Showing posts with label Mỹ. Show all posts
Showing posts with label Mỹ. Show all posts

7/14/23

Cuộc chiến đất hiếm giữa Mỹ và Trung Quốc

Tác giả : Yifan Yu. Biên dịch : Gia Linh


Ở vùng sa mạc phía Nam California, một mỏ lộ thiên rộng lớn đã trở thành chiến trường trong cuộc đấu tranh toàn cầu để giành ưu thế vượt trội về công nghiệp.

Những chiếc xe tải khổng lồ màu vàng vận chuyển quặng từ mỏ đất hiếm Mountain Pass, mỏ đất hiếm từng có một thời gian đóng cửa. Sự hồi sinh đã diễn ra với cú hích là tinh thần yêu nước đang lên tại Mỹ.

Các bản can hình quốc kỳ Mỹ được trang trí trên đồng phục của công nhân khu mỏ. Những khối tinh thể quặng đất hiếm màu cam lưu niệm được tặng cho du khách có dòng chữ “Made in U.S.A” trên chứng nhận bảo hành. Một tuyên bố trên trang web của MP Materials, chủ sở hữu của mỏ, có nội dung: “Sứ mệnh của chúng tôi là khôi phục toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.

Sự hồi sinh của khu mỏ đất hiếm này là sản phẩm của cả tham vọng chính trị và thương mại. Mountain Pass đang đem lại các tài nguyên thiết yếu cho các ngành công nghiệp chiến lược, từ thiết bị quân sự đến các thiết bị cung cấp năng lượng cho cuộc cách mạng công nghệ xanh.

Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ để hồi sinh mỏ Mountain Pass, bao gồm cả tài trợ từ Bộ Quốc phòng. Đây là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm xây dựng lại sự hiện diện của Mỹ trên thị trường kim loại đã bị Trung Quốc lấy mất ưu thế từ nhiều thập niên trước nhờ chi phí sản xuất thấp.

Kỷ nguyên mới ở Mountain Pass là sản phẩm của James Litinsky và Michael Rosenthal, những nhà tài chính ở độ tuổi ngoài 40. Giờ đây, họ đang thực hiện các thỏa thuận quốc tế để cung cấp cho các tập đoàn như Sumitomo Corp. của Nhật Bản, khi cuộc đua toàn cầu về khả năng tự cung cấp đất hiếm ngày càng gia tăng.

Ông Litinsky nói: “Hai nhà quản lý quỹ phòng hộ tiếp quản một khu mỏ thì làm sao có vấn đề được, phải không? Nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã có một tầm nhìn dài hạn. … Điều này không bao giờ giống như, ‘Ồ, chúng tôi sẽ chỉ vận hành mỏ này trong vài tháng’. Chúng tôi chưa bao giờ có tâm lý đó. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nghĩ đến mục tiêu xây dựng một công ty Mỹ vĩ đại”.

Tuy nhiên, câu chuyện của MP Materials cũng nêu bật sự phức tạp của mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc và sự phụ thuộc lẫn nhau vẫn tồn tại bất chấp căng thẳng chính trị gia tăng. Khách hàng chính – và cổ đông lớn thứ tư của MP – là Shenghe Resources Holding, một công ty khai thác và chế biến đất hiếm được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn và được niêm yết ở Thượng Hải.

Tất cả những điều này làm cho sự hồi sinh của mỏ MP ở Mojave trở thành một mô hình thu nhỏ của sự cạnh tranh kinh tế chủ đạo của thế giới – và của cuộc chiến lớn hơn để cứu lấy hành tinh.

Subash Chandra, nhà phân tích năng lượng tại ngân hàng đầu tư Benchmark Co có trụ sở tại New York, cho biết: “Đất hiếm và nhiều loại khoáng sản khác là nền tảng của quá trình chuyển đổi xanh mà chúng ta đang thấy ở Trung Quốc, Mỹ và mọi nơi. Và không có công ty nào ở Mỹ có thể so sánh với MP Materials”.

Khoáng sản đất hiếm ngày càng trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế thế giới, được sử dụng trong các thiết bị từ điện thoại thông minh đến máy bay chiến đấu. Điều kỳ diệu của những kim loại sáng bóng nhưng dễ bị xỉn màu này là chúng có thể tạo ra nam châm mạnh hơn nhiều lần so với những loại nam châm truyền thống được tạo ra từ sắt. Nếu không có các nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium và lanthanum mà MP Materials đang tập trung khai thác, động cơ xe điện và ổ cứng máy tính sẽ không thể hoạt động.

Bất chấp tên gọi của chúng, hầu hết các loại đất hiếm đều tương đối phong phú – mặc dù chúng không phải lúc nào cũng dễ khai thác. Trữ lượng của chúng tồn tại trên khắp thế giới, từ Burundi đến Việt Nam. Một số quốc gia hùng mạnh, chẳng hạn như Ấn Độ, có tài nguyên đất hiếm lớn nhưng hầu như không khai thác vào năm ngoái.

Cho đến nay, Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới nhờ nỗ lực phát triển ngành công nghiệp này trong nhiều thập niên. Năm 2022, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm thế giới, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Trung Quốc cũng có trữ lượng oxit đất hiếm (REO) lớn nhất thế giới, tổng cộng 44 triệu tấn, gấp đôi so với Việt Nam, Brazil hoặc Nga.

Câu chuyện về đất hiếm lặp lại câu chuyện về sản xuất chip, lĩnh vực mà Washington cũng đang nỗ lực khôi phục lại vị trí đã mất. Nhiệm vụ này thậm chí còn lớn hơn nếu xét đến việc Mỹ luôn duy trì năng lực đáng kể trong thiết kế chip tiên tiến. Ngược lại, số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy cho tới năm 2017 vẫn không có sản xuất nguyên liệu đất hiếm trên đất Mỹ.

Trong năm 2022, Mountain Pass chiếm toàn bộ 14% thị phần của Mỹ về sản lượng đất hiếm thế giới. Quy mô vẫn còn tương đối khiêm tốn: dự trữ đất hiếm của Mỹ chỉ tương đương khoảng hơn 5% của Trung Quốc. Siêu cường châu Á này cũng vẫn chiếm ưu thế trong các khía cạnh khác của sản xuất đất hiếm.

Washington hy vọng rằng một sự thay đổi triệt để về chính sách sẽ thúc đẩy quá trình khôi phục sản xuất đất hiếm của Mỹ. Vào năm 2021, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ đánh sự vững mạnh và an ninh của các chuỗi cung ứng quan trọng của quốc gia và chỉ ra những điểm yếu. Họ nhận thấy rằng “việc phụ thuộc vào Trung Quốc về sản xuất nguyên liệu thô và nam châm [đất hiếm]” là một lỗ hổng chiến lược quan trọng.

Biden đã cảnh báo người Mỹ vào năm ngoái về “điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta trở nên phụ thuộc vào các quốc gia khác” đối với những nguyên liệu tối quan trọng như vậy.

Vai trò hàng đầu của mỏ Mountain Pass trong việc thúc đẩy đất hiếm của Mỹ là giai đoạn mới nhất của một lịch sử đầy sự kiện. Khu vực xung quanh mỏ trở thành điểm bùng nổ lần đầu tiên vào những năm 1860 khi “một đám người thăm dò tràn đến miền nam Nevada và đông nam California”, theo một tài liệu chính thức của chính phủ. Họ đã tìm thấy đồng, chì, vàng, bạc và kẽm, trước khi việc sản xuất bị đình trệ sau Thế chiến I.

Nơi này đã được mở cửa hoạt động lần thứ hai sau Thế chiến II với việc phát hiện ra các oxit đất hiếm. Đặc biệt, sự hiện diện của europium là rất kịp thời: Khả năng phát ra ánh sáng đỏ của kim loại này khiến nó trở thành một thành phần quan trọng trong tivi màu. Khi thời đại truyền thông trực quan bùng nổ trong cuộc sống, việc khai thác khoáng sản ở Mountain Pass đã nuôi sống khu mỏ này.

Kết quả là mỏ Mountain Pass trở thành nguồn cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới. Đến năm 1974, mỏ này chiếm tới 78% sản lượng toàn cầu. Sau đó, vào giữa những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh sản xuất. Bắc Kinh đã dẫn trước Mỹ vào giữa những năm 1990.

Sự suy giảm của Mountain Pass tăng nhanh khi một vụ tràn chất thải hóa học vào năm 2002 buộc mỏ này phải tạm thời đóng cửa. Sau đó, mỏ tạm dừng khai thác quặng vì sự cạnh tranh từ Trung Quốc khiến mỏ không có lãi. Mountain Pass đã khởi động lại toàn bộ hoạt động vào đầu những năm 2010 nhưng sớm phải hứng chịu một đòn chí mạng khác khi công ty mẹ, Molycorp, nộp đơn xin phá sản. Có vẻ như giấc mơ về đất hiếm của Mỹ đã kết thúc.

Tham gia nhóm giải cứu Mountain Pass là hai nhà đầu tư sinh ra ở Florida. Đó là Litinsky và Rosenthal. Khi họ ngồi trong các cuộc họp với các chủ nợ của Molycorp vào năm 2014, họ không nghĩ rằng đó là khởi đầu của một hành trình mà họ sẽ đổi bộ vest và cà vạt của mình để khoác lên một bộ đồ công trường gồm mũ bảo hiểm bụi bặm, áo bảo hộ phản quang và ủng bảo hộ. Litinsky, với vẻ ngoài quyết đoán, đang điều hành quỹ phòng hộ của riêng mình, JHL Capital Group. Rosenthal, cao ráo và nhã nhặn, đang phụ trách lĩnh vực ô tô toàn cầu và Trung Quốc tại công ty quản lý tài sản QVT Financial ở New York.

Bộ đôi này lớn lên cùng nhau ở Fort Lauderdale, đã giành chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát hoạt động của Mountain Pass bằng cách trả 20,5 triệu USD. Họ tập hợp một hội đồng quản trị với chiến lược mạnh mẽ. Hội đồng bao gồm Maryanne Lavan, trưởng ban pháp chế của Lockheed Martin, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ. Một thành viên khác là tướng không quân Mỹ đã nghỉ hưu Richard Myers, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân. Ông Myers đã nói rằng việc thiếu nguồn cung cấp đất hiếm bền vững và đáng tin cậy ở Bắc Mỹ là “một thất bại lớn đối với an ninh kinh tế và quốc gia”.

Litinsky, Giám đốc điều hành của MP, cho biết ông luôn “rất lạc quan về tương lai của đất hiếm, vì những lý do hiện rất rõ ràng”.

Mountain Pass là một thế giới tách biệt với ánh đèn rực rỡ của Las Vegas, cách xa lộ I-15 khoảng một giờ về phía đông bắc. Các đường băng tải bỏ hoang và cabin gỉ sét được xây dựng bởi những người chủ trước đây là lời nhắc nhở về những khó khăn khi vận hành một mỏ đất hiếm ở Mỹ. Một chiếc máy ủi duy nhất đã làm việc ở hố duy nhất sâu khoảng 183 mét. Những đống đá vụn đỏ au nằm chờ xe tải hạng nặng đến gom đưa vào máy nghiền. Sau đó, chúng sẽ được gửi đến các cơ sở chế biến để biến chúng thành bột cô đặc và sau đó vận chuyển đến Trung Quốc để tiếp tục xử lý.

“Không có nơi nào khác để làm việc đó”, Litinsky lưu ý. “Đó là nơi nó được tinh chế”

Litinsky và Rosenthal lần đầu thuê một nhóm quản lý cho Mountain Pass nhưng sau đó quyết định tự điều hành hoạt động. Litinsky cho biết các ưu đãi cổ phần cho nhân viên và hồ sơ an toàn cho phép hoạt động liên tục trong 3 năm đã giúp xoay chuyển tình thế của một mỏ từng không đem lại lợi nhuận kinh tế. Năm 2022, doanh thu của công ty đã tăng 59%, lên 527,5 triệu USD, trong khi thu nhập ròng tăng hơn gấp đôi, lên 289 triệu USD.

Tom Schneberger, Giám đốc điều hành của USA Rare Earth, một công ty khởi nghiệp sản xuất nam châm tiên tiến có trụ sở tại Oklahoma, cho biết: “Bản thân đất hiếm rất phổ biến – chúng không hiếm đến thế. Nhưng điều khó khăn là kết hợp công nghệ phù hợp, trích xuất và phân tách chúng, biến chúng thành những sản phẩm có thể bán được và sử dụng được – và thực hiện điều đó một cách hiệu quả”.

Giai đoạn thứ hai trong chiến lược của MP Materials là xây dựng bộ máy để tách và tinh chế một số tinh quặng đất hiếm tại Mountain Pass. Công ty cho biết sẽ đưa công suất xử lý mới vào sản xuất trong quý 2/2023. Vào cuối tháng 6, hãng cho biết sẽ cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ khi công bố kết quả quý 2 vào tháng 8/2023.

Dự án giai đoạn ba của MP là xây dựng một nhà máy sản xuất kim loại đất hiếm tinh chế và nam châm thành phẩm. Công ty đã động thổ dự án ở Texas vào năm ngoái và dự kiến bắt đầu sản xuất vào cuối năm nay.

Chiến lược của MP Materials cho thấy quy mô của nhiệm vụ cần thiết để Mỹ giành lại quyền kiểm soát ngành công nghiệp đất hiếm. Thậm chí, điều quan trọng hơn cả việc Trung Quốc chiếm phần lớn sản lượng thế giới là sự thống trị lớn hơn của nước này trong chuỗi cung ứng. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ công bố năm ngoái, Trung Quốc chiếm khoảng 89% công suất phân tách, 90% công suất tinh luyện và 92% sản lượng nam châm toàn cầu.

Quyền lực gần như bá chủ này đã trở thành một vũ khí mạnh mẽ trong kho vũ khí ngoại giao của Trung Quốc. Năm 2010, nước này tạm thời cắt giảm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau khi căng thẳng gia tăng về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do Tokyo quản lý nhưng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Việc đình chỉ này đã báo động cho các công ty Nhật Bản và kích hoạt nỗ lực của chính phủ nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp kim loại của Trung Quốc.

Mối đe dọa về các hạn chế xuất khẩu đất hiếm lại xuất hiện vào đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hồi năm 2019. Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo của nhà nước Trung Quốc, đã gọi sự phụ thuộc của Mỹ vào khoáng sản là “con át chủ bài trong tay Trung Quốc”. Báo này đánh giá rằng sự phụ thuộc có thể được sử dụng để gây áp lực với Mỹ khi đó.

Bắc Kinh gần đây đã tăng cường nỗ lực để duy trì vị trí thống trị của mình trước các động thái nhằm vực dậy ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ. Vào tháng 4/2023, các bộ thương mại và công nghệ của Trung Quốc đã đề xuất lệnh cấm xuất khẩu một số công nghệ sản xuất nam châm đất hiếm.

Trung Quốc ngày 03/07/2023 cũng đã công bố hạn chế xuất khẩu gali và gecmani, hai nguyên tố rất quan trọng để sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị điện tử khác.

Trước động thái trên của Trung Quốc, Litinsky của MP Materials tuyên bố không quá lo lắng về khả năng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Công ty của ông đã “cố tình tránh mua thiết bị và công nghệ lớn từ Trung Quốc cho cơ sở ở Texas của chúng tôi vì lý do rõ ràng này”.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là khó khăn duy nhất mà MP Materials phải đối mặt. Đầu tiên, các nhà phân tích cảnh báo, việc mở rộng quy mô các công đoạn khác nhau của quá trình xử lý đất hiếm và sản xuất nam châm sẽ là một thách thức kỹ thuật lớn.

Leslie Liang, cố vấn cấp cao của Wood Mackenzie, một công ty tư vấn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng toàn cầu, cho biết: “Các kỹ thuật như khai thác phân đoạn đòi hỏi kinh nghiệm và thử nghiệm lâu năm. Bất kỳ quá trình nào khác như quá trình kim loại hóa không thể được thiết lập trong một sớm một chiều”.

Cạnh tranh về giá với Trung Quốc là một bài toán hóc búa hơn nữa. Lương, máy móc và giấy phép ở Mỹ đều có xu hướng đắt hơn. Theo Liang, ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc cũng đã trở nên hiệu quả hơn trong những năm qua bằng cách tự động hóa các dây chuyền tinh luyện và cải thiện quản lý vận hành.

Pat Wilson, ủy viên của Bộ Phát triển Kinh tế tại bang Georgia của Mỹ, nơi đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp đất hiếm của riêng mình, cho biết: “Vấn đề là khai thác và chế biến một mặt hàng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Vì vậy, bạn phải thực hiện khoản chi phí trả trước khổng lồ và không thể hoàn vốn nhanh chóng”.

Washington đang cố gắng làm nghiêng cán cân với Trung Quốc thông qua sự hỗ trợ tài chính. Năm 2020, MP Materials đã nhận được khoản tài trợ trị giá 9,6 triệu USD từ Bộ Quốc phòng để xây dựng các cơ sở phân tách các nguyên tố đất hiếm nhẹ tại Mountain Pass.

Sau đó, theo lệnh hành pháp năm 2021 của Chính quyền Biden, Bộ Quốc phòng vào năm 2022 đã trao cho MP Materials thêm 35 triệu USD, hỗ trợ nỗ lực của công ty trong việc xây dựng các cơ sở chế biến giai đoạn hai như máy sấy và rang quặng tại Mountain Pass. Lầu Năm Góc quan tâm vì các nguyên tố đất hiếm nặng rất quan trọng đối với vũ khí và phương tiện như tên lửa và tàu ngầm.

Nhiều khả năng Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho MP Materials. Dự luật về đất hiếm đang được Quốc hội thảo luận và nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Luật sẽ tạo ra khoản tín dụng thuế sản xuất từ 20 USD/kg trở lên đối với nam châm đất hiếm sản xuất tại Mỹ.

MP Materials khẳng định không có xung đột giữa mục tiêu chính sách chiến lược của chính phủ Mỹ với mục tiêu thương mại của công ty. Công ty khẳng định sẽ có lãi ngay cả khi không có sự giúp đỡ của Washington.

Litinsky nói: “Đây là một công ty đại chúng do cổ đông điều hành. Đây không phải là giải pháp của chính phủ. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói với các nhà đầu tư rằng chúng tôi thực sự coi mình là những nhà tư bản ưu tiên đất nước hoặc những nhà tư bản yêu nước”.

Tuy nhiên, các quan chức của công ty vẫn phải thừa nhận rằng sự hỗ trợ của Washington rất hữu ích – và không chỉ về mặt tài chính. Sự quan tâm của Lầu Năm Góc đã giúp MP Materials xây dựng cơ sở giai đoạn hai trong 18 tháng trong thời kỳ thiếu hụt lao động do đại dịch dẫn tới sự chậm trễ hoạt động xây dựng trên toàn quốc.

Matt Sloustcher, phó chủ tịch cấp cao về truyền thông và chính sách của MP Materials, cho biết: “Lợi ích của việc có một dự án do Bộ Quốc phòng tài trợ là chúng giúp ích cho chuỗi cung ứng”. Ông xác nhận địa điểm Mountain Pass thường xuyên được các quan chức chính phủ đến thăm và “một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất của họ là: Họ có thể giúp đỡ bằng cách nào?”.

Cuộc tranh giành quyền lực đất hiếm không chỉ là vấn đề giữa Mỹ với Trung Quốc. MP Materials đang tìm cách tăng cường mạng lưới cung ứng quốc tế, đặc biệt là trên khắp Thái Bình Dương. Vào tháng 2, công ty đã công bố quan hệ đối tác với Sumitomo Corp., Tập đoàn thương mại Nhật Bản mà Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã tăng cổ phần của mình lên mức tối đa 9,9%. Theo thỏa thuận với MP, Sumitomo sẽ trở thành nhà phân phối độc quyền của MP tại quốc gia này trong bối cảnh Tokyo tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Một phát ngôn viên của Sumitomo nói: “Khi tìm kiếm đối tác kinh doanh, chúng tôi đã đánh giá các công ty dựa trên các tiêu chí bao gồm quy mô hoạt động. MP Materials đứng đầu danh sách ứng cử viên”.

Sumitomo hiện đang dựa vào các nhà máy luyện kim của Trung Quốc để chiết xuất các nguyên tố đất hiếm. Theo thỏa thuận mới, MP Materials sẽ xử lý không chỉ việc khai thác mà còn cả quá trình nấu chảy quặng và tách các nguyên tố khác nhau khỏi quặng. Kim loại tinh chế sẽ được bán cho các nhà sản xuất nam châm Nhật Bản. Thỏa thuận này sẽ cung cấp cho Nhật Bản khoảng 30% lượng neodymium và praseodymium mà nước này cần. Sumitomo hiện đang xem xét liệu có nên hợp tác với MP Materials trong dự án giai đoạn ba để sản xuất nam châm và kim loại đất hiếm thành phẩm hay không.

Thỏa thuận với Sumitomo cho thấy các giới hạn cũng như khả năng của chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng mạng lưới đất hiếm của riêng mình. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trích dẫn dữ liệu Hải quan Trung Quốc cho biết năm 2019, Nhật Bản đã mua 36% lượng đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi Mỹ mua 33,4%. Sẽ rất khó, nếu không nói là không thể, để loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng.

Thực tế này được phản ánh trong các mối quan hệ với Trung Quốc của MP Materials. Đối tác mua chính các sản phẩm tinh quặng đất hiếm chưa tinh chế của MP là Shenghe Resources, một công ty luyện và tách cung cấp cho các nhà máy tinh chế đất hiếm tại Trung Quốc. Shenghe và các chi nhánh cũng sở hữu gần 8% cổ phần của MP Materials.

Litinsky nói rằng không có mâu thuẫn nào giữa việc Shenghe nắm giữ cổ phần của MP và mục tiêu kinh doanh của ông – hoặc mục tiêu của Chính phủ Mỹ. Ông nói: “Nếu bạn là một công ty giao dịch công khai, ở Mỹ, bất kỳ ai cũng có thể mua cổ phiếu của bạn, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu cổ phiếu của bạn. Chúng tôi có một nhiệm vụ quan trọng. Nhưng bạn biết đấy, chúng tôi là một công ty có văn hóa điều hành, chủ sở hữu do cổ đông định hướng, nơi chúng tôi muốn kiếm tiền cho các nhà đầu tư”.

Mỹ và các đồng minh của họ còn phải đối mặt với những trở ngại khác trong nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm của riêng mình. Một là tác động môi trường của ngành công nghiệp này, một điểm được nhấn mạnh bởi kinh nghiệm gần đây của công ty đất hiếm Lynas Rare Earth của Australia. Theo Wood Mackenzie, ngoài Trung Quốc, Lynas là nhà sản xuất quy mô lớn duy nhất các vật liệu đất hiếm tách rời, chiếm 11% thị phần toàn cầu.

Lynas đang khẩn trương xây dựng một nhà máy tại thị trấn khai thác vàng Kalgoorlie ở Tây Australia để tiến hành phân tách. Công ty đang chạy đua để hoàn thành dự án, được công bố lần đầu vào năm 2019. Nhu cầu trở nên cấp bách do Chính phủ Malaysia ra phán quyết vào tháng 2/2023 rằng công ty cần dừng các hoạt động chính tại cơ sở của mình ở Malaysia. Kuala Lumpur viện dẫn những lo ngại về mức độ phóng xạ trong hoạt động khai thác và chế biến của Lynas mặc dù công ty nói rằng các đánh giá khoa học độc lập đã nhận thấy hoạt động của họ ở đó có “rủi ro thấp và tuân thủ các quy định”.

Lynas khẳng định nhà máy Kalgoorlie luôn nhằm mục đích “bổ sung chứ không thay thế” các hoạt động tại Malaysia, vốn đã xuất khẩu sang các nước bao gồm Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, Lynas thừa nhận chi phí vận hành tại Australia sẽ cao hơn nhiều. Vào ngày 19/6, họ cho biết tình trạng thiếu lao động đang cản trở nỗ lực hoàn thành cơ sở ở Tây Australia.

Bất chấp sự gián đoạn, Lynas cho biết nhà máy mới sẽ mở ra những cơ hội mới để phục vụ các quốc gia đang tìm kiếm sự an toàn cho chuỗi cung ứng. Vào tháng 5, chính phủ Mỹ và Australia tuyên bố sẽ hợp tác để quản lý tài nguyên đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác. Nhóm Bộ Tứ (một nhóm gồm hai quốc gia trên cộng với Ấn Độ và Nhật Bản) – đã thảo luận về sự hợp tác tương tự.

Amanda Lacaze, Giám đốc điều hành của Lynas cho biết: “Nếu chúng ta gạt các vấn đề địa chính trị sang một bên, thì ngay cả đại dịch cũng đã chứng minh rằng nguồn cung từ một nơi duy nhất có thể là rủi ro ở bất kỳ khu vực nào. Một chuỗi cung ứng duy nhất cho đất hiếm là vấn đề, đặc biệt là trong một chuỗi cung ứng nơi nguyên liệu này đóng vai trò rất quan trọng để thành công”.

Những bất ổn cơ bản về thương mại và chính trị khác đã phủ bóng lên ngành công nghiệp đất hiếm – và những bất ổn này đã thể hiện trong sự biến động giá cả của kim loại. Những tiến bộ công nghệ làm tăng thêm tính khó đoán định của cung và cầu. Vào tháng 3, Tesla cho biết họ sẽ loại bỏ đất hiếm khỏi các loại xe điện thế hệ tiếp theo của mình. Apple đặt mục tiêu sử dụng các nguyên tố đất hiếm tái chế hoàn toàn vào năm 2025.

Quay lại Mountain Pass, ngay cả ban quản lý vốn đã giúp khôi phục hoạt động của mỏ cũng không cho rằng Mỹ sẽ sớm lấy lại quyền bá chủ về đất hiếm. Cùng với những nỗ lực đưa chuỗi cung ứng chip trở lại Mỹ, Washington và các đồng minh của họ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn lâu dài để khôi phục lại thế mạnh chiến lược đã mất.

Litinsky thừa nhận: “Hãy thừa nhận thực tế rằng Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm và họ sẽ tiếp tục thống trị nó trong nhiều, nhiều năm nữa”.

Nikkei Asia, 05/07/2023

12/24/22

TỪ CON TIM MỘT BẬC LÃO NIÊN

Hoàng Ngọc Nguyên
Ngày 22-12, hai ngày trước Lễ Giáng Sinh, Tổng thống Joe Biden đã có những lời tâm sự gởi gắm đến người dân Mỹ. Ông đã khá dũng cảm khi thẳng thắn nêu lên hiện trạng chia rẽ, phân hóa nơi người dân. Ông là chính khách đầu tiên, tổng thống đầu tiên, dám nói: “Chính trị của chúng ta đã trở nên quá cuồng nộ, quá hạ cấp, quá đảng phái. Chúng ta thường xem nhau như kẻ thù, không phải như láng giềng; với tư cách là đảng viên đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa, thay vì với tư cách là những người Mỹ đồng bào. Chúng ta trở nên quá chia rẽ”.

Chọn thời điểm mùa Giáng Sinh để nói lên những lời tâm huyết này, ông Biden muốn người dân Mỹ, trong ánh sáng Phúc Âm, biết tin cậy nhau, thương yêu nhau, hợp quần, đoàn kết, tránh sự oán thù, chia rẽ - như những chân lý của cuộc sống. Sống trong đất nước, trong xã hội, người dân phải nghĩ, phải biết cách đến với nhau và mở rộng vòng tay cho nhau. Chân lý nằm trong lý tưởng đó, khi chúng ta sống trong một đất nước đa chủng, đa nguồn, đa văn hóa, người ta cần nhau hơn bao giờ hết, nhưng cảm thấy xa lạ, không cần biết đến nhau hơn bao giờ hết.

Những lời tâm tình của Ông Biden chưa quá 19 phút, ghi lại chưa quá 1.200 chữ, cho nên chỉ làm cho người nghe, người đọc lắng dịu trong tâm tư, tâm tình, nhưng chưa đủ khả năng khai sáng tâm trí. Lối sống Mỹ thường giới hạn quan hệ giữa người và người trong câu chào hỏi “How are you”, nhưng ít khi đi xa hơn đến mức con người có thể gần nhau. Ngược lại, ngay từ thời xa xưa, quan hệ giữa người và người trong nước Mỹ đã có những “uẩn khúc” về màu da, về chủng tộc, về tôn giáo, về giàu nghèo, về quyền lực chính trị và về quan hệ liên bang-tiểu bang…

Sự thù oán đầu tiên đã phát sinh từ cuộc Nội chiến 1961-65 đã khiến cho hơn 700.000 người thuộc hai miền phải nằm xuống, nhưng cuộc Nội chiến này cũng có nguyên ủy trong cơ cấu và định chế chính trị liên bang-tiểu bang và lưỡng đảng của nước Mỹ. Vì là một đất nước của cơ hội (land of opportunities), là “vùng đất hứa” (land of promises), cho nên nước Mỹ, “vùng đất của di dân” (land of immigrants) bao giờ cũng có những bất ổn với khả năng trở thành một vấn đề tiềm tàng chính trị. Nước Mỹ lúc thì mở cửa (lúc cần người) lúc thì đóng (lúc không kham nổi). Đối với thành phần dân chúng khốn cùng (underprivileged), chính phủ lúc thì mở rộng hầu bao, lúc thì siết lại… Những vấn đề đại loại như thế làm cho xã hội khó có tiếng nói chung.

Đặc biệt từ dưới thời Tổng thống Barack Obama (2009-2016), từ năm 2010, một phong trào da trắng cực hữu đã nổi lên ngày càng mạnh như một loại “Tea Party”, được trang bị bằng chủ thuyết “Christian nationalism”, để tấn công vào đường lối phúc lợi xã hội của ông cùng lớp người da đen mà họ cho rằng đang mạnh lên nhờ ông Obama. Những phe nhóm da trắng siêu đẳng (white supremacist) này ngày càng phát triển, nhất là trong khu vực nông thôn và lao động ngoại ô, và được thúc đẩy khuyến khích mạnh từ ngày Donald Trump vào Tòa Bạch Cung đang tìm cách tạo một sự ủng hộ bảo thủ cực đoan trong phía quần chúng Cộng Hòa. Cụ thể là những nhóm Qanon, Proud Boys, Oath Keepers, Patriots… mở rộng thế lực “bạch chủng siêu đẳng”… và không ngại trang bị vũ khí khi xuống đường, dựa vào “Đệ nhị Tu chánh án”. “Chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo” đã khiến cho giới chính trị dân cử của Cộng Hòa một phần phải theo đuôi, theo đuổi “chính sách MAGA”. Và cũng cần nói rằng trong khi đa số người Mỹ gốc Á tránh xa những xu hướng chính trị nguy hiểm và phiêu lưu này, một số Mỹ gốc Việt “thức thời” - nhất là những nhà chính trị ở O.C., đã không ngại khoác chiếc áo cầm chuông lên mình.

Đó là những vấn đề ông Biden không tiện nói trong những lời tâm tình hòa giải đơn giản này. Và khi ông không nói ra “vì lý do chính trị không tiện nói”, đương nhiên, người ta chưa thể thấy được có khả năng nào, khi nào và trong điều kiện nào, nước Mỹ tìm lại sự bình yên - nếu có.

Tuy nhiên, bài nói chuyện với những lời lẽ tâm tình tha thiết của lão trượng Joe Biden đã cho thấy con người của ông. Chúng ta chưa hề nghe những lời lẽ nhân bản từ tốn đó từ một con người như Donald Trump cho dù ông ta đã ở trong Tòa Bạch Cung cũng bốn mùa Giáng Sinh – trước khi gần đất xa trời. Chúng ta cũng chưa hề nghe từ bất cứ người lãnh đạo nào trong đảng Cộng Hòa nói lên mối quan tâm, xót xa, lo ngại trước sự phân hóa ngày càng tan nát nơi nơi giữa hai đảng, giữa các tiểu bang, giữa các tôn giáo, giữa các chủng tộc.

Nay thì chúng ta đã nghe từ Tổng thống Joe Biden. Chúng ta nay có thể thấy niềm vui tràn lên lồng ngực, và sau đó là nỗi buồn chìm lắng trong tâm tư.

Giữa nói và làm, đó là một con đường chông gai và bình thường không thiếu gì người phải bỏ cuộc.

Tuy nhiên, mọi chuyện phải bắt đầu từ nhận thức.

Dù sao, hãy nghe ông Biden nói:

Good afternoon.

“Món Quà kỳ diệu đã được ban tặng một cách âm thầm, lặng lẽ làm sao.”

Trung tâm của câu chuyện Giáng sinh là một sự tĩnh lặng. Một đêm tĩnh lặng khi tất cả thế giới trở nên tĩnh lặng và tất cả sự lôi cuốn, tất cả tiếng động, tất cả những gì chia rẽ chúng ta, những gì khiến chúng ta chống đối nhau, tất cả - tất cả mọi thứ dường như rất quan trọng nhưng thực sự không phải thế, tất cả đều tan biến trong tĩnh lặng của buổi tối mùa đông.

Và chúng ta nhìn lên bầu trời, nhìn vào một ngôi sao đơn độc, tỏa sáng hơn tất cả những ngôi sao còn lại, dẫn dắt chúng ta nhìn về sự ra đời của một đứa trẻ - đứa trẻ mà những người theo đạo Cơ đốc tin là con của Chúa; giờ đây, thật kỳ diệu, ở đây giữa chúng ta trên Trái đất này, đang mang lại hy vọng, tình yêu, hòa bình và niềm vui cho thế giới.

Vâng, đó là một câu chuyện đã hơn 2.000 năm rồi, nhưng vẫn còn rất sống động cho đến ngày nay. Chỉ cần nhìn vào mắt trẻ thơ vào buổi sáng Giáng Sinh, hoặc lắng nghe tiếng cười của một gia đình bên nhau trong mùa lễ này sau bao nhiêu năm — sau bao nhiêu năm xa cách. Chỉ cần cảm thấy hy vọng dâng lên trong lồng ngực khi chúng ta cất tiếng hát “Bài ca ca ngợi Thánh thần,” cho dù trước đó đã hát chẳng biết bao nhiêu lần.

Vâng, cho dù sau 2000 năm, Lễ Giáng Sinh vẫn có sức mạnh nâng chúng ta dậy, đưa chúng ta đến với nhau, thay đổi cuộc đời, thay đổi thế giới.

Câu chuyện Giáng sinh là trọng tâm của lễ Giáng sinh - đức tin Kitô giáo. Những thông điệp về hy vọng, tình yêu, hòa bình và niềm vui, cũng mang tính phổ quát cho tất cả mọi người.

Nó nói với tất cả chúng ta, cho dù chúng ta theo đạo Cơ đốc, Do Thái, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo hay bất kỳ đức tin nào khác, hay không có đức tin nào cả. Nó nói với tất cả chúng ta là những con người ở trên thế gian này phải quan tâm đến nhau, đùm bọc nhau và yêu thương nhau.

Thông điệp Giáng Sinh luôn quan trọng, nhưng nó đặc biệt quan trọng trong những thời điểm nhiều thử thách, như thời điểm chúng ta đã trải qua trong vài năm qua.

Đại dịch đã cướp đi của chúng ta quá nhiều thứ. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian lẽ ra để sống với nhau. Chúng tôi đã mất quá nhiều người - những người chúng ta yêu quý. Hơn một triệu sinh mạng bị mất chỉ riêng ở Mỹ. Một triệu chiếc ghế nay để trống làm tan nát trái tim các gia đình trên khắp đất nước.

Chính trị của chúng ta đã trở nên quá cuồng nộ, quá hạ cấp, quá đảng phái. Chúng ta thường xem nhau như kẻ thù, không phải như láng giềng; với tư cách là đảng viên đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa, thay vì với tư cách là những người Mỹ đồng bào. Chúng ta trở nên quá chia rẽ.

Nhưng dù thời thế này có khó khăn đến đâu, nếu nhìn kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ thấy những điểm sáng trên khắp đất nước: sức mạnh, sự quyết tâm, khả năng phục hồi đã định hình lâu dài cho nước Mỹ.

Chúng tôi chắc chắn đang đạt được tiến bộ. Mọi việc đang trở nên tốt hơn. COVID không còn kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Trẻ đã trở lại trường học. Mọi người đã trở lại làm việc. Trên thực tế, nhiều người đang làm việc hơn bao giờ hết.

Người Mỹ đang xây dựng lại, đang đổi mới trở lại, mơ ước trở lại.

Vì vậy, tôi hy vọng trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta hãy dành một vài phút tĩnh lặng để suy ngẫm và tìm thấy sự tĩnh lặng trong tâm điểm của Giáng Sinh — đó là tâm điểm của Lễ Giáng Sinh. Và hãy nhìn xem — hãy thực sự nhìn nhau, không phải với tư cách là đảng viên Dân Chủ hay đảng viên Cộng Hòa, không phải như thành viên của “Nhóm Đỏ” (CH) hoặc “Nhóm Xanh” (DC), nhưng thực sự nhìn nhau để hiểu chúng ta là ai: những người Mỹ đồng bào. Những người đồng bào xứng đáng được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng.

Tôi chân thành hy vọng kỳ nghỉ lễ này sẽ rút cạn chất độc đã lây nhiễm nền chính trị của chúng ta và khiến chúng ta chống lại nhau.

Tôi hy vọng mùa Giáng sinh này đánh dấu một khởi đầu mới cho đất nước chúng ta, bởi vì có rất nhiều lý do kết hợp chúng ta lại với nhau tư cách là người Mỹ, rất nhiều điều đoàn kết chúng ta hơn là chia rẽ chúng ta.

Chúng ta thực sự may mắn được sống ở đất nước này. Cho nên tôi thực sự hy vọng chúng ta dành thời gian nhiều hơn để quan sát - để quan tâm đến nhau. Không phải cho mình mà là cho nhau.

Rất nhiều người điêu đứng trong mùa Giáng Sinh. Đó có thể là khoảng thời gian vô cùng đau đớn và cô đơn khủng khiếp. Tôi biết điều này, như nhiều bạn cũng biết.

Vào tuần này, 50 năm trước, tôi đã mất người vợ đầu tiên và đứa con gái nhỏ trong một tai nạn xe hơi, hai đứa con trai thì bị thương nặng khi đi mua cây thông Giáng Sinh. Cho nên tôi hiểu thời gian này trong năm có thể khó khăn như thế nào.

Nhưng đây là điều tôi đã hiểu được từ lâu: Không ai — không ai có thể biết được người khác đang trải qua những gì, điều gì đang thực sự xảy ra trong cuộc sống của họ, họ đang phải vật lộn với điều gì, họ đang cố gắng vượt qua điều gì.

Đó là lý do tại sao đôi khi một hành động tử tế nhỏ nhặt lại có ý nghĩa rất lớn. Một nụ cười đơn giản. Một cái ôm. Một cú điện thoại bất ngờ. Một tách cà phê yên tĩnh. Những hành động tử tế đơn giản có thể nâng đỡ tinh thần, mang lại sự an ủi và thậm chí có thể cứu sống một mạng người.

Vì vậy, trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta hãy mở rộng một chút lòng tử tế.

Mùa Giáng Sinh này, hãy làm điều đó – làm bàn tay giúp đỡ, làm bờ vai mạnh mẽ nơi nương tựa, giọng nói thân thiện đó trong khi dường như người khác không để ý đến những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, cần giúp đỡ. Đó có thể là món quà tốt nhất ta có thể tặng.

Và chúng ta chắc chắn phải nhớ đến những phụ nữ cũng như nam giới dũng cảm trong quân phục đã chiến đấu bảo vệ đất nước. Nhiều người nay đang phải xa gia đình vào thời điểm này trong năm. Hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện của chúng ta.

Bạn biết, và tôi cũng tin rằng Giáng Sinh là mùa của hy vọng. Và trong suốt lịch sử của đất nước này, trong những tuần của tháng 12 - ngay cả giữa những ngày khó khăn nhất của chúng ta - thì một số chương hay nhất trong lịch sử của chúng ta đã được viết ra.

Chính trong những tuần này vào năm 1862, Tổng thống Lincoln đã chuẩn bị Tuyên bố Giải phóng, và ông đã ban hành vào ngày đầu năm mới.

Vào Giáng Sinh năm 1941, trong tuần — vài tuần sau trận Trân Châu Cảng, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã tiếp đón Thủ tướng Winston Churchill tại Nhà Trắng. Cùng nhau, họ hoạch định chiến lược Đồng Minh để đánh bại chủ nghĩa phát xít và chế độ chuyên quyền.

Và vào năm 1968, năm khủng khiếp nhất — trong nhiều năm — năm ám sát và bạo loạn, chiến tranh và hỗn loạn — khi các phi hành gia của Apollo 8 bay vòng quanh Mặt trăng và nói chuyện với chúng ta trên Trái đất.

Từ sự tĩnh lặng của không gian, trong một đêm tĩnh lặng của đêm Giáng Sinh, họ đọc câu chuyện Giáng Sinh—Sự sáng tạo từ Kinh thánh Vua James. Chuyện kể rằng: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên Trời và Đất. Và khi Đức Chúa Trời phán, ‘Hãy có ánh sáng,’ thì có ánh sáng.”

Ánh sáng đó vẫn ở bên chúng ta, soi sáng con đường phía trước của chúng ta, những người Mỹ và là công dân của thế giới. Một ngọn đèn cháy sáng lúc ban đầu và tại Bêlem. Một ánh sáng vẫn còn chiếu sáng ngày hôm nay trong thời đại của chúng ta, trong cuộc sống của chính chúng ta.

Khi chúng ta hát bài “Đêm Thánh Vô Cùng” — “Luật pháp của Ngài là tình yêu, và Phúc âm của Ngài là hòa bình” — tôi có thể chúc bạn và cho bạn, và cho đất nước của chúng ta, bây giờ và mãi mãi, chúng ta sẽ sống trong ánh sáng — ánh sáng của tự do và hy vọng, của tình yêu và sự rộng lượng, của lòng tốt và lòng trắc ẩn, của phẩm giá và sự đứng đắn.

Vì vậy, từ gia đình Biden, chúng tôi cầu chúc bạn và gia đình bình an, vui vẻ, sức khỏe và hạnh phúc. Giáng sinh vui vẻ. Ngày lễ vui vẻ. Và tất cả những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Thượng Đế ban phước cho tất cả chúng ta. Và xin Chúa bảo vệ quân đội của chúng ta.

Cảm ơn các bạn.

9/21/22

HIỂM HỌA MAGA

Hoàng Ngọc Nguyên

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

Thật tình cờ ngày chủ nhật 18-9, hai tờ báo lớn nhất của nước Mỹ, The New York Times và Washington Post, đều có bài có tựa giống nhau và nội dung cũng khá giống nhau.

Tở NYT: “Echoing Trump, these Republicans won’t promise to accept 2022 results” (Nói theo Trump, những người Cộng Hòa (CH) này không hứa chấp nhận kết quả bầu cử 2022). “Sáu ứng cử viên CH tranh cử thống đốc và Thượng Viện tại những tiểu bang chủ yếu trong bầu cử giữa mùa, tất cả được Donald Trump ủng hộ, không cam kết chấp nhận kết quả tháng 11”.

4/23/22

Giữa cơn khủng hoảng, thế giới phát hiện một loại năng lượng sạch bất tận bị "chôn vùi" dưới đáy giếng dầu bỏ hoang

Câu chuyện này là một phần của loạt bài Recode by Vox's Tech Support , khám phá các giải pháp cho thế giới đang nóng lên của chúng ta.


Mỹ đang chi hàng triệu USD để khám phá một nguồn năng lượng đáng ngạc nhiên chưa được khai thác.


Hành tinh của chúng ta đang gặp rắc rối. Báo cáo về khí hậu của Liên hợp quốc từ đầu tháng 4 cho thấy rõ chúng ta đang đi trên con đường thực hiện các mục tiêu khí hậu được đặt ra trong Thỏa thuận Paris là cắt giảm lượng khí thải carbon một cách nhanh chóng. Mặc dù năng lượng mặt trời và năng lượng gió rất quan trọng, đặc biệt là trong kế hoạch khí hậu của Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, nhưng chúng lại là loại năng lượng đã quá phổ biến, có nghĩa là tác dụng của chúng chỉ giới hạn đến mức hiện tại mà thôi.

3/24/22

Cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, từng thăm Hà Nội hai lần, qua đời

 BBC tiếng Việt ngày 24.03.2022


Madeleine Albright, một người Czech nhập cư trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, đã qua đời ở tuổi 84.

Bà Albright trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ vào năm 1997 dưới thời chính phủ Bill Clinton.

Thường được ca ngợi là "một nhà đấu tranh cho nền dân chủ", Albright đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chấm dứt thanh lọc sắc tộc ở Kosovo.

Bà qua đời vì bệnh ung thư.

3/23/22

Nữ khoa học gia gốc Việt, tên được đặt cho một hành tinh

Khi nhắc đến những cái tên gốc Việt rạng danh trên thế giới, Jane Luu (Lưu Lệ Hằng) là cái tên không thể bỏ qua. Là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nhận được Giải thưởng Cavry trong lĩnh vực vật lý thiên văn (được coi là giải Nobel vật lý thiên văn), Giáo sư Hằng đã góp phần phát hiện ra 31 tiểu hành tinh. Sau khi khám phá ra Vành đai Kuiper, tên của bà được cả thế giới biết đến – khu vực chứa hàng trăm triệu vật thể hình bánh vòng, điều này đã thay đổi cách các nhà thiên văn học nhận định lịch sử của hệ mặt trời.

1/13/22

Mỹ: Bệnh nhân được ghép tim heo lần đầu tiên trên thế giới

Tin BBC tiếng Việt - ngày 11.01.2022

Bác sĩ Bartley P. Griffith và bệnh nhân David Bennett vào thời điểm đầu tháng 1/2022

Một người đàn ông ở Mỹ đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép tim từ loài heo biến đổi gen.

David Bennett, 57 tuổi đang hồi phục tốt ba ngày sau cuộc phẫu thuật ghép tim heo ở Baltimore, các bác sĩ cho biết.

12/19/21

“CẨM NANG XANH” : Sự dũng cảm thay đổi trái tim

RFI- Lệ Thu  Đăng ngày: 18/12/2021

Ê-kíp làm phim Greenbook "Cẩm nang xanh” trên sân khấu Lễ trao giải Oscar 24/02/2019. AFP
Nghe: Phần âm thanh:


Vượt lên trên khá nhiều tranh luận xung quanh việc có xứng đáng được danh hiệu cao quý nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 91 hay không, “Cẩm nang xanh” vẫn là một bộ phim chất chứa nhiều cảm xúc, mà trong đó người ta tìm thấy những nụ cười, những chân thành và cả những xót xa.

Truyện phim kể về câu chuyện có thật giữa một nghệ sĩ dương cầm da màu chơi nhạc Jazz - Don Shirley - và người vệ sĩ kiêm quản lí tour diễn của ông, Tony Lip Vallelonga, cùng tình bạn của họ trong suốt chuyến lưu diễn dài hai tháng xuôi theo miền Nam nước Mỹ đầu những năm 60 của thế kỉ trước. Ai cũng biết, thời điểm đó, đạo luật Jim Crow với đầy những quy tắc hà khắc nhắm vào người da màu vẫn đang rất thịnh hành ở nơi đây. Bởi vậy, nhắc tới “Cẩm nang xanh”, người ta nghĩ ngay tới một bộ phim với nội dung phân biệt chủng tộc, đặc biệt, phim lại lấy cảm hứng từ cuốn sách “The Megro Motorist Green Book”, cuốn sách được coi là Cẩm nang du lịch dành cho người da màu.

10/17/21

Phá vỡ cam kết 7 thập kỷ, Tổng thống Biden chấp nhận “trả giá” để đối phó với Trung Quốc

Kiều Anh | 16/10/2021 10:01 AM - Soha.vn
Tàu ngầm HMAS Waller của Hải quân Hoàng gia Australia ở Cảng Sydney ngày 2/11/2016. Ảnh: Getty

AUKUS đã làm rõ kế hoạch của Mỹ nhằm thách thức mạnh mẽ Trung Quốc nhưng với bước đi này, chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt với nguy cơ hủy hoại thêm những mối quan hệ cốt lõi với các đồng minh truyền thống.

Khi Tổng thống Joe Biden chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Rome, Italy vào cuối tháng 10, quyết định của ông ký kết thỏa thuận an ninh mới với Anh và Australia có thể tạo ra những ảnh hưởng to lớn.

Sau khi thỏa thuận trên khiến Pháp nổi giận và gây ra căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng giữa Paris và Washington thì Thượng đỉnh G-20 sắp tới là cơ hội để Tổng thống Biden hàn gắn những rạn nứt mới này.

Tổng thống Biden sẽ không chỉ nỗ lực sửa chữa quan hệ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bên lề Hội nghị mà còn phải tái khẳng định với các đối tác về cam kết của Mỹ khi các nội dung trong chính sách với Trung Quốc ngày càng được nhấn mạnh.

9/28/21

Biden gặp khó khăn tại Quốc Hội trước đe dọa « shutdown »

 RFI, Thụy My

Trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, Capitol, Washington DC, Mỹ. Ảnh chụp ngày 15/01/2020. REUTERS - Tom Brenner
Hôm qua 27/09/2021 Thượng Viện Mỹ đã bác bỏ một dự luật của đảng Dân Chủ nhằm bảo đảm nguồn tài chính cho hoạt động của chính phủ liên bang từ nay đến cuối năm, và nâng mức trần nợ. Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đang hiển hiện, và đây cũng là khởi đầu cho một tuần lễ đầy thách thức cho các dự án lớn của tổng thống Joe Biden - đầu tư đại quy mô vào cơ sở hạ tầng và cải cách xã hội « lịch sử ».

Thông tín viên Guillaume Naudin tại Washington cho biết thêm chi tiết :

« Họ đã nói và đã làm. Đảng Cộng Hòa từ chối giúp đảng Dân Chủ nâng trần nợ và tài trợ các chi tiêu sắp tới của Nhà nước liên bang. Kết quả là bóng ma một vụ shutdown mới, tức chính phủ liên bang phải ngưng hoạt động, đang tiến gần.

Nguy cơ này có thể bắt đầu từ thứ Sáu, và việc tìm kiếm giải pháp tỏ ra căng thẳng. Thật đáng lo, nhưng chuyện này đã từng xảy ra và cũng đã từng được giải quyết. Trầm trọng nhất là Nhà nước Mỹ không thể vay mượn được trên thị trường. Theo bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen, Hoa Kỳ có thể mất khả năng chi trả từ giữa tháng 10, sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính và kinh tế nặng nề.

Về vấn đề này cũng khó tìm được giải pháp. Phe Cộng Hòa cho biết không muốn phóng tay cho các kế hoạch đầu tư và chi tiêu hết sức tốn kém của Nhà Trắng. Những kế hoạch này hiện đang dậm chân tại chỗ.

Phe Dân Chủ ở Hạ Viện không thỏa thuận được với nhau. Một cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào thứ Năm tới, được cho là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden cho đến nay. »

8/10/21

DÂN CHỦ THOÁI TRÀO

Hoàng Ngọc Nguyên


Giới chính luận trong thời gian gần đây đã bàn nhiều về “hiện tượng” dân chủ suy thoái đến mức nguy hiểm ở Mỹ. Và ý kiến của nhiều người khi tìm hiểu hay nhận định về nguyên nhân chú mục về sự suy yếu của truyền thông trong sự tìm kiếm và bảo vệ chân lý. Trong cuộc chiến phá hoại dân chủ này nổi lên “người hùng” NPD Donald Trump!

Dân chủ hàm xúc một ý nghĩa rộng lớn khi ta nói về những giá trị dân chủ, chính trị dân chủ, cơ chế, định chế dân chủ, pháp luật dân chủ, quyền dân chủ... Nhưng thông thường, khi nói đến những giá trị hay nguyên tắc dân chủ, ta nói về một chính phủ dân cử (một chính phủ của dân, do dân, vì dân – do đó ngưòi dân vừa có quyền vừa có nghĩa vụ đi bầu); một cơ chế tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) có khả năng kiểm soát qua lại (checks and balance) để tránh sự lạm dụng; một hệ thống nhà nước pháp trị (rule of law) để tránh sự độc tài hay lạm quyền; sự bình đẳng của con người trong xã hội (equality) và trước pháp luật; quyền tự do cá nhân về phát biểu, hội họp...

Và cũng đương nhiên, khi nói về dân chủ đặc biệt ở Mỹ, chúng ta cũng phải nói đến vai trò và trách nhiệm của truyền thông chính lưu (truyền hình, báo chí...) trong việc cung cấp những thông tin, phản ảnh những đường lối chính sách của chính phủ (bao gồm cả ba ngành) cùng nhận định, tranh luận, phê phán... những đường lối chính sách đó. Không có vai trò tích cực đó, người dân sẽ bị “mù” (chẳng hiểu nhà nước đang làm gì, nhằm mục đích gì), bị “điếc” (không nghe được gì), và bị “câm” (không nói lên được ý kiến của mình). Chỉ có báo chí tự do mới có đối lập thực sự - vốn là nền tảng của một nền dân chủ pháp trị.

Nước Mỹ vẫn tự hào có một nền dân chủ hàng đầu trên thế giới. Ngọn đuốc sáng về dân chủ cho toàn cầu. Và đó cũng là một trong những lý do Mỹ vẫn được xem là nước lãnh đạo Thế giới Tự do trong chiến tranh lạnh chống cộng sản quốc tế kéo dài hơn 40 năm - nếu không nói chống độc tài, phát xít trong hai thế chiến đệ nhất và đệ nhị. Nước Mỹ trẻ trung này vẫn có một hiến pháp dân chủ lâu đời nhất thế giới (có lẽ vì vậy mà người ta không muốn tu sửa, như gìn giữ một món đồ cổ?) nhấn mạnh ở tính dân cử của chính quyền và dân quyền của công dân. Dân chủ của Mỹ cũng có ý thức cảnh giác cao độ về sự lạm dụng của quyền lực, của thế đa số. Bởi thế cơ chế chính trị liên bang và tiểu bang khá phức tạp (chẳng thế thì đã chẳng có Nội Chiến 1861), và chính trị của Mỹ cũng phức tạp theo đó. Ví dụ như Đảng Dân Chủ nhân danh “của dân, do dân, vi dân” nên chủ trương tăng cường khả năng (ngân sách) chính phủ lo cho dân bằng cách đòi hỏi giới lợi tức cao phải đóng góp thêm, trong khi đảng Cộng Hòa vốn chủ trương “kềm chế chính quyền” để chống sự lạm dụng dân quyền cho nên chống việc tăng thuế nhắm vào lớp trên, đồng thời tìm cách bó tay chính phủ chi cho lớp dưới bằng quyền chuẩn chi ngân sách...

Nói về sự suy đồi dân chủ, điều này thực ra đang diễn ra nơi nơi từ lâu nay. Những mong đợi lạc quan một thời thế kỷ 21 sẽ mở ra một chương mới cho dân chủ toàn cầu nay đã trở thành thất vọng chán ngán. Sự cáo chung của chiến tranh lạnh đã mở ra một chương mới, như mở nắp hộp Pandora, bao nhiêu thế lực ma quỉ nổi lên. Nga, Tàu và cả Hồi giáo đều muốn giành quyền viết lại trật tự thế giới mới, trong khi Mỹ cứ loay hoay không xác định được lối đi: duy trì trật tự cũ hay xây dựng trật tự mới? Cựu Tổng thống Donald Trump là một sản phẩm rất thích hợp của thời thế nhiễu nhương. Nhiều nhà phân tích chính trị đã chỉ ra rằng Trump muốn đi vào lịch sử như một người lãnh đạo độc tài đầu tiên của nước Mỹ - tương ứng và tương xứng với Vladimir Putin của Nga, Tập Cận Bình của Tàu, cho dù ông ta đương nhiên chẳng hề đọc “Tam Quốc Chí” để hiểu rằng Ngụy, Ngô, Thục cuối cùng cũng rã đám. Cứ xem cách ông hành động và lôi kéo khối quần chúng cử tri da trắng thượng đẳng đi theo ông trong bốn năm 2017-2020 thì chúng ta có thể thấy rõ điều này.

Sự vô hiệu của nền dân chủ Mỹ trong việc xây dựng một chế độ chính trị lành mạnh, tạo được sự đoàn kết, hợp tác của toàn dân để giải quyết những vấn đề của đất nước - ngắn hạn cũng như lâu dài – đã nổi bật khi tình hình tệ hại đến mức không thể xấu hơn được dưới thời Trump: biên giới Mỹ Mễ dài cả 3.200 cây số, Trump wall chỉ xây được vài chục kilômét làm kiểng trong khi hàng ngàn trẻ em bị mất cha mất mẹ; chủng tộc ngày càng phân hóa bởi vì chủ nghĩa Ku-Klux-Klan đang sống dậy trong hàng ngũ những người da trắng “rác rưởi” (white trash), đến mức nay người da vàng có lý do để sợ bị nhầm là người Hoa khi ra đường; bạo lực súng đạn và nạn xả súng vào đám đông (mass shootings) là “chuyện thường ngày ở huyện”, cùng với sự bạo hành của cảnh sát da trắng thường nhắm vào người da đen; và Trump là tổng thống Cộng Hòa đầu tiên chưa hề nói chuyện với lãnh đạo đảng Dân Chủ và tạo ra tình trạng cắt chiếu giữa hai chính đảng... Sự lạm quyền, lạm dụng dân chủ của Trump thể hiện rõ qua cách ông để cho Putin lấn át Mỹ trên trường quốc tế và xóa bỏ trật tự quốc tế mà Mỹ đã bao đời xây dựng. Ông cũng là tổng thống đầu tiên chỉ trong một nhiệm kỳ chịu ba lần luận tội truất bãi của Quốc Hội. Sự bao che, dung túng tội phạm của đảng Công Hòa tại lưỡng viện đã nói rõ dân chủ của Mỹ què quặt thế nào!

Thực ra, khi một người như Trump nhất quyết ém nhẹm hồ sơ thuế của mình được bầu làm tổng thống mặc dù ông ta thua bà Clinton rõ ràng ở số phiếu phổ thông, giới thức giả hẳn phải ưu tư, lo lắng cho dân chủ Mỹ! Cử tri Mỹ đang có vấn đề gì? Cơ chế chính trị của Mỹ hỏng đến mức nào? Ông cũng là tổng thống độc nhất vô nhị của nước Mỹ khi gọi thẳng mặt báo giới là “kẻ thù của nhân dân” (enemy of the people), biện minh cho việc ông từ nhỏ đến lớn không hề đọc báo. Ông vẫn xem báo giới chính lưu là kẻ thù của ông, bởi vì chuyện đương nhiên không tờ báo nào để yên cho ông nói dối, nói phét, lừa phỉnh, khích động người dân liên tục, với lý luận đơn giản, quái đản một cách nguy hiểm: nói dối mãi, người ta rồi cũng tin, hay cũng chấp nhận. Để truyền đạt với quần chúng da trắng thượng đẳng theo ông, ông tweet mỗi sáng sớm thay cho đánh răng, súc miệng. Sau này ông bị Facebook, Twitter, cấm cửa với hai lý do: bịa đặt và nguy hiểm. Đó chính là mối hận ngàn thu của ông.

Trước bầu cử năm 2020, John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump, đã cảnh báo: Nếu dân Mỹ tiếp tục bỏ phiếu cho Trump, đất nước này chỉ có chết. Hoàng thiên hữu nhãn, đại dịch COVID-19 đã lật đổ một người bao giờ cũng tự nhận là “Thiên tử” (God’s son). Và bởi vì là con trời, cho nên ông tin rằng chẳng ai làm gì ông được, và ngược lại, ông muốn làm gì, nói gì cũng được, vì đó là ý trời. Và vì những gì ông làm là ý trời, cho nên người dân cũng phải thuận theo, trở thành ý dân. Cách lý luận đó đương nhiên là quái đản và ngày càng nguy hiểm, bởi vì nó có tính “thuyết phục” ở quần chúng da trắng thượng đẳng ngày nay. Đó chính là chuyện thời thế cho nên câu chuyện chưa ngừng ở đó. Chưa ngừng ở ngày 3-11-2020. Dân chủ Mỹ không tái hoạt dễ dàng như Bolton tưởng. Hay như nhiều người tưởng.

Ngay từ đầu Trump cứ cho rằng mình đã tái đắc cử, kết quả có khác đi chỉ là vì “bầu cử gian lận”, cho nên gần cả 10 tháng sau ông ta vẫn không chịu nhận mình đã thất cử. Ngay cả trong bầu cử năm 2016 mà ông thắng cử, ông cũng cho rằng có bầu cử gian lận, nếu không thì ông đã không thua 3 triệu phiếu phố thông. Từ lâu, người ta đã nói ông ta có “bệnh” – bệnh nặng không chữa được. Bệnh NPD (Narcissistic Personality Disorder) tức cứ cho mình hơn người và mọi người phải phủ phục trước mình như thần dân trước “thiên tử”. Tính ông ta là thế: Trên đầu chẳng có ai (bởi thế đã tìm cách hất Obama xuống bằng mọi giá), dưới thì ông ta xem như cỏ rác, ai làm ông không vừa lòng một tí là “You’re fired!” Người ta nói để chữa bệnh “Rối loạn Nhân cách Tự tôn Tự kỷ”, bệnh nhân phải biết im lặng tập nghe (speech therapy), nhưng hơn 70 năm qua, Trump chỉ quen nói chứ không biết nghe! Vì cái bệnh này, nói tóm tắt, là bệnh khùng. Giới chuyên môn đã nhiều lần đề nghị phải tìm cách trị liệu kịp thời cho ông, không chỉ vì ông mà chủ yếu vì sự an toàn của đất nước. Nhưng thời nay, nói ai nghe?

Trong cả hai tháng 11 và 12 năm ngoái, Tổng thống Trump chỉ có mỗi một việc: tìm cách tạo áp lực để thay đổi kết quả bầu cử. Cụ thể ông nhắm vào Georgia là một tiểu bang Cộng Hòa mà ông nghĩ rằng ông không thể thua được. Trump muốn từ “kinh nghiệm thành công” của Georgia, việc tái kiểm phiếu sẽ được thực hiện ở vài tiểu bang khác nữa, như Arizona, Michigan, Wisconsin, New Hampshire... để ông ta thu ngắn cách biệt 7 triệu phiếu với Biden và tìm cách thắng cử tri đoàn như năm 2016. Nhưng dù cho Trump tạo sức ép đến thế mấy, chỉ xin kiếm giùm ông 13.000 phiếu, thống đốc và bộ trưởng bang vụ của Georgia khẳng định “chẳng kiếm đâu ra”, “không có sai lầm trong kiểm phiếu”. Bộ trưởng Tư pháp của Trump, William Barr, cũng xác nhận không có vấn đề gì trong kiểm phiếu, và từ chức một ngày trưóc Lễ Giáng Sinh để phủi tay với Trump. Tức thì, Trump lại tạo sức ép lên lãnh đạo mới của Bộ Tư pháp, yêu cầu ông quyền bộ trưởng hay thứ trưởng tuyên bố “có bầu cử gian lận”, sau đó mọi việc cứ để Trump và một số dân biểu gia nô lo hết. Sau khi tìm mọi cách phá kết quả bầu cử mà không làm được gì, Trump chỉ còn kỳ hạn chót, là ngày 6-1, lưỡng viện Quốc Hội sẽ họp để nghe chính Phó Tổng thống (Mike Pence) xác nhận kết quả bầu cử. Bởi vậy mới có chuyện Trump ra đứng trước hàng rào Tòa Bạch Ốc “có hẹn nên gặp” hàng ngàn người cuồng Trump đến từ khắp nơi trên nước Mỹ để nghe Trump xúi giục họ tiến đến tòa nhà Quốc Hội (Capitol Hill) gây ra biến cố bạo loạn ngày 6-1 để hủy bỏ cuộc kiểm phiếu này.

Biến cố này là không tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ. Cuộc họp ngày hôm đó tại Quốc Hội để tổng kết số phiếu và xác nhận kết quả bầu cử (phiếu phổ thông và phiếu cử tri đoàn) là một sự kiện dân chủ tiêu biểu của chính trị Mỹ. Trong khi đó, cuộc bạo loạn mà Trump ngầm tổ chức, đạo diễn, thúc giục... chính là hành động khủng bố, phá hoại dân chủ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trump muốn với sự tràn ngập của bạo loạn trong Capitol Hill, người ta phải “ngưng đếm phiếu” và “xóa bài làm lại”. Ông ta còn muốn đám bạo loạn này trị tội một số phần tử thuộc cả hai đảng đã không đi theo ông ta. Ông ta bất kể sẽ có những người đương nhiên có thể bị đánh đập, có thể phải chết khi đám bạo loạn này tìm ra những nhà dân cử đang họp trong đó. May mà chúng chẳng tìm ra ai!

Bởi vậy, giới quan sát, bình luận chính lưu hầu như nhất trí trong nhận định về Donald Trump. Jamelle Bouie, một ký mục gia quen thuộc trên tờ The New York Times, trong bài xã luận đầu tháng tám, đã “cảnh báo”: “Trump quái đản và nguy hiểm” (Yes, Trump is ridiculous. He’s also dangerous). Chữ “ridiculous” cũng có thể hiểu là dị hợm, điên rồ, kỳ cục... Nói chung, ông ta ngu xuẩn một cách đáng sợ. Chuyện quái đản gì cũng có thể nghĩ ra và nghĩ là làm, không cần đắn đo, suy tính hơn thiệt, làm có thể thành công hay không, làm có hợp pháp hay không, hậu quả có thể có là sao...

Như chúng ta càng ngày càng rõ, Trump thực sự âm mưu cuộc bạo loạn 6-1 sẽ ngưng tiến trình dân chủ bao đời này, là công bố kết quả bầu cử tổng thống. Sau đó, Trump còn tưởng có thể vận động, thúc ép các tướng lãnh đạo quân đội ban hành thiết quân luật (bắn bỏ người xuống đường), rồi tổ chức bầu cử lại. Mỹ là một nước có truyền thống dân chủ lâu đời, nhưng Trump cứ mơ tưởng những chuyện lạc hậu, bạo chúa, độc tài... Bởi vậy mới có tiến trình luận tội, truất bãi Trump hồi tháng giêng tại Hạ Viện, và nay Hạ Viện cũng đang tiến hành điều tra về cuộc bạo loạn này sau khi hơn 500 người đã bị bắt. Thế nhưng Trump vẫn nói cuộc điều tra này nhằm triệt hạ uy tín của ông ta, vì những người tham gia rất ôn hòa và hòa nhã! (peaceful and loving).

Điều lạ lùng khiến chúng ta có lý do chính đáng lo ngại cho nền dân chủ Mỹ không phải chỉ là Trump – ông ta dù sao cũng chỉ là một cá nhân. Trừ phi ông ta là Hitler, là người từng được ông ca tụng. Mối đe dọa lớn nhất cho nền dân chủ Mỹ chính là đảng Cộng Hòa, cho dù không phải 100% người Cộng Hòa đều bịt mắt bưng tai trước sự thật là Donald Trump âm mưu đảo chánh. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ chỉ có hai đảng, và chỉ một trong hai đảng đi vào con đường bất chính, bất lương, không thấy được lẽ phải, không ý thức được những giá trị, nguyên tắc đạo đức chính trị căn bản phải bảo vệ, thì dân chủ nước Mỹ cũng bị dồn đến bờ vực. Dân chủ Mỹ mong manh chính là ở chỗ đó! Trước bao nhiêu chuyện hiển nhiên của Trump chà đạp dân chủ như những quan hệ với Nga, với Ukraine, với Trung Quốc... có tính phản dân hại nước (treasonous), đảng Cộng Hòa đã nhắm mắt làm ngơ. Trong vụ bạo loạn ngày 6-1, nạn nhân không chỉ là nền dân chủ Mỹ. Những nhà dân cử cả hai đảng đã may mắn thoát khỏi nhờ khéo trốn, nhưng nay phần lớn người Cộng Hòa vẫn không đủ can đảm để nhìn nhận và lên án. Tất cả chẳng qua chỉ là vì lá phiếu của cử tri theo Trump trong bầu cử 2022 và 2024. Bởi thế mà những nhà dân cử Cộng Hòa vẫn phải tung hô “hoàng thượng vạn vạn tuế” không ngượng miệng. Và bởi thế, suy cho cùng, chúng ta cũng phải đủ can đảm nói rằng mối đe dọa then chốt, chủ lực cho dân chủ Mỹ chính là khối cử tri cả 70 triệu người bỏ phiếu cho Trump ngày 3-11 năm ngoái!!!

Đó chính là những lý do thực sự khiến Trump “đếch sợ” (ngôn ngữ của Trump) bao cuộc điều tra về vụ bạo loạn. Thậm chí đối với lệnh của Bộ Tư Pháp của Joe Biden buộc cơ quan thuế IRS chuyển hồ sơ thuế của ông ta cho Hạ Viện đang điều tra ông ta, Trump đã kiện Bộ Tư Pháp để chống lại lệnh này mà Trump cho rằng do thù ghét chính trị. Thậm chí cuộc điều tra nhắm vào việc làm ăn gian dối “trốn sưu lậu thuế” của Trump Organization. Như chúng ta có thể đoán, tất cả mọi vụ đều có thể đưa lên Tối cao Pháp viện, nơi có 6/9 thẩm phán gốc Cộng Hòa, và 3/6 người này do chính Trump cài vào. Vả lại, ông thiếu gì tiền để mướn luật sư kiện tụng. Bao nhiêu tiền của cử tri cuồng Trump ủng hộ, ông đều có cách bỏ vào túi riêng dành cho “quỹ pháp lý của Trump” (khoang 100 triệu đô-la).

Sự thực chính là ở chỗ Trump vẫn tập họp một đám quần chúng điên rồ không đeo mạng để nói chuyện “bầu cử gian lận” và nói xấu ông Biden (“người dân không tin Biden cho nên không chích ngừa, không đeo mạng, không đi làm...”). Thậm chí một vài người như ông chủ “My Pillow” hay các luật sư của Trump như Rudy Giuliani hay Sidney Powell nói rằng Biden sẽ bàn giao quyền lực cho Trump vào ngày 13-8 tới đây. Một người từng là bác sĩ của Bush, Obama, Trump tại Nhà Trắng, nay được bầu vào Hạ Viện, cũng đòi “chẩn đoán tinh thần và năng lực của Biden”. Thậm chí Trump vẫn tìm cách phá chính quyền Biden đương nhiệm trong chuyện di dân, chống COVID bằng cách ngầm xúi giục dân chúng không chích ngừa, không mang khẩu trang, không đi làm để cho Biden phải cấp dưỡng đến ngoài mức chịu đựng của ngân sách... Trong khi đó, các tiểu bang đỏ bất kể nạn dịch COVID đang tràn lan, đang dồn sức vào tu chính luật bầu cử để loại trừ thành phần cử tri “bất hảo” - người “da màu” mà người da trắng chưa hề thực sự nhìn nhận về quyền sống và quyền bình đẳng của họ - trong việc bỏ phiếu.

Điều rõ rệt nhất là đảng Cộng Hòa nay đã chính thức nhìn nhận Trump là lãnh đạo đảng, là điều lâu nay chưa có nhân vật Cộng Hòa nao được vinh dự đó. Những người đang ra tranh cử Hạ Viện hay Thượng viên năm 2022 và 2024 đều đang chạy chọt xin Trump ban phước.Và Trump còn đó thì chẳng ai trong đảng dám nói chuyện ra tranh cử tổng thống ba năm tới.

Câu chuyện chưa ngừng ở ngày 3-11. Câu chuyện cũng chưa ngừng ở ngày 6-1. Bao giờ câu chuyện chấm dứt thật khó nói vì Trump còn đó, đảng Cộng Hòa còn đó, bầu cử năm 2022 trước mắt, bầu cử năm 2024 chẳng phải là xa xôi... Trong khi cuộc sống của một đất nước vẫn có tính hữu hạn mà một ngày nào đó chúng ta sẽ phải cảm nhận. Và nếu cứ mãi nội chiến, dân chủ chẳng những sẽ suy sụp mà đất nước cũng không có cách nào vươn lên...

BEAUTIFUL SUNDAY!

 Hoàng Ngọc Nguyên
















Chủ nhật song bát 8-8 làm chúng ta nhớ đến Daniel Boone với “Beautiful Sunday” - một ngày vui với tin Thế Vận Hội Mùa Hè 2020 Tokyo đã bế mạc và nước Mỹ “của chúng ta” (nhiều người Mỹ da trắng hẳn bĩu môi, hỏi ngược lại “Của ai?”) cuối cùng đã qua mặt Tàu dẫn đầu số huy chương – kể cả vàng. Mấy hôm nay, thấy mặt ông Tập Cận Bình cứ vênh lên, không chịu được. Không phải là chuyện “bài Hoa”, nhưng là chuyện “ăn cây nào, rào cây ấy”. Cuối cùng, Mỹ đã được 113 huy chương (vàng bạc đồng) trong khi Trung Quốc 88. Và người ta cứ tưởng Mỹ sẽ thua Tàu về số huy chương vàng, nhưng cuối cùng (lại cuối cùng) Mỹ được 39 trong khi Trung Quốc theo sát nút 38. Có thế chứ!

Thứ ba là Nhật Bản với 58 huy chương, và thứ tư là Anh, tuy có 65 huy chương, nhưng thua Nhật về số huy chương vàng (Nhật 27, Anh 22). Tương tự, Ủy ban Thế vận Nga (ROC) chỉ được xếp hạng 5 cho dù tổng số huy chương là 71, vì chỉ có 20 huy chương vàng. Úc hạng 6, với 46 huy chương. Việt Nam “đất nước anh hùng” 98 huy chương giấy. Tại sao ROC mà không phải là Liên bang Nga? Vì Thế Vận Hội năm nay đặc biệt cấm cửa nước Nga về vụ tai tiếng dùng ma túy mà do chính nhà nước bảo trợ!!! Cho nên, Ủy ban TVH quyết định không cho Nga tham dự với tính cách một nước, không quốc ca, không quốc kỳ. Putin lần đầu tiên tỏ ra bất lực, không thể đem sức mạnh vũ khí hóa học hay không lực ra đe dọa được.

Làm sao Mỹ có thể dẫn đầu thế gìới về số huy chương cho dù đến ngày áp chót vẫn còn thua Trung Quốc? Ngay cả đội tuyển bóng đá Mỹ vốn là vô địch thế giới từ bao đời nay lại đứng hạng ba – xui xẻo thua đội Canada láng giềng 0-1 vì cú phạt đền giàu trí tưởng tượng của bà trọng tài đã mãn kinh, nhưng xứng đáng vì những nữ cầu thủ Mỹ đã quá hạn mà cứ phải chạy nhảy nhọc nhằn trên sân cỏ. Theo tổng kết của tờ USA Today, Mỹ được như thế tất cả là nhờ chị em đã vùng lên vào giờ phút chót. Tính ra, phái nữ của Mỹ đã đạt được đến 66 huy chương. Có nghĩa là mấy ông chỉ được 47 huy chương. Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái: Cái nợ này bao giờ mới trả xong.

Theo bà Sarah Hirshland, tổng giám đốc của Ủy ban Thế vận và Tiểu Thế vận Hoa Kỳ: “Căn bản vấn đề chính là phụ nữ trong đất nước chúng ta đã có cơ hội đến với thể thao dễ dàng hơn, đến mức cao chuyên nghiệp và chúng ta may mắn đạt được nhiều tiến bộ... Khả năng đạt được mức cao nhất trong nhiều môn chơi và nhiều bộ môn khác nhau đã nói nhiều về những nỗ lực nhiều người đã ra sức... và bắt đầu có kết quả”.

Đội nữ bóng rổ đoạt huy chương vàng lần thứ bảy liên tiếp, trong khi đội bóng nước huy chuơng vàng lần thứ ba và đội bóng chuyền huy chương vàng đầu tiên. Cô Sunisa Lee, cô gái Mỹ gốc Hmong, là nhà vô địch thứ năm trong môn thể dục toàn năng và cũng là người Mỹ thứ tư liên tiếp đoạt được huy chương vàng này. Allyson Felix giành huy chương thứ 11 trong sự nghiệp với huy chương vàng môn điền kinh tiếp sức nữ 4x400 mét. Cô gái da màu này trở thành nữ vận động viên đoạt nhiều huy chương nhất trong lịch sử điền kinh Olympic khi cô giành huy chương đồng ngày thứ sáu. Cô vượt qua nhân vật lịch sử Carl Lewis giành danh hiệu vận động viên đoạt nhiều huy chương điền kinh nhất so với bất cứ vận động viên nào của Mỹ. Trong số 11 huy chương của cô, bảy huy chương là vàng. Chúng ta cũng có thể thấy tính chủng tộc đa dạng nổi bật trong những chiến thắng của nước Mỹ, có thể giúp trả lời những câu hỏi: sức mạnh của nước Mỹ ở đâu ra?

Tuy nhiên, suy cho cùng, mục đích của TVH không phải là tranh tài hơn thua – đó chỉ là cơ hội. Ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban TV Quốc tế, đã nói với các vận động viên: “Các bạn đã tạo cảm hứng cho chúng tôi bằng cách thể hiện năng lực của thể thao tạo sự đoàn kết. Điều này còn đáng kể hơn nữa khi chúng ta nhìn đến nhiều thách đố các bạn đã phải đối đầu bởi vì đại dịch. Các bạn đã cho thế giới này món quà quí giá nhất, đó chính là hy vọng”. Không phát biểu nào có thể hàm xúc hơn thế vào thời đại dịch này. Trong mùa đại dịch này người ta vẫn có thể đến với nhau. Váo một thời nhân tâm toàn cầu xao xuyến vì mất niềm tin cộng hưởng, chính quyền Nhật Bản vẫn quyết tâm thúc đẩy TVH đi tới. Có động thái nào văn minh hơn thế?

TVH lẽ ra được tổ chức trong năm 2020, nhưng vì đại dịch phải chuyển qua năm nay. Người ta cứ bán tin bán nghi: Tokyo dám tổ chức không? Các nước có dám tham dự không? Các vận động viên dám chơi không? Thế nhưng từ bao đời chúng ta đã biết những dịp TVH như thế thật là hiếm hoi để cho con người có thể đến với nhau – nhất là trong một thời mà chính trị trở thành trò chơi gieo rắc thù hận, oán ghét. Và cả những lối lý luận ngu xuẩn, điên rồ. TVH Tokyo đã cho thấy người ta đã chấp nhận sự thách đố của đại dịch, nhất là trong giai đoạn biến thể bùng phát hiện nay, để đến với nhau cho dù bất đồng ngôn ngữ, dị biệt chủng tộc, khác biệt văn hóa.

Nhưng chúng ta không thể quên đại dịch được. Và người ta hẳn nói trong tình hình biến thể Delta đang hoành hành như thế thì vui nỗi gì?

Đương nhiên, chúng ta chẳng thể ngờ được người Mỹ có thể điên đến thế khi không chịu đi chích ngừa, không chịu đeo mạng, chẳng lường được sự nguy hiểm chết người của biến thể Delta. Chẳng lẽ người ta chẳng biết đến nay đã có gần 650.000 người Mỹ chết vì đại dịch, hơn 40 triệu đã nhiễm bệnh trong một năm rưỡi qua, và nay lứa tuổi dưới 64 chẳng an toàn gì. Sự ngu xuẩn, điên rồ không chỉ của cựu tổng thống mà còn của cả một số thống đốc, thượng nghị sĩ, dân biểu đương nhiệm trong đảng Cộng Hòa. Hãy xem một thí dụ mà thôi: Florida đang đứng đầu nước Mỹ về đại dịch, dân số tròm trèm 21 triệu, đã có hơn 40.000 người chết, và 2.7 triệu người nhiễm, chích ngừa đầy đủ chỉ mới 50%... Nay giữa tháng tám, đã đến lúc trẻ trở lại trường, và nhiều trường cùng thầy cô lo sợ, muốn học trò phài đeo mạng. Thực tế là các bệnh viện nhi đồng ở Florida đang đầy ắp trẻ. Như thế mà thống đốc Ron DeSantis, người đang có tham vọng được ông Trump chọn đứng chung liên danh ra tranh cử tổng thống năm 2024, đã nói “Nhà trường không được bắt học sinh đeo mạng. Đó là quyền, là sự lựa chọn của phụ huynh học sinh”.

Quyết định cấm nhà trường bắt học sinh đeo mạng là một quyết định sát nhân, bởi vì chỉ cần một học sinh mang bệnh mà không đeo mạng vào trường cũng có thể ảnh hưởng lây lan đến bao nhiêu học sinh khác. Sát nhân như chuyện hơn năm trước đây, ông tổng thống quyết định chẳng làm gì cả để ngăn chận COVID-19 vì sợ “rúng động nhân tâm”, cho nên chỉ sau hơn hai tháng bùng phát đã có hơn 65.000 người chết. Đến nay, tuy đã rút về Maralego, Florida, và “xin nhận nơi này làm quê hương”, xem chừng ông chẳng lo lắng gì đến mối đe dọa đại dịch với hàng triệu người “đồng hương mới” ở tiểu bang này. Đồng thời, nhiều phần tử Cộng Hòa “phản ứng” (thay vì dùng chữ phản động) vì quyền tự do cá nhân (như chuyện có súng, hay tự do ngôn luận, tự do tư tưởng...) mà phủ nhận quyền bảo vệ lợi ích tập thể có tính sống còn của một nhà trường có trách nhiệm với biết bao người trong đó. DeSantis sẽ làm gì để kiểm soát đại dịch ở Florida hay đổ thừa tất cả cho Tổng thống Joe Biden bất lực và chẳng chịu ngăn chận di dân? Hay ông ta sẽ nói tình hình ở khắp nước Mỹ đều xấu, chẳng riêng gì ở Florida, và tiểu bang anh hùng của ông ta sẽ vượt qua thử thách này?

CNN hôm chủ nhật 8-8 nêu ra năm điềm xấu của đại dịch hiện nay, một thảm trạng phần lớn do chủ nghĩa “dân quyền Cộng Hòa”: không chích ngừa, không mang mạng.

1. Kể từ đầu tháng bảy đến nay, số ca nhiễm hàng ngày đã tăng đến chín lần, phần lớn từ những tiểu bang có số chích ngừa thấp.

2. Số người nằm viện cao nhất kể từ tháng hai đến nay.

3. Số trường hợp trẻ em và thiếu niên tăng 84% trong một tuần.

4. Biến thể Delta chiếm đến 93% trường hợp COVID-19.

5. Phần lớn người Mỹ (97%) sống trong khu vực COBVID-19 dễ lây lan.

Tin lành duy nhất: người ta dường như đã bắt đầu biết sợ. Mặt khác, các doanh nghiệp, nhằm mục đích bảo vệ sự an toàn cho tập thể cùng duy trì hoạt động sản xuất, nhịp độ tăng trưởng, đã ra lệnh nhân viên phải chích ngửa, nếu không cứ tự động ở nhà, không ăn lương. Chính quyển liên bang cũng như quân đội đã có lệnh bắt buộc công chức và quân nhân đều phải chích ngừa. Một tin tích cực khác là Dick Farrell, một ngưòi dẫn chương trình phát thanh cực hữu ở Florida (lại Florida), vẫn chửi bới bác sĩ Anthony Fauci hàng ngày vì “ông ta bịa chuyện đại dịch để bắt chúng ta chích ngừa để làm giàu cho các công ty Pfizer, Moderna, Johnson Johnson...”, hôm 4-8 đã chết trong bệnh viện sau ba tuần chạy chữa COVID-19. Ông lên tiếng trăn trối: Xin các bạn của tôi đừng nghe lời tôi nói trước đây. Hãy đi chích ngừa ngay đi!” Đương nhiên, thực sự thì mấy ai chờ ông ta nhắc!

Con số chích ngừa hàng ngày đã đạt mức 464.700, là mức trung bình cao nhất trong hai tháng 6 và 7 và tăng 19% so với tuần cuối tháng 7. Những tiểu bang đỏ phía nam nay cũng đã biết sợ. Khoảng 58.5% dân Mỹ đã được chích ngừa ít nhất một mũi; 50.1 % (164 triệu người) chích ngừa đầy đủ. Và cuối cùng, mục tiêu của ông Biden đã đạt được, tuy có chậm một tháng: 70% người có thể chích ngừa (eligible) - tức không phải trẻ em dưới 12 - đã được chích ngửa. Cũng theo CNN, hơn 99.99% những người đã được chích ngừa đầy đủ đã không phải chịu nhiễm bệnh đột phá khiến phải nằm viện hay chịu tử vong. Chưa đến 0.001% những người này – 1,507 - thiệt mạng, chưa đến 0.005% (7,106) phải nhập viện.

Chúng ta đều hiểu rằng chính trị chưa bao giờ dơ bẩn như thời nay trước sự vô hiệu của dân chủ bởi vì truyền thông xã hội với nhiều người đội lốt “thức giả” (“giáo sư”) đang đầu độc dư luận nghiêm trọng trong khi truyền thông chính lưu ngày càng ngoài tầm của độc giả “bình dân”. Cho nên, không ít người vẫn mong đại dịch này sẽ làm cho ông Biden “biết mặt”, vì nếu mức nhiễm lên cao, số người tử vong và số người nằm viện tăng vọt, thì chắc chắn Tổng thống Mỹ phải khốn đốn vì kinh tế suy thoái trở lại. Người ta không hiểu nếu suy thoái trở lại, ông Biden khốn đốn 1, người dân khốn đốn đến 10. Và nếu đại dịch phát tác, xin hãy nghĩ đến những người bất hạnh đã lìa trần trong cô đơn, và tấn thảm kịch để lại cho biết bao gia đình khi người ta nhìn đến những mất mát, trống vắng không làm sao có thể lấp đầy, chuộc lại được. Hãy nghĩ đến những người bất hạnh - nghĩ đến những tấn thảm kịch để biết im lặng một cách con người!

Tin vui thực sự có thể ghi lại cuối tuần qua là ở một vài con số về tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, số việc làm được tạo thêm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, và sự cải thiện trong mức sống của người nghèo.

Trước hết là con số tăng trưởng giá trị Tổng sản lượng Nội địa (Gross Domestic Product – GDP) 6.5% có tính thuyết phục. Kinh tế lên hay xuống là ở con số này vì GDP nói chung là thước đo về hoạt động kinh tế của một đất nước, là tổng giá trị về tiêu thụ của người dân, đầu tư của giới kinh doanh, ngoại thương xuất nhập và chi tiêu chính phủ. Con số này có nghĩa là Tổng giá trị trong quí 2 là quí gần nhất (tháng 4-5-6) đã tăng 6.5% so với quí 1 trước đó. Trước đó, quí 1 là 6.3%, quí 4 của năm ngoái tăng 4.5%, quí 3 tăng đến 33.8% sau khi quí 2 kinh tế suy thoái với mức giảm 31.2% vì đại dịch. Với mức tăng trưởng 6.5% này sau khi tính yếu tố lạm phát, GDP đã trở lại mức đã có trước đại dịch.

Khi kinh tế đã đi lên, có nghĩa là người ta có thêm công ăn việc làm và có thêm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp tháng bảy nhờ thế đã xuống thêm nữa, chỉ còn 5.4% so với 5.8% trong tháng sáu. Báo cáo lao động cho biết trong tháng bảy có thêm 943.000 việc làm mới. Con số 5.4% là mức thấp nhất trong thời đại dịch, trong khi 943.000 là mức tăng việc làm lớn nhất kể từ tháng tám năm ngoái, tháng có thêm hơn 1 triệu công việc mới sau những tháng trước ngưng trệ vì đại dịch phát tác. Mức việc làm có trong tháng sáu cũng được điều chỉnh lên đến 938.000 – cho thấy sự hồi phục kinh tế trong mùa hè. Tính từ tháng năm 2020, kinh tế đã lấy lại được 16.7 triệu việc làm sau suy thoái quí hai năm ngoái. Tuy nhiên, so với mức trước đại dich, số việc làm bị mất vẫn còn 5.7 triệu. Kỹ nghệ hiếu khách và giải trí điêu đứng vì đại dịch năm ngoái, nay đứng đầu trong số việc làm được tạo ra thêm, chiếm đến 1/3 tổng số công việc mới phục hồi. Trước những tin tức “hồ hởi” này, ta cũng cần nhớ rằng số người làm việc trong khu vực nhà hàng, khách sạn... vẫn còn kém 1.7 triệu so với cao điểm tháng hai năm 2020. Nhớ để hiểu kinh tế Mỹ vì đại dịch vẫn đang có nhiều vấn đề nhức đầu.

Mức công xá (wage) hiện nay tiếp tục gia tăng qua tháng thứ tư, đến mức trung bình $30.54/giờ, lý do là vì các xí nghiệp hay cửa hàng bán lẻ đang đỏ mắt tìm người, và nhiều nơi như Target, Walmart đang tung ra nhiều chính sách chiêu dụ “người tài” (bán hàng, thủ kho, kế toán, lái xe hàng....). Một số công ty cũng đang tìm kiếm các chuyên viên giỏi kỹ thuật và sẵn sáng cho người ta làm viêc ở nhà. Nhưng người giỏi thời nay khó kiếm hơn, cho nên mở cửa cho nhiều người Hoa, người Ấn xin thẻ xanh theo diện lao động chuyên môn... Mặt khác, nhiều người thất nghiệp bỗng nhiên “chảnh”, không chịu đi làm vì nhiều lý do: sợ đại dịch, ở nhà để bảo vệ con cái, đi tìm việc khác ngon lành hơn, hưởng cho hết trợ cấp của chính phủ đã rồi hãy tính. Tỷ lệ lực lượng lao động (đang đi làm hoặc đang kiếm việc)/dân số lao động (trên 18 tuổi) lên mức 61.7%, trong khi tỷ lệ lao động/dân số lao động tăng đến mức 58.4%. Tuy nhiên, hai tỷ lệ này đều dưới mức tháng hai năm 2020, là thời điểm lao động và kinh tế hăng say nhất dưới thời Trump, trước khi đi vào đại dịch.

Chính sách kinh tế của ông Joe Biden (chủ yếu là tăng trợ cấp cho toàn xã hội và kéo dài trợ cấp thất nghiệp để bảo vệ an toàn) rõ rệt còn có hiệu quả trong việc giúp thành phần người nghèo đói, cùng khổ ở Mỹ, ít nhất cũng 15% dân số, qua một thời đen tối với những khoản trợ cấp cho người thất nghiệp cũng như cho trẻ em. Có hai quan điểm đối nghịch về chính sách này: ông Biden “xã hội chủ nghĩa” làm cho ngân sách liên bang thêm thiếu hụt, nợ chính phủ thêm chồng chất, chỉ có những thế hệ sau gánh chịu; Giúp người nghèo trong thời điểm đại dịch, suy thoái cực kỳ khó khăn này là rất đúng, vừa khôn ngoan, vừa có tính nhân đạo, làm cho xã hội giảm bất công, chênh lệch và thêm thỏa hiệp giai cấp, cho nên Quốc Hội, tức những nhà dân cử lưỡng đảng, lưỡng viện nên hiểu điều đó mà tăng thuế cho người giàu để có tiền giúp người nghèo, hơn là vì giai cấp thiểu số 10% thượng lưu mà bỏ đa số người nghèo trong bể khổ, nguồn mê... Ông Biden đang có hai dự luật trước Quốc Hội, một dự luật về cơ sơ hạ tầng đến mấy ngàn tỷ, một dự luật về bảo vệ gia đình người Mỹ bằng cách chăm lo đầy đủ cho trẻ em. Đó là hai thử thách rất lớn cho chính trị Mỹ...

Nhất là trước mối đe dọa về lạm phát, tức giá cả đâu đâu cũng gia tăng 15-20% vì cung và cầu chưa tương hợp, mà lối ra chưa hẳn đã thấy ánh sáng cuối đường hầm... Nhất là vì đại dịch vẫn còn đó!