9/26/11

Tại sao phụ-nữ lại nói nhiều?

Anh chị em thân mến,

Ai đặt câu hỏi kiểu này thì rõ-ràng là người đó đã mặc-nhiên khẳng-định rằng phe phụ-nữ là những người luôn luôn lắm nhời hơn phe đàn ông; vấn-đề còn lại - theo người đó - chỉ là tìm hiểu xem tại sao lại xảy ra hiện-tượng bất tương-xứng như trên mà thôi.

Thế nhưng phe phụ-nữ có thực-sự là những người nhạy mồm lắm miệng hơn phe đàn ông, hay lời khẳng-định trên chỉ là một câu phán-quyết võ-đoán, hồ-đồ mang đầy tính-chất kỳ-thị giới-tính?

Bỏ ra vài phút để làm cái việc "fact check" (chữ này nếu chỉ nghe một lần chắc không thể nhớ mãi!) thiết tưởng cũng là một điều nên có và cần-thiết để - trong một chừng-mực nào đó - góp phần lên tiếng giải oan cho ... Thị Mầu.

Đại-để thì có khoảng chừng ... năm trường-phái khác nhau:

1.- Trường-phái thứ nhất, dựa trên các bằng-chứng khảo-cổ học, xác-quyết rằng vào thời-kỳ nguyên-thủy, khi loài ngưòi hãy còn là những sinh-vật phát-triển thô-sơ (Homo), chủ-yếu kiếm thức-ăn bằng việc hái & lượm, thì nam hay nữ đều chí chóe suốt ngày với một số-luợng âm-thanh ngang ngửa như sau.

Mãi cho đến thời-kỳ đồ đá (Stone age), khi nguồn thực-phẩm chủ-yếu là do công-việc săn bắt mang lại thì vấn-đề ngôn-ngữ của con người mới rẽ sang một bước ngoặc lớn.

Để cho việc săn bắt được an-toàn và đạt được hiệu-quả cao, những người đàn ông đi săn thường phải giữ im-lặng tuyệt-đối, nếu cần phải thông-tin lẫn nhau thì họ chỉ  sử-dụng những dấu-hiệu qui-ước bằng mắt, bằng tay mà thôi. Trải qua hai triệu năm trăm ngàn năm phải đối đầu và rình-rập hùm, beo, sư-tử ... kéo dài như thế, cánh đàn ông càng ngày càng ít nói dần vào buổi ban ngày. Buổi tối mệt mỏi quay trở về hang động, nhiều khi nhìn thấy bóng dáng của bà vợ thì lại giật mình tưởng là ... cọp nên cũng nín thinh luôn!

Trong khi đó, nhiệm-vụ chủ-yếu của cánh phụ-nữ trong thời-kỳ này chỉ còn là việc duy-trì nòi giống, chỉ quanh-quẩn suốt ngày trong hang động để chăm sóc và dạy-dỗ cho con cái tập nói. Vì thế mấy bà tha-hồ nói chuyện oang-oang với nhau mà không lo ảnh-hưỏng gì đến chuyện chén cơm manh áo cả.

Một cách tóm tắt, trường-phái này cho rằng căn-nguyên của hiện-tưọng phụ-nữ nói nhiều hoàn-toàn bắt nguồn từ lý-do xã-hội và kinh-tế.

2.- Trưòng-phái thứ nhì thiên về khoa giải-phẩu thần-kinh học và phân-tâm học nhiều hơn. Một số bác-sĩ, cụ-thể là nữ bác-sĩ Louann Brizendine của University Of California ở San Francisco, nghiên-cứu lâu dài và kết-luận trong cuốn sách "The Female Brain" của bà ấy rằng trung-khu ngôn-ngữ của người phụ-nữ phát-triển mạnh hơn nhiều hơn so với cánh đàn ông. Những tế-bào thần-kinh ở trung-khu ngôn-ngữ của phụ-nữ cũng có khả-năng dẫn-truyền nhanh chóng, xẹt qua xẹt lại nhanh gấp đôi so với các tế-bào thần-kinh của đàn ông. Một số bác-sĩ còn nghiên-cứu sâu hơn và đã chứng-minh cụ-thể rằng những khả-năng vượt trội về ngôn-ngữ của phụ-nữ (nói nhanh, nói nhiều) thực ra đã nẩy mầm và phát-triển ngay từ khi đứa bé gái hãy còn nằm trong bụng mẹ của nó cơ!

Một cách tóm tắt, trường-phái này cho rằng hiện-tượng nói nhiều ở phụ-nữ hoàn-toàn xuất-phát từ nguồn gốc tiên-thiên. Người ưa thì gọi đó là một năng-khiếu, kẻ ghét thì cho đó là một cái tật bẩm-sinh! Khỏi phải nghị bàn.

3.- Trưòng-phái thứ ba, dựa trên các thí-nghiệm khoa-học, cho hai nhóm sinh-viên đeo máy ghi âm và sound activate trong suốt 24 giờ, kết-quả ghi nhận được là nam hay nữ cũng chỉ nói khoảng 15,000 tiếng mỗi ngày như nhau.

4.- Trưòng-phái thứ tư giải-thích hiện-tượng phụ-nữ nói nhiều bằng câu chuyện điển-hình sau đây:

Một ông chồng đi làm về, hí-hửng khoe với vợ:

- Hôm nay anh mới đọc một tài-liệu nghiên-cứu trên internet trong đó họ khẳng-định dứt-khoát rằng tất cả mấy bà vợ đều có cái tật lớn là hay nói nhiều đến gấp hai, thậm-chí gấp ba lần hơn mấy ông chồng. Cụ-thể là một bà vợ trung-bình nói đến 20,000 tiếng một ngày, trong khi ông chồng thì chỉ sử-dụng khoảng 7, 000 tiếng mà thôi!

Bà vợ đáp:

- Bà bác-sĩ Brizendine đó kết-luận sai rồi anh ơi! Bà ấy đã rút lại lời kết-luận nói trên vì đã căn-cứ vào kết-quả của một công-trình nghiên-cứu không đáng tin cậy, nhưng người ta cứ gán cho bà ấy hoài. Thực ra thì mấy bà vợ cũng chỉ nói một số lượng từ-ngữ ngang bằng với mấy ông chồng mà thôi. Nhưng vì mấy ông thường có khuynh-hướng bỏ ngoài tai lời nói của các bà vợ nên họ không thực-sự hiểu các bà vợ muốn diễn-tả cái gì, cái tật lơ-đễnh đó làm cho mấy ông chồng nhiều khi phải hỏi lại vợ và ngưòi vợ - vì thế - chỉ lập lại những gì mà họ vừa nói mà thôi. Bây giờ thì anh đã rõ nguyên-nhân vì sao em nói nhiều chưa?

- Nguyên-nhân đó là gì vậy?

- Em nói là bà bác-sĩ Brizendine .........................

Anh chị em thân mến,

Trường-phái thứ năm dứt-khoát cho rằng "khiếu" nói nhiều không phải là bản-chất của phe phụ-nữ. Giáo-sư ngôn-ngữ học của Oxford University là Bà Deborah Cameron cho rằng phụ-nữ có thể nói huyên-thuyên suốt ngày với một đối-tượng nào đó (mà họ ưa hoặc không ưa) nhưng họ cũng sẵn-sàng tiết-kiệm từng lời trước mặt một đối-tượng khác.

Nôm-na thì bà Cameron cho rằng đàn bà nói ít hay nói nhiều là ... tùy ngưòi đối-diện!

Chính vì các cuộc tranh cãi về vấn-đề nói nhiều, nói ít của mấy bà hãy còn chưa ngã ngũ nên trong cuộc sống gia-đình, tôi luôn luôn nhường cho vợ tôi nói trước và nói nhiều lời hơn tôi, cho chắc ăn.

Bởi lẽ tranh hơn thua với vợ thì sớm muộn gì cũng xảy ra bất hòa, mà phần thiệt-thòi thì mình sẽ là người phải gánh chịu trước tiên: bỏ lên lầu ngủ một mình thì rủi đêm hôm khuya-khoắc tension nó vọt lên quá 200 milimét thủy-ngân thì lấy ai gọi phôn cấp-cứu cho kịp?

Nhưng chẳng lẽ vừa mới đằng-đằng sát khí cãi nhau với vợ mà sau đó lại tẽn-tò leo lên giường nằm cạnh thì trách sao cho khỏi bị ông Thượng-Nghị-Sĩ James Webb mỉa-mai rằng mình là kẻ sẵn-sàng đi chung chăn chung gối với ... kẻ thù (*)

Sáng Chúa Nhật, chỉ nói mấy lời vắn-tắt thế thôi. Nói dông-dài thêm nữa e rằng sớm muộn gì cũng bị gán cho cái tội lải-nhải dai nhách như ... đàn ông!

Thân mến cùng anh chị em,

--------------------------------------

(*) Sleeping With the Enemy - Senator James Webb(D, VA) - The AmericanEnterprize.org. - April 30-2003 - chỉ-trích thái-độ làm hoà thân-thiện của Chính-Phủ Hoa-Kỳ đối với CSVN.

HUYNH TRUNG-TRUC

No comments:

Post a Comment