8/4/17

NHÌN LẠI NỬA THẾ KỶ

Thi Phương

clip_image001

Nhớ lại một thời khi chúng ta còn đất nước, còn quê hương. Ông bà hay cả cha mẹ, khi đã vào tuổi cổ lai hy, thường sống an nhàn với con, với cháu, không hề nghĩ đến một ngày mai ở nursing home hay hospice. Thời giờ của họ là đến với con cháu khi có thể, với những chuyện xưa tích cũ của đất nước, của quê hương, của gia đình, để cho con cháu dù bận rộn với cuộc sống hàng ngày cùng hiểu và nhớ được nguồn gốc của mình. Nay chúng ta là những người tha hương, mất nước. Chẳng phải ai cũng có thể nhớ được những câu chuyện ngày xưa để trước cho mình nhớ được những gì đã mất, sau là cho con cháu hiểu được “ai đưa ta đến chốn này”. Hiện nay là năm 2017, chúng ta chẳng làm sao có thể quên được 50 năm trước, không chỉ vì đúng nửa thế kỷ đã trôi qua, mà còn vì năm 1967 là một năm rất đặc biệt trong lịch sử cuộc chiến đấu của ngưòi dân Miền Nam chống sự xâm lăng của Miền Bắc. Nhắc lại chuyện ngày xưa chủ yếu là để cho trí nhớ của chúng ta không yên tĩnh, tức chống lại những đe dọa của dementia hay alzheimer, mà còn đề cho thế hệ baby boom người Việt có chuyện để nói với nhau. Descartes nói: “Ta suy nghĩ, nên ta hiện hữu”. Je pense, donc je suis. Chúng ta nói: “Chúng ta nói, chúng ta hiện hữu” (nous parlons, donc nous somme). Miễn là nói chuyện xứng đáng. Bởi thế, trên mục này, thỉnh thoảng chúng ta sẽ ngoái đầu nhìn lại họa may có thể tìm thấy những gì đã mất!

Loạt bài kéo dài hơn nửa năm nay của tờ The New York Times về “Việt Nam '67” đã cho thấy một điều: hơn bốn thập kỷ đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam đi đến một kết thúc khủng khiếp với hàng trăm ngàn người chạy thoát khỏi đất nước, nhưng thời gian đã thất bại trong việc làm thay đổi quan điểm của nhiều người Mỹ về cuộc xung đột này. Đáng nói hơn nữa, trong số những người này có những người đã chiến đấu trong cuộc chiến này và không xa lạ gì với người Việt trước đây ở Miền Nam và người Việt ngày nay trên đất Mỹ.

Trong thực tế, kể từ khi Sài Gòn thất thủ vào tháng tư năm 1975, chúng ta đã học được rất nhiều điều. Ví dụ, trái ngược với điều nhiều người vẫn tin, không chỉ những người Việt ở Miền Nam nhưng ngay cả những người ở Miền Bắc cũng sống kinh hoàng dưới ách của chế độ cộng sản, rõ ràng vì cả lý do kinh tế lẫn chính trị. Hàng trăm ngàn thuyền nhân Miền Nam đã nói lên sự lựa chọn của họ, ngay sau khi quân cộng sản tiến vào Sài Gòn. Thú vị hơn nữa, thậm chí hàng chục ngàn người từ giai cấp cầm quyền tại Hà Nội đã lặng lẽ di cư đến Hoa Kỳ trong những năm qua. Ba vấn đề tệ hại nhất của Việt Nam từ bao đời vẫn không đổi: áp bức, tham nhũng và bất công xã hội và bất bình đẳng.

Hà Nội trước đây thường viện dẫn quyền giải phóng Miền Nam để thống nhất cả hai phần của đất nước, nhưng trong hơn sáu thập kỷ kể từ khi chế độ cộng sản độc tài toàn trị được áp đặt lên đất nước với Cách mạng Mùa thu năm 1945, người dân dưới ách cai trị của cộng sản chưa bao giờ được giải phóng để biết dân chủ và tự do nghĩa là gì bởi vì các nhà lãnh đạo tại Hà Nội luôn nói với người dân của họ “không gì có thể tốt hơn cộng sản chuyên chính”. Và sự thật là giữa miền bắc và miền nam vẫn còn nhiều ngăn cách bởi vì người từ phương bắc nhìn miền nam như “vùng đất của di dân và cơ hội” (giống như cách người trên thế giới nhìn nước Mỹ) trong khi người miền nam vẫn có một cái nhìn ngờ vực nhưng chính đáng những người từ miền bắc.

Hiện nay có gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt ở đất nước này, có ít nhất 30% trong số đó thuộc thế hệ “baby-doom” - thế hệ không ai dám sinh đẻ, sinh ra trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1953) và lớn lên trong những năm đầu tiên của Chiến tranh Đông Dương thứ hai. Là người Mỹ gốc Việt, chúng ta cần học hỏi, tìm hiểu về chính trị Mỹ, và những kinh nghiệm phải chia sẻ về lịch sử Việt Nam. Chúng ta đã ở đây đủ lâu nên hẳn phải hiểu người Mỹ “ngày xưa” cảm nhận thế nào về chiến tranh Việt Nam. Chúng ta ít nhiều vẫn thấy trăn trở vì nhiều người Mỹ chẳng hiểu cuộc chiến này đã kết thuc ngang ngược như thế nào. Chúng ta cần tìm cách chia sẻ những gì chúng ta ở Miền Nam đã hiểu về cuộc chiến - 50 năm trước - đối lại với những gì lập luận phản chiến vẫn còn gieo rắc.

Năm 1967 là năm đầu tiên chúng ta đã có một cảm giác hy vọng thực sự về chiến tranh chấm dứt (chúng ta có thể sử dụng cụm từ “ánh sáng ở cuối đường hầm”) sau khi cứ sống lảo đảo, hiểm nghèo trên bờ vực trong mấy năm sau sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm (ông Diệm bị ám sát trong một cuộc đảo chính được Mỹ “đồng tình” trong tháng 11 năm 1963). Chúng ta không thể nói một cách khác: Tất cả sự ổn định tái lập này là do Tổng thống Lyndon B. Johnson quyết định đưa quân chiến đấu vào Miền Nam vào tháng ba năm 1965. Có gần 400.000 binh lính Mỹ ở Miền Nam vào đầu năm 1967, mở những chiến dịch “tìm và diệt” (search and destroy) nhằm vào những hang ổ của Việt Cộng từ Khê Sanh giáp Bến Hải và biên giới Lào đến Chiến khu C, Chiến khu D trong nam. Lực lượng cộng sản xâm nhập từ miền Bắc vào miền Nam dường như không còn khả năng thao túng chiến trường nữa, đến mức Bộ Chính trị ở Hà Nội phải đi đến quyết định liều lĩnh phát động chiến dịch “tồng công kích, tổng khởi nghĩa” vào dịp Tết Mậu Thân 1968 “Tết” để mặc may hồi sinh cuộc “chiến tranh giải phóng ”.

Tổng thống Johnson cũng cho phép viện trợ kinh tế khổng lồ để tạo sinh lực cho nền kinh tế tê liệt của Miền Nam. Chương trình viện trợ thương mại hóa (CIP) cùng với chương trình yểm trợ nông nghiệp PL480 lên tới khoảng 700 triệu Mỹ kim, cùng với chi tiêu hào phóng của lính Mỹ theo hình thức “đô-la đỏ” đã giúp thúc đẩy nền kinh tế thương mại và dịch vụ mặc dù kinh tế nông nghiệp và công nghiệp suy yếu. Chiến lược cộng sản “lấy nông thôn bao vây thành thị” dường như không mấy hiệu quả vì những người từ nông thôn đã bị thu hút đến các thành phố và rời khỏi làng mạc của họ để đến với thành phố tìm sự an toàn và cơ hội.

Các nhà sử học không được quên những biến chuyển có tính thời đại trong môi trường chính trị. Năm 1966, Miền Nam đã có bầu cử tự do thành lập Quốc hội Lập hiến (lần đầu tiên kể từ năm 1963) để soạn thảo một hiến pháp dân chủ và dẫn đến các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống trong tháng tám và tháng chín năm 1967. Các ứng cử viên của các tôn giáo, địa phương, các đảng phái chính trị ... được bầu vào Hạ Viện và Thượng Viện. Cuộc bầu cử tổng thống thậm chí có đến 11 liên danh (mỗi liên danh có một ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống, từ quân đội, đảng phái, các khu vực khác nhau của đất nước. Được đắc cử, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ chỉ giành được 33% số phiếu – nhờ họ là những ứng cử viên quân sự duy nhất. Ngay cả một người “chủ hòa” rõ rệt được hỗ trợ bởi các nhóm “phản chiến” hay thậm chí cộng sản ở các vùng nông thôn (Trương Đình Dzu) được đứng thứ hai với 17% số phiếu. Cho đến nay, Việt Nam dưới chế độ cộng sản chưa hề biết đến bầu cử tự do và dân chủ là gì!

Người ta vẫn tin tưởng phổ quát vào thời điểm đó một chương mới của cuộc chiến đã được mở ra, và rằng sau một vài năm, cuộc chiến có thể biến mất nếu kế hoạch bình định có thể đạt hiệu quả như mong muốn. Trong thực tế, vào giữa năm 1967, người ta đã nói về một kế hoạch tái thiết thời hậu chiến, và Giáo sư David Lilienthal từ Valley Authority Tennessee vừa hoàn thành một nghiên cứu toàn diện dẫn đến việc thành lập Ban Kế hoạch Hậu chiến của Sài Gòn với những nhân vật như Giáo sư Vũ Quốc thúc, Mai Văn Lễ, Nguyễn Như Cương.

Chúng ta vẫn chưa hiểu được tại sao Tổng thống Thiệu và Tướng William Westmoreland, chỉ huy lực lượng Mỹ trong chiến tranh, lại quá bất cẩn đến mức không thể lường trước được và cũng không có các biện pháp thích hợp để gián chỉ chiến dịch Tết Mậu Thân của địch diễn ra vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, khi mọi người tin rằng các nước Đồng Minh và những người cộng sản đã đạt được một thỏa thuận ngưng bắn tạm thời! What if… Hãy giả sử chúng ta ngăn chận được chiến dịch này thì tình hình chính trị và quân sự sau đó sẽ như thế nào?

Rõ ràng chúng ta đã chiến thắng về mặt quân sự trong hai đợt tấn công của địch trong năm 1968 đó, đến mức lính Miền Bắc, tuyệt vọng và cùng đường, đã tàn sát hàng ngàn thường dân tại Huế để “trả thù nhân dân” trước khi rút khỏi cố đô. Tuy nhiên, phần thưởng mà Việt Cộng được đền đáp cho viêc hy sinh khoảng 110.000 bộ đội (vừa chết vừa bị thương) là sự tuyệt vọng của Tổng thống Johnson trong một năm bầu cử, phong trào phản chiến ở Mỹ càng thâm hứng chí, “Dick gian xảo” (Tricky Dick) đắc cử tổng thống với kế hoạch Việt Nam hóa vừa ngẫu hứng vừa tất nhiên, cùng với cuộc mật đàm với Hà Nội đúng là đâm sau lưng đồng minh.

Chúng ta hãy so sánh chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Johnson và và cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan trước của Tổng thống George W. Bush và bàn giao về sau cho Barack Obama. Cuộc chiến nào là cần thiết và cuộc chiến nào là lựa chọn? Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những gì có thể đã xảy ra trong toàn bộ khu vực Đông Nam Á nếu Hoa Kỳ đã để mất tiền đồn của Thế giới Tự do ví dụ như từ năm 1964? Thái Lan sẽ chẳng còn, Phi Luật Tân cũng mất, Malaysia cũng có phong trào cộng sản, Indonesia lại càng khó đứng vững. Bao nhiêu người Mỹ trước đây và ngày nay hiểu chuyện đó?

Để hiểu được sự thất vọng và quẫn trí của Tổng thống Johnson, chúng ta cũng nên nhớ rằng những kẻ thù ở Việt Nam rõ ràng nham hiểm hơn bởi vì họ là cộng sản và được sự ủng hộ hết lòng của cả Liên Xô và Trung Cộng. Những kẻ thù ở Trung Đông có thể là điên hơn và khát máu nhiều hơn Việt Cộng trước đây nhưng không có cách nào họ có thể bì được với những người cộng sản Miền Bắc từng sẵn sàng hy sinh đến người cuối cùng, không thèm đếm xỉa gì đến nhu cầu hạnh phúc, sống an lành của người dân sau cuộc chiến, nhu cầu cấp bách phát triển kinh tế xã hội của một đất nước còn tan hoang vì một cuộc chiến tranh du kích lâu dài và tiêu thổ chống Pháp. “Bác Hồ” đã nói “còn non còn nước còn người…” Còn một người, họ còn thí.

Tổng thống Johnson có vẻ thành công hơn trong việc xử lý cuộc chiến, ít nhất cho đến Tết Mậu Thân năm 1968, trong điều kiện quân sự, trong việc sử dụng viện trợ kinh tế Mỹ để ổn định đời sống của miền Nam Việt Nam, trong sự cương quyết không chấp nhận hòa đàm bằng mọi giá, và trong việc thuyết phục miền Nam Việt Nam áp dụng một lối sống dân chủ. Ông đã bị cáo buộc nói dối về sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Bây giờ chúng ta không còn ngạc nhiên khi thấy tổng thống nói dối - nhờ ông Trump. Nhưng, cái nói dối của Johnson, xem như có thực, là cần thiết hoặc nói dối “lựa chọn” (lie of necessity or lie of choice?). Và dù sao đi nữa, lời nói dối mà Johnson bị cáo buộc suy cho cùng chẳng có nghĩa gì khi so với hàng ngàn lời nói dối Hà Nội nói với dân chúng về “sự nghèo đói, bóc lột, áp bức mà nhân dân miền Nam Việt Nam đã bị đau khổ dưới ách đô hộ của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Bao nhiêu người Mỹ trước đây và ngày nay hiểu được rằng chế độ cộng sản trước đây cũng như ngày nay tại Hà Nội là một chế độ dối trá vì quen chà đạp nhân quyền và dân quyền của con người.

Tôi vẫn cứ mơ ước: nếu chúng ta ngăn chặn được cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, Việt Nam hiện nay có thể đã trở thành một đồng minh chiến lược của Mỹ trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

No comments:

Post a Comment