5/23/17

TRĂM NGÀY CỦA TRUMP

Hoàng Ngọc Nguyên

Bây giờ chỉ mới là giữa tháng năm, còn quá sớm để kết luận quyết định của ông Trump (“đuổi” ông giám đốc FBI James Comey của nhà nước) là “vụ tai tiếng trong năm” (scandal of the year). Quyết định tưởng như đột ngột nhưng chẳng làm cho ai ngỡ ngàng đối với một người có khả năng làm chuyện tai tiếng từng ngày một như Donald Trump. Ông đã có một “chí khí” làm những chuyện tai tiếng thêm tai tiếng để ông có thêm tăm tiếng, thì “nothing is impossible”. Thậm chí giới quan sát chính trị còn chưa dám kết luận biến cố này là cao điểm của tháng năm mừng lễ thọ trăm ngày của tổng thống. Ông Trump vẫn không hài lòng giới truyền thông “xảo ngôn” (fake news) không thấy được những thành quả phi thường của ông. Cho nên ông vẫn ráo riết tìm cách chứng tỏ khả năng vô hạn trong những điều ngưòi ta vẫn nghĩ về ông. Bởi vậy, đúng là chỉ có lịch sử mới phê phán được ông, cho dù ngay từ bây giờ chúng ta có thể biết trước ông Trump có thể thua bất cứ tổng thống nào trước đây của Mỹ - nhưng nhất định tai tiếng của ông sẽ còn vang dội hơn cả Tổng thống Richard Nixon, tác giả của vụ Watergate năm 1972-74, người đã làm cho chữ “-gate” đi vào lịch sử để chỉ những gian dối, giả trá của người ở Tòa Bạch Ốc. Ngay như bây giờ người ta đã truyền khẩu chữ Trump-gate.

Để hiểu câu chuyện Comey mà người ta không ngớt bàn tán trong tháng năm này, ta nên nhớ ngày 1-5 vừa qua là trăm ngày của Trump. Cái chuyện trăm ngày này, ngưòi ta đã bình luận cả mấy tuần trước hạn kỳ, và trăm ngày đã qua mà người ta vẫn không ngừng lên tiếng. Cái hay của Trump là chỗ đó. Ông là nhà kinh doanh, cho nên thừa khả năng tính toán làm thế nào để đạt hiệu quả, mục tiêu mà phí tổn thấp nhất. Bằng cách liên tục gây ra những vụ tai tiếng, ông ta đã đạt được “tiếng tăm” “chẳng đặng đừng” mà chẳng tốn đồng nào chi phí quảng cáo truyền hình, báo chí… Vụ trăm ngày này làm cho công luận trở lại đấu trường giữa đôi bên: Donald Trump và Truyền thông chính lưu. Trận giác đấu này nội dung gấu ó vẫn không thay đổi so với bao nhiêu trận đã xảy ra trước đây: Trump khăng khăng cho rằng “Ta là nhất” giữa tiếng hô hào cổ vũ rần rần của không thiếu gì những người mê muội chỉ tin ở “fake news” thực sự, và giới truyền thông chính lưu, với những tin tức và bình luận dựa trên những sự thực không thể chối cãi, đã nhấn mạnh “Còn lâu, Trump ạ”. Truyền thông thì thẳng thừng gọi ông là kẻ nói dối kinh niên, không lương thiện (tờ Los Angeles Times có cả một loạt sáu bài với chủ điểm “The Dishonest President”), người tâm thần, điên rồ, trong khi ông Trump thì gọi báo chí là kẻ thù của nhân dân. Nhưng nếu báo chí mà là kẻ thù của người dân, thì người dân nay biết tin ai, bạn với ai bây giờ?

Trăm ngày là dịp cho ông Trump biểu lộ cá tính khủng khiếp của ông (mà nay ngưòi ta cho là điên rồ, ông cần phải đi bác sĩ thần kinh chẩn đoán). Ông thừa hiểu hoàn cảnh nào ông được bầu lên làm tổng thống (vì người ta ngấy bà Clinton, vì Nga nhúng tay vào phá đám), và những gì ông đã thực hiện được, thế nhưng ông vẫn nói: “Chưa có tổng thống nào trong trăm ngày đầu tiên lại làm được nhiều việc như tôi, thực hiện được lời hứa với cử tri như tôi, và được dân chúng ủng hộ rộng rãi như tôi”. Ông chỉ tweet như thế, thì người ta cũng chỉ biết như thế. Như thường lệ, ông nói không cần trưng ra bằng chứng, trong phát biểu có những điều “không thật” hiển nhiên, không cần bàn cãi. Ví dụ như ông nói đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Và đã trao lại quyền lực vào tay nhân dân. Cho nên giới truyền thông chính lưu (mainstream media) tức những phương tiện báo chí, truyền hình, truyền thanh đại chúng… đã hiện hữu từ lâu như những định chế thông tin được quần chúng tin cậy và chấp nhận, phải phản ứng. Họ cho rằng ông thiếu khiêm tốn và ảo tưởng một cách lố bịch, vì thực ra ông thất bại nhiều hơn thành công trong những mục tiêu chính như y tế, di dân, quan hệ kinh tế đối ngoại; thành công kinh tế (tạo ra hàng triệu công việc làm chỉ trong 1-2 tháng) thì đúng là tưởng tượng, nếu không nói là lừa bịp; thành công thực sự lại quá dễ là đưa người vào Tối cao Pháp viện khi ở Thượng Viện đảng Cộng Hòa nắm đa số… Ông từng tưởng tượng chuyện ông là ứng cử viên tổng thống đạt số phiếu cử tri đoàn cao nhất từ 1990 đến nay, và sở dĩ ông thua ở số phiếu phổ thông vì có “bầu cử gian lận”. Thực tế, về số phiếu của cử tri đoàn, ông thua xa ông Obama, Bush “con”, Clinton va Bush “cha”. Ông cũng cứ nói có số người dân tham dự lễ nhậm chức đông kỷ lục lịch sử… “Hàng triệu người”. Nay ông nói ông là tổng thống đạt được sự ủng hộ cao nhất của dân chúng sau 100 ngày, cũng chỉ là chuyện “nói láo” thường tình mà thôi. Mọi thống kê đều chỉ ra rằng ông là tổng thống sau 100 ngày được chỉ số dân chúng ùng hộ thấp nhất 42% - so với 53% không tán đồng, là con số cao nhất. Kể từ thời Tồng thống Eisenhower, Trump là người duy nhất khoảng cách giữa hai chỉ số là âm - đến 11%.

Điều báo chí phê bình ông nặng nhất là ông chẳng có chính sách gì cả. Ông chẳng đọc hay nghiên cứu bất cứ chính sách nào. Ví dụ tuy dự luật y tế của Cộng Hòa (American Health Care Act) được xem là Trumpcare, người ta nói ông chẳng hề biết nội dung của nó tai hại như thế nào cho hàng chục triệu người lâu nay vẫn sống nhờ bảo hiểm y tế của nhà nước. Và mặc dù Trump chống Obamacare, nói rằng đạo luật y tế này đang “giết chết người dân”, ông Trump chỉ chống Obamacare vì đó là sản phẩm của cựu Tổng thống Obama, chẳng cần biết Obamacare thực sự mạnh ở đâu, yếu chỗ nào. Trong chính sách đối ngoại, từ kinh tế đến chính trị, ông cứ quyết định theo cảm tính, làm nửa chừng và rồi ngưng. Ông ký mấy sắc lệnh hành pháp cấm người Hồi giáo từ một số nước Trung Đông đến Mỹ - chẳng đi đến đâu, chỉ để vui lòng một số người da trắng (ngay cả một số di dân không da trắng) quên rằng nước Mỹ là nước của di dân. Ông rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương TPP, dù rằng ai cũng có thể hiểu chẳng vì thế mà kinh tế Mỹ mạnh hơn. Ông đình chỉ thi hành NAFTA, Hiệp ước Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ, người ta nói Mễ và Canada nhún vai, xem ông là người điên. Nói về chuyện xây tường, giới quan sát đều cho rằng “Tết Congo”. Đặc biệt, ông chẳng có chính sách gì đối với Nga và Trung Quốc! Hay đúng hơn, một chính sách tệ hại, không nhất quán… Ông và con cái làm ăn và đầu tư quá đậm ở những nơi này, làm sao ông có thể làm khác hơn được?

Trong dịp trăm ngày của ông, người dân cũng có dịp thẩm tra lại những nhận định về ngài tổng thống của mình. Trong thời tranh cử, ông từng nói: “Lãnh đạo của chúng ta, tôi không nói là yếu đuối, tôi nói là ngu xuẩn” (Our leaders are – I don’t even say weak – I say stupid). Ông cũng hay nói Tống thống Obama đã để lại một di sản hỗn tạp mà nay ông phải ôm lấy, nhưng chắc chắn ông, và một mình ông, sẽ giải quyết được. Ông phải đổ cho quá khứ một cách vô căn cứ để che đậy trước mắt sự “kém trí tuệ” và “điên rồ’ của lãnh đạo, đang tạo một sự hỗn loạn chính trị, xã hội người dân chưa từng cảm nhận được trước đây? Bằng chứng của sự điên loạn?

Ông ngỏ ý mời Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gặp ông, không hề biết trong lịch sử lãnh đạo Bình Nhưỡng chẳng hề gặp ai (trừ những người ở Nam Trung Hải và Điện Cẩm Linh), và ông Trump không thể tính chuyện đối thoại với một người điên - trừ phi ông củng điên như người ta. Đáp ứng “thiện chí” của Donald Trump, Kim Jong Un ngày thứ bảy 13-5 lại cho thử hỏa tiễn, ngụ ý thách đố cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trump cũng muốn mời Tổng thống Duterte của Phi Luật Tân đến Mỹ. Ông này nổi tiếng giết người không cần xét xử. Ông còn ăn nói nổi tiếng mất dạy khi gọi Tồng thống Obama là “son of a whore”. Người ta phảỉ kết luận ông Trump chỉ muốn chơi với nhũng người vừa điên vửa độc như Kim Jong Un, Duterte, Putin của Nga và Erdogan của Thổ Nhị Kỳ…

Ông cũng làm cho công luận sững sờ khi trong một phỏng vấn của tạp chí The Economist của Anh, ông cao hứng dùng chữ “prime the pump” và nói rằng ông “sáng tác” thành ngữ này chỉ mới mấy ngày. Nhưng giới truyền thông chính lưu đính chính ngay. Thành ngữ “prime the pump” (khiển dụng máy bơm) đã được phổ biến từ thời Đại khủng hoảng cách đây hơn 80 năm, được đắc dụng bởi kinh tế gia John Maynar Keynes của Anh để nhấn mạnh học thuyết của ông: chính phù phải “bơm tiền” vào đề kích thích kinh tế hồi phục. Người ta chỉ có thề nói: ông Trump “can đảm” thiệt.

Nhưng động trời nhất là chuyện ông “phàn nàn” nếu Tổng thống Andrew Jackson còn tại vị khi nội chiến xảy ra, ông đã không để xảy ra cuộc chiến nam bắc này. “Ông Jackson thực sự tức giận trước tình thế. Ông đã nói chẳng có lý do gì cả”. Sự thực thì nội chiến xảy ra năm 1861 và ông Jackson (vốn có nuôi nô lệ trong nhà!) qua đời năm 1845 cho nên chẳng biết gì cả! Người ta càng thấy ông Trump can đảm hơn người, hẳn ông phải nghĩ người dân ai cũng “stupid”, có kiến thức về lịch sử Mỹ cỡ ông?

Người ta cũng nhìn cách sống của ông. Trên mạng, người của ông (trong đó có cả người Mỹ gốc Việt) đang nhắm mắt ca ngợi ông là một tổng thống vĩ đại, người đầu tiên đã không thèm nhận tiền lương hàng tháng, bởi vậy đã giúp tiết kiệm công quỹ cả mấy trăm ngàn đô-la một năm. Người ta đã quên hàng chục triệu ngân sách chính phủ phải bỏ ra hàng tháng để bảo đảm an ninh cho ông vui chơi. Mới đây, ngành tình báo đã xin thêm 60 triệu cho chi phí bảo vệ ông tại các sân golf, mà ông đến chơi hàng tuần, và khu kinh doanh giải trí cao cấp của ông Mar-a- Lago Club ở Florida. Chẳng những phải lo an ninh cho ông, người ta còn phải lo cho vợ ông đang sống riêng, các con của ông, chàng rể quí quyền hành như chúa Trịnh Kiểm thời xưa v.v..

Nhưng điều ngưòi ta chỉ trích ông nặng nhất là sau 100 ngày, có những điều mà người ta chờ đợi ông phải hành động để giải tỏa, làm sáng tỏ, thì ông lại cứ ngồi yên, bịt tai, bịt mắt. bịt miệng làm ngơ, để cho tình hình thêm âm u, đen tối. Thứ nhất, hồ sơ thuế của ông. Qua hồ sơ thuế này, người ta sẽ biết ông làm ăn thế nào để hiểu cái “khó” trong chính sách đối ngoại của ông. Ông cũng từng tuyên bố thành công trong kinh doanh được thể hiện mạnh mẽ nhất trong cách “chạy thuế”. Nhưng ông nhất quyết không công bố hồ sơ thuế cho dù đó là một tập quán rất dan chủ của nước Mỹ mà chưa tổng thống náo trước đây dám làm ngơ. Ông cứ nói mà không ai nghe lọt lỗ tai: “Người dân chẳng ai màng chuyện tôi trả thuế như thế nào!”.

Thứ nhì, người ta cứ đặt những câu hỏi về “conflict of interests”, đối kháng mâu thuẫn trong những mục tiêu, khi ông ngày càng trắng trợn lạm dụng quyền lực cất nhắc con và rể từ chuyện chính trị (Jared Kushner rể ông làm “cố vấn” cao cấp cho ông trên đủ mọi chuyện cho dù chẳng có kinh nghiệm về bất cứ chuyện gì chính tri) đến chuyện kinh doanh. Con gái ông, cố vấn Ivanka Trump, đã mượn thế ngồi trong Tòa Bạch Ốc để mở rộng làm ăn ở Nhật, ở Tàu…

Thứ ba là vấn đề tâm thần của ông, càng ngày người ta càng thấy trong cách ăn nói hay trong những động thái của ông là những biểu hiện tâm thần nguy hiểm của một người chìm trong ảo tưởng về sự vĩ đại khổng lồ của mình. Ông chẳng chịu thua ai, và tìm cách diệt tất cả những đối tượng đối nghịch bất kể lý lẽ và hậu quả. Thế nhưng ông dứt khoát chẳng chịu chẩn đoán.

Nhưng quan trọng nhất là chuyện thứ tư – câu hỏi phải chăng có sự thông đồng giữa Nga và phía ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Chuyện đã rõ như ban ngày là Nga đã thọc tay vào cuộc bầu cử nhằm phá “kẻ thù” của Putin là bà Hillary Clinton đồng thời miệt thị nền dân chủ Mỹ. Cho nên câu hỏi còn lại chỉ là phải chăng phía ông Trump đã đầu têu hay hỗ trợ trò chơi nguy hiểm của Putin. Câu hỏi được nêu ra vì thái độ thiện cảm cùng tin tưởng bất biến của Trump đối với Nga và Putin – trong khi ai cũng thấy sau hơn 15 năm Putin ở trong Điện Cẩm Linh ông ta cực kỳ nguy hiểm cho hòa bình và trật tự thế giới và không tin tưởng được. Một lý do khác là nhiều người của Trump – quá nhiều người – được Nga móc nối, hay móc nối với Nga. Ngay cả cậu con rể quí. Cho nên, bao nhiêu cơ quan tình báo, an ninh của Mỹ (CIA, Cơ quan Tình báo Quốc gia, FBI…) đã tiến hành điều tra, và nhiều thành viên thuộc cả hai viện Quốc Hội cũng đang đòi hỏi phải có công tố viên đặc biệt cho vụ án này.

Ông Trump đang ngồi trên lửa, đúng là sợ dứt dây động rừng. Chẳng lẽ bao nhiêu người của ông đều dính, mà ông là người cấp trên điều khiển những người này, lại chẳng chỉ đạo hay chẳng biết gì cả. Đầu tháng, bà Sally Yates, từng là quyền Bộ trưởng Tư pháp rồi bị Trump sa thải một cách “thiếu khả ái”, đã điều trần trước Thượng Viện bà đã cảnh báo Tòa Bạch Ốc người được ông Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia, cựu tướng Michael Flynn, đã ăn tiền của Nga, có vẻ đã bị Nga mua chuộc và nắm chốp, nhưng ông Trump phản ứng bằng cách sa thải bà ngay thay vì giải nhiệm ông Flynn. Đến 18 ngày sau sự việc vỡ lở, ông Flynn mới bị bay. Và nay ông Comey xác nhận cơ quan FBI của ông đang điều tra về việc người của ông Trump có thể thông đồng với Nga phá hoại bầu cử tổng thống năm ngoái. Ông Trump có bị điều tra hay không, điều này người ta còn im lặng, nhưng hãy tưởng tượng đi, làm sao không cho được.

Bởi vậy mà ông Trump đột ngột quyết định liều lĩnh chấm dứt công tác của ông Comey một cách cũng “không khả ái” chút nào… - như ta đã thấy. Làm cho người ta không khỏi nhớ tới chuyện năm xưa, ông Nixon sa thải ông Archibald Cox, công tố viên đặc biệt trong vụ điều tra Watergate, nhưng không tránh được chuyện gục mặt ra đi sau đó…

No comments:

Post a Comment