3/31/12

Hồi Ký 30 Năm: Lưỡng Quốc Nhất Nghiệp


Nguyễn Xuân Nghĩa

Đây là câu chuyện 30 năm của hai đời chiến sĩ: một người là sĩ quan ưu tú trong một quốc gia bị bức tử,

một người là thanh niên muốn nối chí cha nhưng đất nước không còn và trở thành sĩ quan ưu tú trong một quốc gia khác. Hình trên bìa sách: Cố Thiếu tá không quân VNCH Phạm văn Hoà tự “Hoà Điện” và người con, tác giả Phạm Xuân Quang.

. . .

"Đối với một người đã từng sống và chiến đấu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa và chứng kiến sự nghiệp phục vụ xuất sắc của Quang trong binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thì đây là một cuốn sách đặc biệt cảm động. Mọi người Mỹ phải đọc câu chuyện này để cảm nhận rõ ràng hơn những quyền tự do mình đang hưởng."
Tướng Thủy quân Lục chiến Anthony Zini
(Nguyên Tư lệnh Lực lượng Trung ương Hoa Kỳ
(CENTCOM - trải trên một vùng rộng lớn từ Trung Á qua Trung Đông)Điểm Sách “A Sense of Duty”
A Sense of Duty – My Father, My American Journey –
Tác giả: Quang X. Phạm
Do Ballantine Books của nhà Random House xuất bản, 261 trang, giá bán $24.95

Người đọc: NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Hai người trong cùng một nghiệp – nghiệp binh đao – nhưng ở hai phương trời khác biệt.

Cả hai đều là phi công, một người là sĩ quan Không quân Việt Nam Cộng Hòa, một người là sĩ quan phi công Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Một người vừa bước vào cõi ngục tù cải tạo thì một người bắt đầu cuộc đời tỵ nạn. Một người ra khỏi trại tù sau gần 13 năm “học tập” thì một người hoàn tất việc học ở một đại học danh tiếng của Mỹ. Và nhập ngũ.

Hai người là hai cha con.

Nhờ người con - tác giả Phạm Xuân Quang - mà chúng ta được biết về những chuyện đó, và rất nhiều chuyện cảm động khác, qua một cuốn hồi ký đang được truyền thông Mỹ ngợi khen và giới thiệu.

Năm 1975, Phạm Xuân Quang cùng mẹ và ba chị em được cha đưa lên máy bay thoát khỏi Việt Nam. Năm đó, Quang chưa đầy 11 tuổi – anh sinh tháng Chín năm 1964. Năm đó, người cha cố nán ở lại để hoàn tất nhiệm vụ trong những giờ cuối và bị bắt đi tập trung học tập cải tạo. Vì cứng đầu hay không chịu ăn năn hối cải để “học tập tốt”, ông bị tù đầy khá lâu, gần 4.500 ngày. Trong khi đó, Quang cũng phải học tập một nếp sống khác, trong một vùng heo hút nghèo nàn của tiểu bang California, thị trấn Oxnard. Và không thể quên được người cha anh hùng.

Gia đình anh đã chật vật xoay trở để hội nhập vào cuộc sống mới trong khi vẫn ngoái về quê hương nghe ngóng tin tức người cha. Từ khi chập chững nói tiếng Anh bằng tay cho đến ngày tốt nghiệp Đại học UCLA, Phạm Xuân Quang không ngớt thắc mắc vì sao miền Nam thất trận, vì sao Hoa Kỳ đã bỏ rơi một đồng minh như vậy. Đồng thời, trưởng thành trong xã hội Mỹ và trở thành một công dân Hoa Kỳ năm 1984, anh cũng ý thức được lòng rộng lượng của nước Mỹ và nhiệm vụ công dân của mình. Năm sau, Quang tình nguyện nhập ngũ và chọn binh chủng Thủy quân Lục chiến. Nuôi chí phụ thân, anh cố tranh đấu để trở thành phi công lái trực thăng.

Năm Quang tốt nghiệp sĩ quan Thủy quân Lục chiến, 1987, thì cũng là lúc người cha bước ra khỏi trại tù cải tạo vào một nhà tù lớn hơn. Và trong khi Quang thi hành nhiệm vụ tại Iraq – Chiến dịch Desert Storm, 1991 - thì người cha còn lang thang vất vưởng ở quê nhà. Hai người chỉ đoàn tụ năm sau, tại phi trường Los Angeles. Hai ngày sau, Quang lên đường, hoặc đúng hơn, ra biển, trên chiến hạm USS Tarawa, để vẫy vùng trên các đại dương, từ San Diego vượt biển Thái bình qua Ấn Độ dương trở lại vùng Vịnh và vào Somalia...

Hai cha con có được một khoảng thời gian gần gũi tại miền Nam California, khi Quang bỏ mộng hải hồ để được gần cha và làm sĩ quan tùy viên cho vị Chỉ huy trưởng Không đoàn Ba Thủy quân Lục chiến. Đây là lúc anh cùng thân phụ gặp gỡ các bằng hữu cũ của cha, với nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt.

Đầu năm 1995, Quang giải ngũ chuyển qua hoạt dộng kinh doanh và có dịp trở lại Việt Nam, 20 năm sau vụ xẩy đàn tan nghé. Nhưng rồi anh cũng quay trở lại Thủy quân Lục chiến và hoàn thành ước mơ phi công của mình suốt bốn năm sau đó, tại căn cứ El Toro ở miền Nam California.

Như mọi chuyện hợp tan trong đời, cuối năm 2000, thân phụ anh, nguyên Thiếu tá Không quân Phạm Văn Hòa, hỗn danh “Hòa Điên”, đã tạ thế sau một cơn bạo bệnh….

Cuốn “A Sence of Duty” – xin tạm dịch là “Một Ý thức Trách Nhiệm” – là một hồi ký đặc biệt ở nhiều khía cạnh.

Đây là cuốn hồi ký viết bằng Anh ngữ của một người Mỹ gốc Việt, cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ. Hồi ký là sự hồi tưởng được ghi lại trên giấy, những hồi tưởng của Phạm Xuân Quang là một sự đan lượn không dứt giữa hai cõi Mỹ-Việt, giữa chuyện của cha vào một thời đã qua và đời của con trong hiện tại trước mắt, với 32 tấm hình khá độc đáo.

Cuốn hồi ký hơn 260 trang được chia thành 24 chương thì gần phân nửa dành cho tuổi niên thiếu của tác giả, với kỷ niệm Việt Nam khi còn sống dưới mái ấm gia đình tại căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất và bị quăng vào Hoa Kỳ, miễn cưỡng trở thành người Mỹ gốc Á. Chín chương đầu là lời nói hay câu viết của một cậu bé Việt Nam, con trai của một sĩ quan Không quân anh hùng và ngang tàng, với những câu hỏi đầy ngỡ ngàng chua chát về lý do bại trận.

Mải mê theo dõi truyện kể và chuyện đời với những kinh nghiệm mà người tỵ nạn không thể quên được, độc giả bất ngờ thấy mình được dẫn qua một thế giới khác, từ chương 10 trở đi. Đó là thế giới của một thiếu niên Mỹ còn day dứt với ký ức Việt Nam trong khi ngỡ ngàng hội nhập dần vào xã hội mới và có va chạm với những phản ứng kỳ thị. Chính những phản ứng đó khiến cậu bé phải phấn đấu gấp đôi, từ trường học đến thao trường và hè phố.

Từ chương 15, và trải qua sáu chương sách, người đọc sẽ tò mò thích thú với những phát giác của một thanh niên Mỹ đầy nhiệt tình yêu nước và tòng quân nhập ngũ vì lý tưởng tự do. Chúng ta được biết đời sống quân ngũ Hoa Kỳ là như thế nào, với những mô tả và ngôn ngữ hoàn toàn Mỹ, hoàn toàn “lính tráng Mỹ”. Đây là phần lý thú nhất của cuốn sách vì mở ra một không gian hoàn toàn mới lạ cho độc giả Việt Nam, kể cả đoạn tham chiến tại vùng Vịnh để giải cứu Kuweit trong chương 18 - được tác giả đề là Trả Nợ – Payback.

Vị tướng Thủy quân Lục chiến Anthony Zinni, nguyên Tư lệnh Lực lượng Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM – trải lên một vùng rộng lớn từ Trung Á qua Trung Đông), đã bình về cuốn sách: “Đối với một người đã từng sống và chiến đấu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa và chứng kiến sự nghiệp phục vụ xuất sắc của Quang trong binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thì đây là một cuốn sách đặc biệt cảm động. Mọi người Mỹ phải đọc câu chuyện này để cảm nhận rõ ràng hơn những quyền tự do mình đang hưởng.” Xuyên qua đó, người đọc cũng hiểu tôn chỉ “semper fidelis” (luôn luôn chung thủy) và khẩu hiệu đầy kiêu hãnh của binh chủng: “The few, the Proud, the Marines”. Bà mẹ đáng kính của tác giả đã có một nhận xét rất phụ nữ – đơn giản mà chính xác – về Thủy quân Lục chiến Mỹ: “Thời chiến tranh, mình không hề thấy Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Sàigon. Họ chiến đấu đâu đó ở mạn Bắc.”Bốn chương sau cùng của cuốn hồi ký là phần cảm động nhất, khi nói về những năm cuối của người cha và những đổi thay trong cuộc đời của tác giả. Nhờ đó, người đọc cũng biết vì sao anh phải viết cuốn hồi ký này. Nghiệp binh đao của hai cha con, tại hai quốc gia khác nhau, xuất phát từ sự thôi thúc của ý thức nghĩa vụ, cho tự do. Giấc mơ của cha bị tắt lịm thì người con đã hào hùng nối lại nghiệp ấy.

Đặc điểm nổi bật của toàn cuốn sách là Phạm Xuân Quang viết có duyên, đầy tính tự châm biếm của người Mỹ. Nhưng, ngay trong phút ngộ nghĩnh và lời diễn tả dí dỏm, độc giả chợt thấy lòng mình chùng lại vì Quang nhắc đến người cha, luôn luôn nhắc đến người cha. Ông hiện hữu âm thầm, có khi rực sáng, có khi oai hùng, có lúc ngậm ngùi, trong ngần ấy trang của cuốn hồi ký. Đó là về nội dung và bút pháp của Pham Xuân Quang.

*
Trong một buổi ra mắt cuốn sách tại miền Nam California, được tổ chức lịch sự và chu đáo theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ vào đầu tháng Tư vừa qua, tác giả có cho biết là mình đã viết hơn 500 trang, nhà xuất bản biên tập lại mất phân nửa. Có thể là họ đã gạn lọc để chú trọng vào độc giả Hoa Kỳ. Nếu đúng vậy, Phạm Xuân Quang có thể đã viết mà phải bỏ nhiều điều lý thú và bổ ích cho độc giả người Việt. Những ai muốn phiên dịch cuốn này ra Việt ngữ – điều rất đáng khuyến khích – nên hỏi tác giả để giữ lại hay lấy lại những phần đã lược bỏ.

Cũng tại buổi ra mắt, tác giả cho biết một chuyện lý thú khác.

Bản thảo đã bị nhiều nhà từ chối, khi nhà Random House đồng ý xuất bản thì lại vấp vào một vấn đề. Trên hình bìa, họ thiết trí một bản đồ Việt Nam với tên “Thành phố ****” thay vì Sàigòn. Làm sao tác giả chấp nhận được điều ấy! Thà ôm bản thảo về còn hơn. Cuối cùng, nhà xuất bản đành nhượng bộ và ta nhìn thấy tên Sàigòn ẩn hiện với chân dung của hai cha con!

Tựa đề cuốn sách - “Một Ý thức Trách nhiệm” - có thể gây ấn tượng là tác giả sách động người đọc về tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ hoặc lý tưởng tự do. Hoàn toàn không! Phạm Xuân Quang không trưng khẩu hiệu mà cũng chẳng tuyên truyền. Anh cứ bình thản kể chuyện đời mình, của hai cha con và một gia đình tỵ nạn, và duyên dáng nói về thời quân ngũ. Từ đó mình mới suy ra cái hồn tiềm ẩn bên trong: phải làm một việc gì đó cho xứng đáng với lý tưởng tự do. Nổi bật nhất là tình đồng đội, lòng tự tin và tính chuyên nghiệp của binh lính Thủy quân Lục chiến, một binh chủng tinh nhuệ và ưu tú hạng nhất của Hoa Kỳ.

Nhưng, cũng trong các chương viết về thời nhập ngũ, Phạm Xuân Quang còn làm bật sáng một khía cạnh éo le: gốc Việt tòng quân khi Mỹ chưa quên thảm kịch Việt Nam. Các bạn đồng ngũ và huấn luyện viên nghĩ sao? Bạn hay thù đây! Đoạn viết về khóa huấn luyện “mưu sinh thoát hiểm” (SERE) là phát giác bất ngờ cho độc giả. Và bàng bạc bên dưới, tác giả cho thấy tinh thần kỳ thị vẫn có, khi mình là thiếu số gốc Á, mà lại là gốc Việt Nam và lên lon khá mau.

Khi day dứt trăn trở vì số phận của phụ thân, tác giả cũng gián tiếp nêu lên nhiều nhận xét tinh tế và xác đáng về truyền thông, chính trị và những lầm lẫn của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Anh đã có đọc rất nhiều sách và tham khảo nhiều tài liệu để viết về giai đoạn này. Khi kể lại những vấp váp đến nực cười của một cậu bé đang phải Mỹ hóa, Quang gián tiếp nói đến nhiều vấn đề xã hội của Hoa Kỳ và ngợi ca sự rộng lượng của người Mỹ. Khi viết về các cuộc gặp gỡ của thân phụ với chiến hữu cũ, đoàn người từ cải tạo qua Mỹ trong diện HO, tác giả làm ta bật cười và xót xa về sự phấn đấu của họ sau khi đã phấn đấu để tồn tại ở trong tù.

Hai đoạn viết rất ngắn về ông Nguyễn Cao Kỳ và Thiếu tướng Nguyện Ngọc Loan - những thượng cấp ngày xưa của “Hòa Điên” - cho thấy tác giả là người tinh tế và cực kỳ thông minh trong sự phán đoán. Tuyệt! Một đằng là mầm sống đang vươn - Đại úy Thủy quân Lục chiến Mỹ - một đằng là bạn đồng ngũ của một người cha thần tượng, nay bị bẻ gãy kiếm và sống trong cô đơn, những cuộc gặp gỡ ấy, chúng ta đều có thấy ở ngoài đời. Nhưng khi được mô tả với sự ý nhị và cảm thương như vậy, người đọc thầm nghĩ rằng tác giả là người nhân hậu và có hiếu.

Thiếu tá Phạm Văn Hòa không cần viết hồi ký, sinh tiền hẳn là ông cũng không muốn viết. Nhưng cuốn sách của Phạm Xuân Quang thực ra cũng là hồi ký của ông vì hình bóng và sự nghiệp của ông vẫn sáng chói trên con đường mới của người con. Đây là hồi ký của hai người, một người là sĩ quan ưu tú trong một quốc gia bị bức tử, một người là thanh niên muốn nối chí cha nhưng đất nước không còn và trở thành sĩ quan ưu tú trong một quốc gia khác. Hai mảnh đời như hai mặt giấy trên một nếp gấp: ý thức trách nhiệm.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

và muốn đọc thêm về quyển sách thì tại đây: Hồi ký của Thiếu Tá TQLC Mỹ Phạm Xuân Quang và ảnh hưởng của cha anh

Một quyển hồi ký của một quân nhân Mỹ gốc Việt rất được giới quân đội Hoa Kỳ ưa thích, nay đã được dịch ra tiếng Việt.

Ðồng thời, cuốn sách đó, “A Sense of Duty” của Quang X. Pham, cũng được Random House tái bản với ấn bản bìa giấy, một dấu hiệu cho thấy cuốn sách có nhiều độc giả. Khác với thị trường Việt Nam , trong thị trường Mỹ, một cuốn sách thường được xuất bản lần đầu với bìa cứng, in ít bản hơn, cho tới khi cuốn sách tự chứng tỏ là ăn khách, mới được tái bản bìa giấy và in hàng loạt.

Quang X. Pham, tức Phạm Xuân Quang, mới đây ra ứng cử Quốc Hội liên bang, là một cựu thiếu tá phi công trong thủy quân lục chiến Mỹ. Thân phụ ông là cựu phi công phi đoàn khu trục 514 VNCH Phạm Văn Hòa.

Cuốn sách, với tiểu tựa “My Father, My American Journey” cho thấy thân phụ tác giả, cả về binh nghiệp lẫn cách nhìn về thế giới, ảnh hưởng đến Phạm Xuân Quang tới mức nào.

Phạm Xuân Quang hiện nay là một thương gia thành công, một triệu phú tự lập và tổng giám đốc công ty Lathian Health.

Dưới đây là trích đoạn một phần chương đầu cuốn sách “A Sense of Duty,” tựa tiếng Việt là “Ý Thức Trách Nhiệm.”

Chương dẫn nhập

như những người bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi. Buổi chiều khi tôi đọc bài điếu văn đó là giây phút khó khăn nhất trong đời tôi: Tôi đã mất đi người bố thân yêu lần thứ hai trong đời. Tôi đứng khẽ động đậy dưới ngọn đèn của nhà quàn, đưa mắt nhìn về phía cuối phòng những người đồng đội già của bố tôi, nay không còn trong quân ngũ. Những người đã từng phục vụ chung trong phi đoàn với bố tôi hay cùng sống qua các trại cải tạo: Bao, Hoi, Thanh, Tien, Tri, Xuong, và nhiều người khác nữa. Họ đã phủ lá Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ lên quan tài của bố tôi. Tôi đọc bài điếu văn bằng Anh ngữ. Tôi đã chểnh mảng với tiếng mẹ đẻ của tôi quá lâu để có thể kể lể một cách trau chuốt về cuộc đời và sự nghiệp của bố tôi.
...

Bố tôi đã làm điều gì để ông xứng đáng cho những danh dự đó? Tại sao những người cựu quân nhân này phải bận tâm với những nghi thức quân đội? Rốt cuộc, quê hương của bố tôi đã mất cũng như những người lãnh đạo- những người được coi là đảm lược và giỏi giang nhất- là loạt người đầu tiên đã đào thoát ra khỏi Saigon, mang theo cả vợ con. Chỉ trong vòng năm mươi lăm ngày trong Mùa Xuân 1975 khi một đạo quân gồm một triệu người đã tran rã hàng ngũ một cách nhanh chóng. Ðổ lỗi cho Hoa Kỳ? Ðiều này đã từng làm, và nhiều người miền Nam vẫn tiếp tục đổ lỗi cho người bạn đồng minh. Vết thương này vẫn chưa được hàn gắn từ hàng chục năm nay trên đất nước này. Sự tháo chạy của một đồng minh?
...

Ngày 27 tháng 4 , năm 1964, bố tôi, lúc đó là trung úy không quân Phạm Văn Hòa, đã bị bắn hạ trong một phi vụ yểm trợ cho một cuộc hành quân trực thăng vận quy mô điều khiển bởi cố vấn Mỹ trong cuộc chiến bí mật của họ. Ðược cứu sống và tập trung vào binh nghiệp của ông, ông tiếp tục tung hoành trên bầu trời miền Nam thêm một thập niên nữa, cho đến khi sự may mắn của ông cũng như bao nhiêu người đồng hương khác, không còn nữa. Hơn mười hai năm cay đắng, thật ra là cả hết cuộc đời của ông, bố tôi đã trả một cái giá quá đắt của những người thất trận. Những tên cai ngục Bắc Việt đã mạt sát bố tôi bằng vô số những danh từ không ái quốc, phản bội, nợ máu, tay sai đế quốc, không tặc, và đánh thuê rẻ tiền. Chúng áp buộc bố tôi phải viết những bản tự thú nhìn nhận những tội phạm đã liên kết với chính phủ Saigon. (Những người đồng minh cũ của bố tôi và guồng máy truyền thông, báo chí Mỹ, một khi an bình trở về Hoa Kỳ, đã vẽ lên một hình ảnh tiêu cực là miền Nam tham nhũng, bất tài, một xã hội đen không xứng đáng để yểm trợ.)
...

Tôi vẫn ao ước bố tôi vẫn còn sống. Ông từ trần vỏn vẹn tám năm sau khi rời khỏi Việt Nam. Tất cả những điều này, và mặc dầu đôi lúc ông nghĩ rằng Hoa Kỳ đã bội phản ông. Nhưng không vì đó mà ông sẽ vắng mặt trong cuộc lễ khánh thành Tượng Ðài. Ông đã chiến đấu bên cạnh những người lính Hoa Kỳ tại Việt Nam và bố tôi hãnh diện về điều này.
...

Tôi chẳng bao giờ nhìn lại quá khứ và sẽ không bao giờ. Phải mất ba mươi năm tôi mới có câu trả lời cho những thắc mắc của tôi. Hoa Kỳ đã cho gia đình tôi một cơ hội làm lại cuộc đời lần thứ hai trong tự do và thanh bình và cơ hội mọi người thông cảm lẫn nhau trở lại; bố tôi và những người bạn tù của ông ta sẽ không bao giờ bị quên lãng. Ơn nghĩa ấy chúng tôi vẫn canh cánh bên lòng. Và đó là câu chuyện của hai bố con tôi.

No comments:

Post a Comment