Hoàng Ngọc Nguyên
Rồi một mai con đã lớn khôn rồi con thôi thơ ấu (... ...a)
Mẹ rời thật mau Mẹ rời chiêm bao
Lời mẹ ru con bao lâu mỏi mòn
Nên lâu cũng mỏi mòn
Bây giờ mẹ nằm lá đổ ngoài sân
Lời Mẹ Ru - Trịnh Công Sơn
Chúng tôi nao nức nhưng vẫn không kịp thực hiện lời hứa đó năm ngoái. Khi nhớ lại, cảm giác nôn nóng dường như là một sự báo hiệu. Vào tuần lễ cuối của tháng giêng âm lịch, trung tuần tháng ba dương lịch, mẹ ra đi. Tôi nay hiểu ra thì đã muộn, nhất là khi tuổi già của mình cũng đã đến: thời gian chẳng chờ đợi ai cả, nhất là những người cao niên. Thất thập cổ lai hi. Bát thập bất khả tri. Và cửu thập, còn gì nữa mà đợi mà chờ.
Cho đến nay, chúng tôi còn chín anh chị em, người ở “góc biển”, người ở “chân trời”, đương nhiên có khác biệt ít nhiều trong suy nghĩ, trong việc làm, trong cách sống, nhưng ít nhất cũng có một điều chung nhất không xung đột: chúng tôi rất thương nhớ mẹ. Cho dù năm đứa sau chỉ có thể mường tượng được phần nào một thời cực khổ, trăn trở của mẹ thời trước - trước khi chúng đưọc sinh ra và lớn lên – nhưng đều hiểu những hy sinh to lớn của mẹ đã dành cho lớp chúng nó trong những năm khó khăn vì cuộc chiến tranh “giải phóng” phá hoại của những người bên kia. Còn năm đứa lớp trước chúng tôi lại còn nhớ rõ hơn phần nào lịch sử của đất nước mà mẹ đã trải qua đầy đủ, từ phong trào chống thực dân Pháp khắp nơi trong những năm 20, 30, 40… đến Đệ nhị Thế chiến, và Việt Minh nổi lên với cuộc kháng chiến chín năm mà cha chúng tôi đã đi theo, để mẹ ở lại một mình với năm đứa con – tôi chính là đứa út của đợt “tiền kháng chiến” và cũng là đứa mở đầu cho thế hệ baby boom (sinh từ 1946-1962), đúng hơn phải nói là baby doom - một thời loạn ly chẳng ai dám sinh đẻ gì cả. Mẹ vốn là một tiểu thư khuê các có gia thế, họ Phan làng Nhan Biều, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị,vì ông ngoại tôi là một bác sĩ hiếm hoi thời đó, giám đốc một bệnh viện công của tỉnh, lại là một nhà thơ nổi tiếng (Kỉnh Chỉ). Nhưng khi làm dâu họ Hoàng, mẹ lại tảo tần, tháo vác, chịu khó còn hơn xa cả con gái họ Hoàng. Hiểu biết của tôi có thể còn giới hạn, nhưng tôi chưa hề thấy một người mẹ nào phải nuôi một lúc năm đứa con trong hoàn cảnh tương tự. Một đứa, hai đứa… có thể có người này người khác, còn năm đứa? Thế mà mẹ vẫn nuôi nổi năm đứa chúng tôi, ru con từ đứa này đến đứa khác, chờ đến khi chồng bỏ chiến khu, may mà chẳng phải “Ngày trở về, anh bước lê, trên quãng đường đê đến bên lũy tre” như mẹ thường hát.
Tất cả chúng tôi đều lớn lên trong lời ru và tiếng hát của mẹ. Tất cả mười đứa đều nằm trong nôi và mẹ vừa đẩy kẽo kẹt vừa ru hay hát. Lời ru và tiếng hát này là một phần thể hiện cuộc sống tình cảm và nhiều tâm sự nơi con người của mẹ, bên cạnh hay sau những giờ phút cực nhọc mưu sinh, gánh hàng mua bán trên những con đường mòn mấp mô từ quê ra tỉnh, từ tỉnh về quê, đi qua từ làng này đến làng khác. Bất kể sự đe dọa của lính lê dương. Tất cả chúng tôi đều biết ít nhiều những lời ru tiếng hát đó. Dĩ nhiên lớp trước có thể biết nhiều hơn. Và cũng đương nhiên, có đứa thuộc nhiều có đứa nhớ ít. Thế nhưng những lời ru tiếng hát này rất quan trọng trong sự lớn lên của từng đứa, rất quan trọng trong tình cảm nhớ nhung với mẹ và hồi tưởng một thời đã qua, rất quan trọng trong sự hình thành văn hóa và tình tự dân tộc nơi từng người, cho nên khi bước vào dịp giỗ đầu tiên của mẹ, anh lớn Hoàng Ngọc Biên có gợi ý chúng tôi cố sưu tập những lời ru đang nằm trong ký ức đó. Chẳng hiểu vì sao, có lẽ tôi là người nhớ lại được khá nhiều, cho dù thời đó tôi chỉ mới 5-6 tuổi. Tôi nghe nói lại rằng thuở nhỏ, khi còn đi học, mẹ đã thích viết văn, viết báo thiếu nhi (bởi thế mà cả mấy chục năm qua, tôi bị cài “gêne” cứ phải cầm bút mãi). Lớn lên, mẹ sống trong một thời nhiều thử thách, chồng thì đi theo Việt Minh còn mình thuộc về một gia đình “quốc gia”. Cho nên mẹ cũng thường phải mượn lời ru, tiếng hát để giải tỏa tâm sự rất riêng tư đó. Tôi tuy còn nhỏ, nhưng lạ thay cũng nhớ những người văn nghệ thường lui tới thăm hỏi gia đình, như Hoàng Thi Thơ mà tôi kêu bằng cố (tôi thích ông một bài “Tình Sầu Biên Giới” hơn “Trăng Rụng Xuống Cầu”), hay nhạc sĩ Hoàng Nguyên (chẳng phải là Hoàng Ngọc Nguyên!) mà tôi biết nhiều hơn qua tên Cao Cự Phúc, nhưng đã nhập tâm bài “Hương Thu Về”… Cả hai đều từ “chiến khu” về. Và chỉ có điều chắc những gì mẹ ru, những gì mẹ hát vào thời đó thâm nhập rất mạnh vào tâm khảm của tôi.
Tôi rất nhớ giọng trầm buồn của mẹ trong bài hát “Ru Con” của Phạm Duy. Vì sao tôi nhớ rõ đến thế, tôi cũng chẳng rõ. Nhưng lời bài hát hơn 60 năm sau vẫn còn vang vọng trong tâm trí của tôi bởi vì nó nhắc đến tâm sự một thời của mẹ:
Đêm khuya trăng tà
Mẹ ru con ngủ
À ơi, à ơi.
Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười
Trông con mẹ tưởng như đời nở hoa
Sương nắng miền xa, con ơi
Cha con, sương nắng miền xa
Mong sao con trẻ quê nhà được vui.
Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười
Thương con, Mẹ những tơi bời ruột gan
Giông tố lầm than, con ơi
Nơi kia giông tố lầm than
Gây nên bao cảnh điêu tàn thảm thương.
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giặc cướp có thương dân mình
…
Khi lớn lên môt chút, không cần mẹ ru nữa, tôi vẫn nhớ bài :”Nhớ người ra đi” cũng của Phạm Duy mà mẹ hay hát, nhất là đoạn có liên quan đến mình:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ
Đùa trong nắng ngây thơ
Cùng nhau hát líu lo, ngoài ngõ
Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang
Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng
Rằng : Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho con, mẹ ơi
Nhớ thương cha oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh...
Mẹ hát nhiều bài lắm, vì cha tôi đi lâu lắm, cho nên có nhiều bài mang nỗi nhung nhớ, trách móc, mong đợi, và cả những bài đầy tinh thần chiến đấu chống thực dân. Những bài hát thì dài, nhưng những lời ru thì ngắn gọn, mang nhiều ý nghĩa hàm xúc mạnh mẽ. Tôi cứ nhớ mãi lời ông ngoại tôi thường nói về sự phong phú và đậm đà tình yêu quê hương, làng mạc qua ca dao, và ông kể đến một câu, câu này mẹ vẫn thường ru chúng tôi từ hồi nhỏ:
Ra đi ngó trưóc ngó sau
Ngó nhà mấy cột ngó cau mấy buồng
Đúng là đơn giản biết mấy, nhưng cũng cảm xúc nhường nào về sự lưu luyến của con người với mái nhà của mình.
Hay một câu cũng rất quen thuộc mà chúng ta có thể tìm thấy trong tác phẩm “Quê Mẹ” của nhà văn Thanh Tịnh, về một thiếu nữ phải đi lấy chồng xa và vẫn mang một nỗi u hoài khắc khoải về quê nhà:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Những lời ru con đúng là những lời buồn, có khi đau thương, khiến cho con trẻ mà cũng cảm nhận được sự u uất để chìm vào giấc ngủ. Và những lời ru cũng chan chứa, chuyên chở những tình cảm bình thường của trai gái một thời còn bị những ràng buộc của lễ giáo thời phong kiến cho nên sự bày tỏ thường phải tế nhị. Những gì tôi còn nhớ được mà ghi lại cho thấy sự lãng mạn của tình yêu trai gái đúng là vô bờ bến trong tâm tưởng, tìm cách vượt khỏi những rào cản của phong hóa.
Chim xa cành còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm nguời ơi
Thà rằng không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa một nơi sao đành
…
Chào bên nam mất lòng bên nữ
Chào người quân tử bỏ dạ thuyền quyên
Cho em chào chung một tiếng
Kẻo chào riêng khó chào
…
Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Thương nhau rồi chớ xin kiếm về mau
Kẻo mai tê bóng xế qua cầu
Bạn còn thương bạn biết gởi sầu nơi mô
…
Đi mô cho thiếp đi cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Đói lòng lên núi hái sim
Xuống khe uống nước đục chìm gióng trôi
…
Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui
…
Rồi mùa tóc rạ rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm….
…
Chiều chiều nhớ lại chiều chiều
Nhớ người quân tử lưng điều vắt vai
…
Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu
Tất cả những lời ru con này đều thể hiện những mơ mộng lãng mạn của những cô gái quê tuy tầm mắt không vượt quá lũy tre làng nhưng con tim tự nhiên vẫn có những rung động của tuổi dậy thì và bắt đầu nghĩ đến một mái nhà riêng cho mình trong tương lai. Có lẽ những tâm tình này đã theo người phụ nữ khi đã làm vợ, làm mẹ để trở thành những lời ru dành cho con cái nhưng ru con mà nhớ đến một thời.
Ngay cả khi nói về chuyện đời trong nhà hay ngoài xã hội, những lời ru cũng thường mượn lời của các cô gái trong gia đình nói với mẹ:
Mẹ ơi chớ đánh con đau
Để con đi mót củi hái rau mẹ nhờ
…
Mẹ ơi ông Chánh đòi hầu
Mua vôi trùm kếp gội đầu cho thơm
…
Đi mô đi mãi không về
Hay là ai bỏ bùa mê cho rồi?
…
Ru em cho théc cho mùi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
…
Cầu mô cao bằng cầu danh vọng
Nghĩa mô trọng bằng nghĩa chồng con?
…
Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng trôi không tiếc, tiếc công cầm vàng
Đúng là người đàn ông trong nhà, hay người cha, không có “trách nhiệm” ru con, gần con (trừ người cha thời nay ở nước Mỹ “bình đẳng giới tính” này), cho nên các lời lẽ tâm sự với trẻ trong nôi đều đến từ người mẹ. Bởi vậy mà nhiều trẻ quấn quít bên mẹ cho đến lớn chỉ vì những lời ru hay tiếng hát đã in chặt vào tâm hồn của mình qua bao năm tháng.
Và thậm chí có người tuy đang bước vào tuổi thất thập vẫn cảm thấy đời sống rất trống vắng khi không còn được nghe giọng nói một thời đã đưa mình vào giấc ngủ tuổi thơ ấu và vào cuộc đời khi lớn lên.
No comments:
Post a Comment