Bùi Tín
Dự luật Đặc khu và dự luật an ninh mạng dù được quảng cáo, gò ép, áp đặt đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ, rộng khắp, quyết liệt cả trong và ngòai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc buộc phải công nhận là « làn sóng phản đối khủng khiếp ».
Nhiều cuộc biểu tình tự phát diễn ra chuẩn bị cho cuộc biểu tình lớn, rộng vào ngày Chủ nhật 10/6. Từ em học sinh Cát Linh cho đến các giáo sư, nhà kinh tế, nhà nghiên cứu chính trị, các chuyên gia kinh tế, tài chính, môi trường, nhà quân sự, ngọai giao… đều phản đối dự luật, cho đây là « đem thịt dân nuôi đàn hổ đói » bành trướng Trung Cộng.
Nhân dân ta lâu nay bị coi là nhút nhát e sợ cường quyền, thiếu dũng khí chống bất công phi nghĩa, hay cam chịu để giữ mình, quen quỳ xuống để các quan chức được thể ưỡn ngực vẫy vùng, nay đã biết vùng dậy, vẫy gọi nhau đứng thẳng người để đấu tranh ngăn ngừa tai họa chung cho dân tộc.
Và quả nhiên cường quyền hung bạo, hèn với giặc ác với dân bắt đầu biết sợ. Bộ Chính Trị cùng Ban Thường vụ Quốc hội họp thâu đêm 8/6, để 3 giờ sáng cho ra thông cáo « lùi việc bỏ phiếu về Luật đặc khu dự định ngày 15/6 lùi đến phiên họp quốc hội sau » để thảo luận xem xét kỹ theo ý kiến của nhân dân.
Đây là một thủ đoạn chiến thuật để mua thêm thời gian áp đặt tinh vi tiếp hay là bước lùi thật sự trước sự phản kháng quyết liệt, trước đỉnh điểm phẫn nộ xung thiên của toàn dân? Nhân dân ta cần cảnh giác và đấu tranh tiếp tục mạnh mẽ hơn.
Dù sao, đây là một thời điểm lịch sử có tính chất cách mạng: nỗi lo sợ dai dẳng lâu ngày của nhân dân đã nhường chỗ và chuyển sang thành nỗi lo sợ của cường quyền độc đoán đối với quần chúng nhân dân.
Có thế chứ! Bộ Chính trị vốn tự cao tự đại, huênh hoang, tự tin là thế nay buộc phải lùi! Nhân dân ghi một bàn thắng ngoạn mục. Căn bệnh sợ cường quyền đã thuyên giảm đáng kể, niềm tự tin, tin nhau trong nhân dân được nhân lên gấp bội để tiếp tục đấu tranh không mệt mỏi, củng cố thắng lợi ban đầu.
Có vẻ như Bộ Chính trị phải tính đến vài bước lùi nữa. Họ bất đầu biết sợ. Sợ dân và sợ thế giới.
Theo yêu cầu của phía CHLB Đức, Bộ Chính trị đã buộc phải trả tự do cho vợ chồng Luật sư Nguyễn Văn Đài - Minh Khánh và người cộng sự Thu Hà để sang cư trú ở CHLB Đức, do một dân biểu Đức bảo lãnh. Lâu lắm nay họ mới buộc phải nhả ra một nhà chống đối quan trọng. Họ sẽ bị ép thả ông Trần Hùynh Duy Thức và cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và cả « kho » hơn 100 tù chính trị khác!
Vẫn chưa hết, ngày 9/6, tờ báo lớn Frankfurter Allgemeine của CHLB Đức đăng tin Hà nội đã đồng ý sẽ giao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức sau khi tòa án Đức xử xong vụ Nguyễn Hải Long vào ngày 19/6 tới. Tờ báo này không đăng tin thất thiệt. Bà luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh cũng cho biết tin này.
Có vẻ như cả 3 bước lùi trên đây đều được Bộ Chính Trị nghiến răng thông qua trong cuộc họp lịch sử ngày 8/6 để hòng thoát khỏi thế tứ bề thọ nạn, Luật 3 đặc khu bị coi là văn kiện bán đất bán nước cho Trung Cộng, Nhân quyền bị lên án là tệ hại nhất từ trước đến nay và CHLB Đức và Liên Âu mở rộng điều tra xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, liên lụy đến nhiều cán bộ cấp cao, cấp tướng, kể cả tướng Tô Lâm bộ trưởng Công An và nhất là truy lên trúng phóoc ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là kẻ chủ mưu không sao chối cãi của cuộc bắt cóc ô nhục. Họ bắt đầu biết sợ là rất phải lẽ!
Mong rằng những bước lùi bước đầu của Bộ Chính trị được thông tin nhanh nhậy truyền đến mọi người Việt đấu tranh cho độc lập tự do dân chủ và nhân quyền, để mọi người đều dứng dậy, vẫy gọi nhau tự tin, tin cậy nhau đấu tranh tiếp chuyển giao hết nỗi lo sợ lưu cũu xưa nay cho giới cầm quyền tham quyền tham nhũng.
Ngày 10/6, tuy đã có tin chính phủ đề nghị quốc hội lùi việc bỏ phiếu về Luật đặc khu sang phiên họp thứ 5/khóa 14 vào tháng 10 cuối năm, các cuộc biểu tình tự phát rộng khắp chưa từng có vẫn diễn ra quyết liệt, rất sinh động, từ vài chục, vài trăm đến vài ngàn người ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Mỹ Tho, ở Hà nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định… kết hợp với các cuộc biểu tình của bà con ở nước ngoài: Hoa kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức, Pháp, Canada… vẫn tạo nên sức ép mạnh mẽ, thừa thắng xông lên, không cho cường quyền chỉ tạm thời lùi bước để rồi sẽ tiếp tục dở trò làm theo lệnh của bọn trùm bành trướng. Đáng chú ý là tại Bình Chánh / Sài gòn có 50.000 công nhân Pouyuen / Tân Tạo đã bãi công chống 2 đạo luật cùng nhân dân cả nước.
Điểm rất quyết liệt là các cuộc đấu tranh gắn liền yêu cầu xóa bỏ hẳn Luật Đặc khu với xóa bỏ hẳn Luật An ninh mạng vì nó bảo vệ an ninh mạng thì ít mà chỉ để đàn áp, bóp chết các tiếng nói phản biện, thủ tiêu quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ, chống các quyền dân chủ và nhân quyền của người công dân. Tổ chức quan sát Quyền con người – Human Rights Watch - đã lên tiếng mạnh mẽ tố cáo luật an ninh mạng sẽ ngăn cản Việt Nam hội nhập với quốc tế và làm hại nặng nề các quyền tư do kinh doanh – đầu tư của thế giới vào Việt Nam.
Ngày 10/6 ghi vào lịch sử đấu tranh đòi tự do dân chủ của nhân dân ta một cột mốc tuyệt đẹp.
Bạo quyền không thể cứng đầu mãi được! Nhân dân không thể cúi đầu mãi được.
Từ nay thế và lực đã đổi thay tận gốc, với điều kiện là nhân dân ta thừa thắng, tự tin xông lên học từ những kinh nghiệm bổ ích vừa qua, vẫy gọi nhau đấu tranh bền bỉ, đông đảo kiên cường, dứt khoát không nhân nhượng, đòi hủy bỏ hoàn toàn các dự thảo Luật an ninh mạng và Luật đặc khu, những đạo luật vi hiến phản dân chủ, phản nhân dân chỉ làm lợi cho kẻ thù bành trướng xảo quyệt - những ông chủ của nhóm người trong Bộ Chính trị CSVN nhưng là kẻ thù truyền kiếp và hiện tại của nhân dân Việt Nam mãi mãi bất khuất kiên cường.
Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.
No comments:
Post a Comment