RFI
Đăng ngày 01-03-2016 Sửa đổi ngày 01-03-2016 17:01
Phản đối yêu cầu mở khóa điện thoại của Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI), hãng tin học Apple đang chuẩn bị cuộc phản công lại trên cả mặt trận pháp lý và công nghệ. RFI tóm lược thông tin từ Le Monde và Les Echos về cuộc chiến giữa tập đoàn tin học với chính quyền Mỹ.
Tim Cock, tổng giám đốc của Apple, đã cho biết ông phản đối các yêu cầu của FBI bằng mọi phương tiện có thể được, kể cả đưa vụ việc lên tận Tòa Án Tối Cao hoa Kỳ. Hôm 25/2 vừa qua, công ty cho biết đã tập hợp tài liệu để chính thức khởi kiện chống lại yêu cầu của FBI, theo đó hãng tin học phải cũng cấp cho FBI dữ liệu để mở khóa chiếc điện thoại di động iPhone của một trong những kẻ khủng bố trong vụ tấn công tại San Bernardino (California) hôm 2/12/2015 làm 14 người chết.
Sau vụ khủng bố nói trên, các nhà điều tra đã thu được chiếc diện thoại iPhone 5C của một kẻ tham gia tấn công. Thông tin trong chiếc điện thoại này được bảo mật bằng mã hóa, được Apple cài đặt trong sản phẩm của mình.
Ngày 16/2/2016, tư pháp yêu cầu Apple cung cấp cho các nhà điều tra phần mềm để mở khóa điện thoại. Công ty đã từ chối. Trong một bức thư, lãnh đạo Apple, Tim Cock, nói rõ, làm theo yêu cầu của tư pháp là đe dọa hệ thống an toàn của các loại điện thoại iPhone.
Trong một tài liệu thông báo cho tư pháp, 48 giờ trước khi hết hạn tối hậu thư của một tòa án yêu cầu Apple cung cấp phương tiện mở khóa điện thoại cho FBI, các luật sư của hãng đã liệt kê ra hàng loạt lập luận để biện minh cho quan điểm của Apple.
Phần lớn các lập luận của hãng đều nhằm chứng minh rằng yêu cầu của các nhà điều tra là một sự áp đặt phi lý và việc tạo ra một công cụ bẻ khóa như vậy sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho đời tư của những người sử dụng điện thoại iPhone nói chung.
Các luật sư của Apple cho rằng FBI không có chứng cớ nào cho thấy chiếc điện thoại bị thu giữ có lưu các chi tiết cần thiết cho cuộc điều tra và rằng bản thân các nhà điều tra, không rõ cố tình hay sai sót, đã làm thay đổi mật khẩu dịch vụ lưu dữ liệu trên mạng iCloud của máy.
Một lập luận khác mang tính pháp lý hơn được các luật sư của Apple đưa ra đó là theo họ, mã tin học cũng là một hình thức biểu hiện chữ viết. Như vậy nó được bảo vệ theo điều tu chính thứ nhất của Hiến Pháp Mỹ về tự do ngôn luận, FBI không có quyền buộc công ty « bày tỏ chính kiến » bằng việc tạo ra một phần mềm trái với ý muốn của mình.
Nếu như tòa án Mỹ chấp thuận với lập luận trên cơ sở tự do ngôn luận như vậy thì sẽ gây tác động đến hàng trăm vụ việc khác. Tuy nhiên, cách diễn giải luật của tòa án hiện nay không nghiêng về điểm có lợi này cho Apple.
Trong thủ tục tố tụng, tập đoàn tin học Mỹ có thể dựa vào sự ủng hộ của các đối thủ cạnh tranh. Google, Microsoft hay cả Facebook đã thông báo trong tuần đầu tháng Ba này sẽ có kiến nghị bày tỏ ủng hộ Apple tại tòa.
Phản công bằng công nghệ - đóng cửa vào iCloud
Không đợi trả lời khiếu kiện, Apple ngay lập tức lao vào một cuộc phản công khác trên mặt trận công nghệ. Tập đoàn đã bắt đầu nghiên cứu các cập nhật bảo mật để các đòi hỏi tương tự của FBI không thể thực hiện được. Cho đến giờ, công ty chấp nhận theo lệnh của thẩm phán cung cấp cho các nhà điều tra Mỹ phiên bản các dữ liệu iCloud của hãng.
Nhưng theo thông tin của nhật báo Financial Times, Apple đang tìm cách triển khai một hệ thống bảo mật mã hóa các nội dung chứa trong điện thoại của hãng. Khi có các cập nhật mới nhất của hệ điều hành iOS, nội dung mã hóa trong điện thoại chỉ có thể được mở bởi chính chủ nhân của máy, đó cũng là người duy nhất biết mật khẩu của máy. Lúc đó Apple không thể thông tin về mật khẩu cho người thứ 3 cũng như là không thể giải mã được nội dung máy điện thoại.
Trong nhiều cuộc điều tra trước đây, an ninh Mỹ vẫn sử dụng hệ thống lưu trữ iCloud để « bẻ mã khóa ». Khi chủ điện thoại kích hoạt công cụ đồng bộ dữ liệu thì chẳng cần phải bẻ khóa điện thoại, vì phiên bản của các thông tin trong máy điện thoại đã tự động chuyển về các máy chủ của Apple. Và giờ đây hãng quyết định đóng « cánh cổng » này lại và việc làm như vậy có thể coi là sự tuyên chiến với FBI và cũng là sự khởi đầu trong cuộc «chạy đua vũ trang» công nghệ cũng như pháp lý.
Về phần mình, lãnh đạo FBI James Comey cũng như nhiều chính khách khác liên tục kêu gọi Quốc Hội Mỹ phải thụ lý hồ sơ này. Yêu cầu xâm nhập thông tin của cơ quan cảnh sát tư pháp liên bang Mỹ trên thực tế vẫn còn là một vùng pháp lý tranh tối tranh sáng. Luật pháp Mỹ có quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và internet, nhưng luật lại không rõ ràng khi vấn đề liên quan đến các thông tin mà an ninh muốn thu thập từ các nhà chế tạo tin học.
Giới chính trị không thể đứng ngoài cuộc
Sự kiện này đã tràn vào trong chiến dịch bầu cử sơ bộ ở Mỹ hiện nay. Các chính khách đã không bỏ lỡ cơ hội thể hiện quan điểm của mình về cuộc đối đầu FBI – Apple. Các ứng viên chính trong đảng Cộng Hòa , tất cả đều tỏ sự ủng hộ các nhà điều tra, dù mức độ mỗi người có khác nhau. Về phía đảng Dân Chủ, người dẫn đầu cuộc đua hiện nay là bà Hillary Clinton, từ chối bày tỏ quan điểm, trong khi đó đối thủ của bà là ông Bernie Sanders thì cũng không phân định FBI và Apple ai đúng ai sai.
Nhưng cuộc chiến trước tòa án giữa một bên là tập đoàn nhân danh bảo vệ tự do cá nhân và một bên là cơ quan công quyền nhân danh an ninh của đất nước, báo hiệu sẽ còn kéo dài và chắc chắn Quốc hội Mỹ mới sẽ phải nhảy vào cuộc thì mới giải tỏa được vụ việc.
Khái niệm mới : Chủ quyền lãnh thổ mạng?
Cuộc đối đầu giữa Apple và FBI không còn là vấn đề nội bộ của nước Mỹ, bởi sản phẩm iPhone của nhãn hiệu quả táo giờ đã có mặt khắp các hang cùng ngõ hẻm của thế giới.Trong một bài viết trên mục Quan điểm của nhật báo Les Echos số ra ngày 01/03, tác giả Gilles Babinet và Fabrice Epelboin phân tích :
Thách thức đầu tiên đối với Apple không phải là bảo vệ quyền tự do của chúng ta, những người sử dụng, mà chính là bảo vệ hình ảnh của hãng, bảo vệ chủ quyền của hãng trong lãnh địa mạng thông tin. Đó là lãnh địa lưu trú và bảo vệ những thông tin riêng tư đã được số hóa cũng như đời sống xã hội của chúng ta.
Tác giả bài báo cho rằng, nếu Apple chia sẻ cái chủ quyền số hóa đó của họ với nước Mỹ, hậu quả sẽ trở nên khủng khiếp. Nhãn hiệu quả táo được định giá gần 145 tỷ đô la, tồn tại dựa trên hai trụ cột chính : Lòng tin của người sử dụng và các khả năng mở mang « lãnh thổ mạng » sang tất cả các quốc gia trên hành tinh này.
Nếu Apple bị thua trong cuộc chiến này thì hãng sẽ khó có thể từ chối người Nga nếu họ cũng đòi có được mã nguồn của hãng và xa hơn nữa là Trung Quốc và như vậy rất có thể Apple sẽ mất luôn thị trường Trung Quốc dù đáp ứng hay không đòi hỏi của chính quyền sở tại.
Bài báo kết luận : sớm hay muộn gì thì chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề chủ quyền số hóa, cho nên cần phải khẩn cấp thiết lập được một hệ thống quy định nhằm làm sáng tỏ những tranh chấp. Cuộc đối đầu giữa Apple và chính quyền Mỹ là một lời cảnh cáo. Thế giới biến chuyển một cách căn bản. Kỷ nguyên kỹ thuật số đang đặt ra thêm vấn đề nan giải.
No comments:
Post a Comment