6/20/07

Bắc Du

Hàng năm, sau dịp Tết, khi các đồng nghiệp của tôi đang nhộn nhịp chuẩn bị lấy ngày nghỉ thì ở nhà, sư tử cũng đã lên chương trình nghỉ hè … cho tôi và từ tháng 03, sau nhiều lần thủ thỉ …

Tối thứ năm 29/07, dù về rất muộn tôi cũng đã phải chạy thêm hơn 20 cây số, đến nhà đại tiểu thơ để hì hục nhồi nguyên nồi cơm của sư tử bắt lên bếp lúc 10h để làm lương thực mang theo ăn dọc đường. Đến hơn một giờ sáng, công việc chuẩn bị cho chuyến đi nghỉ hè mới xong. Vào giường, trằn trọc mãi không ngủ được. Đến gần ba giờ sáng tôi phải gọi từ sư tử, đại tiểu thơ đến tiểu nha đầu thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi xa, thật xa: Hòa Lan và Đức - hai nước Âu châu mà từ hơn mười bốn năm qua tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Rời khỏi nhà lúc ba giờ ba mươi sáng, chạy khoảng 500m là ra đến xa lộ, thế mà mãi đến bốn giờ mười lăm mới bắt đầu lấy đựợc hướng Lyon chỉ vì sư tử cứ « ý quên… ». Dù đường dài đến đâu, sau mấy lần ngừng lại nghỉ ở những trạm trên xa lộ Pháp và Bỉ, chúng tôi đến Harvoirt, một làng nhỏ của xứ hoa Tulipes, nơi tôi đã ngoan ngoãn ở lại ba ngày hai đêm trong một tu viện, không một lần bước chân ra khỏi vòng rào. Và vì thế, nếu ai hỏi xứ Hòa Lan như thế nào thì tôi sẽ trả lời là « người ta nói …đẹp lắm ». Tuy thế, sau khi quyến luyến từ giả những người bạn thân để lên xe rời tu viện, tôi vẫn được cởi ngựa xem hoa trên đất Hòa Lan trước khi đi vào lãnh thổ Đức, nơi mà tôi sẽ nghỉ hè thật sự trong năm nay.

Xe lướt qua biên giới Hòa Lan-Đức lúc nào mà tôi không hay dù trên tay tôi đã cầm chắc bản đồ lộ trình in ra từ chương trình Mappy của internet. Theo đúng lộ trình lúc khởi hành nhưng vì mãi đánh vần tên các địa phương, thành phố viết bằng tiếng Hòa Lan và tiếng Đức nên thay vì rẽ ra xa lộ, chúng tôi tiếp tục đi trên đường làng nối liền hai nước, và nhờ thế, chúng tôi lại có dịp ngắm cảnh thanh bình của nông thôn Hoà Lan, Đức và tận hưởng cảm giác an toàn trên hương lộ. Đến München S… vào chiều thứ ba, tôi đã vấp phải khó khăn đầu tiên trên đất khách. Nếu con tiểu nha đầu không nói được tiếng Đức thì có lẽ đến khuya chúng tôi mới tới được điểm hẹn: Nhà của em vợ của anh ruột tôi sau nhiều lần hỏi han, mua được một thẻ điện thoại và tìm được cái điện thoại công cộng trong một thành phố yên tĩnh của mùa hè 2004. Tay bắt mặt mừng, thu xếp đồ đạc xong, khi hội phụ nữ vào nhà bếp để làm cần thiết thì chúng tôi đã khề khà bên mấy chai bia Đức nổi tiếng của Âu châu; và trong chiều đầu tiên trên đất Đức tôi đã, qua anh bạn thân thuộc của gia đình, học hỏi rất nhiều về tập quán và tổ chức của xã hội Đức.10h đêm, lang thang trên đường phố, tôi mới nhận ra rằng, thành phố này có nhiều dân tộc khác nhau cư trú và không lớn lắm nhưng sạch sẽ và không ồn ào như ở Pháp. Anh bạn tôi cho biết, dân Đức rất kỷ luật và gắn bó với gia đình cho nên sau giờ làm việc là họ quây quần trong mái ấm hơn là đi rong chơi hoặc la cà trà đình tửu quán.

Sáng thứ tư, các bà rủ nhau đi shopping, hai anh em lại tiếp tục chén tạc, chén thù. Mãi đến trưa, nhà tôi trở về với số chiến lợi phẩm thu hoạch từ các siêu thị. Nhìn lô hàng gia dụng vừa được sư tử chọn lựa, tôi đã điếng hồn khi nghĩ đến việc sắp xếp chỗ cho năm người có thể thoải mái ngồi trong chiếc Clio nhỏ bé để làm chuyến đi gần 1500km. Sáng hôm sau, anh bạn và tôi đến Krefeld, thành phố bên cạnh để thăm một đồng môn. Dù mới gặp nhau tuần trước tại Hòa Lan, chúng tôi cũng đã hàn huyên tâm sự và đã luyến tiếc ra ga để trở về sau hơn nửa ngày tâm sự. Thứ năm, chúng tôi đến Köln, một thành phố cổ nổi tiếng với tòa Vương Cung Thánh Đường xây dựng từ thời Trung Cổ bên cạnh dòng sông Rhin thơ mộng. Nhìn Vương Cung Thánh Đường nguy nga đồ sộ được bảo trì đúng mức; nhìn vẻ mặt thán phục của những người khách đến chiêm ngưỡng nét đẹp của nền kiến trúc Trung Cổ, tôi mới thấy được sự khác biệt giữa Đông và Tây, và chợt thấy xót xa vì trên đất nước của mình, di tích lịch sử cổ kính như thế này chỉ còn có … trong văn, trong thơ mà thôi.

Sáng thứ sáu, chúng tôi lên đường đi Hannover, nơi có kiểng chùa Viên Giác nổi tiếng của Âu châu. Sau mấy lần đi lạc và tìm đường, chúng tôi đến chùa vào buổi chiều. Chùa vắng tanh vì các thầy và tín đồ đã đi tham dự khóa tu học tại Ý. Sau khi đi một vòng viếng chùa, tôi lang thang sang siêu thị bên cạnh để mua một số hàng cần thiết, khi trở về, sư tử hớn hở cho biết là trong chốc lát tôi sẽ gặp lại cố nhân, cố nhân của những tháng ngày làm việc tại Bộ Canh Nông, cố nhân trong những ngày đọa đày trong trại tù Long Giao và đã chia nhau từng điếu thuốc hay mẩu tin qua hàng rào kẽm gai ngăn cách hai trại giam. Cố nhân của tôi nay đã quá lục tuần, con người hào hoa của ngành thủy lâm đã nhường bước cho nhà thơ Phù Vân nhiễm mầu thiền tịnh. Anh đã về hưu và thường xuyên đến chùa để góp phần vào việc ra báo Viên Giác. Giữa nhà và chùa, anh vẫn dành cho chùa gần nửa thời gian để làm báo, tịnh tâm và công quả. Vẫn tiếng cười xưa cũ, vẫn những lời nói chân tình, chúng tôi nói chuyện triền miên trong khi anh hướng dẫn tôi viếng mọi nơi trong ngôi chùa vừa mới xây xong. Chúng tôi đã đuợc dùng một bữa cơm chùa đạm bạc thay vì ra phố dùng cơm hạnh ngộ. Sau bữa cơm chay đó, chúng tôi luyến luu chia tay với những lời hẹn tái ngộ.

Sáng chúa nhật, sau một ngày nghỉ ngơi để sư tử mua thêm những món gia dụng mà người cho là rất tốt và rất cần, chúng tôi năm người đã gò bó trong chiếc xe bé nhỏ để trở về Pháp qua ngõ Bỉ và Luxembourg. Chuyến nghỉ hè ngắn ngủi đã gần xong, trên đường về, tôi được dịp hồi tưỏng lại những ngày vui qua mau trên đất Hòa Lan và Đức. Những khác biệt về tập quán, về phong cảnh, về tổ chức xã hội đã cho tôi dịp được so sánh với quê hương thứ hai mà tôi đang sống, tất cả đều tương đối và tương đối vì … xứ nào cũng có những ưu điểm riêng mà chúng ta, những người tị nạn cần tìm và hiểu để được thích hợp với cuộc sống của xứ tiếp nhận chúng ta.

Tối chúa nhật, tôi một mình trở về nhà lúc hai giờ sáng để đưọc yên tĩnh nghỉ ngơi, chuẩn bị trở lại làm việc vào ngày thứ ba đánh dấu mùa hè đã qua.
Dương Tấn Hải 09/2004

No comments:

Post a Comment