Showing posts with label Hoàng Ngọc Nguyên. Show all posts
Showing posts with label Hoàng Ngọc Nguyên. Show all posts

1/22/24

TẾT ĐẾN GIỮA MÙA ĐÔNG

 Hoàng Ngọc Nguyên


    Bây giờ đã là giữa tháng một, hai tuần sau khi chúng ta đón Tết dương lịch 2024 trên đất khách quê người. Và nay năm ta sắp hết, Tết ta sắp đến. Nhớ một thời mấy chục năm trước, còn sống trên quê nhà, khi Tết đến còn ông bà, còn cha mẹ, còn bà con, còn bạn bè, còn láng giềng, ta chỉ nhìn quãng đường dài trước mắt đến mức tưởng như không có ý niệm về thời gian. Nay thì quãng đường dài đó đã để lại sau lưng. Bao nhiêu chặng đường đã đi qua may lắm chỉ lãng đãng trong tâm trí: những năm tiểu học từ Huế vào Cầu Kho-Saigon lên Dalat rồi trở lại Tân Định-Saigon; thời trung học vất vả từ Tân Định (Trần Lục) lên Chợ Lớn (Chu Văn An), rồi đại học bon chen và thư nhàn từ trong nước ra nước ngoài; ngày tháng tại quân trường Thủ Đức và lăn lộn giữa nghiệp dĩ ngồi máy (viết báo) và công chức… Rồi cuối cùng cũng phải đi “học tập cải tạo” như mọi người để “sáng mắt sáng lòng”...

    Trước mắt hiện nay chỉ là chuyện sống qua ngày với ý thức rất rõ về qui luật của muôn đời sinh lão bệnh tử, may mà bên cạnh còn người phối ngẫu đã cùng nhau đỡ đần qua lại hơn 50 năm, còn con cái để bận tâm và mong đợi, còn cháu nội ngoại để vui vầy cho dù chẳng đứa nào nói dễ nghe, dễ hiểu vì chẳng đứa nào nói “tiếng nước tôi”.

Và trong lòng của những người đã từng sống tại Miền Nam quê hương trước đây trong một thời chưa mất nước, đương nhiên vẫn nổi lên một nỗi ngậm ngùi, bâng khuâng đến như dằn vặt, nhất là với tách cà phê có tô đậm dòng chữ: “The older I get, the better I used to be” – cho dù không có điếu thuốc trên môi (Nếu còn điếu thuốc trên môi có lẽ không còn ngồi đây nữa). Cuộc chiến tranh thuở xưa vẫn còn trĩu nặng trong tâm trí, vì đó là cuộc chiến làm ta mất nước, một cuộc chiến đã làm cho khoảng 250.000 lính Cộng Hòa bỏ mình trên chiến trường, gần 60.000 lính Mỹ cũng thiệt mạng, khoảng 200.000-300.000 quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải đi cải tạo, khoảng 200.000-400.000 người Miền Nam đã chết trên đường vượt biên… Cộng Sản Miền Bắc thí đến hơn 1 triệu thanh niên cho tham vọng “thống nhất” của chúng. Đúng ra, người ta đã thí đến 15 năm mà người dân hai miền thay vì phải dồn sức vào thoát cảnh đói nghèo lại phài thí sinh mạng cho tham vọng ngông cuồng của CS Bắc Việt. 

Đất Mỹ đúng là chốn dung thân của bao nhiêu người trên trái đất này. Theo thống kê gần đây nhất, đến 13.6% dân số Mỹ là di dân (theo nghĩa sinh ở nước ngoài) – gấp đôi dân số nhập tịch theo thời gian (naturalization). Cứ nhìn tình cảnh thường trực của cả hàng chục ngàn người ở hai bên bức tường “giả tạo” ngăn cách hai nước Mỹ-Mễ. Thời xưa, bức tường Bá-Linh của Cộng Sản Đức người ta còn không sợ. Huống gì bức tường ở El Paso chỉ làm người ta nhớ đến bài hát của Marty Robbins nhiều hơn. Nhiều người đang sống trên đất Mỹ đã bắt chước tướng Trần Bình Trọng của đời nhà Trần Việt Nam thời xưa (Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc) khẳng khái nói: “Thà làm di dân lậu một nước độc lập tự do, còn hơn làm công dân một nước của tập đoàn lãnh đạo theo văn hóa tội ác!” Dưới thời Tổng thống Biden, đã có gần 2 triệu người Mễ tràn vào Mỹ làm cho người Cộng Hòa phát điên. Phiếu của cử tri Latino ở đâu chưa thấy, xem chừng Biden sẽ mất một số phiếu của người da trắng chống di dân!

Đặc biệt những người Việt phải bỏ nước ra đi sau năm 1975 nay đã đưa con số người Mỹ gốc Việt lên đến 2.2 triệu người – dĩ nhiên kể cả những người vốn có cuộc sống quá dư giả tại VN nhờ được chế độ ưu đãi nên cũng bon chen lợi dụng qua Mỹ để tìm “đất sống” lâu dài. “Cộng đồng” người Việt tại Mỹ nay được xếp hạng thứ tư về mặt dân số Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ, chỉ thua dân Tàu (người Tàu từ Trung Cộng ngày nay quá giàu, không qua Mỹ, thì sống ở đâu?), người Ấn (cứ nhìn bà Nikki Haley hay Phó Tổng thống Kamala Harris hay ứng cử viên tổng thống Vivek Ramaswamy - dân Ấn quá khôn sau gần 9 thập niên được nuôi dưỡng dưới chế độ thuộc địa của Vương quốc Anh 1858-1947) và người Phi (Philippines vốn là thuộc địa của Hoa Kỳ từ 1898 cho đến 1946 sau khi bị Tây Ban Nha cai trị cũng cả nửa thế kỷ). Sự thực thì người Việt chúng ta thua kém cả người Hoa và người Ấn về “thế”. Một phần bởi vì chúng ta “quá mới”, và những người đầu tiên qua đây bằng ghe thuyền! 

Đã gần 50 năm từ ngày chúng ta mất nước. Tất cả như là một giấc mơ, cho dù là ác mộng có thật. Những thế hệ sau này cùng lắm thì biết cái gốc Việt của cha mẹ và ông bà, nhưng chưa chắc đã hiểu được vì sao “ai mang tôi đến chốn này”. Cũng có thể giới trẻ hiểu loáng thoáng người Việt qua đây vì khó sống dưới chế độ cộng sản, nhưng chẳng thể hiểu được vì sao lại không sống nổi dưới chế độ đó.  Tuy nhiên, thế hệ cao niên khó mà nói hết, nói đúng cuộc sống trước đây đã đẹp đến thế nào, cho dù về mặt vật chất thì có thể không đầy đủ như hiện nay (Bởi thế mới có câu: Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc - biết đủ là đủ). Và ba ngày Tết là một truyền thống xã hội, truyền thống gia đình trang trọng nhất, cần thiết nhất trong năm, là cơ hội độc đáo nhất cho gia đình, cho xã hội… thể hiện được nếp sống văn minh về tín ngưỡng có tính Khổng giáo.

Cuộc chiến chống sự xâm lăng của cộng sản Hà Nội kéo dài cả 15 năm, và trong 15 năm chiến tranh căng thẳng đó, chúng ta ở Miền Nam vẫn giữ được truyền thống “ăn Tết” đẹp đẽ đó. Chỉ có vài năm phải ngưng chuyện đốt pháo để ngăn ngừa sự phá hoại, khủng bố của kẻ thù. Tuy nhiên, trong thời tiết chỉ hơi se lạnh của một mùa xuân mới khi mùa đông đã qua, hầu hết mọi gia đình, hầu hết mọi người đều ra sức thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc gia đình, cá nhân khi Tết đến. Đó là dịp để nhớ đến tiền nhân, những người đã khuất. Dịp thể hiện hạnh phúc thương yêu của gia đình, ông bà, cha mẹ đối với con cháu và ngược lại. Đó là dịp thể hiện những nỗ lực “đổi mới”, sự mong đợi thời vận mới… qua những việc như sửa sang, lau chùi, quét dọn nhà cửa, trang phục mới, cách nói năng, giao tiếp giữ gìn, lịch thiệp, ý tứ. Và đương nhiên, đó là dịp vui chơi lớn nhất trong  năm của trẻ con, qua tiền lì xì, đốt pháo, chưng diện áo quần mới, và tụ họp gia đình…

Nếu nhìn lại gần nửa thế kỷ qua, kể từ khi Cộng Sản Hà Nội cho quân “tiến về Saigon, ta quét sạch giặc thù” (cái ý chí này cho thấy bản chất thực sự của Hà Nội xâm lược), cái Tết ngày xưa đã không còn nữa không chỉ đối với những người phải sống tha hương, mà còn đối với nhiều người ở Miền Nam đang cảm thấy sự mất mát trong cuộc sống mới với triết lý chính trị và xã hội hủ lậu của giới cầm quyền. Và chúng ta không tránh được chuyện nêu lên những câu hỏi về nước Mỹ, người Mỹ - để thấy rằng hiểu được nước Mỹ, hiểu được người Mỹ, không phải là chuyện dễ dàng. Và chưa hiểu đủ người Mỹ nước Mỹ thì ta chưa hiểu được vì sao Mỹ đã đành đoạn bỏ rơi 20 triệu người Miền Nam nửa thế kỷ trước đây.

Bao giờ chúng ta cũng nên nhớ rằng nước Mỹ chưa đến 250 tuổi, cũng như một người trẻ đôi mươi, chưa đủ trưởng thành; háo thắng nhìn đời, nhưng vẫn có những vụng dại, bất định, bất ổn, mâu thuẫn trong trong cách xác định những giá trị để nhìn mình, nhìn đời. Nhưng tuổi trẻ một phần cũng là tuổi của hy vọng, lý tưởng, lạc quan, và tự hào. Bởi thế mà một nước Mỹ từng giàu có vô song và sáng rực trong lý tưởng dân chủ, tự do cho con người trong một thế giới trật tự đảo điên và hướng đi mù mịt đã trở thành nước lãnh đạo Thế giới Tự do của gần nửa thế kỷ.

Miền Nam của chúng ta từng là nạn nhân của một nước Mỹ như thế. Một nước Mỹ có tầm nhìn nhưng thiếu sách lược; lãnh đạo chỉ nhìn gần, không dám nhìn xa; người dân lớp trên quá cá nhân chủ nghĩa, phần lớn chỉ tìm kiếm sự hưởng thụ cho nên thiếu ý thức về giá trị và mục tiêu quốc gia, về quyền lợi và nghĩa vụ, cho nên nước Mỹ mất hướng, lạc lối, không hành động thỏa đáng trong bài toán Việt Nam. 

Hơn 20 triệu dân miền nam vì thế lãnh đủ. Lãnh đạo Miền Nam thì bao giờ cũng quá “thật thà”, như người dân ở một vùng quê hẻo lánh bị bao bọc bởi những lũy tre xanh và nằm mơ là chóa mắt vì “ánh sáng đô thị”. Tính từ 1954 (tức 70 năm trước đây) 1964 (cách đây 60 năm) và cuối cùng là 1975 (cách đây gần 50 năm), chính quyền Miền Nam vẫn nhìn đồng minh của mình một cách loạn thị, cho dù có dư người đi làm ngoại giao ở Washington, D.C., và càng dư người đi học ở Mỹ hay làm cho Mỹ (kể cả những người làm cho CIA). Ít người trong chúng ta thời đó chịu hiểu Tổng thống John Kennedy còn một gánh nặng “Biên cương mới”. Tổng thống Lyndon Johnson thì mắc vào lời hứa “Đại xã hội”. Và ông Richard Nixon thì phải “Việt Nam hóa chiến tranh”. Sau vụ Mậu Thân, người Mỹ phát ngấy với chuyên mở máy truyền hình ra là thấy đập ngay vào mắt cuộc chiến ở cái vùng tiền đồn mà nay họ cho rằng vô nghĩa, bỏ là vừa! 

Nguyền rủa bóng tối của quá khứ mãi cũng chán, chúng ta cũng chẳng điên rồ ước gì có thể “làm lại từ đầu”. Giá mà thời đó chúng ta có thể hiểu được nước Mỹ hơn, nhìn được nước Mỹ rõ hơn, đầy đủ hơn - chẳng những mặt phải mà cả mặt trái của nó!  

Tết năm nay xem chừng lại rơi vào mùa đông, nhưng không chỉ vì mùa đông mà chúng ta quên rằng Tết sắp đến. Chúng ta vẫn đón tết theo cách của mình, từ đáy lòng của mình. Mở rộng cánh cửa, mở rộng con tim đón chờ con cháu đến chúc Tết với chút tiền lì xì trong túi; thăm viếng bạn bè, bà con… chẳng có và chẳng còn bao nhiêu người trong thành phố này (số người nằm xuống cứ tăng đều trong khi số người có thể đến ngày càng ít đi); đến với chùa hay nhà thờ trong địa phương để có dịp củng cố niềm tin của mình… 

Và tạm xem là cuối cùng, nhớ lại những bài hát một thời đã đem đến cho chúng ta những niềm tin, hạnh phúc, yêu đời đối với cuộc sống. Tuy chúng ta không còn giọng, không còn sức để hát, ai cấm được chúng ta nhẫm hát trong đầu hay trong giấc ngủ?

Như bài Đón Xuân của Phạm Duy là cây cổ thụ của làng âm nhạc Việt Nam:

Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh, muôn loài chim hót vang mọi nơi
Đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối
Nắng xuân đem vui với đời

Hay Xuân Đã Về của nhạc sĩ Minh Kỳ, một nhạc sĩ hiền hòa nhưng lại phải đi cải tạo:

Xuân đã về, xuân đã về!
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Xuân đã về, trên cánh đồng,
Bao bác nông ngưng cày ruộng vui say xuân
Xuân đã về, xuân đã về!
Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về!
Ta hát vang chào mừng xuân sang… 

Hoa Xuân cũng của Phạm Duy, nói lên cái đẹp của mùa xuân không chịu ảnh hưởng chút nào của mùa đông trước đó:

Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung tròn

Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi
Muốn yêu anh vác cày trên đồi
Hay là yêu chiến sĩ nghìn nơi
Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời

Một bài hát từ đầu thập niên 60 của nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thơ của Kim Tuấn, âm điệu và lời lẽ nhẹ nhàng, lãng mạn, dễ quyện lấy tâm hồn giới trẻ vào thời đó: Anh cho Em Mùa Xuân!

Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vịn ngọn cây

Xuân Tha Hương của Phạm Đình Chương là một bài hát day dứt, ám ảnh tâm trí của tất cả chúng ta:

Ngày xưa xuân thắm quê tôi bao nhánh hoa đời đẹp tươi
Mẹ tôi sai uốn cây cành, vun tưới hoa mùa xinh xinh
Thời gian nay quá xa xăm, tôi đã xa nhà đầm ấm
Sống bao xuân lạnh lẽo âm thầm

Và tạm xem là cuối cùng, không thể thiếu được Ly Rượu Mừng cũng của người nhạc sĩ Hội Trùng Dương, nói lên tinh thần lạc quan, nhân bản, hòa đồng của con người sống trong một xã hội ai cũng mang niềm hy vọng vươn lên:

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó

Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...

Khi nghe những bài nhạc xưa của một thời đó, chúng ta mới thấm được những mất mát to lớn không gì lấy lại được để có hạnh phúc đích thực!




1/21/24

DAVID & GOLIATH – MỘT CUỘC ĐỐI ĐẦU CẦN THIẾT

 Không phải để người dân biết “ai thắng ai”, mà để người ta hiểu, qua lá phiếu của họ, người dân Mỹ ngày nay như thế nào!

Một người đang mất hết tóc, một người tóc giả


Ghét của nào trời trao của ấy! 

Tính từ đầu năm 2024 này, chỉ còn 10 tháng nữa là người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để chọn cho đất nước của mình một tổng thống mới, mà phần chắc tuy mới mà cũ - tổng thống 47 sẽ là hoặc ông 46 hoặc ông 45.  Theo nhiều thăm dò dư luận, người ta tin chắc rằng bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ là cuộc tái đấu giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Có nghĩa là ông Biden vẫn là sự lựa chọn bắt buộc của đảng Dân Chủ, và đảng Cộng Hòa không làm sao có thể thoát được sự kìm kẹp của Trump. Thực ra, chẳng cần thăm dò dư luận. Người bình thường cũng có thể thấy được viễn cảnh (đen tối?) này. Điều oái oăm là người dân Mỹ nói chung, phần lớn, chẳng ưa gì một cuộc tái tranh cử đụng độ giữa Biden và Trump. Và câu hỏi ám ảnh đối với nhiều người vẫn là phải chăng Biden đích thực là sự lựa chọn của cử tri Dân Chủ, và Trump là sự lựa chọn của người Cộng Hòa? Và phải chăng nền dân chủ nước Mỹ thật sự bế tắc, không tìm được lối ra nào.

Có thể còn quá sớm để kết luận!!! Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, có nhiều phát hiện bổ ích chúng ta có thể học hỏi được. 

Bắt đầu bằng những câu hỏi thực tế khi ta nhìn vào thực tế. 

Tại sao ông Biden là sự lựa chọn của đảng Dân Chủ? Câu trả lời đơn giản: tại vì ông không cho đảng của ông cơ hội có một sự lựa chọn nào khác. Và ông cũng có cái lý của ông. 

Ông là tổng thống đương nhiệm, chỉ mới có một nhiệm kỳ. Bình thường, người đương nhiệm được nhường bước, có ưu tiên tái tranh cử, ví dụ như Tổng thống Jimmy Carter, Bill Clinton, Barack Obama … phía Dân Chủ; Dwight Eisenhower, Richard Nixon, Gerald Ford, Ronald Reagan, George W.H. Bush (cha), George W. Bush (con), Donald Trump… phía Cộng Hòa. Trường hợp của ông Trump là “đặc biệt” nhất: tái tranh cử 2020 thất bại, vẫn “kiên trì” ra tranh cử 2024 một lần thứ ba để “cứu lấy nước Mỹ” – như ông nói và MAGA tin. Tổng thống Harry Truman (45-52) sau gần tám năm tại Tòa Bạch Cung có thể tái tranh cử năm 1952 (khi ông “mới” 68 tuổi), vì trong nhiệm kỳ đầu ông chỉ kế vị Tổng thống Franklin Roosevelt, nhưng ông quyết định rút lui vì mức ủng hộ của cử tri dành cho ông thấp - người Mỹ thời đó chưa hiểu hết sự thách đố của Chiến tranh Lạnh mà ông đã cảnh báo vào năm 1948 chống lại bức tường Bá Linh của bạo chúa Nga Stalin đã cai trị cả 25 năm ở Điện Cẩm Linh. Tương tự, Johnson từng tính ra lại vào năm 1968 với chương trình Đại Xã Hội đang nở rộ, nhưng vì cuộc chiến Việt Nam mà ông xem như là “bridge over roubled water” (bài hát nổi tiếng của Simon & Garfunkel) làm ông thất vọng (biến cố Tết Mậu Thân 1968), dẫn đến quyết định tuyệt vọng là mở ra “hòa đàm” với địch bất kể Miền Nam có sẵn sàng hay không, tạo cơ hội giả tạo cho cả hai tên điếm Lê Đức Thọ và Henry Kissinger được giải “Nobel hòa bình” vào năm 1969. Ngay tình mà nói, Johnson rút lui một phần cũng vì nan y: ông chết vì bệnh tim năm 1973, năm ông 65 tuổi. 

Trong trường hợp Tổng thống Biden, như chúng ta đã thấy trong ba năm qua, ông là người lãnh đạo thành công – ít ra cũng vượt qua được những thử thách quyết liệt của “một thời thách đố”: chính trị dân chủ hỗn loạn trong nước với sự đe dọa nghiêm trọng của MAGA (hay quần chúng chạy theo Trump với chiêu bài “Make America Great Again”), kinh tế lạm phát và bị đe dọa bởi nạn suy thoái và thất nghiệp, và toàn cầu đang bị áp lực “trật tự mới” của hai ông trùm tân đế quốc là Vladimir Putin của Nga và Tập Cận Bình của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng mở mắt nhìn sân khấu thế sự. Ngay cả một số người theo đảng Dân Chủ cũng đang làm cho Biden phát điên khi trong thăm dò dư luận quần chúng, họ trả lời “No” khi được hỏi về sự tín nhiệm ông Biden. 

Bidenomics - Vượt qua những thử thách của đại dịch COVID 19 (từ Tàu lan sang Mỹ từ đầu năm 2020 nhưng người đương nhiệm Donald Trump không dám hành động vì sợ “rút dây động rừng”, ảnh hưởng đến kinh tế của ông ta) Joe Biden đã thúc đẩy kinh tế, từ suy thoái chuyển qua tăng trưởng thấy rõ (tỷ lệ tăng trưởng trong quí ba là 5.2%, mức cao nhất kể từ quí tư năm 2021), số việc làm tăng mức kỷ lục (lao động phi nông nghiệp là 167.8 triệu người vào tháng 11/2023), nạn thất nghiệp đang xuống mức thấp nhất (3.7% vào tháng 12) và lạm phát cuối cùng đã nhượng bộ (hiện ở mức 3.4%, tức giá sinh hoạt tháng 12 năm 2023 cao hơn giá tháng 12 năm 2022 là 3.4%). Trong cảm hứng, Biden gọi đường lối kinh tế của mình là “Bidenomics” - nhấn mạnh ở chỗ những chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế nhằm vào tầng lớp trung lưu và lao động - nhất là những thành phần khó khăn nhiều nhất trong thời đại dịch: người già, người bệnh, người neo đơn và lớp trẻ. Thực ra, căn bản của Bidenomics là lý thuyết của kinh tế gia tân cổ điển John Maynard Keynes của nước Anh cách đây gần một trăm năm mà đảng Dân Chủ, từ Tổng thống Franklin Roosevelt đến Johnson sau này, vẫn xem là nền tảng của kinh tế học của đảng: chính phủ chi tiêu để tạo công ăn việc làm và đồng thời nâng đỡ một số thành phần trong xã hội chi tiêu để tạo cảm hứng tăng trưởng mới. 

Dân chủ & MAGA - Biden bước vào Nhà Trắng với ý thức đầy đủ về hiểm họa MAGA mà Donald Trump đã gieo rắc hàng ngày nhằm mục đích phá hoại cơ chế dân chủ lâu đời của nước Mỹ. Khai thác triệt để “chủ nghĩa dân tộc bạch chủng Cơ Đốc giáo” (white Christian nationalism) để tạo sự ủng hộ trong khối cử tri da trắng “bình dân” (nông dân & công nhân) không tin vào những giống dân thiểu số “ngoại đạo”, Trump đã bài bác và khuyến khích sự “phân biệt đối xử” (kỳ thị) đối với người da đen, dân Latino, và với di dân, đồng thời không ngừng “tố cáo” Biden đã âm mưu bầu cử gian lận trong năm 2020 nhờ những cử tri “dân tộc thiểu số” này khiến cho Trump phải rời khỏi Tòa Bạch Ốc và không còn “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” được nữa. Nắm được ý đồ trắng trợn của Trump là thúc giục người da trắng “mộ đạo” tập họp trấn áp các nhóm thiểu số muốn hành xử các quyền dân chủ của mình, nhất là trong các mùa bầu cử Hạ Viện, Thượng viên hay cả tổng thống - cho dù phải vận dụng bạo lực súng đạn. Joe Biden đã phải hành động với sự yểm trợ, tiếp sức của cựu Tổng thống Obama trong cuộc bầu cử năm 2022, tố cáo và lên án chủ nghĩa MAGA đang tấn công vào nền dân chủ Mỹ, làm cho người dân Mỹ mất tin tưởng vào hệ thống chính trị của đất nước mình. Sự lên tiếng đấu tranh của Biden đã phần nào thành công khi đảng Dân Chủ vẫn còn giữ được thế đa số mong manh tại Thượng Viện và chỉ thua đảng Cộng Hòa cũng chỉ vài ghế mong manh trong bầu cử Hạ Viện năm 2022. Cuộc bầu cử năm 2024 tất nhiên sẽ gay go hơn nhiều vì có cả bầu cử tổng thống và Quốc Hội lưỡng viện. Bởi vậy, năm nay chúng ta sẽ thấy chẳng những một mùa tranh cử quyết liệt mà còn có thể thấy được, hiểu được cử tri Mỹ (người da trắng, da đen, Latino, người châu Á, lớp trẻ, lớp già…) sẽ thực sự hành động như thế nào trong tình thế có vẻ như hoảng loạn hiện nay.

Tái lập trật tự thế giới – Putin và Tập Cận Bình đều cùng chung ước muốn xóa bỏ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, Mỹ kiểm soát dưới thời Chiến tranh Lạnh, và Trump trong những năm còn làm tổng thống đã tích cực và công khai giúp cả hai nhà độc tài số 1 này thực hiện một phần ý đồ đó. Trump vẫn ao ước nước Mỹ có một cơ chế thế nào đó để cho ông ta có thể làm tổng thống trọn đời như những người “đối tác” ở Moscow và Bắc Kinh. Trong nhiệm kỳ, Trump đã không ngớt “đòi nợ” thương mãi và chi tiêu quốc phòng với Đức, Anh, Pháp… Ông còn thẳng Mỹ sẽ không bao giờ giúp châu Âu nữa nếu châu Âu bị tấn công, bởi vì Mỹ sẵn sàng rời bỏ khối NATO… Có điều chắc Trump cũng trấn an Putin như thế, cho nên ông ta mới có kế hoạch mở rộng đế quốc sau này. Bởi thế, trong thời gian Tổng thống Trump còn tại chức, châu Âu và khối NATO hầu như không còn nhìn mặt Trump và nước Mỹ là đồng minh lãnh đạo thời trước đây. Nhưng Biden khi lên thay thế Trump đã bắt lại nhịp cầu với những nước đồng minh truyền thống ở châu Âu. Để cho “gương vỡ lại lành”, Mỹ đã nhanh chóng phản ứng khi Putin của Nga “tưởng bở” mở ra một cuộc “hành quân đặc biệt” nhằm xâm lăng nước Ukraine lâu dài. Nhờ thế mà cuộc “hành quân ngắn ngày” này sau gần hai năm đang làm cho Nga, thay vì Ukraine, bế tắc một cách nguy hiểm. Có thể nói nhờ Mỹ mà Ukraine còn chiến đấu quyết liệt, và nhờ Ukraine mà khối châu Âu tìm lại được sự đoàn kết và tin tưởng, cho dù thử thách vẫn đang còn ở phía trước trong thời buổi trật tự thế giới đúng là đang được xác định lại.

Tuy nhiên, Joe Biden cũng mang “tai tiếng” vì những câu chuyện sau đây:

Afghanistan - Tổng thống Mỹ đã không thận trọng trong quyết định rút quân khỏi nước Hồi giáo này. Ý định rút quân bắt nguồn từ thời Donald Trump, Biden có thể hủy bỏ quyết định đó, hay tiến hành chuyện triệt thoái một cách có trách nhiệm hơn, không “đem con bỏ chợ”. Nhưng Biden đã đột ngột và vội vàng ra lệnh triệt thoái, bất kể chính phủ ở Kabul đã sẵn sàng chưa và người dân Afghanistan có thể hoảng loạn đến mức nào. Lực lượng phản loạn Taliban đã nhanh chóng tràn ngập nước này, tàn sát quân dân chế độ cũ (nhất là vì các “lãnh tụ” ở Kabul đều đã bỏ chạy), và thiết lập một chế độ Hồi giáo bạo tàn khiến cho người dân trước đây từng có ảo tưởng sẽ được sống dưới một chế độ tự do, dân chủ nay mang mối hận nghìn thu… với “đế quốc Mỹ” bỏ chạy. Chúng ta có thể liên tưởng tâm sự người Miền Nam chúng ta trước đây với người dân Afghanistan bơ vơ ngày nay. Trong cả hai trường hợp Biden đều chủ trương triệt thoái bất kể sự tồn tại của chế độ đương thời và sự an toàn và nguyện vọng người dân bản xứ.

Biên giới - Đối với “đất nước của di dân”, biên giới Mỹ-Mễ đương nhiên là chuyện dài muôn thuở. Ngay cả từ trước Đệ nhất Thế chiến, Tổng thống Mỹ thời nào cũng cần cảnh giác   cao độ trước nhu cầu và khả năng của nước Mỹ đối với sự du nhập của di dân đến từ những nước Latino Trung và Nam Mỹ qua đường biên giới Mexico, cùng với hiện tình của phong trào di dân có áp lực như thế nào.  Tổng thống Mỹ thời nào cũng phải sẵn sàng những biện pháp thích nghi đối phó với tình hình – thay vì ở vào tình thế trở tay không kịp. Thế nhưng xem chừng sau ba năm ở Tòa Bạch Cung, Tổng thống Biden không có chính sách biện pháp nào rõ rệt để “kiểm soát” hay nắm vững được tình hình di dân đang tràn vào Mỹ vì những chế độ ở Trung Mỹ và Nam Mỹ đang bế tắc, lúng túng hơn trên cả hai mặt kinh tế và chính trị, và Tổng thống Joe Biden không rõ ràng trong việc đóng cửa hay mở cửa, ngăn chận hay cho di dân tràn đến. Bởi thế mà chưa bao giờ như bây giờ di dân tràn ngập miền biên giới đến mức bế tắc như hiện nay.

Vũng lầy Israel - Nhiều tổng thống Mỹ trong quá khứ đã bị mắc kẹt vì chính sách bảo hộ Israel kể từ khi nước này được hình thành từ năm 1948 – cho dù vẫn bị Tel Aviv lạm dụng. Với cuộc chiến hiện nay của Israel nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas, Mỹ đang bị sa lầy, theo nghĩa không gỡ ra được. Cuộc chiến Gaza bắt đầu từ ngày 7-10, đến nay đã hơn ba tháng, bắt đầu từ sự nổi dậy có tính khủng bố của loạn quân Hamas, nhưng cuộc chiến kéo dài do sự hiếu chiến của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chủ tâm tàn sát người Palestine ở khu Gaza và kéo Mỹ vào cuộc chiến. Thay vì cẩn trọng và cưỡng lại sức ép trong chính giới Mỹ gốc Do Thái, Biden đã để cho Netanyahu giật giây, cho nên hiện nay Hoa Kỳ đang dính líu đến cuộc hải chiến trên Biển Đỏ với lực lượng Houthi được Iran yểm trợ, có Nga sau lưng. Trong khi đó, kỷ niệm 100 ngày cuộc chiến, Netanyahu tuyên bố Israel sẵn sàng đánh tới cùng để tiêu diệt Hamas và ông còn nói rõ: “Không ai có thể bảo Israel ngừng lại”. Ông ta không hề đề cập đến chủ trương hòa giải “một đất nước, hai nhà nước” và nhìn nhận những quyền lãnh thổ và chính quyền của người dân Palestine. 

Biden đang điên đầu, đứng ngồi không yên vì Cộng Hòa đối lập đang buộc ông phải đóng băng các ngân sách về biên giới, Ukraine, Israel, Đài Loan… Nhưng không chỉ vì thế. Tuổi già của ông đang làm cho cử tri Dân Chủ mất phần khởi. Sự thực tại sao Biden lại muốn ra thêm một nhiệm kỳ nữa khi ông đã 82 thì chỉ có trời mới biết, nhưng sự thực cũng là ở tuổi của ông, người ta nhìn tương lai thấy bế tắc, hạn hẹp hơn là rộng mở. Thăm dò trong giới trẻ cho thấy họ không còn hứng thú trong chuyện ủng hộ Biden, cũng như cử tri da đen, Latino… bất mãn chính sách biên giới và sự ưu đãi người Do Thái của Biden. Nên hiểu rằng hiện ở Mỹ có ít nhất 3.5 triệu di dân Hồi giáo. Thánh Allah đang thúc giục họ xuống đường không ngừng… Ngoài ra, nếu Biden không nhức đầu về những chuyện tai tiếng của cậu quí tử Hunter Biden thì đúng là chuyện lạ. Cho nên mới có tin rằng nếu Trump có “mệnh hệ” nào trong các phiên tòa hiện nay thì Biden sẵn sàng nhường chỗ cho một ứng cử viên Dân Chủ khác. Người ta vẫn nghĩ rằng các ứng cử viên Cộng Hòa như Nikki Haley, Ron DeSantis… quá yếu nên chăng có cơ hội nào – ngoại trừ công lý nước Mỹ lên tiếng.

Tuy nhiên, những quan sát viên bi quan vẫn nghĩ rằng trong 10 tháng tới, Donald Trump sẽ vẫn “bình chân như vại”. Dễ dãi thì ta nói đúng là “cái số của chàng”. Không nói đến thời gian trước khi ông ta làm tổng thống, trong bốn năm tại Nhà Trắng, ông ta đạt kỷ lục với hai lần Quốc Hội “luận tội” (impeachment), thế nhưng ông ta đều thoát cả. Hiện nay ông ta lại lập kỷ lục mới với năm vụ án: (i) “lạm dụng nam quyền” với nhà báo Jean Carroll; (ii) Trump Organization làm ăn gian xảo, trốn thuế, lừa bịp ngân hàng cho vay; (iii) lạm quyền tổng thống dù đã ra đi để thao túng hồ sơ công; (iv) âm mưu tổ chức bầu cử gian lận tại quận Fulton, Georgia, và; (v) tổ chức bạo loạn ngày 6-1 tại Tòa Quốc Hội Capitol Hill để đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống. Thế nhưng xem chừng hệ thống pháp lý của Mỹ quá coi trọng quyền bào chữa của bị cáo cho nên bị lạm dụng mà không dễ gì thoát ra được. Trump không ngại đổ tiền của (có phải của ông ta đâu, toàn là tiền của bá tánh, quyên góp của “tín đồ” MAGA) để thuê mướn luật sư để chạy tội. Mà luật sư nói gì chẳng được, ví dụ như khẳng định “quyền tổng thống cho ông ta được đặc miễn trong bất cứ vụ án nào – ngay cả chuyện cho người đi thủ tiêu những đối thủ của mình!!!”

Trừ phi tòa án kết tội ông ta từ nay đến ngày bầu cử, đó là chuyện hầu như không thể xảy ra với thủ tục “câu giờ”, kiện cáo, kháng cáo kéo dài lên tới Tối cao Pháp viện – nơi có 9 thẩm phán thì Trump có đến 3 người do ông ta cấy vào, ngoài 3 người gốc gác từ các tổng thống Cộng Hòa trước đây. Hầu như chắc chắn, ông sẽ vẫn là ứng cử viên của Cộng Hòa trong bầu cử năm nay. Trump nay có vẻ rất lý thú được ra tòa, vì ông ta xem đó như là những cơ hội vận động tranh cử miễn phí, và tác động mạnh mẽ với cử tri của mình. Ông càng có dịp lên tiếng hùng hồn, hung hãn kết án Biden “phá hoại dân chủ”, thóa mạ đảng Dân Chủ đi theo con đường “cộng sản, xã hội chủ nghĩa”, ve vuốt cử tri Cộng Hòa MAGA đang ra sức “làm cách mạng”, và đưa ra những lời hứa phản dân chủ như trả thù, đóng cửa biên giới, bỏ tù người đối kháng, làm cho nước Mỹ vĩ đại như cũ bằng cách nước Mỹ không chơi với ai hết… Ông ta rất cần tranh cử và thắng cử để cho khi đã trở lại Nhà Trắng, ông sẽ cho đóng lại các vụ án này bằng cách này hay cách khác, trong đó quyền tự ân xá cho mình… Ông ta tin tưởng khối cử tri MAGA sẽ ngày càng tin ông và ngày càng lớn mạnh - qua kinh nghiệm của những lãnh tụ phát xít trước đây như Hitler, Mussolini, và cả phát xít thời nay như Putin.  Khi Biden nói, cử tri của ông không mấy bận tâm; khi Trump nói, khối cử tri MAGA ngày càng tin tưởng, vững mạnh. Vấn đề chính là ở chỗ: khối cử tri MAGA vẫn xem Trump là lối thoát độc nhất cho nước Mỹ của người da trắng Cơ Đốc giáo đang muốn “giành lại” đất nước cho mình – như những năm thế kỷ 19-20.

Cuộc bầu cử sắp đến sẽ cho chúng ta cơ hội để hiểu thực sự khối cử tri MAGA vững mạnh, đông đảo đến thế nào, khả năng của MAGA kiểm soát đảng Cộng Hòa đến chừng nào, và cuối cùng thì khối Cộng Hòa dân cử tại lưỡng viện Quốc Hội sẽ MAGA đến mức nào. 

Mặt khác, chúng ta cũng sẽ thấy những thăm dò dư luận quần chúng hiện nay đáng tin ở mức độ nào. Cử tri Dân Chủ và độc lập sẽ mạnh đến mức nào. Liệu họ có ý thức họ không có sự lựa chọn và phải tích cực đi bỏ phiếu như lời Biden cảnh báo “Mỗi lá phiếu là một viên gạch xây dựng nền dân chủ”. Liệu họ có thấy được sự đe dọa của MAGA để “rủ nhau đi bầu”, thể hiện ý thức tranh đấu của mình. Hay chán nản, tiêu cực ở nhà, và nhường sân chơi cho phía bên kia mà không thấy được tai họa khủng khiếp trước mắt cho đất nước. 

Bởi vậy, kết quả và những tường trình về động thái của cử tri trong bầu cử vào tháng 10 này sẽ cho chúng ta thấy chính trị Mỹ trong những năm sắp đến sẽ ảm đạm hay tươi sáng thế nào!

Donald Trump như Goliath! Joe Biden như David! Liệu David lần này có thắng được Goliath chăng?


Hoàng Ngọc Nguyên



7/6/23

BUSH CON MẠO HIỂM TỪ TRONG RA NGOÀI

 

        Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 khá “ngoạn mục”. Ngoạn mục không chỉ vì đó là năm 2000, đóng lại một thế kỷ, một thiên niên kỷ, và mở ra một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới. Ngoạn mục vì bầu cử năm đó là một cuộc tranh đua giữa Phó Tổng thống Al Gore, đại diện cho đảng Dân Chủ, và Thống đốc Texas George W. Bush (hai nhiệm kỳ, từ 1995-2000), đại diện cho đảng Cộng Hòa. Từ cuộc bầu cử này người dân Mỹ mới thấy cha con ông Bush làm lịch sử. Cựu tổng thống Bush (H.W.) còn có một người con khác, Jeff Bush, đang làm thống đốc tiểu bang Florida, và ông Bush cha cứ nghĩ “thằng Jeff lanh hơn, sẽ ra trước thằng George”. Nhưng George W. Bush (1946) lại ra trước bởi vì quanh ông đang có đông đúc giới quân sư chính trị làm áp lực. Hai cha con Bush đã làm nên một kỷ lục: lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, đời cha đời con đều làm tổng thống (không ai phải ăn mặn, không ai phải khát nước). 

Qua cuộc bầu cử này, giới quan sát chính trị nhận định: đảng Cộng Hòa, trên bình diện quốc gia, đã chuyển từ cánh hữu sang trung tâm vào những năm 1940 và 1950, sau đó trở lại  cánh hữu vào những năm 1970 và 1980. Trong khi đó, đảng Dân Chủ, cũng trên phạm vi quốc gia, đã chuyển từ cánh tả sang trung tâm trong những năm 1940 và 1950, sau đó tiến xa hơn về phía cánh hữu trong những năm 1970 và 1980. Cuộc tranh cử tổng thống vào năm 2000 giữa Bush và Gore đã cho thấy sự phân cực chính trị không thực sự nghiêm trọng. Cuộc bầu cử ở các bang quyết định là New Mexico và Florida đã diễn ra vô cùng sít sao và tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt về việc kiểm phiếu. Kể cả năm 2000, đảng Dân Chủ thường bỏ phiếu cao hơn đảng Cộng Hòa về số phiếu toàn quốc trong mọi cuộc bầu cử từ năm 1992 đến năm 2020, ngoại trừ năm 2004. Thế nhưng bầu cử tồng thống ở Mỹ còn bị vướng mắc bởi qui luật cử tri đoàn mà người ta không chịu bỏ đi hay sửa đổi. Cho nên vấn đề thường ở chỗ đó, rắc rối thường ở chỗ đó.

Ứng cử viên của đảng Dân Chủ Phó tổng thống Al Gore đương nhiên không phải là người xa lạ. Thống đốc bang Texas hai nhiệm kỳ George W. Bush cũng không phải là người xa lạ vì Texas là tiểu bang lớn, mà ông Bush cha cũng lớn. Việc ông Gore chọn Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman của Connecticut đứng chung với ông là một việc làm lịch sử; Lieberman trở thành người Mỹ gốc Do Thái đầu tiên tranh cử vào chức vụ quốc gia. Nhờ Lieberman, Gore lấy hết số tiền vận động và số phiếu của người Mỹ gốc Do Thái. Vì Lieberman, Gore mất một số phiếu đáng kể của những người “bài Do Thái”. Cuộc bầu cử cho thấy đất nước được chia cắt như thế nào. Mặc dù sức mạnh của Gore ở Đông Bắc, Illinois và California đã giúp ông dẫn đầu về số phiếu phổ thông, nhưng bản đồ cử tri đoàn lại là một câu chuyện khác. Khi đầy đủ tin tức bầu cử đến từ khắp đất nước, rõ ràng là Florida sẽ quyết định kết quả. Florida là tiu bang mà Jeff Bush là thống đốc. George W. Bush cũng là người có kinh nghiệm tranh cử. Năm 1994, ông đã thắng bà đương kim thống đốc Texas Ann Richards người Dân Chủ trong cuộc tranh cử thống đốc tiểu bang này, một phần là nhờ quân sư Karl Rove đã khéo gieo tin: bà Richards mắc bệnh đồng tính! Như Reagan trước đây phủ nhận chuyện ông giúp loạn quân Contra, đó là do “mấy đứa ở dưới”, nay ông Bush cũng nói: “Ai gieo tin đồn nhảm, tôi chỉ hái quả”. 

Đến cuối tháng 11, hội đồng vận động tranh cử của bang Florida đã chứng nhận Bush là người chiến thắng với 537 phiếu bầu, nhưng cuộc bầu cử vẫn chưa được giải quyết do các cuộc chiến pháp lý vẫn còn. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Florida đã quyết định (4–3) ra lệnh kiểm phiếu lại bằng tay trên toàn tiểu bang đối với khoảng 45.000 phiếu bầu không đủ tiêu chuẩn—các phiếu bầu mà máy ghi lại là không thể hiện rõ ràng một phiếu bầu tổng thống—và chấp nhận một số kết quả chưa được xác nhận trước đó ở cả Miami-Dade và Palm Beach, làm giảm số phiếu dẫn đầu của Bush xuống chỉ còn 154. Chiến dịch tranh cử của Bush nhanh chóng đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, yêu cầu tòa án này hoãn kiểm phiếu lại cho đến khi có thể xét xử vụ việc; tòa án đã ban hành quyết định tạm hoãn vào ngày 9-12. Ba ngày sau, tòa án kết luận (7–2) rằng việc kiểm phiếu lại công bằng trên toàn tiểu bang không thể được thực hiện kịp thời để đáp ứng hạn chót ngày 18-12 để xác nhận các đại cử tri của tiểu bang, tòa án đã đưa ra phán quyết định với tỷ lệ 5-4 gây nhiều tranh cãi, đảo ngược lệnh kiểm phiếu lại của Tòa án Tối cao Florida, có nghĩa là Bush được xem là  đã chiến thắng. Nhờ chiến thắng mù mờ ở Florida, Bush đã giành được phiếu đại cử tri sát nút trước Gore với tỷ số 271/266 — chỉ nhiều hơn 1 phiếu so với yêu cầu 270 (một cử tri Gore bỏ phiếu trắng). Tuy nhiên, Gore đã hơn Bush về số phiếu phổ thông với khoảng 500.000 phiếu bầu—sự đảo ngược đầu tiên giữa phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông kể từ năm 1888. 

Vì uất ức trước kết quả bầu cử này, nghe nói Gore (1948-) đã không được “bình thường” trong hơn 20 năm qua, dù cho năm 2007 ông được giải Nobel vì đấu tranh cho việc bảo vệ môi trường, ngăn ngừa global warming. Sự đời là thế: Bush cha không đáng thua, lại không thắng; Bush con không đáng thắng, lại không thua!

Chương trình trong nước. Nội các của Bush là một “tuyển tập” Cộng Hòa chính thống từ bao đời, từ Phó Tổng thống Dick Cheney đến Ngoại trưởng Colin Powell, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft, Bộ trưởng Lao động Elaine Chao…. Việc thành lập Văn phòng Sáng kiến ​​Cộng đồng  Dựa trên Tín ngưỡng (Office of Faith-Based Community Initiatives) của Nhà Trắng vào đầu nhiệm kỳ đầu tiên của Bush là một ví dụ điển hình về con người “bảo thủ nhân ái” hay chính sách “tân bảo thủ” của Bush. Sử gia vẫn gọi Bush có con đường bảo thủ mới, mục tiêu là giúp các tổ chức cộng đồng từ thiện, bao gồm cả các tổ chức tôn giáo, dễ dàng tiếp cận với các quỹ liên bang cho các chương trình trong các lĩnh vực như phòng chống tội phạm, giáo dục ma túy, nghèo đói và quan hệ gia đình. 

Chính quyền đã thúc đẩy những thay đổi về quy định trong một số bộ phận điều hành để giúp các nhóm này làm việc với chính phủ liên bang. Đạo luật Không trẻ nào bị bỏ lại phía sau 2001 (No child left behind) đã chứng minh rằng giáo dục công lập là một ưu tiên cao. Giáo viên phải có chứng chỉ của tiểu bang, kiểm tra hàng năm là bắt buộc để đánh giá tiến độ học tập và học sinh của các trường có thành tích kém có cơ hội chuyển sang trường công lập khác, trường bán công hoặc nhận các dịch vụ giáo dục bổ sung. Những người ủng hộ “No Child Left Behind” lập luận rằng nó đưa trách nhiệm giải trình vào giáo dục tiểu học và trung học, trong khi những người chỉ trích chỉ ra việc thiếu kinh phí liên bang để hỗ trợ các mục tiêu của nó.

Giảm thuế là một yếu tố thực sự  quan trọng trong chính sách kinh tế của chính quyền. Quốc hội đã thông qua ba đợt cắt giảm thuế từ năm 2001-2003, dù nhiều người cho rằng chủ yếu mang lại lợi ích cho người Mỹ giàu có. Tổng thống lập luận rằng việc cắt giảm tạo ra công ăn việc làm và giúp chấm dứt tình trạng suy thoái nhẹ trong năm đầu tiên ông cầm quyền. Không có gì bất đồng khi doanh thu liên bang giảm vào thời điểm chi tiêu tăng đáng kể. Ngoài các chi phí liên quan đến Iraq và cuộc chiến chống khủng bố, chính quyền đã hỗ trợ các chương trình mới tốn kém, chẳng hạn như phúc lợi thuốc theo toa của Medicare được gọi là Medicare Phần D. Chi phí dự kiến ​​ban đầu trong mười năm là hơn 500 tỷ đô la. Được ban hành vào năm 2003 và có hiệu lực vào năm 2006, phúc lợi cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người nhận Medicare, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, những người phải tự trả chi phí cho thuốc của họ; đến tháng 6/2006, 22,5 triệu người Mỹ đã đăng ký tham gia các chương trình Medicare Phần D.

Hồ sơ môi trường của Bush không mạnh. Năm 1997, Hoa Kỳ đã ký Nghị định thư Kyoto, một thỏa thuận quốc tế yêu cầu các quốc gia công nghiệp hóa trên thế giới giảm phát thải khí nhà kính (khí sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá) gây ra sự nóng lên toàn cầu. Theo các điều khoản của nó, Hoa Kỳ phải cắt giảm 7% lượng khí thải dưới mức của năm 1990 vào năm 2012. Tổng thống Bush đã phản đối Nghị định thư Kyoto ngay sau khi nhậm chức. Ông lo ngại về tác động của nó đối với nền kinh tế Mỹ, e rằng các nước đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc và Ấn Độ không bắt buộc phải thực hiện bất kỳ hành động nào và ông cũng không hoàn toàn tin tưởng vào khoa học về hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chính quyền dần dần thay đổi quan điểm và đưa ra chương trình riêng để đối phó với biến đổi khí hậu. Tổng thống cũng nhất quán ủng hộ việc mở Khu bảo tồn Động vật hoang dã Quốc gia Artic (ANWR) để thăm dò dầu mỏ như một biện pháp giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguồn nước ngoài; các nhà môi trường phản đối mạnh mẽ đề xuất này.

        11/9 – Chính quyền của Tổng thống Bush, hay cuôc chiến chống khủng bố quốc tế của Hồi giáo vẫn được nhớ đến nhiều nhất với biến cố ngày 11-9-2001, khi tổ chức khủng bố Al Qaeda mà người cầm đầu là Osama Bin Laden tổ chức một vụ tấn công không tiền khoáng hậu, “bắt cóc”  máy bay thương mãi và cho những máy bay này tấn công tự sát vào những tòa nhà cao tầng tại New York. Không tặc đã lao máy bay vào hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc; một chiếc máy bay thứ tư hướng đến một mục tiêu khác là Washington, D.C., đã bị các hành khách trấn áp 2 kẻ khủng bố và máy bay bị rơi ở Pennsylvania. Những đám cháy dữ dội từ nhiên liệu máy bay đã khiến tòa tháp đôi sụp đổ không lâu sau khi va chạm. Gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công tồi tệ nhất trên đất Mỹ kể từ trận Trân Châu Cảng 1940. Osama bin Laden và al Qaeda được xác định là nghi phạm chính. Trong vòng vài ngày, Quốc hội đã trao cho tổng thống quyền sử dụng lực lượng quân sự chống lại thủ phạm và những người ủng hộ chúng; điều khoản phòng thủ chung của hiệp ước NATO lần đầu tiên được thực hiện để hỗ trợ bất kỳ hành động nào của Mỹ. Chiến dịch Tự do bền vững chống lại chính quyền Taliban ở Afghanistan, chính phủ đã cung cấp trợ giúp vật chất cho al Qaeda và dung túng cho các trại huấn luyện của chúng, bắt đầu vào tháng 10. Các lực lượng của Mỹ và Anh cùng với những người Afghanistan chống Taliban trong Liên minh phương Bắc đã lật đổ chính phủ vào cuối năm; Hamid Karzai được chọn làm thủ tướng lâm thời. Tuy nhiên, Osama bin Laden và lãnh đạo al Qaeda đã trốn thoát.

Cuối năm 2002, Ủy ban Quốc gia về tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ, hay còn gọi là Ủy ban 11/9, được thành lập. Ủy ban độc lập, lưỡng đảng chịu trách nhiệm điều tra các cuộc tấn công, phản ứng với chúng và đưa ra các khuyến nghị về việc ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. Báo cáo năm 2004 của Ủy ban, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất toàn quốc, lưu ý rằng khủng bố không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ so với một số chính quyền và chỉ ra những vấn đề cụ thể trong việc đối phó với mối đe dọa từ FBI, CIA và an ninh hàng không. Ủy ban cũng bày tỏ lo ngại về những khó khăn trong việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan khác nhau. Chính quyền Bush đã thực hiện một số khuyến nghị của Ủy ban - bổ nhiệm Giám đốc Tình báo Quốc gia và thành lập Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia trong số đó.

Các cuộc tấn công ngày 11-9 đã gây ra những hậu quả trong nước. Đạo luật Yêu nước (Patriots Act) của Hoa Kỳ (26-10-2001) giúp các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo dễ dàng chia sẻ thông tin hơn, mở rộng thẩm quyền của chính phủ liên bang trong việc tiến hành tìm kiếm và giám sát, đồng thời qui định việc giam giữ/trục xuất người nước ngoài bị nghi là khủng bố. Đạo luật này thường bị chỉ trích vì làm suy yếu các quyền tự do dân sự; bảo vệ nhiều hơn cho các quyền cá nhân đã được đưa vào việc tái ủy quyền của pháp luật năm 2006. Mặc dù ban đầu bị tổng thống phản đối, Bộ An ninh Nội địa được thành lập vào năm 2003. Bộ phận điều hành mới đã củng cố công việc của 22 cơ quan liên bang chịu trách nhiệm ngăn chặn và ứng phó với một cuộc tấn công khủng bố hoặc mối đe dọa khác đối với Hoa Kỳ. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ, Cảnh sát biển Hoa Kỳ, Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (trước đây là Sở Hải quân Hoa Kỳ và Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ), và Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ Dịch vụ bây giờ đều thuộc An ninh Nội địa.


Chiến tranh Iraq


        Trong phát biểu về Tình trạng Liên bang năm 2002, tổng thống đã vạch ra mối nguy hiểm từ các nước đang tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) cho dù là sinh học, hóa học hay hạt nhân; ông đặt tên cho ba quốc gia là "trục ma quỷ" – axe of evils, gồm Bắc Triều Tiên, Iraq và Iran. Học thuyết Bush hình thành vài tháng sau đó, tuyên bố rằng Hoa Kỳ có quyền sử dụng lực lượng quân sự phủ đầu chống lại các quốc gia là mối đe dọa đối với chúng tôi và đang tìm kiếm WMD. 

Ngày càng rõ là mục tiêu đánh phủ đầu đầu tiên là Iraq. Chính quyền lập luận rằng Iraq có vũ khí sinh học và hóa học và đang phát triển một chương trình hạt nhân; có thể có mối liên hệ giữa lãnh đạo Iraq Saddam Hussein, ngày 11 tháng 9, và al Qaeda; lật đổ chế độ của Hussein và thành lập một nước Iraq dân chủ có thể là hình mẫu cho toàn khu vực. Vào tháng 10/2002, Quốc hội trao cho tổng thống quyền hành động quân sự chống lại Iraq. Trong khi khăng khăng yêu cầu các thanh sát viên vũ khí trở lại và đe dọa "hành động nghiêm trọng" đối với việc không tuân thủ, Hội đồng Bảo an LHQ đã không ủng hộ giải pháp vũ lực. Hoa Kỳ, cùng với Vương quốc Anh và một đội quân nhỏ từ các quốc gia khác, đã xâm lược Iraq vào tháng 3/2003. Trong vòng vài tháng, Chiến dịch Iraq Tự do đã chiếm được Baghdad và các thành phố lớn khác, và chính phủ của Saddam Hussein bị lật đổ; Bush tuyên bố kết thúc các hoạt động chiến đấu qui mô vào ngày 1-5-2003. Hussein trốn thoát, nhưng cuối cùng bị bắt ngày 13-12-2003.Tuy nhiên, hòa bình khó có hơn chiến tranh.

Trái ngược với mong đợi của người Mỹ, người Iraq nhanh chóng coi lực lượng liên quân Mỹ là những kẻ chiếm đóng hơn là giải phóng. Hồi giáo có hai phe, cho nên nước nào cũng thường có hai phe: Sunni và Shiite. Khi phe này nắm quyền, thường là nhờ thế đa số, thì phe đối lập đương nhiên bị trấn áp và trở thành “đối lập”. Khi phe đối lập Sunni lớn mạnh, các cuộc tấn công của quân nổi dậy trở nên nguy hiểm hơn; các vụ đánh bom xe hơi, bắt cóc và "thiết bị nổ tự chế" (IED) đã gây tử vong lớn về dân sự và quân sự. Tốc độ tái thiết chậm dưới Cơ quan lâm thời của Liên minh, do Hoa Kỳ chỉ định để quản lý đất nước và ngăn chặn sự ngược đãi những người bị giam giữ tại nhà tù Abu Ghraib, đã làm tăng thêm các vấn đề. Các quyết định của Chính quyền lâm thời về việc giải tán quân đội Iraq và bãi bỏ Đảng Baath có thể phản tác dụng. 

Thực tế là không có WMD nào được tìm thấy sau cuộc xâm lược và sự công nhận của Ủy ban 11/9 rằng Saddam Hussein không có bất kỳ mối liên hệ nào với các cuộc tấn công đã làm suy yếu lý do chính quyền biện minh cho cuộc chiến. Tiến độ cũng chậm trên mặt trận chính trị, nhưng đã có những thành công đáng chú ý. Hội đồng quản trị Iraq được thành lập vào tháng 7 năm 2003, và chủ quyền được chuyển giao cho chính phủ lâm thời vào tháng 6 năm 2004. Cuộc bầu cử quốc hội dân chủ đầu tiên của đất nước được tổ chức vào ngày 30-1-2005; đa số ghế thuộc về người Shiite vì nhiều người Sunni tẩy chay cuộc bầu cử. Đến cuối năm, các cử tri đã thông qua hiến pháp với hệ thống liên bang và bầu các thành viên cho quốc hội. Bất chấp những phát triển tích cực này, cuộc nổi dậy vẫn gia tăng. Các chiến binh nước ngoài liên kết với al Qaeda ở Iraq và bạo lực giáo phái ngày càng gia tăng giữa người Shiite và người Sunni đã khiến quân Mỹ thương vong hơn 3.000 người, trong khi hàng chục nghìn người Iraq thiệt mạng. Nhiều người Mỹ nay tin rằng chính quyền đã quản lý sai cuộc xung đột. Họ đã đưa ra những lời kêu gọi trong và ngoài Quốc Hội yêu cầu rút quân.


Nhiệm kỳ thứ hai của Bush

        Chiến tranh ở Iraq và nạn khủng bố là những vấn đề chính trong cuộc bầu cử năm 2004, cùng với thuế, kinh tế và y tế. Đảng Dân Chủ đã đề cử Thượng nghị sĩ John Kerry của Massachusetts, một cựu chiến binh Việt Nam có sự nghiệp chính trị dựa trên chủ trương phản chiến. Trong khi ủng hộ việc sử dụng vũ lực vào năm 2002, ông liên tục chỉ trích chính sách Iraq của Bush trong chiến dịch tranh cử, nhận ra rằng đa số người Mỹ hiện tin rằng cuộc chiến là một sai lầm. Nhưng tổng thống đã giành được chiến thắng sít sao về số phiếu phổ thông và đại cử tri, và đảng Cộng Hòa đã tăng cường kiểm soát của họ ở cả Thượng viện và Hạ viện. Bất chấp sự phản đối chiến tranh, các cử tri dường như tin tưởng đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ trong việc xử lý mối đe dọa đang diễn ra từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Qua nhiệm kỳ thứ hai, tổng thống tập trung vào cải cách an sinh xã hội. Theo các dự đoán, hệ thống sẽ bắt đầu chi nhiều hơn thu vào năm 2018 khi thế hệ “baby boom” bắt đầu nghỉ hưu. Ông đề xuất cho phép những người lao động trẻ tuổi bỏ một phần tiền của họ để đóng thuế an sinh xã hội vào tài khoản hưu trí cá nhân. Các nhà phê bình cho rằng đề xuất này tương đương với "tư nhân hóa an sinh xã hội" và tìm cách chặn đứng các đề xuất của ông. 

Một lĩnh vực chính sách khác nằm trong chương trình cải cách của chính quyền là vấn đề nhập cư. Những nỗ lực ban đầu để giải quyết vấn đề đã bị đình trệ vào ngày 11/9, nhưng một nỗ lực mới đã bắt đầu vào giữa nhiệm kỳ thứ hai. Không giống như an sinh xã hội, tổng thống đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với cải cách nhập cư toàn diện. Đạo luật có bốn điều khoản chính—tăng cường quan tâm và tài trợ cho an ninh biên giới, trách nhiệm cao hơn đối với những người sử dụng lao động thuê những người nhập cư bất hợp pháp, một chương trình công nhân khách, và một quy trình mà những người nhập cư bất hợp pháp ở Hoa Kỳ có thể đủ điều kiện trở thành công dân. Mục cuối cùng bị những người bảo thủ xem là "ân xá", đủ để giết chết dự luật vào năm 2007.

Thẩm phán Sandra Day O'Connor nghỉ hưu, sau đó Chánh án William Rehnquist qua đời vào năm 2005, cho phép tổng thống thực hiện hai đề cử vào Tòa án Tối cao. Việc bổ nhiệm John Roberts, người đã trở thành chánh án mới, và Samuel Alito được nhiều người tin tưởng vào thời điểm đó nhằm củng cố khối bảo thủ trong Tòa án. Điều này rõ ràng đã được đưa ra trong một số quyết định 5-4 gần đây. Tòa án Roberts đã phán quyết rằng Đạo luật Cấm Phá thai Một phần (2003) là hợp hiến, cho rằng chủng tộc không thể được sử dụng trong các kế hoạch nhằm đạt được hoặc duy trì sự hội nhập trong các trường công lập, đồng thời bác bỏ các điều khoản chính của Đạo luật Cải cách Chiến dịch Lưỡng đảng (2002) .

Iraq và cuộc chiến chống khủng bố vẫn là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu. Với áp lực gia tăng về việc thay đổi hướng đi, tổng thống đã chấp thuận tăng cường lực lượng Mỹ ở Iraq để bình định Baghdad và các khu vực quan trọng khác. Đợt "tăng cường" 30.000 quân được thực hiện vào mùa hè năm 2007. Tại Afghanistan, liên quân phải đối mặt với cuộc nổi dậy của Taliban ngày càng gia tăng và quân đội NATO đã thay thế người Mỹ vào đầu năm 2006 ở miền nam đất nước. Hỗ trợ quốc tế cho cuộc chiến ở Afghanistan dựa trên cơ sở rộng rãi so với Iraq. 

Thất bại trong việc ổn định hóa tình hình Iraq, Cộng Hòa phải trả giá về chính trị. Đảng Dân Chủ giành lại quyền kiểm soát lưỡng viện trong bầu cử giữa mùa năm 2006, phần lớn là do người dân không hài lòng với chiến tranh. Chính quyền cũng phải đối mặt với những khó khăn ở Trung Đông rộng lớn hơn. Lộ trình hòa bình giữa Israel và Palestine, mà Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Nga (Bộ tứ) đã đưa ra vào năm 2003, kêu gọi thành lập một Palestine độc ​​lập trong vòng hai năm. Tuy nhiên, có rất ít tiến bộ hướng tới mục tiêu đó. Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ Israel trong Chiến tranh Israel-Lebanon lần thứ hai năm 2006. Chương trình hạt nhân đang diễn ra của Iran, mà chính phủ nước này tuyên bố chỉ nhằm mục đích hòa bình, đã bị phản đối mạnh mẽ. Hội đồng Bảo an đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran vì không ngừng các hoạt động làm giàu uranium. Việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một nguyên nhân khác gây lo ngại. Hoa Kỳ, cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc, đã tham gia vào các cuộc đàm phán kéo dài với Triều Tiên và cuối cùng đã mang lại kết quả. Bất chấp vụ thử hạt nhân mùa thu năm 2006, Triều Tiên đã đồng ý đóng cửa lò phản ứng hạt nhân chính và cho phép các thanh sát viên quốc tế trở lại nước này vào giữa năm 2007.


Đại suy thoái

Vào tháng 9 năm 2008, Hoa Kỳ và phần lớn châu Âu tiến vào cuộc khủng hoảng suy thoái dài nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến - được gọi là "Đại suy thoái". Nhiều khủng hoảng chồng chéo đã xảy ra, đặc biệt là khủng hoảng thị trường nhà đất, khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, giá dầu tăng vọt, khủng hoảng công nghiệp xe hơi, thất nghiệp gia tăng và cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất. Đại suy thoái 2008-09 là biến cố suy trầm kinh tế tai hại nhất của nước Mỹ kể từ Đai Khủng hoảng (1931). Sàn xuất nội địa giảm 4.3%, tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi, lên đến hơn 10%, giá nhà sụt giảm khoảng 30%, và tỷ lệ chứng khoán S&P 500 xuống đến 57% từ mức cao nhất. Bắt đầu chỉ là một chuyện tham lam và không kiểm soát, nhưng kết thúc với một khủng hoảng toàn cầu làm cho 6 triệu gia đình mất nhà. Kết quả, chính quyền phải tiến hành những biện pháp cải cách và “cứu vớt” (bailout) cho một số đại doanh nghiệp (hãng xe hơi) và ngân hàng “too big to fail”. 

Các ngân hàng và những doanh nghiệp chuyên cho vay có thế chấp ngày càng có động thái săn mồi với các hoạt động cho vay trong những năm dẫn đến Đại suy thoái. Các khoản thế chấp trở nên dễ dàng hơn, với ít tiêu chuẩn hơn để đảm bảo người vay có thể trả nợ. Bởi vậy người ta nhắm mắt đi mua nhà, không nhìn lại khả năng tài chánh của mình, dẫn đến sự bùng nổ xây dựng và giá cả tăng lên đáng kể. Loại thế chấp mới này, được gọi là thế chấp dưới chuẩn, được cấp cho những người vay có hồ sơ tín dụng xấu, thu nhập không đủ và điểm tín dụng dưới mức tối ưu. Các khoản thế chấp này thường có các khoản thanh toán thấp hoặc không trả trước và các khoản thanh toán hàng tháng ban đầu thấp để thu hút người vay. Những người đi vay này thường không hiểu các đặc điểm phức tạp của khoản vay và bản chất lãi suất của họ. 

Hầu hết các khoản thế chấp dưới chuẩn, ngoài việc có các tính năng thanh toán cho có và các tiêu chuẩn bảo lãnh phát hành dưới chuẩn, còn là các khoản thế chấp có lãi suất có thể điều chỉnh (Adjustable-Rate Mortgage - ARM).Từ năm 2004 đến năm 2006, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng tỷ lệ quỹ liên bang từ 1% lên 5,25% và tỷ lệ đối với ARM dưới chuẩn tăng cùng lúc với các khoản thanh toán ban đầu thấp đó đang tăng lên. Khoản thanh toán hàng tháng tăng đột ngột vượt quá khả năng thanh toán của nhiều người vay và một làn sóng tịch thu nhà bắt đầu.

Cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế vào tháng 9 năm 2008 khi Lehman Brothers thất bại và các ngân hàng khổng lồ khác đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Bắt đầu từ tháng 10, chính phủ liên bang đã cho các tổ chức tài chính vay 245 tỷ đô la thông qua Chương trình cứu trợ tài sản gặp khó khăn đã được thông qua bởi các đảng phái đa đảng và được Bush ký. 

Trong tình hình này, ông Barack Obama của đảng Dân Chủ tìm đường vào Tòa Bạch Ốc không khó!


Chủ nghĩa bảo thủ mới

Như đã nói trước đây, tám năm dưới thời Tổng thống Bush (con) đánh dấu sự nổi lên của chủ nghĩa tân bảo thủ (Neoconservatism), một phong trào đối nghịch mạnh mẽ với “bảo thủ truyền thống”. Những người truyền thống chủ trương hạn chế di dân, phi tập trung hóa, áp đặt thuế quan và bảo hộ mậu dịch, kinh tế dân tộc, biệt lập, và sự trở lại những lý tưởng bảo thủ truyền thống liên quan đến giới tính, văn hóa và xã hội. Bảo thủ truyền thống chống đối mậu dịch tự do và xúc tiến chủ nghĩa cộng hòa. Bảo thủ truyền thống xem tân bảo thủ như những người đế quốc, trong khi mình là người bảo vệ nền cộng hòa. Người bảo thủ truyền thống có khuynh hướng chống phá thai, hôn nhân đồng tính, và quyền của giới LGBTQ (đồng tính nam, nữ, lưỡng tính, chuyển tính...). Bảo thủ truyền thống là đường lối của những chính quyền bảo thủ trước đó. Những người “tân bảo thủ”, như Phó Tổng thống Dick Cheney, Bộ trưởng Donald Rumsfeld, Cố vấn Paul Wolfowitz, quảng bá tư tưởng mở rộng dân chủ khắp thế giới và đặt quyền lợi của doanh nghiệp Mỹ lên hàng đầu qua việc sử dụng sức mạnh quân sự ở nước ngoài. Mậu dịch toàn cầu và cởi mở di trú là một ưu điểm tích cực cho nước Mỹ trong suy nghĩ của người tân bảo thủ trong thời đại toàn cầu hóa hậu Chiến tranh Lạnh.

Một số người Dân Chủ trước đây cũng đi theo hướng tân bảo thủ, nhưng người “tự do” (liberals) cho rằng những chinh sách của ông Bush là lạm dụng quyền lực doanh nghiệp quá mức, mở rộng chủ nghĩa đế quốc toàn cầu. Người bảo thủ truyền thống như Patrick j. Buchanan than phiền về phí tổn của phiêu lưu quân sự ở nước ngoài, mất công ăn việc làm trong nước do những thỏa thuận mậu dịch tự do toàn cầu, và những chuyện rối rắm vì nạn di dân không kiểm soát được. Xem chừng người Mỹ ở cả hai phía đã mất niềm tin vào năng lực của chính quyền liên bang giải quyết những vấn đề xã hội và kinh tế.


Những vấn đề thành thị

        Như trong quá khứ, người dân trong những năm 50 và 60 đổ xô về các thành phố vừa để kiếm việc vừa kiếm nhà. Người da đen tiếp tục đi về các thành phố phía bắc và phía tây như trong thời Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến, trong khi các nhóm thiểu số khác, bao gồm di dân đến từ châu Mỹ La-tinh, chen chúc vào các thành phố vì những lý do tương tự. Tuy nhiên, đến những năm 70 và 80, những vấn đề của các đô thị chồng chất – chen chúc, thất nghiệp gia tăng, tội ác khắp nơi, nhà cửa thiếu thốn và tệ hại và các khu vực thương mại xuống cấp – tạo một khuynh hướng phần lớn người Mỹ da trắng, trung lưu rời thành phố và đi ra vùng ngoại ô để sống (một hiện tượng được gọi là “white flight”); chỗ ở thoáng mát, các khu mua sắm, và các trường học rộng rãi, đủ tiện nghi, có tiền tài trợ nhiều hơn cũng lôi cuốn người ta bỏ nội thành ra ngoại ô.

Khi những gia đình trung lưu di cư ra vùng ngoại ô, các kinh doanh và kỹ nghệ từng cung cấp công việc sống còn và nguồn thuế cho các thành phố cũng đi theo. Kết quả là người nghèo và các dân tộc thiểu số còn lai trong các thành phố là nơi không có đủ ngân sách cho gia cư, vệ sinh, cơ sở hạ tầng và nhà trường. Trong khi đó, sự hỗn loạn ở đô thị được phát hình trong những năm 60, chẳng hạn như những chuyện xảy ra ở Los Angeles, Chicago, New York sau vụ ám sát Martin Luther King Jr., chỉ làm cho rộng hơn khoảng cách giữa thành phố và ngoại ô và làm tăng căng thẳng chủng tộc. Một trong những vụ hỗn loạn đô thị tệ hại nhất xảy ra về sau này năm 1992 tại South Central Los Angeles, nơi nhiều người da đen phẫn nộ trước sư tha bổng bốn người cảnh sát da trắng bị thu hình đánh đập một người da đen, Rodney King. 

Căng thẳng giữa những khu vực thành thị và ngoại ô nổi lên và làm nổi bật sự thù nghịch về chủng tộc và giai cấp trong xã hội Mỹ. Trong hai năm 1974-1975, việc bắt buộc học sinh đi xe buýt dẫn đến hậu quả bạo lực ở South Boston khi học sinh da đen từ một khu người nghèo được bỏ trên xe buýt đi đền một trường trong khu vực dân lao động chủ yếu là da trắng theo lệnh của tòa án. Các xe buýt bị phá hoại và tấn công trong khi cảnh sát dẹp loạn tìm cách trấn áp đám người phá phách. Những gia đình da trắng bỏ South Boston hay họ gửi con đến trường tư, trong khi ngay cả một số người da đen chống lại chuyện cưỡng bách đi xe buýt, lý luận rằng những trường trong khu da đen của họ phải được nhiều ngân quỹ hơn. Chuyện đưa trẻ đi xe buýt đến trường tiếp tục ở nhiều thành phố lớn cho đến cuối những năm 90, và dù cho nhiều trường thực hiện được sự hòa hợp chủng tộc tốt hơn, chiến lược này không phải không bị phê phán. 

Nhưng trong khi người ta vẫn tưởng tượng hình ảnh kinh khiếp của cuộc sống thành phố, thống kê đã chứng thực một thực tế khác. Cả tội ác bạo lực và tội ác cướp đoạt đã giảm kể từ đầu những năm 90, và tội ác trong năm 2010 đã xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm. Trong những khu vực thành thị lớn, sự sụt giảm tội ác còn nổi bật nhiều hơn. Những người chuyên nghiệp trẻ khá giả đã đua nhau trở lại các trung tâm thành thị. Có một cuộc tranh luận sôi nổi về xu hướng khích lệ này. Lý do thế nào đi nữa, sự suy giảm tội ác đã dẫn đến sự hồi sinh của các thành phố Hoa Kỳ trong thời gian 20-30 năm qua.