5/7/15

Về lại bến sông

5 năm thì phải, có thể hơn kém chút xíu, đi lễ nhà thờ, một ông Mỹ đen, to lớn cỡ gấp rưởi tôi, đưa tay ra bắt tay tôi. Tôi định nói “how are you doing” thì ông Mỹ chào trước:

– Dạ, cháu chào chú.

Tôi chưng hửng. Tưởng lầm là ông Mỹ thiệt.

– Chào anh. Qua lâu chưa?

– Dạ, cháu mới qua được hai tháng.

Trai, Mỹ lai, giống như Mỹ thiệt. Cao lớn. Vạm vỡ. Tóc xoăn tít. Nếu Trai có thêm giọng nói ồm ồm nữa, ban đêm tối trời, tình cờ gặp ngoài đường, ắt hẳn phải hồn phi phách tán! Trái lại, giọng Trai thật trong và nhẹ. Tôi không hình dung được giọng Trai thuộc vùng nào ở Việt Nam. Bắc, Huế thì chắc chắn không phải. Nam Kỳ Lục Tỉnh cũng không. Nếu bình thường người ta chia giọng nói ở Việt Nam chỉ đơn giản là Bắc, Huế và Nam thì giọng Trai thuộc miền Trung. Tôi nghĩ có thể khoảng từ Đà Nẵng tới Nha Trang. Cuộc chiến khốc liệt, tàn bạo và dai dẳng đã đẩy xô mọi người chạy tán loạn, nên âm sắc pha tạp lung tung. Nhưng nghe cách dùng ngôn từ cũng hình dung được nếp sống đôi chút. Nghe giọng Trai, tôi nghĩ anh là lai, nhưng “chắc cũng đàng hoàng”. Trai có vợ, 2 con và vợ đang mang thêm cái bầu. Gia đình Trai còn có thêm ông bà cụ, cha mẹ nuôi.

Chưa đọc “Unwanted” của Kiên Nguyễn nhưng tôi hình dung từ chữ unwanted là “tôi đâu có muốn thế!” cho nên chuyện con lai ở Việt Nam, nhất là sau năm 75, dưới cặp mắt căm thù Mỹ-Ngụy thì chắc chắn chỉ là loại cặn bã của xã hội. Thực tế, thì trước 75, con lai cũng bị xếp vào thành phần thấp nhất, nhưng không bị căm thù. Rồi những khuôn mặt mới vô Nam, đằng đằng sát khí sau 75, “đánh cho Mỹ cút”, thì con lai bị đè xuống tận sình lầy. Mỹ thiệt thì đã cao bay xa chạy, nhưng loại con nít Mỹ lai còn lại nầy, thì bị thêm một tầng địa ngục!

Khi còn ở trại tị nạn Bataan, Philippine, thì vùng 2 tập trung toàn diện con lai, nên rắc rối nhất. Con lai quậy phá đủ chuyện. Hận đời đen bạc nên bây giờ phải trả thù đời! Khi có chương trình ODP diện con lai, thì từ tận sình lầy xã hội, bỗng chốc con lai được đưa lên hàng trân châu, bảo ngọc. Người ta đua nhau giành giựt. Mua bán. Thương thảo. Sang nhượng. Kỳ kèo. Chìu chuộng. O bế. Cả “phong trào con lai” ra đời. Ai cũng mong con lai nhận họ là cha mẹ nuôi, anh chị em kết nghĩa. Gạ gẫm xong thì đến màn huấn luyện, để con lai trả lời cho trôi chảy, khi được phỏng vấn. Mấy quan chức đã ở trong cái chăn Xã Hội Chủ Nghĩa mấy chục năm, nên biết rõ từng loại rận lớn, rận nhỏ cùng khắp, là người bén nhạy nhất chuyện con lai. Vừa quan, vừa tiền, mua đi bán lại, mấy ông phù phép cho cậu ấm, cô chiêu thành anh chị em của con lai dễ dàng. Tên họ thiệt với thành tích cách mạng bị vứt bỏ không thương tiếc. Cậu ấm, cô chiêu giờ đây mang những cái tên mới lạ, đôi lúc thật kỳ cục, vì là anh chị em của con lai thứ thiệt! Những con người nhân danh đấu tranh cho giai cấp bị bóc lột, đã tự hào là từ giới bần cùng, đang tự hạ mình thêm một bậc nữa: bậc anh chị em của con lai!

Cái ân sâu, nghĩa nặng, dưỡng dục con lai của người nuôi dưỡng, đã bị mấy ông rủng rỉnh bạc tiền mua đứt!

Qua đến trại tị nạn thì âm mưu của những kẻ mua bán gần như đã thành công, để cậu ấm, cô chiêu đặt chân lên đất Mỹ. Con lai hiểu rõ điều đó, đâu có tình nghĩa gì. Cũng chẳng có ai nhìn con lai mà tôn trọng! Con lai là loại giang hồ, lang bạt. Loại đầu đường xó chợ. Đã quen nếp sống bụi đời rồi, cho nên chuyện ghép phom[1], bỏ phom, tố cáo, hăm he, xảy ra tùm lum. Thế nhưng, vỏ quít dày thì có móng tay nhọn. Ở trại tỵ nạn, con lai muốn trả thù đời, đòi nộp đơn xin thay đổi tình trạng quan hệ cá nhân trong hồ sơ ODP, đôi lúc cũng kịp nghĩ lại. (Kể cũng lạ, Xã Hội Chủ Nghĩa thì không có “giai cấp” nhưng “thành phần” cùng đinh lại cưu mang nhau, còn “thành phần” thống trị thì mồm loa mép giải! Người ta nhân danh đạo đức, kể cả thứ “đạo đức” sang nhượng, mua bán con người!) Cha mẹ có công nuôi dưỡng thứ thiệt thì nghèo khó, cùng đinh, lại bị hù dọa, răn đe tại quê nhà. Điều kiện “chung-chi” bao giờ cũng ràng buộc cho đến khi cậu ấm, cô chiêu đặt chân bình an lên đất Mỹ. Cho nên, khi buồn, con trai thì bê tha, say sưa, gây gổ. Đâm chém nhau, rồi vô trại kỷ luật làm anh hùng “thằng nầy cóc sợ thằng nào”. Con gái thì lang bang, hết cặp người nầy đến cặp người khác. Mấy ông đi diện ODP loại “độc thân tại chỗ”, nhận tiền hàng tháng từ thân nhân ở Mỹ, nên no cơm ấm cật. Rủ rê, cho tiền, dắt xuống suối vùng 5 làm bậy. Một thế giới mới của “chị em ta” lại hình thành. Còn dân “ô đi ghe”, nghèo rớt mồng tơi, thì lại đi lãnh lo việc cộng đồng, an ninh, trật tự. Lại phải đối đầu thêm khó khăn.

Chuyện con lai tại trại tị nạn là như vậy, nên những người bình thường, dù không muốn xía vô chuyện người khác cũng chẳng mấy ai có cảm tình! Cái ấn tượng đó cũng có trong đầu tôi. Do đó, khi vừa gặp Trai, tôi ở vào thế thủ. Không muốn kết thân, cũng không muốn liên hệ nhiều. Mọi chuyện cư xử với nhau đều theo phép lịch sự. Từ từ.

Mãi mấy tháng sau, vợ chồng Trai cũng đi nhà thờ đều đặn, gặp tôi lúc nào cũng niềm nở. Khá thân tình. Vợ Trai cũng thuộc loại “nồi nào úp vung nấy” nhưng lễ phép, nói năng rất đàng hoàng. Khi tiếp xúc, tôi không thấy có điều chi ẩn giấu phía sau. Dân cùng đinh tuy nóng nảy nhưng chất phác. Ít khi ngụy tạo. Dù vậy, cũng có lời ong tiếng ve lọt đến tai tôi. Chuyện đời, chẳng có ai hoàn hảo. Được lòng người nầy, thì mất lòng người kia, là chuyện thường tình. Đôi lúc chuyện chẳng ăn nhằm gì đến ai cả nhưng cũng không thoát được sự soi mói, xét nét. Tôi cũng chẳng biết tin từ đâu đến, Trai hay rầy rà vợ con ở nhà. Nhậu nhẹt lung tung. Khi ông thần lưu linh nhập vô rồi thì Trai bạt mạng. Coi cảnh sát bằng vung! Không có bằng lái xe nhưng cứ lấy xe vợ, lái chạy ào ào. Bị cảnh sát bắt nhốt. Cho đến lúc nầy Trai vẫn chưa có bằng lái xe. Đi làm thì quá giang. Đi lễ thì vợ chở. Trai hận lắm nhưng cũng không cách nào vượt qua được cái bằng luật. Trai không biết đọc và viết tiếng Việt, đừng nói gì đến tiếng Anh. Cho nên vợ con Trai rất vất vả vì chuyện nầy. Gặp dèm pha từ bên ngoài, Trai đem về, giao trọn gói cho vợ con, nên nhân viên xã hội rất thường đến viếng thăm nhà. Cái xóm có gia đình Trai mướn trở nên ồn ào. Nghe chuyện không vui, và nghĩ Trai cũng có chút tôn trọng tôi, nên tôi thử đến thăm nhà một lần cho biết.

Cả gia đình đón tôi thật niềm nở. Đây là lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc riêng với họ. Ở nhà thờ thì cha mẹ Trai không bao giờ nói ra điều gì. Họ hoàn toàn im lặng. Tôi có đến bắt tay thì ông cũng chỉ gật gật cái đầu và dùng cả hai tay nắm tay tôi giựt giựt, giống như tôi cao tuổi hơn ông bà cụ. Khi ở nhà thờ, vợ chồng ông bà cứ giống như người bị bệnh câm, chẳng bao giờ tôi nghe họ nói. Bây giờ thì khác. Ông bà cụ nói rất nhiều, đặc biệt là ông, và có vẻ thoải mái lắm! Thoải mái đến nỗi, mỗi một câu ông cụ nói ra đều có 2 tiếng chửi thề ĐM đi trước! Không hiểu có phải vì sợ thói quen hay không, nên khi ở nhà thờ ông không dám mở miệng(?). Tôi ngỡ ngàng nhưng cố che giấu sự khó chịu. Kể ra tôi che giấu cũng khéo nên ông bà cụ cứ thế mà tâm sự.

Biến cố 30-4. Ông đi thu lượm đồ đạc của người di tản bỏ lại, về làm của. Xã hội mới là xã hội của người nghèo, của giới vô sản. Vợ chồng ông là vô sản thứ thiệt nên cứ lo lượm đồ đạc người ta quăng, đem về nhà. “ĐM, bọn nhà giàu bỏ chạy, tui nghèo bỗng chốc trở thành vua”, ông kể lại như vậy. Khi đi lượm của, ông bắt gặp một thằng nhóc đen, khoảng 8-9 tuổi. Áo quần thằng nhỏ đang mặc không thuộc loại sang trọng nhưng cũng không phải thuộc loại bụi đời. Thằng nhóc chạy tới, chạy lui khóc lóc. Tuy nó đen nhưng ông cũng thấy được nét kinh hoàng trong mắt nó. Giữa nháo nhào, thằng nhóc kêu gào đến khản cả tiếng. Ông đón nó lại. Vỗ về. Nó bị lạc mất cha mẹ. Nó năn nỉ ông dắt đi tìm cha mẹ nó, nhưng chẳng tìm đâu ra. Phố nào cũng giống như phố nào, dưới mắt trẻ thơ. Cũng có thể nó ở một thành phố nào khác chạy tới, nhưng trong cơn hỗn loạn nó không biết. Nó đói ông cho nó ăn. Nó khát ông cho nó uống. Ông đem nó về căn nhà góc phố bỏ trống, vì gia chủ đã bỏ chạy, ở với vợ chồng ông. Cái thơ ngây trong hoảng loạn làm ông thương nó. Khi đang lúc con lai bị đẩy ra ngoài đường, vì mọi người đều sợ hãi tang chứng “đế quốc Mỹ” thì vợ chồng ông, thuộc loại “cùi không sợ lở”, đem nó về nuôi.

Trai như con chó hoang tìm được chủ mới!

Thời gian đầu nó nhớ cha mẹ nên khóc hoài. Biếng ăn. Thờ thẫn. Con nít thường chóng quên, nhưng với cái tuổi đã biết được chút chút như nó, thì những hình ảnh êm đẹp dưới mái gia đình cũ rất khó quên. Nhưng dần dần nó cũng nguôi ngoai (không biết tôi có bị ám ảnh bởi chuyện kể hay không, nhưng tôi vẫn thấy nụ cười và đặc biệt trong ánh mắt màu tro-than của Trai, như vẫn ẩn chứa cái mênh mông buồn!)

Ông bà cũng không biết nó tên gì, hỏi thì nó phát âm giữa Lai và Trai nghe không rõ. Nó đẹp cũng giống như một viên ngọc trai và vì nó là con trai nữa, nên ông đặt là Trai cho tiện. Cái tên Trai bắt đầu từ đó. Căn cốt nó cũng tốt. Có thể cha mẹ trước của Trai không thuộc loại cùng đinh, nên Trai ăn nói rất đàng hoàng. Không chửi tục hay xấu ăn. Chuyện vệ sinh cá nhân rất nề nếp, không bậy bạ. “ĐM, vợ chồng tui phải học lại nó cách sinh hoạt, ăn ở trong nhà!” ông kể như vậy. Nhờ đó, ông đoán có lẽ gia đình cha mẹ Trai đàng hoàng, cũng có thể Trai là con ruột của mẹ nó chứ không phải là con xin, nên mới được giáo dục tử tế như vậy.

Thời gian sau, Lê Trai chính thức là con trai của ông bà trong hộ khẩu. Tuy chế độ mới là chế độ của người vô sản, và ông bà thuộc loại vô sản thứ thiệt, nhưng gia đình ông bà cũng bị mời ra khỏi căn nhà đang chiếm ngụ. Chế độ vô sản chuyên chính dành cho những người mới, có địa vị, giàu có, thế vào. Ông bà quay trở về góc chợ để ở.

Lo cho tương lai của Trai, vợ chồng ông dẫn Trai đến trường, xin học. Tuy nó nhỏ tuổi nhưng to con gấp bội so với những đứa cùng trang lứa. Lũ trẻ xúm nhau chọc ghẹo, xỉa xói. Chịu không được nên nó đánh lộn. Đám thầy cô giáo mới lạ, không bênh vực cho nó, đã đành, mà còn xỉ vả nó: “bọn đế quốc nhà mày đến bây giờ vẫn còn đế quốc!”. Cái giọng Bắc rặt 30-4 của bà giáo, Trai đâu có hiểu gì. Nó khóc và chạy về nhà. Người mang trách nhiệm đào tạo “con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa” đã dạy cho nó bài học đầu như vậy! Tuy thế, vợ chồng ông vì sợ Trai thất học, nên bấm bụng, mấy lần dẫn Trai trở lại trường xin cho nó học, cũng đều bị từ chối với đủ mọi thứ lý do.

Xã hội mới không có chỗ cho “tàn dư đế quốc”!

Trai lớn lên, không được học hành. Không chữ nghĩa. “ĐM, con tôi dốt là tại bọn chó đẻ nó đuổi không cho học” ông vẫn còn giận dữ khi kể lại. Được cái lớn xác nên Trai làm nghề khuân vác ở chợ rất giỏi. Túp lều nơi góc chợ của ông bà và Trai, bữa đói, bữa no, nhưng đùm bọc lấy nhau.

“Con dâu tôi nó đi bán vé số, cũng cùng dân xóm chợ với nhau. Nói nào hay, tui cũng đâu có biết trước…” bà xen vào câu chuyện có vẻ hãnh diện. Vợ Trai tiếp: “Con đi bán vé số cũng đâu có đủ sống, nên cứ la cà tới tiệc nhậu của mấy ổng. Mấy ổng ‘xỉn’ lên mấy ổng mới mua nhiều vé số! Rồi có ông cho tiền con, dắt con đi ngủ. Nhờ vậy, đôi lúc con mới có chút tiền lo cho mấy đứa em con. Nhưng ‘ông bà’ cũng thương, nên tai qua nạn khỏi. Dần dần mấy ông nhậu biết hết, cứ đòi ngủ với con mới cho tiền. Con nghĩ ‘tai nạn’ trước sau gì cũng phải xảy ra. Con sợ quá. Cứ nhờ mấy cô y tá trong xóm chỉ cách, bao giờ chắc ăn con mới dám! Sau đó con gặp anh Trai. Kể hết với ảnh. Thấy ảnh thương con thiệt tình. Ảnh nói ảnh sẽ cố gắng làm thêm để phụ giúp với con. Nhìn cái thân ‘bồ tượng’ của ảnh, đôi lúc vì đói cũng run tay, run chưn, làm con mủi lòng! Tụi con thương nhau thiệt nên về ở với nhau. Có đói cùng đói. Có no cùng no. Được cái ba má ảnh cũng thương con, lo cho con, nên tụi con mới thành vợ thành chồng.” Vợ Trai kể một lèo, trút ra hết được tâm sự lâu nay, rồi lấy tay lau nước mắt.

Lúc nầy thì Trai mới tự nhận lỗi, là thường say rượu vào cuối tuần. Trai nói “mình là đàn ông mà không thể lái xe thì coi làm sao được, nhưng không có cách nào con thi đậu được cái bằng luật! Buồn quá nên đôi lúc con có làm bậy!”. Vợ Trai được dịp, kể ra bao nhiêu sự chịu đựng (mà hình như chưa được san sẻ với ai!). Thôi thì, đây cũng là dịp tốt để vợ Trai ta thán chồng mà không sợ gặp phản ứng. Vợ Trai hài tội đến đâu, Trai nhận lỗi đến đó. Thêm cái ông bà già của Trai luôn đứng về phía dâu nên không khí thoải mái, không căng thẳng và đôi lúc lại cười oà với nhau. Tôi biến thành một nhân chứng bất đắt dĩ, ghi nhận tâm sự của gia đình Trai. Trai thuộc loại ít nói và khi nói, đều biểu lộ sự thành thật. Không chút ngụy tạo. Tôi nghĩ Trai rất có hiếu với cha mẹ. Cái hiếu rõ ràng nhất là Trai từ chối mọi mối lái, tiền bạc, khi có chương trình ODP diện con lai. Ông bà cụ Trai khuyên nên nhận tiền của nhà giàu, nhìn nhận họ là cha mẹ nuôi, để họ cùng đi với vợ con Trai, ông bà ở lại. Trai nhất định từ chối. Không chịu. Trai chỉ nói một câu đơn giản “hồi thiệt nghèo đói, thế mà hạnh phúc, thì lúc nầy không cần thêm bất cứ thứ gì nữa cả”. Có một gia đình giàu khác đưa đề nghị, Trai làm đám cưới với con gái của họ, để gia đình họ cùng đi. Họ sẽ giao lại toàn bộ tài sản đang có cho vợ con và cha mẹ Trai. Trai cự tuyệt. Ông bà cụ Trai kể lại và rơm rớm nước mắt. Ông không dùng chữ “có hiếu” nhưng lại dùng “ĐM, nó có nghĩa lắm. Vợ chồng tui nhất định không đi, để nó có chút tiền bạc lo chuyện giấy tờ, sắm sửa cho vợ con nó, còn thừa thì cho vợ chồng tui chút đỉnh, nhưng nó không chịu.”.

Trai phân trần với tôi:

– Chú nghĩ coi, làm sao được. Cái thân cầu bơ cầu bất của con thì sống ở đâu chẳng được, con chỉ cần tình thương thôi. Nghèo đói còn sống với nhau được mà!

Hai đứa con của Trai chơi ở bên ngoài, chạy vô, sà lại với tôi. Chúng ít đen hơn bố nhưng tóc thì cũng quăn tít. Lông mi dài và cong vuốt. Tôi xoa đầu chúng. Trai bước lại chỗ tôi, kéo chúng ra: “Đừng phá ông, để ông nói chuyện với ông bà nội”. Tôi còn rất trẻ, chỉ hơn Trai khoảng 5,7 tuổi, bỗng được lên chức “ông” ngang xương, nhưng tôi không buồn, vì đó là cách vợ chồng Trai bày tỏ sự kính trọng! Tôi gợi ý:

– Chuyện cũ coi như qua rồi. Đừng nhắc đến nữa. Mọi người sang đây ai cũng bắt đầu lại từ con số không. Đây có lẽ là sự công bằng nhất của mọi người khi mới đến. Từ đây vợ chồng Trai cứ chịu khó làm ăn. Mấy đứa nhỏ thì giao cho ông bà nội ở nhà lo. Như vậy chẳng mấy chốc thì gia đình Trai sẽ dễ khấm khá hơn những gia đình khác. Đàng nào cũng lao động vất vả quen rồi. Cố gắng đi. Còn chuyện cái bằng lái thì tôi sẽ cố giúp cho. Tôi sẽ dạy Trai “khẩu quyết nhập tâm” kiểu phim chưởng , rồi hãy thi lại.

Trai nghe tôi dùng chữ “khẩu quyết nhập tâm” thì khoái thấy rõ:

– Con chịu chú rồi. Chữ nghĩa con không biết nhưng “khẩu quyết nhập tâm” thì chắc con sẽ thi đậu.

Tôi mất khoảng một tuần dạy “khẩu quyết’ thì Trai nhớ rất tốt. Sự thật, những luật lệ thì Trai biết đã khá nhiều nhưng khi thi đọc không hiểu, cứ quẹt lung tung nên hỏng.

Khi đưa Trai đi thi, thì trong hồ sơ, Trai đã bị hỏng hơn chục lần! Gặp cô Mỹ còn trẻ măng, ngạc nhiên, mở lớn đôi mắt xanh biếc, liếc sơ qua, rồi nhìn Trai, phán một tràng, vì tưởng Trai là Mỹ thiệt. Cô nói với nụ cười thật dễ thương, cô không hiểu tại sao chỉ có cái bằng luật mà thi hoài không đậu. Trai ngơ ngác, không hiểu. Tôi chen vào:

– Ông nầy không phải là Mỹ thiệt. Ông là Mỹ lai Việt. Luật lệ thì ông biết, nhưng ông không đọc được tiếng Anh và cả tiếng Việt Nam nên sự thể mới như thế nầy.

Cô Mỹ tròn mắt, ý muốn hỏi lại tôi “thiệt hả?”. Tôi trả lời:

– Yes.

Rồi tôi gợi ý:

– Tôi có giấy chứng nhận làm thông dịch ở Tòa Án vậy cô có cho phép tôi làm thông dịch câu hỏi và câu trả lời cho ông Trai được không?

Cô Mỹ vô hỏi ông giám thị. Ông giám thị ra kiểm chứng. Tôi kể đến việc Trai bị cảnh sát bắt giam trước kia và bị nhốt oan đến 15 ngày, vì khi bị cảnh sát hỏi, chữ đáng trả trả lời là “yes” thì Trai nói “no”. Chữ phải nói “no” thì Trai trả lời “yes”. Cảnh sát cũng không biết đâu mà mò. Đợi đến khi tìm được người xác minh thì Trai mới được tha. Thế mà Trai cũng chẳng phàn nàn gì cảnh sát.

Sự chịu đựng trong suốt cả tuổi thơ đã dạy cho Trai sự cam phận với chức quyền.

Hôm đó Trai đậu được cái bằng luật. Trai mừng như người ta thi đậu được cái bằng hành nghề bác sĩ! Khi Trai đóng tiền, chụp ảnh, lăn tay, chờ nhận cái bằng luật, và lấy cái hẹn mới để thi bằng thực hành, tôi nói với Trai:

– Thi bằng lái thì dễ rồi phải không? Nhưng coi chừng người ta bảo quẹo trái thì quẹo phải. Thắng gấp thì đạp thêm ga…

Trai nhìn tôi thật hiền lành, biết ơn, cười cười:

– Được mà chú. Chút chút thì con hiểu được. Cái khó nhứt với con là cái bằng luật mà thôi.

Bẵng đi thời gian, vì công việc làm ăn, tôi phải thay đổi chỗ ở. Đi tiểu bang khác. Lu bu đủ thứ chuyện nên tôi không liên lạc bạn bè cũ. Khi có vacation, tôi nhường dịp Christmas cho bè bạn người Mỹ cùng sở, họ mừng lắm. Còn tôi, đợi dịp tết Việt Nam, để về thăm lại thành phố cũ, cảnh cũ, người xưa. Tìm lại chút hơi hám mùa xuân trong cộng đồng người Việt.

Cũng muốn tạo chút bất ngờ cho bè bạn, nên tôi không báo trước. Lấy xe rời phi trường, tôi lái thẳng đến thăm gia đình Trai trước tiên.

Căn nhà trong dãy chung cư vẫn còn nguyên đó nhưng khung cảnh đã khác xưa. Cái chung cư nghèo, vùng ngoại ô, sao chiều nay thật buồn và tẻ lạnh. Cầm mấy gói quà nhỏ trong tay cho 3 đứa con Trai, tôi bước ra khỏi xe, chân giẫm đạp lên xác lá khô vàng. Gõ cửa. Một người có mái tóc đen hé cửa nhìn ra. Tôi hỏi bằng tiếng Việt nhưng nghe lại một tràng tiếng Spanish trả lời. Tôi ngỡ ngàng. Hỏi về gia đình Trai, không ai biết. Lúc nầy tôi mới gọi phone cho mấy người quen.

Chiều hôm sau, một người bạn đưa tôi đến nghĩa trang. Khung cảnh nghĩa trang bao giờ cũng buồn. Nhưng tôi buồn hơn. Buồn đến lặng cả người, như khi vừa mới nghe tin Trai mất! Nghĩa trang nhà giàu thì đầy cây cảnh, hoa tươi, được cắt tỉa cẩn thận, khi nhìn vào thấy đẹp như một công viên, nhưng đây là cái nghĩa trang nghèo vùng ngoại ô, không được ai chăm sóc. Rải rác đây đó những đóa hoa bằng nhựa được đặt trên vài tấm bia mộ, như nằm chơ vơ trên mặt đất. Cây cỏ xác xơ, vàng úa theo mùa đông. Đi lòng vòng một lúc, người bạn nói với tôi: “Đây rồi!”, rồi ngồi xuống lấy tay cào cào lớp đất cát, lá vàng, trên miếng bia mộ nằm trên mặt đất. Cái tên Lê Trai bằng tiếng Việt hiện ra. Lem luốc như đời sống của Trai. Cả cái nghĩa trang, tôi nghĩ, có lẽ chỉ có mình Trai là người Việt. Nhưng thật ra Trai là người Việt hay Mỹ? Không biết Trai có nghe và hiểu hết được những người “ở dưới đó” thăm hỏi không, khi họ gặp mặt? Họ có nhầm Trai là người Mỹ như những người đang sống ở trên nầy không?

Người bạn nói với tôi:

– Nó còn trẻ quá. Mấy ai ngờ lại chết vì bệnh tim! Hôm đó sau khi đi làm về, Trai đang ngủ thì cả người bị co giựt rất mạnh, như bịnh kinh phong. Vợ Trai không biết việc gì, vì Trai chưa bao giờ có dấu hiệu gì lạ. Ôm lấy chồng, nhưng cũng không kiềm giữ được. Cả hai văng xuống đất. Gọi 911, khi xe đến thì Trai đã chết. Bệnh viện giải phẫu. Kết quả xét nghiệm cho biết Trai chết vì bệnh đột quỵ tim (heart attack), dạng sơ cứng động mạch vành (coronary artery disease), do di truyền. Bác sĩ cho biết, nếu biết được là có bệnh tim di truyền thì có thể bệnh nhân đã được hướng dẫn trước để ngăn ngừa. Nhưng trong hồ sơ sức khỏe của Trai không thấy ghi lịch sử bệnh di truyền của cha mẹ! Không có ai trả lời, và cũng chẳng cần thiết nữa. Trai đâu có biết cha mẹ mình là ai thì làm sao biết được bệnh di truyền? Có chăng, thì hồ sơ sức khỏe của mấy đứa con của Trai giờ đây phải ghi thêm vào!

Sau khi Trai mất, cha mẹ Trai quyết định trở về lại Việt Nam. Buổi sáng, trước khi đưa ra phi trường, vợ con Trai tranh thủ đưa ông bà cụ ghé thăm mộ Trai lần cuối, để từ biệt. Bà cụ móc từ trong túi áo, lấy ra tấm ảnh của Trai, chụp khi làm hồ sơ ODP, đặt trên bia mộ. Bà cụ nghẹn ngào: “Thôi con ở lại”. Mọi người òa khóc. Bé gái út, còn ẳm trên tay mẹ, cũng oà khóc theo.

Những dòng nước mắt như của một dòng sông. Ai là người đang trôi về lại bến?

Tôi hỏi người bạn:

– Vợ con Trai bây giờ ở đâu?

Người bạn lắc đầu.

Chúng tôi nghe rõ tiếng lạo xạo theo từng bước chân, đang giẫm đạp lên xác lá khô vàng trên con đường quay trở ra xe. Bầu trời mùa đông xám xịt. Những cành cây khẳng khiu như những cánh tay đang chới với giữa không gian.

Đang là mùa đông nơi xứ người, tìm đâu được mùa xuân trong lòng người xa xứ?

[1] Form, là mẫu đơn xin thay đổi tình trạng quan hệ cá nhân trong hồ sơ ODP.

Trích trong “CHUYỆN NỔI TRÔI” của Nguyễn Phú Bổng

No comments:

Post a Comment