1/13/21

Tiễn biệt Luật sư Nguyễn Thị Hồng, phu nhân GS. Vương Văn Bắc


 

Ngày 10/01/2021, LS Nguyễn Thị Hồng, phu nhân GS Vương Văn Bắc, đã yên nghỉ giấc ngàn thu. LS Hồng mất sau Thầy Bắc đúng 10 năm. Trong thập niên 80, gia đình chúng tôi sang Pháp. LS Hồng tìm kiếm các luật sư ở Saigon sang Pháp định cư, cùng với một vị thẩm phán người Pháp, tìm đến tận nơi giúp đỡ. Thầy cô thương mến các học trò cũ, trong số có vợ chồng tôi. Cô Hồng là giáo sư tiếng Pháp của nhà tôi ở trường Trưng Vương. Tôi là học trò của thầy Bắc, còn nhà tôi là học trò của cô Hồng. Tấm hình trên đây chụp ở nhà thầy cô ở quận 15 Paris. Trên bàn là một bình hoa hồng, tên của cô.

Có lần cô kể cho tôi ngày mới di cư vào Nam, cô được Nha Trung Học bổ nhiệm làm giáo sư tiếng Pháp ở trường Trưng Vương. Cô vừa làm vừa học Luật. Cô tập sự luật sư tại văn phòng Thầy Bắc ở góc đường Pasteur và Gia Long. Thầy đi nghe cô biện hộ. Gặp hoàn cảnh thương tâm, cô rơi nước mắt. Những giọt lệ của cô làm thầy vương vấn rồi se duyên.

Thầy Bắc vốn thương người. Nhân ngày Tết Thụ Nhân ở quán Le Palanquin của cô Từ Dung, phu nhân GS Trần Văn Ngô, thầy Bắc đã cùng tôi hát bài ‘‘Tant qu’il y aura des étoiles’’, thương cảm thân phận của những kẻ khốn cùng ở Paris, không cửa không nhà, lấy trăng sao tô điểm cho kiếp sống nghèo.


Lời bài hát như sau: 

On est des clochards, on n'a pas d'abris, 
On vit dans les rues sans fin 
On a l' ventre vide et le coeur meurtri 
Et l'on crève de froid et de faim 
Mais nous avons nos richesses malgré tout 
Le vent du soir, le printemps si doux 
Tout ça c'est à nous. 


Thầy không chỉ thương người qua tiếng hát. Hai cuốn sách của Thầy thể hiện trọn vẹn câu thơ Nguyễn Công Trứ: 

Xưa nay xuất xử thường hai lối 
Mãi thế rồi ta sẽ tính đây. 

Đường đời hai lối là xuất và xử. Khi xử thế, Thầy viết ‘‘Suy Tư’’, nhìn lại những ngày đã qua. Trong tập sách, Thầy in lại bài giảng chính trị học năm 1984 ở giảng đường Spellman: ‘‘Luận về Tự Do’’. Cuối sách là lời phát biểu của Thầy sau thánh lễ truy điệu Linh mục Nguyễn Văn Lập, cố Viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt, do hội Thụ Nhân Âu Châu tổ chức ngày 23/12/2001 tại Paris. Trong thời gian tôi có duyên phụ trách Thụ Nhân Paris, Thầy Bắc, Thầy Vũ Quốc Thúc, thấy Nguyễn Phú Đức, thầy Trần Thanh Hiệp, GS Vũ Mộng Lan v.v. đã thuyết trình trong các khóa học hội chuyên đề. 


Khi xuất thế là những vần thơ của Thầy, gom lại trong tuyển tập mang tên ‘‘Cảm Xúc’’. 

Bài thơ ‘‘Cho Biết’’ là lời nhắn nhủ nhân thế của Thầy, một khi đã xa lánh bụi trần: 


Cho Biết 


Đi một lẩn cho biết 
Đường trắc trở gập ghềnh 
Ai lui mau rẽ biệt 
Ai vẫn bước bên mình 


Đau một lần cho biết 
Khi tiều tụy thân hình 
Ai ân cần tha thiết 
Ai lánh mặt làm thinh 


Thua một lần cho biết 
Đất khách phận bấp bênh 
Ai ngưng thăm thôi viết 
Ai một dạ trung thành 


Xa một lần cho biết 
Khi đời vắng bóng hình 
Ai vội cười vui tiếp 
Ai còn nhớ tiếc anh. 

Paris, đầu năm 2000 

Thầy Cô có tất cả năm anh chị. Hồng Hà là trưởng nữ, rồi đến anh Trung Sơn, chị Hồng Hải, sau cùng là anh Hòa Hội. Anh Hội sinh năm 1969 cũng là năm khai diễn hòa hội tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (19 rue Kleber - 75016 Paris). 

Mãi nói về Thầy, tôi xin chép lại một bài báo, tôi đã viết về cô như sau: 

‘‘Tết nhất qua rồi mà mùa xuân vẫn còn đây. Nhớ hai câu cuối bài thơ ‘‘Ông Đồ’’ của Vũ Đình Liên: ‘‘Những người muôn năm cũ. Hồn ở đây bây giờ ?’’, tôi lại nhớ đến thầy Vương Văn Bắc. Tuy thầy không ‘‘… thảo những nét, như phượng múa rồng bay’’ nhưng ngoài công việc ở tòa án và dạy học, thầy viết văn và làm thơ. Nào, các môn sinh hãy cùng thầy chìm đắm trong giấc mơ hồi hương: 


Ta tưởng thấy Tháp Rùa in đáy nước, 
Ngỡ nghe chuông Thiên Mụ vọng bên đò. 
Lòng rộn rã lại hăng say cất bước, 
Đã đến ngày họ hẹn với Tự Do. 

(Mộng Trở Về - 25/05/1985) 

‘‘Sinh quán của thầy là quê hương quan họ ; còn cô quê ở Hải Dương. Thầy mất ngày 20/06/2011, hưởng thọ 85 tuổi. Tôi vừa có dịp hầu chuyện cô Bắc. Cô vẫn còn nhanh nhẹn, sáng suốt. Cô là luật sư Nguyễn Thị Hồng. Trước khi là luật sư, cô dạy Pháp văn ở trường Trưng Vương. Nhà tôi là học trò của cô. Cô kể cho tôi lần đầu thầy Bắc gặp cô ở tòa án Saigon. Bữa đó, cô biện hộ bên nguyên đơn thắng kiện. Bị cáo là một người đàn ông trung niên, bị phạt tù mấy tháng. Ra khỏi phòng xử, mấy cô con gái người này khóc sướt mướt vì thương cha. Cô Bắc thấy tội nghiệp nên cũng khóc theo. Vào phòng áo mà cô vẫn còn nước mắt. Thầy Bắc cũng vào theo, chúc mừng cô đã thắng kiện. Từ đó, cứ mỗi lần cô mặc áo thụng đen ra tòa là lại gặp thầy Bắc. 

Đến khi thầy Bắc hỏi cưới, vì thầy đạo Phật, cô đạo Công giáo nên phải xin phép chuẩn (dispense de religion). Tòa tổng giám mục Saigon từ chối. May mà cô có nguời anh họ làm việc ở miền Trung, xin được phép chuẩn. Thế là thầy cô đáp xe lửa xuyên Việt ra miền thùy dương cát trắng. Hôn lễ được cử hành trong một ngôi thánh đường viễn phương. 

Thầy cô có bốn người con: chị Hồng Hà (sinh năm 1960), tốt nghiệp Đại học Oxford bên Anh là lớn nhất. Rồi đến các anh Vương Trung Sơn (1963), Vương Hồng Hải (1967), Vương Hòa Hội (1969), tốt nghiệp ENS/Paris. Hiện nay, cô ở nhà hưu dưỡng Grenelle, sáng nào cũng xem lễ trong nguyện đường. Cô mới bị té, không hoàn toàn vô sự, chỉ bị thương nhẹ thôi. 

Cô thường thầm thì khấn xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cô mất cái đồng hồ, tìm mãi không ra. Vậy mà nhờ Đức Mẹ chỉ bảo, cô lại tìm thấy được. Vợ chồng chị Hồng Hà sống ở bên Mỹ có hai cậu con trai đều sắp tốt nghiệp đại học. Cô cầu xin Đức Mẹ, cả hai người cháu ngoại đều công thành danh toại. 

Cô đọc cho tôi nghe kinh cầu Đức Mẹ: ‘‘Souvenez-vous, ô Très miséricordieuse Vierge Marie, qu’on n’a jamais entendu dire qu’aucun de ceux qui ont eu recours à votre protection, imploré votre assistance ou réclamé vous suffrages, ait été abandonné. Animé de cette confiance, ô Vierge des vierges, ô ma Mère, je viens vers Vous et gémissant sous le poids de mes péchés, je me prosterne à vos pieds. O Mère du Verbe incarné, ne méprisez pas mes prières, mais écoutez-les favorablement et daignez les exaucer. Amen’’. 

Cô đọc kinh này rất nhanh mà không hề vấp váp. Lời kinh đã được dịch sang tiếng Việt như sau: ‘‘Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Đức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Đức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một rủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen.’’ Tôi chép lại kinh này để ghi nhớ lần hầu chuyện cô, giữa lúc hàng cây phố phường Paris bắt đầu đâm chồi nẩy lộc. 

Nhà tôi là học trò của cô ở Trưng Vương. Khi tôi mới chân ướt chân ráo đến Paris, cô biết tôi là luật sư ở Saigon nên nhờ ông thẩm phán Hervier giúp đỡ. Chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn của cô. 

Cô cho biết vẫn xem báo Giáo Xứ, số nào cũng đọc bài của tôi. Như vậy là tuy cách mặt mà tấm lòng của thầy cô vẫn luôn ở gần bên người học trò cũ. Bài viết này là một món quà không báo trước của học trò thầy Bắc gửi cô xem. Cô Bắc ơi, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lúc nào cũng cận kề giúp đỡ cô.’’ 

Lê Đình Thông

No comments:

Post a Comment