Những ngày này, khi cuộc chiến tiền tệ toàn cầu đang lôi kéo sự tham gia của hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới vào cuộc chạy đua tỷ giá vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, thì hầu như mọi ánh mắt đều đổ dồn về nước Mỹ nơi được xem là chiếc đòn bẩy.
Tất cả những động thái hạ tỷ giá đồng nội tệ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu như Mỹ bỗng nhiên nổi hứng và đưa ra một hành động tương tự. Thậm chí đã có nhiều nhà kinh tế đang công khai tuyên bố nước Mỹ đang là vị cứu tinh cho một nền kinh tế toàn cầu đang quá ảm đạm. Nhưng, tất cả những điều đó chỉ là đang che giấu đi một sự thật khủng khiếp, rằng vị cứu tinh ấy thực chất đang khiến khối nợ trên vai thế giới ngày càng nặng thêm.
Gần như bất cứ nhà kinh tế nào ở thời điểm hiện tại cũng đều biết rằng việc kinh tế Mỹ đang có tốc độ hồi phục cao hơn rất nhiều so với dự đoán. Ngoài ra, việc đồng USD có tốc độ tăng giá mạnh nhất trong vòng cả thập kỷ trở lại đây đang là những tín hiệu tốt cho nền kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Mỹ khấm khá trở lại với đồng USD tăng mạnh sẽ là một liều thuốc kích thích rất hiệu quả đối với nền kinh tế toàn cầu nhất là trong bối cảnh các nước khác đang đua nhau hạ tỷ giá đồng nội tệ của mình, điển hình là EU hay Nhật Bản. Điều này có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của các nước vào Mỹ sẽ rẻ đi và nhiều hơn, còn người dân Mỹ thì có điều kiện mua sắm nhiều hơn trước do thu nhập tăng và USD lên giá.
Đồng USD lên giá so với hàng loạt các đồng tiền chủ chốt khác như đồng Euro hay đồng Yen cũng đang tạo ra một làn sóng người Mỹ đi nước ngoài để tiêu tiền, người dân Mỹ thì chọn đi du lịch khi mà hầu hết các tour sang châu Âu hay sang Nhật giờ đây đã giảm chi phí trung bình tới 20% do việc đồng bạc xanh tăng giá mạnh.
Còn các doanh nghiệp Mỹ thì dù vẫn đang eo xèo về việc lợi nhuận ở nước ngoài sụt giảm do đồng nội tệ của nước mình lên giá so với đồng tiền ở nước bản địa, thì làn sóng đầu tư cũng đang tăng nhanh, mà điển hình là ở Nhật, khi mà sự chênh lệch tỷ giá giữa đồng Yen và đồng USD ngày càng tỷ lệ thuận theo chiều USD tăng lên còn Yen Nhật giảm xuống đang trở thành cơ hội ngàn vàng có một không hai để các doanh nghiệp Mỹ thâu tóm các loại tài sản ở Nhật Bản với giá hời nhất có thể, mà chủ yếu là ở lĩnh vực bất động sản.
Nhưng tất cả những lợi thế đó do việc USD tăng giá đem lại, đang che giấu đi một sự thật khủng khiếp, là gánh nặng nợ nần trên vai thế giới cũng tăng lên. Hầu hết các khoản vay nợ trên thế giới đều được thực hiện và quy đổi ra đồng USD, và khi mà đồng bạc xanh của nước Mỹ tăng giá quá mạnh, thì cũng đồng nghĩa với việc những khoản nợ ấy bỗng dưng phình to một cách đột ngột.
Không chỉ các nền kinh tế đang phát triển vốn luôn chiếm đa số trong các quốc gia đi vay nợ để phát triển kinh tế nhiều nhất, mà kể cả những nền kinh tế lớn cũng đang gặp vấn đề lớn với việc đồng USD tăng giá quá mạnh. Trung Cộng là một ví dụ điển hình, nền kinh tế thứ hai thế giới này đang có tổng mức nợ nước ngoài lên tới 1100 tỷ USD. Và đó mới chỉ là con số thống kê mà theo nhiều nhà phân tích là chỉ mang tính bề mặt, con số nợ thực chất của Trung Cộng có lẽ sẽ còn lớn hơn thế rất nhiều.
Với việc đồng USD tăng giá mạnh như hiện nay, gánh nặng nợ nần của Trung Cộng đang ngày càng phình to với một tốc độ khủng khiếp khiến cho Bắc Kinh lần đầu tiên trong lịch sử tuyên bố sẽ xiết chặt vấn đề nợ công ở các địa phương để đề phòng trường hợp một sự phình to và có thể nổ tung của khối nợ công nước này.
Điều đáng nói hơn là Mỹ không chỉ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khối nợ công của các nước trên thế giới tăng vọt qua việc đồng bạc xanh tăng giá mạnh lần này. Nước Mỹ còn là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến việc tình trạng vay mượn để phát triển của các nước trên thế giới gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2007 dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra một năm sau đó đã khiến nước Mỹ buộc phải in thêm một lượng lớn USD để giải cứu hệ thống tài chính và ngân hàng của mình. Vì khi ấy hệ thống tài chính và ngân hàng đang vỡ vụn do cuộc khủng hoảng khiến cho đồng USD mất giá khá mạnh trên thế giới trong khoảng thời gian sau đó.
Tỷ phú Michael Bloomberg
Việc đồng USD mất giá và được duy trì một lãi suất khá thấp kể từ sau năm 2008 đã dẫn đến tình trạng các nước – đặc biệt là các nước đang phát triển – đua nhau vay mượn để phát triển kinh tế, và hầu hết đều là các khoản vay bằng đồng USD vì đó là thời cơ hiếm có để các nước có được những khoản vay với điều kiện hời để phát triển kinh tế.
Theo ước tính, đến năm 2013, tổng các khoản vay nợ phi ngân hàng ở các nước đang phát triển trên thế giới đã đạt mức 4000 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong lịch sử kinh tế thế giới. Sở dĩ các nước đang phát triển vay mượn mạnh tay như thế là vì các nhà phân tích dự đoán phải đến năm 2016-2017 nước Mỹ mới bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế, và quãng thời gian đó là đủ dài để các nước đang phát triển thanh toán dần những khoản nợ của mình.
Nhưng kinh tế Mỹ đã hồi phục sớm hơn dự kiến và với đòn bẩy từ cuộc cách mạng dầu đá phiến đã khiến cho nền kinh tế đứng đầu thế giới có mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn cuối năm 2014, điều này là nguyên nhân trực tiếp khiến đồng USD có mức tăng giá mạnh mẽ nhất trong vòng cả thập kỷ trở lại đây. Điều này đã vượt ra ngoài dự đoán của các nhà phân tích và đang đẩy các nước đang phát triển, kể cả Trung Cộng, lâm vào cảnh dở khóc dở cười.
Năm 2008, nước Mỹ đã cuỗm đi một phần lớn của cải của các nước trên thế giới bằng cách bơm USD ồ ạt để giải cứu nền kinh tế của mình. Điều đó khiến cho một phần không nhỏ quỹ dự trữ ngoại tệ của các nước trên thế giới bỗng dưng bốc hơi do đồng USD mất giá. Và giờ đây, nước Mỹ cũng đang khiến lượng tiền tuồn ra khỏi túi phần còn lại của thế giới nhiều hơn, nhưng bằng một cách ngược lại là tăng gánh nặng nợ nần trên vai thế giới do đồng bạc xanh của nước Mỹ tăng giá.
MTG (theo Bloomberg)
No comments:
Post a Comment