Chiếc xe đò liên tỉnh chậm rãi rời bến Thăng Bình, quẹo trái trên quốc lộ 1 rồi ngược bắc, chạy về hướng Đà Nẵng. Quang cảnh ven đường không có gì khác lạ sau một năm thay đổi chủ, nhưng có vẻ lắng trầm hơn xưa khi xe cộ thưa thớt và không còn cảnh tất bật cuối ngày như trước đây. Nắng chưa ngã màu. Chiều đang xuống chậm. Gió lùa vào xe, rười rượi mát. Chúng tôi lại im lặng. Từ lúc chia tay với Trần Ngọc Dũng, chúng tôi càng thêm ít nói mặc dù trong lòng thì ngổn ngang muôn ngàn mối. Anh em Nguyễn văn Bôn, Nguyễn Văn Tài thiu thiu nhắm mắt, còn tôi thì nhìn bâng quơ ra phía trước, lòng nao nao một cảm giác vui, buồn lẫn lộn. Khi rời khỏi trại tù của núi rừng Hiệp Đức, chắc chắn người nào cũng nhận vài mảnh giấy nhắn tin nhờ chuyển cho gia đình hay thân nhân của bạn bè và chiến hữu đồng cảnh còn ở lại. Tôi trở ra Đà Nẵng thay vì cùng với anh bạn gốc Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên TQLC xuôi nam để sớm về tới Sàigòn- ngoài việc trao thư của anh rể một người bạn cho vợ con- thì tôi muốn thăm lại thành phố mà tôi gắn bó hơn một năm trước khi tức tưởi tan hàng.
Cảm giác nôn nao biến thành tâm trạng não lòng khi xe quẹo phải trên ngã ba Huế và rồi lại càng ray rứt hơn khi chiếc xe đò chậm rãi lướt qua khu cư xá Đoàn Kết và ngã ba Cây Lan trước khi vào bến. Chiều chưa vàng nắng mà đã thấy bóng dáng u hoài của một thành phố đô hội mới một năm trước còn là biểu tượng về nhiều mặt của miền nam tự do. Sinh hoạt tại bến xe đã không còn mang dấu vết của thời phồn thịnh. Bây giờ mọi thứ đều như uể oải và gượng gạo mặc dù hôm nay là một ngày thứ bảy. Ngày của những háo hức náo nhiệt trong sinh hoạt cuối tuần của một đô thị một năm trước đây đã nhường chỗ cho một khung cảnh ảm đạm đến mức tội nghiệp. Tôi chia tay với anh em Tài, Bôn sau lời hẹn gặp lại tối nay tại góc đường Nguyễn Thái Học và Hùng Vương rồi rảo chân hướng về Cầu Vòng để ghé qua đường Nguyễn Hoàng. Bước chân tưởng chừng như hăm hở bỗng dưng trì trệ rất lạ thường khi đi tới đâu cũng thấy lá cờ đỏ sao vàng của cộng sản Hà Nội treo đầy đường và loa phát thanh thì ngang qua khu phố nào cũng nghe ầm ĩ những giọng điệu tuyên truyền có bài bản y hệt nhau. Bỗng dưng quang cảnh phố phường trở thành nhạt nhòa và lắng đọng như trong một khúc phim chiếu chậm. Âm thanh nghe như vọng lại từ một nơi rất xa xôi nào đó, còn màu sắc thì nhòe nhoẹt như đang chập chờn trước mắt. Tôi có cảm giác như nhìn thấy thời gian đứng lại khi ánh mắt vô hồn dõi theo từng nhân ảnh hay cảnh vật lần lượt diễn biến thật chậm ngay trước mặt. Chân bước mà lòng nặng như treo đá. Vật đổi, sao dời nên lòng người cũng chùng theo nghịch cảnh!
Đúng là bước chân vô hồn vì từ lúc nào không biết, tôi đã thấy mình đứng ngay trước căn nhà mang số 47 trên đường Nguyễn Hoàng! Cổng không cài then nên tôi thư thả bước qua khoảng sân nhỏ lúc trước trông rất đẹp mắt vì được chăm sóc cẩn thận, còn bây giờ thì xác xơ cây cảnh. Chưa gõ thì cửa nhà đã mở. Chị Nhạn nhìn tôi, giọng run run:
- Đúng là em rồi. Mừng quá! Vào nhà rồi hãy nói!
Tôi bước vào trong, cảm giác đầu tiên là nhận ra ngay sự trống trải của phòng khách. Bắt được tia nhìn của tôi, chị Nhạn cười buồn:
- Bán bớt những thứ không cần thiết. Cứ vậy mà đắp đỗi qua ngày. Khi nào anh Dũng về thì tính sau.
Chị Nhạn nhận thư nhưng không đọc ngay, mà chỉ để trên bàn rồi liên tục hỏi thăm về sức khỏe và tinh thần của chồng mình cùng những chuyện liên quan tới cảnh lao động khổ sai trong lao tù cộng sản. Sau đó là những thông tin về sinh hoạt gia đình của chị và tin tức của Quảng, bạn tôi, còn " trả nợ đời " trong trại 2 cũng thuộc tổng trại 1 trong vùng Hiệp Đức.
- Nó lỳ lắm. Chị Nhạn chắc lưỡi. Thư gởi về cho ba mẹ chị lúc nào cũng chỉ có mấy chữ " ... Con vẫn khỏe. Nhờ ơn cách mạng nên con được lao động đều đều và được theo dõi, chiếu cố và chăm sóc rất tận tình. Ba mẹ đừng lo cho con! " Kiểu nó viết như vậy ai mà không lo lắng. Mẹ cứ đòi đi thăm. Ba và chị cản muốn hết hơi mẹ mới xiêu lòng đó em!
Hàn huyên một lúc, chị Nhạn đưa tôi qua phòng của Quảng. Mọi thứ đều như lúc chúng tôi nằm đốt thuốc, nghe nhạc cho qua ngày giờ khi Đà Nẵng lọt vào tay cộng sản, chỉ có mấy tấm ảnh của bạn chụp lúc còn trong quân trường và khi ở ngoài đơn vị là ...
- Chị đã cất dấu kỹ lắm! Mọi thứ hình ảnh và giấy tờ khác của anh Dũng cũng vậy. Kỷ niệm mà em!
Chị Nhạn khẳng khái nói ngay, rồi tiếp:
-Đêm nay ở lại đây nghe em. Út Hương và hai cháu gặp em thì sẽ mừng lắm!
Tôi dạ rồi cho biết là cần phải qua Trần Cao Vân ngay để thăm gia đình Trần Hiền, cũng là bạn học cùng lớp của Quảng.
- Thì em cứ đi. Nhưng nhớ về ăn cơm tối với chị nghe!
Con đường qua Tam Tòa không xa, nên bước chân dù vẫn nặng trong tự lự, vẫn không mấy chốc đã đến trước tiệm ảnh khiêm nhường mang số 38 Trần Cao Vân của gia đình người bạn thời trọ học trên Đà Lạt kiêm chiến hữu thuộc tiểu đoàn 21 BĐQ. Thuận, em kế của Trần Hiền vừa gặp là đã buông giỏ đi chợ để ôm choàng lấy tôi mà khóc rồi mới kéo vào nhà. Mọi người đều có mặt để cùng tíu tít hỏi thăm chuyện lao tù. Nhìn ba mẹ của Trần Hiền mà thấy nhớ ba má tôi quá đỗi. Gia cảnh và hoàn cảnh của chúng tôi giống nhau như khuôn đúc: đều là anh cả, đều dấn thân để đứa em trai được hoãn dịch gia cảnh, đều có em gái kế đã lập gia đình, chỉ khác một điều là Ngoạn, chồng của Thuận làm nghề chụp ảnh và có cửa tiệm nho nhỏ ngay trong nhà ba mẹ vợ, còn cô em kế của tôi thì ở bên nhà cha mẹ chồng và em rể thì làm trong bộ Tư Lệnh Hải Quân. Vợ chồng cô em kế của tôi đã an lành sinh sống tại Hoa Kỳ . Gia đình bạn xem tôi như con. Những ngày chờ bị lùa đi " cải tạo " thì tôi tá túc ở đây. Còn Trần Hiền, khi theo bộ chỉ huy BĐQ/ QĐI di tản vào tận Sàigòn thì đã đến ở với gia đình tôi cho đến khi cả nước rơi vào tay cộng sản. Bạn tôi từ Sài gòn tìm cách về lại đây để rồi bị gom vào một trại lao động khổ sai nào đó trong vùng núi Tiên Phước. Câu chuyện hàn huyên sau đó dẫn đến những thở than vì hoàn cảnh sống hiện tại và nỗi lòng tưởng tiếc một thời vàng son của nền cộng hòa son trẻ. Cuộc sống phập phồng trong lo nghĩ về tương lai vô định, cộng thêm những cặp mắt cú vọ cứ rình rập ngày đêm của an ninh khu vực, hoặc của đám cờ đỏ " ăng ten " càng làm dân chúng thêm lặng hơi, kín tiếng và đâm ra nghi ngờ tất cả những ai không phải là thân thuộc hay họ hàng.
- Người già như hai bác còn dễ thở một chút, chứ như mấy đứa nhỏ như thằng Nam hay con Vy thì hầu như tối nào cũng bị kêu đi sinh hoạt thanh niên để bị tụi nó nhồi sọ và tuyên truyền ghê lắm!
Mẹ của Trần Hiền chép miệng thở dài sau câu nói. Ngoạn, em rể của Thuận cũng không dấu nỗi ưu tư khi nói đến công việc sinh nhai của gia đình. Trước đây tiệm hình của hai vợ chồng đủ để lo cho cả nhà. Bây giờ thì chụp ảnh đã trở thành một sinh hoạt trưởng giả không hơn không kém nên cũng như chị Nhạn, cả nhà bạn tôi phải thắt lưng buộc bụng và những thứ còn giá trị thì cứ lần lượt ra khỏi cửa để có tiền đong gạo.
Tôi rời nhà Trần Hiền mà trong lòng muộn phiền quá đỗi. Chia tay hôm nay biết mai này còn có dịp gặp lại gia đình của bạn nữa hay không!? Bước chân tư lự đưa tôi qua Ông Ích Khiêm rồi vòng xuống Chợ Cồn. Hãy còn sớm để về nhà ăn cơm tối với chị Nhạn nên tôi chợt nảy ra ý định lên xe Lam về Hòa Khánh để vào thôn Phú Lộc thăm lại nơi đã từng là doanh trại của liên đoàn 12 BĐQ cùng chiếc quán có tên Hương Xưa- nằm ven quốc lộ 1- vốn là nơi gặp gỡ của những tâm hồn văn nghệ không phân biệt màu áo trận của xã Hòa Minh. Đang còn rảo bước giữa đám đông xuôi ngược thì có người bỗng chắn ngang trước mặt, nhìn tôi một thoáng rồi reo lên, giọng mừng rỡ:
- Đúng là ông rồi ...!
Tôi nhận ra ngay Qúy " đen ", người khinh binh kỳ cựu của Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 37 BĐQ. Đúng là anh chàng có nét da sậm màu như dân Nam Mỹ mà anh em trong đơn vị đặt cho biệt danh " cột nhà cháy ". Người khinh binh - một thời đã cùng với Nguyễn Thành Đồng, tự Đồng " đen " tung hoành ở khu Đường Rầy và lúc còn nằm trong băng " Người Dơi ", chuyên phóng lên xe " lô bồi " của quân đội Hoa Kỳ để lôi hàng ném xuống đường cho đồng bạn tẩu tán- là người đã từng thoải mái đệm một tiếng rồi phán ngay một câu xanh dờn: "... Nhìn tướng ông như vậy thì lính nào mà sợ ông chứ?! Nhỏ xíu như vậy mà lại cận thị thì làm sao đánh đấm!?..." Hôm đó là ngày tôi nhận trung đội tại Phong Thử, quận Điện Bàn, một ngày đông giá rét của Quảng Nam cuối năm 1973.
Chưa kịp nói gì thì Qúy " đen " đã một tay dắt chiếc xe đạp, tay kia nắm tay tôi, kéo vào con hẻm gần đó, vừa đi vừa nói:
- Vô nhà cái đã. Ngoài này không tiện nói nhiều. Gặp lại ông thiệt là mừng quá!
Đến lúc này tôi mới nhận ra khu phố khiêm nhường nằm ngay bên cạnh Chợ Cồn và con hẻm có khá nhiều nhánh len lõi chằng chịt qua những con đường lân cận. Xóm lao động sau một năm xáo động theo thời vận vẫn không có gì thay đổi. Vẫn là những ngôi nhà nhỏ, thấp, nằm san sát nhau như thể cần phải nương nhau mà sinh tồn. Buổi chiều. Hẻm nhỏ. Người lưa thưa qua, lại trong xóm. Dường như ai nấy còn đang tất tả mưu sinh đâu đó nên nhà nào cũng có vẻ vắng lặng và...ảm đạm.
- Bà xã và con gái em còn buôn bán ngoài đó. Lát nữa mới về.
Qúy " đen " vừa rót nước, vừa nói.
- Thôi đừng xưng em nữa anh Qúy! Dù sao anh cũng lớn tuổi hơn tôi...
- Quen rồi thiếu úy! Lính mà! Xưa hay nay cũng vậy thôi!
- Nhưng nay thì khác. Anh gọi như vậy kẹt cho tôi.
- Tôi hiểu rồi! Vậy thì gọi bằng anh! ...Anh mới " về " phải không?
- Mới " về " ngày hôm nay.
Tôi đáp rồi kể sơ cho người thuộc cấp cũ những gì xảy ra cho tôi sau khi mất Đà Nẵng và những truân chuyên trên núi rừng Hiệp Đức. Khi hỏi thăm về những đồng đội thuộc Tiểu Đoàn 37 BĐQ và tin tức của những vị khác trong Liên Đoàn 12 BĐQ thì Qúy "đen" lắc đầu, thở dài:
- Những ngày cuối, lúc từ Quảng Tín chạy về, thì tôi có thấy anh ghé qua hậu cứ, nhưng chưa kịp chào hỏi thì ông và ông thiếu úy Vân kéo nhau đi nhậu mất tiêu. Lúc đó đại úy Vương của mình đã nằm trong bệnh viện Duy Tân còn đại đội 3 thì do một ông bên Liên Đoàn đưa qua chỉ huy chứ không phải thiếu úy Lợi của mình lên thay. Mấy ngày đó lộn xộn lắm. Mạnh ai nấy vọt về lo cho cho gia đình. Thậm chí ở nhà luôn. Cả năm qua tôi không gặp lại ai. Sĩ quan thì khỏi nói! Mấy ông bị tụi nó gom bi cả rồi. Sau khi mình tan hàng thì mấy đứa độc thân như thằng Thanh " máy " hay tà lọt của ông là Hồ Viết Sành cũng biệt tăm. Chắc là tụi nói về quê làm ruộng, làm rẫy. Ở lại đây chỉ có nước chết đói. Mấy đứa như tôi- dân Đà Nẵng này- thì ai có gia đình là phải chạy gạo đầu tắt mặt tối. Cái gì cũng làm hết! Đan mây tre, phụ hồ, phụ mộc, khuân vác mệt nghỉ, nhưng gần đây thì tôi bon chen ngoài chợ trời, còn hai mẹ con nó thì bán cà phê vĩa hè và thuốc lá lẻ ở đầu chợ, ngay góc đường Hùng Vương. Nhờ Trời cũng đắp đỗi qua ngày!
Đến đây thì Qúy " đen " chợt reo lên:
- Phải rồi! Để tôi gọi mẹ nó về sớm làm cơm ăn! Bả gặp lại thiếu...chắc sẽ mừng ghê lắm.
- Thôi đừng!
Tôi cản anh ta lại rồi kể chuyện có hẹn với hai anh em Bôn, Tài, chuyện chắc chắn phải cho gia đình Trần Hiền leo cây vì không có nhiều thì giờ để đáp trả thạnh tình của hai, ba nơi cùng một lúc, nhứt là đã hẹn với chị Nhạn sẽ về ăn tối với mấy mẹ con và cô em út của bạn tôi. Sau cùng, tôi cũng không dấu ý định muốn ra Chợ Cồn là để tìm bến xe Lam vào Hòa Khánh thăm lại doanh trại cũ của Liên Đoàn 12 BĐQ. Nghe đến đây, Qúy " đen" trợn mắt:
- Vào đó làm gì nữa! Đã thành doanh trại của đám nón cối lâu nay rồi ông ơi! Đi làm gì cho mất thì giờ. Chỉ thêm bực mình, tức tối thôi!...Mẹ! Khi không mất nước ngang xương...!
Thấy tôi im lặng, anh ta đứng bật dậy:
- Ông ở nhà chờ nghe! Tui ra gọi mẹ con nó về ngay.
Tôi cản anh ta lại:
- Không được đâu anh Qúy. Tôi có hứa về ăn tối với...
- À! Tui quên!
Qúy " đen " ngắt lời tôi rồi nói tiếp:
- Thôi thì như vầy: tui chở ông ra chỗ hai mẹ con nó rồi qua Nguyễn Hoàng để ông báo tin. Ăn tối với tui xong thì ông đi gặp bạn cũng chưa muộn. Vậy đi nghe!?
Tôi chỉ có nước gật đầu khi biết mình không thể từ chối thạnh tình của người đồng đội cũ. Nhưng khi đến trước cổng nhà chị Nhạn thì đột nhiên " Qúy " đen nói:
- Hay là ông về nhà tôi đêm nay đi! Gần bến xe hơn. Chỗ này thì hơi xa đó!
Tôi chưa kịp trả lời thì Út Hương đã từ trong nhà ra cổng chào đón rồi nói ngay:
- Chị Nhạn vừa đi mua nấy món gì đó với hai chị bạn để sáng sớm hai chị ấy lên Hiệp Đức thăm nuôi. Đêm nay họ sẽ ở lại đây.
Chị dặn em là nếu anh về thì hai anh em và các cháu ăn cơm trước.
Trong tích tắc tôi quyết định ngay:
- Anh gặp bạn cũ cùng đơn vị nên cũng muốn về nói cho chị Nhạn biết là đêm nay anh sẽ ở lại nhà anh ấy cho tiện.
Út nói lại với chị Nhạn dùm anh nghe!
Cô em của bạn tôi tròn mắt, ngạc nhiên, nhưng rồi cũng nở nụ cười thông cảm. Sau mấy chữ cáo lỗi để lại trong phòng của Quảng và vò đầu hai đứa cháu của bạn là tôi vác ba lô ra cổng, lòng thầm áy náy khi phải phụ lòng của những người đã coi mình như thân thuộc. Qúy " đen " cũng làm tôi thật cảm động khi anh chàng mừng rỡ ra mặt. Tình đồng đội đến lúc này vẫn thắm thiết làm sao! Tháng 3, Đà Nẵng thường trở lạnh vào buổi chiều tối nhưng hôm nay thì ấm áp lạ thường.
...Ra khỏi nhà Qúy " đen " thì trời đã tối. Bữa cơm đạm bạc nhưng thân tình với gia đình người lính cũ làm tôi cảm động. Phải nén lòng thương cảm mấy lần mới khỏi ứa nước mắt. Thứ bảy thường là ngày buôn may, bán đắt trong mọi thời kỳ, nhưng Qúy " đen " và cả nhà đã không màng chuyện bạc tiền ngay khi đang tất tả mưu sinh chỉ để đãi tôi một bữa cơm đầy ắp tình huynh đệ, nghĩa chi binh. Người khinh binh thì cứ luôn miệng nhắc chuyện tôi làm văn nghệ Tết cho đơn vị hai năm trước. Chị Qúy thì kể chuyện " cô nữ sinh đệ nhị ban C " bên kia rào thường hỏi thăm " ..Anh chuẩn úy ấy bây giờ ra sao! " Chị cười thật dòn:
- Ông Qúy đây là bạn thân của anh nó mà nó không hỏi câu nào! Cứ luôn miệng hỏi tôi về anh không hà!
Còn bé Tâm thì " Con hết thèm ăn kem rồi chú ơi!" làm tôi nhớ tới trung sĩ Cao Kim Rắc, người tiểu đội trưởng khinh binh đã hy sinh tại Suối Đá, quận Tiên Phước- vốn rất thân với Qúy " đen "- thường ghé qua thăm và dẫn bé Tâm đi ăn kem mỗi khi đơn vị về dưỡng quân.
Vừa đi vừa suy tưởng nên chẳng mấy chốc đã ra tới chỗ hẹn với Bôn và Tài. Hai bạn đồng cảnh đã chờ sẵn ngay ngả tư trước rạp hát Trưng Vương. Sau vài câu hỏi thăm nhau về buổi chiều đầu tiên được hưởng không khí tự do, là những tâm tình trong chiếc quán cà phê ngay cạnh khách sạn Trung Nam ở gần đó. Vẫn chỉ là câu chuyện của những ngày lao động khổ sai đã qua, những buồn, vui và nhẫn nhục để sinh tồn cùng những kỷ niệm để đời đã có với nhau suốt từ Hội An, qua Hòa Cầm và sau cùng là tại Hiệp Đức. Nhìn quanh mình và hướng tầm mắt ra ngoài phố, chúng tôi ngao ngán lắc đầu khi đường xá vắng tanh mặc dù chỉ vừa chạng vạng tối. Mới ngày nào sầm uất và sinh động bao nhiêu thì bây giờ tối tăm và buồn bã bấy nhiêu. Đà Nẵng sau một năm đổi chủ đã thành một con bệnh xanh xao, vàng vọt gần như vô hồn. Quán không có nhạc. Phố phường không ánh sáng. Ánh mắt dành cho nhau như mang dáng vẻ dò xét. Lời nói chỉ vừa đủ cho những người ngồi quanh chiếc bàn con trao đổi nhau nghe. Trong số những người đang phì phèo thuốc lá hay xì xào câu chuyện, ai là tai mắt của của đám người tự nguyện làm ăng ten cho chế độ mới?! Ai trong những người qua lại trên đường là những con " bò vàng " cải trang thường dân?! Có phải vì chúng tôi chẳng khác gì loài thú bị thương nên nhìn đâu cũng có cảm giác, cũng nghi ngờ chung quanh là công an, là đám " 30 Tháng 4 " từng mang băng đỏ chạy khắp thị xã để tước súng hoặc trả thù Quân-Cán- Chính mới một năm trước đây?! Những lời dặn dò của chị Nhạn, của gia đình Trần Hiền và của Qúy " đen " về sự cẩn trọng trong hành động và lời nói khi ra phố làm tôi ngao ngán về thân phận của một tù tàn binh vừa ra khỏi nhà tù nhỏ để bước vào ngục tù bao la hơn và...phức tạp hơn rất nhiều. Bôn và Tài có lẽ cũng chung một tâm trạng nên chúng tôi lặng lẽ từ giã và chúc nhau mọi sự an lành sau cái bắt tay kín đáo khi rời khỏi quán một đoạn khá xa. Chân bước mà lòng xa vắng hơn cả khung cảnh phố phường đã bắt đầu lắng đọng dù chưa đến 9 giờ tối!
Qúy " đen " chờ đón tôi ngay đầu hẻm. Thật ấm lòng làm sao khi nhìn thấy nụ cười trên mặt người đồng đội cũ!
-Tôi định sẽ vào lấy xe chạy tìm ông. Thời buổi này đi khuya quá không tốt!
Tôi hỏi lại:
- Có cần trình giấy tờ cho phường khóm gì không?
- Không cần đâu! Tụi nó ít khi léo hánh vào trong xóm lắm! Anh yên tâm.
Lại thêm màn cà phê, thuốc lá và những tâm tình vụn vặt quanh chuyện chiến đấu thuở xưa. Sau khi tức tưởi tan hàng mới thấy nghĩa tình của Lính dành cho nhau khắn khít biết bao!
- ..Mẹ! Hồi đó nhìn thấy ông đứa nào cũng than với nhau là ông giống như thầy giáo hoặc ...xin lỗi! Giống như xì ke!
Anh chàng khinh binh thoải mái cười, văng tục một phát rồi nói tiếp:
- Không có thằng nào sợ ông cả! Nghe lệnh thì thi hành chứ trong bụng tụi này chỉ ngán thượng sĩ Trữ rồi ông trung sĩ nhứt Thái mà thôi.
- Tôi biết! Không phải một mình mấy anh đâu! Cả thiếu tá Gio lúc đầu cũng không tin tưởng tôi và nói y chang như mấy anh. Chỉ có Đại úy Vương biết rõ tôi thôi!
- Nhưng mà sau này tụi nó thương ông lắm! Nhứt là khi ông đem cầm đồng hồ để đãi nguyên băng Sàigòn ăn tết, rồi còn cái vụ văn nghệ nữa. Cười chảy nước mắt luôn!
Tôi cũng cười, nghĩ đến chuyện dân tác chiến mà phải lấy văn nghệ để chiếm cảm tình của đơn vị và thuốc cấp. Qủa là ngoại hình của tôi không hề xứng hợp với mẫu người vào sinh, ra tử và phải chỉ huy những gương mặt " ngầu hầm " của một trung đội Biệt Đông Quân. Thậm chí cả gia đình tôi, từ ba má đến các em không ai tin là tôi đã suýt chết mấy lần : " Nó cận thị như vậy mà cho chỉ huy thì lính chết hết còn gì!? Chắc chỉ cho nó làm việc trong hậu cứ thôi!" Má tôi đã tin chắc như vây!
Câu chuyện quanh ngọn đèn dầu cứ thế mà lan dần qua những người đã đền xong nợ nước hay đổ máu xương rồi giải ngũ sau đó. Chúng tôi bùi ngùi hỏi và nhắc nhau về những người lính Mũ Nâu đã đến với trung đội trước đây. Thời gian nắm trung đội của tôi không dài nhưng đúng 5 lần bổ sung quân số trong 10 tháng tác chiến - trước khi tôi về học khóa Tiếp Liệu rồi về ban 4 của bộ chỉ huy Liên Đoàn- đủ để tôi không kịp nhớ hết nhân ảnh của những chiến hữu đã hy sinh hay trọng thương được đưa về chữa trị. Có người đến, rồi " đi " chỉ trong vài ba bữa và tông tích của họ chỉ còn là họ và tên trong sổ tay trung đội trưởng của tôi lúc đó. Hỏi thăm về những tay súng kỳ cựu của trung đôi thì " Qúy " đen " lắc đầu và đoán là do sinh kế nên mọi người đã về quê hay tình nguyện đi đến những vùng giản dân không chừng. Câu chuyện hàn huyên có lẽ còn kéo dài hơn nữa nếu không có chị Qúy ra nhắc chồng mình là đã quá nửa đêm từ lâu rồi.
- " Anh phải để ảnh ngủ lấy sức để sáng dậy sớm! Chỉ còn vài tiếng nữa thôi đó! "
Đèn tắt. Trên chiếc ghế bố nhà binh kề bên đã không nghe tiếng động. Người đồng đội cũ có lẽ đã ngủ ngay vì có tiếng thở nhẹ và đều đặn. Riêng tôi thì cứ lan man ôn lại một ngày vừa trôi qua trong đời. Hơn một ngày hầu như không chợp mắt, nhưng tôi không thấy mệt mỏi hay buồn ngủ bởi mọi thứ trôi qua như trong giấc mộng. Mọi thứ đều rất hiện thực. Một ngày tự do- dù là thứ tự do tạm bợ - cộng thêm thân tình của những người quen biết cũ đã làm tôi bồi hồi, cảm động. Một ngày thật đáng nhớ trong đời. Ngày thứ nhì của kiếp " phó thường dân ": Chúa Nhựt 21/02/1976. Vài tiếng nữa thôi là tôi sẽ rời xa Đà Nẵng, nơi mà món nợ máu xương đối với đồng đội và chiến hữu xưa đã luôn chất ngất trong lòng từ khi còn mang sắc áo Biệt Động Quân để phục vụ dưới màu cờ tổ quốc. Tổ quốc đã không còn, Đà Nẵng thì sắp chia xa. Mai này sẽ ra sao?! Nào ai biết chuyện ngày sau nhưng Đà Nẵng và tấm chân tình dành cho nhau trong ngày hôm qua chắc chắn sẽ là dấu ấn của tình Huynh Đệ Chi Binh ngàn đời không phai trong lòng tôi.
HUY VĂN
No comments:
Post a Comment