2/18/23

Ngổn ngang trăm thứ

BS Hồ Ngọc Minh

Con gái tôi, từ thuở nằm nôi, lúc nào cũng có một con gấu nhồi bông bên cạnh. Lớn lên, đi đâu, cháu cũng đem theo con gấu nay đã “già” ấy. Vợ chồng tôi thường đùa, mai mốt lấy chồng, đem theo con gấu làm của hồi môn.

Con người ta, tự bản năng, sanh ra đời đã có tư tưởng sở hữu. Tiếp theo, qua quá trình sống còn của loài người, những vật dụng thu thập được đã góp phần vào sự tồn vong của cá thể, của gia đình, và của nhân loại.

Vì thế xưa nay sự sở hữu vật chất gần như đồng nghĩa với sự an toàn, với niềm hạnh phúc, và là những cột mốc định vị cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trong cuộc đời.
Nghiên cứu cho thấy, khi bị lấy đi một món đồ nào đó, não bộ của khổ chủ sẽ chịu những tín hiệu đau đớn như khi bị kim châm, điện giựt. Đồng thời nhiều nghiên cứu khác còn cho thấy đi mua sắm, một khi đã được sờ nắm vào một mặt hàng nào, 60% người tiêu thụ sẽ bỏ tiền ra để mua cho được món hàng ấy.

Mua xong, cảm giác kích hoạt trong hệ thần kinh rất phê như phê thuốc phiện, và khi hết phê thì… đi mua tiếp. Đó là một trong các lý do tại sao công ty Apple làm ăn khấm khá vì một khi đã rờ, đã cọ quẹt, đã “touch” vào các thiết bị như iPhone, iPad thì mọi người sẽ sẵn sàng “iPay.” Thêm vào đó, chủ thuyết kinh tế thị trường, nhất là ở Mỹ, cổ võ cho việc mua sắm để làm cho kinh tế thêm giàu mạnh. Các thông điệp khuyến mãi gieo vào đầu người tiêu thụ niềm tin là, mua sắm đồ sẽ đem lại niềm vui và phúc lợi.

Sự thật có phải như thế hay không?

Có một mệnh đề cần biết, mỗi một món đồ mà bạn làm chủ, chính nó sẽ làm chủ bạn từ tinh thần đến thể xác. Thí dụ bạn có một cái đồng hồ đeo tay để xem giờ. Khi sắm cái đồng hồ thứ hai, trong tâm thức của bạn có thể là “để kiểm soát được thời gian”, hay bất cứ lý do nào khác được dùng để biện minh, có khi nào bạn chạnh lòng nghĩ là mình sẽ tốn thì giờ thêm để “lo” cho cái đồng hồ thứ hai này hay không?

Nhìn quanh nhà bạn sẽ thấy trăm thứ ngổn ngang khác từ nhỏ đến lớn, từ cái đinh cho đến cái ti vi, từ trong tủ áo, từ phòng ngủ, từ nhà bếp ra đến nhà xe. Những thứ ấy sẽ tạo ra trăm mối tơ vò trong đầu của bạn, vì ngày đêm lo nghĩ đến chúng, để giữ của, và có khi, để lấy thân ra mà che của. Một nghiên cứu y khoa khác cho thấy, lo nghĩ nhiều thứ linh tinh sẽ gây ra phiền muộn kinh niên và làm cho lớp chất xám của não bộ mỏng đi.

Một nhận xét khác được thống kê xác nhận, ai cũng biết mà cứ làm lơ, đó là, không cần phải giàu, có nhiều đồ “xịn”, đồ “khủng” trong nhà mới có hạnh phúc.
Ngày xưa người ta mua sắm vì nhu cầu thiết yếu. Cái xe đi làm, cái ghế để ngồi. Ngày nay mua sắm đồ là cách để biểu hiệu cá tính, sắc thái, tư duy, địa vị xã hội của một cá nhân.

Tại sao phải là Coke mà không là Pepsi? Điệu ,“xì tin”, và “bản sắc” là ở điểm khác nhau giữa Samsung Galaxy và iPhone, vân vân và vân vân.

Trong phim khoa học viễn tưởng “In Time” do tài tử Timberlake thủ vai chính, miêu tả một xã hội mà tuổi thọ con người là đơn vị tiền tệ để đổi chác. Lương bổng được trả bằng tuổi thọ. Mua ly cà phê thì tuổi thọ bị trừ đi vài giờ.

Hết “tiền” thì lăn ra mà chết. Nhìn lại, chúng ta hiện đang sống trong cái xã hội “tưởng chừng như viễn tưởng xa xăm” ấy. Chúng ta dùng thời gian quý báu của cuộc đời để đi làm ra tiền, để tậu đồ junk, đồ linh tinh, đồ rác rưởi, rồi tốn thêm thời gian để lo lắng, để “take care” cho những món đồ ấy. Có iPhone thì phải text, phải lướt mạng, phải đọc tin trên mạng xã hội 24/7. Tệ, có người còn bán cả trái thận để đổi lấy cái iPhone!

Nói đúng ra không phải ai cũng thích lòe hàng “khủng”. Phần lớn chúng ta mua sắm và để dành đồ để lỡ khi cần, thí dụ, 12 cục xà bông tắm ở Costco vì “không thể thiếu được”, nguyên thủy vì chúng ta…nghèo. Có cả tôi trong đó. Khoảng năm 1970, ngoài làng Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng có một hầm rác của quân đội Mỹ, gọi là “Hầm Bứa Mỹ Thị”.

Từ cái hầm bứa này, tôi tha về nhà không biết bao là “của quý”. Thói quen ấy tồn tại đến bây giờ, tiếp tục tha đồ ở Costco, ở Amazon về hằng tuần, để lỡ khi cần. Mà khi cần lại không biết đồ ấy nhét vào góc nào, nên thôi, chạy ra mua cái khác, và mua dư thêm một tí… để lỡ lại khi cần!

Một lý do khác người ta giữ đồ cũ vì nó chứa những kỷ niệm đẹp nào đó. Thú thật, một mớ sách vở Y Khoa tôi học khi còn trong trường Y hơn 30 năm về trước vẫn còn trong tủ, cho dù có khi nào tôi đọc lại một chữ nào trong những cuốn sách ấy đâu! Mà có đọc thì chả ích lợi gì vì kiến thức khoa học ngày càng thay đổi. Bỏ sách vở ra thùng rác thì thương, mà vương vấn thì tội.

Đọc tới đây bạn đã hiểu tôi không nói chuyện phiếm mà nói về một chứng bệnh mà nhiều người bị mắc phải. “Chứng bệnh thời đại” thường xảy ra ở các nước gọi là “văn minh tiên tiến”. Chứng bệnh nầy làm hại đến sức khỏe, đến tuổi thọ của chúng ta, không thua gì ung thư, cao máu, tiểu đường. Nếu hiểu căn nguyên của tội tình, của hồ sơ bệnh lý, thì chúng ta nên bắt đầu tự chữa cái bệnh gọi là “sưu tập đồ lộn xộn”. Để tự giải thoát khỏi những gông cùm trói buộc mình vào “giai cấp của người tiêu thụ”, xin đem đồ không cần dùng cho người khác, đem cho chùa, cho nhà thờ, cho hội từ thiện, v.v…

Không muốn cho thì bán eBay làm lợi cho mình, cho nền kinh tế, đem tiền gửi về cho bà con bên nhà chẳng hạn. Món đồ nào có nhiều kỷ niệm thì chụp hình lưu niệm, rồi cũng đem cho, đem bán, đem recycle để chúng được “siêu thoát” và mình cũng được “tịnh độ” theo. Đồng thời, mỗi khi mua đồ mới thì nên nghĩ “rằng, thì, là” món hàng ấy mình sẽ trả không phải bằng tiền, kể cả tiền không có, mà sẽ trả với chính sức khỏe và tuổi thọ của mình về sau.

Nhạc sĩ Anh Bằng có một bài nhạc “không Anh Bằng” tí nào, đó là bài “Khúc Thụy Du” phổ thơ của Du Tử Lê: “…nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa. Sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới ngoài trống vắng mà thôi?”

Chúng ta đã nhiều lần “bỏ của chạy lấy người”.

Chúng ta đến trong đời tay trắng và sẽ ra đi trắng tay.

Xin hãy để thời gian quý báu để mà sống và sống thật nhẹ nhàng.

BS Hồ Ngọc Minh

2/17/23

Em Đừng Đợi Nữa

Dạo:

        Anh như cánh nhạn trúng tên,

Làm sao dám ước sánh duyên cùng người.

 

Cóc cuối tuần:

 

            Em Đừng Đợi Nữa

 

                   (Lại thêm một cảnh đời,

                    Bên góc trời dâu bể.

                    Nắng tà nuôi bóng xế,

                   Người kể lể thay người)

 

Em yêu dấu, anh biết em vẫn đợi

Anh ngỏ lời tiến tới chuyện chung thân,

Để chúng mình không uổng phí ngày xuân,

Nhưng anh phải đành giậm chân tại chỗ.

 

Em đừng trách anh cố tình giả bộ

Đóng vai trò kẻ đau khổ ngày đêm,

Nên không thèm chịu ghé mắt nhìn xem

Để thấy được tấm lòng em rộng mở.

 

Em biết đó, qua hai lần đổ vỡ,

Anh bây giờ rất sợ chuyện hôn nhân.

Lửa tình yêu dù mãnh liệt vô ngần,

Khi chung sống sẽ dần dần tắt ngấm.

 

Hạnh phúc cũ đã mịt mù xa thẳm,

Anh một mình ngồi gặm nhấm cơn đau,

Thầm biết dù đi hết nửa đời sau,

Cũng sẽ chẳng tìm đâu ra lối thoát.

 

Cánh nhạn suýt vì cung tên bỏ xác,

Nên bây giờ vừa nhác thấy cây cong,

Đã khiếp hãi trong lòng,

Thân tê cóng như dầm trong giá lạnh.

 

Trong hai cuộc ly hôn đầy bất hạnh,

Trách nhiệm anh phải gánh cũng hơi nhiều,

Bởi thay vì lo vun xới tình yêu,

Lại theo đuổi rặt những điều phù phiếm.

 

Anh vốn biết thân anh đầy khuyết điểm,

Sống chung rồi, khó giấu giếm được lâu,

Mũi kim dù có gói kín đến đâu,

Sớm muộn cũng ló đầu ra khỏi bọc.

 

Thực tế đã dạy cho anh bài học

Rằng dẫu anh có khổ nhọc tìm cầu,

Kiếm được người cùng "sớm tối có nhau",

Tổ ấm cũng trước sau thành địa ngục.

 

Sông có khúc, và con người có lúc,

Nhưng đời anh lại vô phúc triền miên,

Nên dù cho gặp được kẻ ngoan hiền,

E cũng chỉ có duyên mà không nợ.

 

Anh chỉ sợ thêm một lần dang dở,

Cuộc đời mình sẽ day trở về đâu,

Hay đôi vai luôn trĩu nặng gánh sầu,

Lê lết giữa đáy vực sâu phiền lụy.

                       x

                   x      x

Em cho biết, em có người ngỏ ý,

Nhưng em bèn bí xị, quyết làm thinh.

Em bảo anh, em chỉ muốn chúng mình

Kiếp này phải tròn ba sinh duyên nợ.

 

Anh tần ngần lo sợ,

Nếu chẳng may mình nên vợ, thành chồng,

Cuối cùng chỉ luống công,

Lại sẽ phải chất chồng thêm oan trái.

 

Em yêu dấu, đừng đợi chờ anh mãi,

May mắn này không trở lại hoài đâu,

Em hãy lo đến hạnh phúc ngày sau,

Đừng xua đuổi những con tàu muốn cặp.

 

Anh tin chắc rồi đây em sẽ gặp

Người hơn anh, hơn gấp cả trăm lần,

Để cùng nhau bền chặt mối hôn nhân,

Và chung hưởng một mùa xuân bất diệt.

 

Riêng anh vẫn là con thuyền đơn chiếc,

Không bến về nên mải miết ngược xuôi,

Chuyện thề nguyền cùng hạnh phúc lứa đôi,

Từ lâu đã vuột trôi xa tầm với.

                    x

                x      x

Trăng mỏi mòn giăng lưới,

Lối chân khuya, vời vợi bóng mây sầu.

                  Trần Văn Lương

                     Cali, 2/2023


 Xin “Ai” Nghĩ Lại

 

                        (Trót đa mang chuyện đời

                        Tận chân trời góc bể!

                        Càng tuổi già bóng xế,

                        Càng dễ cảm thương vay!)

 

Đã có được Nàng bền lòng chờ đợi

Sao “Ai” kia còn bối rối, than thân

Đường chung đôi xanh ngát giấc mơ xuân

“Ai” dại thế, sao rụt chân, nhường chỗ?

 

Bao lần đã cùng thong dong tản bộ?

Bao uẩn tình từng thổ lộ trong đêm?

Bao áng văn thơ tâm đắc cùng xem?

Bao thiện chí khơi thêm đường lối mở?

 

Hiểu tâm hồn “Ai” mong manh rạn vỡ

Nàng kiên trì hỗ trợ ý trung nhân

Tình thiết tha đong đáy mắt trong ngần

Men mật ngọt ân cần, dần sẽ ngấm...

 

Đâu cần lánh lên núi cao rừng thẳm

Để nguôi quên quá khứ lắm thương đau?

Hạnh phúc trong tay, hưởng đến mai sau...

Sao chọn nẻo cơ cầu không lối thoát?

 

“Ai” chủ bại sẽ héo mòn thân xác

Quan điểm, tinh thần: lệch lạc, vênh cong

Diện mạo cũng như lòng

Đều ảm đạm: một trời đông buốt lạnh!

 

Còn sinh mạng là còn đầy phước hạnh

Sau hai phen gãy gánh khổ đau nhiều

Khiến con tim khô nhịp đập thương yêu

Và thần trí thành phiêu linh phù phiếm.

 

Đã nhận biết mình có nhiều khuyết điểm

Đáng lẽ chuyên tâm cải thiện từ lâu

Chứ giấu quanh nghĩ quẩn tận đâu đâu

Mầm bất hạnh vẫn lớn mau trong bọc.

 

Một kinh nghiệm đời: tặng bao bài học

Nào sự quan tâm, chăm sóc, tương cầu...

Nào tấm thủy chung dành trọn cho nhau...

Nào tránh chuyển địa cầu thành địa ngục...

 

Một chiếc lá giữa dòng đời lắm lúc

Bị nguồn cuồng lưu thôi thúc liên miên

Nhưng nay đã theo làn nước nhu hiền

Sao chối bỏ cả thiên duyên lẫn nợ?

 

Không thử thách, sao biết mình hay dở?

Không khởi đầu, cuối ngõ biết tìm đâu?

Thời gian qua: uổng phí giữa u sầu!

Thời gian tới: đầy lo âu khổ lụy?

                       x                                  

                   x      x                                          

Nàng, trái lại, đầy thành tâm thiện ý

Không thể cam lòng xuôi xị làm thinh

Để mặc “Ai” tự đầy đọa riêng mình

Tự chuốc lấy khổ hình quằn trĩu nợ.

 

Gạt phăng hết vẩn vơ lo sợ

Xua tan bao trăn trở chất chồng

Hạnh duyên này vun xới dày công

Cây hồng phúc sẽ đơm bông kết trái.

 

Lời nghịch lý xin “Ai” đừng nhắc mãi

Rõ là lời xúi dại, chẳng nghe đâu!

Nàng quyết vững lòng từ trước đến sau

Dửng dưng trước mấy “con tàu muốn cặp”.

 

Và ngay cả những “con tàu” sẽ gặp

Vỏ hào quang dù bắt mắt muôn lần

Nàng chỉ chọn “Ai” là ý trung nhân,

Là lẽ sống, là “mùa xuân bất diệt”.

 

Đời bất khả với đũa, giày một chiếc

“Thuyền” rẽ dòng oan nghiệt, hướng về xuôi,

Như đũa, giày muôn thuở bước song đôi

Mộng sum họp một đời: trong tầm với.

                    x                                                             

                x      x                                                         

Nắng nghiêng mình đan lưới

Vốn đa đoan chưa vợi ngấn thương vay.

            Ai-Cơ Hoàng-Thịnh

            Melbourne, 2/2023

2/14/23

Người Chăm tại Việt Nam

Nguyễn Văn Huy


Tìm hiểu lịch sử những cộng đồng dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là một bổ túc cần thiết cho mọi dự án xây dựng Việt Nam tương lai.
Qua tám bài viết, Nguyễn Văn Huy đã tóm lược lịch sử hình thành và tan rã của cựu vương quốc Chiêm Thành. Dân cư của cựu vương quốc này, cộng đồng người Chăm ngày nay là một trong 54 sắc dân cấu thành dân tộc Việt Nam.

Mục đích đầu tiên của những bài viết là để nhắc nhở công lao xây dựng và đóng góp của những người đã được sinh ra lớn lên trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một đất nước mới. Miền Trung mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18. Chúng ta đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai và chủng tộc. Tuy vậy tổ chức xã hội của Việt Nam lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của Việt Nam là văn hóa của người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và nhắm phục vụ cho người Kinh…

Có lẽ là quá trình mở nước và giữ nước khó khăn của cha ông đã không cho chúng ta có thời giờ và phương tiện để suy nghĩ một cách nghiêm túc về một chính sách cộng đồng, đây là một thiếu sót lớn cần phải khắc phục. Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng rộng lớn của đất nước là miền Thượng Du phía Bắc và miền Cao Nguyên Trung Phần có thể trở thành bất ổn và không phát triển được.

Các cộng đồng đều phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Chăm đã sống từ ngàn xưa dọc vùng duyên hải miền Trung, cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn trước luật pháp cũng như trong tình cảm dân tộc.

Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn mọi ý đồ đồng nhất hóa để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung. Định nghĩa này cũng là giấc mơ của mọi người Việt Nam.

Về nội dung các bài viết, đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc. Hơn 300 tài liệu (sử, sách, đặc san, biên khảo, biểu đồ, nghiên cứu cá nhân, biên bản hành trình… trong thư khố của các thư viện tại Pháp - Paris và Aix en Provence) đã được tham khảo. Vào cuối phần trình bày, một thư mục chi tiết sẽ được công bố để quí đọc giả có thể tìm đọc và truy cứu thêm.

Vì đây không phải là một luận án nên người viết cố tình không nêu dẫn chứng, vì sẽ quá dài và người đọc sẽ bị chi phối vào những chi tiết. Tuy nhiên, người viết lãnh nhận trách nhiệm về sự trung thực của bài viết cũng như những dẫn chứng lịch sử.

Chúc quí đọc giả những giờ tham khảo vui thú.

Nguyễn Văn Huy


Thuyền Thúng Vu Qui

Trần Quốc Bảo

Trời mưa bong bóng phập phồng,
Em đi lấy chồng, gặp tháng dầm mưa,
Mênh mông con nước… khổ chưa!
Ngày lành tháng tốt, vẫn đưa Dâu về…

Yêu nhau, lụt lội xá gì!
Em ngồi thuyền thúng, vu qui theo chồng.
Con đường ngập nước như sông,
Anh đi sau đẩy, bập bồng đu đưa.

Ơn Trời trút xuống như mưa,
Mênh mông con nước cũng thua Ái Tình!
Cần chi Hôn Lễ linh đình,
Chỉ cần Đám Cưới chúng mình hanh thông!


Cần chi pháo đỏ, rượu hồng,
Chỉ cần Hạnh phúc vợ chồng bền lâu!
Cần chi: rượu bánh cau trầu,
Một con thuyền thúng, rước Dâu trọn tình!

Chú Rể, đẹp trai thông minh,
Cô dâu, xinh thật là xinh, ai bì!
Yêu nhau, lụt lội xá gì!
Em ngồi thuyền thúng, vu qui theo chồng.

Trời mưa bong bóng phập phồng,
Em đi lấy chồng, gặp tháng dầm mưa,
Trời mưa… thì mặc Trời mưa!
Mênh mông con nước, vẫn thua Ái Tình!

2/12/23

Con Chuột Vải

Quý Thể
Một trong các thú vui của thời kì mới yêu nhau là buổi sáng đưa người yêu đi chợ. Tôi còn nhớ thời đó Hương thường nhờ tôi lấy xe máy chở nàng đi chợ. Về sau, khi đã thành vợ chồng, mấy năm đầu chúng tôi vẫn giữ được thói quen đáng yêu này. Mỗi khi đến chợ tôi thường tìm chỗ vắng chờ Hương. Khi mái tóc cắt ngắn trẻ trung, cổ cao như cổ thiên nga, tà áo hoa của nàng khuất vào đám đông, tôi mới quay ra nhìn thiên hạ. Một vài bóng hồng lướt qua cũng chỉ để cho tôi so sánh với vợ mình. Người xưa nói thực đúng "Trai khôn tìm vợ chợ đông" trong chợ không thiếu gì người đẹp, người đảm đang.

Tôi còn nhớ hôm đó chúng tôi đi chợ sớm hơn thường lệ, chợ còn thưa người. Hương vào chợ rồi, tôi tìm chỗ dựng xe đợi nàng. Tôi để ý tới một người đàn ông trạc tuổi tôi, trên dưới ba mươi. Hắn gầy, đen, áo quần tuy cũ nhưng được giặt ủi tươm tất. Vì sao tôi để ý đến hắn ta, tôi cũng không biết, hắn nhanh nhẹn và còn có cái gì khác thường . Hắn tìm một khỏang đất trống gần chợ, ngồi xuống, đặt cái thùng các-tông trước mặt. Hắn móc túi lấy cái khăn tay trải trên mặt thùng, tôi chẳng biết hắn làm gì ? Hắn chậm chạp và rất cẩn thận xếp cái khăn thành hình một con chuột. Con chuột có cái đầu nhỏ, hai tai nhọn, mình cuộn tròn. không có chân nhưng lại có cái đuôi dài là chéo khăn nhỏ ló ra. Hình như hắn ta cố ý xếp con chuột càng lâu càng tốt. Hắn chẳng nhìn chung quanh, nhưng tôi đã biết dụng ý của hắn. Một vài thằng bé đi ngang qua, tò mò nhìn, đứng lại xem. Nhiều thằng bé khác làm theo, chúng tự động xếp thành một vòng tròn. Rồi tới lượt những người lớn cũng làm như thế. Họ ngồi thành vòng tròn chung quanh hắn.

Khi đám đông đã nhiều, con chuột vải bắt đầu chuyển động, nó từ tay này nhảy sang tay kia, bò lên người hắn. Con chuột vải trông rất linh họat , nhanh nhẹn không thua chuột thực. Sau khi con chuột vải tung tăng đủ kiểu, hắn bắt đầu quảng cáo cho thứ thuốc gói trong giấy kính xanh đỏ như kẹo mà hắn gọi là thuốc giun thần kì.
Hôm đó nhà Hương có khách, nàng vào chợ rất lâu. May quá, nếu không nhờ con chuột vải chắc tôi phải khổ sở về chờ đợi nàng . Có lẽ trong số khán giả, tôi là người đứng xa nhưng chăm chú nhất. Đọan sau tôi sẽ nói vì sao tôi chú ý đến cái trò chơi trẻ con nầy. Trong đầu tôi vừa nẩy nở một sự so sánh, giữa hắn và tôi .

Số người vây quanh hắn ngày càng đông. Miệng hắn nói, tay trao thuốc, tay điều khiển con chuột, thế mà chú chuột vải vẫn linh họat nhảy nhót và không lần nào rơi xuống đất. Con chuột vải nhảy nhót liên miên chỉ khi con chuột nhảy gọn vào tay áo hắn mới là lúc nó được nghỉ ngơi và người chủ của nó cầm li nước mía giải khát trong cái nóng nung người. Lũ trẻ con chăm chú nhìn, không hẹn mà có lúc cùng cười ồ lên. Còn người lớn phần nhiều là người nhà quê đã bắt đầu bị mê hoặc bởi những lời nói khoa trương của hắn và sự linh họat của con chuột vải. Họ móc tiền ra mua những viên thuốc ghẻ, thuốc ho, thuốc nhức mỏi, thuốc điều kinh, bổ thận ...Hắn nói không ngừng, lưu lóat như nước chảy. Lúc này tôi trông thấy hắn mất đi cái vẻ trầm ngâm câm lặng lúc sáng . Nghề nghiệp có thể giúp con người thóat khỏi cái vỏ ốc thường ngày.

Hắn quảng cáo liên miên từ lọai thuốc này sang lọai thuốc khác, từ bệnh này chuyển sang bệnh kia. Hắn dạy người ta cách ăn ở hợp vệ sinh tránh bệnh tật. Hắn bày cách thở để được trường sinh bất lão, hắn làm như từ trước đến nay người ta chưa từng thở. Hắn dạy người ta cách đi đứng ăn uống, làm như người ta chưa biết ăn uống đi đứng. Rồi hắn nói về cái gọi là "tà khí" mà hắn nói đó là quan niệm về vi trùng của nền y học đông phương. Y học cổ truyền ngày xưa không có kính hiển vi, không thấy vi trùng nhưng người ta cũng đã quan niệm có những tác nhân gây bệnh, ấy là những con vật rất nhỏ, gọi là tà khí. Hắn nói về căn nguyên của mọi thứ bệnh trên đời là mất quân bình âm dương. Cuối cùng hắn nói phong thấp là bệnh của mọi thứ bệnh. Theo hắn thì phong thấp là thứ bệnh chạy lung tung. Nó chạy vào xương sống sinh ra chứng đau lưng và thế là con chuột vải đang từ bàn tay, nhảy lên cái lưng cong như lưng tôm của hắn. Bệnh phong thấp theo tà khí chui vô mũi làm cho sổ mũi, hắt hơi. Bệnh phong thấp chạy lên đầu sinh đau đầu như búa bổ. Con chuột vải từ lưng nhảy lên đỉnh đầu hắn. Bệnh phong thấp theo gió độc bay vào phổi sinh ho, ho lâu không chữa thành lao. Hắn giả vờ đấm ngực ho lên mấy tiếng, con chuột từ từ bò lên ngực. Con chuột vải bò xuống bụng theo dấu chân của bệnh no hơi, ợ chua. Con chuột vải nhảy lên vai theo chân bệnh nhức mỏi hai vai. Con chuột thực là một trợ thủ đắc lực cho chủ nó. Cặp nghệ sĩ người chuột ngày diễn với nhau thực ăn ý tài tình. Tôi nghĩ hắn cũng đang có cuộc sống sung túc dễ chịu.

Tôi bắt đầu chiêm nghiệm về cuộc đời. Cuộc sống đâu có khó khăn như người ta tưởng. Chỉ với một con chuột vải người ta vẫn sống được cuộc sống ung dung. Đứng với hắn một lúc tôi thấy số tiền hắn làm ra không ít. Không cần biết thuốc hắn bán ra có công hiêu như hắn quảng cáo hay không? Nội việc hắn gây được những nụ cười của mấy đứa bé con, và niềm tin nơi những người nhà quê là những đóng góp của hắn cho đời cũng đủ rồi.

Còn tôi được chuẩn bị để vào đời thật kĩ lưỡng tốn kém. Cha mẹ tôi đã bán hơn hai mươi mẫu ruộng cho tôi ăn học trong hai mươi năm ở trong nuớc và ngòai nước để lấy cái bằng bác sĩ. Tôi còn thừa hưởng được bao nhiêu thuận lợi từ gia đình tôi, một gia đình nổi tiếng trong giới thượng lưu trí thức, quen thân nhiều người có vai vế trong xã hội. Còn gia đình vợ tôi, một gia đình giàu có mà phần hồi môn cho nàng là cả một ngôi biệt thự. Thế mà khi vào đời tôi còn phân vân không biết mình có thành công hay không ? Hôm nay thấy người kia vào đời chỉ với một con chuột vải mà anh ta vẫn tự tin, sống được và sống rất ung dung, thực là tấm gương sáng cho tôi. Tôi kết luận, cuộc đời này dễ dàng hào phóng biết bao ! Cuộc đời dang rộng cánh tay chào đón tất cả mọi người đến với nó.

Nắng lên cao, đám đông đã tản đi. Tôi thấy hắn tỏ vẻ mệt nhọc . Chỉ còn vài đứa bé bụng ỏng ngồi lại xem hắn đếm tiền. Con chuột vải đang ngon giấc giữa đám chai lọ ngổn ngang. Từ xa, một cô gái trẻ đẹp đi lại. Thấy cô gái mắt hắn sáng lên, vẻ mệt nhọc của cả một buổi mai hò hét trong nắng biến đi. Cô gái đi tới, cô đứng nhìn hắn với cái vẻ lạnh lùng đợi chờ. Hắn trao cho cô gái tất cả số tiền kiếm được. Cô gái đưa cái ví nhỏ thêu kim tuyến, hắn cho tiền vào, mấy đồng lẻ cô đưa trả lại hắn. Nàng nhìn chung quanh, làm như người bàng quan, trông cho nhanh rời khỏi nơi đây. Hắn nhìn cô, nói một câu, cô gái nhíu mày, bỏ đi vào chợ. Hắn nhìn theo với ánh mắt vô cùng trìu mến. Tôi chắc cô gái là vợ, cái vẻ của cô giống vợ, hơn là người tình, còn hắn rất giống anh chồng chiều cô vợ trẻ cưng của mình .
Nhờ chở Hương đi chợ mà tôi gặp hắn quanh năm. Lần nào cũng thế, sau buổi diễn có cô gái đến, hắn trao tiền, nàng bỏ đi. Cặp vợ chồng này hình như chưa có con. Tôi thấy cô gái không có cái vẻ gì là đã làm mẹ.

Quả thực cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng với hắn. Như tôi tưởng. Tôi chứng kiến có lần hắn mới đặt cái thùng xuống, trải chiếc khăn tay toan thắt con chuột thì có tên cảnh sát bụng to đến . Hắn năn nỉ, tên cảnh sát tung chân đá cái thùng . Bao nhiêu chai lọ thuốc men tung tóe. Hắn lồm cồm lượm lên, nhẫn nhục chịu đựng. Ngày hôm đó quả là một ngày xấu đối với hắn. Cô gái đến, hắn phân trần, cô không nghe , vùng vằng bỏ đi. Hắn đứng yên nhìn theo cái lưng của người yêu biểu lộ sự bất bình. Hắn ngồi trầm ngâm một lúc rồi thu dọn về.

Tiếp theo là những ngày mưa. Hắn co ro ngồi dưới mái hiên, ôm khư khư cái thùng trước ngực. Con chuột vải chắc cũng ngủ vùi giữa đống thuốc men. Ngày mưa thì làm sao diễn trò, làm sao có tiền để bỏ vào cái ví của cô gái? Năm đó mùa mưa kéo dài lê thê, cả khu chợ hóa thành vũng bùn lầy. Hết mưa lại rét, thực là một năm khó khăn cho người làm nghề như hắn. Gần tết trời mới chịu sáng ra, khô và ấm, người đi chợ nhiều dần lên. Con chuột vải được dịp tung tăng sau một mùa đông khắc nghiệt. Hắn tiều tụy hơn trước, mùa xuân đến hắn có tươi ra phần nào. Hắn lại ngồi giữa cái vòng tròn trẻ con và những người nhà quê vây quanh, miệng không ngớt :" Ông Hai bên này mua một chai. Chị Ba bên kía hai gói..." Sự thật vào đúng giây phút đó chẳng có ông Hai bà Ba nào. Cuối buổi cô gái đẹp lại xuất hiện, hắn trao tất cả, nhìn theo, tận hưởng niềm vui không để sót giọt nào.

Ngày vui chóng qua. Một hôm có gánh hát Sơn Đông mãi võ đến biểu diễn, bán thuốc. Đây là một gánh hát lớn với nhiều trò hấp dẫn. Chúng chiếm một khỏang đất rộng để thi số tài năng. Chúng biểu diễn võ thuật, đập gạch lên đầu, đâm giáo vào cổ, rồi dùng thuốc của họ bôi lên. Lối quảng cáo đầy ấn tượng, hơn hẳn con chuột vải. Hắn ngồi một mình, không có ai đến xem, trẻ con cũng đã bị bọn kia thu hút cả rồi. Lần đó cô gái đến, cô đứng xa nhìn dáng thiểu não của hắn rồi bỏ đi.

Tôi chứng kiến từ đầu vở bi kịch này. Tôi thầm lo sợ điều khác tệ hại hơn cho hắn. Quả không sai, mấy ngày sau không thấy hắn ra chợ, nghe nói cô gái đẹp đã bỏ hắn đi theo một thằng trong bọn mãi võ kia rồi. Một tuần sau hắn mới trở lại, lần này cặp người và chuột đều ủ rũ nặng nề. Cuối buổi diễn, như thói quen hắn lượm lặt những đồng bạc cũ vuốt ve cho thẳng lại, xếp lại một chồng, dáo dát nhìn quanh, đợi chờ...Cuối cùng hắn đứng lên thất thểu như kẻ không hồn , cô đơn giữa chốn đông người.

Mấy năm sau tôi không còn sống ở Nha Trang nữa. Câu chuyện người và chuột này không còn làm bận tâm tôi nữa.Trong thời gian đó đời tôi biến chuyển cũng nhiều. Mặc dù tôi được trang bị đủ thứ để vào đời mà còn gặp nhiều khó khăn. Tôi thấy hắn thực tội nghiệp, chỉ với một con chuột thắt bằng cái khăn mù-soa mà hắn vẫn phấn đấu để tồn tại với đời thực là tài.

Gần tết năm đó tôi có dịp trở lại Nha Trang. Lúc này vợ chồng tôi đã có bốn con. Chúng tôi được dịp sống lại với kỉ niệm xưa thời kì mới yêu nhau. Tôi rủ Hương đi chợ. Chúng tôi thấy lại hắn, tôi vô cùng kinh ngạc và xót xa, hắn đã già đi rất nhiều . Tóc bạc ra, những ngón tay không còn lanh lẹ nữa . Cái thùng các-tông năm xưa mòn vẹt đi, con chuột vải bẩn thỉu, chậm chạp. Cảnh cũ tái diễn nhưng buồn bã hơn xưa nhiều lắm, cũng chỉ mấy đứa trẻ với những người nhà quê. Tôi không hiểu vì sao hắn chẳng chịu đổi nghề? Chỉ với con chuột vải và những trò thô sơ làm sao cạnh tranh nổi với cuộc đời thay đổi từng ngày này. Cái gì khiến hắn không bỏ nghề ? nghiệp chướng hay tình yêu? Cuộc hội ngộ khiến cho lần trở lại Nha Trang không vui.

Mấy năm sau tôi đổi về làm việc tại bệnh viện Banmêthuột. Thành phố này vào thời kì đó còn rất hoang sơ. Quanh đi quẩn lại chỉ có mấy con đường. Còn rừng bạt ngàn chực tràn vào thành phố. Buổi sáng sương như mây bay vào tận phòng ngủ. Trong làn sương trắng đục như nước vò gạo đó từng đòan người Thượng nối đuôi nhau xuống phố. Những người phụ nữ ngực trần gùi rau quả, những đứa bé và những con chó chạy theo. Gia đình tôi sống trong ngôi biệt thự rất đẹp nằm trên đồi cao, chung quanh hoa không trồng mà vẫn nở rộ. Mấy củ thược dược mùa trước nằm trong đất chờ mưa xuống đội đất trồi lên nở ra những hoa đại đóa đủ màu. Hoa bướm, hoa phấn thi nhau khoe sắc . Vườn nhà tôi là cả một rừng hoa. Con đường vào nhà phải vạch hoa ra mà đi. Gia đình tôi trong thời kì này là hạnh phúc hơn cả.

Mùa giáng sinh năm đó rét như cắt. Chiều lại cả nhà đi dự lễ ở nhà thờ lớn. Vợ chồng con cái ai cũng mặc hai ba lớp áo ấm, ngồi trong ô tô quay kính lên mà vẫn còn rét. Khi trở về phải đốt lò sưởi. Vợ tôi và Bội Hòan lo bữa ăn nửa đêm. Phước Hải, Phước Cường lo trang hòang nhà cửa. Duệ Hài ngồi trước dương cầm đánh bài " Đêm thánh vô cùng". Chuông điện thọai reo, con tôi nghe, quay lại nói :
- Bệnh viện mời ba đến gấp, có người bị nạn.
Tôi tới nơi thì nạn nhân đã được đưa vào phòng cấp cứu. Hắn bị cóng . Tôi rọi ngọn đèn sáng cho hắn ấm lên. Mạch nơi cổ tay hắn mong manh như tiếng gõ cửa của tử thần. Tôi truyền dịch cho hắn nhưng không làm sao tìm được mạch máu. Tôi lấy dao mổ rạch một đường dài nơi cổ chân. Lưỡi dao tới đâu hai thớ thịt nhợt nhạt tách ra tới đó, không một giọt máu. Tĩnh mạch hắn chạy ngoằn ngòeo như sợi chỉ màu tím . Tôi châm kim vào cũng chẳng rút ra được tí máu nào. Như thế nửa thân hình bên dưới của hắn máu đã dông, nghĩa là đã chết, thế mà miệng vẫn mê sảng không ngớt la lên"Ông Hai bên nầy một chai. Bà Ba bên kia hai gói..." Tôi nhớ đã nghe câu nầy ở đâu...

Lúc này tôi mới quan sát nạn nhân . Đó là người đàn ông trạc năm mươi, tồi tàn rách rưới như đồ ăn xin.. Tôi không còn cách gì cứu hắn. Trước khi chết bọt từ miệng hắn trào ra. Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề cho tôi biết, không cần giải phẫu tử thi cũng biết cái dạ dày hắn trống trơn. Hắn chết đói ! Cái đói và cái rét kinh khủng đã giết chết hắn. Tôi nhớ lại buổi chiều hôm đó rét như thế nào. Cả nhà tôi áo quần ấm ngồi trong xe còn chịu không nổi, còn hắn thì với mớ giẻ rách trên người và cái bụng không một hột cơm. Tôi thở dài, buông dao mổ, rửa tay trở về cho kịp đón lễ nửa đêm .
Hôm sau và hôm sau nữa tôi quên mất con người bất hạnh kia. Tới ngày thứ ba tôi đi một vòng chung quanh bệnh viện thấy người lao công ngồi trước nhà xác. Tôi dừng lại, anh ta đứng lên kính cẩn chào. Tôi hỏi :
- Canh gác gì nơi đây ?
- Thưa có cái xác của người chết trong đêm giáng sinh.

Tôi bảo mở cửa nhà xác. Khi hai cánh cửa lớn mới hé ra thì chuột túa ra chạy tứ tung. Cái xác nằm co quắp trên nền xi măng. Mùa này trời rét lắm nên ba ngày qua xác người vẫn không hư.
Người lao công than :
- Bệnh viện mình lúc này chuột nhiều quá. Hôm trước có người đàn bà Thượng sinh khó chết, mới cho vào nhà xác, quay đi quay lại chuột đã khóet hai con mắt. Mà cũng lạ thực .
- Cái gì lạ ?
- Người đàn ông chết đêm giáng sinh . Lũ chuột dữ như tinh ở đây lại không dám đả động tới cái xác. Tôi ngồi nhìn qua khe cửa thấy chuột kéo tới từng bầy, chúng bò lên xác, bò qua lại, quấn qúit một hồi mới chịu bỏ đi. Chắc lão ta là "vua chuột" !
Tôi hỏi :
- Thân nhân của lão ta đâu ?
- Thưa ba ngày rồi không thấy ai
- Lão ta có giấy tờ gì không ?
- Không
- Trong người hắn có cất dấu cái gì không ?
- Thưa không, à mà quên , dạ có ...
- Cái gì ?
- Một con chuột thắt bằng cái khăn tay !
Tôi lạnh cả người. Phải rồi hèn gì lại có câu:" Ông Hai bà Ba..." Tôi lật lão lên nhìn kĩ , đúng là hắn. Người lao công khép cửa . Tôi dặn anh ta:
- Thôi, không chờ đợi thân nhân nữa, lấy vải với hòm của bệnh viện khâm liệm cho tử tế rồi đem chôn .
Tôi tính bỏ đi, chợt nhớ , quay lại nói :
- Nhớ bỏ con chuột vải vào áo quan cho lão ./.