiến không. Từ nay trở về sau, nếu bị mắm trở thì mình không còn phải lo xa nữa…

        Ngoài trời cơn nắng buổi xế chiều rắc xuống mặt đất nóng ran, trên nhánh cây mù u trước nhà có mấy con cu gù nhau rất là tình tứ. Thỉnh thoảng tụi nó cũng đạp mái với nhau, đã tạo ra mấy tiềng động lào xào, khi hai cái chưn con cu cườm đang bươi trên lưng con cu mái. Một tiếng động đó rất bất ngờ, rất âm thầm trên những chảng cây cao, chỉ có người dân ở thôn quê mới nghe và thấy được. Bất giác ông Bảy cười khan rồi nói một mình. Con Cu nó chết với nhau vì tiêng gáy…/-

Đại Học Đà Lạt 1970 - Khóa 7 CTKD Kỷ Niệm 50 Năm Nhập Học - Những Ngày Xưa Thân Ái

 
Nguồn:
nhathunhan@googlegroups.com

2/26/23

Nhà sư và linh mục


Chùa Bảo Sái - Việt Nam linh thiêng Cổ Tự
Linh mục Nguyên Khải vừa lên tới chân núi Yên Tử thì trời mưa tầm tã. Núi Yên Tử thuộc xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, là một dãy núi cao nằm ở phía đông bắc Việt Nam. Mặc dù Cha Khải có mang theo chiếc ô, vừa che mưa che nắng vừa làm gậy phòng thân, nhưng đụng phải cơn mưa giông, sấm sét rền trời buộc ông phải lách mình vô sơn động núp mưa. Vừa bước vào cửa động Cha Khải suýt dẫm phải con rắn hổ mang bành dài khoảng 6m nằm chắn ngang đang nuốt con rắn lục to bằng hai ngón tay. Đúng lúc đó con chim bồ câu trắng sà xuống đậu trên cành muỗm gần chỗ Cha Khải đứng. 
Con bồ câu vẫn nhận ra ông. Nó kêu cúc cúc, đưa cặp mắt màu hồng tươi lúc ngúc cái đầu nhìn ông. Như những lần trước, khi Cha Khải vừa tới lưng chừng núi ghé am cổ tự Bảo Sái thăm sư Lâm Mộc là con bồ câu xuất hiện như đại diện nhà sư chào đón khách phương xa. Lần nào cũng thế, Cha Khải nhẹ nhàng vuốt đầu nó, thì thầm với nó đôi câu xong là nó bay đi ngay. Năm ngoái, lúc nghỉ chân nơi am Ngọa Vân, Cha Khải đã kịp thời cứu con bồ câu thoát khỏi móng vuốt chim ưng. Lúc đem nó vô chùa, sư Lâm Mộc thấy đốm lông xám trên đỉnh đầu chim nên sư đặt tên là Lam câu và nuôi dưỡng nó đến nay.

Chùa Bảo Sái, xưa kia là một cái am thô sơ được Thiền sư Bảo Sái, đệ tử của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, dựng nên. Vì am cổ tự nằm cheo leo bên vách núi Yên Tử nhiều lần bị sụt lở vì mưa bão, về sau trải qua những biến đổi thăng trầm dần hồi am được trùng tu thành chùa mang tên của Thiền sư Bảo Sái.

Theo dòng thời gian mãi đến cuối thập niên 1930, một hôm chùa Bảo Sái tiếp nhận một đạo sư lang thang lạ mặt. Trang phục của sư thật giản dị, nhiều phần chắp vá và rách rưới. Ông mang đôi giầy vải, cổ đeo tràng hạt lớn, trên vai quàng một tấm vải nâu, râu ria lờm xờm. Cái thân hình hộ pháp trông dữ tợn nhưng ánh mắt thật hiền từ, nồng ấm. Điểm nổi bật ở ông là uyên thâm đạo pháp. Đó là nhà sư Lâm Mộc, đến rồi đi, như con giao long ẩn hiện rầy đây mai đó. Sư vân du khắp nơi, hoằng pháp khắp xứ Bắc kỳ, mùa mưa mới âm thầm trở về chùa. Sư Lâm Mộc là một cao tăng không chủ trương ở chùa. Ngay từ thuở thiếu thời, chịu ảnh hưởng cuộc sống cách mạng chống thực dân Pháp của bố mẹ nên sau một thời gian dài ẩn tu thành tựu tì kheo sư Lâm Mộc đã vân du hoằng pháp đó đây, coi trời đất là nhà, trần gian là chỗ tạm dung. Hằng năm vào mùa mưa, sư Lâm Mộc mới trở về chùa Bảo Sái náu mình trong kho củi ở khu vườn đá phía sau chùa.

Thỉnh thoảng vào trung tuần tháng Sáu, linh mục Nguyên Khải từ giáo phận Vinh lặn lội đường xa vượt núi, đội mưa ghé thăm sư Lâm Mộc vấn an sức khoẻ, thăm hỏi sự tình. Sư Lâm Mộc và linh mục Nguyên Khải có cùng một huyết thống. Hai ông là con sinh đôi của nhà cách mạng Nguyễn Khúc Thụ, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, mẹ là bà Đỗ Thị Nâu thuộc đội hậu cần của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

Năm 1930, ông Nguyễn Khúc Thụ hy sinh tại Yên Bái trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa rạng mồng 10 tháng 2 năm 1930, chiều cùng ngày bà Nâu bị mật thám Pháp treo cổ trong nhà bếp của Cô Giang, người bạn đời chung thủy của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

Cuôc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, Nguyễn Thái Học cùng 12 nghĩa sĩ bị đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Hai hôm sau, Cô Giang, tức nữ chí sĩ cách mạng Nguyễn Thị Giang, đã âm thầm trở về làng Thổ Tang tự sát bằng khẩu súng lục của Nguyễn Thái Học đã tặng cô ở đền Hùng ngày nào. Riêng Cô Bắc, em ruột của Cô Giang, cùng các nghĩa sĩ bị bắt đi tù 5 năm cấm cố. Nguyễn Thị Bắc qua đời năm 1943, khi mới 35 tuổi.

Lúc 13 anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng bị xử chém thì một số đồng đảng thân cận của Nguyễn Thái Học may mắn chạy thoát khỏi sự săn đuổi của mật thám Pháp. Trong cuộc săn đuổi đó có hai người thanh niên tuổi vừa 20, cũng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, hoạt động tích cực cho mục đích đấu tranh giành độc lập dân tộc, tức nhà sư Lâm Mộc và linh mục Nguyên Khải sau này.

Để tránh bị sát hại, hai ông đã phải thay tên đổi họ, chia tay nhau được các nghĩa sĩ bí mật gởi vào nương náu nơi cửa Phật ở Sầm Sơn và nhà thờ Chúa ở Ninh Bình.

Dòng đời cứ thế trôi mau. Thỉnh thoảng các nghĩa sĩ sống sót âm thầm trở về chốn thanh tu vấn an hai vị tu sĩ, nhưng dần hồi không còn thấy họ trở lại nữa. Dù vậy, cả nhà sư và linh mục đều nương vào đấng tối cao để sống còn. Họ không để oán thù dầy xé hoặc đau buồn quật ngã, vẫn hành trì đạo pháp.

Mười năm sau, lúc sư Lâm Mộc đi hóa duyên ngang qua nhà thờ đá Phát Diệm tình cờ gặp Cha Nguyên Khải vừa từ giáo phận Vinh trở về nhà Chúa. Sư và Cha vừa giáp mặt nhau trước cửa Chính Tòa, cả hai đều sửng sốt trố mắt nhìn nhau như thể hai ông đang nhìn vào chính bản thể mình. Là anh em sinh đôi nên họ giống như hai giọt nước, ngay cả các giáo dân của Cha Khải cũng ồ lên kinh ngạc. Từ khi trở thành tu sĩ, hai ông đều đi khắp nơi vừa truyền bá đạo pháp vừa âm thầm dò la tung tích người thân, kết cục cả Cha và Sư không thể ngờ lại có ngày tri ngộ ở Giáo xứ này. Thoáng nhìn qua, sư Lâm Mộc biết ngay đây là sư đệ thất lạc của mình lúc chạy loạn, nhưng sư rất trầm tĩnh, âm thầm niệm hồng danh đức Phật thế tôn. Còn linh mục Nguyên Khải, qua những hoạt động mục vụ của nhà thờ, bản tánh thoáng hoạt hơn, Cha buột miệng nói rất khẽ: “Lạy Chúa tôi! Sư huynh...”. Từ đó, khi có dịp thỉnh thoảng Sư xuống núi hoặc Cha lên núi vấn an nhau. Là bậc tu hành của đấng đại trí đã giác ngộ, Cha Nguyên Khải và Sư Lam Mộc lấy đức báo oán, lấy bác ái của trí nhân làm hướng đi và lấy máu mủ tình thâm mà thăm hỏi sự tình.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Đông Dương chống thực dân Pháp tạo nên cảnh loạn lạc, đói kém, bệnh tật và chết chóc khiến sự đi lại của công chúng bị trở ngại và hạn chế rất nhiều Năm 1954, sau khi quân Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, Hiệp Định Genève được ký kết chấm dứt chiến tranh Đông dương, chia đất nước ra làm hai tại vỹ tuyến 17, đưa đến cuộc di cư vĩ đại vào miền Nam Việt Nam từ tháng 8-1954 đến tháng 5-1955. Trong những cộng đồng Thiên chúa giáo miền Bắc dưới thời Pháp thuộc, các linh mục giữ vai trò lãnh đạo về dân sự và tinh thần.

Cuộc di cư 1954 là một cuộc di cư lịch sử của khoảng một triệu người dân miền Bắc (đa số là người Công giáo) đã ra đi trên những chuyến tàu há mồm do Mỹ và Pháp thực hiện. Trong tất cả những chuyến tàu di cư không tiền khoáng hậu đó không có mặt linh mục Nguyên Khải và sư Lâm Mộc

***
Tôi, người được nghe kể câu chuyện này mà tâm không ngớt dao động. Năm ngoái từ Huế, nhóm Phật tử chúng tôi đã làm một cuộc hành hương ra Hà Nội, từ đó đi xe đò ra Ninh Bình dài khoảng 90km ghé thăm nhà thờ chính tòa Phát Diệm (còn gọi là nhà thờ đá), hôm sau vượt núi Yên Tử lên viếng chùa Bảo Sái. Điểm đặc biệt của nhà thờ đá Phát Diệm được khởi công xây cất từ năm 1875, tuy là nhà thờ Công giáo nhưng lại kiến trúc theo hình thể chùa chiền.

Viếng nhà thờ Phát Diệm, cá nhân tôi chỉ là khách thập phương không có ý dò hỏi, hay mạo muội tìm kiếm dấu vết của linh mục Nguyên Khải. Nhưng chiêm ngưỡng giá trị trăm năm của nhà thờ đá tôi có cảm tưởng như Cha Khải vẫn bàng bạc đâu đó, trong nhà nguyện, trên tường đá hay dưới chân tượng Đức Mẹ Hằng Sống.

Còn chùa Bảo Sái, sau nhiều công trình trùng tu trải dài theo năm tháng, nay đã được mở rộng, gồm chánh điện, nhà Tổ, tượng Phật Bà Quán Thế Âm, tượng Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tượng Thiền sư Bảo Sái, tượng hổ, giếng thiêng và vườn đá phía sau chùa.

Khi lần vào vườn đá, tôi đứng lặng trước biến thiên của dòng đời. Nhà củi, nghe nói nơi nhà sư Lâm Mộc từng cư ngụ, không còn nữa. Tuy vậy, cái nền đất hoang phế cỏ mọc vẫn không phủ lấp hết những thanh củi dựng theo chiều đứng của mô đất. Những thanh củi rêu phong, mục nát, có vẻ như cam chịu nhưng vẫn đứng nghiêng mình theo tuế nguyệt dần qua.

Ở đời có nhiều bậc anh hùng vì nước mà hy sinh, trong đó có những người sống âm thầm như chiếc bóng và chết đi trong vô danh. Nhưng cũng có những người vì hoàn cảnh buộc phải rời khỏi vòng gươm giáo, như sư Lâm Mộc và linh mục Nguyên Khải, với tấm lòng nhân ái mang lại lợi ích cho người, tặng cho đời những suy nghĩ tốt lành, những việc làm dễ thương, họ không là Thánh nhân thì cũng thành nhân.
Phan Ni Tấn

2/25/23

TÔI là Người Nước Nào ?!

 Đỗ Chiêu Đức hiện nay 2023
    Dĩ nhiên, tôi là Đỗ Chiêu Đức, được sanh ra ở xã Thường Thạnh và lớn lên ở xã Thường Thạnh Đông, chợ vườn chồm hổm ở Cái Chanh, 5 giờ sáng nhóm đến khoảng 9-10 giờ sáng thì tan chợ. Cái Chanh cách Thị Trấn Cái Răng khoảng 5 cây số đường đất với cầu ván đóng đinh cũng có, mà cầu tre lắt lẻo cũng nhiều, như câu hát ru em mà tôi thường nghe :

Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi....

    Nên mặc dù là người Việt gốc Hoa (Triều Châu), tôi chỉ biết gọi Cha Mẹ Anh Chị bằng Pá Má Hia Chế và các từ thông dụng như Ăn cơm, ăn cháo là " Chìa bừng, chìa múi..." ra, thì toàn bộ sinh hoạt gia đình đều bằng tiếng Việt của Nam kỳ Lục Tỉnh. 7 tuổi vào trường làng học lớp Đồng Ấu, học đánh vần với quyển Con Gà Con Chó, với các thành ngữ sau khi đã qua vần ngược là :

* Dùi đánh đục, đục đánh săng.
* Ách giữa đàng , mang vào cổ.
* Ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày.
* Đặng buồng nầy, xây buồng nọ.
* Ăn thì có, ó thì không...

Tôi lại nổi tiếng đánh Cờ Nhào giỏi nhất đám con nít ở Cái Chanh. Một hôm, có Bác Ba ở xóm Ông Cò Nhỏ nghe tiếng tôi tìm đến đánh thử, Bác ghìm với tôi chừng nửa tiếng đồng hồ, rồi cũng bị tôi lừa thế nhào đôi một cái, bác chỉ còn có 8 con cờ, đang tìm cách gỡ gạc, đi lầm một nước, tôi lại được dịp nhào ba, còn có 5 con cờ thua là cái chắc. Bác Ba xô bàn cờ đứng dậy, xoa đầu tôi và khen : " Con Tùa Hia thông minh thiệt !". Tôi nổi tiếng " thông minh" từ đó ! 10 tuổi ( 1958) ra chợ Cái Răng học chữ Hoa, cậu tôi mới dạy cho tôi đánh cờ Tướng, và câu chuyện bắt đầu từ đây...

Trước 10 tuổi, lớn lên và học chữ Việt ở xã Thường Thạnh Đông, chợ Cái Chanh. Tôi là một đứa bé nông thôn nhà quê Việt Nam thuần túy. Khi ra đến thị trấn Cái Răng học chữ Hoa ở Trường Tiểu học Tân Triều của người Hoa sáng lập, tôi mới thấy được chiếc xe hơi Traction chạy đưa khách từ Cái Răng đi Cần Thơ, phố xá nhà lầu hai ba từng, và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là một hôm đang trên đường đi tới trường, thì có mấy đứa nhỏ cũng đi học ở một trường Việt gần đó, chỉ trỏ và nói rằng : Mấy đứa "Ba Tàu" giàu hơn mình, đi học phải mang giày, còn mình thì đi chân không thôi ! Tôi không biết "Ba Tàu" là gì, nhưng rồi cũng phải biết, vì 2 tiếng "Ba Tàu" nầy theo tôi suốt thời gian niên thiếu, như khi chuyển sang học luyện thi bằng Tiểu Học ba tháng, lớp tôi 11 đứa đậu được 10 đứa, thì các bạn ở trường Việt lại khen : Mấy đứa "Ba Tàu" nầy giỏi thiệt. Một tháng sau, tôi đậu luôn vào Đệ Thất của trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, thì lại nghe : Cái thằng "Ba Tàu" đó giỏi qúa ! Hai năm sau (1964), cuối năm Đệ Lục tôi đi học lớp luyện thi Trung Học Đệ Nhất Cấp và tôi đi thi ẩu ... và đậu luôn bằng Trung Học Đệ Nhấp Cấp. Mấy anh học Đệ Tứ thi rớt lại mỉa mai một cách thán phục : Cái thằng "Ba Tàu" đó mới học Đệ Lục mà, sao mà đậu bằng Trung Học được ?!

16 tuổi (1964), Tôi và ông bạn Liêu Chương Cầu lên Chợ Lớn làm lao công trong trường Phước Đức ở số 226 đường Khổng Tử ( nay là trường Trần Bội Cơ). Chợ Lớn là nơi kinh doanh buôn bán của người Quảng Đông, cả người Việt vào Chợ Lớn buôn bán cũng biết nói tiếng Quảng Đông. Tôi là người Tiều Châu, tiếng Tiều còn nói không rành, làm sao biết tiếng Quảng Đông mà nói. Tôi và ông bạn Cầu chỉ lõm bõm được vài câu Quan Thoại cà trật cà vuột, nên nhiều khi văn phòng hoặc thầy cô giáo sai biểu hoặc nhờ cậy điều gì, phải nói tới nói lui mấy lần hoặc phải ra dấu thì mới hiểu được, nên các thầy bà đó gọi chúng tôi là "Ón Nàm Chẩy 安南仔" (tiếng Quảng Đông có nghĩa là "Thằng An Nam"). Và không chỉ ở trong trường, đi mua đồ, hay đi ăn cơm ở các sạp cơm bình dân, vì đang tập nói tiếng Quảng Đông nên phát âm không chuẩn, họ vẫn gọi chúng tôi là "Ón Nàm Chẩy" như thường.

50 tuổi (1998), định cư ở Mỹ, rồi phải chạy theo cuộc sống ở đây, đâu có thời giờ để mà đi học tiếng Anh. 56 tuổi (2004) nhập quốc tịch Mỹ, nhưng nói chuyện với Mỹ vẫn "mỏi tay" như thường ! Và mấy người Mỹ làm chung ở trường học vẫn gọi tôi bằng Vietnamese mặc dù tôi đã là công dân Hoa Kỳ rồi, nghĩ có tức không ?! Nhưng nếu nói mình là người Mỹ, thì mình có nói rành tiếng Mỹ đâu mà câu mâu !? Nhưng, đây cũng là một điều bất công rất tự nhiên trên nước Mỹ : Người Đức, Người Ý, Người Pháp, người Anh... nói chung là người da trắng, khi nhập tịch Mỹ là thành ngay Mỹ Trắng. Người Châu Phi bất kể nước nào, nhập tịch Mỹ, thì thành Mỹ Đen. Nhưng người "da vàng mũi tẹt" nhập tịch Mỹ, không có ai gọi là "Mỹ Vàng" cả ! Ngay cả người da vàng với nhau, gặp nhau cũng hỏi : where do you come from ?( Bạn từ đâu đến đây ?) Ý muốn hỏi, bạn là người đến từ Đài Loan, Nhựt Bổn, Việt Nam, Đại Hàn, Phi Luật Tân...

    Dưới 10 tuổi ở Cái Chanh, tôi là em bé quê Việt Nam, khi ra đến chợ Cái Răng thì thành "Ba Tàu", lên đến Chợ Lớn thì lại thành "Ón Nàm Chẩy". Qua đến Mỹ, mặc dù đã nhập tịch rồi vẫn bị gọi là Vietnamese !!! Việt Nam chê, gọi tôi là "Ba Tàu", nhưng họ chưa chắc đã giỏi tiếng Việt bằng tôi. Cũng như Tàu chê tôi, gọi tôi là "Thằng An Nam", nhưng họ cũng đâu có giỏi tiếng Tàu bằng tôi đâu ! Chỉ có Mỹ chê, gọi tôi là Vietnamese thì tôi chịu, vì tôi nói tiếng Mỹ rất " mỏi tay". Rốt cuộc, Đỗ Chiêu Đức là người nước nào đây ?!

    Nhờ các tiền bối, thân hữu "xử" giùm xem, Đỗ Chiêu Đức là người nước nào ? ( Chinese Vietnamese American ?)
Nay kính,

Đỗ Chiêu Đức


TB :

Hỏi chơi thôi ! Chớ tôi là người Việt Nam chính hiệu mà ! Sanh ra và lớn lên ở VN, nơi chôn nhau cắt rún là VN, mồ mả ông bà tổ tiên ở VN, cha mẹ còn ở VN, anh em con cháu còn ở VN ... Chỉ có cái "gốc Hoa" mà thôi ! Mà đã là "gốc" thì mình đâu có chọn lựa được ! Qua Mỹ 20 năm (1998-2018) tôi không có về thăm "gốc" lần nào cả, vì có biết ai bên đó đâu mà "thăm", có thăm thì cũng có ai biết mình là ai đâu mà "viếng"! Nhưng, tôi lại về VN đến 10 lần, cứ chắt mót 2 năm đủ tiền mua vé máy bay là vợ chồng tôi lại bay về VN thăm Cha Mẹ, em út, con cháu và bà con cô bác .... Đặc biệt năm 2013 về VN đến 2 lần vì Ba tôi mất ... Không phải chỉ riêng tôi, mà tất cả người Việt gốc Hoa đều như thế cả ! Về thăm Trung Quốc chỉ là để du lịch khi dư dả, còn về thăm thân nhân ở VN mới là chánh ...

Người Hoa ở VN cho con cái học tiếng Hoa vì sợ mất gốc, cũng giống như người Việt Nam chúng ta hiện nay ở Mỹ cho con cái học tiếng Việt Nam cũng chỉ vì sợ mất gốc mà thôi !

Hỡi ôi ! Buồn thay cho " Cái thứ Ba Tàu !"