Điều đặc biệt của VĐH Đà Lạt Thụ Nhân do LM Viện Trưởng điều hành - tuy là một Đại Hoc của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo - nhưng số SV ngòai Công Giáo luôn chiếm trên 90% - Và cho đến bây giờ cũng thế - trên 90 % cựu sinh viên hiện diện trong các ngày lễ giỗ là ngòai Công Giáo - Đến năm nay thì tuổi tác các cựu sv đã xê xích từ 55 đến trên 75 - Nam nữ cựu SV ngày nay đều giống nhau ở điểm là mặt-mày-nhăn-nheo - tóc râu nếu không bạc trắng thì cũng hoa râm hoặc sói lọi bóng láng - tất nhiên ngọai trừ tóc của các cụ ông cụ bà đã được nhuộm vàng nhộm đen nhuộm đỏ hay . . .đội tóc giả.
Thụ Nhân VN đã chọn ngày Lễ Giổ của LM ViệnTtrưởng 19/12 để làm Ngày Hội Truyền Thống hàng năm của VĐH Đà Lạt Thụ Nhân.
Vào lúc 9g00 sáng 19/12 có gần 100 Thụ Nhân đến viếng mộ LM Viện Trưởng tại nghĩa trang gần đó - Ngôi mộ của Người nhỏ nhoi khiêm tốn nằm giữa những ngôi mộ đủ mọi lứa tuổi và đủ thành phần trong xã hội - Tôi cố đọc lướt qua các ghi chú trên các mộ bia - nhưng không ghi nhận được tên tuổi của một Thụ Nhân nào yên nghỉ cùng LM Viện Trưởng tại nơi đây.
Bên cạnh ngôi-nhà-bé-nhỏ 1m X 2m của LM Viện Trưởng - Anh Cao Đình Phúc - cựu SV CTKD K1 và cũng là Người Đại diện cho các Thụ Nhân tại VN - nói lên tâm tình chân thành ghi ân Người đã đào tạo các Sinh Viên Thụ Nhân theo một đường hướng giáo dục nhân bản và truyền thụ cho SV lòng Nhân Ái bằng chính lối sống và cách ứng xử̉ hàng ngày của Người.
Cùng hiện diện bên mộ LM Viện trưởng còn có vợ chồng Gíao Sư Lê văn Tú dạy Khoa học (vừa về từ nuớc ngòai - chồng của chị Phương Mai cựu sv CTKD K5) và Giáo Sư Thiện Cẩm - GS Thiện Cẩm cũng là LM - là một trong vài GS của những ngày đầu VĐH Đà Lạt được thành lập hiện còn sống - Giáo Sư Thiện Cẩm dạy Triết Học Đông Phương - 1 ông Cha Đạo mà lại dạy về Triết Lý Phật Học - SV của GS Thiện Cẩm có nhiều vị là Nhà Sư - GS không những dạy trong lớp mà còn hướng dẫn SV đến các Chùa tiêu biểu để vừa tiếp xúc trao đổi với các Nhà Sư vừa giảng giải cho các SV. Tuy tuổi đã rất cao - hình như đã gần đến ngưỡng 90 - nhưng luôn hiện diện với cựu SV Đà Lạt Thụ Nhân.
Đứng bên cạnh tấm hình in trên mộ bia của Viện Trưởng Lập - GS Thiện Cẩm đã nhắc lại sự hình thành của VĐH Đà Lạt và một số kỷ̃ niệm có với Cha Lập mà GS luôn luôn xem như là một người anh đáng kính - đàn anh vừa về tuổi tác vừa về lối sống rất đáng nể phục của Người.
Theo lời kể của GS Thiện Cẩm - VĐH Đà Lạt được thành lập từ 1958 do Đức Giám Mục Ngô Đình Thục - Anh của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm - Vì vậy tài sản thuộc VĐH lúc đó đều do Giám Mục Ngô Đình Thục đứng tên - Viện Trưởng đầu tiên của VĐH Đà Lạt là Giám Mục Thiện - nhưng thực chất chỉ là người thừa hành đúng theo chủ trương của Giám Mục Ngô Đình Thục - Do vậy, LM Nguyễn Văn Lập đã có lần nói đùa với GS Thiện Cẩm :
" Tôi mới là Viện Trưởng đầu tiên đầy đủ ý nghĩa của VĐH Đà Lạt - vì tôi là Viện trưởng đầu tiên được tòan quyền điều hành VĐH Đà Lạt ".Cũng theo lời GS Thiện Cẩm - sau vụ đảo chánh 01/11/1963 - "hội đồng quân nhân cách mạng" đã niêm phong tịch thu hết mọi tài sản của VĐH Đà Lạt vì do GM Ngô Đình Thục đứng tên - và chính Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập đã đích thân đi tiếp xúc và dần dà lấy lại tất cả cho VĐH - lúc đó có lần nguyên Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ đã ôm LM Viện Trưởng thốt lên : "Làm sao lại đến nỗi này Cha ơi !! " -
Hầu hết Giáo sư lúc đó đều từ Sài Gòn lên VĐH Đà Lạt để dạy - không phải vì đồng lương mà là do cách đối xử tình nghĩa của LM Viện Trưởng - không phải với chỉ các GS mà còn cả gia đình vợ con họ - các GS lúc đó đa phần là các vị cựu Bộ Trưởng hoặc là các Chính Trị gia hay là các vị Tổng Giám đốc có học hàm học vị . . .
Thánh Lễ tưởng niệm Cố LM Viện Trưởng từ 10g-11g00 được cử hành ngay trong chính ngôi Nhà Nguyện của Ngài mà trước đây Cựu SV Thụ Nhân đã đóng góp xây dựng. Nhà Nguyện và nhà ở của Người hiện nay do các Nữ Tu Dòng Bác Ái quản lý và luôn luôn sẵn sàng mở cửa đón tiếp các Thụ Nhân của VĐH Đà Lạt kể cả phục vụ nấu nướng ăn uống tiệc tùng trong các dịp tụ họp.
Tiệc liên hoan năm nay diễn ra sôi nổi và ấm cúng trong tình nghĩa anh em với những lời ca tiếng hát - đơn ca rồi hợp ca - của các khóa của từng phân khoa như Chính trị Kinh Doanh - Văn khoa - Sư Phạm - Khoa Học . . .biết bao câu chuyện được kể lại cho nhau nghe kể cả những tội lỗi "tày đình" thời sinh viên như . . nào là trộm chó berger mà LM Viện Trưởng rất cưng để đem ra ngòai . . .mổ thịt - nào là đã từng cố chịu đựng cái lạnh của trời Đà Lạt bận áo phong phanh lạnh lẽo giả bộ "đói khổ" để xin tiền Cha - Cha cho tiền rồi thì cả bọn hí hửng rủ nhau đi ăn nhậu "chơi bời " . .. Ừ, mà lạ lắm !! Cứ nghe sinh viên nêu ra vài lý do "than" đói xin tiền là Cha cho ngay - không bao giờ Cha "tra khảo" hỏi lui hỏi tới điều gì - than "bệnh" thì cho tiền mua thuốc - than đói thì cho "phiếu" ăn cơm miễn phí . . .Thời đó cứ sau mỗi lần "lừa" Cha là cả bọn cười đùa cho là đã "thành công", là đã "thắng" được Cha . . .đâu có biết rằng chính mình đã bị Cha . . . "lừa" vào "bẫy tình yêu" của Ngài để mãi đến hôm nay cứ vẫn mãi ân hận và tìm cách "đóai công chuộc tội" . . .bằng các việc làm thiện nghuyện.
Để tiếp bước con đường nhân ái của Cha, Anh Cao Đình Phúc báo cáo sau khi kết hợp với quỹ DUACT Thụ Nhân Thế Giới (Dalat University Alumni Charitable Trust) cứu trợ lũ lụt Miền Trung - số tiền còn khỏang 250.000.000đ VN sẽ được Ban Đại Diện Cựu SV Đà Lạt đến trao học bổng cho các em học sinh tại các Tỉnh Bình Định,Phú Yên từ 27-12 đến 31/12/2010 . . .
Tên " THỤ NHÂN " của VĐH Đà Lạt được LM Viện Trưởng lấy từ:
Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Bách niên chi kế mạc như Thụ Nhân .
LM Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập đã và đang thu họach được nhiều trái ngọt mà Người đã gieo trồng.
Ghi lại vài dòng gởi đến các Anh Chị ở hải ngọai và các Anh Chị ở VN đã không thể đến dự lễ Đám Giỗ LM Viện Trưởng ngày 19/12 vừa qua.
BC. Anh Cao Đình Phúc đã xin ý kiến tập thể hiện diện hôm đó về việc tổ chức lễ Đám giỗ 10 năm và cũng là Ngày Truyền Thống Thụ Nhân thật hòanh tráng vào ngày 19/12/2011 - Tất cả đã vổ tay ủng hộ.
Đỗ Thắng Cảnh
Cùng các Anh Chị Thụ Nhân quí mến,
Trong bài viết về ngày Giỗ của Cố Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập, Anh Cảnh có ghi lời Cha Thiện Cẩm nói về VDH Dalat trong một đoạn nhu sau:
Theo lời kể của GS Thiện Cẩm - VĐH Đà Lạt được thành lập từ 1958 do Đức Giám Mục Ngô Đình Thục - Anh của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm - Vì vậy tài sản thuộc VĐH lúc đó đều do Giám Mục Ngô Đình Thục đứng tên - Viện Trưởng đầu tiên của VĐH Đà Lạt là Giám Mục Thiện - nhưng thực chất chỉ là người thừa hành đúng theo chủ trương của Giám Mục Ngô Đình Thục - Do vậy, LM Nguyễn Văn Lập đã có lần nói đùa với GS Thiện Cẩm :Trong thực tế, hình như điều này không phù hợp với sự thật lịch sử, mà có thể là một điều thất kính với thế giá của Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục, một người đã khuất.
" Tôi mới là Viện Trưởng đầu tiên đầy đủ ý nghĩa của VĐH Đà Lạt - vì tôi là Viện trưởng đầu tiên được tòan quyền điều hành VĐH Đà Lạt ".
Cũng theo lời GS Thiện Cẩm - sau vụ đảo chánh 01/11/1963 - "hội đồng quân nhân cách mạng" đã niêm phong tịch thu hết mọi tài sản của VĐH Đà Lạt vì do GM Ngô Đình Thục đứng tên - và chính Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập đã đích thân đi tiếp xúc và dần dà lấy lại tất cả cho VĐH - lúc đó có lần nguyên Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ đã ôm LM Viện Trưởng thốt lên : " Làm sao lại đến nỗi này Cha ơi !! "-
Do đó tôi muốn viết một vài dòng để đính chính về điều này. Trước hết, Viện DH Dalat, thuộc quyền sở hữu của Hội Đồng Giám Mục VN. Khi thành lập VDH Dalat, Đức Giám Mục Ngô Đình Thục cũng đã áp dụng những phương thức mà các Đại Học khác trên thế giới đã thực hiện trong việc điều hành và quản trị. Theo phương cách tổ chức hồi đó, viện DH Dalat có 2 tổ chức, một cơ quan đặc trách vế tài chánh để kinh doanh nhằm hỗ trợ ngân quĩ cho cơ quan giáo dục là Viện Đại Học Dalat. Cơ quan lo về tài chánh lúc bấy giờ có tên là Hội Cao Đẳng Giáo Dục VN, được phép thành lập do nghị định số 67/BNV/NA/P5 do Bộ Nội vụ cấp ngày 8. 8.1957 và hồi đó, Hội Cao Đẳng Giáo Dục VN có các cơ sở kinh doanh như sau: Thương Xá trên đường Nguyễn Huệ, Thư quán Xuân Thu, Cư Xá Đinh Tiên Hoàng, Cao Ốc Lam Sơn, Đồn Điên Đại Nga…
Sau cuộc chính biến 1.11. 1963, cơ quan gọi là Hội Dồng Quân Nhân Cách Mạng do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch đã ra lệnh tịch thu tất cả những tài sản này vì cho rằng đây là tài sản của gia đình họ Ngô.
Sau đó, Hội Đồng Giàm Mục VN, đã có văn thư chính thức phản đối về quyết định bất hợp pháp này, nhưng chính quyền của Tướng Dương Văn Minh, rồi đến Tướng Nguyễn Khánh, muốn tìm hậu thuẫn chính trị của những Nhóm Áp Lực (Pression Group) chống Công Giáo, nên cứ làm ngơ không cứu xét những yều cầu của Hội Đồng Giam Mục VN (HDGMVN). Đến năm 1966, HDGMVN, đã nhờ văn phòng luật sư Nguyễn Văn Huyền, chính thức yều cầu phải trả lại tài sản của Hội Cao Đẳng Giáo Dục VN, sau này đổi tên lại là Hội Đại Học Dalạt, cho HDGMVN, nếu không vấn đề sẽ đưa ra tòa án để giải quyết. Chính quyền của Tướng Thiệu và Kỳ đã nhượng bộ và hoàn trả các cơ sở này cho HDGMVN. Riêng Thương Xá Tax, chính quyền đã bồi thường số tiền 6 triệu đồng theo thời giá lúc đó cho Hội Cao Đẳng Giáo Dục VN, vì đã chiếm hửu tài sản này từ 1963-1966.
Trên đây, là một vài sự kiện mà tôi biết được theo sự kể lại của chính Cố Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập, cũng như Phó Viện Trưởng Nguyễn Văn Đời về sau này. Không biết điều này phản ánh được bao nhiêu % về sự thật lịch sử. Nhưng về phưong diện pháp lý, rõ ràng là không có chuyện tài sản của Viện DH Dalat đều đứng tên Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục như cha Thiện Cẩm đã nói. Vì Viện DH Dalat, là một tổ chức qui mô và Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục là một người có Tiến sĩ về Giáo luật, không thể có những lỗi lầm sơ đẳng như vậy về phương diện pháp lý.
Nhân dịp ngày giỗ của Cố Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập, tôi muốn viết vài dòng này để tưởng nhớ đến Tổng Giám Mục Thục và Cha Lập là những người đã có công lao rất lớn trong việc hình thành và phát triển VDH Dalat của chúng ta.
Thân mến,
Phạm Văn Lưu K1
No comments:
Post a Comment