3/22/16

ĐỊNH CHẾ HAY CON NGƯỜI?

Thi Phương HNN
   
Bất cứ ai có khả năng nhận thức chính trị bình thường  - bởi vì không ít người vẫn tưởng rằng có một giải pháp “phi chính trị” trong cuộc sống -  đều có thể hiểu trong cơ chế chính trị nước Mỹ tam quyền phân lập, Tối cao Pháp viện (TCPV) là cơ quan có trách nhiệm, vai trò, chức năng gì, và tại sao các chánh án của tòa án này lại được dòm ngó và “ngưỡng vọng” đến thế. Một chế độ dân chủ pháp trị vững mạnh phải đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Duy trì “the rule of law” chính là trách nhiệm của ngành tư pháp, đứng đầu chính là tòa án tối cao này, để tránh sự lạm dụng quyền lực tưởng như vô hạn của hai ngành hành pháp và lập pháp. Cho đến khi người ta nhận ra chính tòa án này còn dễ bị lạm dụng hơn hết. Trước tình trạng xung đột đến mức gần như nội chiến thưòng xuyên giữa hai đảng khiến cho hai ngành lập pháp và hành pháp không hợp tác, không thỏa hiệp được với nhau mà còn lạm dụng quyền làm luật hay thi hành luật của mình để mưu sự độc quyền, chỉ có một ngành tư pháp mạnh, một TCPV độc lập, công tâm, mới tạo dựng và gìn giữ được một nền pháp luật lành mạnh và thúc đẩy bộ máy chính quyền hoạt động hữu hiệu vì lợi ích chung của đất nước và người dân. Nhưng nếu TCPV cũng “tầm thường” hay bình thường như chính trị, như con người thì sao? Đó là câu hỏi người ta không ngừng nêu ra, nhất là trước cái chết và sau cái chết của ông Chánh án Antonin Scalia của tòa án này vào ngày 13-2 vừa qua.

Chính trị của Mỹ đang ngày càng đổ đốn. Nước Mỹ đang ngày càng biến chuyển mạnh trong một thế giới hậu Chiến tranh lạnh đang mò mẫm tìm đường trở lại Chiến tranh lạnh. Thay vì hai chính đảng phải hợp tác, thỏa hiệp trong việc cùng tìm kiếm những suy nghĩ mới, cách làm  mới, phương hướng mới, thì người ta lại càng phân cực, đảng Dân Chủ càng Dân Chủ, đảng Cộng Hòa càng Cộng Hòa, đưa đến tình trạng có Two Americas. Hai nước nằm trong một nước nghe giống như giải pháp “one country-two states” mà người ta mãi vẫn không thực hiện được cho cuộc xung đột giữa Do Thái và Palestine, bởi vì nghe sao “kỳ kỳ”. Nhưng chính yếu là vì những ông Do Thái ở New York đang nắm nước Mỹ đã thấy rằng “The Two Americas” mà không hiệu quả được, thì làm sao “một đất nước, hai nhà nước” ở Jerusalem điều hành được với sự chấp nhận đồng tình hợp tác của người Jews và Palestinians? Làm sao chính quyền hoạt động được, nếu chính quyển nằm trong tay đảng này, ngành lập pháp thì trong tay đảng khác, cho nên cứ tìm cách ngăn trở mọi hoạt động của chính quyền. Tệ hơn nữa, nếu cả hành pháp và lập pháp đều nằm trong tay một đảng, như chúng ta đã thấy dưới thời Tổng thống George W. Bush (2003-07) thì hầu như người ta càng tha hồ làm bậy (chiến tranh Iraq, nạn suy thoái bắt đầu từ năm 2007). Bởi thế mọi thăm dò trong cả mười năm qua đều cho thấy người dân ngày càng mất niềm tin là mình có một chính quyền làm được việc, ngày càng mất tín nhiệm đối với những định chế lập pháp, Thượng Viện cũng như Hạ Viện. Và cuối cùng, người ta cho rằng trong sự sa đọa hay suy đồi của chính phủ có trách nhiệm nghiêm trọng của TCPV. Sự qui trách này thực ra không sai. Thay vì đóng vai trọng tài phân xử nghiêm minh theo luật, TCPV trong nhiều trường hợp chỉ làm cho người ta thấy công lý đi vắng. Bởi vậy một số nhà quan sát chính trị nghĩ ra được một cách gọi mới cho chính xác : The Supreme Court of Injustice!

Người ta ngày càng nhìn đến các vị chánh án, không chỉ vì họ dễ nhìn: họ chỉ có chín người. Trong khi đó, muốn nhìn đến Hạ Viện liên bang, người ta phải nhìn 435 người, muốn nhìn Thượng Viện phải theo dõi đúng một trăm người! Người ta phải nhìn đến họ là vì quyền lực của họ lớn quá, trong khi trách nhiệm không rõ ràng. Hay đúng hơn, vì họ là “Bao công” cho nên chẳng có luật pháp nào kiểm soát được họ trên nhiều mặt về đời sống, chính trị, và nghề nghiệp. Uy quyền của TCPV là ở nơi uy tín của họ đối với người dân, sự độc lập, sự thanh liêm, sự công bằng, tính nhân bản, thế nhưng càng ngày người ta càng nghi ngại về chín vị chánh án được xem có nhiều quyền lực nhất thế giới.

Theo một thăm dò gần đây của một trung tâm nghiên cứu có tên là Greenberg Quinlan Rosner Research, đến hơn một nửa những người được hỏi ý kiến đã tỏ ý tin rằng chánh án thời nay đã để cho những quan điểm chính trị hoặc cá nhân chi phối quyết định của mình. Phần đông (đền hơn 70%) cũng cho rằng phải đặt ra hạn kỳ cho các chánh án để hạn chế tư tưởng tự do lạm dụng suốt đời (hiện nay, một chánh án chỉ rút lui hoặc do mỏi mệt xin về hưu, hoặc chết bất đắc kỳ tử - là điều không chánh án nào muốn nhưng có khi nhiều người mong). Người ta cũng cho rằng những thảo luận giữa các chánh án cần phải được công khai hóa, thay vì cứ  “Êm đềm trướng rũ màn che; Tường đông ong bướm đi về mặc ai”, rốt cuộc công chúng chẳng biết trong đó ai nói gì, và người nào cứ ngậm miệng ăn tiền (chữ dành cho ông tòa Clarence Thomas, mười năm nay không hề hở môi vì sợ răng lạnh, nhưng vào ngày thứ hai cuối tháng hai, bỗng dưng ông bật miệng lên tiếng ngây thơ hỏi trong một phiên “lấy khẩu cung”: Người ta phá thai để làm gì). Công luận cũng đòi chánh án TCPV cũng phải giống như chánh án các tòa liên bang, có nghĩa là phải công khai hóa tài chánh, thuế khóa cá nhân và chịu chi phối bởi những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.

Rõ rệt là người dân đang dần chuyển sự bất mãn trước nhắm vào chính quyền và những nhà lập pháp dân cử nhưng chuyên làm việc cho những nhà “mạnh thường quân” trong tranh cử, nay nhắm vào tòa án tối cao này. Adam Liptak, một nhà báo chuyên theo dõi TCPV của tờ The New York Times gần đây đã có nhận định tòa án này đang mang tiếng thiên vị đảng phái và ủng hộ lợi ích giới doanh nghiệp (pro-business) hơn bao giờ hết, phản ánh sự phân hóa cùng cực trong giới chính trị và truyền thông của Mỹ ngày nay. Ông có nhận định khá mỉa mai: “Ở đất nước phân hóa này, người ta có thể bất đồng với nhau trên tất cả mọi chuyện, nhưng rất dễ nhất trí với nhau một điều: TCPV thật đáng ghét”.

Những câu chuyện người ta đang nói về cái chết của ông chánh án gốc Ý Antonin Scalia có thể minh họa như một show case cho những quan điểm phổ thông trên đây. Ít nhất cũng có hai câu chuyện ly kỳ chung quanh cái chết của ông chánh án đã (hay chỉ mới) 79, được Tổng thống  Ronald Reagan bổ nhiệm từ năm 1986 và vẫn nổi tiếng là miệng lưỡi sắc sảo nhất của trường phái bảo thủ của Cộng Hòa trong TCPV. Scalia chống Obamacare, chống hôn nhân đồng tính, chống quyền bỏ phiếu của người da đen, chống chuyện kiểm soát súng, chống Affirmative Action, tức chính sách nâng đỡ người thiểu số trong giáo dục.. Ngày 13-2, ông đột ngột qua đời  giữa khi đi nghỉ đông tại một trang trại du hí săn bắn ở Texas của một hội đặc biệt dành cho giới quyền thế  và tài phiệt hàng đầu. Người ta tìm thấy ông nằm chết trên giường trong phòng ngủ của ông trong trang trại này, người ta khám phá ra ông chết lặng lẽ trong giấc ngủ là vì đến 9 giờ sáng ngưòi ta vẫn chưa thấy ông ra phòng ăn sáng. Thế nên người ta mới hỏi: Tại sao chết? Ai đưa ông đến chốn này?

Về chuyện ông chết như thế nào, người ta đang còn âm thầm tìm hiểu (không phải điều tra), vì gia đình đã không yêu cầu khán nghiệm tử thi, trong khi đó ông biện lý địa phương thì cứ ngồi trong văn phòng mà phê “death of natural cause” - chết bình thường. Có người viết SGN nhớ lại phiên tòa trong phim “To kill a mockingbird” mà tác giả là bà Harper Lee vừa mới qua đời sau ông Scalia sáu ngày và tài tử Gregory Peck chỉ làm người ta dằn vặt vì một thời đã mất. Một phụ nữ da trắng tìm cách “ép duyên” không được một thanh niên da đen và bị cha ép phải tố ngược lại rằng bị người da đen cưỡng hiếp và đánh đập bầm mặt, và nguyên cả bồi thầm đoàn và quan tòa bác bỏ yêu cầu của luật sư phải có pháp y giám định xem bà có bị hiếp hay không và vết đánh đập nơi người bà là do cha bà gây ra hay bị người da đen hành hung. Đây là một tiểu thuyết của một người viết da trắng nói lên sự mù quáng của công lý đã gây ra bế tắc trong vấn đề chủng tộc xã hội. Vấn đề là người ta đang nói cái gối nằm của ông thoát ra khỏi đầu của ông và nằm đâu đó trên đầu giường. Và máy thở của ông tại sao lại không được vặn “on” để cho ông thở dễ dàng điều hòa như mọi đêm mà lại “off”. Phải chăng ông quên vặn? Như thế thì coi chừng ông đã bị Alzheimer, làm chánh án sao đặng? Và có phải vì không đủ không khí cho nên ông bị bí thở hay không? Hay là ông đã vặn mà có ai đó lẻn vào phòng tắt máy (conspiracy theory, tức cái bệnh đa nghi của Tào Tháo)? Ít ra người già có thể tìm thấy ở đây một bài học cho mình: Hãy sống như tuổi già cho phép!

Khi qua đời tại trang trại miền tây Texas này, Scalia đang ở trong một nhóm hội viên cao cấp của một câu lạc bộ chọn lọc dành cho những nhà săn bắn có tên là International Order of St. Hubertus, một hội gốc từ nước Áo có từ thế kỷ 17. Người ta vẫn giữ kín tên tuổi của 35 người khách mời trong nhóm đang ở trang trại vào lúc đó, cũng không cho biết chi tiết về quan hệ của Scalia với nhóm này. Họ đã từng ít nhất một lần tụ họp vui chơi cùng nhau ở trang trại của dân giàu sang quyền quí này. Đây cũng là một hiệp hội kỳ bí, chỉ dành cho phái nam, đặt tên theo một ông “thánh” chuyên phù hộ cho người đi săn và người đi câu – tức những người rảnh rỗi ưa giải trí ngoài thiên  nhiên. Người trong hội khi có lễ hội vẫn mặc áo chùng dài màu xanh đen, trên thân áo có một thánh giá lớn. Scalia đến đây bằng máy bay riêng của hội, đáp xuống ngay trong trang trại, cùng  đi với một luật sư nổi tiếng ở Washing ton có  tên là  Allen Foster. Tin tức sau này còn cho biết thêm Scalia đã ở chơi nơi này ít nhất là mười ngày, và ông đã từ chối cho  bảo vệ theo canh chừng ông. Có tin chính ông Foster đã xung phong đài thọ hết mọi chi phí cho ông Scalia.

Để biết thêm về ông Scalia, chúng ta có thể lướt qua bài báo “Scalia led court in taking trips funded by private sponsors”, có nghĩa là ông Scalia chuyên đi chơi bằng tiền của bá tánh có tiền. Những người trong thành phần con số 1% ăn trên ngồi trốc trong xã hội. Ông đã đi 258 chuyến trong 11 năm qua, trung bình 23.5 chuyến một năm – free. Cần phải nói ngay, ông Chủ tịch John  Roberts 48 chuyến trong 10 năm, trung bình 4.8, là người liêm sĩ nhất. Sau ông Scalia là ông Stephen Breyer, 185 chuyến trong 11 năm, trung bình 16.8. Theo bài báo này, ông Scalia đã đi khắp nơi trên trái đất, bởi vì miễn phí – dại gì không đi. Theo tác giả: “Cái chuyện đi đứng miễn phí này một số chuyên gia tư pháp cho rằng chỉ là chuyện nhỏ, bởi vì có khi đi để nói chuyện (như bà Clinton?) để cho người ta hiểu rõ TCPV là thế nào. Nhưng cũng có nhiều học giả phản đối, cho rằng một quan tòa đi lại miễn phí là chuyện “mâu thuẫn lợi ích” (confict of interest), nhất là khi người bỏ tiền vẫn có tiếng là bảo thủ hay tự do, muốn quảng cáo cho mình. Một số nhóm có khi lợi dụng sự có mặt của mấy ông lớn bà lớn như Scalia, Hillary Clinton để kiếm tiền (như kiểu bán vé).

Nay ông đã nằm xuống, sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong trang trại này. Có nghe đưọc ông chỉ thêm phiền, không nhắm mắt được, cho nên hãy nói ngắn gọn như thế này.

Lẽ ra ông, cũng như mọi ông bà chánh án khác của tòa án rất đặc biệt này, phải biết giữ mình nếu đã chấp nhận cuộc chơi TCPV này. Ông phải giữ mình và giữ mày mặt cho mình. Đã chọn nghiệp dĩ này, ông càng phải hiểu nghề nào cũng có “code of ethics” của nghề đó, nhất là nghề chánh án, mà còn là chánh án của TCPV. Ông phải tập khắc khổ như những nhà tu hành thời xưa thế thiên hành đạo – không phải thời nay chỉ biết nhận mà không biết cho. Không nhận trong thời này – đúng là điều khó. Ông còn phải biết nên chơi với ai và nên tránh xa ai trong xã hội này - nếu không muốn lên núi Utah ở ẩn. Bởi thế ông mới “ngộ” được ông phải là non-partisan – phi đảng phái – trong xã hội chính trị đảo điên này. Toàn là những điều khó, làm người đã khó, làm chánh án càng khó hơn, nhưng đã muốn làm chánh án, cả nưóc 340 triệu mà chỉ có chín người thì phải chịu khó chịu khổ mà thôi.
Do đó vấn đề của TCPV là vấn đề định chế hay con người?

Có lẽ cả hai. Định chế phải làm sao để cho con người không bị thử thách quá sức! con người phải cố làm sao cho định chế không trở thành hoang tưởng!

No comments:

Post a Comment