2/14/23

Người Chăm tại Việt Nam

Nguyễn Văn Huy


Tìm hiểu lịch sử những cộng đồng dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là một bổ túc cần thiết cho mọi dự án xây dựng Việt Nam tương lai.
Qua tám bài viết, Nguyễn Văn Huy đã tóm lược lịch sử hình thành và tan rã của cựu vương quốc Chiêm Thành. Dân cư của cựu vương quốc này, cộng đồng người Chăm ngày nay là một trong 54 sắc dân cấu thành dân tộc Việt Nam.

Mục đích đầu tiên của những bài viết là để nhắc nhở công lao xây dựng và đóng góp của những người đã được sinh ra lớn lên trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một đất nước mới. Miền Trung mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18. Chúng ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy tổ chức xã hội của Việt Nam lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của Việt Nam là văn hóa của người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và nhắm phục vụ cho người Kinh…

Có lẽ là quá trình mở nước và giữ nước khó khăn của cha ông đã không cho chúng ta có thời giờ và phương tiện để suy nghĩ một cách nghiêm túc về một chính sách cộng đồng, đây là một thiếu sót lớn cần phải khắc phục. Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng rộng lớn của đất nước là miền Thượng Du phía Bắc và miền Cao Nguyên Trung Phần có thể trở thành bất ổn và không phát triển được.

Các cộng đồng đều phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Chăm đã sống từ ngàn xưa dọc vùng duyên hải miền Trung, cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc.

Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn mọi ý đồ đồng nhất hóa để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung. Định nghĩa này cũng là giấc mơ của mọi người Việt Nam.

Về nội dung các bài viết, đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc. Hơn 300 tài liệu (sử, sách, đặc san, biên khảo, biểu đồ, nghiên cứu cá nhân, biên bản hành trình… trong thư khố của các thư viện tại Pháp - Paris và Aix en Provence) đã được tham khảo. Vào cuối phần trình bày, một thư mục chi tiết sẽ được công bố để quí đọc giả có thể tìm đọc và truy cứu thêm.

Vì đây không phải là một luận án nên người viết cố tình không nêu dẫn chứng, vì sẽ quá dài và người đọc sẽ bị chi phối vào những chi tiết. Tuy nhiên, người viết lãnh nhận trách nhiệm về sự trung thực của bài viết cũng như những dẫn chứng lịch sử.

Chúc quí đọc giả những giờ tham khảo vui thú.

Nguyễn Văn Huy


No comments:

Post a Comment