Showing posts with label Y khoa-Sức khỏe. Show all posts
Showing posts with label Y khoa-Sức khỏe. Show all posts

6/3/23

16 LỢI ÍCH CỰC QUÝ CỦA HẠT CÀ-RI (FENUGREEK SEED).

Hôm nay một nữ thân hữu ở Tiểu Bang Texas gửi thư nhờ giải thích: "Tôi 59 tuổi hiện có 4 chứng bệnh mà người cao tuổi thường nói "3 cao 1 thấp" (cao máu, cao mỡ, tiểu đường, phong thấp) đã uống thuốc Tây hơn 3 năm nhưng không thấy khỏe. Gần đây lại còn thêm chứng xốp xương. Bác Sĩ gia đình người Ấn Độ viết ra miếng giấy nhỏ bảo tôi tìm mua Fenugreek seed làm trà uống sẽ tốt cho tôi. Xin hỏi fenugreek seed là thuốc gì? Có lợi gì cho sức khỏe?"... Thấy câu hỏi hay xin chia sẻ chung trên diễn đàn để các bạn biết thêm một món "thuốc" quý ít khi được nói tới.


-Tên gọi: Hạt cà-ri, còn có tên cỏ cà-ri hay Hồ-lô-ba (fenugreek seed), tên khoa học Trigonella foenum-graecum, thuộc họ Fabaceae, có nguồn gốc ở khu vực Địa Trung Hải, đặc biệt tại Ấn Độ. Hạt cà-ri đã được Y học cổ truyền Ấn Hồi dùng làm thuốc trị bệnh từ hơn 2,000 năm trước Công Nguyên trong khi người dân địa phương lại thường chế thành trà để uống hay nghiền bột làm gia vị ướp thực phẩm rất ngon.

-Thành phần hóa học: Theo phân tích của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong 100g hạt cà-ri (Fenugreek seed) có chứa: 323 Calories, 23g Protein, 0.4g Fat, 58.4g Carbohydrate, 176mg Calcium, 1.11mg Copper, 33.53mg Iron, 191mg Magnesium, 1.23mg Manganese, 296mg Phosphorus, 770mg Potassium, 1.64mg Niacin, 60IU Vitamin A, 0.6mg Vitamin B6, 3mg Vitamin C và nhiều thành phần sinh hóa hữu ích khác.

-Giá trị thực dưỡng:
Hạt cỏ cà-ri đúng là một loại thảo dược thiên nhiên quý giá do giàu chất chống oxy hóa, có đặc tính chống viêm, giảm đường huyết, hạ cholesterol huyết, nâng cao sức khỏe nhờ chứa nhiều thành phần vitamin, chất khoáng có ích cho sức khỏe. Sau đây là 16 lợi ích đã được các nhà khoa học xác nhận:

1. Chống Tiểu đường (Anti-diabetic):
Nếu ai đó đang tìm kiếm một loại trà có thể giúp cân bằng lượng đường trong máu thì trà cỏ cà ri là một lựa chọn tốt. Acid amin 4-hydroxy isoleucine trong hạt cà-ri có tác dụng kích hoạt tiết xuất insulin, đồng thới có năng lực làm giảm tình trạng kháng insulin và cải thiện khả năng dung nạp glucose. Đây là ưu điểm hiếm có giúp điều chỉnh và cân bằng đường huyết.

2. Chống viêm (Anti-iflammitory):
Nếu đang tìm kiếm một loại trà thảo dược có lợi ích chống viêm thì trà cỏ cà ri là một lựa chọn tuyệt vời. Nó rất giàu chất chống oxy hóa và các hợp chất có tác dụng chống viêm. Một số nghiên cứu cho thấy uống loại trà này giúp giảm viêm nội tạng, bao gồm cả hệ tiêu hóa, phổi và khớp xương. Uống thường xuyên là cách tận hưởng những lợi ích chống viêm hiệu quả không thể ngờ.

3. Giảm cholesterol (Lowers cholesterol):
Trà cỏ cà ri giúp làm giảm mức cholesterol trong máu nhờ có chứa hợp chất galactomannan. Hợp chất này đã được chứng minh là có khả năng liên kết với acid mật và làm giảm mức cholesterol trong máu.
Một nghiên cứu mới đây chứng minh 880 người thường uống trà hạt cà-ri trong 3 tháng, kết quả 97% mức cholesterol LDL (có hại) thấp và mức cholesterol HDL (có lợi) cao hơn mức trung bình. Nghiên cứu cho biết kết quả này có ý nghĩa quan trọng, giúp những người mắc bệnh tim mạch giảm nguy cơ đột tử.

4. Điều hòa huyết áp (Regulate blood pressure):
Trước Công Nguyên, hạt cà ri từng được hằng triệu người dân Ấn-Hồi sử dụng, nhất là lãnh vực y học cổ truyền, nhằm điều trị nhiều chứng bệnh bên trong cơ thể. Kinh nghiệm lâm sàng ghi nhận nó giúp làm giảm huyết áp và nhiều lợi ích khác về tim mạch.
Hạt cà ri rất giàu chất chống oxy hóa và amino acid, có lợi cho tim mạch. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tim khỏi tác hại của các gốc tự do, trong khi amino acid giúp giảm viêm và cải thiện lưu lượng máu. Chỉ cần ngâm một thìa cà phê hạt cà ri trong nước sôi độ 10 phút là có món trà thực dưỡng.

5. Hỗ trợ tiêu hóa (Aids in digestion):
Trà hạt cà ri rất hữu ích trong việc hỗ trợ tiêu hóa nhờ chứa hàm lượng chất xơ cao. Khi hạt được ngâm nước chúng tạo ra một chất giống như gel giúp bao phủ dạ dày và ruột làm dịu chứng viêm. Loại gel này còn giúp chuyển thức ăn qua hệ thống tiêu hóa nhịp nhàng hơn nên bớt chứng đầy hơi.

6. Tăng ham muốn tình dục (Boost Libido):
Nghiên cứu cho rằng các hóa chất trong hạt cà ri, chẳng hạn saponin, bắt chước tác dụng của testosterone trong cơ thể. Testosterone là điều tốt cần cho việc ham muốn tình dục. Uống trà hạt cà ri làm tăng ham muốn tình dục bởi tăng mức testosterone.

7. Tốt cho da (Good for skin health):
Trà hạt cà ri có truyền thống lâu đời giúp cho sức khỏe và sắc đẹp, bao gồm cả về da. Qua thực nghiệm, thấy nhiều bằng chứng khoa học chứng minh hạt cà ri giúp sức khỏe cho da nhờ rất giàu chất xơ, khoáng chất và vitamin có lợi cho da.

8. Tốt cho tóc (Good for hair growth):
Trà hạt cà ri không chỉ tốt cho sự phát triển của tóc mà còn giúp cải thiện sức khỏe của da đầu. Thức uống bổ dưỡng này giàu chất chống oxy hóa và vitamin giúp giữ cho nang tóc chắc khỏe. Nó còn kích thích lưu thông máu đến da đầu, gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của tóc.

9. Tăng cường hiệu suất tập thể dục (Enhance exercise performance):
Một nghiên cứu mới cho thấy hạt cà ri có tác dụng cải thiện hiệu suất chạy bộ nhờ làm tăng nội lực và sức mạnh cơ bắp ở người trưởng thành. Thành phần hoạt tính trong trà chính là chất galactomannan, một loại chất xơ hòa tan nhưng rất an toàn.

10. Có lợi cho bệnh viêm khớp (Benefit of arthritis disease):
Trong y học cổ truyền Ấn Độ, hạt cà ri dùng để điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có chống viêm, giúp giảm đau khá hiệu quả khi bị viêm khớp nhờ chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, có đặc tính chống viêm.

11. Thúc đẩy tăng sữa ở các bà mẹ cho con bú (Promotes milk flow in Lactating mothers):
Trà hạt cà ri từng được y học cổ truyền vùng Trung Đông & Ấn Độ sử dụng qua nhiều thế kỷ, giúp các bà mẹ cho con bú tăng nguồn sữa nhờ galactagogue, chất có tác dụng thúc đẩy sản xuất sữa. Nghiên cứu chỉ ra rằng uống trà hạt cà ri làm tăng sản lượng sữa ở các bà mẹ đang cho con bú lên tới 500% nhờ tác dụng kích thích tuyến yên là tuyến kiểm soát việc sản xuất sữa phối hợp với chất hoạt động như hormone prolactin chịu trách nhiệm sản xuất sữa. Khi các hợp chất này vào máu, chúng báo hiệu cho tuyến yên tiết ra nhiều prolactin sau đó kích thích các tuyến vú sản xuất nhiều sữa hơn.

12. Giúp giảm cân (Helps with weight loss):
Muốn tìm kiếm một liệu pháp giảm cân an toàn và tự nhiên thì trà hạt cà ri là câu trả lời đáng tin cậy. Nó rất giàu chất xơ, giúp người muốn giảm cân cảm thấy no lâu hơn và giảm luôn cảm giác thèm ăn mà không thấy mệt hay yếu sức.

13. Hỗ trợ điều trị rối loạn ăn uống (Help treat eating disorders):
Trà hạt cà ri đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị chứng rối loạn ăn uống, còn điều chỉnh đường huyết giúp những người thường có lượng đường trong máu không ổn định.

14.Tốt cho sức khỏe phụ nữ (Good for women’s health):
Trà hạt cà ri rất tốt cho sức khỏe phụ nữ nhờ rất giàu phytoestrogen, hợp chất có nguồn gốc từ thực vật nhưng có tính năng như nội tiết tố estrogen trong cơ thể. Hạt cà ri còn giúp cải thiện mật độ xương, làm giảm chứng loãng xương ở những phụ nữ sinh đẻ nhiều hoặc sau thời kỳ mãn kinh.

15. Giảm các triệu chứng mãn kinh (Reduce menopause symptoms):
Từ lâu trà hạt cà ri được xem như một phương thuốc dân gian làm giảm các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ như bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm. Nó cũng có hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm và lo lắng liên quan đến thời kỳ mãn kinh.

16. Phòng chống ung thư (Cancer prevention):
Nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa và những hợp chất có hoạt tính sinh học mạnh như nhóm thực vật flavonoid và phenol, hạt cà ri có đặc tính chống ung thư hiệu quả. Một số nghiên cứu phát hiện rằng hạt cà ri có tác động tích cực đến việc ức chế và điều trị tế bào ung thư vú.

Đông Y Sĩ Cảnh Thiên

3/16/23

« Hóa chất vĩnh cửu » PFAS : Mối đe dọa hóa học lớn nhất cho loài người trong thế kỷ XXI ?

Nghe:

5 nước châu Âu - Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển - hôm 13/01/2023 đề xuất với Cơ quan quản lý hóa chất châu Âu về việc cấm sử dụng PFAS. Đến ngày 07/02, Liên Âu đã bắt đầu xem xét đề xuất cấm PFAS,  hóa chất « vĩnh cửu », với rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp và đời sống, nhưng cũng có nhiều tác hại tới môi trường và sức khỏe con người. Nếu được thông qua, đây được xem như quy định lớn nhất của ngành công nghiệp hóa học châu Âu.
 
Các nhà nghiên cứu phân tích một mẫu nước để tìm chất PFAS, ngày 14/02/2023, tại Trung tâm Giải pháp Môi trường và Ứng phó Khẩn cấp, thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ ở thành phố Cincinnati, bang Ohio. AP - Joshua A. Bickel

Nhìn sang Mỹ, tập đoàn hóa chất 3M tháng 12/2022 cũng đã thông báo sẽ muộn nhất đến năm 2025 sẽ ngưng sản xuất PFAS. Để hiểu thêm về « hóa chất » được xem là « vĩnh cửu » và đang bị phản đối nhiều, RFI Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. về hóa học Phạm Quốc Nghị, Đại học Paris-Saclay của Pháp.

RFI : Xin chào PGS.TS. Phạm Quốc Nghị, anh có thể cho thính giả, độc giả của đài biết chất PFAS cụ thể là gì ? Đâu là các đặc tính của chất này ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Có thể hiểu đơn giản các chất PFAS là các hợp chất hữu cơ có đặc điểm chung là được cấu thành bởi Carbon và Fluor. Cần nhấn mạnh đây hoàn toàn là những chất tổng hợp bởi con người chứ không tồn tại sẵn có trong tự nhiên. Theo tổ chức OECD thì có khoảng trên 4.700 chất khác nhau thỏa mãn điều kiện để được gọi là PFAS. Tuy nhiên, theo quan điểm hóa học mà nói thì có tới trên 6 triệu hợp chất phù hợp với định nghĩa này.

Khi đề cập đến đặc tính của các hợp chất PFAS, chúng ta có thể nhớ đến các nguyên tử cấu thành đặc trưng là F, biểu tượng của Fluor và C, Carbon, và khi ghép 2 chữ cái này, chúng ta có từ “Forever Chemicals”, nghĩa là các chất vĩnh cửu. Cách dùng chữ này có thể giải thích trên quan điểm hóa học, theo đó các liên kết giữa C và F thuộc nhóm liên kết bền và khó có thể phá hủy nhất. Các chất PFAS không thể hòa tan được trong hầu hết các dung môi hữu cơ, vô cơ như axit, bazơ… Trong điều kiện tự nhiên trên bề mặt Trái đất, nhiều chất PFAS này có thể tồn tại hàng nghìn năm không bị biến đổi.


RFI : Với những đặc tính đó, đâu là những ứng dụng phổ biến của PFAS ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Với đặc tính bền với nhiệt độ và tác động cơ học và các môi trường hóa học như axit, bazơ, nên các chất PFAS được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công nghiệp. Các hợp chất này hoàn toan do tổng hợp và được đưa vào sử dụng từ khoảng những năm 1940, thời gian có thể nói là quá ngắn so với các chất có nguồn gốc tự nhiên mà chúng ta biết, nhưng mức độ sử dụng thì rất rộng rãi.

Chúng ta có thể kể đến một vài ví dụ cụ thể, thứ nhất là chảo chống dính. Các chảo chống dính thường dùng đến hợp chất gọi là Teflon. Đây là hợp chất polymer rất bền và chịu được nhiệt. Ngoài ra, hợp chất Teflon còn được sử dụng làm băng dính cách điện và chịu nhiệt. Lĩnh vực thứ hai là ngành công nghiệp bao bì, đóng gói thực phẩm công nghiệp, ví dụ đóng gói thức ăn nhanh, khiến bao bì vẫn bền khi dính nước hoặc các loại mỡ, thuận tiện cho việc vận chuyển và mang theo đồ ăn. Ngoài ra, có thể kể đến bọt chữa cháy, cứu hỏa. Đây chỉ là một vài ví dụ, còn có rất, rất nhiều ví dụ khác.

RFI : Thời gian gần đây, báo chí Pháp và châu Âu nói nhiều đến tác hại của PFAS. Anh có thể giải thích thêm về tác hại của hợp chất này đối với môi trường, sức khỏe con người ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Trước tiên, về môi trường, vì các chất PFAS rất bền và khó bị phân hủy. Vì vậy, một khi bị đưa vào tự nhiên rồi thì các chất này sẽ thấm vào đất và các mạch nước nguồn, lan theo gió … Chính vì thế, các chất này có mặt ở gần như khắp mọi nơi trên Trái đất, thậm chí có những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng có chất PFAS ở tận Bắc cực.

Chúng ta có thể tượng tượng đơn giản là khi rửa chảo chống dính đã qua sử dụng, sẽ có những các hạt nhỏ Teflon như tôi đã nói ở trên thoát ra và bị cuốn vào nguồn nước thải. Các quy trình xử lý nước hiện nay, bao gồm cả ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, cũng chưa xử lý được các hạt nhỏ PFAS này và nó sẽ phân tán vào môi trường. Hoặc như khi lính cứu hỏa phun các loại bọt chống cháy, sẽ có những chất họ PFAS bị phân tán vào không khí, nước …

Theo 1 nghiên cứu năm 2018 của nhóm nghiên cứu ở Mỹ, các chất họ PFAS có ở trong máu của trên 98% người Mỹ. Theo 1 nghiên cứu khác của các trung tâm kiểm tra và phòng chống bệnh của Mỹ, trong các kết quả xét nghiệm máu của 10.000 người được thực hiện vào khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2014 (trên 11 năm) thì có 5 chất PFAS được tìm thấy trong máu của trên 70% người được thử máu. Đây chỉ là 5 chất mà người ta nghiên cứu. Có thể còn có nhiều chất PFAS khác mà người ta chưa tìm thấy.

Một điều rất đáng lưu ý là chất PFAS khi vào cơ thể con người thì rất khó bị loại thải, bởi vì không như một số chất khác được thải loại qua gan hoặc một số quy trình khác, các chất PFAS có thể tồn tại trong cơ thể tới nhiều tháng.

Theo Cơ quan quốc gia về an toàn thực phẩm, môi trường và lao động của Pháp, ANSES, các thực phẩm có nguồn gốc từ biển thường chứa một lượng lớn các chất PFAS so với các nguồn thực phẩm khác, đặc biệt là các động vật giáp xác như tôm, cua, ốc ... và các loài thân mềm. Cũng theo tổ chức này, các chất PFAS làm tăng hàm lượng mỡ máu (cholestérol), gây bệnh ung thư và ảnh hưởng đển sự phát triển của bào thai. Đặc biệt là theo 1 báo cáo năm 2020 của Tổ chức An toàn Thực phẩm châu Âu thì các chất PFAS có thể gây ra sự suy giảm với phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với tiêm chủng.

Ở vùng quanh sông Rhone, phía nam thành phố Lyon, nước Pháp, có nhiều nhà máy công nghiệp hóa chất, như Arkema và Daikin. Hệ quả là các nguồn nước bị ô nhiễm chất PFAS. Báo chí Pháp gần đây đã loan báo các kết quả nghiên cứu theo đó hàm lượng PFAS trong trứng gà nuôi ở các làng Oullins et Piere-Bénite, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, cao hơn 16 lần ngưỡng cho phép. Chính quyền vùng khuyến cáo người dân ở đây không tiêu thụ trứng và thịt gia cầm trước khi có các nghiên cứu cụ thể hơn.Các nhà khoa học lý giải bằng giả thuyết đất bị ô nhiễm và khi gà nuôi trong các trang trại tư nhân ăn thức ăn trên đất thì sẽ bị nhiễm theo. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra sự có mặt của các chất PFAS trong cá sống ở quanh vùng này. Theo chính quyền vùng thì nhà máy Arkema thải trực tiếp nước thải có chứa PFAS vào sông Rhone. Điều này gây ảnh hưởng đến các nguồn nước sinh hoạt ở vùng này.

RFI : Vậy theo anh làm thế nào để có thể hạn chế các tác hại của PFAS đối với môi trường và đặc biệt là đối với sức khỏe con người ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Câu trả lời là những vấn đề này cần được xử lý ở cấp cao nhất có thể, cấp chính phủ, quốc gia và thậm chí là cấp châu Âu, thế giới. Như tôi đã nói thì PFAS có mặt ở khắp mọi nơi. Con người, với những sinh hoạt bình thường, thì rất khó có thể tránh được việc bị ô nhiễm. Dù có ý thức hay không có ý thức, thì theo một nghiên cứu của Pháp trên rất nhiều cá thể, trong mẫu máu của gần như 100% số người này đều có chất PFAS. Về cá nhân từng người, cách đơn giản nhất là trong cuộc sống nên hạn chế dùng chất này, chẳng hạn hạn chế mua và dùng đồ ăn nhanh, hạn chế dùng chảo chống dính, thay vào đó có thể dùng chảo chống dính bằng gốm. Tuy nhiên, cũng có thể chảo chống dính bằng gốm cũng có những nguy cơ khác mà khoa học bây giờ vẫn chưa tìm thấy.

Thế nên, đối với từng cá nhân, theo tôi thì hiện tại vẫn chưa có nhiều giải pháp, mà cần hoạt động đồng bộ, thống nhất ở mức độ cao nhất. Chất này đã được sử dụng quá rộng rãi trong hầu như mọi lĩnh vực trong cuộc sống, không thể loại bỏ chỉ sau 1-2 ngày, bởi vì ngoài yếu tố sức khỏe còn có yếu tố kinh tế xã hội. Thế nên, ở cấp độ châu Âu, mỗi khi mà đưa ra thảo luận thì ngoài hội đồng khoa học ra còn có các hội đồng, ủy ban kinh tế - xã hội cùng thảo luận để tìm ra kiến nghị, giải pháp song song.

RFI : AFP ngày 17/01/2023 trích dẫn Patrick Birne, nhà nghiên cứu về ô nhiễm môi trường, Đại học Liverpool Jones Moores, theo đó các chất PFAS có thể sẽ là một mối đe dọa hóa học lớn nhất cho loài người trong thế kỷ XXI. Anh nghĩ thế nào ?

TS. Phạm Quốc Nghị : Trên quan điểm hóa học thì bình luận cũng có ý đúng nhất định, bởi vì các chất PFAS này, con người tạo ra được, sản xuất được. Tuy nhiên, quá trình thu hồi lọc, phân hủy, xử lý các hạt PFAS đã qua sử dụng thì rất khó khăn. Hiện nay, trên quan điểm hóa học thì có thể nói là không có một quá trình nào có thể cho phép xử lý toàn bộ các chất PFAS trong tự nhiên. Rất khó thu hồi và gần như không thể thu hồi, không thể xử lý được vì các chất này quá bền. Khi vào cơ thể thì bắt đầu mới có những ảnh hưởng tiêu cực về sau này, thế nên tôi nghĩ là đây cũng có thể là một trong những vấn đề rất lớn mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. Làm sao có thể xử lý được ? Câu trả lời hiện nay vẫn chưa có !

RFI : Xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Phạm Quốc Nghị, Đại học Paris-Saclay.

Đề tài liên quan:


2/11/23

Parkinson: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị

Parkinson’s Disease: Causes, Symptoms, and Treatments Bệnh Parkinson: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị 

https://www.nia.nih.gov/health/parkinsons 

disease#:~:text=Parkinson's%20disease%20is%20a%20brain,have%20difficulty%20walking%2 0and%20talking

Dịch và bổ sung cước chú: Phạm Văn Bân Fàn Wénbīn,范文彬- February 11, 2023 

(Ghi chú: Đây là tài liệu chính thức của cơ quan chính phủ Mỹ NIA-NIH. 

NIA, viết tắt của National Institute on Aging (Viện Quốc gia về Lão hóa), dẫn đầu các nỗ lực khoa  học rộng lớn để hiểu biết bản chất của lão hóa và để kéo dài những năm tháng khỏe mạnh, năng  động của cuộc sống. NIA là cơ quan liên bang chính để hỗ trợ và tiến hành nghiên cứu các bệnh liên quan đến việc lão hóa. 

NIH, viết tắt của National Institutes of Health (Viện Y tế Quốc gia (NIH), một cơ quan của U.S.  Department of Health and Human Services (Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ). NIH thực hiện  những khám phá quan trọng giúp cải tiến sức khỏe và cứu mạng sống.) 

* * 

Bệnh Parkinson là một rối loạn não gây ra các cử động ngoài ý muốn hoặc không thể điều khiển được, chẳng hạn như run rẩy, cứng đơ, và bị khó khăn để giữ thăng bằng và phối hợp tay chân. 

Các triệu chứng thường bắt đầu dần dần và tệ hơn qua thời gian. Khi bệnh tiến triển, người ta có  thể bị khó khăn khi đi lại và nói chuyện. Họ cũng có thể có thay đổi về tinh thần và hành vi, khó  ngủ, trầm cảm, khó khăn về trí nhớ, và mệt mỏi.

Phụ nữ lớn tuổi và người chăm sóc: Trong khi hầu như bất cứ ai cũng có thể có nguy cơ phát triển  bệnh Parkinson, một số nghiên cứu giả sử rằng bệnh này ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Không rõ tại sao, nhưng nghiên cứu đang được tiến hành để tìm hiểu các yếu tố có thể làm  tăng nguy cơ mắc bệnh của một người. Một rủi ro rõ ràng là tuổi tác: mặc dù hầu hết người mắc  bệnh Parkinson lần đầu tiên phát bệnh sau 60 tuổi, nhưng khoảng 5% đến 10% khởi phát bệnh  trước tuổi 50. Các hình thức khởi-phát-sớm của bệnh Parkinson thường do di truyền nhưng không  phải luôn luôn, và các hình thức bệnh đã được liên kết với những thay đổi cụ thể trong genes.

Điều gì gây ra bệnh Parkinson? 

Các dấu hiệu và triệu chứng nổi bật nhất của bệnh Parkinson xảy ra khi những tế bào thần kinh ở hạch nền/basal ganglia, tức là một vùng não điều khiển cử động, bị suy yếu và/hoặc chết đi. Thông  thường, những tế bào thần kinh này, hay còn gọi là tế bào thần kinh/neurons, tạo ra một chất hóa  học quan trọng trong não được gọi là dopamine. Khi tế bào thần kinh chết hoặc bị suy sẽ sản xuất ít dopamine hơn, gây ra khó khăn về cử động liên quan đến bệnh. Khoa học gia vẫn  chưa biết nguyên nhân nào khiến tế bào thần kinh chết.

Những người mắc bệnh Parkinson cũng bị mất các đoạn cuối của dây thần kinh có tác dụng sản  xuất norepinephrine, tức là chất truyền tin hóa học chính của hệ thần kinh giao cảm, dùng để điều  khiển nhiều chức năng của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim và huyết áp. Sự mất norepinephrine có  thể giúp giải thích một số đặc điểm không-cử-động của bệnh Parkinson, chẳng hạn như mệt mỏi,  huyết áp không đều, giảm chuyển động của thức ăn qua đường tiêu hóa và huyết áp giảm đột ngột  khi đứng lên từ vị trí ngồi hoặc nằm. 

Nhiều tế bào não của những người mắc bệnh Parkinson có chứa Lewy bodies, tức là những khối  protein alpha-synuclein bất thường. Khoa học gia đang cố gắng hiểu rõ hơn về các chức năng bình  thường và bất thường của alpha-synuclein và mối tương quan của nó với các biến thể di truyền  ảnh hưởng đến bệnh Parkinson và bệnh mất trí nhớ Lewy bodies.  

Một số trường hợp bệnh Parkinson rõ ràng là do di truyền, và một số trường hợp có thể truy ngược  về các biến thể di truyền cụ thể. Trong khi di truyền được cho là có vai trò trong bệnh Parkinson,  nhưng trong hầu hết các trường hợp, căn bệnh này dường như không di truyền trong gia đình. Hiện nay, nhiều nghiên cứu gia tin rằng bệnh Parkinson là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố di  truyền và môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với chất độc. 

Các triệu chứng của bệnh Parkinson 

Parkinson có bốn triệu chứng chính: 

Run ở tay, cánh tay, chân, hàm hoặc đầu 

Cứng cơ/bắp thịt, nơi cơ/bắp thịt vẫn bị co lại trong một thời gian dài 

Cử động chậm chạp 

Mất thăng bằng và phối hợp tay chân, đôi khi dẫn đến té ngã 

Các triệu chứng khác có thể bao gồm: 

Trầm cảm và những thay đổi cảm xúc khác 

Khó nuốt, nhai và nói 

Các vấn đề về đi tiểu hoặc táo bón 

Các vấn đề về da 

Các triệu chứng của bệnh Parkinson và tốc độ tiến triển rất khác nhau giữa các bệnh nhân. Các  triệu chứng ban đầu của bệnh này là nhẹ nhàng và xảy ra dần dần. Thí dụ, người ta có thể cảm thấy  run nhẹ hoặc khó bước ra khỏi ghế. Họ có thể nhận thấy rằng họ nói quá nhỏ nhẹ, hoặc chữ viết  tay của họ chậm và trông rất nhỏ hoặc khó đọc. Bạn bè hoặc thành viên gia đình có thể là những  người đầu tiên nhận thấy thay đổi ở người mắc bệnh Parkinson trong giai đoạn đầu. Họ có thể thấy  rằng gương mặt của người đó thiếu biểu hiện xúc cảm và sinh động, hoặc người đó không di  chuyển cánh tay hoặc chân một cách bình thường. 

Những người mắc bệnh Parkinson thường phát triển dáng đi parkinsonian/parkinsonian gait bao  gồm khuynh hướng nghiêng về phía trước; đi những bước nhỏ, nhanh; và giảm vung vẩy tay. Họ cũng có thể gặp khó khăn khi bắt đầu hoặc tiếp tục cử động. 

Các triệu chứng thường bắt đầu ở một bên cơ thể hoặc ngay cả ở một tay hoặc chân của một bên  cơ thể. Khi bệnh tiến triển, cuối cùng nó ảnh hưởng đến cả hai bên. Tuy nhiên, các triệu chứng vẫn  có thể vẫn còn nghiêm trọng hơn ở một bên so với bên kia. 

Nhiều người mắc bệnh Parkinson lưu ý rằng trước khi bị cứng và run, họ đã bị các vấn đề về giấc  ngủ, táo bón, mất khứu giác (không ngửi được mùi) và chân không giữ yên được. Mặc dù một số triệu chứng này cũng có thể xảy ra với diễn trình lão hóa bình thường, nhưng hãy nói chuyện với  bác sĩ nếu những triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn hoặc bắt đầu cản trở đời sống hàng ngày. 

Thay đổi nhận thức và bệnh Parkinson 

Một số người mắc bệnh Parkinson có thể trải qua những thay đổi trong chức năng nhận  thức, bao gồm các vấn đề về trí nhớ, sự chú ý, khả năng lập kế hoạch và hoàn thành nhiệm  vụ. Căng thẳng, trầm cảm và một số loại thuốc cũng có thể góp phần tạo ra những thay đổi  này trong nhận thức.

Qua thời gian, khi bệnh tiến triển, một số người có thể phát triển thành chứng mất trí nhớ và bị chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ Parkinson, tức là một chứng mất trí nhớ Lewy body.  Những người mắc chứng mất trí nhớ Parkinson có thể có các vấn đề nghiêm trọng về trí  nhớ và suy nghĩ, và ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày. 

Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn hoặc người thân yêu bị chẩn đoán mắc bệnh  Parkinson và đang trải qua các vấn đề về suy nghĩ hoặc trí nhớ. 

Chẩn đoán bệnh Parkinson 

Hiện nay không có thử nghiệm máu nào hoặc thử nghiệm ở phòng thí nghiệm để chẩn đoán các  trường hợp bệnh Parkinson không-di-truyền. Bác sĩ thường chẩn đoán bệnh bằng cách lấy tiền sử bệnh của một người và tiến hành khảo xét hệ thống thần kinh. Nếu các triệu chứng cải tiến sau khi  bắt đầu dùng thuốc, thì đó là một dấu hiệu khác cho thấy người đó mắc bệnh Parkinson. 

Một số rối loạn có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh Parkinson. Những người có các  triệu chứng giống-như-bệnh-Parkinson do các nguyên nhân khác, chẳng hạn như teo đa hệ thống/  multiple system atrophy và chứng mất trí nhớ Lewy bodies, đôi khi được cho là mắc bệnh  parkinson. Trong khi những rối loạn này ban đầu có thể bị chẩn đoán nhầm là bệnh Parkinson,  nhưng một số thử nghiệm y tế nhất định, cũng như phản ứng đối với thuốc điều trị, có thể giúp  thẩm định nguyên nhân chính xác hơn. Nhiều bệnh khác có các đặc điểm tương tự nhưng cần  phương pháp điều trị khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải chẩn đoán chính xác càng sớm  càng tốt. 

Điều trị bệnh Parkinson 

Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh Parkinson, nhưng thuốc men, cách điều trị giải phẫu và các  liệu pháp khác thường có thể làm giảm một số triệu chứng. 

Thuốc điều trị bệnh Parkinson 

Thuốc có thể giúp điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson bằng cách: 

Tăng mức độ dopamine trong não 

Có ảnh hưởng đến các hóa chất não khác, chẳng hạn như chất dẫn truyền thần kinh/  neurotransmitters, nhằm dẫn truyền thông tin giữa các tế bào não 

Giúp điều khiển các triệu chứng không-cử-động 

Thuốc chính cho bệnh Parkinson là levodopa. Tế bào thần kinh dùng levodopa để tạo ra dopamine  để bổ sung nguồn cung cấp đang cạn kiệt của não. Thông thường, người ta dùng levodopa cùng  với một loại thuốc khác gọi là carbidopa. Carbidopa ngăn chặn hoặc làm giảm một số tác dụng  phụ của thuốc levodopa - chẳng hạn như buồn nôn, ói mửa, huyết áp thấp và bồn chồn - và giảm  lượng thuốc levodopa cần thiết để cải tiến các triệu chứng.

Những người mắc bệnh Parkinson không bao giờ được ngừng dùng levodopa mà không nói với  bác sĩ của họ. Ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như  không thể cử động hoặc khó thở. 

Bác sĩ có thể kê đơn cho loại thuốc khác để điều trị các triệu chứng của bệnh Parkinson, bao gồm: 

  • Chất chủ vận Dopamine/Dopamine agonists để kích thích sản xuất Dopamine trong não
  • Thuốc ức chế men/Enzyme inhibitors (thí dụ: thuốc ức chế MAO-B, thuốc ức chế COMT)  để tăng lượng dopamine bằng cách làm chậm các men phân hủy dopamine trong não
  • Amantadine để giúp giảm các cử động ngoài ý muốn 
  • Thuốc Anticholinergic để giảm run và cứng cơ/bắp thịt.

Kích thích não sâu 

Đối với những người mắc bệnh Parkinson mà không đáp ứng tốt với thuốc, bác sĩ có thể đề nghị kích thích não sâu. Trong diễn trình giải phẫu, bác sĩ sẽ cấy các điện cực vào một phần của não và  kết nối chúng với một thiết bị điện nhỏ được cấy trong ngực. Thiết bị và các điện cực kích thích  không-gây-đau-đớn các vùng cụ thể điều khiển cử động trong não theo cách có thể giúp ngăn chặn  nhiều triệu chứng có-liên-quan đến cử động của bệnh Parkinson, chẳng hạn như run, cử động chậm  và cứng đơ. 

Các liệu pháp khác 

Các liệu pháp khác có thể giúp kiềm chế các triệu chứng Parkinson bao gồm: 

Các liệu pháp thể chất, nghề nghiệp và nói chuyện, có thể giúp điều trị rối loạn dáng đi và  giọng nói, run và cứng đơ, và suy giảm các chức năng thần kinh 

Một cách ăn uống lành mạnh để hỗ trợ sức khỏe tổng thể 

Các thể dục để tăng cường cơ bắp và cải tiến sự cân bằng, linh hoạt và phối hợp tay chân

Trị liệu massage để giảm căng thẳng 

Tập Yoga và thái cực quyền/tai-chi để tăng cường độ dẻo dai và linh hoạt.

Hỗ trợ cho những người đang sống với bệnh Parkinson 

Mặc dù tiến triển của bệnh Parkinson thường chậm, nhưng cuối cùng thói quen hàng ngày của một  người có thể bị ảnh hưởng. Các hoạt động như làm việc, chăm sóc nhà cửa và tham gia các hoạt  động xã hội với bạn bè có thể trở nên khó khăn. Trải qua những thay đổi này có thể khó khăn,  nhưng các nhóm hỗ trợ có thể giúp bệnh nhân đối phó. Các nhóm này có thể cung cấp thông tin,  lời khuyên và kết nối với các nguồn lực dành cho người mắc bệnh Parkinson, gia đình và người  chăm sóc của họ. Các tổ chức được liệt kê dưới đây có thể giúp tìm kiếm các nhóm hỗ trợ tại địa  phương và các nguồn lực khác trong cộng đồng của họ. 

For more information about Parkinson’s disease 

National Institute of Neurological Disorders and Stroke (NINDS) 

800-352-9424 

braininfo@ninds.nih.gov

www.ninds.nih.gov 

National Institute of Environmental Health Sciences (NIEHS) 

919-541-3345 

webcenter@niehs.nih.gov 

www.niehs.nih.gov/health/topics/conditions/parkinson 

American Parkinson Disease Association (APDA) 

800-223-2732 

apda@apdaparkinson.org 

www.apdaparkinson.org 

Davis Phinney Foundation 

866-358-0285 

info@davisphinneyfoundation.org 

www.davisphinneyfoundation.org 

Michael J. Fox Foundation for Parkinson's Research 

212-509-0995 

www.michaeljfox.org 

Parkinson Alliance 

800-579-8440 

contact@parkinsonalliance.org 

www.parkinsonalliance.org 

Parkinson’s Resource Organization 

877-775-4111 

info@parkinsonsresource.org 

www.parkinsonsresource.org 

Parkinson's Foundation 

800-473-4636 

helpline@parkinson.org 

www.parkinson.org 


Content reviewed: April 14, 2022


Bản gốc tiếng Anh:

11/25/22

Những bệnh vô duyên

BS. Đỗ Hồng Ngọc


Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh… vô duyên. Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây ra (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364). Những bệnh… vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa! Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu “nước mát” uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm “nước mát”! Thì ra “rễ tranh, mía lau, mã đề” là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).

Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoid, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp… Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt…

Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay. Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao? Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh… vô duyên đáng tiếc.

Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ. Báo Paris match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo… Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp. Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả! Tây gọi những người sính xét nghiệm là “examinite”. Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over – investigation, “thăm dò quá mức cần thiết” này (Health of the Elderly, WHO, 1989). Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn… hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo… không phải là không có nguy cơ. Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để… thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.

Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói! Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự “dán nhãn” (labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà “phán” cho một cái chẩn đoán kiểu như “nghi ung thư”, “hơi bị lớn tim”, hoặc một từ mơ hồ như “máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật”… hoặc “bị thư phù, bị người cõi trên nhập…” đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được! Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh. Đáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức… khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.

Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe. Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh… vô duyên!

11/7/22

Bồ công anh và câu chuyện về sự biết ơn

Tác giả:Bác sĩ Hạ Chí Lộc
Chuyên khoa: Y học cổ truyền


Bồ công anh hay rau mũi cày, Thái Lan gọi là Phak – mak – choi, tên khoa học Lactuca indica, thuộc họ cúc Asteraceae. Ngoài việc được xem như một loại rau ở một số quốc gia, còn được xem như một thảo dược dân gian. Được sử dụng trong y học cổ truyền với chức năng giải độc, giảm viêm mà dược lý hiện đại tìm thấy các hoạt chất chống viêm, kháng khuẩn và cải thiện thị giác.

Bồ công anh (Lactuca indica) là một loại cây nhỏ, nhiều nhựa trắng đục. Hoa có 2 loại vàng và tím. Hoa vàng gọi là hoàng hoa địa đinh, hoa tím gọi là tử hoa địa đinh. Đều được dùng làm thuốc như nhau. Mọc hoang nhiều ở miền Bắc nước ta. Một loại nữa cũng được gọi là bồ công anh là cây Chỉ thiên, thường thấy ở miền Nam, tên khoa học Elepphantopuss scaber. Cũng được dùng làm thuốc như vậy.

Sự tích Bồ công anh

Cô con gái trong một gia đình nọ đột nhiên nổi nhọt trên vú khiến cả ngực bị sưng, nóng, đỏ và đau đớn. Cô gái sợ hãi nhưng không biết nói cùng ai nên âm thầm chịu đựng. Nhưng cuối cùng vẫn bị dì ghẻ phát hiện, mắng và đuổi cô ra khỏi nhà. Cô gái tủi thân, vào nửa đêm chạy trốn đến bờ sông tự vẫn.

Duyên tương ngộ

May thay, bên bờ sông có ông lão đánh cá họ Bồ và con gái Anh Tử của mình đan lưới dưới ánh trăng. Thấy người tự vẫn nên Anh Tử cứu được cô gái. Một lúc sau mới biết vì bệnh trạng của cô, nên Anh Tử tâm sự với cha mình. Ngư lão suy nghĩ một lúc rồi nói: “Ngày mai con hãy hái cho cô ấy một ít thuốc”. Vài tuần sau, bệnh của cô gái được chữa khỏi.

Kết cục

Người cha đi làm về và biết rằng con gái mình đã đi mất rất hối hận và lo lắng. Bèn cử người đi tìm khắp nơi, thời gian sau tìm được chiếc thuyền của cha con ngư lão. Cô gái cảm ơn và tạm biệt cha con ngư lão để về nhà. Vì chỉ biết ngư lão họ Bồ nên tôn xưng là Bồ Công và người con cứu cô tên là Anh Tử. Tưởng nhớ hai cha con ngư lão nên mới đặt tên cho cây thuốc đó là Bồ Công Anh. Kể từ đó, Bồ công anh lưu truyền dùng chữa sưng vú.

Bồ công anh


Thành phần hóa học trong Bồ công anh

Bồ công anh cung cấp lượng lớn beta carotene và lutein. Tại Thái Lan ước tính loại rau này cung cấp 47% lượng vitamin A cho người dân. Chưa kể lượng lutein trong loại cây này có tác dụng cải thiện thị giác, một hoạt chất chống oxy hóa, loại bỏ các gốc tự do.

Một lượng không nhỏ polyphenol, vitamin C và vitamin E trong thực phẩm này đã được tìm thấy. Ngoài ra, còn cung cấp một số thành phần vi lượng như canci, kali, phospho, magie, sắt.

Bồ công anh


Tác dụng dược lý của Bồ công anh

1. Bảo vệ gan

Các dẫn xuất axit quinic có liên quan đến sự ức chế virus viêm gan B (HBV). Trong khi đó, Bồ công anh có đến 7 dẫn xuất acid quinic và 5 dẫn xuất flavonoid.

Acid quinic đơn độc làm giảm đáng kể mức độ HBV – DNA ngoại bào. Khi kết hợp flavonoid làm giảm nồng độ HBV- DNA trong các tế bào HepG2.

2. Kháng khuẩn

Bồ công anh toàn cây chứa sterol, choline, inulin và pectin. Những thành phần này có tác dụng diệt khuẩn mạnh đối với Staphylococcus aureus và Streptococcus hemolyticus. Bên cạnh đó còn có tác dụng diệt khuẩn tương đối với Pneumococcus, Meningococcus, Diphtheria, Pseudomonas aeruginosa, khuẩn thương hàn. Chiết xuất này cũng có thể ức chế Mycobacterium tuberculosis, Leptospira và nấm nên thường được sử dụng để điều trị một loạt các bệnh viêm và nhiễm trùng.

Trên lâm sàng, chủ yếu được sử dụng để điều trị viêm tuyến vú cấp tính, viêm hạch bạch huyết, viêm kết mạc cấp tính, viêm amidan cấp tính, viêm phế quản cấp tính, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Mặt khác, chiết xuất thảo dược này không trực tiếp tác động lên vi khuẩn E. Coli trong niệu quản. Mà làm giảm độ bám dính và xâm lấn của E. Coli vào niệu quản trong bệnh nhiễm trùng niệu quản.

3. Đặc tính chống oxy hóa

Acid caffeic có công lớn trong tác dụng chống oxy hóa của Bồ công anh. Thể hiện qua việc ức chế các gốc tự do với một vi lượng nhỏ. Ngoài ra, glycoside flavonoid của thực vật này sau khi được chuyển hóa cũng trở thành một hoạt chất chống oxy hóa trong huyết tương. Cho thấy hàm lượng polyphenol, flavonoid và flavonol cao tương quan tốt với hoạt động chống oxy hóa.

4. Kháng viêm

Hoạt chất trong Bồ công anh có khả năng ức chế sản xuất NO và giảm biểu hiện của iNOS. Được xem như một tác nhân kích hoạt đại thực bào, đóng vai trò quan trọng trong quá trình viêm.

5. Thị giác thì sao?

Hoạt tính sinh học của lutein chủ yếu liên quan đến thị giác. Caroten này tích lũy trong võng mạc nơi nó hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do gây ra ánh sáng. Thiếu hụt lutein cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến nguyên nhân của một số bệnh. Bao gồm thoái hóa điểm vàng lão hóa và đục thủy tinh thể. Lutein không được tổng hợp ở người và phải được lấy từ thực phẩm. Và vị thảo dược này chứa một lượng không nhỏ lutein.

Sử dụng thận trọng Bồ công anh

Nếu cơ thể cảm giác ớn lạnh, chân tay lạnh hoặc dễ bị cảm lạnh không được sử dụng Bồ công anh. Nếu dùng một lượng lớn có thể bị mất cảm giác ngon miệng, kiệt sức, mệt mỏi, đổ mồ hôi.

Phản ứng bất lợi của bồ công anh rất hiếm, bao gồm 2 loại sau: thỉnh thoảng có phản ứng tiêu hóa, như buồn nôn, nôn, khó chịu ở bụng và tiêu chảy nhẹ. Sau khi uống thuốc sắc và ngâm rượu, có thể sẽ gặp các phản ứng dị ứng như nổi mề đay và ngứa.

Bồ công anh là một dược phẩm tự nhiên dễ dàng tìm thấy. Bên cạnh những tác dụng tích cực cần thận trọng khi sử dụng Bồ công anh như một biện pháp dân gian. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.



* Bồ công anh: tiếng Trung: 蒲公英; tiếng Anh: dandelion ; tiếng Đức: Löwenzahn (răng sư tử); tiếng Pháp: pissenlit (bé đái dầm).