9/12/09

Hoàng Hạc Lâu

Nhiều tác giả

1

Thạch Lai Kim

sshot-33Bài viết này xuất phát từ sinh hoạt nội bộ của Ban Biên Tập Đặc San. Một buổi chiều cuối tuần, sau một ngày làm việc căng thẳng, khi nhận được một slideshow của một người bạn với đề tựa « Hoàng Hạc Lâu » tôi nghĩ, có thể chia sẻ để các anh chị em trong BBT thư giãn vào dịp cuối tuần, tôi chuyển tiếp để các anh chị trong BBT thưởng thức. Do đó mà có bài viết sau đây.

Các anh chị thân mến,

Tôi chỉ muốn gửi slide show ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ do một người bạn gửi để các anh chị xem và giải trí vào dịp cuối tuần mà thôi. Không ngờ khiến anh Thông cảm hứng viết một bài quá hay. Anh Thông đề nghị tôi viết phần dẫn nhập cho bài cảm hứng của anh. Viết gì đây? Tôi tự hỏi và cuối cùng chọn cách dễ nhất là tìm tài liệu liên quan đến ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ để đóng góp cho bài cảm tác của anh Thông.

Hoàng Hạc Lâu (Lầu Hạc Vàng) nằm trên ngọn Xà Sơn thuộc thành phố Vũ Hán, vùng Vũ Xương bên tả ngạn Trường Giang tỉnh Hồ Bắc. Hoàng Hạc Lâu (HHL) nổi danh là một trong ba danh lâu của Giang Nam – HHL, Hồ Nam Nhạc Dương Lâu, Giang Tây Đằng Vương Các. HHL nguyên thủy được xây cất vào thời Tam Quốc gồm ba nước Ngụy, Ngô và Thục. Giang Nam thuộc Ngô.

Có hai truyền thuyết về danh xưng HHL mà các anh chị đã đọc trong slide show. (xin xem ghi chú)

(Ghi chú:

1)- Có người con gái họ Tân mở một quán rượu. Một hôm có vị tiên ông đến uống. Nàng không lấy tiền. Để tạ ơn cô chủ quán, vị tiên ông này trước khi từ giã, vẽ lên vách một con hạc và bảo rằng hạc có thể nhảy múa để giúp vui. Từ đó quán rất đông khách. Cô chủ quán trở nên giàu có. Mười năm sau, vị tiên này trở lại, thổi tiêu tấu khúc rồi cưỡi hạc đi mất. Để kỷ niệm và nhớ ơn vị tiên ông đã giúp mình giàu có, Tân thị xây cất tại đây một lầu lấy tên là «Hoàng Hạc Lâu». (Theo Cực Ân Lục).

2)- Ngày xưa có một tiên ông tên Phí Văn Vĩ thường cưỡi hạc đi ngao du và đã có lần dừng chân tại lầu nầy. Do vậy lầu được cải danh là HHL ).

Ngoài ra, theo sử liệu Lý Kiết Phủ đời Đường trong tập ‘‘Nguyên Hòa Quận Huyện Chí’ ghi chép:

‘‘Năm thứ hai Ngô Hoàng Vũ (tức năm CN 223), thành Giang Hạ là thành trì trấn giữ chống sự xâm nhập của các bộ tộc phía Tây. Phía Tây thành này gần sông lớn, góc Tây Nam là cồn cát đá nên lập một lầu canh, gọi là Hoàng Hạc Lâu.“ Như vậy, tiền thân của Hoàng Hạc Lâu là một lầu canh gác dùng cho mục tiêu quân sự.

唐 代 李 吉 甫 編 寫 的 《元 和 郡 縣 誌》 載:“吳 黃 武 二 年,城 江 夏,以 安 屯 戍 地 也。城 西 臨 大 江,西 南 角 因 磯 為 樓,名 黃 鶴 樓。”原 來,黃 鶴 樓 的 前 身 只 是 軍 事 上 用 的 守 望 樓

(tài liệu: Mạng Nhân Dân).

Nếu điều này đúng thì không những chỉ bài thơ ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ sau đây của Thôi Hiệu mà cả câu chuyện thần tiên xây dựng chung quanh HHL quả là một kiệt tác văn học đã biến thực tại „lầu canh“ thành nơi đầy truyền thuyết thơ mộng và là một thắng cảnh du lịch hiện nay.

Trải qua nhiều thế kỷ, HHL bị hư hủy và xây dựng lại nhiều lần. Dưới triều nhà Thanh, năm Quang Tự thứ 10 tức năm 1884, HHL bị hỏa tai và bị thiêu hủy hoàn toàn; sau đó được tái thiết, trùng tu nhiều lần. Đến năm 1957, vị trí của HHL nằm trong một công trình xây cất cầu qua Trường Giang nên bị hủy đi một lần nữa. Tháng 10-1981 chính phủ thành phố Vũ Hán quyết định trùng kiến HHL dựa vào các sử liệu và theo mô hình giống như kiến trúc cũ, tại một địa điểm cách vị trí cũ khoảng 1 km. Công trình hoàn tất vào tháng 6-1985. HHL mới gồm 5 tầng - hơn kiến trúc cũ 2 tầng - cao 51,4 m, cao hơn kiến trúc cũ 20 m. Tầng dưới bề rộng 30m gấp đôi so với HHL cũ. Tầng trên cùng rộng 18 m. Trần thiết bên trong mỗi tầng một khác. Tầng dưới cùng là một đại sảnh. Trên tường chính diện là bức bích họa „Bạch Vân Hoàng Hạc“ (Mây Trắng Hạc Vàng) rất lớn bằng đồ sứ, hai bên bức họa là câu đối liễn:

‘‘Sảng khí tây lai, vân vụ tảo khai thiên địa hám; đại giang đông khứ, ba đào tẩy tịnh cổ kim sầu“

爽 氣 西 來,云 霧 掃 開 天 地 撼;大 江 東 去,波 濤 洗 凈 古 今 愁.

Dịch nghĩa: Gió mát từ phương tây thổi đến, mây mù bị quét khỏi, trời đất lung lay. Sông lớn chảy ra biển đông, sóng nước rửa sạch mối sầu vạn cổ.

HHL kiến trúc cũ

HHL kiến trúc mới

Tầng hai: Trần thiết các trước tác ghi lại lịch sử của HHL gồm „Hoàng Hạc Lâu Ký“ của Diêm Bá Cẩn. Hai bức bích họa ‘‘Tôn Quyền Trúc Thành“ và „Châu Do Thiết Yến“, hai nhân vật lịch sử của nhà Ngô thời Tam Quốc. Tầng ba: Trên bích họa là các thi nhân thời Đường-Tống như Thôi Hiệu, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Giả Đảo, Lục Du, Trương Cư Chính … là những thi nhân danh tiếng đã trước sau đến viếng nơi đây với những phần trích lục về các trước tác của họ liên quan đến HHL. Tầng thứ tư được các bình phong ngăn ra thành nhiều khu vực nhỏ để làm ‘‘thương mại“. Nơi đây bày bán các danh tác thư họa cho du khách. Tầng trên cùng gồm nhiều bức bích họa khác trong đó có bức ‘‘Vạn Lý Trường Thành“.

Thôi Hiệu 崔 颢 (khoảng năm704-754) thi sĩ thời Đường, quê Biện Châu (nay thuộc Khai Phong, Hà Nam). Thuở nhỏ thích ngao du đây đó. Để lại cho hậu thế khoảng hơn 40 bài thi, trong đó nổi tiếng nhất là bài ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ mà Lý Bạch cho rằng mình cũng không sánh bằng.


昔 人 已 乘 黃 鶴 去,

此 地 空 余 黃 鶴 樓。

黃 鶴 一 去 不 復 返,

白 雲 千 載 空 悠 悠。

晴 川 歷 歷 漢 陽 樹,

芳 草 萋 萋 鸚 鵡 洲。

日 暮 鄉 關 何 處 是,

煙 波江 上 使 人 愁.

Âm Hán-Việt:

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhựt mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu!

(bài này đã được nhiều thi sĩ danh tiếng dịch ra tiếng Việt).

HHL là một đề tài cho nhiều tao nhân mặc khách được thể hiện qua nhiều thơ phú nổi tiếng. HHL cũng là nơi mà các tu sĩ ‘‘Đạo Giáo“ thường hay đến đây lập đàn thuyết giảng giáo lý cho các tín đồ (Toàn Chân Giáo theo Kim Dung). Do bài thơ của Thôi Hiệu, HHL nổi tiếng và được tặng danh xưng „thiên hạ đệ nhất lâu“. Tục truyền Lý Bạch khi đến viếng HHL, vốn định đề vịnh thơ nhưng sau khi đọc bài ‘‘Hoàng Hạc Lâu“ của Thôi Hiệu, ông không ngớt buột miệng ‘‘Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!“, rồi gác bút sang bên và bỏ ý định này.

Xúc cảnh sinh tình vốn là ‘‘nghiệp dĩ’’ của thi nhân. Do vậy mà Thôi Hiệu qua câu chuyện truyền kỳ về Phí Văn Vĩ, thấy lầu không quạnh quẽ đã cảm xúc và do đó đã để lại cho đời sau những câu thơ bất hủ

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Người xưa cỡi hạc vàng ra đi, để lại nơi đây lầu không trống vắng. Cảm xúc người viết! Cảm hoài người đọc. Một sự liên hệ: Phí Văn Vĩ đi rồi, Hoàng Hạc Lâu để lại. Thụ nhân phân tán khắp nơi, niềm thương yêu hãy còn gửi gấm ở mái trường xưa, ở nhà nguyện Năng Tĩnh. Bầu trời xanh, mây trắng ở Đà Lạt vẫn lững lờ trôi.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

HHL có sông to (đại giang), có đồi núi (Xà Sơn). Ô kìa! Dưới bầu trời trong sáng trên sông, cụm cây xanh của bến Hán Dương xa xa nhưng trông rõ mồn một. Hướng bên này bãi Anh Vũ cỏ thơm mọc xanh um. Đối với thi sĩ cảnh tượng hôm ấy hiện ra rõ nét. Còn đối với ta Đà Lạt cũng đồi núi, rừng thông, Hồ Xuân Hương, Viện Đại Học… sao mà diệu vợi, mơ hồ.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhà thơ là khách lãng du, rày đây mai đó. Thế mà vẫn chạnh lòng nghĩ tới quê hương mỗi khi ánh tịch dương buông lơi, màn đêm phủ xuống. Đối diện với khói sóng man mác của dòng sông khiến mấy ai không trĩu lòng sầu muộn!?

Nhựt mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu!

Còn ta? Quê hương ta đâu? Lê Đình Thông cũng mang một nỗi buồn da diết và nghẹn lời nên gửi gấm tâm sự của người mất quê hương qua một bài thơ lục bát mà hai câu kết cũng không kém «sầu»:

Trên sông buồn bã khói tàn,

Sóng buồn tê tái lệ tràn xót xa.

Xin quí vị và các anh chị đọc tiếp để cảm thông với niềm hoài cảm của Lê Đình Thông trong phần 2.

Xem tiếp Hòang Hạc Lâu 2
Xin bấm chuột trái vào Link để xem Slideshow: Hòang Hạc Lâu

No comments:

Post a Comment