2/23/16

ĐOẠT GIẢI TỪ ĐÁY MỒ

Hoàng Ngọc Nguyên



Năm 2016 dĩ nhiên chỉ mới bắt đầu, còn lâu lắm mới chấm dứt, nhưng chắc chắn người ta có thể nói rằng đây là một năm lịch sử theo nhiều nghĩa của nó (có nhiều biến động đáng để lịch sử ghi lại, và có những tác đông then chốt đến chiều hướng lịch sử), và cũng là một năm, tuy chưa hết tháng hai, người ta có cảm tưởng tạp chí Time đã chọn được “Person of the Year”. Điều này có nghĩa là bao nhiêu nhân vật khác, bất kể họ có thể làm được bất cứ chuyện gì chọc trời khuấy nước trong hơn 10 tháng còn lại của năm 2016, cũng chẳng thể đoạt được danh hiệu “Nhân vật trong năm”  này – kể cả ông Donald Trump, hay Vladimir Putin, hay Sarah Palin hay ISIS). Và điều đặc biệt của “Person of the Year” năm nay, trong sáu tuần ngắn ngủi ông còn tại thế trong năm nay, ông đã chẳng gây nên tiếng vang gì, nhưng chính sự vắng mặt của ông trong thời gian hơn 10 tháng của năm lại tạo nên vô kể những nao nức, nôn nóng, nôn nả trên chính trường và trong đất nưóc nói chung.

Nhân vật đó chỉ có thể là ông Antonin Scalia, vị chánh án Tối cao Pháp viện vừa qua đời ở tuồi 79, vào ngày 13-2-2016, tại một trang trại săn bắn vui chơi, giải trí (resort ranch) sang trọng bậc nhất ở tiểu bang Texas. Một tuần sau khi ông qua đời, người ta vẫn còn bàn tán nhiều về cái chết bất ngờ và có vẻ như ngày càng bí ẩn của ông, cùng những gì đã xảy ra trong tuần qua (phản ứng của chính giới), và trong những tháng tới đây khi cuộc bầu cử tổng thống đang ngày càng căng thẳng, quyết liệt đối với từng đảng và giữa hai đảng với nhau khi tiến vào giai đoạn nước rút cuối cùng. Đã tưởng ông nằm xuống thế là yên, sạch nợ trần, thế nhưng dường như tất cả chỉ mới bắt đầu cho thấy nghiệp chướng, chẳng phải là đoạn nghiệp một khi con người đã nhắm mắt xuôi tay.
Người ta tìm thấy ông nằm chết trên giường trong phòng của ông tại khu nghỉ này vào sáng thứ bảy. Cái chết của ông được phán quyết là tự nhiên (natural cause), và gia đình không để cho khán nghiệm, mặc dù ông biện lý đưa ra quyết định đó không hề đến tận nơi để xem có thực bình thường hay không. Và điều không bình thường là người ta thấy có một cái gối, hoặc chận lên mặt của ông hoặc dựng đứng giữa đầu của ông với đầu giường. Bởi thế người ta vẫn dị nghị: tại sao không có autopsy? Sự có mặt của ông ở trang trại du lịch săn bắn này cũng gây một số câu hỏi: ai đưa ông đến chốn này? Người ta nay biết rằng kỳ nghỉ đông này của Scalia là món quà tặng từ một người mà Scalia từng gia ơn gián tiếp trong một phán quyết gần đây của Tốí cao Pháp viện. Vào cuối năm 2015, tòa án này đã từ chối không thụ lý một đơn kiện về phân biệt đối xử do tuổi tác mà bị cáo là một chi nhánh của công ty kỹ nghệ J.B. Poindexter, chính là chủ nhân trang trại du lịch rộng đến 30.000 acres này. Scalia được miễn phí hoàn toàn, từ vé máy bay đến tiền phòng, ăn uống, vui chơi lành mạnh. Tất cả 36 người khách vào tuần đó của trang trại đều là thượng khách, được mời đến vì những tình nghĩa sâu xa, lâu đời. Nhật báo The Washington Post “nhiều chuyện” đã nêu câu hỏi chẳng biết trong 36 người này có ai, và liệu ông Poindexter và ai đó có lợi dụng dịp này để “gần gũi “ hơn với ông chánh án nhiều quyền thế này và nổi tiếng “thân tình” với giới doanh nghiệp hay chăng.
  Thế nhưng câu hỏi vẫn là: Tại sao ông Scalia lại chết? Đương nhiên, trong xã hội này không thiếu gì những người chuyện gì cũng nghi, giàu óc tưởng tượng chuyện ly kỳ, cho nên vẫn được gọi là “conspiracy theorists” – tạm dịch là “Tào Tháo”. Trong trưòng hợp này, người ta lại càng có lý do để nghi ngờ có âm mưu này nọ trong cái chết này, bởi vì ông Scalia đương nhiên có rất nhiều kẻ thù (Như thế mà ông từ chối có người bảo vệ đi theo ông đến đây, có lẽ vì ông muốn tự do chăng?). Tối cao Pháp viện có chín thành viên, năm người, nói nôm na, theo hệ  Cộng Hòa bảo thủ (vì do các tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm), được gọi là nhóm ngũ hổ tướng, gồm các ông Clarence Thomas, 68 (người của Bush cha), Samuel Alito, 66 (Bush con), Scalia (Reagan), Anthony Kennedy, 80 (Reagan) và chủ tịch John Roberts, 51 (Bush con). Cực đoan nhất là ông Thomas, chủ yếu là để người ta quên màu da của ông, sau đó là ông Alito, là người luôn luôn muốn chứng tỏ mình là người bảo thủ thứ thiệt, nhưng nổi tiếng nhất chính là ông Scalia, sắc sảo, bén nhọn, gai góc, phát ngôn nhân độc đáo nhất của phe đa số bảo thủ, và dĩ nhiên là kẻ thù số 1 của những người Dân Chủ có khuynh huớng tự do (liberal). Trong những vụ súng đạn, di dân, chùng tộc, giới tính, bảo hiểm y tế đại chúng, tài trợ vận động bầu cử, quyền tự chủ của doanh nghiệp, Scalia luôn luôn là người  chiến sĩ tiên phong không chao đảo mà cả đảng Cộng Hòa gởi gấm, tin tưởng, hy vọng… Và ông chưa một lần “phản bội” họ - một điều mà người ta vẫn tố các ông Roberts (như trong vụ Obamacare), Kennedy (ủng hộ hôn nhân đồng giới tính). Bởi vậy mà khi Scalia chết bất đắc kỳ tử, người ta đương nhiên bàng hoàng, nhưng không chịu nhìn chuyện ông chết vì ăn uống không kiêng cử, mập quá cở, bị huyết áp, mỡ trong màu, đường trong máu…  mà chỉ nhìn thấy đàng sau đó là bóng dáng của ông … Barack Obama.
Trăm dâu cứ đổ đầu tằm, nhưng sự thực cũng là ông Obama, như mọi người, quả có bàng hoàng khi “sáng nay vừa thức dậy, nghe tin anh gục ngã trên chiếc giường”; sau đó, có người nghe tiếng ông Obama thở dài nhè nhẹ, giống như lời thơ  “nhưng trong vườn tôi vô tình hoa tường  vi vẫn nở thêm một đóa” trong bài ca “Tôi Vẫn Sống”. Đừng trách ông Obama ăn ở sao quá nhẫn tâm, vô tình. Không riêng gì ông Obama, mà cả mấy chục triệu người trong thâm tâm cũng có phản xạ tương tự trước hung tín này - với lý lẽ đương nhiên. Trong mấy năm qua dưới thời Obama, nhờ thế đa số của những chánh án TCPV được các tổng thống Cộng Hòa đề cử, mà nói chung, trường phái khuynh hữu bảo thủ của đảng Cộng Hòa đã thắng lợi trong nhiều cuộc  tranh chấp có tính cách sống còn giữa hai đảng, cũng như giữa Nhà Trắng Dân Chủ với Quốc Hội lưỡng viện mà đảng Cộng Hòa hoặc giữ thế đa số hoặc có dư khả năng gây bế tắc bằng thủ thuật filibuster (những người sử dụng thành thạo thủ thuật này chính là Ted Cruz và Rand Paul). Trong những vụ tranh chấp then chốt, thông thường phía Cộng Hòa thắng thế, bởi vì họ có đến năm người, trong khi Dân Chủ trưóc sau chỉ có “tứ nhân bang”, lớn tuổi nhất là bà Ruth Bader Ginsburg (83), rồi đến ông Stephen Breyer (78) – hai người đều do ông Clinton bổ nhiệm; sau đó có hai người do ông Obama đưa ra là bà Sonia Sotomayor (62) và bà Elena Kagan (56). Trong những vụ án như kiểm soát lý lịch người mua súng, quyền mang súng, vận động tài chánh yểm trợ bầu cử, quyền bầu cử của người da đen… phía Dân Chủ đều thua. Quả bất địch chúng.
Nói đi thì phải nói lại. Những người theo Cộng Hòa trong Tối cao Pháp viện chẳng phải bao giờ  cũng “phản động” như người ta tưởng. Nếu họ cứ nhất quyết chống phá ông Obama như những dân biểu hay thượng nghị sĩ Cộng Hòa tại Quốc Hội liên bang thì Obamacare đã chết từ hồi nào và những cặp vợ chồng cùng giới tính đã chẳng hân hoan đi trên đường phố âu yếm tay nắm tay. Ngay cả ông Scalia. Càng sống người ta càng phải hiểu làm sao con người có thể thực sự hiểu hết con người. Không phải chỉ là sự sâu hiểm, vốn “ai đo cho cùng”, mà sự phức tạp, vốn khó lường, không ai hiểu hết. Ví dụ như nay ông Scalia đã mất, người ta mới biết người phụ nữ vẫn đến hàng đêm trong giấc mơ của ông là bà Ginsburg, bà chánh án hơn ông bốn tuổi, ở bên kia chiến tuyến (across the aisle). Và người ông trước đây vẫn muốn đề bạt vào Tối cao Pháp viện là bà Kagan, chính là người ông Obama đề cử năm 2013 để thay thế Chánh án John Paul Stevens, từng đưọc Tổng thống Gerald Ford đề cử năm 1975. Ông Stevens cũng là người đặc biệt, tuy là người Cộng Hòa nhưng lại được xem là một chánh án có khuynh huớng tự do.
Nay thì trong màn đêm đầy ưu phiền một khi ông Scalia đã nằm xuống, người ta đang thấy “hy vọng đã vươn lên”. Phải chăng cái chết của ông đã mở ra một cơ hội cho TCPV chấn chình để làm tròn hơn, đúng hơn, chức năng hết sức quan yếu mà Hiến Pháp nước Mỹ đã giao phó, qui định. Phải chăng đây cũng là cơ hội cho Tổng thống Obama có thể đạt thành tích vĩ đại nhất mà ngay chính ông cũng chẳng có thể ngờ được trong tám năm ở Tòa Bạch Ốc của ông?
Nói hết sức đơn giản và ngắn gọn: chúng ta có một cơ chế dân chủ vẫn đưọc xem là mẫu mực của thời đại từ bao lâu nay, thế nhưng dường như càng ngày nó càng không hoạt động được, và TCPV, vốn là một cơ chế hàng đầu bảo vệ trật tự, công lý, công bằng xã hội, giải quyết những lạm dụng, tranh chấp của các đảng phái chính trị, của các cơ chế hành pháp và lập pháp, trên nền tảng của Hiến Pháp, lại đã không làm tròn chức năng của mình, có khi còn lạm dụng Hiến Pháp để có những phán quyết làm thêm ô nhiễm môi trường chính trị. Vấn đề là ở chỗ TCPV đã không vượt lên trên được những quyền lợi chính trị (và những lợi ích kinh tế đàng sau) để có thể phân xử đúng đắn; TCPV không vượt lên trên được bởi vì những chánh án TCPV thường xuất phát từ những nhóm quyền lợi chính trị đó mà ra, theo cơ chế đề cử, bổ nhiệm hiện hành trên căn bản Hiến Pháp. Cái chết của ông Scalia làm cho phía Cộng Hòa nay tương đương với phía Dân Chủ trong TCPV, và điều này cũng chẳng hay ho gì, vì nó báo hiệu sẽ có những bế tắc trước mắt. Có người hẳn nói “Hết thuốc chữa”. Lạc quan hơn, người ta mong đợi những cải cách có tính phẫu thuật, nhưng cụ thể nhất là tu chỉnh Hiến Pháp, lại là điều không ai muốn làm lúc này. Hay bất cứ lúc nào khác.
Ông Obama đương nhiên đang nhìn thấy một cơ hội ngàn năm một thuở mà ông không hề tưởng được. Nếu ông bổ nhiệm được một chánh án mới cho TCPV, đây là một thành tích to lớn vô cùng. Tương đương với Obamacare, hay thành công trong bình ổn kinh tế, hay nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba. Một tổng thống bổ nhiệm được ba chánh án, thành tích này gần đây chi có ông Ronald Reagan, ông Richard Nixon  làm được. Và với bổ nhiệm của ông Obama, cán cân TCPV sẽ nghiêng về phía Dân Chủ - lần đầu tiên trong cả nửa thế kỷ nay. Điều quan trọng vô cùng đối với phía Dân Chủ là khả năng chuyển hóa một TCPV vốn được ghi nhận là “thân thiện với giới tư bản doanh nghiệp (cà năm chánh án Cộng Hòa hiện nay, kể cả ông Scalia, đều đứng trong số 10 chánh án hàng đầu trong số 36 chánh án kể từ Đệ nhị Thế chiến được xem là “thân thiện” với giới doanh nghiệp).
Ông Obama hiểu hơn ai hết: hay không bằng hên. Cứ nhìn các ứng cử viên hiện nay đi: có ai hay đâu? Cho dù có hay, trong tình hình nội chiến kéo dài, hay thì làm được gì? Hay không bằng hên, đó là lý do chính khiến cho trong bao nhiêu kỳ bầu cử, số người ra tranh cử bao giờ cũng chật đường chật xá. Nếu ông Obama hên, ông có thể đưa thêm một bà nữa vào TCPV. Và lần đầu tiên TCPV có thể chuyển qua khuynh hướng “dân túy” (populist), tự do, không bảo thủ như trước đây.
Ông Obama hãy thắp hương cầu trời khấn Phật đi. Không biết ông Scalia có chết vào giờ trùng không, nhưng một số con cháu đứa khùng đứa điên cứ lấy lý do “bảo vệ quyền lựa chọn của người dân” để đòi để trống chiếc ghế của ông Scalia cho đến sau bầu cử Tồng thống mới tính. Làm như ông Obama không phải do dân bầu. Hay Thượng Viện là cơ quan xét sự đề cử này không phải là dân cử.
Ngay cả khi ông Obama có thể đưa một người mới vào TCPV, mọi việc vẫn còn ở phia trước. Trong tám năm tới, đảng Cộng Hòa chắc chắn sẽ phải chứng kiến một người về hưu, đó là ông Kennedy. Đảng Dân Chủ cũng sẽ mất đi hai người: bà Ginsburg và ông Stevens. Như vậy cuộc chơi còn hứa hẹn nhiều gay cấn. Tất cả tùy thuộc nhiều vào người nào sẽ thay ông Obama ở Nhà Trắng: Hillary Clinton hay Trump hay Rubio. Như thế việc gì mà đảng Cộng Hòa phải nóng vội tìm cách phá ông Obama trong dịp này để cho mang tiếng.
Suy cho cùng, có lẽ vì sân khấu chính trị quá tẻ nhạt, và giới chính thống của Cộng Hòa cần có một mục đích để tập hợp cử tri lại trong cuộc bầu cử này cho nên người ta phải mượn cái chết của ông Scalia để làm hồi còi xung trận. Nay ông Jeb Bush đã bị ép phải nhường chỗ cho Marco Rubio, mục tiêu chẳng phải là Obama đâu. Mục tiêu chính là con vịt Donald.
Bởi vậy, bảo đảm trong năm 2016, người dân tiếp tục vui cười, rồi tức giận, rồi sợ hãi, và đổ tất cả sự tuyệt vọng trong ngày 7-11: hoặc không đi bầu, hoặc đi bầu cho có!

No comments:

Post a Comment