2017/11/09 bởi levinhhuy
Nguồn: levinhhuy.wordpress.com
Huỳnh Văn Hoa (1845-1901)
“Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” là câu ngạn ngữ nêu danh tứ đại hào phú Sài thành hồi cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ba người được xếp trên trước đều là bậc quyền thế[1], còn Chú Hỏa tuy đứng hàng thứ tư nhưng lại là nhân vật để lại nhiều giai thoại cũng như công nghiệp nhất.
Hơn trăm năm trôi qua biết mấy vật đổi sao dời. Những giai thoại quanh cái tên Chú Hỏa ngày càng huyền hoặc sai lạc; chẳng những thế, những vết tích công trình của gia tộc này để lại tuy vẫn tồn tại sừng sững đó nhưng chẳng mấy người biết rõ ngọn ngành. Sau cơn quốc biến 1975, con cháu dòng họ Chú Hỏa lần lượt rời bỏ miền Nam Việt Nam, chia nhau lập nghiệp khắp nơi trên thế giới, nhưng họ vẫn luôn có thể tự hào về những gì tiền nhân đã gầy dựng ở nơi đất lành Sài Gòn.
Lớp người đầu tiên chỉ biết chí thú làm ăn, chẳng hề nghĩ đến việc ghi chép sự tích công trạng của mình, khiến vết tích cũng như những giai thoại tuy nhiều nhưng phần lớn đều khác xa sự thực. Có rất nhiều thông tin liên quan đến gia đình họ, nhưng các dữ liệu lịch sử lại hết sức ít ỏi khiến những đồn đãi đủ kiểu sai lạc lan truyền vô tội vạ, người nghe chẳng biết đâu mà lần.
Trọng tâm bài viết này nhằm làm rõ quá trình lập nghiệp của gia tộc Hui-Bon-Hoa. Hy vọng qua câu chuyện về một dòng họ Ba Tàu, có thể giúp người đọc hiểu thêm phần nào những đóng góp của người Tàu ở miền Nam[2].