8/24/09

Hoa Đào và Hoa Mimosa

Mùa xuân khi hoa đào bắt đầu nở, vợ tôi thường hỏi tôi : - ''Hoa đào Đà Lạt có đẹp bằng hoa đào ở đây không ? Màu hồng của hoa đào Đà Lạt có giống mầu hồng hoa đào ở đây không ?''
Vợ tôi cố tìm lại trong ký ức xem màu hồng của hoa đào Đà Lạt như thế nào, nhưng cô nàng không thể nào nhớ được. Nên mỗi khi mùa xuân về, nàng nhìn những cánh hoa đào đầu tiên nở, nàng lại hỏi tôi vẫn câu hỏi cũ : - ''Hoa đào Đà Lạt có đẹp bằng hoa đào ở đây không ?'' Câu trả lời của tôi vẫn thường là : - ''Hoa đào ở đây thiếu nắng nên không đẹp bằng hoa đào Đà Lạt. Nắng xuân ở đây đã hiếm hoi mà còn đầy những hơi lạnh của mùa đông nên hoa đào ở đây không tươi, không thắm. Nắng xuân Đà Lạt là nắng ấm miền nhiệt đới được trộn với hơi sương của miền cao nguyên nên nắng xuân Đà Lạt dịu dàng đủ làm cho hoa đào Đà Lạt tươi thắm. Chắc chắn đào Đà Lạt đẹp hơn đào ở đây bội phần !''
hoaanhdao
Vợ tôi thường ngắt lời tôi : - ''Tôi chỉ muốn biết mầu hồng của hoa đào Đà Lạt như thế nào. Màu hồng hoa đào Đà Lạt đậm hơn hay nhạt hơn so với mầu hồng của hoa đào trong vườn ông John ?''. Câu hỏi này làm tôi thật lúng túng. Ông John là ông hàng xóm chung hàng rào với nhà tôi.
Có nhiều buổi sáng vừa thức dậy, kéo màn cửa sổ, tôi giật mình đến tỉnh ngủ. Cây đào phủ đầy hoa sừng sững trước mặt tôi. Tôi cau mày nhìn cây đào một lúc. Sở dĩ tôi cau mày nhìn cây đào vì tôi có cảm tưởng cây đào đang thách thức tôi. Cây đào như cố phô trương tất cả những cái đẹp của nó cho tôi thấy. Tôi có cảm tưởng như nó nói với tôi : - ''Anh đừng tưởng chỉ Đà Lạt của anh mới có hoa đào đẹp. Hãy nhìn tôi đây này. Tôi cũng đẹp chẳng kém gì hoa đào Đà Lạt của anh''. Một vài buổi sáng sớm tôi ra vườn, trong cảnh im lặng của khu vực tôi ở, nắng sớm mới lên trong vườn nhà tôi, nhìn những cánh hoa đào của ông John rơi rụng nằm trên sân nhà tôi, tôi ngẩn ngơ tưởng mình đang sống ở Đà Lạt. Những cánh hoa đào sống khi còn ở trên cây và vẫn còn sống khi nằm trên mặt đất. Nhìn những cánh hoa đào mỏng manh nằm trên mặt đất tôi thấy những cánh hoa đào vẫn còn đầy sức sống. Màu hồng của những cánh hoa đào đã thu hút tôi, khiến tôi quên hẳn cảnh vật chung quanh. Trong giây phút đó tôi sững sờ tưởng như mình đang đứng ở một nơi nào đó tại Đà Lạt. Tôi không bao giờ nhìn cây đào của ông John một thời gian lâu. Tôi không nhìn nó lâu không phải vì tôi sợ nó quyến rũ tôi. Tôi biết chắc chắn rằng nó không thể nào quyến rũ được tôi để đến nỗi tôi quên cái đẹp của hoa đào Đà Lạt. Cây đào của ông John chỉ gợi sự nhớ nhung quê hương trong lòng tôi. Đó là lý do tại sao tôi không dám nhìn hoa đào của ông John lâu.
Tôi trả lời câu hỏi của vợ tôi : - ''Ở Seattle hiếm có một cây hoa đào đẹp như cây hoa đào của ông John. Seattle có quá nhiều loại hoa đào. Cây hoa đào của ông John là cây hoa đào quí và hiếm có ở Seattle. Còn Đà Lạt chỉ có một loại hoa đào. Màu hồng của hoa đào Đà Lạt đẹp hơn màu hồng của cây đào nhà ông John.
'' Vợ tôi nói : - ''Tôi chỉ muốn biết màu hồng hoa đào Đà Lạt đậm hơn hay nhạt hơn màu hồng hoa đào nhà ông John?'' Tôi bị vợ tôi đẩy vào chân tường. Tôi trả lời : - ''Màu hồng của hoa đào nhà ông John cũng gần giống màu hoa đào Đà Lạt . . .'' Dĩ nhiên vợ tôi không thỏa mãn với câu trả lời của tôi.
Mùa xuân năm nay hoa đào nhà ông John bắt đầu nở. Buổi sáng chủ nhật, tôi đang ở ngoài vườn thì vợ tôi gọi tôi vào nhà. Vợ tôi nói : - ''Anh bảo hoa đào Đà Lạt đẹp hơn hoa đào ở đây. Tôi vừa nói chuyện bằng điện thoại với chị Trâm. Chị Trâm bảo hoa đào ở đây đẹp hơn hoa đào Đà Lạt nhiều. Chị nói hoa đào ở đây đẹp đến nỗi chị ngắm mãi mà không chán. Tôi tin chị Trâm nói đúng. Anh chỉ học ở Đà Lạt có bốn năm. Còn chị Trâm là người sống ở Đà Lạt từ bé và chỉ rời Đà Lạt mới có sáu năm . . .
'' Tôi ngắt lời vợ tôi : -''Chị Trâm có nói màu hồng của hoa đào Đà Lạt thế nào không ?'' Vợ tôi lắc đầu. Tôi nói với vợ tôi : - ''Đẹp xấu đôi khi tùy tâm tình của mỗi người. Một cây đào đứng một mình ngoài đồng nội không đẹp bằng một bông hoa dại giữa cánh đồng. Một cây hoa gạo đầu làng giá trị hơn một cây hoa đào cũng được trồng ở đầu làng. Hoa đào Seattle được đặt trong một bầu trời xám ngắt, lạnh và ướt. Những cơn mưa ở Seattle không phải là những cơn mưa bụi. Hoa đào lại mong manh và mau tàn. Được sống trong một không gian lạnh, ướt và xám xịt thì hoa đào Seattle khó có thể làm xúc động được lòng người mặc dù màu hồng của hoa đào nhà ông John cũng rất đẹp. Còn hoa đào Đà Lạt được sống dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, trong một bầu trời trong xanh của miền cao nguyên xanh tươi và khô ráo. Hoa đào Đà Lạt phô trương được tất cả vẻ đẹp khiến lòng người phải mê mẩn vì hoa''.
Tôi ngừng rồi chậm rãi nói tiếp : - ''Muốn yêu hoa đào Seattle có lẽ anh phải chờ đến kiếp sau. Kiếp sau nếu anh được đầu thai làm người Seattle thì có lẽ anh mới yêu, mới xúc động khi nhìn hoa đào khoe sắc trong cơn mưa lê thê và bầu trời xám. Còn kiếp này thì không thể vì anh đã trót yêu hoa đào Đà Lạt''.
Tôi không thể quên được cảm giác hồi hộp xúc động của tôi, khi chiếc xe đò chở tôi vượt qua đèo thác Prenn, vượt qua thác Datanla và vào thị xã Đà Lạt. Nhìn những cây hoa đào rực nở thấp thoáng trong vườn của những biệt thự, tôi xúc động đến muốn khóc.
MIMOSA
Nhưng Đà Lạt đẹp không phải chỉ nhờ vào hoa đào, mặc dầu Đà Lạt được mệnh danh là xứ Hoa Đào. Còn một loại hoa nữa giúp Đà Lạt làm say đắm du khách là hoa Mimosa. Tại Đà Lạt Mimosa có hai loại : Mimosa Nhật và Mimosa Việt Nam. Tôi muốn nói đến Mi-mosa Việt Nam. Tôi còn nhớ cây Mimosa Việt Nam trước cửa phòng tôi ở Lữ Quán Thanh Niên. Ngắm cây Mimosa tôi có cảm tưởng có hàng ngàn con ngan mới nở được thu nhỏ bằng đầu ngón tay út đang ở trên cây. Màu vàng của hoa Mimosa cũng tương tợ như màu vàng mơn mởn của lông những con ngan mới nở. Màu vàng của Mimosa đã làm nổi bật màu hồng của hoa đào và màu xanh của bầu trời Đà Lạt, màu xanh của thông và màu xanh của núi Lâm Viên. Dáng của cây Mimosa đẹp hơn dáng cây Dogwood ở Seattle. Hoa Mi-mosa lại rất lâu tàn. Lá của Mimosa cũng đẹp hơn lá anh đào.
Tôi còn nhớ toán Hướng Đạo Thụ Nhân được Cha Viện Trưởng thuê cắt cỏ và dọn sạch quanh hàng rào viện. Làm xong công tác này tôi có hai điều áy náy trong lòng. Thứ nhất là Trương Viên cho chúng tôi biết : trước đó hai ngày, các bác lao công trong Viện lãng công đòi tăng lương. Cha Viện Trưởng mướn chúng tôi để thay thế họ. Thứ hai là tôi được giao nhiệm vụ đốn tận gốc một cây Mimosa rất đẹp. Tôi hỏi Lê Đường : - ''Tại sao lại chặt cây Mimosa này ? Chặt cây Mimosa này thì quá uổng !''. Lê Đường trả lời : - ''Cha Viện bảo chặt tất cả các cây, chỉ để lại những cây hoa Anh Đào. Chúng mình cứ làm theo ý muốn của cha Lập''.
Mấy ngày sau khi dọn dẹp, nhìn hàng rào Viện tôi thấy phong cảnh trở nên nghèo nàn và tẻ nhạt. Những cây anh đào chưa có hoa đứng trơ trọi như những phụ nữ đã tàn phai nhan sắc. Phải chờ đến khi hoa anh đào nở thì hàng rào Viện sáng sủa được một tháng và khi anh đào tàn, thì hàng rào Viện lại tẻ nhạt trong mười một tháng.
Nếu trồng cả một vườn toàn cây anh đào thì có thể không cần trồng thêm những cây khác. Nhưng nếu chỉ có năm mười cây anh đào trồng cách nhau, thì cần có những cây hoa khác chen vào để phong cảnh được phong phú linh động.
Một rừng cây phong không có lá trong mùa thu vẫn thấy đẹp. Năm mười cây phong trụi lá đứng xa cách nhau thì không thành một bức tranh.
Tôi tiếc những cây Mimosa bên hàng rào Viện. Hoa Mimosa đứng cạnh hoa đào thì đúng là bức tranh Thúy Kiều, Thúy Vân. Hoa đào đẹp rực rỡ như nàng Kiều, còn hoa Mimosa đẹp dịu dàng như nàng Vân.
o O o
Ở Seattle tôi thấy hoa đào nhưng tôi chưa thấy hoa Mimosa. Một hôm Lê Trọng Huấn dẫn tôi đến tiệm bán mỹ phẩm của người bạn gái của Huấn. Nhìn bảng hiệu Mimosa tôi thấy bực tức trong lòng. Tôi định nói với Huấn : - ''Mày nói với bà Nhung tháo bảng hiệu xuống. Màu vàng của hoa Mi-mosa đâu có phải là màu vàng nhợt nhạt như thế kia ! Cái bảng hiệu làm giảm giá trị của hoa Mimosa''.
Ở Seattle không có cây Mimosa, người ta nhìn chữ Mimosa được vẽ bằng loại sơn màu vàng nhạt bệnh hoạn thì làm sao người ta có thể nói hoa Mimosa là loài hoa đẹp.
Chị Nhung chủ tiệm Mimosa làm tôi bực tức, còn nhạc sĩ Anh Việt Nguyễn văn Trọng thì lại làm tôi ấm ức trong lòng cũng chỉ vì hoa Mimosa. Một buổi tối, Lê Trọng Huấn và tôi đến George Town Inn. để đón Nguyễn Đức Quang Du Ca về nhà tôi. Vào phòng khách của George Town Inn., tôi thấy có bốn người nữa ngồi chung bàn với Quang Du Ca. Tôi đoán họ đều là nhạc sĩ bạn của Quang Du Ca. Quang Du Ca chỉ một người đàn ông khoảng sáu lăm tuổi và hỏi tôi : - ''Mày nhớ anh này không ?'' Tôi lắc đầu : - ''Không nhớ nổi.'' Quang Du Ca nói : - ''Nhạc sĩ Anh Việt Nguyễn Văn Trọng.
''Đây là lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Anh Việt, tác giả bản nhạc bất hủ Bến Cũ ; một trong những bản nhạc tôi rất thích. Tôi chỉ nghe danh anh Anh Việt chứ không biết anh, mặc dù anh là bạn đồng môn của tôi. Anh Anh Việt cũng là sinh viên khóa I CTKD như tôi. Sở dĩ tôi không biết anh vì hai lý do :
Lý do thứ nhất là anh Anh Việt là sinh viên hàm thụ, còn tôi là sinh viên thực thụ. Lúc là sinh viên năm thứ I, anh đã là đại tá làm việc tại Bộ Quốc Phòng ở Sài gòn. Do đó thỉnh thoảng anh Anh Việt mới từ Sài gòn lên Đà Lạt dự lớp.
Lý do thứ hai là anh Anh Việt học chuyên ngành về Kinh Doanh, còn chuyên ngành của tôi là Chánh Trị.
Chúng tôi nói chuyện với nhau về Đà Lạt và Seattle. Trong câu chuyện, tôi buột miệng nói :
- Đà Lạt và Seattle có nhiều cái giống nhau cả về phong cảnh và con người. Seattle chỉ thiếu một điều là Seattle không có hoa Mimosa . . .
Anh Anh Việt ngắt lời tôi :
- Seattle có hoa Mimosa. Tôi đi Tacoma, tôi thấy một rừng Mimosa vàng rực ! .
Tôi định nói : - ''Anh lầm rồi ! '', nhưng tôi lại không nói vì anh Anh Việt và tôi không quen biết gì nhau trước đây và tôi tự biết, tôi có thói xấu là hay bị xúc động lúc tranh cãi. Anh Anh Việt lầm thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Ở Việt Nam anh ít lên Đà Lạt, mà có lên Đà Lạt anh cũng chỉ ngồi trong xe ô tô đi quanh thành phố, chứ không phải cuốc bộ khắp nơi như tôi. Sang Mỹ anh Anh Việt không sống ở Seattle mà anh định cư tại Cali. Anh Anh Việt đã lầm cây Mimosa với cây hoa vàng dại mà tôi không biết tên. Cây hoa vàng dại này mọc đầy dọc theo xa lộ Số 5 ở Seattle. Có lẽ vì nhạc sĩ Anh Việt quá yêu Đà Lạt và hoa Mimosa, cho nên cứ thoáng thấy cây nào ở xứ lạnh mà hơi giống cây Mimosa và có hoa màu vàng thì anh cho cây ấy là cây Mimosa chăng ?
Mầu vàng của hoa Mimosa khác hẳn với màu vàng của các hoa khác. Dù cây Mimosa có được trồng thành rừng thì màu hoa Mimosa cũng không làm thành một bức tranh màu vàng rực. Màu vàng của hoa Mimo- sa là màu vàng dịu dàng, nhất là không thể nào giống màu vàng quê kệch của đám cây mọc dọc theo xa lộ Số 5. Dáng cây Mimosa cũng khác với dáng của những cây dại mọc dọc theo xa lộ Số 5. Dáng cây Mimosa cao và có nhiều cành xòe như những cái tán tròn thanh nhã khác hẳn với dáng lúp xúp của những cây hoa dại mọc dọc theo xa lộ 5. Trên đường về nhà tôi, Huấn nói :
- Tao ở Seattle gần 20 năm, tao chưa hề thấy cây Mimosa. Nhạc sĩ Anh Việt đã lầm với cây hoa vàng dại mọc đầy dọc xa lộ.
o O o
Đà Lạt có rừng thông, có núi Lâm Viên, có hồ Xuân Hương, có hoa đào, có sương mù trắng xóa. Seattle cũng có rừng thông bát ngát xanh tươi; Seattle có ngọn Rainier cao chót vót quanh năm tuyết phủ; Seattle có hồ Washington mênh mông như một vịnh nhỏ; Seattle cũng có hoa đào xinh đẹp; Seattle cũng có sương mù huyền ảo; Seattle còn nằm bên bờ Thái Bình Dương bao la bát ngát. Nhưng chắc chắn Seattle không có hoa Mimosa.
Tôi nhớ lại đêm Dạ Vũ của Đại Hội Thụ Nhân 2000. Tối hôm đó nghe Phong Râu hát bài ''Cúc cù ru cù rú Pa lố ma'', tôi đã khóc. Lúc đó, đối với tôi, không một ca sĩ nào trên thế giới hát bài ''Cúc cù ru cù rú Pa lố ma'' hay bằng Phong Râu. Tôi biết rằng tôi nghe Phong Râu hát không phải bằng tai tôi, mà bằng trái tim của những sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt, của những sinh viên Khóa I Trường Chánh Trị Kinh Doanh.
Tôi cũng biết rằng tôi đã nhìn quê hương tôi không phải bằng đôi mắt tôi, mà bằng trái tim của những người Việt Nam tha hương.
Tôi nhớ Đà Lạt, tôi nhớ những người bạn thân thương của tôi. Họ là những bông hoa Đào, họ là những bông hoa Mimosa, họ là những bông hoa Hồng, họ là những bông hoa Forget Me Not, họ là những bông hoa Pensée, họ là những bông hoa Tulip, họ là những bông hoa Huệ, họ là những bông hoa Lan . . .
Nếu hỏi tôi : Tại sao tôi yêu quê hương tôi ? Tại sao tôi yêu em ? Tại sao tôi thấy hoa đào Đà Lạt đẹp ? Tại sao tôi bảo Phong Râu là ca sĩ hát bài ''Cúc cù rú cù rú Paloma'' hay nhất thế giới ?, v.v.
Tôi xin trả lời rằng : Bởi vì tôi là Nguyễn Đức Quang Già Cơ ngu si khờ dại !
Tôi mỉm cười sung sướng. Hoa Mimosa và hoa Đào đang nở trong trái tim mang nặng tình thương Đà Lạt của tôi ...
Già Cơ Nguyễn Đức Quang

No comments:

Post a Comment