Bác sĩ Nguyễn Đình Phùng – Bác Sĩ Phạm Hữu Phước.
Phước nhìn tôi mỉm cười:
“Mày đói lắm hay sao mà hối vợ mày làm cơm dữ vậy?”
Tôi vừa ra phi trường đón Phước về.
Chúng tôi không gặp nhau đã hơn ba mươi mấy năm. Tôi chỉ nghe nói Phước vượt biên nhiều lần nhưng không thoát, bị giam cầm nhiều năm. Cứ mỗi lần được thả ra, Phước lại tìm đường trốn, đến lần thứ bảy hay thứ tám gì đó, Phước mới sang được Úc, định cư tại đây và được hành nghề bác sĩ trở lại, tại Melbourne .
Tôi không tưởng tượng được có ngày nghe lại giọng nói của Phước qua đầu dây điện thoại, hẹn sẽ sang chơi và đến thăm nhà.
Tiếng cười vẫn vui, tiếng nói vẫn sang sảng, như ngày nào chúng tôi cùng ở chung nhà, học thi để lên lớp cuối năm, đã ba mươi mấy năm trước.
Phước nhấp ngụm nước:
“Trong khi đợi vợ mày làm cơm, để tao kể cho mày nghe chuyện tao ở tù sau ngày Phước Long thất thủ.”
Ừ! Nghe mày kêu đói, tao sẽ tả cho mày biết cái đói thực sự nó ra thế nào . . .”
Phước có tài kể chuyện, tôi nhớ đến những ngày xưa cũ, khi ở chung, Phước thường kể chuyện rất có duyên. Những câu chuyện được xếp đặt thứ tự, mạch lạc đầu đuôi, có mở đầu, dẫn nhập, rồi vào chuyện, chi tiết lớp lang như theo một dàn bài. Tôi nhìn Phước, hít một hơi dài, mắt lim dim như muốn tìm đầy đủ những kỷ niệm, những cảm xúc của năm xưa. Phước như người cẩn thận, ngăn nắp tôi từng biết, không muốn mất đi một ký ức nào đã ghim sâu vào tâm khảm, như người hằng ba mươi mấy năm nay đã chờ đợi để ngày hôm nay gặp lại, kể cho tôi nghe những câu chuyện của đời mình đã trải qua.
Phước cất tiếng:
“Mày biết không? Cuộc đời có những ngã rẽ không thể ngờ được. Ai cũng có định mệnh của mình. Không thể nào tránh khỏi được.
Nhiều đêm sau này trong tù tao vẫn nghĩ đến điều đó. Là nếu tao không nhất định giữ đúng ngày phép hạn định của mình, ở lại Sài Gòn, không trở lại Phước Long, tao đâu có bị những hoạn nạn kinh khủng đến như vậy!
Mày còn nhớ hồi ra trường, mày đi Tây Ninh còn tao đi bệnh viện Phước Long. Tao được đi phép một tuần về Sài Gòn trước ngày Việt Cộng đánh Phước Long. Vợ tao khóc quá mức khi thấy tao nhất định giữ đúng ngày phép, ra trình diện lại ở Cục Quân Y. Bố vợ tao cũng ngăn, nói tình hình nguy kịch quá rồi, ở nhà luôn đi, đừng lên Phước Long nữa.”
Phước thở dài:
“Mày biết, tính mình hồi đó còn tuổi trẻ, bồng bột, đâu biết tính toán gì. Tao không thích làm điều gì sai quấy, hạn phép nghỉ chỉ một tuần, hết hạn là mình ra trình diện, không muốn trốn ở lại.
Tao đến Cục Quân Y lúc đó là buổi chiều. Chiếc trực thăng đậu trong bãi đáp đang sửa soạn để cất cánh bay chuyến chót, bổ sung người cho bệnh viện tiểu khu Phước Long. Toán sĩ quan trợ y, Y tá đã ngồi đầy không còn một chỗ trống trên đó. Trung tá Y sĩ Liễn đích thân đưa tao ra và hạ lệnh cho trực thăng khoan cất cánh. Ông chỉ tay vào người sĩ quan trợ y ngồi sát bìa:
“Em đi xuống để chỗ cho bác sĩ Phước lên.”
Người thiếu úy trợ y khuôn mặt trẻ măng chắc mới ra trường vội vàng đi xuống, không dấu được vẻ mừng rỡ.
Tao sửa soạn để trèo lên trực thăng và ánh mắt chúng tao chạm nhau. Tao nhìn được sự sung sướng của người trợ y, như một kẻ sắp bước chân vào địa ngục được trở lại trần thế. Ai cũng biết Phước Long sắp mất trong nay mai mà bị gọi để đi lên Phước Long được coi như lãnh án tử hình. Vận mệnh của chúng tao đã trao đổi cho nhau trong giây phút đó, trong luồng ánh mắt gặp nhau buổi chiều hôm đó!
Tao không hiểu người thiếu úy trợ y được thoát chuyến bay cuối cùng đi lên bệnh viện tiểu khu sau này ra sao? Anh có thoát được những hiểm nghèo khác không trong những ngày sau chót của cuộc chiến? Hay anh đã chết trong một trận đánh nào khác? Hay anh đã bình yên và an lành sống một cuộc đời hiền hòa ở Hoa Kỳ, ở Úc hay một chỗ nào đó trên khắp quả địa cầu? Nhưng tao biết, tao đã lấy chỗ của anh để bước chân vào địa ngục. Vì vận mệnh của tao đã sắp đặt để sự việc xảy ra như thế, để tao phải bị đọa đầy trong mấy năm trời đằng đẵng, dài như cả một đời người!”
Phước ngồi thừ một lúc, không nói gì . . . Một lúc sau Phước bật cười kể tiếp:
“Ừ! Mày biết không? Tao lâu lâu vẫn nghĩ có ngày nào mình đi đâu đó, rồi gặp lại anh chàng trợ y đã hoán đổi định mệnh ba mươi mấy năm trước. Mình muốn biết anh chàng sau này ra sao? Cuộc đời hắn thế nào? Cũng hay đấy chứ nhỉ!”
Phước lắc lắc đầu mấy cái, như muốn đánh đuổi ý nghĩ đó ra khỏi đầu:
“Để tao kể tiếp cho mày nghe. Mày còn nhớ Trần Kim Phẫn không? Nó ra trường về cùng bệnh viện tiểu khu với tao. Chắc mày không biết điều này vì nó dấu kín với tất cả mọi người. Chỉ tao ở với nó trên Phước Long mới được biết. Mày không thể ngờ được là nhà nó nghèo đến thế nào. Ba nó đạp xích lô nuôi nó ăn học. Phẫn vào được trường y khoa, nó học rất giỏi vì chỉ ở trong nhà thương không bao giờ về nhà. Lý do là nhà nó kinh khủng quá, ở trong nhà thương ăn ở đầy đủ, lại có cơ hội thực hành nhiều, nên nó không về nhà nữa. Tao đã nghĩ chỉ mình mới gặp nhiều hoạn nạn, nhưng Phẫn, định mệnh của nó còn thê thảm hơn nhiều. Mày còn nhớ tuy nó là người bạn tốt, nhưng lại có biệt danh kỳ quái là Phano vì lúc nào cũng dễ phẫn nộ. Nhưng trong sự giận dữ của Phẫn tao thấy một niềm đau đớn nào đó. Có lẽ Phẫn đã linh cảm được cái chết sắp đến của mình.
Chiều hôm đó, chiếc trực thăng vừa đáp xuống bệnh viện tiểu khu, tao đã thấy Phẫn vội chạy ra. Thấy tao bước xuống, Phẫn nhào lại nắm lấy vai tao lắc mạnh:
“Trời ơi! Mày sao ngu quá vậy Phước! Tao đã mừng tưởng mày được đi phép là thoát rồi. Sao không ở lại luôn lên làm gì?”
Phẫn la hét chửi tao, cơn tức giận không dấu được như bừng bừng bốc lửa. Phẫn đánh mạnh vào tay tao làm tao đau điếng. Phẫn như người cuồng điên, sự phẫn nộ tràn ra ào ạt. Nhưng trong ánh mắt giận dữ của Phẫn, tao thấy được những lo âu, sợ hãi . . . Những xúc cảm mãnh liệt của Phẫn không dấu được sự kinh hoàng của người biết trước được định mệnh của mình, nhưng hầu như còn được chút an ủi là người bạn thân đồng khóa đã may mắn được về phép trước khi Việt Cộng tấn công Phước Long, tưởng là thoát khỏi hiểm nghèo, nay thấy tao đột nhiên xuất hiện trên chuyến trực thăng chót đưa người lên bệnh viện tiểu khu, đưa đầu vào chỗ chết, bảo sao Phẫn không nổi điên lên được!”
Phước không nói nữa. Một lúc sau, Phước nghẹn ngào, nói ngắn gọn:
“Đêm đó, Việt Cộng tấn công, Phẫn chết ngay trong đợt pháo kích đầu tiên!”
Phước nhìn tôi, lắc đầu:
“Tao định kể cho mày câu chuyện về đói cơ mà! Vợ mày chắc làm cơm sắp xong. Những chuyện khác trong trận đánh Phước Long, tao sẽ lần lượt kể sau cho mày nghe, nhưng trong đêm Phẫn chết đó, tao cũng bị thương nặng ở đùi và trở thành tù binh, cùng với bao nhiêu người lính khác bị Việt Cộng bắt sau trận đánh.
Chúng tao bị giam, bị bỏ đói, tao không biết bao nhiêu ngày nữa. Vết thương đùi của tao làm độc, tao không còn hơi sức, nằm một chỗ, nhức nhối đau đớn đến cùng cực. Đàn ruồi bay vo ve theo tao hàng mấy ngày rồi vì mùi thịt thối xông lên nồng nặc. Những người tù binh khác đều dạt ra xa vì không muốn phải ngửi mùi kinh khủng này. Chính tao lúc nào cũng buồn nôn muốn ói vì cái mùi ghê tởm ngày đêm bao phủ lấy mình. Tao không đi được, phải dùng hai cùi chỏ để lết. Nhưng sau cùng lết cũng không được vì mấy ngày không ăn đã kiệt lực không còn hơi sức. Tao chỉ còn cách nằm yên, nhắm mắt lại, cố gắng để quên cái đau và cơn đói đang hành hạ.
Bỗng dưng một mùi thơm lạ lùng thoảng vào mũi tao. Chừng như mùi hôi thối từ vết thương đùi cũng không đánh át được mùi thơm này. Tao mở mắt ra và thấy một anh lính địa phương quân tù binh đang được người mẹ cho ăn cháo. Bà mẹ nấu ít cháo đem đến cho con ăn. Tao không hiểu sao bà được Việt Cộng cho phép vào và đến thăm đứa con. Nhưng tao không muốn tìm hiểu gì thêm. Vì cơn đói như được mùi cháo thơm làm bùng dậy mạnh mẽ. Cái đói cồn cào, thôi thúc, còn hơn cả cơn đau vết thương đang hành hạ. Tao không thể nhịn được và như trong cơn mơ, tao thấy tao lết lại dần chỗ có mùi thơm kỳ diệu kia. Mắt tao không thể rời ra khỏi tô cháo anh lính đang đưa vào miệng húp.
Cơn đói càng lúc càng tăng lên làm tao run bần bật. Mắt tao hoa lên, mồ hôi ra ướt đẫm trán nhưng tao cố gắng để chặn mình không mở miệng ra xin ăn cháo. Cả đời tao chưa bao giờ bị đói. Và tao chưa hề một lần mở miệng xin xỏ ai, dù là bất cứ điều gì. Tao nghĩ đến bố mẹ tao, đến tổ tiên dòng họ, ngay thẳng chân chính, không hề quỵ luỵ ai, lúc nào cũng giữ lưng cho thẳng, có bao giờ mở miệng van xin dù có chết đi chăng nữa. Và tao đang nằm đây, mắt không chớp nhìn vào tô cháo, đánh nhau với chính mình, cố gắng bậm môi đến gần bật máu để không mở miệng xin ăn cháo.
Nhưng cái đói không để yên, sự hành hạ đã quá mức, tao không thể chịu nổi nữa. Tao nghe tiếng mình nói, thều thào:
“Cho… xin… chút… cháo!”
Anh lính Địa phương quân tù binh không quay đầu lại, tiếp tục húp cháo, nhưng bà mẹ quay sang tao, giọng thật hung dữ:
“Cháo này tao cho con tao ăn còn hổng đủ, dư đâu cho mày!”
Bà bĩu môi, hất tay như muốn xua tao đi chỗ khác.
Tao thấy quay cuồng, cơn đói, cơn đau vết thương và nỗi nhục nhã uất ức như cùng nhau hợp vào, ùa đến như làn sóng thần phủ chụp. Nước mắt tao chảy ra dàn dụa.
Anh lính lúc đó mới quay đầu lại, chừng như bất nhẫn, nhìn bà mẹ một hồi rồi ngập ngừng đưa tao tô cháo đang húp dở.
Tao giơ tay cầm tô cháo. Mùi thơm ùa vào mũi và như một phản xạ không kiềm chế được, tao há miệng cho dòng cháo chảy vào.
Nhưng nước mắt tao càng lúc càng chảy ra nhiều hơn.
Cái đau tinh thần đã thay thế cho tất cả những nỗi đau thân thể và cơn đói hành hạ.
Tao thấy tao: Một Bác sĩ vừa ra trường, cả đời chỉ lo học hành, đi tìm cái hay, cái đẹp của cuộc đời, muốn giúp người, cứu người . . . Và chỉ trong mấy tháng vừa qua sau khi ra trường làm việc tại Bệnh viện Tiểu khu này, tao đã cứu được nhiều thương bệnh binh và cũng được nhiều người kính phục. Tại sao tao lại ở đây, khổ sở, đau đớn, điên cuồng vì đói để bị sỉ nhục, khinh khi chỉ vì cái đói kinh khủng đã làm tao phải mở miệng để xin ăn cháo!
Dòng cháo thơm tho, nuôi sống, đã vào miệng rồi nhưng cơn nghẹn ngào và nước mắt tuôn rơi làm tao không thể nuốt nổi.
Cổ họng tao như thắt lại và dù cơn đói thôi thúc, tao nhả ra và trao lại tô cháo cho anh lính.
Tao cố gắng dùng tàn hơi để bắt mình lết dần sang một chỗ khác, để không thấy, không nghe tiếng húp cháo nữa, dù mùi cháo thơm tiếp tục bay đến hành hạ như không bao giờ ngơi nghỉ.”
* * *
Phước nhìn tôi, hỏi, nhưng cặp mắt mơ màng như vẫn còn đang sống trong kỷ niệm của ba mươi mấy năm về trước:
“Mày nghe đã sợ cái đói thực sự như thế nào chưa?
Nhưng khoan! Trước khi vào ăn cơm, để tao kể nốt cho mày nghe câu chuyện đói khác. Chuyện này có hậu hơn. Tao biết mày thích chuyện gì cũng phải có hậu mà phải không?
Tao sẽ kể thêm những chuyện trong trại tù binh ở miền Nam cho mày nghe sau, để tao nhảy sang chỗ tao bị chuyển ra Bắc, bị đưa ra trại Yên Bái tuốt miền Bắc, cùng với những Sĩ quan khác.
Đoàn xe của chúng tao chạy suốt quãng đường dài, dân chúng miền Bắc như được lệnh, thấy mặt chúng tao là sỉ vả, nguyền rủa. Tao có nhiều chuyện lắm cho cuộc hành trình này, tao sẽ lần lượt kể cho mày nghe sau. Nhưng để tao kể chuyện này khi gần đến Yên Bái.
Lúc đó trời đã về chiều, đoàn xe dừng lại. Những tên bộ đội đi xuống kiếm chỗ đi tiểu hay ăn uống. Chỗ này đã gần đến Yên Bái và đã có ít căn nhà thưa thớt của dân dọc hai bên đường. Một người đàn bà dáng đã già tiến lại hỏi mấy tên bộ đội về đoàn xe. Được nghe giải thích đây là những tù binh từ miền Nam bị bắt đưa ra trại giam Yên Bái, bà ta tiến lại chỗ chúng tao. Bà hoa chân múa tay bắt đầu chửi:
“Tiên sư bố chúng mày! Cho chúng mày chết hết đi! Đáng đời chúng mày!”
Bà càng chửi càng hăng hơn. Bộ đội thích thú cười. Chúng tản mát ra kiếm chỗ để lấy đồ ngồi ăn và uống nước.
Một lúc không thấy tên bộ đội nào lảng vảng gần đó nữa, bà cụ già tiến lại gần hơn chiếc xe tao đang nằm trên cáng, mặt bà dịu lại, vẻ dữ tợn biến đâu mất, trên khuôn mặt nhăn nheo, sạm nắng và cặp mắt trũng sâu, chỉ còn lòng trắc ẩn.
Bà lại gần tao, nhìn vào vết thương đùi không lành đã mấy tháng nay, lúc nào cũng đầy mủ và bắt đầu có dòi. Bà nói nho nhỏ:
“Tội nghiệp con! Làm sao để ra nông nỗi này. Chúng nó khốn nạn quá!”
Rồi bà rút trong ngực áo ra một củ khoai, dúi vào tay tao:
“Con ăn đi cho đỡ đói!”
Bà vừa nói vừa láo liên nhìn về phía bọn bộ đội. Thấy một tên đi xăm xăm lại, bà quay người đi ngay.
Tao ngẩn người nhìn theo bà lão. Dù đang đói lả, cơn đói như cào xé lấy ruột gan, tao cũng không thể ăn ngay được.
Cho đến khi bóng bà lão khuất sau hàng dậu thưa của căn nhà bên đường và tên bộ đội trở lại chỗ ngồi cũ, tao mới ngoạm vào củ khoai còn nóng.
Miếng khoai ngọt ngào trôi vào trong cổ họng, thơm ngon và ấm áp.
Nuớc mắt tao ứa ra, nhớ lại bát cháo ngày nào ở Phước Long. Miếng cháo cũng thơm ngọt, nhưng dù có sắp chết tao không thể nào nuốt trôi.
Còn miếng khoai này, đầy ắp tình người, đã nuôi sống tao buổi chiều hôm đó, cũng như giúp tao trải qua những đọa đày cùng cực của ba năm giam cầm ở trại giam Yên Bái.
Mày thấy không? Trong chốn địa ngục của trần gian đó, chỉ còn hy vọng là điều ngăn cách giữa cái sống và cái chết, giữa lương tri và ác độc, giữa chịu đựng và buông xuôi. Và tình người của bà lão Yên Bái đã giúp cho tao còn chút hy vọng, khi đã tuyệt vọng khôn cùng, khi chỉ còn muốn nhắm mắt để vĩnh viễn ra đi.
Củ khoai của bà đã nuôi sống tao đến tận bây giờ đó mày ạ.
Và đừng có bao giờ, đừng có ai nói chuyện hòa hợp hòa giải với tao nha!
Bác sĩ Nguyễn Đình Phùng – Bác Sĩ Phạm Hữu Phước.
No comments:
Post a Comment