12/21/10
2010: Châu Âu phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng liên tiếp của đồng Euro
(europa.eu)
Đức Tâm
Chưa khắc phục xong hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong năm 2010, châu Âu lại phải đương đầu với những khó khăn tài chính nghiêm trọng của Hy Lạp và Ailen. Châu Âu đã phải nỗ lực cứu giúp hai nước này bởi vì đây là những thách thức to lớn, đe dọa sự tồn tại của chính Liên Hiệp Châu Âu. Từ Dortmund, tiến sĩ Âu Dương Thệ điểm lại tình hình trong năm qua và những bài học đối với châu Âu
Cuộc khủng hoảng Hy Lạp và Ailen
Vào đầu năm Hy lạp đã xẩy ra khủng hoảng lớn về tài chánh. Một số nước thành viên muốn nhảy vào cứu, nhưng bà thủ tướng Đức Merkel –một đầu tầu kinh tế trong Liên Hiệp Châu Âu - EU- lại lưỡng lự nên gây ra bất bình và tranh cãi trong nội bộ EU. Nhưng sau đó các nước thành viên cũng đã thỏa thuận cứu Hy lạp theo một số tiêu chuẩn. Đồng thời các nước trong khu vực Euro cũng thành lập một quĩ chung 750 tỉ Euro dùng làm ngân khoản bảo lãnh giúp các nước hội viên nếu gặp khó khăn tài chánh. Cuối năm lại xẩy ra khủng hoảng tài chánh ở Ailen, một nước từng được coi là đạt phát triển thần kì trong kinh tế. Lần này các nước trong khu vực Euro đã quyết định mau và dùng tiền từ quĩ trên để bảo lãnh cho Ailen.
Trong cuộc khủng hoảng tài chánh của Hy lạp và Ailen tuy có một vài khác biệt có tính cách đặc thù của từng nước. Nhưng cạnh đó có những lỗi lầm chung khá rõ ràng. Đó là chính quyền hai nước này đã có thái độ quá dễ dãi trong chi tiêu ngân sách, các chính sách thuế khóa, lương bổng và ngân hàng quá lỏng lẻo. Cho nên trong khi nhiều nước thành viên đã hoặc đang vượt qua được khó khăn do hậu quả của khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới, nhưng hai nước này lại rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Những bài học chính rút ra từ hai sự kiện này
Nếu nhìn chung trên thế giới thì thời gian qua không chỉ riêng đồng Euro gặp khó khăn, mà cả đô la Mỹ, đồng bảng Anh và đồng Yen cũng đang có vấn đề lớn. Nhưng khác nhau căn bản giữa một số đồng tiền này là, trong khi đồng đô la Mỹ, đồng bảng Anh và đồng Yen của Nhật là bản vị tiền tệ của các quốc gia độc lập có chính quyền trung ương, nên việc giải quyết các khó khăn tương đối bớt phức tạp hơn. Trái lại, đồng Euro vừa mới ra đời được 8 năm, là đồng tiền chung của 16 nước ở Âu châu. Nhưng giữa các nước này vẫn có chính sách về ngân sách, thuế khóa, ngân hàng độc lập và rất khác biệt với nhau. Đây là những khó khăn căn bản của đồng Euro.
Để dễ nhận diện được khó khăn này chúng ta có thể đơn cử một thí dụ. Khi một số người lập ra một quĩ chung thì phải biết tính tình của nhau xem có hợp với nhau không, nhất là cách tiêu sài của mỗi người. Nếu không thì có thể xẩy ra tình trạng, có những người tiêu sài hoang, dùng quĩ chung mua sắm thả cửa. Khi đó những người chi tiêu tằn tiện sẽ bực mình và có thể suy nghĩ chọn lựa một số giải pháp. 1. Như rút ra khỏi quĩ chung. 2. Cách thứ hai là giữa những người này phải thảo luận với nhau về cách thức chi tiêu và đóng góp vào quĩ chung này, kể cả trong trường hợp gặp khó khăn thì giải quyết theo cách thức nào. Khi ấy mọi người tham gia quĩ chung sẽ biết rõ quyền lợi và trách nhiệm.
Nếu chúng ta theo dõi các cuộc họp cấp cao tới các cuộc họp cấp bộ trưởng hay cấp chuyên viên của EU trong năm qua sẽ thấy cũng tương tự như thí dụ trên. Dĩ nhiên tầm vóc nó rộng lớn hơn và mức độ căng thẳng hơn vì nó liên hệ tới nhiều quốc gia và tài sản của hàng mấy trăm triệu người. Ở Âu châu có tục ngữ, đồng tiền có thể gây tổn hại tới tình bạn hữu !
Dự báo tình hình chung của châu Âu trong năm tới
Hiện nay nhiều giới lo ngại là Bồ Đào Nha, Bỉ và Tây Ban Nha cũng có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng như Hy lạp, Ailen vào thời gian tới. Vì các nước này đang bị thiếu hụt ngân sách rất lớn, kinh tế suy đồi và nạn thất nghiệp cao. Trong đó đáng lo ngại nhất là Tây Ban Nha, một nước lớn và khá đông dân trong khu vực Euro. Cho nên các nước thành viên và cơ quan có trách nhiệm của EU đang nhức đầu và tranh luận nhau về những giải pháp khả thi để giải quyết các trường hợp có thể xẩy ra và cũng để ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Đây cũng là trọng tâm của hội nghị cấp cao của 27 nước EU đang họp ở Bruxelles trong hai ngày, 16 – 17/12/2010.
Trong hai năm 2011 và 2012 có thể coi là thời gian thử thách gay go nhất cho số phận của đồng Euro nói riêng và tương lai của Liên Hiệp Châu Âu nói chung, vì hai đầu tầu kinh tế và chính trị là Pháp và Đức bước vào các năm chuẩn bị tranh cử các chức vụ quan trọng nhất là tổng thống và Quốc hội.
Lúc này chính là thời gian các nước thành viên của EU, đặc biệt hai đầu tầu Pháp-Đức, cần phải điều chỉnh, sửa chữa các khuyết điểm, khuyết tật của đồng Euro và cơ cấu của EU. Đa số các giới chính trị, kinh tế và chuyên viên trong EU ý thức được rằng, họ như một nhóm các bác sĩ có nhiệm vụ chữa trị một số bệnh nhân, nhưng đồng thời không được phép làm các bệnh này lan truyền sang các người lành.
Nói một cách khác, các thành viên của EU, đặc biệt các nước trong khu vực đồng Euro đang phải tiến hành song song hai lãnh vực chính : 1. Trước mắt tỉnh táo, vững vàng và rộng lượng giúp một số nước thành viên đang gặp khó khăn về tài chánh để chính quyền các nước này tạo lại niềm tin với dân chúng và nhờ thế kinh tế dần dần khôi phục trở lại và qua đó đồng Euro cũng được tin cậy và xã hội được ổn định. 2. Nhưng các giới giữ trọng trách của EU cũng phải tìm ra được những những mô thức mới trong việc tổ chức, cách quyết định…nhằm ngăn ngừa hữu hiệu những trường hợp tái diễn. Nghĩa là phải tiến từng bước tới có chung một chính sách về kinh tế, ngân sách, thuế khóa…giữa các nước trong khu vực đồng Euro.
Tương lai khu vực đồng Euro
Muốn dự báo về đồng Euro thì cần phải hiểu rõ mặt mạnh, mặt yếu và vai trò hiện nay của EU ở ngay trong EU và trên thế giới:
- Thành công lớn nhất của EU là sau hơn nửa thế kỉ từ một đống tro tàn và thù hận nhau, nhưng đã biết thiết lập từng bước để từ 6 nước hội viên vào thập niên 50 của thế kỉ trước và nay có 27 nước thành viên với một thị trường chung của gần nửa tỉ người. Từ vài năm nay EU đã có một Hiến pháp chung, Quốc hội EU được mở rộng quyền hành hơn, vai trò của các cơ quan trung ương của EU cũng được nâng cao hơn và bắt đầu có một bộ trưởng ngoại giao chung… Hiện nay EU đang có vị thế quan trọng trong chính trị, ngoại giao, kinh tế và tài chánh trên thế giới. Đồng Euro dù mới ra đời nhưng đang trở thành đồng tiền có uy tín trong giao dịch thương mại quốc tế. Khi mới ra đời năm 2002 một đồng Euro chỉ bằng khoảng 0,8 USD, nay đã lên trên 1,30 USD.
- Xét về nhiều phương diện từ ý thức hệ đến chính trị và kinh tế thì EU có nhiều ưu thế hơn một số khu vực khác, hoặc cường quốc kinh tế khác như Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ… Nhiều nước trong EU có công nghiệp cao và tiềm năng tài chánh lớn có đủ sức cạnh tranh thành công với các khu vực khác. EU là một tập hợp những nước cùng chia sẻ các tiêu chuẩn giá trị là dân chủ đa nguyên, nhân quyền, kinh tế thị trường…Đa số gần nửa tỉ người trong EU có mức sống cao, được hưởng phúc lợi và các quyền tự do căn bản. Đối với nhiều nước trên thế giới EU trở thành một mẫu mực về nhiều khía cạnh. Cho nên sự tồn tại và vững vàng của đồng Euro là một mong muốn của đa số nhân dân châu Âu và cũng là nhu cầu quan trọng không chỉ trong EU và cả cho nhiều khu vực khác trên thế giới.
- Tiến trình toàn cầu hóa đã trải qua khoảng 2 thập niên được coi là một tiến trình không thể đảo ngược, vì các liên hệ kinh tế-tài chính và truyền thông điện tử giữa các nước và giữa các khu vực ngày càng mật thiết. Đang hình thành các trung tâm quyền lực mới về kinh tế-tài chánh, ngoài siêu cường quân sự Mỹ. Trong đó EU là một trung tâm quan trọng nhờ vai trò kinh tế-tài chính và ngoại giao, trong đó đồng Euro đóng một vai trò quan trọng.
Nếu cân nhắc các mặt trên đây thì người ta có quyền lạc quan về vai trò của EU và đồng Euro đang đóng trong tiến trình hòa bình, dân chủ, tự do và phú cường ở Âu châu và trên thế giới. Vì thế chúng ta có quyền hi vọng là những chính khách của EU sẽ sáng suốt thấy rõ sứ mạng và trách nhiệm của mình trong việc giải quyết thành công các khó khăn của đồng Euro. Kết quả Hội nghị cấp cao EU trong hai ngày 16-17/12 vừa qua ở Bruxelles đã cho thấy hướng đi này.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment