11/28/17

CÔ GÁI GỌI MẶT TRỜI

“Lắng nghe!..
Trái tim khóc màu riêng vậy”
H.T.T.

Hồi còn là học sinh trường Mỹ thuật, trong một đợt đi thực tế sáng tác ở nông thôn, tôi làm quen được với Út. Út không đẹp lắm nhưng có duyên, nhờ cái lúm đồng tiền tròn vo vo trên má mỗi khi nhoẻn cười.

Bấy giờ Út mới mười lăm tuổi. Mỗi khi rảnh việc, Út thường chạy đến xem tôi vẽ. Út tỏ ra thích những bức tranh tôi thể hiện cảnh đồng quê bằng cách chấm phá những đường nét dân gian trên các mảng màu thật nhạt. Như cảnh bờ ao với một vài con vịt đứng rỉa cánh, cảnh dòng kinh với một con bói cá cắp mồi bay vụt lên, còn để lại dưới nước một vòng tròn lan tỏa. Vẽ chán những cảnh quanh quẩn ở nhà, tôi xoay qua vẽ cảnh mặt trời trên đồng nước nổi. Để vẽ được cảnh đó, sáng nào tôi cũng dậy thật sớm. Khi tôi lịch kịch chuẩn bị các thứ bảng màu, giá vẽ, con dọi, com pa thì Út cũng thức. Tôi ở trên nhà chuẩn bị đồ lề của mình, Út ở dưới bếp nấu nước chăm trà cho ngoại. Ánh lửa rưng rức hắt vào mặt Út , bật lên những viền sáng, tự nhiên gợi cho tôi đề tài về thiếu nữ giữa đồng đứng gọi mặt trời thức giấc.

11/25/17

Cảm Thán Nhân Lễ Tạ Ơn 2017

Nhìn chú Gà Tây chết sõng soài,

Lòng già thêm khắc khoải bi ai.

Hình hài lết mãi dần tơi tả,

Ký ức vun hoài vẫn nhạt phai.

Canh cánh thù nhà đau xé ruột,

Chập chồng nợ nước trĩu oằn vai.

Quê hương đã khuất ngoài muôn dặm,

Thăm thẳm trời đêm, chuỗi hận dài.

Trần Văn Lương

Cali, 11/2017

11/22/17

ĐÊM DẬY THÌ

Miên nhúng cả hai bàn tay vào thau nước, chị Hạnh đứng đằng sau cười:
“Không lạnh sao Miên?”
Miên nói:
“Tay em sắp cóng rồi đây”.
Chị Hạnh nói:
“Mày rửa mau tao rửa với, gớm trời rét thế này tao muốn bỏ học quá. Này Miên ơi, còn gói đậu phụng rang nào không?”
Miên buồn cười, chị Hạnh vẫn như con nít mặc dầu chị đã hai mươi tuổi. Năm nay Miên mười sáu. Miên mười sáu và má nói: Gớm, con Miên mười sáu mà lớn phổng, gả được chồng rồi đấy. Miên giẫy nẩy: Không, con không lấy chồng đâu. Và lạ lùng lúc đó Miên nghĩ rất nhanh tới chú Hiên. Chị Hạnh nói: Trông chú ấy lạnh hơn nước đá, tao sợ phải nhúng tay vào. Ai mượn chị đấy. Miên vẫn thường mích lòng khi ai nói chạm đến chú Hiên. Với Miên, chú Hiên là tất cả.

11/21/17

SỢI DÂY CHUYỀN KIM CƯƠNG


Cô là một thiếu nữ xinh đẹp, dáng dấp đài các, cao sang, nhưng trớ trêu thay định mệnh lại chọn cho cô vào một gia đình công chức tầm thường. Không của hồi môn, thì làm sao có duyên cơ gặp gỡ đàn ông giàu có, danh giá, để được tìm hiểu, yêu đương rồi đi tới hôn nhân? Thế nên cô chấp nhận về làm vợ của một anh lục sự “thường thường bậc trung” tại bộ thông tin.
Tài chánh không cho phép cô ăn diện, và cô lấy làm phiền lòng vô cùng, như thể mình từ một địa vị cao rơi xuống. Dung nhan diễm lệ, dáng dấp kiêu sa, chẳng là những yếu tố khắc phục thứ bậc, tầng lớp mà số phận đã an bài? Tài năng thiên phú, bản năng nhận thức, một đầu óc thích nghi có phải là đẳng cấp duy nhất? Cũng đúng đấy thôi, nhiều người đàn bà dân giả được sánh ngang hàng với những mệnh phụ danh giá nhờ nhan sắc, trí thông minh và phương cách giao tiếp của họ.

11/19/17

ÁO MỚI

Chiếc áo đầu tiên quý giá nhất trong gia đình tôi là một chiếc “Áo vua ban” . Hồi ấy, ba tôi làm việc tại Tòa Khâm Sứ Huế, mẹ tôi là một cô Tôn nữ nghèo, Tôn nữ là một người thuộc Hoàng tộc , địa vị xa lắc xa lơ . Nhưng cũng nhờ thế bà có đường giây bà con quen biết để tiện việc mách mối mua bán đồ cổ. Ngoài ra, bà còn chụp ảnh cho các Bà Hoàng, Bà Chúa, Bà Phi, Bà Tân trong Hoàng cung.
Mách mối là một công việc buôn bán rất nhàn. Bà chỉ việc diện bảnh, rẽ đường ngôi cho thẳng, bôi dầu dừa bóng loáng và thơm nức lên, chiếc quần lụa cũng được là ủi thẳng và xếp thành nếp hai bên, gọi là ” xếp con ” , năm con, bảy con gì đấy, càng nhiều ” con” càng sang trọng quý phái. Ăn mặc tề chỉnh như thế xong, bà chỉ việc đến nhà các Mệnh phụ, Công nương, ngồi lê đôi mách một vài buổi. Thế là ” Mệ” nào muốn bán cái gì, cụ nào muốn mua cái gì, mẹ tôi biết rõ cả. Bà chỉ việc vắt vẻo ngồi lên chiếc xe kéo nhà, đi thăm viếng xã giao vài lần, là kẻ mua người bán đều vui vẻ.

11/17/17

Tiếng Sầu Của Mùa Thu

Dạo:
   Sầu xưa theo bước Thu sang,
Mang mang lối cũ, biết nàng chốn nao.
 
I. Cóc cuối tuần Phú Lang Sa:
 
  Incessants Regrets
                   d'Automne
 
L'automne d'autrefois revient,
Dispersant sa mélancolie.
Mon âme affligée là se tient
Et du temps passé se souvient.
 
Croyant entendre enfin ta voix,
Mon cœur aride éclate en flamme.
Las! Ce n'est que du vent qui croît
A travers les branches du bois!
 
Sont-ce tes larmes pénitentes,
Versées pour notre amour défunt,
Ou des gouttes de pluie dolentes
Battant le voile de ces tentes?
 
Est-ce ton haleine fragrante
Qui vient réchauffer mon abri,
Ou plutôt la chaleur restante
De notre passion languissante?
 
De loin parvient le bruit des pas.
Pensant à toi, de joie je saute.
Hélas, ce n'est que le fracas
Des feuilles pleurant leur trépas!
 
Mon cœur, faible et comblé d'émoi,
Tâche de panser sa blessure,
Toujours ne sachant pas pourquoi
L'automne est retourné sans toi.
              Trần Văn Lương
                Cali, 11/2017
 
II. Phỏng dịch thơ Việt:
 
      Dai Dẳng
           Tiếng Thu Buồn
 
Thu đã quay về giữa đợi mong,
Sầu kia gieo rắc kín trời không.
Cơn giông quá khứ dằng dai mãi,
Tê tái mình anh lặng đứng trông.
 
Tưởng em về thủ thỉ đâu đây,
Háo hức nhìn quanh, dạ ngất ngây.
Thất vọng thở dài khi chợt rõ
Chỉ là tiếng gió giữa rừng cây.
 
Có phải lệ em thoắt đổi dòng,
Trở về than khóc chuyện vừa xong,
Hay là giọt nước Ngâu hờn trách,
Tí tách trên lều vải trống không?
 
Có phải làn hơi thở ngọc lan
Của em về sưởi ấm không gian,
Hay là hơi nóng còn rơi rớt
Của một cuộc tình trót vỡ tan?
 
Văng vẳng từ xa tiếng bước chân,
Tưởng em về gặp lại người thân,
Bâng khuâng anh ngóng theo chiều gió,
Chỉ lá khuya rơi gõ mộ phần.
 
Con tim quằn dưới nỗi sầu đau,
Vá vết thương lòng rách đã lâu,
Trăn trở hỏi thầm trong tuyệt vọng,
Thu về, còn bóng dáng em đâu.
           Trần Văn Lương
             Cali, 11/2017

11/8/17

LẠNH TUỔI VÀNG

Nhã Ca

Khi soi gương lại tôi thấy mình lạ hoắc. Đó, con mắt, nụ cười và nét nhăn trên vầng trán. Làm thế nào để tưởng tượng được ra tôi sau một đêm không ngủ, sau một lần đã bước xuống. Vâng tôi đã bước xuống, bước một bước đầu tiên và còn bước mãi, đêm nay đêm mai, mãi mãi cho cuộc đời sắp tàn úa. Mau lắm mày ơi, đừng buồn, đừng ngán, rồi nói cũng thường hết. Tiếng Ngân như một gáo nước lạnh, như một nắm băng tuyết tạt vào mặt, ban đầu buốt giá, rồi tan dần, thấm dần và mất trong da thịt. Rồi cũng thường hết. Tôi giơ tay vuốt mặt và mắt bỗng chạm lên nền trần nhà trắng. Mẹ tôi đang nằm trên đó, và đôi mắt không nhìn thấy gì hết, không bao giờ mẹ còn trông thấy gì, mười năm nay, đôi mắt đó đã dần mòn trong bóng tối, dần mòn trong quên lãng, dần mòn trong căn gác không màu sắc không cảm giác. Phải, mẹ tôi như một vật vô tri giác, đôi khi tôi thấy bà ngồi đó mà không nhắc nhở gì cho tôi hết. Người bà ngồi đó, im lặng, không hề biết đến sự lớn lên dần của tôi. Hình ảnh tôi trong mẹ là hình ảnh một con bé lên tám, tóc cắt ngắn, mắt hồn nhiên, con bé Nhiên của mẹ. Con bé Nhiên đã bị đời thổi phồng lên quá mức, tôi nhìn ngắm tôi mãi trong gương và cảm thấy mình khinh miệt bóng mình. Tôi thế đấy và Du đã một lần bỏ đi, bỏ đi và chắc chắn biến mất.

11/3/17

The Vietnam War - Đôi điều cần phải nói


Phạm Tín An Ninh

Bộ phim tài liệu The Vietnam War được thực hiện bởi hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Norvick, hiện đang được phổ biến rộng rãi trên truyền hình NRK (NaUy) và được một số báo chí thiên tả NaUy tán thưởng. Bộ phim này cũng đã được trình chiếu tháng trước trên hệ thống truyền hình PBS tại Mỹ, tạo nên làn sóng tranh cãi, nhiều phản bác hơn là ngợi khen, từ những người Mỹ lẫn người Việt, Người ta công nhận The Vietnam War có khá hơn nhiều so với Vietnam – The Ten Thousand Day War (của Michael Maclear) trước đây, tuy nhiên nó vẫn là một bộ phim tồi. Những người thực hiện vẫn tiếp tục đi theo lối mòn định kiến của giới truyền thông Mỹ. Trong khi đa phần những người trong cuộc, từng tham dự và bị nhiều hệ lụy từ cuộc chiến ấy, dễ dàng nhận ra sự thiên lệch, thiếu chính xác của cuốn phim, từ trong tư tưởng, tài liệu, hình ảnh đến việc phỏng vấn và mục đích thực hiện.

11/2/17

NHÂN SÂM

ginseng

Ngày xưa, có một tiều phu sống ở ven rừng với một đứa con còn nhỏ. Mỗi ngày, khi vào rừng đốn củi, người cha để cho đưa bé một nắm cơm để ăn. Thế nhưng không hiểu vì sao, tuy ăn uống đạm bạc như vậy mà đưa trẻ rất hồng hào khỏe mạnh. Người cha mới hỏi đứa trẻ hàng ngày ăn uống những gì thì đứa trẻ nói là cơm của nó hôm nào cũng bị khỉ trong rừng đến cướp mất. Gã tiều phu sinh nghi, nên một hôm đứng rình thì thấy quả nhiên cơm của đứa nhỏ bị khỉ lấy đi thật. Thế nhưng một lúc sau lại có một đứa trẻ bụ bẫm ở đâu không biết đến chơi với nó. Người cha liền đưa cho con một sợi chỉ đỏ và dặn con khi đứa trẻ ra về thì buộc vào tay nó. Đứa trẻ làm theo lời cha và người cha đi lần theo sợi dây thì gặp một loại cây có là hình năm cánh, có quả màu đỏ. Ông ta đào lên được một cái củ trông giống như người. Chính cái củ này mỗi ngày hiện ra đến chơi với thằng bé và truyền cái sinh lực của nó cho đứa trẻ. Đó là truyền thuyết về củ sâm theo truyện cổ tích.