12/16/13

NGƯỜI LÀM ĐẢNG CỘNG HÒA CHAU MÀY

Hoàng Ngọc Nguyên
Viet Tribune
Khi Hồng y Jorge Mario Bergoglio của Argentina được Giáo hội La Mã bầu lên kế nhiệm Giáo hoàng Benedict từ nhiệm vào đầu năm nay, người trong đạo hay ngoài đạo đều có một niềm tin rằng ông sẽ mở ra một chương mới cho giáo hội để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời đại toàn cầu hóa đang bị xáo trộn cực kỳ bởi sự bất an từ miền Trung Đông Hồi giáo.

Ngưòi ta từng bầu Giáo hoàng John Paul II, người Ba Lan, và ông đã xuất sắc trong việc giữ gìn niềm tin và tinh thần đấu tranh cho những người Thiên Chúa giáo phải sống trong những chế độ Cộng Sản ở Đông Âu. Vào năm 2005, Giáo hoàng Benedict người Đức đã đăng quang trong niềm tin Giáo hội cần được chấn chỉnh – nhưng không cải cách - để duy trì tính chính thống của nó. Tuy nhiên, nay thì Giáo hội đã lựa chọn Giáo hoàng Francis với một tầm nhìn mới.
Những đòi hỏi của tình thế đều chỉ ra hướng đó. Lòng hàng trăm triệu tín đồ Thiên Chúa giáo trên khắp năm châu cũng mong đợi điều đó. Và chính lãnh đạo của giáo hội cũng may mắn thay ghi nhận được điều đó. Nếu không, Giáo hoàng Benedict đã không từ chức. Ông từ chức không chỉ vì những chuyện như các cha thích trẻ con làm cho cả nhà thờ mang bao nhiêu tai tiếng,  chuyện phá thai, đồng tính luyến ái và hôn nhân, cùng với sự vùng lên của các nữ tu đòi quyền bình đẳng với nam giới. Ông từ chức khi tất cả các tôn giáo nói chung, để tồn tại và đứng vững như là một nơi ẩn náu và cứu rỗi tâm linh của con người, đang đứng trước nhu cầu phải hóa thân nhập thế, tách khỏi thành phần quyền quí vi tiểu trong xã hội để nhập vào đại đa số quần chúng, hiểu được những vấn đề của họ, chia sẻ những vấn đề của họ và tìm cách làm vơi đi gánh nặng của những vấn đề này trong cuộc sống.
Giáo hoàng Francis, xuất thân từ một xóm nghèo của thủ đô Bunos Aires, là nơi nổi lên rõ ràng nhất sự bạo hành của cường quyển và sự cùng khồ của người dân lao động, là một người đi vào đời sống tu hành với hai ám ảnh đó cùng với quyết tâm chống lại những tệ nạn đó của loài người. Sự đăng quang của ông đã thắp sáng đêm tối lạnh lẽo của nhân loai, mở ra một con đường trước mặt cho mọi người cùng hướng tới - không chỉ cho người trong đạo, mà cả những người có niềm tin khác. Cả năm nay người ta vẫn nói nhiều đến cách sống khiêm cung của ông, từ nơi ăn, chốn ở đến cách đi lại và tiếp xúc với quần chúng. Không ai thấy trong đó là sự trình diễn của những nhà chính trị, mà rõ rệt chỉ là quen một lối sống không thể trên, không thể khác mọi người. Thời trẻ, ông đã từng làm nhân viên canh cửa cho một hộp đêm ở Buenos Aires, ông cũng từng làm công việc lau chùi sàn nhà và làm những thử nghiệm ở một phòng thí nghiệm hóa học. Khi còn ở trong nhà dòng Jesuit ở quê nhà, ông thường phải dậy từ 5 giờ rưỡi sáng để lo giặt ủi cho các nhà tu ở chủng viện đó. Ông nói công việc sau đó, dạy văn chương và tâm lý cho sinh viên, đã dạy cho ông phải làm thế nào để đưa người ta trở lại với giáo hội.
    Thông điệp của ông tự viết dài đến 85 trang, 50.000 chữ, được đưa ra trong tuần Lễ Tạ Ơn ở Mỹ có tựa là “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Trong Phúc Âm) đã trở thành một lời phán quyết có tính lịch sử ngay khi ban hành. Giáo hoàng đã kêu gọi có những thay đổi lớn nơi Giáo hội La Mã, ngay từ thượng tầng của định chế, ông nói rằng nhà thờ cần suy nghĩ lại về những qui luật và tập quán nay không còn được hiểu rộng rãi hay không còn hiệu nghiệm trong việc truyền bá đạo. Theo tường trình của CNN, ông nói “Tôi vẫn thích một Giáo hội bị bầm dập, đau đớn, và dơ bẩn vì đã bước vào đường phố, hơn là một Giáo hội không lành mạnh vì bị cấm cung và cố bảo vệ sự an toàn của mình”.  Được xem là một lời tâm tình gởi đến 1.5 tỷ tín đồ toàn cầu, ông nói: “Tôi không muốn có một Giáo hội La Mã chỉ lo giữ vai trò trung tâm và rồi bị mắc kẹt trong một mạng chằng chịt những ám ảnh và thủ tục”.
    Đương nhiên đông đảo quần chúng đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông. Và cũng đương nhiên không thiếu gì những phản ứng kinh ngạc và bất bình trước những lời Giáo hoàng tuyên phán. Bởi vì căn bản, hay thực chất, đây là một thách đố gay gắt đối với nguyên trạng (status quo). Chính Giáo hoàng cũng nói đây không chỉ là một thách đố “ngôn từ”. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng những gì tôi đang cố nói lên có ý nghĩa của một chương trình (hành động) và những hậu quả quan trọng”. 
Từ khi được bầu vào chức vụ tột đỉnh trong giáo hội La Mã, Giáo hoàng Francis, người đầu tiên đến từ châu Mỹ La-tinh, đã gây ra bao nhiêu chấn động với những phát biểu phê phán sự vô tâm vô đạo của chủ nghĩa tư bản hiện đại, đồng cảm với quần chúng nghèo khổ cùng những người khuyết tật, và vươn đến với những người đồng giới tính.
    Trong “Niếm Vui Trong Phúc Âm”, ông nhấn mạnh tín đồ Thiên Chúa giáo hãy thôi bị ám ảnh bởi những chuyện “chiến tranh văn hóa” - sự tranh luận và bảo vệ những giá trị và tập quán có tính truyền thống – mà nên tập trung vào việc “truyền bá Phúc Âm” - đặc biệt cho giới nghèo khổ và đứng bên lề xã hội. Ông mạnh dạn tấn công sự bất bình đẳng kinh tế, gọi đó là “những thách đố thực sự của thế giới ngày nay”. Ông nghiêm khắc phê phán “sự tôn sùng đồng tiền” và “sự bất bình đẳng dẫn đến bạo lực trong xã hội”. Ông cho rằng chủ thuyết kinh tế “lan dần xuống dưới” (trickle-down economics) – cho rằng tiền bạc, của cải xã hội tạo được bởi tầng lớp trên sẽ dần dần cải thiện được thân phận của lớp dưới –
“diễn tả một niềm tin đơn giản và ngây thơ vào tính hướng thiện của những người nắm được quyền lực kinh tế trong xã hội”. “Những tầng lớp bị loại trừ vẫn đang còn dài cồ đợi chờ,” ông nói. 
Bởi vậy, Giáo hoàng cho rằng giáo hội chớ sợ giày phải vấy bùn khi lội ra ngoài đường phố”. “Thay vì sợ phải đi chệch đường, tôi hy vọng rằng chúng ta phải thấy bất an trong mối lo sợ bị giam hãm trong những cấu trúc khiến cho chúng ta bám vào một ý thức an toàn giả tạo, những qui tắc làm cho chúng ta trở thành những quan tòa nghiệt ngã, những thói quen cho chúng ta ảo tưởng yên ổn, dù cho ngay ở ngoài cửa nhà, người ta đang nằm chết đói”. Ông nói đến những thay đổi cần có ngay từ thượng tầng của giáo hội, “bởi vì tôi phải thực hành những gì tôi yêu cầu nơi người khác, nên tôi cũng phải nghĩ về chuyện cải biến sự lãnh đạo giáo hội”. Sự tập trung hóa quyền lực của nhà thờ, “mọi con đường đều dẫn đến La Mã”, và lối suy
nghĩ đã nhập tâm “lâu nay chúng ta vẫn làm như vậy” đã làm cho giáo hội không thể đến được với người dân địa phương tại những nơi xa xôi bên ngoài.
    Chúng ta đã được nghe những lời khâm phục từ những nhà tu đến giới trí thức. James Martin, một linh mục dòng Jesuit nhận xét rằng ông không thể nhớ được “có bao giờ đọc được một văn kiên của Giáo hoàng làm cho người ta phải động não suy nghĩ, phải thấy ngạc nhiên, và phấn khởi đến mức đó – một tầm nhìn mới hào hứng cho thấy giáo hội phải như thế nào”.  Theo ông, Giáo hoàng đã nhấn mạnh được một cách thuyết phục ba điểm: phải có một cái nhìn mới, sẵn sàng hành động theo cách mới, và có một viễn quan mới về giáo hội.
Nhà bình luận E. J. Dionne trên nhật báo The Washington Post đã nói đến “Con tim trong sứ mạng của Giáo hoàng Francis ”. Ông viết “Đạo Thiên Chúa qua nhiều thế kỷ đã được sử dụng để phù trợ giới quyền thế. Nhưng, ngay từ bắt đầu, thông điệp của Thiên Chúa đã là khuấy đảo các hệ thống chính trị, nghiêm khắc đối với những kẻ ở trên cao và đặt ra trách nhiệm đối với tất cả những ai xem đó là việc nghiêm chỉnh. Giáo hoàng Francis đã làm thế giới kinh ngạc khi ông cổ vũ lời kêu gọi của Thiên Chúa hãy gây xáo trộn và thách đố. Là người lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội Thiên Chúa đến từ Nam Bán Cầu, ông đã đặc biệt quan tâm đến những lề thói của một chủ nghĩa tư bản phóng túng đã bỏ rơi người nghèo và làm cho họ sống mãi trong ‘đợi chờ’”. Dionne tán đồng sự lên án của Giáo hoàng đối với khoa kinh tế “thịnh vượng thẩm thấu” xuống dưới nếu chính phủ chịu giảm thuế và tăng sự ưu đãi cho giới tư bản giàu có. Ông nhắc lại quan điểm của Giáo hoàng đó là một thuyết “chưa hề được thực tế chứng nghiệm” và đã tạo ra “một sự vô tâm trên toàn cầu”. Ông cũng nhắc quan điểm cua Giáo hoàng về nền kinh tế tiêu thụ, “đã làm phơi bày một cảnh bẽ bàng của những người không có cơ hội”.
    Chẳng phải mọi phản ứng đều nồng nhiệt như thế. Tuần qua, một nhân vật bảo thủ nổi tiếng trong đảng Cộng Hòa, vẫn được xem là phát ngôn nhân không chính thức cho phe hữu của đảng, đã lên tiếng nói ông “rất buồn” trước thông điệp của Giáo hoàng và phàn nàn người lãnh đạo Tòa thánh La Mã quá “Mác-xít”. Bài đáp lại của ông ta có tựa “Thật buồn khi thấy Giáo hoàng Francis sai lầm biết bao (trừ phi đó là một bản dịch cố tình phản dịch của những người tả khuynh)”, đã công kích những quan điểm kinh tế của Giáo hoàng, nói rằng ông đã sai lầm “một cách kịch tính, gây rối trí và hỗn loạn”. “Nó đáng buồn vì ông giáo hoàng này nói rất rõ ông chẳng biết ông đang nói gì khi liên quan đến chủ nghĩa tư bản va chủ nghĩa xã hội”. Limbaugh nói hoặc Giáo hoàng bị người ta “mớm” cho những tư tưởng “phản động”, hay ông để cho một phần từ thiên tả nào đó viết cho ông. Một người tích cực phụ họa cho Limbaugh là Sarah Palin!
Limbaugh buồn vì Giáo hoàng nói ngược ý ông ta. Chúng ta lại khác. Chúng ta chỉ thêm lo khi nghe những phát biểu giáo điều, sặc mùi ý thức hệ lỗi thời đang làm cho nước Mỹ hiện nay điêu đứng. Bởi vì Limbaugh hay Palin chỉ la cái loa cho một tập thề lớn hơn, nguy hiểm hơn.
Nhiều điều Giáo hoàng tuy phát biểu chỉ cho tôn giáo của ông nhưng ta nghe rất phù hợp với những gì đảng Cộng Hòa hiện nay cần nghe nhưng họ không muốn nghe. Đừng hao tốn thì giờ vào những chuyện cãi cọ “văn hóa truyền thống”, có tính cách ý thức hệ vô bổ. Phải đoạn tuyệt với một số qui cách, tập quán chính thống không thích hợp với thời đại. Để đến với người dân, không có con đường nào khác: phải quan tâm đến những người nghèo, bất hạnh trong xã hội. Lo cho người nghèo, không chỉ là bảo đảm cho họ những phúc lợi xã hội sống còn, mà phải nhìn thẳng và tấn công vào hệ thống kinh tế lâu nay đã dìm họ vào trong cảnh nghèo đói.
    Đó là những điều những người Cộng Hòa không muốn nghe, không phải chỉ vì họ đa số là người Tin Lành, một số người có quan điểm sai lầm có tính lịch sử về quyền tự do cá nhân vô giới hạn và không có trách nhiệm với tập thể là nguồn gốc của sự thành công cho mọi người. Họ không muốn nghe còn vì lý do chính trị - những quyền lợi không thể bỏ được.
    Đầu tháng 12 này, Mùa Giáng Sinh đang tới, người ta nói đến những mong đơi của người nghèo. Cùng những mối lo. Mong đợi về chuyện tiền lương tối thiểu. Về sự phục hồi tem phiếu thực phẩm. Về gia hạn trợ cấp thất nghiệp. về chính phủ vượt qua những bế tắc trong thương lượng giữa hai đảng để không còn chuyện đóng cửa chính quyền và cắt ngân sách bừa bãi nữa. Thế nhưng người ta lo rằng tháng chạp này khó yên bình. Lý do đơn giản là ngưòi Cộng Hòa không quan tâm đến sự an bình của quần chúng bất hạnh ở dưới. Người Cộng Hòa còn muốn lợi dụng tình trạng trục trặc của Obamacare để đánh một trận lớn, không có hưu chiến trong mùa lễ.
“Niềm Vui Trong Phúc Âm” sẽ làm cho đảng Cộng Hòa suy nghĩ lại, hay chỉ khiến cho họ thêm bực mình và đạp lên tất cả để đi tới. Khi người ta hành động bất kể lý lẽ, có lẽ sự tuyệt vọng đã đến mức cùng cực!

No comments:

Post a Comment