4/29/18

NỖI ĐAU KHÔN NGUÔI

Thi Phương

Ngày thứ hai này, những  người Việt tha hương mất nước lại sẽ có dịp kỷ niệm Ngày Quốc Hận 30-4. Lần thứ 43.

Nhắc đến Ngày Quốc Hận này chúng ta cũng cần nhớ tới Ngày Quốc Hận trước đó, 20-7-1954, sau khi Pháp thất trận trước Việt Minh tại Điện Biên Phủ (Lai Châu), Hội nghị Genève đạt đến hiệp định chấm dứt chế độ thực dân của Pháp tại Việt Nam bằng sự chia cắt đất nước tại vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, Quảng Trị). Trong hiệp định này, người dân Việt Nam, chính phủ của Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Ngô Đình Diệm hầu như không có tiếng nói. Chỉ cứ thế chấp hành. Gần một triệu người miền bắc thoát được vào miền nam cho dù những người cộng sản ở Hà Nội đã tìm đủ cách ngăn chận quyền di cư của người dân theo hiệp định này. Bài hát “Về Miền Nam” của Trọng Khương nay nghe lại vẫn ngập tràn nỗi niềm xúc động khi nhớ lại một thời những chiếc tàu há mõm đưa lên bờ hàng ngàn người di cư. Tiếc thay sau đó bài hát này tuy không hẳn đi vào quên lãng của người Miền Nam, của di dân từ Miền Bắc, nhưng lại không đủ mạnh để làm thành một mặt trận đoàn kết dân tộc quyết tử với địch trong những thời điểm thử thách nhất. Sự thật, trong động thái của chúng ta trong những năm 1973-75 hầu như phần lớn đã không thấy trước một Ngày Quốc Hận nữa đang đến!


Biến cố đổi đời 30-4-1975 hằn sâu trong tim óc của hàng trăm ngàn người Miền Nam đã ra đi bằng nhiều cách khác nhau sau khi cộng sản Miền Bắc xâm chiếm Miền Nam và áp đặt một chế độ “chuyên chính vô sản” lên hơn 25 triệu người dân đang sống dưới nền dân chủ tự do của Việt Nam Cộng Hòa. Những người vượt biên, vượt biển, H.O. hay ODP hay đoàn tụ gia đình… Tuy nhiên, thế hệ người Miền Nam đau buồn này - những người baby boomers và lớp tuổi trên đó nữa – 43 năm sau ngày “đại thắng Mùa Xuân” của địch và mất nước của chúng ta, đang ngày càng ô hợp, lạc lõng, cô đơn và trí nhớ đang mệt mỏi làm việc cho dù có dư chuyện để nhớ mà không nhớ nổi hết một thời đã mất đó. Chẳng bù cho những thế hệ sau này, 55 tuổi hay trẻ hơn nữa, đầu óc còn minh mẫn và rộng rãi, nhưng chẳng “còn một chút gì để nhớ để thương”.

​Ngày 30-4, không nhắc chuyện cũ đề thấy rõ hơn hiện tại và nhìn tương lai trước mắt thì còn làm chuyện gì khác nữa. Không nhắc chuyện cũ thì làm sao cho những thế hệ sau này hiểu cách gọi “Người Việt Tự Do” là chính danh nhất vì đó là sự xác nhận căn cước dân tộc của mình rõ ràng nhất, nhất là vào một lúc nước Mỹ đang bị tràn ngập bởi những di dân đến đây nhờ“ đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn”. Gọi chung là người Mỹ gốc Việt đúng là một cách mập mờ đánh lận con đen. Hay xóa bỏ “căn cước tỵ nạn” và bịt miệng bao nhiêu người. Nhưng nhắc chuyện gì nữa đây, nhắc với ai hay nói cho ai nghe, đó chính là nỗi niềm tâm sự của nhiều người lớn tuổi đang mai một dần – trong hay ngoài nursing home. Thôi thì ít nhất hãy nói với chính mình hay nói với nhau, chẳng ai chê trách!

​Có một sự thật là các thế hệ trẻ sau này - những người nay dưới 55 tuổi - ít quan tâm đến lịch sử và văn hóa dân tộc. Đương nhiên đừng trách những người trong nước, họ chẳng có lý do gì mà lần mò trở lại câu chuyện 40-50 năm về trước, cho dù có lẽ người ta cũng biết ít nhiều lý do tại sao lại có đông đảo người Việt sống ở Mỹ đến thế và nhiều người đang sống trong nước nay cũng mang “giấc mơ nước Mỹ” cùng mình. Những người Việt trẻ, thậm chí trung niên, đã từng theo cha mẹ qua đây hay từng tự tìm đường qua đây cũng đều hiểu rằng người ta phải bỏ nước ra đi vì không thể sống dưới chế độ cộng sản vừa nghèo đói vừa áp bức. Thế nhưng các thế hệ sau này thường thiếu ý thức đầy đủ về “căn cước” của mình và ý nghĩa của nguồn gốc đó. Phải chăng cuộc sống trên đất Mỹ không cho người ta có ngày giờ để ngoảnh nhìn lại?

Nhưng vào ngày 30-4 này, nếu chẳng phải là một ngày khác, hay một năm khác sau này, khi chúng ta ngày càng già hơn, càng kém trí nhớ, càng dễ nhầm lẫn, hay càng an phận, chính là dịp cho những người “trưởng thượng’, những bậc cao niên trong cộng đồng người Việt tự do này nghiêm chỉnh suy ngẫm một vài điều. Nếu chúng ta muốn đến với lớp trẻ, cầm tay họ, dẫn dắt họ“ngược đường lịch sử”, để cho họ chẳng nhìn chính minh một cách dễ dàng là “Vietnamese American”, tất chúng ta phải sẵn sàng những câu trả lời thỏa đáng, ngay thực cho những câu hỏi không tránh được của thế hệ con cháu: Nước mất nhà tan. Chuyện gì đã xảy ra, trước và sau năm 1975? Và tại sao xảy ra?.

Chuyện gì đã xảy ra dễ nói, dễ kể. Tại sao chúng ta lại để xảy ra, tại sao có biến cố 30-4, chẳng phải dễ giải thích. Không thể đơn giản đổ cho “đồng minh tháo chạy” vô trách nhiệm. Sự vô trách nhiệm trước đó là từ những người có trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến. Hay từ những thành phần trong đất nước, trong xã hội không thể nói mình không có trách nhiệm. Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách!

Chuyện gì đã xảy ra trong thời gian 21 năm giữa Ngày Quốc Hận đầu tiên và Ngày Quốc Hận thứ nhì? Chúng ta đều có thể nhớ ít nhiều tùy theo hoàn cảnh của mỗi người và mức độ đã sống với quá khứ. Miền Bắc rơi vào chế độ độc tài đảng trị của cộng sản mà lãnh tụ là Hồ Chí Minh, vẫn có mưu đồ tham vọng là xích hóa miền nam trong một nước thống nhất dưới chế độ cộng sản. Bởi vậy từ năm 1960, Hà Nội đã dựng lên Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời bù nhìn của Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát ở trong nam làm công cụ cho kế hoạch xâm lược của họ. Cộng Sản Miền Bắc có cả Nga (Liên Xô) và Tàu (Trung Cộng) yểm trợ vũ khí đến tận răng, trong khi đó sinh mạng con người quá rẻ, cầu bao nhiêu cũng có cung, những nghị quyết của Trung ương Đảng năm 1959 đã để lộ rõ bộ mặt xâm lược. Mỹ vẫn xem Miền Nam là “tiền đồn” của Thế giới Tự do ở Đông Nam Á và theo “thuyết domino” (một con cờ đổ sẽ kéo đổ theo những con cờ khác trên bàn cờ) Mỹ phải bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa đến kỳ cùng. Biến cố Vịnh Bắc Việt tháng 8 năm 1964 là một khúc quanh lịch sử, mở đầu cho việc Mỹ oanh tac Miền Bắc. Năm 1965, tình hình thật là nguy khốn cho Miền Nam, ngày 10-3, Mỹ đưa bộ binh vào Miền Nam đề “lùng và diệt” (search and destroy) địch, cao điểm có lúc lên đến 550.000 quân (Nhưng cũng nên nhớ rằng cứ 4 hay 5 lính Mỹ ở Việt Nam, mới có một người tham chiến trực tiếp). Bởi thế Miền Nam đã đứng vững trở lại trong hai năm sau (1967).

Nhưng lãnh đạo Saigon đã phạm nhiều sai phạm nghiêm trọng. Nếu không nói là “we were stupid”. Ví dụ như đã để xảy ra cuộc đấu tranh của Phật giáo miền trung, dẫn đến sự sụp đổ của Đệ nhất Cộng hòa (Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát) năm 1963. Giới chính trị và quân đội điên rồ và ngu xuẩn tranh chấp quyền bính trong suốt hai năm 1964-65, chẳng biết gì Việt Cộng đang vỗ tay hoan nghênh. Địch gia tăng áp lực vừa ở thôn quê và thành thị (bằng hoạt động khủng bố) và trên các mặt trận (các chiến khu của chúng từ Khê Sanh, A-shau ngoài trung đến C và D trong nam).. Và quan trọng hơn nữa, người ta đã không biết gì về chính trị ở Mỹ, về người dân Mỹ, về lịch sử Mỹ, cho nên cứ ngây thơ khoán trắng cuộc chiến cho Mỹ, hay thảnh thơi để cho Mỹ ôm hết cuộc chiến, mà không biết rằng người dân Mỹ chẳng chịu một cuộc chiến kéo dài với tổn thất nhân mạng ngày càng lên cao, cho nên một ngày nào đó Mỹ phải nhả ra, và lúc đó có thể dẫn đến một kết cuộc “không có hậu” cho cuộc chiến.

Năm 1967, nền Đệ nhị Cộng hòa ra đời với cuộc bầu cử tổng thống (Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ) và Quốc Hội lưỡng viện vào tháng chín, nhưng một chương mới chưa mở ra kịp thì bộ máy chiến tranh của cả Saigon và Mỹ (Tướng Westmoreland) không đủ cảnh giác đã để xảy ra cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 (mà nay chúng ta đang hồi tưởng lại câu chuyện nửa thế kỷ này). Khi Tổng thống Lyndon Johnson phải tuyên bố sẽ không ra tranh cử nữa và sẵn sàng ngưng ném bom Miền Bắc để mở đường cho hòa đàm (31-3-1968), chúng ta phải hiểu ông thất vọng đến chừng nào. Lẽ ra ngay từ khi Tổng thống Johnson tuyên bố rút lui, Saigon phải đề phòng. Nhưng trong những tháng đó, người Saigon chỉ nhớ chuyện ông Thiệu lật ông Kỳ sau khi trong đợt tấn công Mậu Thân thứ hai của Việt Cộng vào tháng sáu, may bay trực thăng của Mỹ “bắn nhầm” vào một tòa nhà trong Chợ Lớn làm thiệt mạng sáu người của ông Kỳ đang hội họp trong đó. Người ta không nghe nói đến mối quan tâm của chính quyền Saigon là Mỹ đã chán ngán với chiến tranh Việt Nam. Xu hướng chung nhìn thời sự là chuyện gì cũng là “sự đã rồi”. Ứng cử viên đảng Cộng Hòa Richard Nixon đắc cử sít sao trước đối thủ Dân Chủ Hubert Humphrey (một số tác giả cho rằng đường tơ kẻ tóc này là ông Thiệu) với chiêu bài “peace with honor” (hòa bình trong danh dự), chúng ta cũng phải biết dân Mỹ muốn gì. Tricky Dick có ba lá bài trong tay: Việt Nam hóa chiến tranh (để rút lui trong danh dự), (ii) Mật đàm với Hà Nội (đâm sau lưng chiến sĩ – âm mưu bán đứng của Henry Kissinger); và (iii) Thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa để xác lập trật tự mới trong vùng.

Chúng ta có nhiều cơ hội để nhận ra mưu đồ của Nixon và ông ngoại trưởng cơ hội của ông ta. Chỉ một chuyện mật đàm với Hà Nôi từ cuối năm 1969 mà Saigon không hề hay biết. Hay một hiệp định “hòa bình trong danh dự” mà lại cho phép quân Bắc Việt vào nam không phải rút. Nixon phải từ chức vào tháng tám năm 1974 vì vụ Watergate, lẽ ra lãnh đạo Saigon phải vỡ mộng và cấp thời tìm giải pháp “cứu nguy dân tộc”. Bao nhiêu dấu hiệu đều cho thấy tình hình  trở nên ngặt nghèo ngay từ đầu năm 1974, khi những đề nghị viện trợ cho Miền Nam của Nixon đều bị Quốc Hội Mỹ thẳng tay cắt xén hay bác bỏ. Mỹ không phải tính bỏ Miền Nam. Mỹ đang bỏ Miền Nam! Cuối năm 1974, Bộ Chính Trị của Hà Nội ra Nghị quyết tăng cường tấn công ở Miền Nam, mục tiêu đặt ra là năm 1976 sẽ “thống nhất đất nước”. Ngày 30-4 quả là bất ngờ ngay cả đối với Tổng bí thư Lê Duẩn. Ngay từ ngày đầu năm 1974, Tổng thống Thiệu đã tuyên bố “chiến tranh tái diễn”. Bộ máy giám sát hòa bình, ngưng bắn từ tháng tư năm 1974 đã ngưng hoạt động. Địch nay có toàn là lính chính qui ở Miền Nam, lại được tăng cường không ngừng qua đường mòn Hồ Chí Minh được mở rộng và an toàn hơn (do Mỹ hết oanh tạc).

Tình hình nguy ngập như thế, nhưng từ dịp này đến dịp khác, những ông cố vấn vĩ đại  vẫn không chỉ được cho Tổng thống Thiệu thấy bờ vực trước mặt. Nhất là sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị bắt buộc ký hiệp định “hòa bình” Paris tháng giêng 1973.. Thay vì phải có một Hội nghị Diên Hồng để tạo đại đoàn kết  của toàn dân và tìm kế sách chống lại âm mưu xâm lăng của địch sau khi Mỹ rút, lãnh đạo, đảng phái, tôn giáo, địa phương, trí thức… đều góp phần vào sự phân hóa và hỗn loạn mù quáng, mê muội trong hai năm 1974 và 1975, như thể cùng dắt nhau nhảy xuống bờ vực.

Trong hàng ngũ lãnh đạo, tham vọng cùng phân hóa là hai nét rõ ràng nhất. Đầu năm 1974, Quốc Hội “gia nô” (chữ thông dụng thời đó) đã thông qua luật mới cho phép ông Thiệu ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba, nhiệm kỳ này được nới rộng đến 5 năm. Công đầu là cố vấn Nguyễn Văn Ngân, trụ cột tài trợ đại diện cho gia đình dược sĩ Nguyễn Cao Thăng. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm rõ rệt không hài lòng chuyện này vì ông nghĩ năm tới là đến phiên ông. Hoàng Đức Nhã, bà con với ông Thiệu, từng được xem là “người có quyền lực nhất sau Tổng thống” trong giai đoạn hòa đàm, cũng không hài lòng với ảnh hưởng của ông Ngân. Ông Ngân bị bay sau đó. Nhưng rồi ông Nhã cũng bay luôn – vì áp lực của cả ông Khiêm và Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin.. Ông Thiệu ngày càng hoang mang, cô lập, cứ sợ bị đảo chánh.. Ông cho ngồi chơi xơi nước Đại tướng Tổng tham mưu trưởng. Và điều quân Dù về bảo vệ thủ đô giữa khi Cộng quân dang âm mưu thôn tính cả hai vùng 1 và 2. 

Năm 1974 cũng nổi bật về sự nhiễu nhương chính trị vì Việt Cộng cũng có dư người nằm vùng xúi giục. Các tôn giáo đứng ngồi không yên. Linh mục Trần Hữu Thanh mở ra phong trào tố cáo chính quyền Thiệu-Khiêm tham nhũng, ông Thiệu đáp lại: “Có ít xít ra nhiều”. Bên Phật giáo, hai môn phái võ lâm Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự đang đánh nhau chết bỏ. Một ni sư nằm vùng Huỳnh Liên thì chẳng lo tu tập mà chỉ xuống đường. Phật giáo Hòa Hảo thì đang muốn lập “khu tự trị”. Cũng trong tháng 10 năm đó, có phong trào “Ký giả ăn mày” xuống đường để phản đối Sắc luật 007 của ông Thiệu bóp mũi báo chí. Luật sư Ngô Bá Thành có phong trào rẻ tiền Phụ nữ Đòi quyền sống. Các đảng phái thì lặn cả. Công Nông, Cấp Tiến, Đại Việt, Việt Quốc, Dân Xã. Dân Chủ (đảng mới lập của ông Ngân cho ông Thiệu). Tình hình hết sức kỳ quặc: trí thức nhân sĩ chỉ lo xuống đường đấu tranh cho dân chủ, chẳng thấy cộng sản là nguy cơlớn nhất cho dân chủ; ông Thiệu cũng chi lo đàn áp “người trong một nước’, quên hiểm họa chính đến từ bên ngoài.

Tình hình xem chừng ngày càng tồi tệ trong năm 1974 và đầu năm 1975. Nếu ta nhìn mọi mặt, từ phía Mỹ đào thoát và phía Hà Nội đang thấy thời cơ đã đến, đến chính trị và xã hội Miền Nam rối bời, lãnh đạo Saigon rã rời, người dân tuyệt vọng, thì có thể hiểu được hồi kết cuộc khó tránh. Ông Thiệu làm nhiều quyết định quan sự và chính trị đơn phương sai phạm sau khi địch mở cuộc tấn công thăm dò ngày 6-1 và chiếm quận lỵ Phước Bình, tỉnh Phước Long. Ngày 10-3, Bắc Việt lại mở cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột. Ông Thiệu vẫn không quyết định được phải làm gì. Cho nên Vùng 1 và Vùng 2 nhanh chóng tan hàng vì “giả sử có chân, các cột đèn cũng bỏ chạy”. Quân đội bỏ ngũ triệt thoái, dân chúng di tản lan tràn. Ông Thiệu thì cứ “tái bố trí” một cách hỗn loạn và cứ lo sợ bị đảo chánh. Cho đến ngày ông phải từ chức nhưng hứa sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu để bảo vệ đất nước trước sự đe dọa quá gần kề của Cộng Sản. Ai cũng biết ông nói chơi.

Kề lại chuyện lịch sử đời xưa để chúng ta suy gẫm chuyện chính trị đời nay. Có một thời chúng ta tạm bợ lạc quan nghĩ rằng dù sao câu chuyện mất nước của mình cũng giúp cho bao nhiêu người sáng mắt. Nhũng người phải đi “cải tạo”. Những ngưòi dân Miền Nam lần đầu tiên phải sống dưới một chế độ “chuyên chính” áp bức không thể tưởng được. Hay cả những người miền bắc sau 1975 chứng kiến được mức sống và cách sống của người miền nam. Thế nhưng dần dần với thời gian, nhiều người, rất nhiều người lại mờ mắt trở lại vì chẳng thấy thay đổi gì vềchính trị. Và hiện tượng “mù quáng tập thể” này không chỉ ở những nước chậm tiến. Dân chủ đang bị thử thách, đang hỏng nơi nơi trên thế giới.. Và rõ rệt nhất trưóc mắt chúng ta.

Nỗi đau vẫn còn đó, bởi chúng ta biết rằng không có lý do và cả không có thời gian để lạc quan mơ tưởng - cho dù tạm bợ!

No comments:

Post a Comment