2/4/13

Trước Lạ, Sau Quen

Hoàng Ngọc Nguyên

Ngày 21-1, Tổng thống Barack Obama đã đọc một bài diễn văn nhậm chức nhân Lễ Đăng Quang nhiệm kỳ thứ hai của ông. Mới nghe, người ta cảm thấy là lạ về con người này. Hay đúng hơn về những lời lẽ trong bài diễn văn. Suy nghĩ lại, người ta thấy đúng là ông Obama. Con người và khẩu khí. Trước lạ sau quen. Nhưng nghe quen rồi vẫn thấy lạ!

Có lẽ không cần khen “phò mã tốt áo”! Tổng thống Barack Obama nổi tiếng là người hùng biện. Ông lại có một số chuyên viên hảo hạng trong nghề viết diễn văn. Tuy nhiên, nghe nói chính tay ông đã đích thân viết bài diễn văn mà ông phát biểu trong buổi Lễ Đăng Quang nhậm chức tại tiền sảnh của Điện Capitol – tòa nhà Quốc Hội - tại Washington, D.C. trưa thứ Hai. Nhiều người đã khen nức nở bài diễn văn này - người ta cho đó là một trong những bài diễn văn nhậm chức hay nhất, có lửa nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, muốn hiểu, muốn đánh giá một người qua một bài diễn văn, nhiều khi phải đọc bài nói chuyện này hai ba lần lui tới, bởi vì nghe phớt qua một lần thường không tránh được sự thiếu sót, và không bao giờ được quên người ta viết cho ai, nói với ai. Bài diễn văn của ông Obama chỉ vào khoảng 2.100 chữ, kéo dài khoảng 20 phút, độ dài và thời gian lý tưởng cho một bài diễn văn của một vị nguyên thủ quốc gia (không làm người ta ngủ gật). Và tất cả những người đã bỏ phiếu cho ông Obama trong ngày 6-11 vừa qua nay hiểu rõ hơn vì sao mình tín nhiệm ông, hay họ hài lòng vì ông đã chẳng phụ lòng tin của họ. Lý do là vì hầu như ông đã viết bài này chỉ cho họ, ông chỉ nghĩ đến những cử tri của mình khi đặt bút viết. Ngọn lửa ông đốt lên trong mùa đông giá lạnh năm nay qua bài phát biểu này cũng chỉ cốt sưởi ấm họ.
Điều người ta có thể kết luận qua bài diễn văn là ông dùng cơ hội này để bênh vực, bảo vệ môt số quan điểm, một số chính sách có tính cách nền tảng của ông, từ đối nội đến đối ngoại - những quan điểm, chính sách lâu nay vẫn gây tranh cãi và gặp sự chống đối kịch liệt từ phía những người Cộng Hòa. Và do đó, đồng thời là một sự cam kết sẽ tiếp tục giữ vững những quan điểm, chính sách đó, và thúc đẩy sự thực hiện chúng thay vì lúng túng trong sự bế tắc do sự cản phá của phía Cộng Hòa mà người ta đã thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên. Bởi vậy, nhìn theo một cách nào đó, nếu chỉ xét riêng mặt những vấn đề quốc nội mà bài diễn văn nêu ra, nó có tính cách của một bản “tuyên ngôn” (giống như “manifesto” của người Cộng Sản cả một thế kỷ rưỡi trước đây) của những người Dân Chủ theo khuynh hướng “tự do” (liberalism) đấu tranh cho sự thăng tiến bình đẳng của những thành phần cô thế trong xã hội – nếu không nói là sự kêu gọi một cuộc “đấu tranh giai cấp”.
Ông đã nhấn mạnh vào những vấn đề gì và nhắm vào đối tượng nào trong xã hội? Ngay từ đầu, ông đã nhắc đến Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ long trọng xác định Tạo hóa sinh ra con người bình đẳng và những quyền bất khả xâm phạm của con người: sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc. Ông nói: “Chúng ta, người dân nước Mỹ, vẫn còn tin rằng mỗi công dân xứng đáng được hưởng một mức độ cần thiết an toàn và nhân phẩm”. Sau đó, ông nêu bật sự phát triển không bình đẳng, không đồng đều trong xã hội, đến như một tình trạng bất công phải quan tâm. “Bởi chúng ta, người dân nước Mỹ, hiểu rằng đất nước chúng ta không thể thành công được khi một thiểu số ngày càng nhỏ ăn nên làm ra trong khi một đa số ngày càng lớn lại khó khăn, chật vật. Chúng ta tin rằng sự thịnh vượng của Hoa Kỳ phải tựa trên đôi vai rộng của giai cấp trung lưu đang tăng trưởng. Chúng ta biết đất nước Hoa Kỳ phát triển khi mỗi người dân có thể tìm thấy sự tự chủ, tự hào trong công việc, khi tiền công trả cho lao động lưong thiện giúp cho các gia đình thoát khỏi bờ vực gian truân. Chúng ta sống với niềm tin trung thực khi một bé gái được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn tăm tối biết rằng cháu cũng có cơ hội thành công giống như những người khác, bởi vì cháu là dân Mỹ; cháu được tự do, cháu được bình đẳng, không chỉ trong mắt của Thượng Đế mà cả trong mắt của chúng ta.”.

Trong tất cả những bài diễn văn của ông Obama chúng ta đã theo dõi trong suốt bốn năm qua, đây là bài nhìn sâu vào cuộc sống của các thành phần khác nhau trong tầng lớp dưới nhất. Ông nói: “Cùng nhau, chúng ta khẳng định rằng một đất nước vĩ đại phải quan tâm đến những người bấp bênh, và bảo vệ người dân của mình trước những bất hạnh, bất trắc lớn nhất trong cuộc sống.” Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không tin rằng trên đất nưóc này, tự do chỉ dành cho những người may mắn, hay hạnh phúc là chỉ cho một số ít người. Chúng ta nhận thức rằng dù cho chúng ta cố gắng sống một cách có trách nhiệm đến chừng nào, trong chúng ta bất cứ ai, bất cứ lúc nào, cũng có thể bị mất việc, bị nhuốm bệnh bất ngờ, hay nhà cửa bị giông bão khủng khiếp cuốn bay. Những cam kết chúng ta đã có cho nhau qua các chương trình Medicare và Medicaid và An sinh Xã hội, những chương trình này không làm cho chúng ta nhụt chí, mà còn làm cho chúng ta mạnh hơn. Chúng không làm cho chúng ta thành một đất nước của những người chỉ biết nhận; chúng làm cho chúng ta được tự do để chấp nhận những bất trắc trong việc làm nên một đất nước vĩ đại.”

Những người chỉ trích ông Obama đang có dịp may để phê phán ông kích động người dân như muốn thúc giục họ nổi dậy, đối kháng với thiểu số giàu có, quyền thế trong xã hội. Quả thật ông Obama đã không thiếu sót trong việc với tới những người vẫn ở trong tầm mắt của ông. Ông nói: “Chúng ta phải là nguồn hy vọng cho người nghèo, người bệnh, người đứng bên lề, người là nạn nhân của thành kiến – không chỉ là vì có lòng trắc ẩn, mà vì hòa bình trong thời buổi của chúng ta đòi hỏi sự xúc tiến không ngừng những nguyên tắc có tính cách là tín điều của chúng ta: sự dung chấp và cơ hội, nhân phẩm và công lý… Bởi vì cuộc hành trình của chúng ta chưa kết thúc cho đến khi những người vợ, những người mẹ, những người con gái của chúng ta có thể có được cuộc sống tương đương với sức họ đã bỏ ra. Cuộc hành trình của chúng ta chưa kết thúc cho đến khi nhũng người anh, người chị đồng tính của chúng ta được đối xử như mọi người theo luật pháp - bởi vì nếu chúng ta thực sự bình đẳng, thì tình thương chúng ta dành cho nhau chắc chắn cũng phải đồng đều. Cuộc hành trình của chúng ta chưa kết thúc cho đến khi không còn ai phải chờ đợi hàng giờ để được đi bỏ phiếu. Cuộc hành trình của chúng ta chưa kết thúc cho đến khi chúng ta tìm ra được một cách tốt đẹp hơn để chào đón những ngưòi di dân chứa chan hy vọng và đầy cố gắng khi họ vẫn còn thấy nước Mỹ là một vùng đất của cơ hội – cho đến khi những sinh viên và những kỹ sư trẻ xán lạn được tham gia vào lực lượng lao động của chúng ta thay vì bị trục xuất khỏi nước. Cuôc hành trình của chúng ta chưa kết thúc cho đến khi tất cả những trẻ em của chúng ta, từ những đường phố ở Detroit cho đến những khu đồi Appalachia cho đến những con đường phẳng lặng ở Newtown, biết rằng chúng được chăm sóc, nuôi dưỡng, và luôn luôn an toàn không sợ bị hại.”
Đúng là ông Obama đã không bỏ sót ai cả: người già đang lo lắng vì Medicare và tiền hưu An sinh Xã hội, người bệnh cần bảo hiểm y tế, người nghèo cần Medicaid, phụ nữ cần sự bình đẳng, trẻ em cần sự an toàn ở nhà trường, người di dân không hợp pháp muốn có giấy tờ, người đồng tính muốn được luật pháp “bình thường hóa” những cuộc hôn nhân của họ, người thiểu số muốn được quyền đi bầu… Ông cũng không bỏ sót những vấn đề “ruột” của ông: Medicare, Medicaid, An sinh Xã hội, cải tổ di dân, tăng cường kiềm soát súng đạn.. Nhiều tác giả đã đồng ý rằng bài diễn văn này là một tác phẩm có tính “triết lý chính trị” nhiều hơn là một bài diễn văn nhậm chức.
Vấn đề dường như chính là ở chỗ đó.
Lý do là vì bài diễn văn này, trên nguyên tắc, là dành cho tất cả quần chúng – không chỉ dành cho quần chúng của ông Obama mà thôi. Những người Dân Chủ có thể vỗ tay từng chập trước những lời ông nói, nhưng người dân Cộng Hòa, đang chiếm ít nhất cũng 35% trong dân chúng, làm sao có phản ứng tương tự khi họ thấy họ và những vấn đề của họ bị bỏ quên. Ngay cả trong số những người độc lập, có người độc lập hữu khuynh, người tả khuynh. Có phải ai cũng sẵn sàng hoan nghênh đâu.

Bài diễn văn này triết lý quá, như của một người ngồi trong tháp ngà quan sát sự đời mà diễn giải và phán quyết mà không nhìn vào thực tế của chính trường và những vấn đề gay go của nó. Nó không bao quát được tất cả những vấn đề mà chính quyền sẽ phải giải quyết - sự bao quát có tính phân tích cần thiết nơi một bài diễn văn nhậm chức. Người ta vẫn phê bình giới chính trị Mỹ vì bị ràng buộc trong những nhiệm kỳ ngắn hạn nên thường không có tầm nhìn xa, lâu dài. Bài diễn văn này của ông Obama đã không đủ tác dụng cảnh báo về những vấn đề chiến lược của đất nước, cho dù ông cũng có đề cập đến những cải cách cần thiết hiện nay với tác dụng lâu dài.

Ông đọc diễn văn nhậm chức, đọc trước Quốc Hội đương nhiên có những dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa hiện diện. Những người ông sẽ phải làm việc một cách hợp tác, thỏa hiệp với họ trong thời gian bốn năm sắp đến. Thông thường, vị tổng thống sẽ lợi dụng cơ hội này để kêu gọi đoàn kết, hợp tác cùng bình luận một cách cởi mở, thiện chí những vấn đề phải cùng nhau giải quyết trong tinh thần tương nhượng dựa trên lẽ phải. Những người Cộng Hòa bảo thủ đang phẫn nộ vì có cảm tưởng họ cùng những vấn đề của họ bị bỏ quên và ông Obama chỉ nhìn một chiều.

Thực ra, ông Obama làm sao quên họ được. Nhưng ông dường như muốn tạo áp lực để đạt được những chuyển biến chính trị thay vì cứ bị kềm chế chặt chẽ. Ông nói: “Bởi vì nay chúng ta phải quyết định và chúng ta không còn có thể chậm trễ hơn nữa.” Ông còn nói: “Chúng ta vẫn luôn luôn hiểu rằng khi thời thế thay đổi, chúng ta cũng phải chuyển biến; rằng sự trung thành với những nguyên tắc nền tảng đòi hỏi những cách đáp ứng mới đối với những thách đố mới; rằng gìn giữ những tự do cá nhân của chúng ta cuối cùng cần phải có hành động tập thể.”

Có thể còn hơi sớm để kết luận phương hướng hành động của ông Obama trong nhiệm kỳ hai. Người ta nói có đủ dấu hiệu cho thấy ông sẽ “quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, khôn ngoan hơn”. Qua bài diễn văn này, người ta chỉ mới thấy hai trong ba điều đó![HNN]

No comments:

Post a Comment