GS Vương Văn Bắc
Trong niềm xúc động lớn lao gây nên bởi sự ra đi của Đức Ông Nguyễn Văn Lập, phản ứng tự nhiên của mỗi người chúng ta, đã từng biết qua và cộng tác với Đức Ông, là nhớ lại hình ảnh người quá cố, hồi tưởng đến những lần gặp mặt và những đổi trao trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi sẽ không gợi lại ở nơi đây những kỷ niệm riêng tư ấy, mà chỉ muốn nhắc đến một thái độ tinh thần đáng ghi nhớ của người vừa ra đi, một thái độ khiến cho tôi suy ngẫm và khâm phục.
Tôi chỉ biết đến Đức Ông Lập (lúc đó còn là Linh mục) sau ngày Viện Đại Học Dalat quyết định mở thêm Phân Khoa Chánh Trị Kinh Doanh và ngỏ ý nhờ tôi phụ trách giảng dạy môn học về « Tư Tưởng Chiùnh Trị Tây Phương ». Sự lựa chọn này đã làm tôi ngạc nhiên không ít. Quả vậy, về mặt tiêu chuẩn chuyên môn, tôi không có bằng cấp đặc biệt nào về chính trị học : trong lãnh vực này, tôi chỉ là người tự học, dù tự học một cách chuyên cần và ham thích, vì qua những năm đầy biến động của đất nước, tôi đã thấy chính trị quả thật là chuyện lớn, con người sống và chết nhiều khi không phải vì miếng bánh, hạt cơm, mà vì những ý niệm trừu tượng. Về mặt thực chất sinh hoạt chính trị, tôi cũng không có những thành tích hay những trách vụ đặc biệt, mà chỉ là một người làm nghề tự do. Tế nhị hơn nữa, về mặt ý thức hệ, tôi không phải là người công giáo, mà cũng chưa từng sinh hoạt trong cộng đồng trí thức công giáo, do đó những ý kiến, quan điểm mà tôi sẽ trình bày trong khi giảng dạy sẽ không nhất thiết phù hợp với lập trường, tôn chỉ của một viện đại học công giáo.
Tôi tin chắc Linh mục Viện trưởng Nguyễn Văn Lập đã nghĩ đến tất cả những vấn đề ấy trước khi quyết định mời tôi giảng dạy về tư tưởng chính trị ở Viện, và người đã vượt lên trên những e dè, thắc mắc thường tình ấy. Điều ấy không dễ, vì có lẽ hơn bất cứ bộ môn học thuật nào khác, môn tư tưởng chính trị không có lằn ranh rõ rệt giữa truyền đạt kiến thức và uốn nắn tư duy, nói một cách xỗ xàng hơn là giữa diễn giảng và tuyên truyền. Linh mục Viện trưởng đã cho thấy là muốn dùng người, phải dám tin cậy ở người. Chính là vì khâm phục tinh thần phóng khoáng ấy, cảm kích tình tri ngộ ấy, mà tôi đã nhận lời, mặc dù đường xá xa xôi và công việc nghề nghiệp bộn bề.
Về mấy năm giảng dạy môn « Tư Tưởng Chiùnh Trị Tây Phương » tại Viện Đại Học Dalat, tôi có thể xác quyết không một chút dè dặt nào là chưa bao giờ Linh mục Viện trưởng Nguyễn Văn Lập tìm cách chỉ thị, kiểm soát, gợi ý hay ảnh hưởng đến nội dung hay cung cách diễn giảng của tôi trong giảng đường. Linh mục đã tuyệt đối tôn trọng tự do tư tưởng của người giảng dạy, chắc chẳng vì lòng tín nhiệm một cá nhân mà vì ý thức sâu sắc rằng tự do tư tưởng chính là bản chất tinh túy, là động lực vạn năng của ngành đại học.
Trong mấy năm dạy ở Viện Đại Học Dalat, tôi đã được một mình quyết định và một mình trách nhiệm về nội dung, cấu trúc và ngôn từ của những bài giảng và lời bàn của tôi.
Ngay cả những khi trà dư tửu hậu, khi uống ly cà phê nóng trong không khí giá lạnh của Cao nguyên, khi dự những bữa ăn thân mật với vợ chồng tôi ở Saigon, Linh mục Viện trưởng chỉ trò chuyện vui vẻ với chúng tôi về con người và cuộc đời, chứ không bao giờ dò hỏi kín đáo hay lộ liễu xem tôi giảng dạy ra sao, hoặc nên giảng dạy những gì. Thậm chí có những vấn đề, giá có được nêu lên cũng chỉ là tự nhiên, chẳng hạn như phần đóng góp quan trọng của Ki Tô giáo trong tư tưởng chính trị Tây Phương, hoặc thái độ nên có đối với những học thuyết vô thần v.v. người cũng cẩn thận không đặt ra để khỏi có vẻ gián tiếp gây áp lực.
Rất tiếc, sau một thời gian tương đối ngắn, sư cộng tác của tôi với Viện Đại Học Dalat bị gián đoạn, không phải vì Viện đã hết tín nhiệm tôi, cũng không phải vì tôi không còn thấy hào hứng trong việc diễn giảng môn « Tư Tưởng Chính Trị Tây Phương » với các bạn sinh viên Dalat, nhưng vì công tác ngoại giao không còn cho phép tôi có mặt thường xuyên ở trong nước.
Tuy buộc lòng rời bỏ giảng đường, tôi vẫn giữ một kỷ niệm tốt đẹp về những ngày dạy học ở Dalat, về một ‘‘Học Viện Cao Đẳng’’ theo mọi nghĩa với những sinh viên hiếu học và tích cực, với một vị Viện trưởng đức độ và bao dung.
Tôi vững tin là, sau những biển dâu của lịch sử, ta sẽ thấy được : dựng lên trên đất nước của chúng ta một nền đại học chân chính và tiến bộ, lấy chân lý làm cứu cánh duy nhất, lấy độc lập tự do tư tưởng làm nguyên tắc chỉ đạo, lấy thảo luận không cấm kỵ làm phương thức để tiến lên.
Thái độ tinh thần của cố Linh mục Viện trưởng Nguyễn Văn Lập sẽ là một phiến đá lớn lao cho công trình xây dựng ấy.
Paris, ngày 23 – 12 – 2001
No comments:
Post a Comment