Showing posts with label Lý Trinh Trường. Show all posts
Showing posts with label Lý Trinh Trường. Show all posts

3/13/23

Chất Chứa

Chất Chứa    


    Sống trên đất Mỹ 45 năm, gần đây tôi mới phát hiện một hiện tượng phi lý: hầu hết mọi gia đình đều đậu xe ngoài driveway (lối cho xe ra vào ga-ra). Còn ga-ra thì dùng để tồn trữ đồ đạc và các vật dụng hàng ngày. Ga-ra dịch nghĩa là nhà xe, đúng lý là để đậu xe, nhưng sau khi cuộc cách mạng kỹ nghệ phát triển mạnh vào thế kỷ 20, sản xuất đại quy mô nên sản phẩm quá dư thừa và rẻ, người ta tha hồ mua sắm. Vì nhu cầu tồn trữ cho nên ga-ra không còn để đậu xe mà trở nên kho trữ hàng. Ga-ra thì dùng để cất giữ vật dụng bình thường như sách báo, quần áo, giày dép cũ hoặc lỗi thời, còn chiếc xe trị giá vài chục ngàn đô-la lại bị đẩy ra ngoài trời dầm mưa dãi nắng. Điều này cũng như những câu vè nói ngược: “giã gạo bằng nồi, nấu cơm bằng cối”. Ở đời, cái lý nhiều khi nằm trong cái nghịch lý, mà trong nghịch lý lại hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. Sự kiện nhà xe là phản ảnh thực trạng mâu thuẫn của xã hội.

 

    Chuyện Ga-ra cũng nói lên bản tính và quan niệm sống hời hợt nông cạn của con người: thích ôm đồm, nắm giữ và chất chứa.


    Chợt nhớ câu chuyện trong Thiền tông. 

    Có người nọ nghe nói về một đạo sư nổi tiếng nên tìm đến hỏi đạo. Đến nơi, anh thấy trong nhà của vị đạo sư trống trơn, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cuốn sách.

    Anh ngạc nhiên hỏi: "Sao nhà của Sư trống trơn, không có đồ đạc gì cả?"

    Đạo sư hỏi lại: "Thế khi anh đến đây, hành lý của anh có gì vậy?"

    Anh đáp: "Dạ chỉ gồm vỏn vẹn trong một cái va li".

    Đạo sư hỏi: "Sao có ít đồ vậy?"

    Anh đáp: "Vì đi hành hương nên đem ít đồ thôi".

    Đạo sư nói: "Tôi cũng là người vân du qua cuộc đời này nên chẳng có đồ đạc gì nhiều".

    

    Con người có xu hướng ôm giữ chất chứa, ấy là do tánh tham sân si mà ra. Ngay từ nhỏ, khi  vừa mới biết bò, trẻ con cố trườn tới để nắm lấy một đồ vật trước mặt vì muốn chiếm đoạt. Lớn lên, chúng ta lại càng nắm bắt và chất chứa nhiều hơn vì lòng tham dục.


    Nhớ lại, khi mới bước chân đến xứ Mỹ, mọi người hầu như là hoàn toàn tay trắng. Chúng ta chỉ mơ ước có một nơi ở tạm nương thân và công ăn việc làm để sinh sống qua ngày.  Nhưng dần dà về sau, nhu cầu của chúng ta gia tăng một cách đáng kinh ngạc.  Mình giờ đây không thể sống thiếu những thứ như tủ lạnh, truyền hình, phone di động, máy vi tính, v.v..  Thậm chí những thứ lỉnh kỉnh như thức ăn ngon, quần áo sang đẹp, giày dép thoải mái, trang sức thời thượng… mà nghĩ rằng đó là những nhu cầu mình không thể thiếu trong đời sống. Chúng ta thực sự “cần” không nhiều, nhưng "muốn" thì quá nhiều, có thứ mình nghĩ mình cần nhưng hóa ra chỉ là thứ mình thích, mình muốn.


    "Cần" là điều đương nhiên cho nhu cầu sinh hoạt, nhưng "muốn" lại là thứ xa xỉ, thậm chí là tai họa cho cuộc đời. Vì con người là con người của xã hội, thấy người ta có được cái gì thì mình cũng cố gắng muốn có giống như thiên hạ, thậm chí còn có ý muốn hơn người khác nữa. Tham muốn cũng có thể dẫn đến sự suy đồi đạo đức vì muốn tranh giành những gì không thực sự thuộc về mình, làm tổn hại cho bản thân và người khác. 


    Bấy lâu nay, chúng ta sống trong mê đồ của nếp sống phồn hoa hư ảo, con người chạy theo bả danh lợi, chìm đắm trong dòng xoáy của thời đại, vì dục vọng và lợi lạc mà phải chịu vất vả trong mưu sinh, dần dần đánh mất giá trị đích thực của mình, tự giam mình trong lầu son gác tía và đèn hồng tửu sắc của cuộc sống xã hội vật chất hiện nay. Giống như con sư tử trong đoàn xiếc, bị cướp mất đi sự tự do vẫy vùng nơi chốn sơn lâm, bị giam mình trong lồng sắt, ngày ngày sống với phần ăn đã được phân định sẵn, và diễn đi diễn lại những tiết mục theo sự điều khiển và chỉ huy của người quản thú.


    Ở đời người ta thường cho hạnh phúc là có được cái này, cái kia, vật chất, danh lợi và quyền thế, v.v...  Khi chưa có thì muốn có, làm đủ mọi cách để cho có. Có rồi thì sợ mất hoặc xem thường rồi lại muốn có cái khác. Nếu không được thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.


    Người đời thường thấy có nhiều hối hận trong cuộc sống là vì không biết và cũng không muốn buông bỏ, cứ bon chen tranh giành, buông tay này, bắt tay kia, thậm chí càng nắm càng nhiều, càng nắm càng chặt, rồi tự trói mình vào cạm bẫy của trần đời và sa vào mê hồn trận của vật chất.


    Khi lòng tham khởi lên che mờ lấn áp tâm trí mà dễ dàng trở thành nạn nhân như chúng ta thấy qua bài học từ cái bẫy mồi. Một thiết bị đơn giản như vậy mà có thể “dụ” được thú vật khôn lanh như khỉ là một điều đáng cho ta suy ngẫm.


    Người thợ săn có một mẹo nhỏ để bắt khỉ, họ chọn những quả dừa to khoét một cái lỗ sao cho lỗ ấy chỉ đủ để khỉ thò tay vào trái dừa. Đổ hết nước dừa ra, bỏ vào đó món khỉ khoái khẩu như hạt dẻ hay bắp ngô. Thợ săn mang những quả dừa này đến nơi có nhiều khỉ xuất hiện, rồi cột cố định trái dừa vào một thân cây hay gốc cây rồi bỏ đi .


    Quả nhiên, loài khỉ tinh ranh lại háo ăn, đánh được vị thơm của hạt dẻ, nó mon men đến gần… rồi thò tay vào lấy thức ăn, thế nhưng cái lỗ dừa chỉ nhỏ vừa bằng cái tay của nó, nên khỉ không tài nào nắm kéo những hạt dẻ ra được, nó chỉ cần buông hạt dẻ là có thể chạy thoát thân, thế nhưng liệu nó chịu buông tay không? Không đời nào, bởi loài khỉ luôn nghĩ rằng: "Đó là hạt dẻ của mình!" đó chính là lý do loài khỉ lúc nào cũng bị tóm cổ.


    Tôi đọc câu chuyện về chiếc bẫy khỉ trong cuốn “Transforming the Mind, Healing the World” của Joseph Goldstein từ lâu rồi. Từ đó, rất nhiều lần, hình ảnh con khỉ mắc nạn luôn ở trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ đến tình huống tương tự của con người, họ phải trả giá quá đắt và tự vùi dập danh dự, sự nghiệp và cuộc sống của mình khi không cưỡng được cám dỗ của miếng mồi vật chất, danh lợi, loay hoay mãi mà tay vẫn mắc trong trái dừa mà người ngoài cuộc thấy ngu si đến nỗi vô lý. 


    Tham muốn là nhân, khổ não là quả; tri túc là nhân, hạnh phúc là quả. Thiểu dục tri túc luôn là liều thuốc tốt để đối trị lòng tham. Chọn nếp sống đơn giản, đạm bạc, biết buông tay để khỏi phải sa lưới như con khỉ bị mắc bẫy trong trái dừa.


    Không ai dám chủ quan cho rằng mình có thể làm chủ tâm ý của mình mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoàn cảnh và thắng phục lòng tham dục. Có những cái xấu, cái ác mà lương tri, lương năng đã tự biết là xấu, là ác, là không nên nhúng tay vào, nhưng con người lại quá yếu đuối, thường không đủ sức cưỡng lại những ham muốn mãnh liệt, đành ngã gục. Khi đó, chỉ còn có chánh niệm đạo đức, kiên trì tu tập là chiếc phao cứu sinh cho khách hồng trần bám víu để khỏi đắm chìm trước cơn phong ba bão táp của hải hà dục vọng.


    Cuộc đời như quán trọ, người ở trọ chỉ ở một thời gian ngắn rồi sẽ trở về căn nhà của mình. Nếu nhìn rộng thêm một chút, cho dù là nhà hay là quán trọ thì cũng chỉ là 1 đêm 2 đêm 10 đêm thậm chí lâu dài hơn là 10 năm 100 năm rồi cuối cùng cũng phải xa rời. Như vậy, không có nơi nào là vĩnh cửu trên cõi đời này, cho nên khách ở trọ chúng ta không nên gánh gồng nhiều, chỉ ở tạm rồi ra đi, nếu có mất đi cũng không sao vì vật ngoại thân kia mà.


    Chúng ta thường quên mất mình chỉ là khách vân du qua cuộc đời này, lầm tưởng mình sẽ ở mãi nơi đây, nên tham lam, ôm đồm, tích trữ quá nhiều đồ vật, tài sản. 


Trần thế chỉ là chỗ tạm nương

cũng như quán trọ ở ven đường

Chúng ta là khách dừng chân tạm

Rồi sẽ đi về chốn viễn phương


Nắm giữ là bản năng (本能), bẩm sinh sẵn có.

Buông bỏ là bản lĩnh (本領), có nhờ tu tập.

Buông cũng là bài học suốt đời của chúng ta chăng?


Trường

03-13-2023

2/22/23

Giới Luật

Giới Luật

        Có một lần cùng các huynh tỷ đi làm công tác từ thiện, khi kết thúc buổi công tác thì trời đã đi dần vào xế chiều, các huynh tỷ đề nghị cùng nhau dùng cơm tối để luôn tiện hàn huyên tâm sự sau một thời gian dài không được hội ngộ vì cơn dịch Covid. Vì đa phần các huynh tỷ không thọ giới chay trường, nên chúng tôi chọn một nhà hàng hải sản. Tôi thì tùy duyên nên chỉ ăn những cọng rau bên cạnh thịt cá, miễn sao hòa đồng với mọi người. Nhưng có một huynh khác thì trì giới nghiêm cẩn, huynh ăn chay như người xuất gia, chỉ ăn những thực vật thanh tịnh không có máu huyết và kiêng cữ luôn cả những đồ tanh, hành tỏi... Vì vậy, sư huynh cương quyết từ chối chung vui với chúng tôi, rồi ra về một mình. Nhìn bóng dáng huynh lủi thủi xa dần trong buổi chiều tà đêm đông, mọi người đều cảm thấy ít nhiều sự tiếc nuối và bầu không khí đột nhiên trở nên hơi nặng nề.

        Sự kiện xảy ra khiến tôi suy nghĩ. Nếu đứng trên phương diện tôn giáo và đức tin thì dĩ nhiên phải tuân theo giới luật quy định. Nhưng nếu đứng trên góc nhìn thông thoáng một tí, thì tôn chỉ và mục đích của bất cứ tôn giáo nào cũng muốn mọi người được sống vui vẻ và hạnh phúc. Nghiêm trang và cảm thông cũng như mọi sự việc trên đời đều như hai mặt của một đồng tiền bổ túc lẫn nhau để thể hiện sự toàn diện và viên mãn.

        Tất cả giới luật trong Phật giáo không nhằm mục đích ràng buộc bất cứ một ai. Luật lệ xã hội cũng chỉ nhằm ngăn ngừa những lỗi lầm để cho con người sống có hạnh phúc. Nhưng tất cả đều tùy theo hoàn cảnh và phương tiện mà du di để con người được an lạc. Ví dụ, nếu chúng ta bị giấy phạt vì vượt đèn đỏ, sau đó chúng ta yêu cầu được lên tòa giao thông xin trình bày lý do vi phạm luật đi đường, lỗi ấy không phải là một hành vi cố tình, mà vì hôm đó thắng xe bị trở ngại đột ngột, chúng ta nhận sai sót này. Thường thì luật và quan tòa sẽ châm chước và giảm khinh án phạt cho sự cố trên.
 
        Đó là sự linh động của luật lệ, thế nên trong giới luật Phật pháp có bốn phần: Khai, giá, trì, phạm (開遮持犯). Khai là mở, giá là ngăn che, trì là giữ, nếu không giữ được là phạm. Ví dụ người xuất gia thì không được va chạm với phụ nữ, nhưng nếu gặp trường hợp nhìn thấy một phụ nữ bị té ngã mà không ra tay cứu giúp vì phải giữ giới thì thiết nghĩ sự dửng dưng đó không hợp lý hợp tình. Thực sư giới luật trong nhà Phật tức là đạo đức, chúng ta giữ giới nhằm tăng trưởng đạo đức của con người. Như vậy chúng ta còn gì đạo đức khi thấy người khác gặp nạn mà không ra tay cứu giúp. Trong khi cứu giúp mà cần phải bồng bế nhưng tâm không bao giờ có sự đen tối ô uế hay tà ý, chỉ nhằm mục đích cứu người chớ không có bất cứ một sự lợi dụng nào cả. Như vậy, thiết nghĩ tu sĩ ấy không phạm giới, nói đúng hơn vị tu sĩ ấy biết cách giữ giới.

        Người có đạo ắt có đức nên gọi là đạo đức. Chúng ta theo đạo không phải để bái kính hay tôn thờ một đấng thần linh tối thượng nào, mà là giữ giới để làm tròn nhân cách của mình. Giới là đạo đức, càng giữ giới thì nhân cách càng thanh cao.

        Năm 2004, pháp sư Tịnh Không đến Bắc Kinh hoằng pháp, tạm trọ ở Nhà Hàng Quốc Tế tại Bắc Kinh. Một hôm tình cờ gặp một đồng tu rất thân, là thương gia nổi tiếng tại địa phương. Hôm đó vị đồng tu chủ trì hôn lễ cho con trai và có nhã ý mời Sư làm người chứng hôn mặc dù người bạn ấy trước đó đã mời chủ tịch cục chánh hiệp Bắc Kinh đảm trách vai trò chứng hôn rồi. Nếu hôn lễ được một tăng một tục cùng chứng hôn thì hôn lễ sẽ càng có ý nghĩa và tròn đẹp. Khi được biết con dâu là người Nhật và khách đến dự hôm đó gồm nhiều viên chức đại sứ quán Nhật, cán bộ trong bộ nội vụ Bắc Kinh cùng nhiều thương gia nổi tiếng địa phương. Đây là cơ duyên hiếm có để giới thiệu Phật pháp cho giới thượng lưu ít có cơ hội tiếp xúc đạo lý không môn, cho nên Sư đồng ý nhận làm chứng hôn.

        Sự hiện diện của Sư Tịnh Không hoàn toàn nằm ngoài dự tính, cho nên buổi tiệc toàn là đồ mặn. Sư tùy duyên dùng rau cải bên cạnh thịt cá. Cuộc vui nào đương nhiên đều có mời rượu để mọi người chúc phúc nhau. Sư tuyên bố chỉ nhấp ly nhỏ. Có người cho rằng “Sư Tịnh Không” phá giới, nhưng Sư nói đó là khai duyên, bởi vì Sư không có dự tính tham dự buổi tiệc thế tục và mời rượu chúc phúc cho hôn lễ. Học Phật phải được lợi ích chân thật, vậy lợi ích chân thật là biết áp dụng nguyên tắc khế lý khế cơ vào đời sống hằng ngày. Khế lý: “khế” tức là hợp, “lý” tức là chân lý. có nghĩa là phù hợp với đạo lý, pháp lý. Khế cơ : có nghĩa là phù hợp với từng hoàn cảnh, từng căn cơ của người nghe. Phật hiểu được căn tánh của chúng sanh mà tùy nghi hóa độ, đưa ra những phương tiện để dẫn dắt chúng ta đi đến chánh pháp. Nếu quá nghiêm khắc chấp trước trong việc hoằng đạo, không trắng là đen, không kiên thủ thì có tội, thì nhiều người sẽ e ngại và không muốn tiếp xúc với Phật pháp.

        Trở lại câu chuyện buổi hôn lễ, trong khi mời rượu, chủ hôn mời Sư nói vài lời chúc phúc cô dâu chú rể, đây là cơ duyên hoằng pháp rất khế cơ khế thời. Mở đầu, Sư giới thiệu sơ lược về Phật pháp. Nhờ vậy mà có nhiều người đã hiểu thêm và chấp nhận Phật pháp. Sư giải bày giáo lý nhà Phật không ràng buộc bất cứ điều gì trong cuộc sống, giới luật nhà Phật linh động uyển chuyển, giữ giới là giữ nhân cách để cuộc sống được hạnh phúc cho chính bản thân và người khác.

        Khai giới là lợi ích cho chúng sinh, trì giới là lợi ích cho chính mình. Nếu cứ khư khư giữ giới tu trì mà không nghĩ đến hạnh phúc của người khác thì không phù hợp với giáo lý của đạo Phật là từ bi chúng sanh, cứu nhân độ thế. (Trích lục từ buổi khai thị "A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung kinh"(阿難問事佛吉凶經)15-13-57).

        Khoảng 3000 năm trước thời Phật còn tại thế, chư tăng phải giữ giới thanh quy, chỉ đi trì bình thác bát, khất thực nuôi thân và không được giữ tiền. Thời gian trôi qua, cuộc sống xã hội đã thay đổi, chư tăng không thể ngày ngày ôm bình đi khất vì có thể bị hiểu lầm là loại sâu mọt xã hội. Thế nên Tổ thiền tông Bách Trượng Hoài Hải đã lập ra một thanh quy "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" (một ngày không làm, một ngày không ăn). Xã hội công nghiệp ngày nay, chú trọng hiệu quả kinh tế, nhiều nhà chùa không còn ngồi chờ bá tánh cúng dường, do đó, một số chùa tự sản xuất thực phẩm, nhang đèn để tự lực cánh sinh. "Sống là làm" đã trở thành một triết lý tự nhiên trong đời sống cũng như tu hành để không ăn cơm của chùa và bá tánh một cách uổng phí.

        Chư tăng ngày nay không thể đi bộ để hoằng pháp như thời đức Phật, nếu không giữ tiền, ai cho lên xe. Đừng vì thế mà bảo là phạm giới.

        "Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác" (佛法在世間,不離世間覺), sự tồn tại của Phật Giáo là hướng dẫn con người có một cuộc sống chơn thiện mỹ, và trở thành người có nhân cách đạo đức toàn thiện. Phật pháp tồn tại vì đời người. Nếu không có đời thì sẽ không có đạo, đời và đạo nương nhau mà có. Vì vậy thế gian pháp tức Phật pháp, Thế sự biến thiên vô thường, Phật pháp cũng có thể uyển chuyển linh động. Tinh thần giới luật của Phật phải tùy cơ, tùy thời và tùy xứ. Vì thân tâm thanh tịnh và sự ổn định của xã hội mà giữ giới; vì từ bi hỷ xả và lợi ích chúng sinh mà khai giới. Giới luật đưa đến trí tuệ, dùng trí tuệ hướng dẫn giới luật mà không bị giới luật một mực cấm chế để rồi làm mất đi giá trị thâm thúy thiêng liêng của giáo lý nhà Phật.

Trường
02-22-2023





11/24/22

Thế Sự Dưới Cái Nhìn Của Tuổi Già

Khổng Tử nói: "Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục, Bất Du Củ" (七十而從心所欲; 不逾矩).

Có nghĩa là con người tới 70 tuổi sẽ đạt đến tình trạng kiện toàn về phương cách đối nhân xử thế nên mọi hành động đều nằm trong khuôn khổ và nguyên tắc đạo lý của đời thường.

Tôi nay đã hơn 70, thời gian qua cuộc sống có nhiều thử thách, biến thiên. Tâm thường bị giao động bởi những sự việc không thuận ý hoặc những lời ăn tiếng nói cố ý hay vô tình của người khác có ý tứ tổn thương. Tôi thấy mình có vẻ đi hơi xa tiêu chuẩn của khổng Tử đề ra cho lứa tuổi 70. Vì thế, tôi cố gắng tìm tòi học-hỏi, tự kiểm thảo để tìm ra những khuyết-điểm trong các trải nghiệm vui buồn của cuộc đời.

Theo quan niệm cá nhân của tôi, tâm tư xác trộn trước thế sự nhiễu nhương là do sự cố chấp và chủ quan. Nếu nhìn sự việc dưới góc độ cởi mở, lạc quan, tha thứ sẽ khiến ta trải rộng lòng mình ra và mọi sự việc sẽ được giải quyết một cách dễ dàng hơn, tâm tư cũng được thoải mái nhẹ nhàng hơn.

Tuần vừa qua, tôi lại gặp phải một số chuyện nghịch ý, tôi tự nhủ không cố giữ lấy chủ kiến của mình nữa, mà cố gắng lắng nghe và cảm nhận ý kiến của người khác. Điều này mang đến kết quả là, công việc được giải quyết một cách hợp lý hơn, ổn thỏa hơn, đồng thời không làm buồn lòng người khác.

Thu nhặt kinh nghiệm kể trên, tôi muốn viết vài lời để bày tỏ và chia sẻ cảm nhận của mình. Bài viết của tôi chủ yếu là để cảnh giác chính mình, đồng thời muốn tìm hiểu về thế giới tâm linh của con người, rút lấy phần chân thiện mỹ để cùng các bạn và thiện tri thức học hỏi và khuyến khích lẫn nhau.

Văn dĩ tải đạo, dùng ngôn từ để truyền đạt đạo lý vốn là một việc làm rất có ý nghĩa và sâu xa. Vì vậy, mỗi lần chia sẻ bài viết là một sự vinh hạnh và niềm vui lớn. Muôn ngàn lời nói, chất chứa dâng trào trong lòng, nên cảm tác đề tựa: “Thế sự dưới cái nhìn của tuổi già”.

Thế Sự Dưới Cái Nhìn Của Tuổi Già


Ngày xưa, khi còn trẻ, bồng bột nóng tính, ai nói gì hơi nghịch ý, tôi cũng tìm cách phản bác. Bây giờ già rồi, nhìn đời qua lăng kính tuổi già, thấy cuộc đời quá đa dạng, tôi trở nên dễ dãi hơn, ai nói gì cũng… gật đầu xuôi thuận.

Sáng nay, xem lại mấy tấm hình cũ của nhóm mình từ hồi thập niên 70, khuôn mặt trẻ trung của lứa tuổi 18, đôi mươi đưa tôi về khoảng thời gian huy hoàng của thời sinh viên Đà Lạt. Trân quý biết bao! Thật lòng mà nói càng tiếc nuối thanh xuân thì càng ý thức được: "mình đã già rồi”!

Thời gian gần đây, lắm lúc hàn huyên phiếm đàm cùng mấy ông bạn già trong hội từ thiện, chúng tôi thường chia sẻ với nhau:

Về già, tai thì điếc lác, nên khi nghe ai nói gì thì tiếng được tiếng mất; nghe nhạc cứ như "đàn gẩy tai trâu", "nước đổ đầu vịt" không có khả năng tiếp thu, nghe không rõ hoặc trì độn. Tuy nhiên lảng tai cũng có cái hay là mình bớt nghe được những lời chê bai, trách móc và cả những lời thóa mạ, chửi bới nữa. Họ nói họ nghe, mình vô can.

Về già, mắt thì kém cỏi, đọc sách báo một lúc hoặc nhìn lâu vào màn ảnh của tivi, máy vi tính, hình ảnh bị nhòe đi. Nghĩ cũng bực nhưng cũng hay, mắt nhìn không rõ sẽ ít thấy những khiếm khuyết, ít thấy thì ít động tâm. Tâm có tĩnh lặng thì lòng đời sẽ an yên, vui vẻ.

Về già, đầu óc không còn minh mẫn nữa, nói trước, quên sau. Cũng hay, bởi nhiều thứ đang cần vứt bỏ bớt đi cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, giữ lại cũng chẳng ích lợi gì mà còn khiến mình cứ phải suy nghĩ vẩn vơ.

Về già, sức khỏe là vốn quý. Tuy nhiên, những khi đau ốm mới cảm nhận hết được cái vốn quý ấy. Theo kinh nghiệm bản thân, lỡ khi ốm đau thì ngoài người thân trong gia đình tới lui chăm sóc, may mắn hơn còn được sự chiếu cố của vài người bạn cố tri đến vấn an, an ủi. Thế chẳng phải là hạnh phúc lắm sao?

Nói thế thôi, sức khỏe vẫn phải được đặt lên tiêu chí hàng đầu. Phải ăn uống có chừng mực, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, giữ tâm thanh tịnh mà suy ngẫm về cuộc đời đã cho mình nhiều may mắn, mà tạ ơn Trời Phật.

Một hôm trước đây, tôi bỗng thấy yêu đời, thế nên, muốn đi nhuộm tóc. Đến tiệm tóc nói rõ ý định của mình, chẳng hiểu có phải người thợ thấy mình già nua, quê mùa, họ nhìn tôi một hồi và đề nghị với tôi: "đầu chú đã hói, chỉ lưa thưa ít sợi tóc, nhuộm chi cho tốn tiền". Tôi bực lắm, cảm thấy tự ái bị xúc phạm. Hồi trẻ, chắc chắn là to chuyện, giờ thì già rồi, tôi tự nhủ : “Một câu nhịn, chín câu lành”.

Già rồi, nhịn riết cũng quen. Không nên để tâm bực bội những chuyện vu vơ nữa, cũng không nên đôi co cùng thiên hạ làm chi để tiêu hao sinh lực, tổn hại tình thân hữu. Thế sự như cuộc cờ, đánh cờ là để giải trí, không nhất thiết phải thắng, thắng chưa chắc là được là hơn, thua không hẳn là thiệt là mất.

Già rồi, khi bị chê bai, mình cười, không buồn, không oán trách.

Già rồi, nghe thiên hạ huênh hoang, mình cứ giả vờ tin như thật. Mình chẳng mất gì, mà làm cho thiên hạ hoan hỉ vui sướng, lên tận mây xanh.

Già rồi, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè hàn huyên dăm ba câu chuyện bên tách trà nóng, ôn lại buồn vui sự đời, đó là hạnh phúc hiếm hoi.

Già rồi, còn gặp nhau được ngày nào biết vui ngày đó, nên phải trân quý.

Già rồi, ai nói đúng sai gì, cũng không sao. Cuộc đời muôn hình vạn trạng, nên ai nói gì cũng có cái lý của riêng họ. Mình chỉ nên lắng nghe, cảm nhận và gật đầu.

Già rồi, không phản bác trước những sự oan ức, sự hiểu lầm của người khác, sẵn sàng bao dung buông bỏ, dễ dãi cho người khác tức là dễ dãi cho chính mình.

Mấy hôm nay, trời vào đông, thời tiết se se lạnh. Tôi cầu chúc mọi người “già” thêm một tí, “hồ đồ” thêm một tí, “lép vế” thêm một tí để tuổi già vui thêm một tí, để cuộc đời tươi thêm một tí và để thiên hạ “sướng” thêm một tí...

Chợt nhớ ca từ một bài hát (Hoa ngữ) có câu:"Hãy để dành một chút gì của mình cho chính mình." (留一點自己給自己.)
Nghe Nhạc: 
" Hãy để dành một chút gì của mình cho chính mình." (có thể chọn phụ đề theo ngôn ngữ mình chọn)

Phải chăng mình nên: “để dành một chút gì của mình cho người khác, và hãy dành một chút gì của người khác cho người khác?"

Già rồi, sống đơn giản cho mình, dành chút vui vẻ cho người. Hề chi ??

“Bầu trời rộng rãi cõi bao la
Thoắt đó mà nay tuổi đã già
Tóc bạc chưa tròn câu chuyện cũ
Tình bạn dặm trường vẫn thiết tha…”

Trường

11-20-2022


Xin chia sẻ bài thơ tuổi già với các bạn,


Trăng già


Bây giờ sức kiệt... còn đâu 
Làm lụng vất vả ngưỡng cầu cho ai!
Một đời cần mẫn hăng sai
Gia đình, xã hội tương lai vẫn còn!

Trước sau gìn giữ sắt son,
Nhớ về cố quốc núi non rạng ngời.
Quê hương cách biệt trùng khơi, 
Bình tâm ngoảnh lại thế đời qua mau.

Lo chi những chuyện làm giàu,
Bận chi những chuyện đảo chao của đời.
Giữ tâm an ổn thảnh thơi
Du lịch, viết, đọc... sáng ngời trong ta.


Cung đàn điệu nhạc lời ca,

Câu kinh tiếng kệ ngân nga chuông chiều.

Hoàng hôn gió mát hiu hiu

Thân tâm thanh tịnh thêm nhiều niềm vui.


Mạnh khỏe luôn có nụ cười
Bỏ buông phiền não thì đời bình an
Đã mang số kiếp trần gian

Sinh, lão, bịnh, tử chẳng màng để tâm.


Bây giờ tóc đã hoa răm,

Biết bao nhiêu cảnh thăng trầm trải qua.

Bâng khuâng ngắm ánh trăng ngà,

Hỏi trăng, trăng có tuổi già không trăng?


Ngô Văn Thành


********

Bài thơ của anh Thành hay quá, khiến người đọc trải rộng lòng ra, thoải mái và nhẹ nhàng. Nhất là 2 câu sau:
"Bâng khuâng ngắm ánh trăng ngà
Hỏi trăng, trăng có tuổi già không trăng?"

Thế giới ta bà nhân duyên hỗ tương tác động lẫn nhau mà khiến cuộc đời đa sắc đa màu.

"Núi xanh vốn không già, vì tuyết phủ mà bạc đầu,
Nước biếc vốn vô sầu, bởi gió thổi mà nhăn mày".
(青山原不老,為雪白頭;綠水本無憂,因風皺眉)

Nếu hỏi trăng có tuổi già chăng, trăng sẽ trả lời:
"Tôi sẽ mãi tròn trịa viên mãn khi người đời không còn oán hận thù hằn (月若無恨月常圓)."

Tiếc nuối làm chi tuổi xế tà
Cuộc đời vui vẻ cứ hát ca
Sống sao cho tròn nhân với nghĩa
Sống cả cho người và cho ta!

Trường


Today is Thanksgiving Day in the U.S.

I am thankful to be born as a sentient being (nhân 
thân nan đắc. 人身難得)
I am thankful to encounter Buddha Dharma (Phật pháp nan văn. 佛法難聞)
I am thankful to all people, events, things, conditions, circumstances which arise along my life to help me experience love,compassion, the wisdom of non-duality, and the reality of our existence.

Mostly, I am thankful for being old, về già, tai thì điếc lác, mắt thì kém cỏi, đầu óc không còn minh mẫn nữa, sức khỏe là vốn quý.

Happy Thanksgiving and let's enjoy our golden ages!

Thanks for sharing, anh Truong and anh Thanh.


Anh Diệp