9/23/22

Bước Chân Vô Định

 Dạo:

    Quê người, bóng tối chìm sâu,

Bước chân vô định về đâu đêm này.

 

Cóc cuối tuần:

 

         Bước Chân Vô Định

 

     Lại khăn gói tìm thăm xứ lạ,

     Ham vui đành vất vả trôi lăn,

          Lạ nhà, lạ chiếu, lạ chăn,

Lạ phong cảnh, lạ miếng ăn, câu chào.

 

     Xưa gặp cảnh lao đao mất nước,

     May Trời cho đến được đất lành.

          Về già hai bữa cơm canh,

Bỗng dưng sinh tật, du hành tứ tung.

9/21/22

HIỂM HỌA MAGA

Hoàng Ngọc Nguyên

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

Thật tình cờ ngày chủ nhật 18-9, hai tờ báo lớn nhất của nước Mỹ, The New York Times và Washington Post, đều có bài có tựa giống nhau và nội dung cũng khá giống nhau.

Tở NYT: “Echoing Trump, these Republicans won’t promise to accept 2022 results” (Nói theo Trump, những người Cộng Hòa (CH) này không hứa chấp nhận kết quả bầu cử 2022). “Sáu ứng cử viên CH tranh cử thống đốc và Thượng Viện tại những tiểu bang chủ yếu trong bầu cử giữa mùa, tất cả được Donald Trump ủng hộ, không cam kết chấp nhận kết quả tháng 11”.

Kỷ niệm ngày tháng cũ - Hội ngộ 50 năm, tổng hợp hình ảnh các khóa & thân hữu

9/18/22

BẦU CỬ GIỮA MÙA: NHỮNG CÂU HỎI

Hoàng Ngọc Nguyên


Đến giữa tháng chín, chỉ còn khoảng 50 ngày, hay bảy tuần,  người Mỹ sẽ đi bầu cử giữa mùa – midterm elections - nhằm vào Hạ Viện (toàn phần) và Thượng Viện (1/3). Đương nhiên người ta đang nói nhiều về cuộc bầu cử này vì nó sẽ định hình chính trị nước Mỹ không chỉ trong hai năm tới mà còn sẽ có tính cách quyết định bầu cử tổng thống năm 2024, ai còn ai mất. Nước Mỹ đang ở vào một thời điểm cực kỳ thử thách. Thời mạt pháp dường như đang bao trùm loài người khắp nơi. Bởi thế mà chúng ta đang có một đương kim tổng thống đứng ngồi không yên và một cựu tổng thống không chịu ngồi yên. Tình hình sẽ tệ hại hơn hay chăng, đúng là phải chờ ngày 8-11 chúng ta mới có thể thấy được.

9/16/22

Hắt Hiu Lời Gió

Dạo:

    Ôm từng kỷ niệm chắt chiu,

Vẳng nghe lời gió hắt hiu vỗ về.

 

Cóc cuối tuần:

 

  Hắt Hiu Lời Gió


Ngọn gió đưa đường,
Êm êm dường hơi thở.
Nỗi buồn trăn trở,
Vẫn cắc cớ kéo dài.

Tiếng hát rạc rài,
Mệt nhoài ôm tiếc nuối.
Lời ca nhức nhối,
Bối rối bước chân rời.


Nhặt mảnh buồn rơi
Tưởng đùa chơi chốc lát,
Con tim lang bạt
Vồ chặt lấy tâng tiu.

Làn gió hắt hiu,
Pha nắng chiều nhạt thếch,
Cùng bầy lá rách
Lách chách chuyện ngàn sau.

Chim mượn ánh sao,
Lao xao tìm chỗ đậu.
Nỗi sầu che giấu,
Chợt nung nấu cồn cào.

Chuyện cũ ngày nao
Lòng làm sao quên được,
 Dù bao năm trước,
 Đời rách mướp tả tơi.











Trăng trót phụ người,
Xưa tìm nơi lặn lội,
Nay về sám hối,
Mặt còm cõi xanh xao.

Kỷ niệm xé rào
Ồn ào như vỡ chợ.
Trong buồng tim vỡ
Nỗi nhớ vụt lao nhao.

Oán trận mưa rào,
Năm nao làm lỗi hẹn.
Nỗi đau nghèn nghẹn,
Theo gió lén về thăm.
x  x
Thức mãi không nằm,
Gối chăn dần lạnh ngắt,
Bơ phờ vuốt mặt,
Lạnh ngắt trũng bàn tay.

Nhấp ngụm men cay
Hơi say thành nét chữ.
Cuối đời lữ thứ,
Quá khứ lại gào la.

Đêm Bolivia,
Bước xa nhà tiếp nối,
Đèn khuya cằn cỗi,
Lời gió tối hắt hiu.

Trần Văn Lương
Bolivia, 9/2022

9/12/22

Thủ tướng kiêm bộ trưởng của năm bộ - Dân chủ Úc có vấn đề?

Nguyễn Quang Duy

Thủ tướng Úc Anthony Albanese
Ngày 26/8/2022, Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Đảng Lao động) cho biết đã bắt đầu cuộc điều tra việc cựu Thủ tướng Scott Morrison (Đảng Tự do) từng giữ chức bộ trưởng của năm bộ trong nội các tiền nhiệm.

Đó là Bộ Y tế, Bộ Tài chánh, Bộ Kỹ nghệ, Khoa học, Năng lượng và Nguồn lực, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chánh. Lạ hơn, khi ông Morrison nắm cả một loạt 5 bộ như vậy mà Quốc hội Úc không hề hay biết.

Việc này đã trở thành một đề tài được báo chí Úc đưa tin và bình luận suốt mấy tuần qua, một số người cho rằng cựu Thủ tướng Scott Morrison làm vậy để thâu tóm quyền lực và như thế ông không khác gì tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Albanese đã bổ nhiệm một luật sư kỳ cựu, bà Virginia Bell để điều tra hoạt động kiêm các chức của ông Morrison.

Cùng lúc, theo ý kiến của riêng tôi, chủ đề này cũng khiến người Úc nhận ra rằng hiến pháp và nền dân chủ Úc được thiết lập từ năm 1900 đã có những điểm không còn thích hợp. Phải chăng, đã đến lúc quốc gia này cần có một hiến pháp và một thể chế mới?

Hợp hiến hợp pháp…

Xin nhắc lại Úc là một quốc gia vẫn theo thể chế quân chủ lập hiến, đứng đầu là Nữ hoàng Anh, Elizabeth II, người làm nguyên thủ quốc gia (Head of state), như một di sản thời thuộc địa Anh.

Vị tổng toàn quyền Úc chỉ là người đại diện cho Nữ hoàng và theo Hiến pháp, tổng toàn quyền bổ nhiệm các chức vụ trong chính phủ.

Thủ tướng Scott Morrison đã được Tổng Toàn Quyền David Hurley ký văn bản bổ nhiệm và chính ông Hurley xác nhận việc bổ nhiệm là hợp hiến và hợp pháp.

Các cuộc bổ nhiệm cũng đều được công bố trên Công báo Chính Phủ (Gazette) đã được phổ biến rất rộng rãi, theo đúng thủ tục hành chính liên quan đến việc bổ nhiệm các giới chức chính phủ.

Trong dư luận có các ý kiến cho rằng Tổng Toàn Quyền cần có trách nhiệm thông báo cho Quốc Hội và truyền thông biết việc bổ nhiệm, nhưng ông Hurley lại nghĩ việc thông báo cho Quốc Hội và truyền thông không phải là nhiệm vụ của ông.

Các vụ bổ nhiệm có phù hợp với nền dân chủ hiện hành hay không?

Nước Úc theo dân chủ đại nghị, mọi việc làm của chính phủ đều phải đưa ra trước quốc hội và đều bị phe đối lập giám sát và liên tục chất vấn.

Ông Scott Morrison đã không cho Quốc Hội biết và ngay cả trong nội bộ đảng cầm quyền chỉ có bộ trưởng Bộ Y tế là biết được vai trò đồng bộ trưởng của ông Scott Morrison, còn 4 bộ trưởng khác mặc dùng cùng đảng nhưng không hề được ông Morrison cho biết.

Lý lẽ của Thủ tướng Scott Morrison

Ngày 17/8/2022, ngay sau khi sự việc bị phát hiện, ông Morrison mở cuộc họp báo, ông cho biết đã làm vậy để đề phòng trường hợp có bộ trưởng bị mắc COVID-19 và ông có thể nhận trách nhiệm thay họ, ông gởi lời xin lỗi các đồng nghiệp và công chúng vì đã không cho họ biết việc làm của ông.

Ông Morrison cho các phóng viên biết trong thời kỳ đại dịch Covid-19 tấn công Úc vào năm 2020: “Tôi đang chèo lái con thuyền giữa dông bão, và chỉ với tư cách thủ tướng, tôi mới hiểu rõ sức nặng do trách nhiệm đang đè trên vai, và tôi chứ không phải ai khác”.

Thủ tướng Morrison không hề nhận bất cứ quyền lợi vật chất nào khi nắm giữ thêm một lúc 5 bộ, ông cũng không cản trở công việc của các bộ trưởng, trừ một lần ông dừng phê duyệt một dự án thăm dò khí đốt ngoài khơi bờ biển Úc vốn bị cộng đồng địa phương phản đối.

Thực tế chính trị ở Úc…

Dưới thể chế cộng hòa tổng thống chế như ở Mỹ, tổng thống giữ quyền hành pháp, các tổng trưởng hay bộ trưởng chỉ giữ vai trò phụ tá cho tổng thống. Nên trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch hay chiến tranh, vị tổng thống có thể nhanh chóng ra quyết định và dễ dàng được quốc hội đồng ý thông qua.

Còn ở Úc, thủ tướng và các bộ trưởng chịu trách nhiệm cả hành pháp lẫn tư pháp, họ phải soạn các đạo luật mới hay chỉnh sửa các đạo luật cũ để đưa ra lưỡng viện quốc hội bàn thảo.

Nhiều đạo luật chỉ có bộ trưởng mới có quyền soạn thảo để đưa ra quốc hội, nhưng muốn thế trước tiên thủ tướng hay bộ trưởng phải được các phe phái trong đảng cầm quyền đồng ý với đạo luật đó hay ít ra không phản đối đạo luật này.

Nền dân chủ nghị viện Úc được định hình từ cuối thế kỷ thứ 19, khi vẫn thuộc Anh, và tới nay đã trên một trăm năm. Trong khi đó tình hình chính trị tại Úc và của thế giới đã khác xa thời kỳ lập quốc.

Trong lần tranh cử vừa qua đảng Lao Động mặc dù thắng cử nhưng chỉ được 77/151 ghế ở Hạ Viện, chỉ còn 32.5% cử tri Úc ủng hộ và so với lần bầu cử năm 2019 họ đã mất 0.76% cử tri ủng hộ.

Ở Thượng Viện, đảng Lao Động chỉ nắm 26/76 ghế, bởi thế thật khó để đảng cầm quyền thông qua bất cứ đạo luật nào.

Ở Úc bầu cử là bắt buộc không đi sẽ bị phạt tiền nhưng có đến 12% cử tri không đi bầu và 5.2% phiếu bất hợp lệ, điều này chứng tỏ người Úc đã quá chán ngán nền dân chủ hiện hành.

Các chính đảng chính trị mất dần sự ủng hộ của cử tri vì hầu hết các chính trị gia không còn tin vào lý tưởng và các giá trị nguyên thủy, họ tham gia chính trị theo kiểu bè phái vì lợi ích nhóm hơn vì lợi ích quốc gia.

Tình trạng bè phái đưa người xâm nhập lũng đoạn các chi bộ đảng (branch stacking) để đưa “phe ta” ra tranh cử đã đến mức khó có thể chấp nhận được, nó khiến những người còn lý tưởng và có đạo đức phải xa dần nền dân chủ bè phái này. (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-53119999)

Tình trạng Trung Ương Đảng "thả dù" những người không một chút gì gắn bó với các đảng bộ và cử tri địa phương ra tranh cử đã gây nhiều bất mãn và phản kháng, vì những người này khi thắng cử, họ chỉ lo việc đảng, việc phe nhóm, thay vì phải quan tâm đến nguyện vọng của cư dân địa phương.

Vị thủ tướng lại do các phe nhóm trong đảng chọn ra, nên thủ tướng phải chia sẻ quyền lực với các bộ trưởng thuộc các phe nhóm khác trong đảng cầm quyền, mà làm vui lòng các nhóm có lợi ích khác nhau không phải là một chuyện dễ dàng.

Vì thế, chỉ trong vòng 15 năm từ 2007 đến nay nước Úc đã có đến 8 lần thay đổi thủ tướng và chỉ có cựu Thủ tướng Scott Morrison là đã làm đủ nhiệm kỳ 3 năm.

Một nền dân chủ nghị viện lỗi thời và phe nhóm như thế, trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch và chiến tranh, vị thủ tướng không thể nhanh chóng đưa ra quyết định và cũng không thể dễ dàng được chính phủ và quốc hội đồng ý thông qua.

Trưng cầu dân ý tiến đến Cộng Hòa

Ngày 1/6/2022, trong lễ tuyên thệ nhậm chức Tân Chính phủ Lao Động do ông Anthony Albanese lãnh đạo đã gây không ít ngạc nhiên và tranh cãi khi “trình làng” dân biểu Matt Thistlethwaite Thứ trưởng chuyên trách về Cộng Hòa (Assistant Minister for the Republic) một chức vụ hoàn toàn mới.

Điều này cho thấy đảng cầm quyền Lao Động đã công khai ủng hộ nước Úc chuyển đổi sang mô hình cộng hòa, nhưng cuộc trưng cầu dân ý tiến đến cộng hòa có thể không diễn ra ngay mà sẽ được tiến hành trong các nhiệm kỳ kế tiếp nếu họ tiếp tục thắng cử.

Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận thì mỗi lần mỗi khác tùy theo cách đặt câu hỏi về cộng hòa đại nghị hay cộng hòa tổng thống chế. Vào năm 1999 trong cuộc trưng cầu dân ý nước Úc Cộng Hòa có đến 55% dân Úc từ chối mô hình cộng hòa đại nghị. (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45930787)

Riêng những đề tài liên quan đến cộng hòa như cuộc thăm dò do Essential Media công bố ngày 9/8/2022 thì lên đến 75% người Úc tin rằng các thành viên của Quốc hội Úc nên cam kết trung thành với nước Úc và người dân Úc, trong khi chỉ có 15% cho biết các thành viên quốc hội nên cam kết trung thành với Nữ hoàng Elizabeth đệ II.

Xét cho cùng, vụ cựu Thủ tướng Scott Morrison làm đồng bộ trưởng cho năm bộ đã xảy ra và có thể được xem là cú hích, khiến Úc tiến gần hơn tới thể chế cộng hòa tổng thống chế.