Tú Anh - RFI 08.12.2020
|
Ngày 05/12/2020, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật đã bay về Trái đất, thả dù hộp đựng mẫu mảnh bụi đá xuống vùng sa mạc Woomera, Úc, và bay tiếp vào vũ trụ. Morgan Sette AFP |
Hayabusa-2 : Diều hâu và thiên thạch Rồng
Trang khoa học của Le Monde hôm nay tường thuật về hai phi vụ thám hiểm không gian, phi vụ gần do Trung Quốc thực hiện và phi vụ xa do Nhật Bản tiến hành. Trung Quốc đang trên đường trở thành nước thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, đem mẫu đất đá trên Mặt trăng về địa cầu. Ngoạn mục hơn, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật Bản lấy được mẫu bụi đá từ một thiên thạch nằm cách Trái đất 300 triệu cây số đem về an toàn, và tiếp tục cuộc hành trình thêm 13 năm nữa.
Phi thuyền Hằng Nga 5 của Trung Quốc đang trở về Trái đất với mẫu đất đá mặt trăng. Nếu vào được bầu khí quyển an toàn, phi vụ thành công, mục tiêu sắp đến của Trung Quốc sẽ là cực nam của Mặt trăng vào năm 2023, nơi có nước.
Trong khi đó, phi thuyền Hayabusa-2 của Nhật, khởi hành từ ngày 03/12/2014, đã quay trở lại Trái đất sau chuyến du hành dài 5,3 tỷ cây số, để thám hiểm một thiên thạch được đặt tên là Ryugu (Rồng) đường kính 900 mét, ở cách Trái đất 300 triệu cây số. Ngày 05/12/2020, « diều hâu » đã bay về Trái đất, thả dù hộp đựng mẫu mảnh bụi đá xuống vùng sa mạc Woomera, nước Úc, và bay tiếp vào vũ trụ.
Tìm hiểu lịch sử Thái Dương Hệ
Theo cơ quan không gian Nhật Bản JAXA, mẫu đá bụi (100 mg) sẽ được xử lý tại Úc, không để chho không khí trái đất, oxy và nước, tác động, trước khi chuyển về trung tâm nghiên cứu không gian Nhật vào trung tuần tháng 12.
Le Monde tìm hiểu chi tiết phi vụ tinh vi này : Lấy mẫu đất đá cũng là một kỹ thuật tinh xảo. Phi thuyền « diều hâu » (bằng tủ lạnh nhỏ), trang bị hai viên đạn, tiến gần thiên thạch, không đáp xuống, mà chỉ dùng một ống hút để hút bụi đá do viên đạn thứ nhất bắn ra với vận tốc 300 mét/giây. Động tác này diễn ra trong chớp mắt, chỉ có một giây đồng hồ. Hai mẫu đất đá được gom vào một hộp đặc biệt cách nhiệt và quang xạ.
Tại địa cầu, Nhật sẽ chi cho NASA của Mỹ 0,5%. Đổi lại, Mỹ sẽ cho Nhật 0,5% mẫu đất đá trên thiên thạch Bénou khi phi thuyền Osiris-Rex trở về vào năm 2023.
Chi tiết đặc sắc khác là 70% mẫu bụi đá của thiên thạch Gyuru sẽ được cất giữ cho thế hệ khoa học gia tương lai, khi nhân loại có dụng cụ đo lường, phân tích tinh vi hơn hiện tại. Phần còn lại sẽ được các khoa học gia hiện nay quan sát, phân tích tỉ mỉ trong khả năng có thể, để tìm hiểu lịch sử hình thành và tuổi « di tích » của hệ Mặt trời. Thiên thạch được xem là « ký ức » của khối hỗn mang pha lẫn khí và bụi cách nay 4,5 tỷ năm, lúc các hành tinh mới hình thành. Nhưng các hành tinh, trong quá trình hình thành, đã bị nhiệt độ cao làm mất đi nguồn gốc hóa học.
Trái đất cũng nhận được thiên thạch rơi xuống hàng ngày, nhưng các thiên thạch này khi xuyên qua khí quyển cũng bị biến đổi, không còn « nguyên gốc » như các thiên thạch ở tận cùng Thái Dương Hệ.
« Diều hâu-2» vừa là phi thuyền, vừa là một phi vụ. Phi vụ đã hoàn tất nhưng phi thuyền vẫn còn. Không có lý do gì để một bảo vật tan biến trong không gian. Sau khi thả dù bụi đá thu được ở Ryugu, Hayabusa-2 với nhiên liệu còn đầy sau chuyến du hành 5,3 tỷ km, tiếp tục bay trong 10 năm nữa : trước hết là quay nhiều vòng quanh Mặt trời để lấy đà và đều chỉnh quỹ đạo tiến về thiên thạch 1998KY26.
Theo chương trình, phi thuyền sẽ bay gần thiên thạch 2001CC21 và sau đó là Trái đất vào năm 2027 và 2028. Cuối cùng, vào năm 2031, diều hâu sẽ đến thiên thạch 1998KY26. Thiên thạch này rất nhỏ, quay chung quanh trục với vận tốc thật nhanh, nhanh đến mức cứ 10 phút là thấy mặt trời mọc một lần. Thế mà nó vẫn tồn tại là vì sao ? Tại sao lực ly tâm không làm nó tan biến ? Patrick Michel, chuyên gia thiên văn học Pháp có ý kiến tuyệt hay : Diều hâu còn một viên đạn chưa dùng, chỉ cần bắn một phát vào thiên thạch xem phản ứng ra sao ? Đó là một khối đồng nhất hay hỗn hợp đất đá ?
Đọc thêm cùng một đề Tài: