Chuyện đã cũ nhưng vẫn muốn đọc lại mỗi lần 30 tháng 4 đến.
4/30/23
CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI MANG TÊN NGUYỄN THỊ DI TẢN
Hoa nhị phu nhân - 花蕊夫人
Cám ơn anh K. chia sẻ bài thơ về chuyện mất nước của Hoa Nhị Phu Nhân (花蕊夫人).
Thiếp tại thâm cung na đắc tri 妾在深宮那得知.
Thập tứ vạn nhân tề giải giáp 十四萬人齊解甲,
Ninh vô nhất cá thị nam nhi 寧無一個是男兒.
Dịch ý bài thơ
Vua chúa giơ cờ trắng trên nóc thành
Thiếp ở chốn cung sâu đâu được hay.
Mười bốn vạn quân đều đầu hàng
Nào ai xứng đáng với đấng nam nhi。
Bài thơ nói lên tâm trạng đau xót khi đất nước lâm nạn và niềm nhớ nước thương nhà, ưu sầu khôn nguôi của Hoa nhị phu nhân, thương cho phận hồng nhan bạc nhược, đơn độc; thân gái yếu ớt dù yêu nước thiết tha cũng đành chịu cuốn trôi theo cơn lốc ai oán của vận mệnh đất nước.
Hoa nhị phu nhân cũng lấy làm kinh ngạc và hổ thẹn cho mười bốn vạn quân sĩ mang danh bảo vệ tổ quốc đã đồng loạt giải giáp, cởi chiến bào, hạ binh đao đầu hàng. Trong lúc đất nước lâm nạn, chẳng có ai xứng với bậc tu mi nam tử để ra tay buồm lái với cuồng phong.
Quốc thù gia hận nợ tang bồng, tránh sao được binh đao chiến loạn cõi trần thế? Những câu từ ai oán đoạn tràng của bài thơ "vong quốc" đã khiến người đọc cảm thán và khâm phục tài sắc vẹn toàn của Hoa nhị phu nhân.
Nhằm góp phần cho sự phong phú trong diễn đàn để cùng học hỏi, tôi xin chia sẻ một bậc văn học tài tử khác của thời Bắc Tống, Tô Đông Pha.
Tô Đông Pha, một bậc văn học kỳ tài, thiết nghĩ mọi người đều không xa lạ với ông, văn hào kiệt xuất đã góp phần làm rạng rỡ nền văn học lừng lẫy thời Bắc Tống.
Ở bất kỳ bộ môn nào, văn từ thi phú, sáng tác của ông đều tỏ ra vượt trội, phong phú cả về thể loại lẫn số lượng. Với hơn 1700 bài thơ, 300 bài từ, và rất nhiều bài tản văn nổi tiếng như Phóng Hạc đình ký, Tiền Xích Bích phú, Hậu Xích Bích phú, v.v...
Các bạn thích loạt bài nào của Tô Đông Pha? Trong số rất nhiều tác phẩm tâm đắc của ông, riêng ở đây tôi chỉ xin đề cập đến bài "Định Phong Ba" (定風波), Đó là cảnh giới hiểm có của thế hệ văn chương trong lịch sử văn hóa Trung Quốc. Ngưỡng mộ thái độ nhân sinh khoát đạt, cởi mở tự nhiên khi đối diện với nghịch cảnh và trắc trở thể hiện trong từng câu chữ của bài thơ.
Trong cuộc sống đời thường, khi đối mặt với phong ba, vinh nhục, được mất của cuộc đời, tôi tự thấy hổ thẹn với lòng mình, cảm thấy mình không thể bình thản ứng xử với mọi hoàn cảnh giống như Tô Đông Pha. Đó cũng là nhân duyên khiến tôi tìm hiểu thêm cách đối nhân xử thế của bậc kỳ tài này, để những câu từ hàm chứa ý nghĩa thâm thúy luôn nhắn nhủ và soi sáng tôi mỗi khi sa vào nghịch cảnh trong cuộc đời.
Bài thơ “Định Phong Ba” viết vào mùa xuân năm 1082. có một vài lời mở đầu như sau:
Tam nguyệt thất nhật, Sa Hồ đạo trung ngộ vũ. Vũ cụ tiên khứ, đồng hành giai lang bái, dư độc bất giác, dĩ nhi toại tình, cố tác thử (三月七日,沙湖道中遇雨.雨具先去,同行皆狼狽,餘獨不覺,
Định Phong Ba" (定風波)
Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh (莫聽穿林打葉聲),
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành (何妨吟嘯且徐行).
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã (竹杖芒鞋輕勝馬),
Thùy phạ (誰怕)?
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh (一蓑煙雨任平生).
Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh ( 料峭春風吹酒醒),
Vi lãnh (微冷),
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh (山頭斜照卻相迎).
Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ (回首向來蕭瑟處),
Quy khứ (歸去),
Dã vô phong vũ dã vô tình 也無風雨也無晴).
Dịch ý bài thơ
Đừng nghe rừng đang lay động luân chuyển và những chiếc lá lìa cành rơi lả tả.
Cứ thong thả mà đi và vù hát ngâm nga.
Tay chống gậy trúc, đôi chân với thảo hài thoải mái hơn là đi ngựa,
Ai sợ?
Một áo tơi sờn cũ ôm ấp suốt đời.
Se lạnh gió xuân hiu hắt làm cho người tỉnh táo như chợt tỉnh sau cơn men rượu.
Hơi lạnh
Đầu non bóng xế tà đang đón chào niềm nở
Hồi đầu chợt thấy sự quạnh vắng của chặng đường đã qua
Trở về,
Đâu thấy gió mưa cảnh chiều tà.
Tôi có cảm giác khác nhau trong mỗi giai đoạn đọc “Định Phong Ba”. Khi trước tôi chỉ nghĩ rằng Tô Đông Pha khoáng đạt tự tại, bây giờ lại cảm thấy có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn ẩn tàng trong những câu chữ của bài thơ.
Tô Đông Pha viết bài thơ này 2 năm sau khi bị lưu đày đến Hoàng Châu, một miền đất lúc ấy hãy còn sơ khai hoang dã. Sự giáng chức này mang ý nghĩa thế nào đối với Tô Đông Pha. Từ một tài tử bậc nhất trong lĩnh vực văn học đương thời, danh vọng lừng lẫy đến bị giam trong tù tra cứu cả trăm ngày, rồi bị bọn tiểu nhân gièm pha cho lưu đày đến chỗ tận cùng gốc khuất xa xôi hẻo lánh. Tô Đông Pha như người lạc vào một hành tinh khác, lạc lõng bơ vơ, không bổng lộc, không chức tước; mất cả ánh hào quang danh vọng, không bạn bè, mất cả lý tưởng phục vụ tổ quốc. Nhiều người cho rằng Tô Đông Pha cởi mở khoáng đạt, dù bị cách chức lưu đày vẫn an vui tự tại như thường. Bình tâm mà nói ai có thể thản nhiên trước một biến cố kinh động ngặt nghèo như vậy?
Nếu chúng ta đọc tiểu sử của Tô Đông Pha sẽ thấy, sau khi đến Hoàng Châu, ông bắt đầu cuộc sống mới, một cuộc sống cam go từ dưới đáy sâu cuộc đời. Tại chùa An Quốc ở Hoàng Châu, ông gác qua thế sự thị phi, tịnh tâm quán chiếu. Lúc ấy, chỉ có Phật và Đạo soi sáng và dẫn dắt Tô Đông Pha trở về con đường chánh đạo để khỏi đắm chìm trong cơn phong ba của bể khổ tuyệt vọng.
Rồi ông cũng trút bỏ xa hoa, khoác lên mình chiếc áo nhà nông, tự đào giếng tìm nguồn nước sinh hoạt, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để có miếng ăn. Sau khi trải qua những ngày tháng thê lương, sống nhờ vào sức lao động của đôi bàn tay, dần dần đánh thức, khơi dậy cái cảm giác hạnh phúc và niềm vui đơn giản trong cuộc sống. Tô Đông Pha từ từ ý thức được việc quan trọng nhất trên đời chỉ gói trọn trong “ăn” và “ngủ.”
Vì vậy, mùa xuân năm 1082, hai năm sau khi bị cách chức lưu đày, Tô Đông pha lần nữa lấy lại niềm tin cuộc sống, thoát thai hoán cốt từ sự điêu đứng của hoạn đồ thăng trầm, và đã viết lên bài thơ “Định phong ba” này. Từ những lời thơ, chúng ta có thể thấy được cảnh giới của ông đã có một bước chuyển ngoặt, vượt qua gian nan, tiến về cảnh giới thênh thang và khoáng đạt hơn.
Đứng ở góc nhìn xa hơn, chúng ta hãy cùng khám phá một danh tác văn học bất hủ của đại văn hào Tô Đông Pha.
Các nhà văn thường dùng mưa gió để ẩn dụ gian nan trong cuộc sống. Tô Đông Pha cũng mượn câu chuyện gặp mưa tại Sa Hồ để ngầm chỉ cảnh ngộ bi đát trên hoạn đồ chìm nổi của mình. Nhưng Tô Đông Pha có thái độ gì khi đối mặt với biến cố cuộc đời?
Trong đoạn đầu của bài thơ,Tô Đông Pha dùng các từ: Đừng nghe, ai sợ, không có sao, mưa gió có gì đáng ngại. … nghe thoáng qua thì có vẻ khoáng đạt, nhưng thực ra là tự mình an ủi.
Bởi vì nếu thản nhiên trước mưa gió, thì tại sao lại đừng nghe đừng sợ. Như vậy, ngay lúc đầu Tô Đông Pha có thái độ kháng cự chứ không phải chấp nhận gian khổ. Đó là cảnh giới thứ nhất khi ông gặp nghịch cảnh. Người đời thường nói: "sau cơn mưa trời lại sáng, khó khăn nào rồi cũng qua, phải sống lạc quan và an nhiên trước mọi biến cố." Nhưng bao nhiêu người thực sự làm được như vậy. Chúng ta vẫn biết đau khổ và hạnh phúc, đều là tặng phẩm của đất trời. Tuy nhiên, gian nan làm mình khó chịu và đau khổ là sự thực. Tô Đông Pha không phải là siêu nhân, ông cũng có bản năng kháng cự với gian nan và những phản ứng lo sợ, quằn quại, đau khổ như mọi người khi gặp nghịch cảnh. Tuy nhiên ông không bị nhấn chìm bởi nghịch cảnh, nhờ sự quán chiếu và chuyển hóa, Tô Đông Pha mạnh dạn kinh qua mưa gió cuộc đời, đồng thời là ngọn đuốc soi sáng cho người đời sau.
Tiếp theo là đoạn giữa của bài thơ, "nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh, liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh"(一蓑煙雨任平生, 料峭春風吹酒醒), áo tơi tuy đơn sơ, miễn sao che mưa che gió là được. Sau khi mưa thuận gió hòa, những tia nắng chiều vàng vọt dịu dàng trên đầu non mang đến cho Tô Đông Pha sự bình yên thanh tịnh, khiến ông cảm giác như chợt tỉnh sau cơn say. Áo tơi trong bài thơ cũng ẩn ý cuộc sống thanh đạm, ông cất nhà tranh bên vách núi phía đông (đông pha), từ đó lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ, cày ruộng trồng trỉa, sống y như một lão nông, thanh bần nhưng an ổn. Đó là cảnh giới thứ hai khi Tô Đông Pha gặp nghịch cảnh. Tâm bình thường là đạo. Người sống với tâm bình thường là người biết đủ, tâm an trú trong sự bình an, trong sáng.
Thưởng thức một danh tác là tìm hiểu giá trị chân thiện mỹ của bài viết đối với người đời. Nhà văn và nghệ thuật gia phú cho tác phẩm sinh mạng lần thứ nhất, đọc giả diễn giải phú cho tác phẩm sinh mạng lần thứ hai, vì vậy diễn giải cũng là một bộ phận của nghệ thuật. Tiếp theo đây, chúng ta thử phân giải đoạn cuối, cũng là giá trị cốt tủy của bài thơ.
Ở đời chuyện nghịch ý mười điều chiếm hết tám chín. Thiết nghĩ mọi người đều đã từng trải nghiệm ít nhiều những khốn khổ, bất như ý trong cuộc sống. Nhưng chúng ta vẫn phải sống cho dù sinh hoạt có muôn vàn khó khăn, thực vậy, con người có bao giờ lép vế với nghịch cảnh đâu.
Nghịch cảnh nào rồi cũng sẽ tận, gian nan nào rồi cũng sẽ qua. “Hồi thủ hướng lai tiêu sắt xứ” (回首向來蕭瑟處), quay đầu nhìn lại đoạn đường quá khứ, Tô Đông Pha cảm khái mà nói: "Dã vô phong vũ dã vô tình" (也無風雨也無晴). Sau nhiều lần suy ngẫm, tôi diễn giải là: suốt hai năm dày công tu tập, gạn đục lóng trong, Tô Đông Pha ngộ ra chân lý, tìm lại sự thanh tịnh và ý thức được điều then chốt để vượt qua bất cứ nghịch cảnh nào chính là ở tâm thái. "Trần cư bất nhiễm bụi trần thế," ngoài trời mây hay nắng, tâm thức lúc nào cũng như như bất động trước những biến thái ngoài đời.
Chúng ta có thể hiểu "VÔ" ở đây là không hề gì, không sao cả ,cũng có thể hiểu theo ý nghĩa của nhà Phật, "VÔ" không phải là không có, mà là hư vọng.
"Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng (凡所有相,皆是虚妄).” Bất cứ vật gì hễ có hình tướng đều là không thật. Đó là cảnh giới thứ ba khi Tô Đông Pha gặp nghịch cảnh. Mưa gió hay trời trong, đau khổ hay hạnh phúc, vinh hay nhục, được hay mất ... Mọi sự chung quy đều tan biến như khi tỉnh giấc sau cơn mê mộng. Nếu biết tất cả chỉ là mộng ảo, thì chúng ta còn chấp hay không? chắc chắn là không.
Tô Đông Pha dùng bài thơ để diễn đạt quá trình vượt qua gian nan của mình. Từ thái độ chống cự tiêu cực "đừng nghe đừng sợ" đến chấp nhận nghịch cảnh, sau cùng đạt đến cảnh giới thông suốt, khoáng đạt và siêu thoát. Tại sao bài thơ "Định Phong Ba" là danh tác bất hủ, ngàn năm không ai sánh kịp, là vì sự khoáng đạt của Tô Đông pha là sự kết tinh của tận cùng đau khổ, nảy mầm từ tận đáy sình lầy, như hoa sen vươn lên từ chốn bùn, rồi lan tỏa mùi hương thanh khiết.
Quá trình phần đấu với gian nan của Tô Đông Pha tựa như cuộc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng trong Tây Du Ký. Đó cũng là con đường bắt buộc phải qua của bất cứ người nào muốn vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống đầy phong ba bão tố. Từ xưa đến nay, chúng ta đều đã và đang trên đường gập ghềnh, chịu đựng những khổ đau như Tô Đông Pha trên hành trình truy tầm chân lý. Mỗi thời đại của quá khứ, hiện tại và tương lai đều có Tô Đông Pha. Bởi thế,Tô Đông Pha là bạn đồng hành, cũng là người giơ cao ngọn đuốc soi sáng hành trình của chúng ta.
Trường
04-30-2023
4/28/23
30 tháng 4 NỖI NIỀM OAN KHUẤT
Vai quang gánh, chân mỏi mòn lữ thứ
Bến lưu vong, khách mãi đợi con thuyền
Đất, Trời còn rấm rứt cuộc truân chuyên
Thương quê Mẹ điêu linh trong cuộc sống.
Bến bờ xa nối sông núi ba miền
Thành một dãi non sông mùa thạnh trị.
Dẫu sông núi lạc vào tay ngạ quỷ
Vẫn còn đây hồn thiêng của Cha, Ông
Những người con của nòi giống Lạc Hồng
Xưa cung kiếm dấn thân vì chí cả
Nay nhật nguyệt từ trời xa, đất lạ
trỗi điệu Hời khóc Tử Sĩ trận vong.
Nén hương thắp muộn mùa kiếp nạn
Thay tiếng lòng tưởng niệm thuở chi binh
Chung thiên cổ xin mời nhau cùng cạn
Nghĩa đệ huynh ngàn năm mãi thắm tình.