9/28/15

GIÁO HOÀNG GIÚP ĐẢNG CỘNG HÒA NHÌN THẤY NGHIỆP CHƯỚNG

Hoàng Ngọc Nguyên

clip_image002

clip_image004

Cuộc du hành viếng thăm nước Mỹ trong sáu ngày (22-27 tháng chín) của Giáo Hoàng Francis là một sự kiện lịch sử lớn, và chắc chắn rằng vào tháng 12 tới, khi tổng kết năm 2015 này, những nhà quan sát và phân tích chính trị quốc tế phải kể chuyến đi này trong danh sách 10 sự kiện tiêu biểu trong năm. Không thể dùng những từ như “thành công” hay “thắng lợi” để mô tả kết quả của một chuyến đi có tính hành hương, nhưng bởi vì ông đến Mỹ với một sứ mạng, cho nên chẳng có thể dùng danh từ nào khác để kết luận tóm gọn về chuyến đi nức lòng người này. Và sự thành công hay thắng lợi đó thể hiện rất rõ trong tâm cảm của mọi người, trong đạo cũng như ngoài đạo, với ý nghĩ rằng với chuyến Mỹ du này, Giáo Hoàng đã đến gần với con người – “chúng sinh” - hơn bao giờ hết, và theo một nghĩa nào đó, người ta cũng có dịp đến gần với Giáo Hoàng hơn bao giờ hết trong niềm tin nơi một vị chân tu. Hình ảnh một quảng trường có đến cả triệu người tham dự Thánh lễ ngoài trời của Giáo Hoàng vào ngày chủ nhật 27-9 chắc chắn phải khắc sâu vào tâm khảm của những người cảm thấy đang tìm lại được niềm tin vào tôn giáo và niềm tin vào đất nước này.

Báo chí, truyền thông đã kể lại quá đầy đủ những việc ông đã làm bộn bề từ ngày thứ ba, khi đáp xuống Joint Base Andrews và được đích thân Tổng thống Barack Obama, Phó Tồng thống Joe Biden cùng đông đủ gia đình hai người ra đón tại chân cầu thang máy bay (bởi thế mà một kẻ ngu xuẩn là ứng cử viên Tổng thống Mike Huckabee của đảng Cộng Hòa, từng là một mục sư, đã ghen tức gọi tổng thống của mình là “giả vờ là tín đồ Cơ Đốc”), cho đến ngày chủ nhật lên phi trường ở Pennsylvania để trở lại La Mã. Chúng ta đều có thể nhớ ông đã gặp ai trong chuyến đi này – từ những trẻ em của một lớp tiểu học thuộc một khu gia cư nghèo của người da đen ở East Harlem, đến những người tù mà ngài quan tâm đến sự chính xác và nhân đạo của công lý, từ người vô gia cư mà ngài chung một bữa ăn với họ, đến những vị nữ tu tràn nước mắt khi được ông đến thăm.Và chắc chắn những lời ông đã phát biểu đang đi vào tim óc của mọi người xa gần, đơn giản là vì những lời đó đi vào cuộc sống của con người, vào những vấn đề có thực của con người, và mở ra những hy vọng như thấy được con đường sáng.

Ông là Giáo Hoàng đầu tiên đọc diễn văn trước Quốc Hội lưỡng viện của Mỹ - một bài diễn văn thể hiện tất cả mục đích của chuyến đi. Ông đề cập đến ba chủ điểm: đó là phải đấu tranh chống nghèo đói của người dân, phải tôn trọng môi sinh để cho cuộc sống của con người được cải thiện thay vì lạm dụng khai thác thiên nhiên khiến cho con người ngày càng bị đe dọa trong cuộc sống, và phải rộng mở con tim để tiếp đón những người di dân cùng khổ, tuyệt vọng và tìm đến với nước Mỹ trong hy vọng đổi đời (Ông nói: Hãy cho thấy Hoa Kỳ không bao giờ sợ di dân). Ba chủ điểm này chính là những đề tài chính trị cực kỳ căng thẳng hiện nay ở Mỹ đang làm cho hai đảng thêm phân hóa, mà còn làm cho ngay trong nội bộ của từng đảng phát sinh những mâu thuẫn. Sự can đảm nổi bật của ông chính là ở chỗ ông đã dám gián tiếp bình luận đến sự phân hóa đảng phái ở Mỹ và kêu gọi hai đảng phải cùng nhìn đến “common good” (lợi ích chung) để hợp tác tìm giải pháp cho những vấn đề đó. Ông nói: “Những thách đố mà hiện nay chúng ta đang đối đầu đòi hỏi chúng ta phải tái thể hiện tinh thần hợp tác đó, một tinh thần truyền thống đã làm nên quá nhiều điều tốt đẹp trong suốt lịch sử nước Mỹ. Sự phức tạp, sư trầm trọng, và sự cấp bách của những thách đố này đòi hỏi chúng ta phải tập hợp tài nguyên, tài năng, và quyết tâm ủng hộ nhau, tôn trọng những khác biệt và niềm tin từ lương tâm của chúng ta”.

Mặc dù những nhà lập pháp đã được yêu cầu im lặng nghe bài diễn văn của ông, cử tọa vẫn sôi nổi từng chặp với tràng pháo tay: người Dân Chủ hoan hỉ trước những đề nghị về thay đổi khí hậu, chấm dứt án tử hình toàn cầu, và xúc tiến những cải cách về vấn đề di dân theo hướng nhân đạo; người Cộng Hòa thì khoái trá với quan điểm hôn nhân truyền thống và chống phá thai. Nhưng cuối cùng, mấy ai nhớ lời ông nhắc nhở: “Mỗi người con, nam hay nữ, của một đất nước có một sứ mệnh, một trách nhiệm với bản thân và với xã hội. Trách nhiệm của quí vị, những thành viên của Quốc Hội, là tạo điều kiện cho đất nưóc, bằng hoạt động lập pháp của mình, là một quốc gia phát triển. Quí vị là bộ mặt của ngưòi dân, là đại biểu của họ. Người dân mong đợi quí vị bảo vệ, gìn giữ nhân cách của đồng bào của quí vị trong quá trình phục vụ không mệt mỏi và nhiều gian lao nhắm vào lợi ích chung, bởi vì đây là mục tiêu chủ yếu của tất cả nền chính trị. Một xã hội chính trị tồn tại khi nó mưu tìm, như là một thiên chức của mình, cách đáp ứng những nhu cầu chung nhất của người dân, bằng cách kích thich sự tăng trưởng của tất cả những thành viên của xã hội đó, nhất là những người có hoàn cảnh bất trắc, bấp bênh. Hoạt động lập pháp bao giờ cũng đặt nền tảng trên sự chăm lo người dân. Để đạt mục tiêu này mà người dân đã bầu quí vị lên, đã mời quí vị, mong đợi quí vị và tập họp quí vị lại”.

Ông cũng có dịp phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào một thời buổi loạn lạc nhất của thế giới. Trong cử tọa có nhiều lãnh đạo của các nước A-Rập Hồi giáo. Và một lần nữa, ông lại lên tiếng phê phán sự tàn phá môi sinh vì sự ích kỷ tham lam vô hạn của con người để có lợi nhuận. Ông cũng nhân dịp này minh định trước thế giới một số quan điểm của Giáo Hội La Mã đang gây tranh cãi. Ông đã khẳng định rằng môi trường tự nó cũng có quyền được sống còn và loài người không có quyền xâm phạm, và ông lên án “sự ích kỷ và tham lam vô hạn về quyền lực và vật chất” đã biến thành thế lực tàn phá địa cầu và gạt ra ngoài thành phần yếu kém và thua thiệt nhất. Không bao giờ quên chủ điểm của mình, Giáo Hoàng đòi hỏi phải ngay lập tức cho người nghèo trên thế giới có đủ thực phẩm, nước uống và nhà ở. Ông cũng khẳng định “phải có sự hoàn toàn tôn trọng mạng sống, dù ở vào giai đoạn nào,” kể cả của trẻ chưa sinh ra đời. Đó chính là quan điểm chống phá thai có tính cách truyền thống của giáo hội La Mã mà ông thấy cần phải minh định để tránh những dị nghị là ông đã quá “khuynh tả” và thoát khỏi đường lối chính thống của giáo hội. Ông cũng lập lại sự phản đối điều mà ông gọi là “thuộc địa hóa tư tưởng” của các quốc gia đã mở mang - có nghĩa là áp đặt quan điểm của thế giới Tây Phương về ngừa thai cũng như quyền của người đồng tính lên các quốc gia nghèo như điều kiện để cấp viện trợ. Tuy nhiên, Ông nhắc tới “luật đạo đức của tự nhiên” khi nhấn mạnh rằng có sự khác biệt tự nhiên giữa người đàn ông và người đàn bà.

Ở ông đã thể hiện một điều mà chính ông cũng nhìn nhận: những quan điểm cấp tiến về chính trị, nhưng ôn hòa và thận trọng về mặt xã hội, tôn giáo. Theo một phân tích về bài diễn văn của ông trước Liên Hiệp Quốc, Giáo Hoàng đã nhấn mạnh đến năm vấn đề của thế giới thời nay: (i) Các nước nghèo thấp cổ bé miệng; (ii) Các nưóc giàu và có quyền thế chỉ nói, không làm; (iii) Lạm dụng LHQ cho những ý đồ xấu, như phủ quyết những nghị quyết của Đại hội đồng; (iv) Liên kết dựa trên lo sợ và nghi ngại; và (v) Một hệ thống không có cơ chế kiểm soát và cân bằng (no checks, no balance).

Nay ông đã hoàn tất chuyến Mỹ du, những nhà bình luận chắc chắn phải nói dài dài đến sứ mệnh của chuyến “phó hội Washington” này. Ông đến nước Mỹ giữa khi ai ai cũng nói đất nước này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin, số tin đồ Cơ Đốc giáo nói chung, và tín đồ Thiên Chúa giáo nói riêng, đã giảm mạnh trong vòng 10-15 năm qua. Lớp dưới thiếu thốn phải lao đao trong cuộc sống thì mất niềm tin. Lớp trên quá dư giả thì quá bận rộn hưởng thụ nên chưa cần niềm tin. Khôi phục niềm tin không phải dễ, và mang niềm tin đến cho những người xem tín ngưỡng như một cái áo khoác ngoài cũng khó - càng không thể là một việc làm được một sớm một chiều. Giáo Hoàng Francis đăng quang chỉ được hai năm rưỡi, thay thế Giáo Hoàng Benedict thoái vị vì ông thấy bất kham trước những vấn đề của giáo hội, chủ yếu là sự mất niềm tin. Bởi thế, chống đỡ ngôi nhà của giáo hội, khôi phục niềm tin của tín đồ là sứ mệnh của tân Giáo Hoàng, và ông đã có một khảo hướng “nhập thế” thực tiễn.

Người ta không còn đến với tôn giáo nữa vì tôn giáo đã không đến với người ta, từ lúc nào không hay đã bỏ rơi con người để chạy theo chính trị, chạy theo đồng tiền – chưa kể đến không thiếu những trường hợp tai tiếng tình dục khiến cho Giáo hội phải bỏ ra cả hàng trăm triệu để mua chuộc sự im lặng.. Cái sinh hoạt nổi bật nhất mà người ta có thể nhớ được (ở các nhà thờ và chùa chiền) thời nay là … hội chợ hay văn nghệ hay thuyết pháp gây quỹ. Nói ngay tình, một vài nhà thờ còn làm được vài việc có ý nghĩa: đi xin áo quần cũ, đồ dùng trong nhà rồi cho không những người túng thiếu. Tân Giáo Hoàng Francis đã cảnh báo giáo hội nhiều lần trước nếp sống “thiếu khiêm cung” của một số người tu hành trong khi làm ngơ trước những trăn trở trong cuộc sống của đại chúng. Và ông xác định: Giáo hội phải đến với đại chúng thay vì ngồi chờ người ta lễ mễ hai tay đến với mình; Giáo Hội nhìn vào những nỗi bất hạnh của con người, nghèo đói, bất bình đẳng, khủng hoảng tâm thần, để thông cảm chia sẻ, và tìm cách có những tác động cần thiết để cho những vấn đề của quần chúng bất hạnh đó đươc soi sáng và có hướng giải quyết. Bởi vậy, cụ thể hóa sứ mệnh của ông trong chuyến Mỹ du này chính là đưa ra những lời nghiêm khắc kêu gọi giới chính quyền hữu trách phải quan tâm và hành động cấp thời, đúng mức, và chân thực trước sự nghèo đói của quần chúng, trước những đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân qua hiện tượng hâm nóng toàn cầu (“bây giờ tháng mấy” mà vẫn còn quá nóng hỡi trời?), trước trần ai của di dân khắp nơi chạy giặc, chạy nghèo đói…

Người ta nói Giáo Hoàng Francis đã phát động một luồng gió cách mạng (wind of change) trên toàn cầu và lôi cuốn hàng trăm triệu người đến với ông. Nhìn một cách khác, ông là giáo hoàng đầu tiên đã nhìn nhận “đời là bể khổ”, tức ông nhìn bao quát – không chỉ trường hợp từng người. Nhưng thay vì ông xem đó là nghiệp chướng hay quả báo của con người từ kiếp nào đó, ông xem đó là nghiệp chướng của xã hội, của chế độ chính trị, và do đó cái bể khổ này không được giải quyết bằng cách mỗi ngưòi phải ráng mà tu để tự tìm cách đến bờ, mà phải có một nỗ lực chuyển biến tập thể có ý thức của xã hội, của chính quyền để làm giảm cái khổ đó những gì có thể làm được.

Dĩ nhiên, thời nay khó tin rằng có phép lạ xảy ra – cho dù bất cứ tôn giáo nào. Nhất là sau cái chết “lãng xẹt” của hơn 700 tín đồ Hồi giáo giẫm đạp lên nhau khi đi hành hương ở “Thánh địa”. Thượng Đế nào, Đấng Allah nào, tàn bạo đến thế đối với những người vì mình đến với mình. Trong đạo Thiên Chúa, thỉnh thoảng, rất thỉnh thoảng, người ta cũng nói đến phép lạ - tin hay không đương nhiên là quyền của tín đồ. Thế nhưng hơi huyễn hoặc một tí, chúng ta tưởng như Giáo Hoàng Francis đã làm phép lạ trong chuyến đi này. Nếu không, tại sao có tin Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Dân biểu Cộng Hòa John Boehner, đột ngột từ chức chỉ một ngày sau khi gặp Giáo Hoàng khi Giáo Hoàng đến Capitol Hill đọc thông điệp?

Từ 6-7 năm nay, khối dân biểu Cộng Hòa, nắm đa số tại Hạ Viện từ đầu năm 2011 mà ông Boehner, năm nay 65, trở thành chủ tịch viện dưới này, đã rất căng thẳng với đảng Dân Chủ và đặc biệt với Tổng thống Obama vỉ họ chống Tòa Bạch Ốc trên tất cả vấn đề, đặc biệt là ngân sách và y tế, và thường xuyên họ đe dọa chính phủ với biện pháp “đóng cửa” (shutdown), bằng cách không thông qua ngân sách liên bang hay không chịu nâng mức nợ trần (debt ceiling) khiến cho chính phủ phải bó tay. Là nhân vật số 1 của Cộng Hòa tại Hạ Viện, ông Boehner đương nhiên là nhân vật nổi bật nhất. Ông phải liên tục đóng vai người quá khích nhất, hung hãn nhất, dưới áp lực của cánh bảo thủ ngày càng mạnh trong đảng, được tăng cường với sự hình thành của Tea Party từ năm 2010. Ngay vào giây phút hiện nay, người ta nói lại có thể sẽ có “shutdown” mới vì chính quyền Obama không chịu cắt kinh phí cho chương trình “Planned Parenthood” - tức kế hoạch hóa gia đình, trong khi đảng Cộng Hòa quyết liệt chống phá thai.

Bỗng dưng ông Boehner tuyên bố từ chức chủ tịch Hạ Viện tức thì và sẽ giã từ chính trị vào cuối tháng mười. Đúng là Cái vòng danh lợi cong cong, Người hòng ra khỏi, kẻ mong bước vào.

Ông Boehner nói ông đạt đến quyết định này vào sáng thứ sáu giữa khi đang cầu nguyện. Ông là người sùng đạo. Bất chấp sự chống đối của những người Cộng Hòa bảo thủ không ưa Giáo Hoàng vì những quan điểm cấp tiến của ông, ông Boehner đã mời Giáo Hoàng đến thăm nước Mỹ. Hôm thứ năm, 24-9, ông Boehner ngồi ở ghế đồng chủ tọa với Phó Tổng thống Biden trong khi Giáo Hoàng đọc thông điệp, và ông Boehner đã nhiều lần không cầm xúc động, dùng khăn tay chậm nước mắt nước mũi trào ra. Ông Boehner đã nhiều lần khóc công khai như thế. Ông có dịp gặp riêng Giáo Hoàng trong một khoảnh khắc, và ông nói chính cuộc gặp gỡ này, Giáo Hoàng ôm vai ông, làm cho ông đi đến quyết định này. “Ngài quàng vai tôi như thể kéo tôi về phía Ngài, và nói ‘Xin ông cầu nguyện cho tôi’. Tôi là ai mà dám cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, nhưng thế mà tôi đã cầu nguyện cho Ngài”. Chỉ cái ôm vai đó mà tất cả tăm tối trước mặt bỗng dưng sáng rực lên. Ông Boehner như người mù chợt sáng mắt sáng lòng. Vạn vật thay đổi, cuộc đời ông Boehner thay đổi, và ngay cả đảng Cộng Hòa cũng có thể phải thay đổi – nếu họ cảm nhận nghiệp chướng nặng nề, si mê lầm lạc… nay đã đến lúc phải tiêu trừ.

Ông Boehner đã đến “Bờ Giác”. Ông cảm thấy đã đủ. Ông không thể chịu đựng hơn nữa. Tự đánh mất bản thân vì một thứ danh vọng hão huyền. 25 năm đã quá đủ. Ông không bằng lòng với sự kèn cựa bế tắc kéo dài, có tính nghiệp chướng này. Và khi ông không làm gì đưọc, ít ra ông phải dám thoát ra như một cảnh báo. Ông nói trong cuộc họp báo sự “hỗn loan” trong lãnh đạo của ông sẽ gây nhiều tai hại kéo dài cho Hạ Viện. Dù là người rất bảo thủ, ông đã bị dằn vặt khổ sở vì phân hóa nội bộ tan nát trong đảng, những phần tử bảo thủ khuynh hữu bất mãn đã không ngần ngại la ó, chửi rủa mỗi khi ông cố đi tìm một sự thỏa hiệp chính trị khôn ngoan với đảng Dân Chủ đối nghịch để có thể làm tròn trách nhiệm lập pháp góp phần đưa đất nước tiến tới thay vì sự phá hoại, trì kéo vô đạo đức chính trị.

Người ta đang nói đến những phép mầu của Đức Giáo Hoàng trong chuyến đi Mỹ này, người ta tin rằng ông đang có thể thay đổi vận mệnh của một nước, ngay cả vận mệnh của thế giới bằng sự xả thân của ông. Quá sớm để nói đến những phép mầu này. Nhưng đúng lúc chính là phải nói đến câu chuyện của ông John Boehner và những giọt nước mắt ứa ra khi con người bỗng dưng hiểu rằng có lúc phải nhìn lại để hiểu nỗi trăn trở của mình. Không những Giáo Hoàng đã làm sáng bật lên một người anh hùng mà chúng ta vì “người trần mắt thịt” có khi không nhìn ra, mà Ngài có thể còn mở ra con đường lịch sử đi tới cho đảng Cộng Hòa thay vì con đường quanh quẩn thụt lùi lâu nay của “đảng ta”.

No comments:

Post a Comment