2/23/16

THE SOUND AND THE FURY

Hoàng Ngọc Nguyên

Nếu nhà văn William Faulkner còn sống, hẳn ông sẽ có cảm hứng viết tập hai cho tuyệt tác được giải Nobel văn chương của ông. The Sound and the Fury (bấm vào Link để đọc bản dịch). Âm thanh và cuồng nộ. Bởi vì trong mùa bầu cử này, đó chính là những gì chúng ta đang nghe và đang chứng kiến. Âm thanh từ những cuộc tranh cãi chí chết giữa các ứng cử viên. Cuồng nộ là phản ứng của người dân đi bỏ phiếu trong vòng sơ bộ.

Sự thực thì người dân Mỹ bước vào mùa bầu cử tổng thống năm 2016 từ giữa năm 2015, trong tâm trạng hào hứng, háo hức, hồi hộp. Ai đây sẽ thay thế ông Barack Obama tại Nhà Trắng, người Dân Chủ hay Cộng Hòa? Nước Mỹ sẽ như thế nào với tổng thống mới trước bao bộn bề của đất nước? Đông người ra tranh cử trước thì thấy ngộ, sau thì thấy ngợp, và cuối cùng thì ngấy. Tranh cãi giữa các ứng cử viên lúc đầu cũng được người ta mong đợi là có thể khai sáng vào những khoảng tối tăm trong chính trị Washington, thế nhưng người ta bước lên diễn đàn như những bóng ma, miệng nhóp nhép mà chẳng nói lên được gì cả. Cảnh tượng chính trị càng thêm âm u, kinh dị. Và tệ hơn nữa, tranh cãi ngày càng phơi bày sự “vô giáo dục chính trị” (incivility) nơi giới chính trị Mỹ thời đại này. Bởi thế mà bao nhiêu nhà bình luận đã phải thảng thốt lên tiếng: người dân nổi giận, hoảng sợ, tuyệt vọng lắm rồi. Xin các ông các bà thôi đi!
Thôi đi thì cũng có thôi đi thật: đảng Cộng Hòa từ 16 ứng cử viên nay chỉ còn sáu người trước vòng sơ bộ ở Nevada và South Carolina, mở đường vào “super-Tuesday” 1-3 quyết định. Mười người rút lui gồm có các thống đốc và cựu thống đốc Mike Huckabee, Rick Henry, Scott Walker, Chris Christie, George Pataki, Bobby Jindal, các Thượng nghị sĩ và cựu Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Rand Paul, Rick Santorum, nữ doanh gia Carly Fiorina. Chưa kể đến ông cựu Thống đốc Virginia James Gilmore ra tranh cử khi nào không ai hay, đến khi ông công bố rút lui vào ngày 12-2 người ta mới biết! Chẳng biết các ông bà này đầu óc suy tính như thế nào mà ra chưa đả thì đã vô. Đúng là “Cái vòng danh lợi cong cong; Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào”. Đảng Dân Chủ chỉ còn hai - ba người đã rút vào hậu trường (hai cựu Thống đốc Martin O’Malley và Lincoln Chafee, và cựu Thượng nghị sĩ Jim Webb). Thế nhưng thực tế vẫn là thừa và thiếu. Thừa người ra bất kể năng lực, kinh nghiệm và tư cách, và thiếu người đủ nhân cách, cùng đưa ra được những chính sách đúng đắn cho quốc gia trong thời điểm căng thẳng hiện nay!
Kết quả hai vòng sơ bộ đầu tiên tại Iowa và New Hampshire đều nằm trong dự đoán. Về phía đảng Cộng Hòa, ông Donald Trump vẫn có lợi thế thấy rõ, nhờ là nhân vật đứng ngoài hệ thống đảng, ông vừa khơi dậy nơi cử tri sự phẫn nộ và hoảng sợ vì hiện tình chính trị, vừa đem đến cho họ niềm hy vọng “Những chính khách xôi thịt lâu nay đều đáng bỏ đi. Biết đâu ông Trump với những kinh nghiệm kinh doanh thành công có thể làm cho nước Mỹ siêu việt trở lại”. Hệ chính thống của đảng (establishment) nay còn được ba ứng cử viên, chỉ có một mục tiêu là lật đổ ông Trump, và Thống đốc John Kasick của tiểu bang Ohio được đứng thứ nhì một cách xứng đáng. Nhưng cả ba, Kasick, Jeb Bush và Marco Rubio chỉ được tổng cộng khoảng 37.4%, trong khi riêng ông Trump đã được 35.4% số phiếu. Người ta thấy ông Bush thêm “hopeless” đang phải cầu cứu cả mẹ và anh, còn ông Rubio đúng là ngựa non, háu đá, tự bịt mắt bịt tai khi lên diễn đàn. Ứng cử viên Ben Carson bác sĩ não bộ nay có lẽ chỉ chờ giây phút thích hợp để đơn ca bài Ngày Về “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”. Còn ông Cruz? Chiến thắng ở Iowa khó lập lại, nhất là thời gian ngày càng phơi bày những gì ông Cruz muốn che đậy (nay ai cũng biết chuyện ông đã đổ thừa cho CNN về việc ông dựng chuyện ông Carson đã rút lui sau vòng Iowa).
Về phía đảng Dân chủ, cho dù bà Hillary Clinton cố thoái thác, nhưng bà thực sự vẫn là một ứng cử viên của “establishment” (tổ chức đảng). Trong văn hóa chính trị của Mỹ, một ứng cử viên của “tổ chức”, giống như ông Nguyên Phú Trọng ở Bắc Bộ Phủ Hà Nội “tái tranh cử” chức tổng bí thư, được tổ chức đảng ngầm đề bạt cho dù ông Trọng vẫn cho rằng “dân chủ đến thế là cùng”, vừa có ý nghĩa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực là sự nhìn nhận ứng cử viên là con nhà nòi, một người được đảng “grooming” (“cơ cấu”, xây dựng), trong tầm nhìn của lãnh đạo đảng, có những chủ trương phù hợp với đường lối của đảng. Tiêu cực chính là sự bất bình đẳng của đảng trong cách đối xử các ứng cử viên khác nhau, nhất bên trọng, nhất bên khinh. Ngầm xác nhận mình là người của “establishment” để phô trương thanh thế, bà Clinton đã đeo dính Tồng thống đương nhiệm Barack Obama và còn thống trách đối thủ chính của mình là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders không đủ trung thành, tin tưởng ông Obama. Bà Clinton cũng muốn khai thác lợi thế về kinh nghiệm (tám năm làm đệ  nhất phu nhân, tám năm thượng nghị sĩ New York, và bốn năm làm ngoại trưởng), cho nên tỏ ra rất hùng biện, nếu không nói là thuộc bài, trong một số vấn đề chính sách quốc gia. Ông Sanders ra tranh cử trong tư thế người Mỹ gọi là “ngựa đen” (dark horse), hay dưới cơ (underdog),  chẳng những vì tuổi tác (74) mà còn vì cái nguồn gốc “độc lập” mấy chục năm, nay mới tân tòng của ông, và cũng vì mặt hàng “chủ nghĩa xã hội dân chủ” (democratic socialism), có người thì sợ, người thì thú vị, cho dù chẳng ai hiểu được cụ thể món hàng này là thế nào, làm sao mà làm ra được ở nước Mỹ tư bản này. Ông Sanders coi như thua, trên mọi thăm dò nguyên thủy ông kém bà Clinton cả 20-30 điểm, nếu không vì cũng không ít người (giới trẻ, phụ nữ và cả trí thức) chán bà Clinton, chán dính líu của hai vợ chồng bà với Wall Street, cảm thấy không thể tin nổi cả hai vợ chồng với những lời “mật ngọt chết ruồi”. Và cũng cảm thấy lẽ ra ở tuổi của bà, với cuộc đời bà đã trải qua, lẽ ra bà nên quay về bờ giác để cho ông Bill Clinton tập ăn chay một tháng bốn ngày đi, thay vì cứ ngụp lặn mãi trong bể danh vọng mà không biết sự đe dọa của tuổi già (ông không xem phim Still Alice để cảm được mối de dọa của Alzheimer). Bởi thế mà chúng ta thấy trong hai vòng đầu ở Iowa và New Hampshire, ông Sanders lại đạt được chiến thắng vẻ vang – dù ai cũng biết chỉ có tính cách tạm bợ bởi vì cuộc chơi chỉ mới bắt đầu.
Tranh cãi ban đầu đông vui, nay thì sự huyên náo tranh cãi làm người ta mệt. Thứ nhất là vì nhiều quá. Tuần nào cũng có, có phải là đá banh đâu? Thứ nhì là người ta chẳng biết gì thêm hay sâu hơn về hiện tình của đất nước. Các ứng cử viên càng nói, người nghe càng có cảm tưởng sự trống rỗng nơi những nhà chính trị. Gần cả 15 cuộc tranh cãi của hai đảng trong thời gian năm tháng qua. Chúng ta nghe được gì thực sự mới hay sâu sắc về những vấn đề quan yếu của quốc gia như kinh tế, y tế, giáo dục, di dân, chủng tộc…, trong khi vấn đề nào cũng là “cả một vấn đề”.  Hay người ta đã khôn khéo né tránh bằng cách nói chung chung? Toàn là những nguyên tắc và khẩu hiệu. Và người ta biết gì về tương lai? Ông Sanders làm sao vừa tăng thuế để thực hiện giấc mơ y tế đại chúng của ông đồng thời đại xá học phí cho sinh viên đại học? Donald Trump đòi hủy bỏ Obamacare và thay thế như thế nào? Mây mù đang dày đặc trên bầu trời kinh tế, làm sao nước Mỹ chống trả nếu suy thoái trở lại? Và những biện pháp “kích thích” của ông Obama còn “ăn tiền” nữa hay không, hay là tình hình đã đổi khác?  Trong khi nước Mỹ đang lâm vào một tình trạng “nội chiến” phức tạp không chỉ giữa hai đảng mà cả trong nội bộ của từng đảng, chẳng ứng cử viên nào nói lên quan ngại này và nhấn mạnh tầm quan trọng trong tìm kiếm một chính sách đối thoại, hòa giải, thỏa hiệp trên nền tảng “văn minh chính trị” (political civility) mà cựu Thượng nghị sĩ Evan Bayh sáu năm trước đã kêu gọi khi chính ông mỏi mệt và thất vọng từ giã chính trường. Người ta có cảm tưởng không những những người đã rút lui mà ngay cả những người đang còn trên đường chạy, ai cũng mắt nhắm mắt mở.
Cuộc tranh cãi mới đây của sáu ứng cử viên Cộng Hòa vào tối thứ bảy 13-2 được mô tả giống như một trận wrestling tập thể hỗn chiến, nhưng cũng đã hé mở một viễn ảnh bớt u ám cho đảng: cứ nhìn mức độ người ta từng chặp la chộ ông Trump, khó tin rằng ông toàn thây từ nay đến giữa tháng bảy, khi đảng Cộng Hòa họp đại hội. Bên đảng Dân Chủ, cả hai ứng cử viên Clinton và Sanders đều làm cử tri lúng túng. Trung tướng Michael Flynn, cựu viên chức tình báo cao cấp của Tổng thống Obama, đã lên tiếng yêu cầu bà Clinton rút lui bởi vì vụ tai tiếng email đang trở nên ngày càng phức tạp. Người ta cũng nói Phó Tổng thống Joe Biden đang ngồi ghế dự bị có thể đang ngầm khởi động để ra sân. Trong khi ông Sanders chẳng làm ai yên tâm, chẳng những ông khó đắc cử, mà có đắc cử cũng khó làm được việc trừ phi ông dẹp được đảng Cộng hòa để cho Dân Chủ trở thành độc đảng. Cứ nhìn xem ông Chánh án Antonio Scalia mới nằm xuống thứ bảy nắp áo quan chưa kịp đóng mà sáng chủ nhật hai đảng đã đánh nhau chí chết về quyền chỉ định người thừa kế cũng thấy cuộc nội chiến này sẽ kéo dài vô hạn như sự ngu xuẩn thường tình trong chính trị.
Bởi thế mà hiện nay cả cử tri Cộng Hòa và Dân Chủ đang nói như nhau: “We have no chance, we have no choice”. Câu này có thể có một số nghĩa khác nhau đối với người Mỹ. Nhưng chung qui, nó nói lên một tình trạng đáng chán ngán, chúng ta không có mấy chọn lựa, hay không có sự chọn lựa. Không có sự chọn lựa cho nên người ta sẽ không đi bỏ phiếu - thể hiện ở con số phần trăm cử tri đến phòng phiếu. Hay đi đến phòng phiếu thì người ta “bỏ đại”. Và điều kinh khủng, đúng là “ai cũng có thể là tổng thống Mỹ” như lâu nay người ta vẫn nói - từ Cruz, Rubio đến Bush, Kasick. Hay Clinton hay Sanders. Tuy nhiên, khó thể tưởng tượng nước Mỹ có thể có một ông tổng thống từng nói miệng của bà Clinton bị ông Obama nhét ngập họng (schlonged), hay mặt của ông Cruz là “cái mặt…” (pussy - phần dưới của phụ nữ). Nếu chuyện đó xảy ra được, thì đúng là ai ở trên thế giới cũng có thể nói: Chỉ có  ở   nước Mỹ (Only in America).

No comments:

Post a Comment