Lê Đình Thông
(trích Diễn Đàn Thụ Nhân, tháng 4/2011)
Thư của anh Võ Thành Xuân trên TN1+2 nhắc nhở ‘‘ACE đến đúng giờ để chúng ta cùng viếng Quang và đồng ca tiễn bạn’’. Chúng ta là thế hệ Nguyễn Đức Quang : từ tuổi đời, thăng trầm thế sự, đến nghiệp du ca. Có phải mỗi chúng ta là một nốt nhạc du ca trường đời. Có khác chăng là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang vừa hát xong chung khúc, giờ này ngạo nghễ gác cây đàn guitare, trầm ngâm nghe ta hát : Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người ; Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam. Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian. Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên. Tuy là hùng ca mà nghe trong tiếng hát có lời nghẹn ngào tiễn bạn.
Chúng tôi ở tận bên này Thái Bình Dương, ở bên kia Đại Tây Dương không thể đến đúng giờ để đồng ca tiễn bạn. Ngăn cách không gian khiến chúng tôi nghẹn ngào. Các bạn ở gần bên tiễn bạn bằng hành khúc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Anh Quang là nhạc sĩ. Tiễn biệt anh không gì bằng cung đàn tiếng hát, kết lại thành vòng hoa tiễn biệt. Trong tâm tưởng, chúng tôi sẽ hát cho anh nghe ca khúc ‘‘Bên Kia Sông’’, vì chúng tôi ở bên kia Đại Tây Dương. Xa xôi quá phải không Quang ?
Vậy mà mấy tháng trước, anh Nguyễn Đức Quang lặn lội sang Paris hát du ca. Lời ca anh mạnh khỏe làm tan biến sương mù mùa thu, giăng mắc tâm hồn. Tiếng hát anh trầm ấm lắng đọng trong tâm can mỗi người.
Chúng tôi làm sao quên được ‘‘Bên Kia Sông’’, lời thơ trữ tình, nhạc khúc dịu dàng : ‘‘Này người yêu, người yêu anh ơi! Bên kia sông là ánh mặt trời. Này người yêu, người yêu anh hỡi! Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối. Bên kia núi, núi cao chập chùng. Bên kia suối, suối reo lạnh lùng. Là bài thơ, toàn chữ hư vô’’. Có phải là anh đã mượn hoa, mượn nắng làm chất liệu vẽ nên chân dung người yêu. Vậy mà mấy câu cuối đã là non, là suối, là lạnh lùng hư vô.
Ta lắng nghe lời tự tình của người nghệ sĩ : ‘‘Này người yêu anh ơi! Cho anh nồng ấm cuộc đời. Hoa thơm có ánh mặt trời. Như núi mừng vì mây đến rồi’’. Tuy vẫn là hoa, là mây là núi, nhưng còn có nắng ấm.
Chúng tôi tiễn bạn bằng ‘‘Bên Kia Sông’’ với lời kinh bát nhã : '" Yết-đế, yết-đế , Ba-la yết-đế . Ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-bà-ha " : Tâm kinh Hán-Việt chuyển ngữ từ chữ Phạn : Gate gate Pàragate Pàrasamgate Bodhi svàhà (Vượt qua, vượt qua. Vượt qua bờ bên kia. Vượt qua hoàn toàn. Tuệ giác Thành tựu).
Đời người là những dòng sông. Sông núi ngăn cách không gian thì nhiều nhưng sông dài yết đế chỉ là một. Dòng sông yết đế có bờ đâu mà âm dương cách biệt, có nước đâu mà chan hòa nước mắt, tuy lặng thinh mà tung niệm trầm buồn.
Anh Nguyễn Đức Quang ơi, có phải là anh đã hát : Bên kia suối, suối reo lạnh lùng. Là bài thơ, toàn chữ hư vô. Bên kia sông nay hóa thân thành tâm kinh yết đế. Anh đã vượt qua bến bờ tuệ giác. Bên này sông chỉ là mịt mờ ngấn lệ. Xin anh lắng nghe tâm kinh tụng niệm : Gate gate Pàragate Pàrasamgate Bodhi svàhà.
Lê Đình Thông
No comments:
Post a Comment