1/15/19

Cuối Cuộc Hành Trình


Ông nằm yên nhìn qua khung cửa sổ. Bên ngoài tuyết đang rơi. Ông biết con mình vất vả lắm mới vượt qua 14 dặm đường để đến với ông. Ông không nhớ chuyện gì đã xảy ra và xảy ra bao lâu rồi. Ông mơ hồ nhớ lại lúc vừa ra khỏi phòng tắm lúc nửa đêm là cảm thấy choáng váng, nhói ngực rồi không biết gì nữa.
- Ba đang ở trong bệnh viện Hershey. Hôm nay là ngày thứ năm rồi.
Lúc nãy, khi mở mắt ra thì con ông đã cho biết ngay là ông bị xuất huyết não. Không thể giải phẫu vì vết thương nằm ngay trung khu thần kinh. Đã năm ngày hôn mê! Không hỏi và không cần con ông nói, ông cũng biết là đời mình chỉ còn tính từng ngày. Nhưng không ngờ ông còn tỉnh táo chi lạ. Lẽ ra phải đau, phải nhức đầu mà còn phải lâm vào tình trạng mất cảm giác toàn thân nữa mới đúng. Đằng này lúc con ông vừa vào thăm thì hai y tá vật lý trị liệu đã vực ông dậy cho ngồi xuống ghế nệm để giơ tay, búng cẳng. Mệt lã người và vô cùng vướng víu vì một chùm giây, nhợ được gắn, chọt khắp cả người, từ trên mũi xuống tận...vùng cấm địa! Biết trước sau gì ai cũng phải đến gia đoạn của cuối cuộc hành trình, nhưng trong hoàn cảnh này ông mới thấm thía câu " gánh nặng cho cả nhà "!
Ông trở đầu nhìn quanh phòng, rồi nhìn con. Như hiểu ý, con ông đến bên giường, đặt tay lên vai ông, nói:
- Ba yên tâm. Cứ nghỉ ngơi cho khỏe. Con đã xin nghỉ làm hôm nay rồi. Còn má thì hôm qua đã ở đây suốt đêm. Hồi nãy em Dung tới đón về rồi.
Ông nghe nói vậy thì thấy thương vợ quá đỗi. Lần nào ông nằm bệnh viện bà cũng canh bên giường cả đêm. Khi ông bị té xe phải mổ lấy lá lách và rút máu bầm trong bệnh viện Sàigòn 40 năm trước và cho tới lần này cũng vậy. Nghĩ cũng lạ! Chỉ khi nào có chuyện cần nhờ nhau mới thấy tình và nghĩa vợ chồng thiêng liêng và nồng nàn làm sao! Bình thường thì không có ngày nào không càm ràm nhau, gây gỗ nhau. Nhưng lúc cạo gió, xoa đầu, bóp tay, nắn chân hoặc khi bệnh nặng liệt giường thì lại cuống quýt và phập phồng lo lắng đủ thứ. Ông biết mình nợ bà rất nhiều, nhứt là khi bà đang trơ trọi có một mình trên cõi đời vì mọi người thân bên bà đều đã quá cố. Thân tộc gần nhứt chỉ còn vài đứa cháu, là con của một người anh...họ! Chúng nó đều mồ côi cha lẫn mẹ. Bà theo chồng và chỉ biết có ông và đàn con năm đứa mà thôi. " Tui tứ cố vô thân. Chỉ có một mình ông và mấy đứa nhỏ thôi đó nha! " Nhớ lại câu " nũng nịu " của bà lúc cả nhà đoàn tụ nơi xứ lạ, quê người này, ông cảm thấy ấm lòng chi lạ. Dường như ông vừa thấy lại hình ảnh của một " mái tóc quá lưng lướt qua góc phố " của 60 năm về trước. Hình ảnh dù chỉ là trắng đen nhưng vẫn đẹp làm sao!...

...Ông có cảm giác như mình đã mở mắt nhưng sao không thấy gì cả ngoài những đốm lửa hừng hực nhảy múa trước mặt. Sau đó, ông thấy rõ ràng mình ngồi dậy được và nhìn thấy chính mình đang nằm trên giường bệnh. Cứ như bị mộc đè! Nhưng rõ ràng là ông nhìn thấy và nhận ra hết mọi người: vợ ông, đứa con trưởng, đứa con gái thứ tư và cả người bác sĩ với bộ đồ màu xám tro đang cúi xuống sát mặt mình. Ông muốn nói lời chào nhưng cổ họng dường như bị nghẹt và âm thanh thì vang vọng từ cõi nào đó thật xa xăm. Ông muốn nói với vợ là ông rất vui và hạnh phúc khi thấy bà vào thăm ông. Nhưng khi ông định nắm lấy tay vợ thì thấy mình chỉ như đang với vào khoảng không và ngực lại nhói từng cơn, còn đầu thì...co, giựt liên hồi. Nhức quá! Trời ơi! Sao nhức đầu quá! Ông la hét, quơ quào, dãy dụa rồi không còn thấy gì nữa ngoài những đóm lửa bây giờ đã trở thành tím lịm đang ngùn ngụt bủa vây trước mặt. Ngay sau đó thì lửa tắt. Tất cả bỗng trở thành một hố đen thăm thẳm...
- Ông ơi! Tỉnh dậy đi! Thấy trong người ra sao! Có đau nhức ở đâu không!? Nói đi tui xoa bóp cho.
Ông không biết mình đã mê đi bao lâu, nhưng bây giờ thì nghe văng vẳng như vợ đang nói với mình, nhưng khi quay đầu hướng về phía có tiếng nói thì sao không thấy gì cả mặc dù mắt đã mở. Ông không có cảm giác rõ rệt về những gì đang xảy ra chung quanh. Có lẽ mấy cái tế bào hình que và hình nón trong não chạm vào đâu thì nơi đó " chiếu phim " cho xem mà thôi vì ông có cảm giác như có người nào đó rờ trán rồi bóp tay, bóp vai, nhưng sao không trông thấy gì hết. Tất cả chì là một vùng tối mờ mịt.
- Nếu nghe tiếng con thì chớp mắt hay bóp tay con đi ba!
Thì ba đang mở mắt và đưa tay cho má mày nắm đây nè! Ông trả lời mấy lần nhưng con ông cứ đó cứ lập đi lập lại hoài câu nói đó. Ông bất chợt cảm thấy khó thở, nặng đầu nhưng ngay sau đó lại có cảm giác bềnh bồng, nhẹ tênh rồi thấy một vùng tối từ đâu đổ ập tới... Lần này thì ông mở mắt và nhìn thấy vợ đang ngồi bên giường, lần chuỗi Mân Côi. Trong góc phòng là con ông đang ngồi nói chuyện với ai đó qua điện thoại. Thấy ông mở mắt bà mừng rỡ cầm tay, rưng rưng. Ông bóp nhẹ tay bà.
- Ba tỉnh rồi nè con!
Ông nghe tiếng vợ nói với con mà thấy thương bà và con quá đỗi! Không muốn làm khổ vợ con nhưng cũng phải đành chịu! Con chắc phải nghỉ làm nữa rồi! Còn vợ có lẽ lo lắng quá nên tiều tụy thấy rõ. Ông muốn nói lời an ủi bà nhưng vẫn là tiếng khò khè trong cổ họng. Ông muốn bóp tay vợ để bà thêm an lòng nhưng sức lực đã biến đi đâu hết.
- Ông ơi! Ráng lên nha. Vợ chồng con Út nói sẽ chạy về thăm ông cuối tuần này đó! Bà con ở đây đều có vô thăm ông mấy bữa trước. Gia đình chị hai Liễu cũng có chạy lên nữa. Còn ông Tịnh, thằng Chiếu, thằng Bình đều có vô thăm ông hôm qua.
A! Cô " út điệu " của cả nhà! Cô con gái " rượu " hay nhõng nhẽo nhứt trong ba chị em. Còn ông bạn của thời Tổng Nha Công Vụ thì thân thiết từ hơn nửa thế kỷ nay rồi. Chắc là hai đứa bạn thân của thằng con trưởng đã chở ông ấy lên thăm mình đây. Đỗ Văn Tịnh! Phó nhòm của đội bóng bàn Tổng Nha Công Vụ thuộc Phủ Thủ Tướng của nề Đệ I Cộng Hòa, là một ông bắc kỳ vui tính và xuề xòa hết biết. Còn hai người bạn thân của con ông thì vui nhộn và kể chuyện tếu rất có duyên. Hai đứa làm ông nhớ lúc con ông đem ban nhạc về dợt trên căn gác lững hồi cuối thập niên 60. Đám bạn của con ông tiếu lâm hết mức. Hôm nào chúng ngủ lại sau khi dợt nhạc là cả nhà thức trọn đêm nghe bọn trẻ tán dóc rồi pha trò, cợt đùa không biết mệt. Hai đứa bạn của con ông- đều là dân  " đi mây về gió " thuở xưa- bây giờ cũng liếng thoắng như vậy. Đã vợ con đề huề rồi mà lâu lâu cứ hẹn gặp nhau " quậy " tá lả bằng những chuyện kể rất có duyên. Tuổi trẻ Sài gòn của dạo đó và lứa trưởng thành ở xứ người sao vẫn hồn nhiên quá đỗi! Ông thấy lòng thanh thản và hạnh phúc. Mọi người đều tốt với gia đình ông. Cộng đồng người Việt Quốc Gia vùng trung phần Pennsylvania không có bao nhiêu gia đình nên ai nấy đều quen biết và gần gũi nhau. Riêng gia đình của người hàng xóm hồi còn ở Việt Nam thì đã như là người trong cùng một nhà. Bọn trẻ gọi bác hai Liễu là theo tên của người trưởng nữ. Louis Trần Huỳnh Thọ lúc sinh thời là cựu quân nhân khóa 3 Thủ Đức. Ông bị thương giải ngũ rồi về làm tại Tổng Nha Công Vụ. Không ngờ hai gia đình lại ở sát cạnh nhau tại khu phố trong hẻm 120 đường Trương Minh Giảng. Khu phố có 6 căn nhà thì nhà ông số 5 còn ông Thọ ở căn số 4. Qua đây cả hai gia đình có thể gọi là hàng xóm vì gia đình ông ở Pennsylvania còn bên " bác hai Liễu " thì ở Virginia. Chỉ cách nhau có 3, 4 tiếng lái xe thôi!
- Ba ngủ rồi con. Thôi mình về đi. Mày cũng cần phải nghỉ ngơi nữa! Cả tháng nay bây cực với ba mày lắm rồi!
Vợ và con không biết ông vẫn còn thức và chỉ nhắm mắt để đó. Bà tưởng ông ngủ thì càng tốt. Cứ để hai mẹ con yên tâm đi về. Ở trong này riết rồi không chừng bệnh luôn Không hiểu sao ông tỉnh táo đến như vậy. Mà cũng chẳng thấy đau nhức gì nữa. Có lẽ là nhờ thuốc thang đầy đủ. May là ở Mỹ! Chứ nếu còn ở trong nước thì ông " đi " từ lâu rồi! Mà nên " đi " sớm càng tốt vì cứ dây dưa như vầy thì khổ cho thân ông và cho mọi người quá! Ông nén tiếng thở dài và lần hồi như thấy mình trở lại thời đạp xe chạy theo vợ hồi lúc mới gặp bà trên đường xuống phố đường Bon ở Nam Vang. Sau đó là cả cuộc đời đang được đạo diễn tài ba là khối óc dựng thành phim rồi chiếu lại cho xem...Đã thật!...

...Ông nằm im mở mắt nhìn đứa con đang ngồi trầm ngâm nhìn ra khung cửa sổ. Ông biết mình khó qua khỏi lần này. Đau đớn triền miên. Morphine thì có giới hạn. Chỉ nội cơn ngứa dưới lưng đủ làm con người bần thần vì...không được gãi cho đã huống chi trong người là cả một kho bệnh trầm kha.  Xuất huyết não,trụy tim, suy thận, thống phong, teo cuống họng. Mất khả năng nhai nuốt nên đã phải chịu cho đưa thức ăn qua ống dẫn thẳng vào bao tử. Nằm một chỗ để chờ chết quả là khó chịu không thể tả. Thà hôn mê rồi " đi luôn ". Đằng này...Ông không nghỉ ngợi thêm. Chỉ muốn đứt hơi ngay lập tức. Ông đã cầu nguyện thật nhiều để mong được Chúa đón đi từ lâu. Nhưng Ngài chưa chuẩn nhậm nên ông còn phải nằm chờ trong tình trạng lúc tỉnh, lúc mê. Ông bất giác nhìn đứa con trưởng. Nhìn thấy con tiều tụy, hốc hác mà thấy thương. Ngày nào cũng vào với ông rồi mới chạy đi làm. Ông biết nó vì cha mẹ mà phải chôn chân ở xứ "  đi xe ngưa và không xài điện khí " này. Ông nhớ lúc nó may mắn được nhận vào trường công lập của Pháp đúng 50 năm về  trước. Một cuộc thi tuyển dù mấy đứa nhỏ chỉ mới được đúng 6 tuổi! May mắn hơn nữa là sau đó nó thi đậu vào 6ème rồi qua học tại trường trung học nổi tiếng nhứt của Pháp ở Sàigòn. Ông và vợ đã hy sinh rất nhiều cho thằng con. Nó là đứa duy nhứt được " đầu tư " vào chương trình Pháp. Có nghĩa là sẽ có tương lai sáng sủa hơn các bạn của nó đang học bên chương trình Việt. Từ nhỏ, ông muốn con mình theo con đường âm nhạc nên đã gom và đóng thành sách nhạc hàng trăm bài hát nổi tiếng của thời tiền chiến và thập niên 50, 60 cùng một cây mandoline, nhạc cụ mà ông đã chơi từ nhỏ cho tới giữa thập niên 50. Tất cả những tứ đó đều là gia tài văn nghệ ông dành cho thằng con trưởng. Thằng con cũng có máu văn nghệ nhưng chỉ thích gõ trống và cũng không thích đàn, dù là chơi guitare, nói chi tới mandoline. Ông dìu dắt nó về mọi mặt từ lúc còn thơ nhưng đến khi nó vào Hướng Đạo, một hành động mà ông tưởng chỉ là ham vui với bạn rồi quyết định bỏ du học chỉ để lên Đà Lạt  bằng câu nói " Con muốn theo học môn Bang Giao Quốc Tế của trường Chánh Trị Kinh Doanh " thì ông hiểu con mình đã trưởng thành, đã đủ sâu sắc để định hướng cho đời mình ngay lúc còn trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Cái giá của việc bỏ du học bên Bỉ là nó bị đôn quân theo lệnh tổng động viên đôn quân năm 1972, năm mà chiến tranh về tới phố thị trên toàn lãnh thổ miền nam. Cái " tội "  mê chơi sau khi nhận món quà sinh nhật năm 15 tuổi là chiếc Suzuki M15 đã khiến nó ở lại lớp cho nên bị bứng giò vì luật Uỷ Quyền năm 1972. Vợ ông khóc sưng mắt khi nó trình diện nhập ngũ và càng hãi hùng hơn nữa khi sau đó thằng con chọn về Binh Chủng Biệt Động Quân. Ông không ngạc nhiên vì cái tính phiêu lưu vốn đã di truyền từ cha qua con nhưng ông thấy con mình đi thứ lính...dễ chết quá, bậc cha mẹ ai mà không lo lắng!? Đúng là nó gàn bướng và liều mạng vì có " đường binh " mà nó không màng tới. Nó luôn nói " Con không muốn ba má tốn tiền chạy chọt "  Còn khi đề cập tới việc nhờ một đại tá Thiết Giáp mà bà vợ là hàng xóm- ở căn mang số 6-  có con cùng học chung một trường, ở chung một chỗ trọ với nó- thì câu trả lời là: " Con không muốn ba má mắc nợ hay mang ơn ai cả! " Vợ ông khóc mỗi ngày và sau đó chỉ còn một niềm an ủi duy nhứt cho bà là " Nó cận thị năng như vậy chắc là người ta cho làm trong văn phòng chứ đưa ra mặt trận thì thấy đường đâu mà đánh!" Thời may, nó ra khỏi cuộc chiến một cách lành lặn và chỉ trả nợ quỷ thần có đúng một năm phá rừng, làm rẫy sau khi mất nước. Kể ra thì gia đình ông có phước hơn nhiều người khác. Từ lúc đám con còn nhỏ thì gia đình ông chỉ sống bằng đồng lương công chức của ông! Còn vợ thì chỉ loay hoay trong nhà lo việc bếp núc và phụ ông nuôi dạy đám trẻ. Càng may mắn hơn nữa là cô con gái kế thì theo chồng di tản ngay sau khi có lệnh đầu hàng của tướng Dương Văn Minh hôm 30 tháng 4/1975. Hai vợ chồng nó theo tàu Hải Quân ra khơi và định cư tại vùng đông bắc Hoa Kỳ từ đó đến nay. Nhờ có vợ chồng nó mà sau thời gian " ngất ngư " vì bo bo, khoai, sắn và bột mì của 3 năm đầu, thì từ 1979 đến ngày rời Sài gòn để đi Mỹ thì mỗi năm nó gởi về vài thùng hàng đủ để cho cả nhà " cầm hơi " một cách...khoan khoái. Rõ ràng là gia đình ông được Ơn Trên thương tưởng và đoái hoài vì cả nhà đều an lành định cư nơi này. Con cái đều đã lập gia đình, có việc làm vững chãi, có nhà cửa, xe cộ tươm tất và ở cách nhau không quá 5, 10 phút lái xe. Còn hạnh phúc nào hơn khi hầu như cuối tuần nào cũng có con cháu gom lại đầy nhà để tiệc tùng vỡ lỡ!? Sống ở xứ người là phải như vậy thôi: hết nuôi con từ mấy chục năm trước, bây giờ tới giữ cháu cho đám trẻ đi làm kiếm tền. Hai vợ chồng già lấy hạnh phúc của đại gia đình làm nguồn vui. Còn mong gì hơn nữa chứ!?...

...Dường như có tiếng đọc kinh rồi tiếng khóc của rất nhiều người. Có những bàn tay xoa bóp, vỗ về ông. Ông có mở mắt nhưng không thấy, có cố gắng nói nhưng không ra tiếng và âm thanh chung quanh nghe như y hệt như tiếng hành tinh trong vũ trụ đang chíu chít quay. Ông không có cảm giác đau đớn từng hồi, từng cơn như trước đó, nhưng biết rõ ràng là mình đã ngưng thở từ khi khi có một ống cao su đút sâu trong miệng.  Ông biết mình đang đi đến cuối cuộc hành trình. Hành trình về nguồn của một con người thật êm ả làm sao! Thanh thản quá! Bình an quá! Rồi bổng dưng ông thấy lại tất cả . " Nhà làm phim kiêm đạo diễn đại tài " đang chiếu lại và chiếu rất chậm cuốn phim của cuộc đời ông. Từ lúc theo Má đội từng hủ nước mắm đi bán dạo, rồi mua giàn cho các gánh cải lương từ Sài gòn hoặc các tỉnh qua lưu diễn tại Nam Vang, cho tới thời kỳ qua lại biên giới như đi ăn cơm bữa:  sáng làm việc ở Sài gòn, chiều ghé chợ Đủi trên đường Lê Văn Duyệt đón xe đò để vượt 250 km về Nam Vang thăm vợ con. Ông lại thấy cảnh đốt đèn Manchon lúc đem gia đình về Sàigòn mua nhà trong vùng chợ Xóm Chiếu. Thời đó tuy đã có chiến tranh tràn lan, nhưng khu Lê Văn Linh, Tôn Đản, Trịnh Minh Thế thì rất thanh bình khi thầy và thợ sống chung rất hài hòa mặc dù vùng Khánh Hội, Xóm Chiếu, Tân Thuận bị gán cho cái nhãn hiệu bất an ngay từ lúc mới phát triển. Khúc phim đang chiếu ngon lành bỗng dưng ông thấy Má từ đâu hiện ra cười với ông và hối đi kiểm soát vé hát ngay lập tức. Cùng lúc đó ông thấy chính mình đang lái chiếc Vespa từ Sàigòn vượt đoạn đường 150 cây số để về Sađéc tìm người cha đã 25 năm chưa gặp mặt con. Hình ảnh bây giờ đã không là trắng đen hay xám ngắt mà đang bừng sáng với một màu trắng rất tinh khôi, trắng hơn cả mây trời trong một ngày thật quang đãng. Ánh sáng bao trùm mọi thứ và dần dà lan tỏa đến bên ông. Ánh sáng rất lạ lùng, chói chang nhưng không nhức mắt, cuồn cuộn nhưng rất dịu dàng. Chiếc Vespa như không còn chạy trên đường mà đang chắp cánh nhẹ lướt, bềnh bồng trong vầng sáng rất tinh khiết đó. Bỗng dưng bóng tối lại đổ ập đến. Bóng tối của vực sâu miên viễn. Bóng tối của thiên thu đang đưa ông vào giấc ngủ triền miên không biết đêm hay ngày.
HUỲNH VĂN CỦA
( Để nhớ Phêrô HUỲNH VĂN ĐẶNG  06/05/1930- 14/01/2009 )

No comments:

Post a Comment