12/19/22

TRẬN CHUNG KẾT HAY NHẤT CHO WC HAY NHẤT

Hoàng Ngọc Nguyên





Biển người ở thủ đô Buenos Aires chào mừng đội tuyển quốc gia

    Trận chung kết World Cup (WC) giữa Argentina và Pháp vào ngày 18-12-2022 là một trận đáng ghi nhớ - ít nhất bởi vì nó lần đầu tiên được tổ chức nhằm mùa Giáng Sinh và tại Doha, thủ đô Qatar,  nước Trung Đông đầu tiên được chọn là chủ nhà cho giải vô địch túc cầu thế giới. Hai đội vào chung kết đều rất xứng đáng. Nước Pháp đã hai lần vô địch thế giới, và lần cuối cùng chính là vào năm 2018 tại nước Nga (lần đầu vào năm 1998). Giới quan sát vẫn cho rằng Pháp có nhiều hy vọng thắng WC năm nay, lập thành tích hai lần liên tiếp. Trong khi đó, Argentina cũng hai lần đoạt giải, nhưng từ thời xa lắc xa lơ nhờ “bàn tay của Thượng đế” (Maradona) vào năm 1986. Nhiều người cũng còn nhớ Mario Kempes, người đã đưa Argentina đến chiến thắng WC đầu tiên năm 1978!

Argentina được nhắc nhở nhiều, chinh là nhờ danh thủ Messi - mặc dù anh đã 35. Đây là lần thứ tư Messi tham dự World Cup. Lần thứ nhất năm 2010, Argentina bị Đức loại ở trận tứ  kết 4-0. Lần thứ hai, năm 2014, cũng Đức đá bại Argentina ở trận chung kết 1-0! Người ta cũng còn nhớ trong WC 2018, Pháp đã thắng Argentina ở vòng 16 đội với tỷ số 4-3. Tiền đạo Pháp Kylian Mbappé, 19 tuổi, đã nổi lên trong trận này, làm lu mờ Lionel Messi, lúc đó đã 31 tuổi. Người ta vào thời đó cứ nghĩ đây là trận cuối trong đời của Messi… Làm sao ngờ được Mbappé và Messi lại có dịp gặp nhau lại trong một WC khác. 

Hai đội đã vào chung kết một cách xứng đáng. Argentina vấp ngã ngay trận đầu tiên khi thua Saudi Arabia 1-2, nhưng đã thắng Mexico 2-0, thắng Ba Lan 2-0 để đứng đầu nhóm C. Ở vòng 16, Argentina thắng Úc 2-1; vòng tứ kết, thắng Hòa Lan 4-3; và vòng bán kết thắng Croatia 3-0. Argentina đã vào trận chung kết một cách vững vàng - thủ cũng như công. Trong khi đó, con đường của Pháp gian lao hơn. Pháp thắng Úc 4-1, thắng Đan Mạch 2-1, nhưng để thua Tunisia 0-1 ở nhóm D. Ở vòng 16 đội, Pháp thắng Ba Lan 3-1, vòng tứ kết thắng Anh 2-1 (khá chật vật đến đổi Anh lại có ảo tưởng “đã trưởng thành”) và bán kết thắng Morocco 2-0. Pháp có hai tiền đạo nổi bật là Mbappé (trẻ) và Giroud (già – 36 tuổi) và huấn luyện viên Didier Deschamps là người đưa Pháp đoạt Cúp Vàng năm 2018. Ngoài ra, thủ môn Lloris rất nổi tiếng, đã từng chặn cú đá phạt đền của tiền đạo Harry Kane của đội Anh (hai người cùng chơi cho đội Tottenham của Anh) khiến cho Anh vỡ mộng. Pháp còn có một tiền đạo cực kỳ nổi tiếng là Karim Benzema, đang chơi cho Real Madrid. Anh có tài ghi bàn cực kỳ kỳ diệu. Mặc dù đã 35, Benzema vẫn được xem là một phần tử không có không được. Như thế mà trong tập luyện, Benzema bị trục trặc đầu gối và phải ngồi chơi trong suốt giải! Anh cũng vắng mặt trong WC 2018 vì lý do “tế nhị”: đang bị điều tra về tội làm tiền bạn bè. Nhưng Pháp chẳng sợ thiếu tiền đạo. Một cầu thủ nổi tiếng và trẻ hơn đã có mặt trong hàng ngũ đội tuyển: Antoine Griezmann.

 Trừ trường hợp đội Anh ngã gục trước đội Pháp, những đội lớn bị loại nhưng không là nạn nhân của Pháp hay Argentina – đó là điều cũng đáng nhớ. Chưa nói đến đội Ý, 4 lần vô địch nhưng dã bị loại từ vòng ngoài phải nằm nhà, Brazil (5 lần vô địch thế giới) thua Croatia vì đá phạt đền ở tứ kết; Đức (4 lần) bị loại ngay ở nhóm E vì thua Nhật Bản 1-2; Bỉ bị loại ở bảng F vì thua Morocco 1-2; Tây Ban Nha bị loại ở vòng 16 đội cũng bởi Morocco 0-3! Bồ Đào Nha cũng thua Morocco ở vòng tứ kết 0-1, Uruguay hai lần vô địch cũng phià “nhường chỗ” cho Nam Hàn. Cho nên, Morocco rất đáng mặt anh hùng.

Một ấn tượng đặc biệt của người xem là hai đội bóng này một đen một trắng: đội Pháp tuy đến từ một nước Tây Âu da trắng nhưng có ít nhất 7-8 cầu thủ hoặc nhập cư từ các nước châu Phi hay được sinh ra từ một gia đình châu Phi trên đất Pháp, trong khi đó Argentina là một nước Latino, Hispanic được người da trắng nói tiếng Tây Ban Nha đến từ châu Âu ưa chuộng. Nước Pháp có Tổng thống còn trẻ Emmanuel Macron (giới chính trị bảo thủ ở Paris cứ gọi ông là ma-cà-rồng) ủng hộ - ông cũng đã có mặt trong trận Pháp thắng Morocco 2-0. Trong khi đó, Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina theo dõi trận thi đấu này tại nhà bởi vì sợ vắng mặt người ta đảo chánh!

Đây là một trận chung kết hấp dẫn, thú vị và hồi hộp hiếm có, rất khó cho nhà bình luận thể thao suy nghĩ sẽ viết thế nào. Có điều chắc: Messi và Mbappé - một già một trẻ – là hai ngôi sao nổi bật, Messi điềm đạm tìm kiếm cơ hội, Mbappé thí cứ lao vào vùng lửa đạn để kiếm cơ hội. Argentina áp đảo ngay từ những phút đầu, và đội bóng này giữ banh tốt hơn, giao trả dễ dàng, chuyên nghiệp hơn, tấn công có chiều sâu hơn và có nhiều cơ hội mở bóng trước khung thành của địch hơn. Họ đã kết hợp được kỹ thuật cá nhân của cầu thủ Nam Mỹ và cach phối hơp toàn đội cua cac doi châu Âu. Trong khi đó, cầu thu Phap lúng túng, dễ mất banh vì có kỹ thuật cá nhân khá đơn độc của cầu thủ châu Phi nhưng lại thiếu lối chơi phối hợp toàn đội của bóng đá châu Âu. 

Và chuyện phải đến đã đến khá sớm. Messi đã đá thắng quả phạt đền cho Argentina ở phút 23 sau khi tiền đạo Angel di Maria bị hậu vệ Pháp Ousmane Dembelé đốn ngã trong vòng cấm địa. Theo BBC, Messi là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử WC đã ghi bàn trong đủ các giai đoạn: từ vòng ngoài đến vòng 16, tứ kết, bán kết và chung kết. Chỉ 13 phút sau đó, Messi từ giữa sân đá chuyền một đường banh khôn ngoan cho Alexis Mac Alister và tiền đạo này đã mở cho Di Maria đang trống trải chạy vào vùng cấm địa của Pháp: 2-0! Cho đến phút 80, người ta vẫn nghĩ rằng tình thế chẳng có gì thay đổi, Argentina vẫn bình tĩnh, chủ động kiểm soát trận đấu, và Pháp vẫn chỉ có Mbappé đơn độc ở hàng trên. 

Như thế mà chỉ trong 10 phút cuối của trận đấu chính thức, tiền đạo Mbappé đã gỡ cho Pháp 2-2: phút 80 bằng quả phạt đền và chỉ một phút sau đó từ ngoài vòng cấm địa Mbappé với cú sút kỳ diệu vào góc cao bên phải của thủ môn Martinez, đem đến hy vọng cho đội Pháp. Hai bên phải đi vào hai hiệp phụ 30 phút. Đến phút 108, tức chỉ còn 12 phút nữa là chung cuộc, Messi nhân sự hỗn loạn trước khung thành của Lloris, anh sút sà để hạ thủ môn Pháp. Đến đây giây phút này Messi được cả hai giải: quả bóng vàng cho cầu thủ hay nhất và đôi giày vàng cho cầu thủ ghi bàn nhiều nhất (7 bàn). Thế nhưng chỉ sáu phút sau, tức phút 118, Pháp lại được một quả phạt đền, và Mbappé không bỏ lỡ cơ hội ghi bàn cho cả mình (Đôi giày vàng) và đội Pháp. 

Cả hai đội phải thi đá phạt đền, và bản lĩnh, kinh nghiệm của Argentina đã lên tiếng. Hay đúng hơn, thủ môn E. Martinez  của Argentina (đang chơi cho Aston Villa của Anh) đã cho thấy tuổi trẻ tài cao. Anh đã chặn một cú đá phạt của cầu thủ Kingsley Coman (gốc Phi) của Pháp, sau đó một cầu thủ Pháp gốc Phi khác, Aurelian Tchouameni, đá hỏng một cú phạt khác, trong khi bốn cú đá phạt của Argentina, trong đó có Messi, đều thành công trước sự bất lực của thủ môn dày dạn kinh nghiệm là Lloris.

Đương nhiên Argentina thng với tỷ số đá phạt 4-2 sau khi hòa 3-3 trong trận đấu chính và phụ. Và thắng WC lần thứ ba. Messi, cuối cùng đã đạt được WC, anh khuỵu gối ở vòng tròn giữa sân và được bao quanh bởi các đồng đội reo mừng. Messi nay đã đạt đỉnh cao của sự nghiệp ở tuổi khó tưởng được, và Argentina qua được một trận đấu thử thách vô song trước sự đe dọa thường trực của chỉ một người: Mbappé. WC này sẽ mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Messi. 

Và phải nói đến Mbappé. Và sau đó đến Pháp. Trong bầu không khí đông đảo cổ động viên Argentina đang bắt đầu ăn mừng chiến thắng, đội bóng của Lionel Scaloni một lần nữa phải tự vực dậy sau cú đúp do Mbappe gây ra ở phút 80 và 81. Cũng may mà chính Messi là người đã cho họ hy vọng một lần nữa, nhmột pha dứt điểm hiểm hóc trong vòng cấm địa ở hiệp phụ thứ hai - chỉ để Mbappe ghi bàn một lần nữa.

Mbappe củng cố vị thế một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá hiện đại chỉ với cú hat-trick thứ hai trong một trận chung kết World Cup, sau cú hat-trick của Sir Geoff Hurst khi Anh đánh bại Tây Đức năm 1966. Nhưng cầu thủ 23 tuổi này vẫn phải chịu đựng nỗi đau thất bại. Tuy nhiên, chính Mbappe đã hồi sinh Pháp trong những giây phút kinh hoàng đó khi họ từ chỗ trông giống như kẻ thua cuộc nhút nhát trở thành người có thể chiến thắng, rồi ghi bàn thứ ba từ chấm 11m sau khi Messi đưa Argentina vượt lên dẫn trước. Trong khoảng thời gian đáng kinh ngạc của hiệp phụ mà cả hai bên trao đổi cơ hội, Pháp lẽ ra đã có thể giành chiến thắng nhưng nhờ một pha cản phá tuyệt vời ở phút cuối của Martinez với cú đệm của tiền đạo Muani.

 Giới xem bóng đá nay kết luận rằng đây là WC tuyệt vời nhất, trận chung kết tuyệt vời nhất trong thời gian mấy chục năm qua. Giới bình luận nêu ra 5 điểm đặc sắc của WC năm nay: (i) Kỷ lục nhiều trận đấu có  kết quả bất ngờ: đến 24% số  trận đấu có kết quả được xem là  “upset”; (ii) Nhiều bàn thắng, nhưng sút ghi bàn ít hơn (more goals, less shots); (iii) WC năm nay “sạch hơn” - Ít phạt vì chơi xấu nhưng thời gian nằm vạ lâu hơn, nhiều hơn; (iv) Măng mọc - Nhiều cầu thủ trẻ đã xuất hiện trên sân cỏ quốc tế; nhưng (v) Tre già: Những cầu thủ lớn tuổi vẫn còn chỗ đứng với vai trò quyết định. Bằng chứng: Messi! 

  Có thể kết luận như thế hơi vội vàng, nhưng rõ rệt chắc chắn người ta nay đã quên Cristiano Ronaldo (cầu thủ người Bồ Đào Nha vẫn tự cho không ai bằng mình nhưng bị ngồi ngoài trong WC này và đang được Manchester United “giải phóng”: - ai muốn lấy thì cứ lấy - free) và đội Brazil sau trận chung kết huy hoàng này (chẳng ai nhỏ một giọt nước mắt khi Brazil cúi đâu ra sân).

12/18/22

Câu chuyện Hoa đào

‘‘Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.’’
Thôi Hộ


Sáng nay, nhận được lá thư dài của chị Bùi Thị Ngọc Nga qua CTKD1-2. Chị Nga viết rằng :‘‘Chúng tôi đang ở đây với bao kỷ niệm thời niên thiếu, nhìn cảnh vật cỏ cây hai bên đường lên Đà Lạt mà bùi ngùi khôn tả’’. Anh Hồ Quang Nhật không bỏ phí ngày giờ cận lễ, cũng viết rằng : ‘‘Sự hào phóng nóng này tất nhiên có sự báo cáo với Tòa Tổng Giám Mục Saigon và ở đâu cũng vậy, cũng có những người ganh tị, tranh dành dù là ngoài đời hay trong giáo hội.’’

Cả hai đều nói rất thật, đưa ra những kỷ niệm riêng tư, nếu không nói ra cũng chẳng ai hay. Chị Nga nói đến hàng cây bên đường lên Đà Lạt. Câu nói này làm tôi nhớ lại con đường sau tòa nhà viện trưởng, trước cây hồng kiều cong cong dẫn vào tòa nhà văn khoa.

Trong khuôn viên đại học Đà Lạt, về thảo mộc có cây thông trước cổng Hòa Lạc, là biểu tượng Thụ Nhân, và hoa đào sau tòa nhà viện trưởng.

Chị Nga gợi ý cho tôi nhớ lại một kỷ niệm xa xưa với cha Lập trong những ngày còn đi học. Một hôm, cha gọi tôi lên phòng riêng của ngài để nói chuyện. Tầng trệt là phòng khách rộng thênh thang để tiếp các giáo sư, nơi cha cho tôi tổ chức hội thảo bỏ túi. Đi hết phòng khách có cầu thang dẫn lên lầu 1 (và cũng là tầng duy nhất). Phòng cha ở cuối hành lang. Căn phòng nhỏ hẹp chỉ kê được một giường nhỏ đơn chiếc và một chiếc bàn cũng nhỏ, gọi là table de nuit. Ngoài ra không còn gì khác nữa.

Tôi ngồi ở đầu giường, còn cha ngổi trên chiếc ghế đẩu, câu chuyện vừa xong rồi tôi xuống lầu. Cuộc sống của cha thật quá giản dị. Tôi thiết nghĩ khi ra đi, hành lý của cha chỉ là y phục và tu phục, ngoài ra không còn gì khác nữa.

Cha lấy các tên Thụ Nhân, Hòa Lạc và nhiều tên khác nữa đều lấy từ cổ văn : Năng Tĩnh, Minh Thành, Đạt Nhân, Tri Nhất, Thượng Hiền, Hội Hữu. Linh mục Nguyễn Văn Lập là một nhà tu thấm nhuần tư tưởng nho giáo. Khi có người nói về học vị tiến sĩ và việc giúp đỡ các sinh viên, ngài không ngần ngại từ bỏ chức vụ, rũ áo ra đi với hai bàn tay trắng.

Căn phòng đơn chiếc (chambre simple) của cha là một minh chứng cụ thể, ít ai hay biết. Nhớ đến cha trong ngày giỗ 21 năm (19/12/2001 – 19/12/2022), tôi chợt nhớ bài tứ tuyệt của Thôi Hiệu, thời Trung Đường, cũng có hoa đào đằng sau nhà cha ở, nhân vật vẫn là cha. Bài thơ như sau :

去年今日此門中 ,
人面桃花相映紅 。
人面不知何處去 ?
桃花依舊笑春風 。

Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.

Với tấm lòng thành nhớ đến cha, tôi mạo muội chuyển ngữ như sau :

Chính trị Kinh doanh một cánh đào
Cha tôi sắc mặt vẫn hồng hào
Nay cha vĩnh biệt về tiên cảnh
Nhợt nhạt đào hoa nhớ cánh hoa.

Paris, ngày 18/12/2022
Lê Đình Thông

12/17/22

ĐÊM TÌM HƯƠNG QUÁ KHỨ

Gõ phách lạc, hát nghêu ngao mấy khúc
Nặng hồn sầu, đêm viễn phố lung linh
Ngồi đối bóng nhìn giọt đen đáy cốc
Thời gian như lắng đọng với u tình.
 
Tim rung mãi điệu Hời thương quá khứ
Nhớ rưng rưng trang sử lắm nghiệt oan
Người trầm mặc giữa sóng cuồng, mưa lũ
Đời như mây tán, tụ chốn bạt ngàn!
 
Đêm băng giá dệt mù sương lữ thứ
Thấm trong hồn từng ảo giác đông miên
Như con nước nhớ đò xưa, bến cũ
Lòng nhớ quê, nhớ cả lúc truân chuyên.
 
Bóng trùng khơi về ôm choàng ngõ tối
Màn sương buông, thăm thẳm lối mù tăm
Bên trí cạn treo nhánh phiền cô lữ
Đêm chập chùng và hồn chợt xa xăm.

Giọt buồn rơi vào lắng trầm viễn xứ
Ngụm đắng mang hoài cảm của ly tan
Hồn miên man giữa đêm trường tư lự
Bới tro than nhen nhúm lửa gọi đàn.

Khúc bi ca mang hương xưa vào mộng
Giá băng đang bàng bạc quyện không gian
Bóng cố hương nhòa trong trời đất rộng
Đêm còn dài, người vẫn đợi ánh quang.
HUY VĂN

ĐỨC ÔNG NGUYỄN VĂN LẬP LÀ BẬC THẦY THỤ NHÂN




Đức Ông Nguyễn Văn Lập qua đời đã 21 năm. Trong thời gian hơn hai thập kỷ, một số môn sinh đã theo ngài về chốn thiên thu. Trong maquette do anh Chung Thế Hùng thực hiện, vị sáng lập truyền thồng Thụ Nhân có nụ cười hiền hòa, thương yêu. Nụ cười đã có từ những năm thành lập trường CTKD mãi mãi không thay đổi.
 
Ngày giỗ năm nay cử hành sớm hơn một ngày (18/9/2022) tại Đà Lạt, số tham dự trên 350 người, ở trong nước và từ bốn phương về lại trường cũ : Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp... Tôi muốn về nhưng lực bất tòng tâm, nên viết bài tường niệm, như tấm lòng thành kính dâng Đức Ông Nguyễn Văn Lập. 

Trong danh hiệu của Giáo hội công giáo, các thừa tác viên có truyền chức (ministère ordonné) hoặc có chức thánh là giáo hoàng, giám mục, đức ông, linh mục (cha), phó tế (thầy). Vì vậy, nếu nói Đức Ông là thầy trong hàng giáo phẩm là không đúng. Nhưng ngài là bậc thầy đã truyền dạy ý nghĩa Thụ Nhân. 

Trong số các cựu sinh viên, tôi được ngài thương yêu không phải vì là người công giáo, vì lúc nhập học, tôi chưa có đạo. Vào một buổi chiều năm 1970, ngài gọi tôi vào văn phòng viện trưởng còn ở phía sau tòa nhà Hòa Lạc. Lúc đó chưa có máy vi tính, các giấy tờ hành chính đều đánh máy. Ngài nói tôi đánh máy đơn từ chức, với lý do ngài không có học vị tiến sĩ. Lá thư dài khoảng 1 trang rưỡi. Xong xuôi, ngài tự tay xé các tờ giấy than và dặn tôi không nói cho bất cứ ai. 

Vào tháng 10/1994, Đức Ông sang Pháp trong một tháng. Ngài điện thoại cho tôi ra đón ngài, tìm cho ngài một nơi trú ngụ, đưa đón ngài trong suốt thời gian này và tiễn ngài về cố hương. Trong thời gian này, ngài có đến nhà tôi dùng cơm và tâm sự nhiều điều. Sau suốt 28 năm trời, tôi giữ nguyên các điều ngài nói ra. Trong bài này, chỉ nói riêng các hậu quả việc ngài từ chức. 

Ngài thực sự là người đã khai sáng ý nghĩa đích thực của hai chữ ‘‘Thụ Nhân’’, với hai chiều nhân sinh là hiện tại và mai sau. Nếu nói Đức Ông là bậc thầy (magistère) của Thụ Nhân là trăm chiều đúng đắn. 

Trong số các điều tự thuật, Đức Ông tiếc nuối về tâm nguyện bất thành. GS Lê Hữu Mục từng giảng dạy với Đức Ông ở trường Thiên Hựu Huế cho biết ý định thành lập trường CTKD đã nhen nhúm ngay từ lúc này. Vị lãnh đạo giáo dục luôn dự kiến tương lai, nhìn xa trông rộng. CTKD và Thụ Nhân, cả hai đều là công trình sáng tạo của Đức Ông. Nhờ quen biết rộng, khi mở trường CTKD, ngài mời được các vị giáo sư nổi tiếng về giảng dạy. Các sinh viên tốt nghiệp khóa I đều được các ngân hàng công, tư tuyển dụng làm giám đốc hoặc phó giám đốc. Sau khi ngài từ chức, tuy các chức vị viện trưởng, khoa trưởng phần lớn có học vị tiến sĩ, nhưng vì chỉ hoạt động trong lãnh vực giáo dục nên viện thiếu nhiều giáo sư, phải trông vào các cựu sinh viên khóa trước có bằng cử nhân giảng dạy. Cơ cấu lãnh đạo hình kim tự tháp, trên đỉnh là học vị tiến sĩ nhưng lại thiếu nhân viên giảng huấn. Sau khi Đức Ông từ chức viện trưởng, GS Trần Long và phu nhân đều về Saigon lo việc quản trị. Không biết vấn đề thu chi so với thời kỳ sau 1963 thực sự ra sao. Ngày nay, chỉ có TS Phạm Văn Lưu, tổng thư ký viện đại học Đà Lạt thời đó là biết rõ. 

Nếu còn giữ chức viện trưởng, Đức Ông Nguyễn Văn Lập đã mở thêm trường đại học luật khoa ; các vị giảng huấn đều có bằng tiến sĩ giảng dạy ở trường luật Saigon làm giáo sư thỉnh giảng (visiting professor - professeur associé). 

Để kết luận, tôi xin dâng lên Đức Ông bài thơ kính nhớ sau đây : 

Kính nhớ tiền nhân dựng núi sông 
Vun trồng lý tưởng đã dày công 
Cây tùng vững chãi tâm son sắt 
Chính trị Kinh doanh đất vẫn trồng 
Hai mốt năm trời về cõi phúc 
Môn sinh tưởng nhớ ý tương đồng 
Tha phương cầu thực luôn ghi nhớ 
Công đức cao dày của Đức Ông. 

 Paris, ngày 16/12/2022 
Lê Đình Thông

12/16/22

CÂU ĐỐI THÚ VỊ THEO NGÀNH NGHỀ

Tây Thi - Vương Chiêu Quân -  Điêu Thuyền - Dương Qúy Phi

















    Câu đối treo trước cổng, ngoài việc để mừng xuân đón Tết còn có tác dụng như là quảng cáo đối với các business, cửa hàng, dịch vụ... Nhất là ngày xưa khi các dịch vụ quảng cáo chưa có đa dạng và rầm rộ như hiện nay, thì Câu Đối là một hình thức quảng cáo tiếp thị trực tiếp đập vào mắt khách hàng khi họ có dịp đi ngang qua. Ví dụ như một Thẩm Mỹ Viện ở Hồng Kông đã trương bảng bằng bốn chữ "Mỹ Nhược Thiên Tiên 美若天仙". Có nghĩa là : "Đẹp như tiên ở trên trời!" và đôi câu đối như sau :

                 憑  君  麗  質, 未  必  閉  月  羞  花;
            Bằng quân lệ chất, Vị tất bế nguyệt tu hoa;
                 經  我  巧  門, 定  能  沉  魚  落  雁。
            Kinh ngã xảo môn, định năng trầm ngư lạc nhạn.
Có nghĩa :
      - Dựa vào sắc đẹp trời cho của bạn, chưa chắc đã bế nguyệt tu hoa;
      - Qua sự khéo léo của viện chúng tôi, chắc chắn sẽ trầm ngư lạc nhạn.

      TRẦM NGƯ, LẠC NHẠN, BẾ NGUYỆT, TU HOA 沉魚,落雁,閉月,羞花 là biểu tượng của Tứ Đại Mỹ Nhân 四大美人 cổ điển Trung Hoa. Đó chính là Tây Thi 西施 Trầm Ngư 沉魚, vì khi ra bờ suối giặt lụa, cá thấy nàng đẹp qúa nên đều thẹn mà lặn sâu cả xuống đáy nước. Vương Chiêu Quân 王昭君 Lạc Nhạn 落雁, vì khi ra khỏi Nhạn Môn Quan các con nhạn thấy nàng qúa đẹp nên bay không nổi đều rơi cả xuống bãi cát. Điêu Thuyền 貂蟬 Bế Nguyệt 閉月, vì khi Điêu Thuyền bái nguyệt, vầng trăng thấy nàng qúa đẹp nên đã trốn vào trong mây mà không dám chiếu thẳng xuống. Còn Dương Qúy Phi 楊貴妃 Tu Hoa, vì khi đi dạo ở Đình Trầm Hương thì các hoa đang nở đều xếp cánh lại cả thẹn trước vẻ đẹp còn hơn cả hoa xuân của Dương Phi. Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi tả sắc đẹp của nàng cung phi cũng đã viết :

                  Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
                  Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa;
                  Hương trời đắm nguyệt say hoa,
                  Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình ! 

     Ở đây, Viện Thẩm Mỹ muốn nói là vẻ đẹp trời cho chưa chắc đã thiệt đẹp, hãy vào Viện của chúng tôi đi, bàn tay khéo léo của chúng tôi sẽ làm cho bạn chắc chắc có được vẻ đẹp một cách hoàn hảo hơn :

        - Sắc đẹp trời cho, chưa chắc đã tu hoa bế nguyệt;
        - Mỹ viện ta làm, chắc chắn sẽ lạc nhạn trầm ngư !

    


            Đi ngang qua một quán ăn, ta lại thấy bốn chữ "DĨ THỰC VI THIÊN 以食為天" ở giữa với đôi câu đối hai bên như sau :

                        食  客  裡  雖  無  名  星  巨  擘;
                Thực khách lý tuy vô danh tinh cự phách;
                        杯  盤  中  卻  有  美  酒  佳  肴。
                Bôi bàn trung khước hữu mỹ tửu giai hào.
Có nghĩa :
       - Trong thực khách đến ăn uống tuy không có người nổi tiếng tai to mặt lớn ;
       - Nhưng... Trong bàn ăn chúng tôi lại có cả rượu ngon và các thức ăn ngon.
  
    Vừa khiêm tốn vì là quán ăn nhỏ nên không có những minh tinh tai to mặt lớn đến ăn, vừa tự hào vì quán tuy nhỏ nhưng cũng có đầy đủ rượu ngon và sơn hào hải vị, và... Bảo đãm giá sẽ rẻ hơn các nhà hàng lớn !
        Bốn chữ "DĨ THỰC VI THIÊN 以食為天" có nghĩa : "Lấy cái ăn làm Trời". TRỜI ở đây chỉ cái gì đó "Cao quý nhất, cần thiết nhất". Câu nói nầy có xuất xứ từ sách Hán Thư 漢書 của Ban Cố 班固 đời Đông Hán 東漢 : Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên 王者以民為天,而民以食為天. Có nghĩa : "Bậc vương giả lấy dân làm cao nhất, còn dân thì lấy cái ăn làm cao nhất". Ý nói : Vua thì coi dân là cần thiết nhất, vì không có dân thì làm vua với ai đây ? Còn dân thì coi cái ăn là cần thiết nhất, vì không có cái ăn thì làm sao mà sống ?! Câu nói nầy thường hay bị nói sai thành : Dân dĩ thực vi TIÊN 民以食為先, có nghĩa : Dân thì lấy cái ăn làm trước hết. Sai mà ý không Sai, chỉ là một cách nói khác đi mà thôi, nhưng ý của chữ TIÊN 先 là Trước không mạnh bằng ý của chữ THIÊN 天 là Trời, là Cao nhất, là Cần thiết nhất, không có không được !  
      Diễn Nôm :
                     - Trong thực khách tuy không tai to mặt lớn;
                     - Trên bàn ăn vẫn đủ hải vị sơn hào !







      Sau đây là bộ câu đối Tết của một thương hiệu thương buôn với đầy đủ ý xuân với bốn chữ hoành phi "Cố Khách Doanh Môn 顧客盈門" có nghĩa : Khách hàng đầy cửa; và đôi câu đối như sau :

                 交  以  道  接  以  禮, 櫃  檯  傳  春  意;
              Giao dĩ đạo tiếp dĩ lễ, quỹ đài truyền xuân ý
                 近  者  悅  遠  者  來, 笑  臉  帶  春  風。
            Cận giả duyệt viễn giả lai, tiếu kiểm đới xuân phong.

Có nghĩa :
       - Giao tiếp phải đạo và lễ phép, chưởng quầy thoải mái như ý của mùa xuân;
       - Người gần thì vui người xa thì tìm đến, mặt luôn tươi cười tựa như đang đón gió xuân vậy.
     Giao tiếp phải đạo đúng lẽ buôn bán không đập đổ và lễ phép, xem khách hàng như là "Thượng đế", người chưởng quầy luôn luôn thoải mái như truyền cái ý xuân tươi đến với khách hàng. Và... Luôn luôn làm vui lòng người gần đẹp ý người xa, tiếp khách thì mặt luôn nở nụ cười như đang đón gió xuân vậy !

                         - Giao tiếp ân cần lễ phép, như truyền xuân ý;
                         - Vui lòng khách đến gần xa, tựa đón gió xuân !








    Trở lại với nghề thầy giáo, trước một giảng đường người ta đã đọc được bốn chữ "Học Hải Vô Nhai 學海無涯" là "Biển học không bờ bến" và một đôi câu đối Tết như sau :

                   講  台  三  尺,  可  話  古  今  中  外;
               Giảng đài tam xích, khả thoại cổ kim trung ngoại;
                   粉  筆  一  枝,  能  描  天  地  山  河。
                Phấn bút nhất chi, năng miêu thiên địa sơn hà !
Có nghĩa :
            - Bụt giảng chừng ba thước, có thể truyền đạt kiến thức trong ngoài kim cổ;
            - Phấn viết chỉ một cây, có thể vẽ nên đồ họa của trời đất núi sông !

      Khỏi phải cường điệu, tác dụng giáo dục từ xưa đến nay đều ngập tràn cả bụt giảng của người thầy và kiến thức bao la gồm cả trời đất núi sông đều từ viên phấn trắng trên tay người thầy mà ra cả !







  Khoảng thập niên 80 của Thế kỷ trước, khi tôi thất nghiệp lang thang lên Chợ Lớn, được bạn bè rủ rê mở một Tổ hợp sản xuất sơn dầu ở đường Hải Thượng Lãn Ông. Lúc Tết đến, tôi đã làm một đôi câu đối 6 chữ, như thế nầy :

               造就五光十色,     Tạo tựu ngũ quang thập sắc, 
               凑成萬紫千红.     Tấu thành vạn tử thiên hồng.
Có nghĩa :
     - Tạo nên năm màu mười sắc, (rất tiếc thành ngữ "Ngũ quang thập sắc" của tiếng Hoa, không có thành ngữ tương đương trong tiếng Việt).
     - Hợp thành ngàn tía muôn hồng.(Vạn tử thiên hồng là Muôn hồng ngàn tía).

       Đôi câu đối nầy, được ký giả của Nhật Báo SGGP bản tiếng Hoa trầm trồ và đến phỏng vấn, vì thứ nhất, câu đối lạ, lạ ở chỗ nó chỉ có 6 chữ, thứ nhì, nó đặc biệt vì nêu lên được đặc trưng màu sắc của nghề làm sơn, thứ ba, Họ không ngờ một người làm sơn, một con buôn, mà biết làm câu đối. Thế thôi.
       Sự thật, thì trước khi làm câu đối nầy, tôi đã đọc qua câu đối của Cụ Nguyễn Khuyến làm cho bà thợ nhuộm khóc chồng, câu đối như thế nầy :

         - Thiếp từ khi lá THẮM xe duyên, khi vận TÍA, lúc cơn ĐEN, 
                  ĐIỀU dại ĐIỀU khôn nhờ bố ĐỎ.
         - Chàng ở suối VÀNG có biết, vợ má HỒNG, con răng TRẮNG, 
                  TÍM gan TÍM ruột với trời XANH.
      Câu đối trên gồm đủ màu sắc của nhà thợ nhộm : Thắm, tía, đen, điều, đỏ vàng, hồng, trắng, tím, xanh.

*****

    Để kết thúc cho bài viết hôm nay, mời tất cả cùng đọc câu đối mà cũng là lời Chúc Tết đến với tất cả mọi người như sau :

                        老 老 少 少 男 男 女 女  都 添 一 歲;
            Lão lão thiếu thiếu nam nam nữ nữ  đô thiêm nhất tuế;
                        歡 歡 喜 喜 笑 笑 談 談  各 過 新 年。
            Hoan hoan hỉ hỉ tiếu tiếu đàm đàm  các qúa tân niên.
Có nghĩa :
        - Già già trẻ trẻ gái gái trai trai  đều thêm một tuổi;
        - Vui vui vẻ vẻ nói nói cười cười  cùng đón xuân sang !

    - Đô Thiêm Nhất Tuế 都添一歲 có nghĩa : Đều thêm một tuổi; Nhưng...
    - Các Quá Tân Niên 各過新年 có nghĩa là : Cùng nhau ăn Tết. Người Hoa gọi ĂN TẾT là QUÁ TÂN NIÊN 過新年. Ví dụ : Năm nay bạn "quá tân niên" ở đâu ? Có nghĩa là : Năm nay bạn ĂN TẾT ở đâu  đó !

     Chúc cho tất cả mọi người gái, trai, già, trẻ, đều nói, cười, vui vẻ để "Quá Tân Niên" !
                                                               杜紹德
                                                               Đỗ Chiêu Đức