Nhà nữ toán học hàng đầu thế giới, Maryam Mirzakhani. (Ảnh: Alchetron)
Maryam Mirzakhani, người phụ nữ đầu tiên đạt giải toán học danh giá nhất thế giới, mới mất hôm thứ Bảy (15/7) sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư.
Cô là giáo sư của Đại học Stanford ở bang California. Là người gốc Iran, Maryam năm nay mới 40 tuổi. Cô bị mất vì ung thư vú, sau 4 năm chống chọi với bệnh tật.
Năm 2014, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải thưởng Fileds, giải danh giá nhất trong lĩnh vực toán học, tương đương với giải thưởng Nobel. Tất cả 52 người đạt giải Fields từ trước đến nay đều là nam giới.
Chủ tịch Đại học Stanford, ông Marc Tessier-Lavigne, nói: “Maryam đã ra đi quá sớm, nhưng ảnh hưởng của cô sẽ sống mãi với hàng ngàn phụ nữ mà cô đã truyền cảm hứng để theo đuổi toán học và khoa học”, theo CNN.
Toán học đã cuốn hút Maryam khi cô học trường cấp 3 ở thủ đô Tehran của Iran. Sau đó cô được thế giới chú ý khi đạt huy chương vàng trong 2 kỳ thi Olympiad Toán học Quốc tế, trong đó có một lần đạt điểm tuyệt đối.
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Iran, cô sang Mỹ học tiến sỹ ở Đại học Harvard. Cô từng là phó giáo sư tại Đại học Princeton trước khi chuyển đến Stanford.
Maryam từng mô tả công việc của cô như “bị lạc giữa rừng và cố sử dụng tất cả kiến thức có thể để nghĩ ra một số thủ thuật mới và với một chút may mắn để tìm được đường ra”, theo Guardian.
Tổng thống Iran chia buồn trên Twitter: “Maryam Mirzakhani là một nhà khoa học sáng tạo và một người duyên dáng, người đã đưa tên tuổi Iran đến cộng đồng khoa học toàn cầu. Mong cô yên nghỉ!”.
Thanh Long (nguồn :Đại Kỷ Nguyên)