5/27/18

Một người dân Châu Đốc

Vũ Thất

Chiếc Jeep cặp vào lề, dừng lại. Tôi bước xuống, đứng sau vài người đang xếp hàng. Bên kia xe bánh mì là một cô gái còn rất trẻ, rất dễ thương. Đôi bàn tay của cô đang vẻ những động tác nhanh nhẹn, uyển chuyển, chính xác. Một tay cầm ổ bánh, tay kia cầm con dao nhỏ, xẻ đôi, bỏ dao xuống, nhét thịt, dưa leo, đồ chua , rắc tý tiêu muối, đặt ổ bánh lên tờ giấy trắng, gói gọn gàng, quấn vòng một sợi dây thung. Vừa khi người khách cầm ổ bánh, cô bé nở nụ cười rạng rỡ kèm lời cám ơn ngọt ngào. Rõ ràng nụ cười xã giao đó dành cho người kia mà sao tim tôi bỗng rung động bồi hồi. Tôi chợt hiểu rằng mình chưa thể rời ngay Châu Đốc. Đến lượt, sau khi nhận ba ổ bánh kèm với nụ cười và lời cám ơn, tôi ra hiệu anh tài xế và hộ tống viên cùng vào quán.

Tối thứ bảy, nhà hàng đông khách. Chúng tôi được hướng dẫn ngồi vào bàn kê trên vỉa hè, cạnh xe bánh mì. Chia mỗi người một ổ, tôi cười bảo ăn mà không có uống thì khô khan quá, mất ngon. Tôi gọi một chai 33. Hai anh lính gọi cà phê. Cô bé đang đứng cách tôi rất gần. Tôi muốn gợi chuyện mà cô đang bận túi bụi. Tôi mở tờ giấy bọc ổ bánh mì, thấy có chữ in, tôi vuốt thẳng, tò mò nâng lên đọc: “Lưu Luyến”. Kiểu chữ đẹp, khá to, màu xanh. Bên dưới in hai hàng chữ nhỏ hơn: “Điểm tâm, giải khát nơi đây. Quán ăn Lưu Luyến, 52 Bạch Đằng”. Tôi vừa nhai vừa gật gù. Hai câu thơ ngắn gọn mà đầy đủ. Lại rất hữu ích...cho tôi. Chỉ cần biết thêm tên cô bé là tha hồ viết thư.

Tôi nhìn cô bé, chỉ thấy phía lưng, không thấy nụ cười. Buồn tình, tôi nốc một hơi nửa chai bia. Từ phía trong, giọng ca Khánh Ly như đưa cay qua bản Chiều một mình qua phố. Tôi mở nắp túi, móc bao thuốc và quẹt zippo. Tôi rút một điếu gắn lên môi, bật lửa rồi đưa bao thuốc và hộp quẹt cho hai “đệ tử”. Tôi dứt nửa chai bia còn lại và gọi thêm chai mới. Bụng đói làm vị bia ngon ngọt nhưng cũng làm chếch choáng. Tôi vừa gặm bánh mì vừa nghĩ cách hỏi tên cô bé. Tôi chợt để ý người đàn bà ngồi ở một bàn nhỏ gần kề, đang thoăn thoắt xé thịt gà ram. Tôi hỏi như để câu giờ:

- Thưa bác, bác là thế nào trong tiệm này.

- Dạ, tôi là...chủ.

Tôi giật mình chăm chú nhìn người đàn bà. Khuôn mặt tròn, phúc hậu, khoảng tuổi trung niên. Bà đang nhìn tôi, cười mỉm hiền từ. Đó là nụ cười của cô bé. Không biết có phải tại rượu không mà tôi bật miệng một cách mau mắn:

- Vậy cô bé đang bán bánh mì là ...con của bác?

- Phải, nó là con gái tôi.

Tôi hết nhìn bà rồi nhìn cô gái. Nước da của hai người đều trắng như nhau. Khuôn mặt cô bé mang vẻ đẹp của bà nhưng đậm nét Trung Hoa. Tôi nhớ đến người đàn ông Tàu ngồi ở quầy phía trong, lúc còn tìm chỗ ngồi. Chính ông hướng dẫn tôi đến bàn này kèm với câu xã giao tiếng Việt điệu nghệ: “Mời đại úy ngồi đỡ ở đây, xin cảm phiền”. Tôi quay nhìn vào. Ông vẫn ngồi đó, đang tính tiền.Tôi lại buộc miệng:

- Vậy ông ngồi trong kia là ...

Sợ mình nói hớ tôi chợt im lặng. Bà lại mỉm cười, giọng khoan hòa:

- … Là chồng tôi.

Tôi đăm ra lúng túng, nâng chai bia, nhấp vài ngụm rồi hít hai ba hơi thuốc. Lấy lại được bình tĩnh, tôi đổi đề tài, hy vọng chiếm được cảm tình:

- Hai câu thơ Lưu Luyến thật đầy đủ ý nghĩa. Chắc bác là tác giả?

- Không, của con tôi.

- Của cô đó hả bác?

- Không phải, đứa khác...

Tôi nhìn đồng hồ. Mới đó mà qua đi nửa giờ. Càng khuya, đường về càng kém an ninh. Đưa tiền cho anh tài xế lo việc thanh toán, tôi nhặt chiếc mũ, rời khỏi ghế, bước sang ngồi cạnh mẹ cô bé rồi nói một cách mạnh dạn:

- Thưa bác, xin bác cho cháu nộp một lá đơn...

Bà ngưng xé thịt, ngẩn lên, ngạc nhiên:

- Đơn từ gì ?

Tôi nói chầm chậm một cách nghiêm túc:

- Thưa bác, xin bác vui lòng cho cháu được nạp lá đơn xin cưới cô đang bán bánh mì...

Bà lại nở nụ cười hiền hòa nhưng nói bằng giọng trách móc:

- Xin đừng nói giỡn đại úy ơi.

Tôi đổi giọng thành khẩn:

- Thưa bác, cháu nói thật.

- Nói thật cũng không được. Nó còn con nít, mới mười sáu tuổi.

- Cháu sẽ chờ, đến bao lâu cũng được.

Bà đứng lên, trao thau thịt đã xé xong cho cô bé, nói từ tốn mà dứt khoát:

- Đại úy say rồi, nên về nghỉ đi.

Cái từ “gửi đơn” của tôi và cái chữ “say” của bà vừa đủ tác dụng để gây cho tôi vô vàn khó khăn sau đó. Tôi tự khám phá ra rằng không ai lại gã con cho một tên say sưa, hỗn hào. Tôi nghĩ đúng nhưng chưa đủ …

Suốt mấy tháng trở về Cần Thơ, tôi đành sống những ngày thương nhớ nụ cười, những đêm miệt mài viết thư. Thư nào cũng dài bảy tám trang và kết thúc bằng từ “còn tiếp”. Rồi cuối cùng, không cưỡng được, tôi lại vượt đoạn đường dài tìm về Châu Đốc. Tôi lại sắp hàng mua bánh mì, nóng lòng chờ đến lượt để hỏi nhỏ cô bé: “Sao cô không trả lời thư tôi?” Cô bé thản nhiên hỏi lại: “Thư gì?”. Tôi cay đắng tìm chỗ ngồi lặng lẽ uống bia, nghe nhạc, rất yên phận. Thỉnh thoảng liếc nhìn cô bé cho đỡ nhớ. Tôi tự hỏi mình có nên đến nữa hay thôi. Rồi tự an ủi mình, ở đâu thì cũng uống bia, uống ở đây... ngon hơn. Một năm trôi qua rất êm đềm mà chua xót. Thư vẫn chỉ có đi mà không hề có lại.

Bỗng một buổi tối, đang ngồi nhâm nhi nghe nhạc một mình ở chiếc bàn cạnh quầy tính tiền, bất chợt một bà cụ xuất hiện, xin phép ngồi cùng bàn với tôi. Cụ xưng là bà ngoại cô bé, khuyên tôi đừng đeo đuổi cô bé nữa. Cụ nêu lý do: “Chính cháu tôi chê đại úy không được… đẹp trai và cả nhà cũng không ai muốn nó lấy chồng làm ...lính”. Tôi nghèn nghẹn đáp lời: “Xin cụ hãy xem cháu như một khách hàng lúc nào cũng ưa thích... điểm tâm giải khát nơi đây. Và cháu sẽ tự động chấm dứt khi cô bé… lấy chồng”. Giọng cụ đầy nhân ái: “Mong đại úy không buồn phiền gì”.

Buồn phiền thì sao khỏi buồn phiền nhưng tôi vẫn tiếp tục làm con thoi Cần Thơ-Châu Đốc mỗi cuối tuần. Tôi vẫn xếp hàng mua bánh mì để nhận nụ cười và tiếng cám ơn luôn luôn làm hồn tôi xao xuyến. Rồi lại vẫn ngồi lặng lẽ uống bia hút thuốc cho tới giờ giới nghiêm. Ông chủ, bà chủ gặp tôi vẫn vui vẻ chào hỏi như một khách hàng quen mặt nào đó.

Một năm nữa lại trôi qua. Cô bé càng lớn càng đẹp và vẫn chưa chịu lấy chồng. Rồi lại bỗng một buổi tối, bà cụ tái xuất hiện đến ngồi bàn tôi. Cụ cười cười hỏi tôi có còn thương, có còn muốn cưới cô bé không. Tôi nghĩ chắc cụ tưởng tôi đã quên nên muốn hỏi để …chúc mừng. Tôi gượng cười, gãi đầu gãi tai: “Khổ cho cháu là càng thương hơn và càng muốn cưới”. Cụ lại cười cười, bảo: “Tội nghiệp”, rồi rời bàn…

Trong đại gia đình, cụ rất được con cháu kính trọng, thương yêu. Ai cũng sẵn sàng làm vui lòng cụ. Khi mẹ cô bé lên mười tám, một người Tàu xin cưới, cả gia đình dòng họ phản đối nhưng cụ bằng lòng. Trong vòng ba năm qua, cụ lần lượt lựa chọn cháu rể theo ý mình cho hai cô cháu ngoại vừa thành thiếu nữ. Lần này, tình yêu bền bĩ của tôi dành cho cô bé khiến cụ… tội nghiệp. Khi mọi tin tức thăm dò về gia thế và gia cảnh của tôi đều thuận lợi, cụ biến tội nghiệp thành phép lạ cho tôi. Nhờ phép lạ, sáu tháng sau tôi được phép gọi mẹ cô bé bằng Mẹ!

Mẹ có mười người con. Tính đến ngày ...bị giải phóng, trừ tôi đi tù “cải tạo”, trừ một đứa con và hai rể thoát ra nước ngoài, mẹ ôm luôn một gia đình gồm chồng, con, dâu, cháu nội-ngoại, tổng cộng mười hai miệng ăn! Cũng nên kể thêm miệng uống vì uống cũng là một vấn đề ...bức xúc trong xã hội mới. Xã hội mới không cho mẹ buôn bán để tiếp tục nuôi gia đình trong khi bao nhiêu tiền mồ hôi dành dụm gửi ở ngân hàng bỗng chốc vào hầu bao của các tay... vô sản. Cách mạng bảo, muốn sống, gia đình mẹ phải đi vùng kinh tế mới. Mẹ thấy chắc một điều là đi vùng kinh tế mới chẳng những không sống mà còn chết sớm. Mẹ nghe thắm thía cái câu “Cộng sản đến đâu dân rầu đến đó”. Chỉ có mỗi một con đường để sống thực sự: con đường...tỵ nạn cộng sản.

Mẹ biết con đường mẹ chọn rất hiểm nguy, xa xôi vạn dặm. Nhưng mẹ nhất quyết ra đi. Theo mẹ, đàng nào rồi cũng chết. Ở lại thì chết dần chết mòn vì bị lăng nhục, đói khát. Đi thì có chết cùng chết một lượt. Hoặc là thoát chết mà có tương lai. Mẹ nôn nao gom góp tài sản chuẩn bị chuyến đi. Ba thì buồn đời, chỉ vui với rượu, bỏ mặc cho mẹ lo toan. Chuyến đi lần đầu gặp trở ngại, mất hết vốn liếng. Năm sau, được tiền của các con từ hải ngoại gửi về, mẹ bán hết gia sản liều một chuyến cuối cùng. Lần này thoát đi suôn sẻ.

Đó không phải là thành tích đầu tiên trong đời mẹ. Mẹ đã từng làm những việc phi thường từ nhiều năm trước. Sau ngày lấy chồng, mẹ bận rộn với những đứa con sanh năm một, năm hai. Lại thêm ngôn ngữ bất đồng, mẹ đã không giúp được gì cho công việc buôn bán nhiêu khê của chồng. Vì thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, hàng hóa thất thoát dần về tay người quản lý bất lương. Khi mẹ khám phá ra thì không còn đủ vốn để trở lại từ đầu. Thậm chí có ngày phải ăn cháo. Đây là lúc mẹ... ra tay. Ban ngày, mẹ gửi các con cho bà ngoại, ra sức thu gọn tiệm thuốc bắc, dùng một nửa căn nhà để mở quán ăn sáng. Chẳng bao lâu, khách đến ăn mỗi ngày một đông. Ngược lại, khách mua thuốc mỗi ngày một vắng. Mẹ quyết định dẹp luôn thuốc bắc, bất kể phản đối của chồng. Mẹ mở cửa tiệm bán ăn sáng từ bình minh sau đó bán giải khát đến mười giờ, giới nghiêm.

Mẹ chuẩn bị nhiều món ăn sáng. Món nào cũng đều được nồng nhiệt tán thưởng. Càng đông khách, càng cực nhọc. Suốt nhiều năm, ba mẹ dậy sớm thức khuya. Bù lại, đời sống đầy đủ hơn.

Khi đời sống gia đình đã ổn định, mẹ tự nguyện giúp đỡ bà con giòng họ nghèo khó. Ai cần gì, mẹ sẵn lòng, vô điều kiện. Cháu xa, cháu gần cần chỗ trọ đi học, mẹ hân hoan tiếp nhận.

Vừa lúc mẹ thấy khỏe khoắn thì một khó khăn khác lại tới. Người chủ phố cho mẹ cái hạn sáu tháng để mua đứt căn nhà, nếu không sẽ bán cho người khác. Mẹ đã dành dụm được một số tiền nhưng không thấm vào đâu. Mẹ đau đớn phải bán căn nhà thừa tự. Mẹ xót xa phải... từ giả các món nữ trang. Mẹ mượn hết tiền để dành của mẹ cha mà vẫn không đủ.

Cân nhắc, tính toán, đắn đo, Mẹ thấy các con lớn có thể giúp tăng được nguồn thu nhập mà vẫn không trở ngại việc học: bán bánh mì vào ban đêm và làm thêm các loại bánh tây đem bỏ mối. Đó là khoản thời gian tôi gặp cô bé. Mẹ chỉ ngủ khi không còn thức được nữa và thức ngay khi chợt mở mắt. Cuối cùng thì ba mẹ trở thành chủ nhân căn phố. Từ đó mối lo đeo đẳng có ngày mất chỗ sinh nhai cũng chấm dứt. Mãi đến lúc này mẹ mới chịu lơi tay, nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng số của mẹ chưa đến hồi thới lai. Thư thả mới được vài năm thì …cách mạng tới. Mẹ rời bỏ quê cha đất tổ vào tháng sáu năm 1977…

Bảy năm sau, sau chín năm tù, tôi vượt biên theo con đường của mẹ. Con đường mẹ đi chỉ cần ba ngày hai đêm là tới. Tôi phải đi mất ba ngày ba đêm. Mười bốn năm kinh nghiệm mà thua người chưa hề đi biển. Dẫu sao tôi cũng còn chút an ủi. Cuộc đời từng là hạm trưởng chiến hạm rốt cuộc tìm lại được hạnh phúc gia đình nhờ một chuyến hải hành cuối cùng bằng ghe tắc rán..

Hơn nửa năm sau, cũng theo con đường của mẹ, từ Mã Lai tôi đến phi trường thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Rất đông người ra đón. Trong cái chóa mắt từ mọi thứ rực rỡ, tôi nhận ra mẹ đầu tiên. Rõ ràng mẹ đẹp hơn, cười tươi hơn. Tôi chào mẹ mà đảo mắt tìm nụ cười của cô bé. Với nụ cười rạng rỡ của ngày nào, cô bé mở vòng tay ôm tôi thật chặt.. Nhưng lần nầy, tôi là người nói tiếng cám ơn. Tôi ôm xiết cô bé, miệng thì thầm: “Cám ơn đã đợi chờ mười năm!”

Suốt gần mười năm chúng tôi xa nhau, chính mẹ đã đóng vai trò chủ yếu cho ngày chúng tôi đoàn tụ. Mẹ đã là điểm tựa tinh thần không thể thiếu của cô bé, là tình thương vô bờ cho hai con tôi hướng về tương lai. Nếu không có mẹ...

Nếu không có mẹ? Tôi có thể hình dung ra cuộc sống của từng người trong đại gia đình của mẹ. Cuộc sống đó chắc chắn chẳng có gì khá hơn cuộc sống của tôi trong cõi tù đày. Cuộc sống đó đói khổ triền miên, lo sợ đêm ngày. Mẹ đã khéo léo tận dụng bộ óc khôn ngoan, nghị lực phi thường và ý chí sắc đá vượt mọi chông gai... Mãi về sau tôi mới có dịp khám phá do đâu mẹ có được những đức tính tưởng là Trời cho đó. Thì ra mẹ là hậu duệ của vị khai quốc công thần của vùng An Giang Châu Đốc. Ngài chính là tác giả những con kinh đào nổi tiếng vùng nầy và cũng là người đã từng được vua Gia Long chỉ định Bảo hộ Cao Miên. Mẹ mang giòng máu của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.

Cũng nhờ thừa hưởng những đức tính quý báu đó mà mẹ thành công nhanh chóng ngay cả ở xứ người. Chỉ trong vòng vài năm, mẹ và ba đã mua được căn nhà ba tầng, là cơ ngơi cho bốn đứa con còn học đại học. Đó cũng là chốn dung thân của vợ con tôi.

Chín năm nhà tranh vách đất, chỉ biết có núi và rừng, khi bước vào căn nhà, tôi có cảm tưởng như lạc chốn thần tiên. Nơi tiếp khách, nơi giải trí, nơi ăn, nhà bếp, đâu đâu cũng trông hiện đại, sang trọng. Tôi chợt nhớ ngày đầu làm quen mẹ mà không ngăn được câu nói đùa:

- Thưa mẹ, mẹ cho con nạp cái đơn...

Mẹ cười cười:

- Cưới được vợ lâu rồi còn đơn từ gì nữa...

- Dạ, đơn xin được ở cùng nhà với ba mẹ.

Nghỉ ngơi vài tuần, tôi xông xáo vừa đi học vừa đi làm. Một năm sau, một đứa em vợ tốt nghiệp đại học, được việc lương cao. Mẹ muốn bán căn nhà hiện tại để mua căn nhà mơ ước, rộng lớn hơn, đẹp đẽ hơn, sang trọng hơn. Cũng vừa lúc tôi bắt đầu ý thức về việc cần tạo dựng một tổ ấm riêng để được giảm thuế tiền lương. Chúng tôi tâm sự với mẹ. Mẹ giận vì bỗng dưng phải xa con cháu. Nhưng dần dà, khi thấy hai căn nhà cất gần nhau và gần sở làm, mẹ cũng chóng nguôi ngoai.

Sở làm là một hảng điện tử nổi tiếng. Làm được mười năm, mẹ nói đùa rằng mẹ đã tìm lại được cơ sở kinh doanh của mẹ ngày xưa mà không phải vất vả như xưa. Quả là cái hãng đã cưu mang gần như toàn bộ gia đình của mẹ. Ba làm ở một ngành, các con làm ở các ngành khác. Riêng mẹ và cô bé, giống như thuở bán bánh mì, vẫn ngồi làm việc bên nhau. Và mẹ đã tận tụy “trông nom” cái cơ sở của mình suốt mười lăm năm từ ngày qua Mỹ cho tới khi về hưu ở tuổi sáu mươi sáu. Ba thì về hưu trước đó hai năm.

Thảnh thơi, ba và mẹ bắt đầu ngao du đây đó. Hai lần về Việt Nam cúng viếng mồ mả cha mẹ, tổ tiên; thăm hỏi thân nhân láng giềng; giúp đỡ bà con giòng họ. Một lần, mẹ theo ba về Trung quốc để biết... giang san nhà chồng. Sở thích của mẹ là du hành, là đi thăm dân cho biết sự tình. Chương trình đã vạch sẵn. Tháng tới sẽ viếng Pháp, Anh.. Sau Pháp là Úc châu...

Trước khi “đôi bạn đời” có dịp lang thang dạo phố các nước châu Âu, các con cháu đã dành cho ba mẹ một bữa tiệc ngân hôn, kỷ niệm 50 năm nên nghĩa vợ chồng. Một ngày đoàn tụ đông vui..

Nhưng rất bất ngờ, chuyến đi phải đình hoãn. Không một dấu hiệu báo trước, mẹ đột nhiên bị tai biến mạch não. Rất may, mẹ yếu mệt một thời gian rồi bình phục dần. Rồi lại không may, vừa khi hồi phục thì mẹ bị lần thứ nhì. Lần này nặng hơn, không còn cho mẹ đủ sức đi đứng bình thường, phải cần gậy chống đỡ. Mẹ cố gắng tập thể dục, tập đi. Không đi xứ xa được, mẹ rong chơi xứ nhà. Mỗi năm mẹ đi một vùng biển. Năm tháng theo qua, mẹ ngày càng yếu hơn. Đi đâu mẹ cũng phải ngồi xe lăn.

Ngày cưới đứa con gái út của chúng tôi, mẹ muốn dự dạ tiệc. Chúng tôi e ngại tiếng ồn ào, nhất là tiếng ồn ào quá sức của ban nhạc có thể làm mẹ thêm yếu mệt nhưng mẹ cương quyết muốn đi. Mẹ bảo nó là đứa cháu ngoại nhỏ nhất vượt biên cùng mẹ và luôn luôn sống bên mẹ. Hôm đó mẹ rất khỏe và đã ở lại đến tiệc tàn.

Mẹ vẫn cố gắng tập thể dục, tập đi. Chúng tôi mừng mẹ vượt lên tuổi bảy mươi và cùng nhau tổ chức lễ Trung thọ. Các bạn bè cố cựu và các đại diện sui gia đã đến chúc mừng ba mẹ và chung vui cùng các con, các cháu và chắt của ba mẹ.

Bệnh tiểu đường kinh niên không cho phép mẹ ăn uống đầy đủ và bắt đầu gây biến chứng. Mẹ yếu dần... Mãi đến lúc này mẹ mới chịu chọn nơi mẹ an giấc ngàn thu. Mẹ được đưa đi xem nhiều nghĩa trang. Phải mất nhiều tháng mẹ mới hài lòng một địa điểm cho hai ngôi mộ. Địa điểm nằm trên lưng đồi với những cây thông cao vút nhìn xuống những ngọn đồi thấp hơn có đường xe ngoằn ngoèo. Mãi tới lúc này ba mới có ý thức về một ngày ba không có mẹ trong đời. Ba thường ngồi trầm ngâm, dường như để ôn lại những gì mẹ đã dành cho ba và những gì ba đã đối xử với mẹ trong suốt quãng đời chung sống rất dài. Bỗng một hôm, sau bữa cơm tối có đông con cháu tham dự, Ba bỗng mở lời một cách bất thường:

- Tụi bây không biết chớ mẹ tui bây hay lắm đó.

Mẹ ngạc nhiên đăm đăm nhìn ba. Chúng tôi im lặng hồi họp chờ đợi. Ba vốn ít nói, có nói thì thường là những lời than phiền, trách cứ. Ba cười mà giọng nghiêm trang:

- Không nhờ mẹ tụi bây, giờ này tất cả chỉ là thợ cày bừa. Không nhờ mẹ tụi bây, làm gì tụi bây có được ngày hôm nay, được ăn sung mặc sướng trên một đất nước văn minh giàu có. Tụi bây phải biết ơn mẹ tụi bây.

Mẹ bật cười rồi bật khóc. Gần sáu mươi năm sống bên ba, mẹ chưa từng nhận được một lời khen. Ngày hôm nay, đối với mẹ, chỉ một lần thôi đã đủ đền bù...

Mẹ bắt đầu phải nằm tại chỗ. Ai cũng biết là mẹ phải chịu đau đớn từ nơi nào đó nhưng không bao giờ nghe mẹ rên than. Ai đến thăm, mẹ vui vẻ nói năng. Khi không còn thốt được nên lời thì mẹ nói bằng ánh mắt, nụ cười. Bịnh nặng thêm làm mẹ không còn ăn uống được nữa và sống bằng chất dinh dưỡng chạy qua đường ống dẫn thẳng vào dạ dày. Như là có phép lạ, mẹ vẫn nấn ná như muốn được hôn thêm nhiều đứa chắt. Và đứa chắt mới chào đời nhận nụ hôn cuối cùng của bà cố lại là đứa con thứ nhì của đứa cháu ngoại mẹ nhất định dự tiệc cưới. Đó cũng là tiệc cưới cuối cùng mẹ dự...

Mẹ mất cuối năm Nhâm Ngọ, hưởng thọ 78 tuổi.

Cho tới ngày mẹ mất, mẹ để lại đủ mười đứa con và tổng cộng năm mươi ba dâu, rể, cháu nội ngoại, cháu dâu rể và chắt. Và để lại thương yêu đồng đều cho mọi người.

Cho tới ngày mẹ mất, mẹ để lại người chồng sáu mươi năm chia ngọt xẻ bùi. Và để lại cho ông tất cả ân tình và lòng bao dung...

Mẹ hãy yên nghỉ, hãy an giấc.

Rồi đây ba sẽ mãi mãi bên mẹ.

Và chúng con rồi cũng về bên mẹ đời đời…

Vũ Thất

No comments:

Post a Comment