3/9/16

BÊN NI NỔI LOẠN, BÊN NỚ NỘI CHIẾN

Hoàng Ngọc Nguyên


How to summarize the situation? 
The GOP has driven its electorate crazy in innumerable times, 
And now it’s the electorate’s turn to drive their party crazy. 
Believe in Buddhism or not, that’s the karma of the Republicans!

Tháng ba này có thể là “The Longest Month”, sau khi chúng ta đã trải qua “The Longest Day” vào đầu tháng. Nó có thể là tháng dài nhất, không phải vì nó có đến 31 ngày (một năm có đến bảy tháng 31 ngày), mà vì ngày nào trong tháng ba này cũng có thể căng thẳng với người dân, mức độ phẫn nộ, sợ hãi, tuyệt vọng và điên rồ nơi công chúng và nhất là chính giới có thể gia tăng đột ngột, cho nên những sử gia đang có ý định gọi đó là “Tháng Dài Nhất” để cho dễ nhớ.


Chỉ mới tuần lễ đầu, người ta đã chứng kiến những biến chuyển có tính đổi đời, nhất là về phía bên đảng Cộng Hòa, sau một ngày Super Tuesday 1-3 và một ngày Super Saturday 5-3. Tấn kịch rõ nhất là ở phía Cộng Hòa. Trước ngày thứ ba, sau khi ông Jeb Bush rút lui vì sức cùng lực tận,  lãnh đạo đảng tính chuyện làm sao lật đổ ứng cử viên đang dẫn đầu là Donald Trump - bởi vì những lý do gì thì chúng ta đều chia sẻ. Nói vắn tắt, nếu ông Trump thắng sơ bộ thì đảng Cộng Hòa chẳng còn mặt mũi nào, chỉ cúi gầm mặt chẳng dám nhìn ai, vì đảng cho thấy có lãnh đạo cũng như không. Người ta tính đôn lên ông Thượng nghị sĩ Marco Rubio, được xem là người cua “establishment” sáng giá nhất. Cái kẹt là còn ba người không chịu rút (Ted Cruz, John Kasick và Ben Carson) để cử tri chống ông Trump có thề dồn phiếu cho  một ông Rubio.

Thế nhưng kết quả Super Tuesday làm đảo lộn tất cả mọi dự tính. Ông Trump mạnh quá, thắng được bảy trong số 11 tiểu bang tham gia sơ bộ trong ngày này. Nhưng một người đã nổi lên khá bất ngờ, đó là Thượng nghị sĩ Cruz của Texas, thắng được ở ba nơi, trong khi đó ông Rubio lại yếu kém cũng khá bất ngờ, chỉ thắng được ở một tiểu bang Minnesota. Bởi vậy sau ngày Siêu thứ ba, lãnh đạo của đảng Cộng Hòa thực sự khủng hoảng, kinh hoàng, lúng túng.  Hôm thứ năm, ông Mitt Romney, ứng cử viên tổng thống của đảng Công Hòa năm 2008 và từng toan tính ra trở lại trong năm nay nhưng bị ép phải nhường chỗ cho ông Bush cách đây chín tháng, đã lên tiếng chính thức tố cáo ông Trump là “đồ dzởm” (phony) và “chuyên nghề lường gạt” (fraud). Ông Trump trả lời đơn giản ông Romney đã hết thời, và nay muốn ra trở lại! Tranh cãi tối thứ năm 3-3, các ứng cử viên Cộng Hòa cũng xúm vào đánh ông Trump, ồn ào nhất là ông Rubio, vì ông lăn xả và có những gợi ý “gớm ghiếc” về “của quí” của ông Trump. Ông Rubio kể như bay. Và lãnh đạo đảng Cộng Hòa chỉ còn cách hoặc bất đắc dĩ đưa ông Cruz lên, hoặc chờ đến Đại hội đảng để hạ bệ ông Trump khi ông này không đủ 50% số phiếu - tức 1.237.

Những tưởng như thế đã tạm yên, thế nhưng hôm Siêu thứ bảy 5-3, trong bốn tiểu bang có sơ bộ, ông Ted Cruz thắng được hai, tính tổng cộng ông thắng được sáu trong tổng số 19 tiểu bang tính đến ngày chủ nhật 6-3. Ông Trump tuy thắng được 12 nơi, nhưng số điểm chỉ được 389, so với 302 của ông Cruz. Còn ông Rubio: 149! It’s time to go home! Bởi vậy, ông Cruz đang làm cho giới lãnh đạo của đảng có một cái nhìn mới về đại cuộc, ông mở ra một lối thoát khả thi. Ông cho ngưòi ta thấy ông Trump chẳng phải là không thể ngăn chận được. Nhưng ông cũng lên tiếng phản đối mưu định của một thành phần trong lãnh đạo đảng chờ đến ngày đại hội để đưa người của lãnh đạo ra, hoặc ông Paul Ryan, chủ tịch Hạ Viện, hoặc ông Romney, con người bỗng dưng nằm mơ trở lại. Bởi vậy, người ta nói rằng nay trong lãnh đạo của đảng người ta cũng đang chưa biết đi con đường nào. Trong khi đó, ông Rubio bị xem là đã phá sản. Ông phá sản chủ yếu bởi vì ông giả tạo, và nguồn ủng hộ của ông cũng giả tạo. Trong khi đó, ông Cruz là một người Tea Party trung kiên. Người ta có thể phê bình ông Cruz vì đi theo Tea Party, có những lập trường dở hơi, nhưng chính vì sự “thống nhất” tư tưởng kiên định này, cho nên thành phần Trà Hội trong đảng, trong dân chúng, tin rằng ông đúng là người cua họ, cho nên thực sự ủng hộ ông.

Như chúng ta đã thấy, cuộc vận động tranh cử tổng thống bên đảng Cộng Hòa đúng là một cao trào nổi loạn như thời Tam Quốc bên Tàu (giặc Huỳnh Cân) thời nhà Hán, hay nạn Thập Nhị Sứ Quân thời nhà Lê, đâu đâu người dân cũng nổi lên vì bất mãn triều đình. Sự “nổi dậy” trong đảng Cộng Hòa được thể hiện ở con số có đến 15-16 người ra tranh cử chính thức cách đây 7-8 tháng, không ít người điên rồ cứ muốn thử thời vận, dần dần thăm dò và bầu sơ bộ đóng vai trò bình định, mới còn lại bốn như ngày nay. Sự nổi dậy này cho thấy hai mặt của vấn đề của đảng Cộng Hòa: lãnh đạo đảng và người dân. Sự bất lực, vô hiệu của lãnh đạo đảng trên tất cả các mặt: đường lối, chính sách, lực lượng và thu hút, đào tạo nhân tài. Sau hai lần thất bại năm 2008 với ông John McCain và 2012 với ông Mitt Romney, đảng Cộng Hòa đều ráo riết chấn chỉnh lãnh đạo, và người ta từng lạc quan, tự hào rằng đảng Cộng Hòa có rất nhiều ngôi sao trẻ đang lên, so với bên đảng Dân Chủ đang bế tắc vi người lớn tuổi chắn hết con đường đi lên của lớp trẻ. Nhưng bao nhiêu biến cố cảnh báo đã không được ghi nhận đúng mức. Ông Eric Cantor, chủ tịch phe đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện thất cử năm 2014! Năm 2015, ông John Boehner, chủ tịch Hạ Viện từ chức vì không khiển được thành phần Cộng Hòa tại Quốc Hội. Sự thất bại sớm sủa của hàng loạt ứng cử viên Cộng Hòa cần phải được hiểu đúng mức: Thống đốc Scott Walker của Illinois, cựu Thống đốc Rick Perry của Texas, bà Carly Fiorina, ông Jeb Bush…  Điều gì cần phải hiểu: cử tri Cộng Hòa ngày nay chẳng phải dễ tin, dễ bảo như những nhà chính trị cơ hội chủ nghĩa vẫn tưởng. Những thăm dò trong hai tháng vừa qua đã nói rõ điều này. Đến hơn 50% số cử tri Cộng Hòa được hỏi ý kiến trả lời rằng các nhà chính trị của đảng Cộng Hòa đã “phản bội”cử tri của mình, đến gần 60% nói rằng đảng của mình chẳng tha thiết gì trách nhiệm lãnh đạo đất nước. Có đến 48% người được hỏi cho thấy mong muốn có một ứng cử viên ngoài luồng. Một thăm dò khác cũng của CNN cho thấy chỉ có 20% người đưọc hỏi nói rằng họ thực sự có lựa chọn  trong sơ bộ của đảng năm nay. Có nghĩa là đến 4/5 không chắc được nên tín nhiệm ai. Và cũng đa số cử tri Cộng Hòa có thái độ bi quan, không tin “We shall overcome” nữa, họ cho rằng cho dù bất cứ ai được đảng Cộng Hòa đề cử, người đó cũng thua bà Hillary Clinton hay ông Sanders bên đảng Dân Chủ mà thôi. Điều này giải thích vì sao ngưòi ta không thấy có sự seriousness bên phía cử tri Cộng Hòa.

Tình hình bên đảng Dân Chủ có phần đơn giản hơn, theo một cach nhìn, hay phức tạp hơn, theo một cách nhìn khác. Người ta không thấy có sự nổi dậy hay nổi loạn của chính khách hay cử tri. Chỉ có năm người ra tranh cử, hai người rút sớm (Jim Webb, Lincoln Chafee) và ông Martin O’Malley thống đốc của Maryland từ 2007 đến 2015 cũng đã chấm dứt vận động từ hai tháng nay. Cho nên, đảng Dân Chủ chỉ còn hai người là bà Clinton 69 tuổi với tham vọng làm nữ tổng thống đầu tiên nhờ đường lối ôn hòa cấp tiến kết hợp “New Democrat” của chồng bà Tổng thống Clinton và “Change” của Tổng thống Obama hiện nay; và ông Sanders, một người già 74 đang háo hức muốn thử nghiệm liệu chủ nghĩa xã hội kiểu Mỹ có cơ may nào ở Mỹ hay không. Thật ra, trong thực tế, đường lối của hai ứng cử viên này về căn bản là đường lối chính thống của đảng Dân Chủ, đều ít nhiều đi theo ông Barack Obama trong những chủ trương chính. Bởi vậy, trong thực tế, tranh chấp giữa hai người có lẽ chỉ liên quan đến đời tư, tư cách, mức độ khả tín và trung thực. Bà Clinton, như người ta vẫn nói: she has a problem of honesty! Bà chỉ trông mong người dân nghĩ lai: Đồng bào chưa tin tôi, nhưng tôi làm được việc vì có kinh nghiệm!

Nhiều người Mỹ quá khích chưa gì đã đe dọa rằng nếu Mỹ hoặc sẽ có một Đệ nhất Phu quân đầu tiên (nhất là vì người này vốn là một tổng thống trước đây), hoặc đưa một “tỷ phú” giỏi nghề khai phá sản, có cách ăn nói của những “danh hài”  Việt Nam thời nay đang được rước qua đây trong mục đích ngu dân, thì người ta bỏ nước Mỹ mà đi, về quê nhà cũng được – nơi có “dân chủ đến thế là cùng”, có “tự do ngàn lần” so với chế độ nô lệ (tức ngàn lần của số không) - tuy một mẫu mực tự do, dân chủ “vi tích phân” hơi khó hiểu, vì không giống ai. Bởi thế mà hôm Siêu thứ ba, người ta thức khuya (để theo dõi tin sốt dẻo kết quả sơ bộ), dậy sớm (cũng chỉ nắm cho hết tình hình, không bỏ sót tiểu bang nào, kể cả Alaska trước đây của Sarah Palin, trong hy vọng leo lét là bỗng nhiên trời sập), để cuối cùng thất vọng: thức khuya, dậy sớm, ăn chay, niệm Phật, cũng chỉ thế mà thôi, chẳng có gì ngoài dự tri, tức những điều ám ảnh, lo sợ không tránh được.

Trong ngày Super Tuesday, Bà Clinton đã thắng được ở bảy tiểu bang, (Alabama, Georgia, Tennessee, Virginia, Arkansas, Texas, và Massachusetts - chưa kể đến hòn đảo Samoa), ông Sanders thắng ở quê nhà Vermont, tiểu bang Oklahoma, Minnesota và Colorado. Đến bây giờ ông Sanders mới hiểu người da đen là quan trọng thì đã muộn, trong khi ông bà Clinton quên đi mối hận Obama 2008 nay o bế người da đen như thể sống không thể thiếu họ, nhất là gần đây bà Clinton đeo cứng ông Obama, không gỡ ra được, mà ông Clinton chỉ cười.

Sau ngày thứ ba này, đương nhiên người ta có nhiều lý do để lo ngại khả năng đi xa của ứng cử viên cao niên này vì xem chừng, như ông vẫn nói, nếu người ta hiểu tôi hơn thì tôi sẽ có phiếu nhiều hơn nữa. Nhưng biết đến bao giờ người ta mới chịu hiểu ông đủ để cho ông có đủ  2.382 điểm, tức một nửa tổng số điểm trên sơ bộ của cả nước 4.765. Chắc khó có trong đời này. Nếu người Mỹ chịu hiểu dễ dàng như thế thì cuộc Nội chiến 1861 đã thực sự chấm dứt từ 1865.

Tuy nhiên, nào ai học được chữ ngờ. Sau Super Tuesday là Super Saturday. Sơ bộ trên bốn tiểu bang. Người ta nghĩ rằng bà Clinton sẽ thừa thắng xông lên, dứt điểm ông Sanders trong ngày cuối tuần này. Nhưng kết quả lại ngược lại. Ông Sanders thắng được ở ba nơi, Kansas, Nebraska, và Maine (ngày chủ nhật), cho thấy ông vẫn có dân, bà Clinton thắng được ở tiểu bang đông ngưòi da đen Louisiana. Tạm thời, bà Clinton được 1.147, ông Sanders  498 (theo CNN), trong khi số điểm cần có là 2.382. Bà Clinton nay đã đạt được gần một nửa số điểm cần thiết, nhưng người ta cho rằng với chiến thắng Super Saturday, ông Sanders vẫn có quyền tin tưởng nhìn ra phía trước. Thưc ra, cái chuyện ngựa về ngược trong đảng Dân Chủ xem ra còn khó hơn chuyện có ngưng bắn thực sự ở Syria cho dù các phe đều đã ký kết. Cho dù ông Sanders vẫn nói cứng: “Con số không quan trọng, cái đà mới quan trọng, mà nay tôi đã có cái đà đó”. Vấn đề là ở chỗ, đối với người già, có cái đà, cũng như Viagra, có cũng như không! Tuy nhiên, có gì có thể chận bà lại và không cho ông Bill Clintion trở thành Đệ nhất Phu quân? Vẫn có đó! Một số vụ tai tiếng chung quanh bà vẫn có thể bùng nổ! Nhất là trong tranh cãi đêm chủ nhật 6-3, bà vẫn từ chối, không chịu công bố chi tiết những bài nói chuyện của bà với các công ty tài chánh và ngân hàng đã đưa đến cho hai ông bà hơn 150 triệu trong mười mấy năm qua. Bà nói những người Cộng Hòa có làm thế thì bà mới làm. Tưởng rằng như thế là “fair play”, nhưng bà trả lời như thế chỉ làm cho người ta nhớ đến phát biểu của Tồng thống Clinton trong vụ Monica Lewinsky.

Trong cuối tuần, người viết bài này nhận được email của một bạn học từ thời Đại học Dalat những năm 60. Anh Trần Văn Chang đã có những ý kiến riêng của mình như sau:

Theo thiển ý,  Ông Trump đã và đang làm nhiệm vụ được giao phó, đó là : Đánh thức các bản năng của loài người: Chia rẽ theo từng bộ lạc, Phản ứng thô bạo khi bị đụng đến, coi thường phụ nữ và người tật nguyền .. Khi ông Trump dịu giọng, bớt hung hăng, thay đổi lập trường  đó là lúc Đảng Bảo Thủ sẽ tìm cách đưa người khác để đối đầu với Bà Clinton -- Điểm chính là số người đi bầu theo Bản Năng đã gia tăng-- Ứng cử Viên chính thức của Đảng Bảo Thủ sẽ được thừa hưởng chuyện đó.Nên coi Ông Trump là một  "phản đề " (Anti-thesis ) của Obama --- và các Chính khách của Đảng Bảo Thủ  đang triệt để khai thác vấn đề da màu sau khi thua hai lần Bầu Cử Tổng Thống.

Ý kiến sâu sắc của một người “di dân” nhưng không đứng ngoài, mà có suy nghĩ vì hiểu được ý nghĩa sâu xa của sự hiện hữu (who were we) và nhu cấu hội nhập (who are we). Bởi thế nên mới mượn lời bạn để thay cho câu kết bài này!

No comments:

Post a Comment