9/4/15

Tìm vàng sau khi chiến tranh kết thúc

Nguyễn Giang

bbcvietnamese.com

  • Image copyrightAFPImage captionNgười Ba Lan tin rằng đâu đó gần lâu đài Ksiaz, Walbrzych có con tàu chở 300 tấn vàng

Tin Ba Lan đang lên cơn sốt tìm con tàu 'chở 300 tấn vàng' mất tích từ năm 1945 là dịp nhắc lại một số chuyện 'tìm kho báu' sau chiến tranh.

Tàu hỏa Nazi chở đầy vàng

Đầu tiên là chính câu chuyện về con tàu phát-xít (Nazi train) mà người Ba Lan tin là chở 300 tấn vàng bạc, châu báu, tác phẩm nghệ thuật bị chôn vùi trong các tuyến hầm bí mật khi Thế Chiến 2 kết thúc.

Người ta đồn rằng khi chạy trốn khỏi Breslau (nay là Wroclaw thuộc Ba Lan), quân Đức đã đem hết nhiều vàng và châu báu đóng thành các kiện lớn chuyển lên tàu hỏa đi về phía Tây Nam.

Nhưng bom đạn của quân Nga và Đồng Minh đã khiến quân Đức không thể đi xa hơn nên họ đã đưa con tàu đến một đường hầm gần lâu đài cổ ở Walbrzych, khi đó vẫn là Waldenburg của Đức.

Từ trong lịch sử, Waldeburg đã là một trung tâm khai khoáng và làm đồ gốm sứ nên có nhiều tuyến xe lửa, hầm ngầm có đường ray.

Thời Hitler, người Đức đã xây thêm hoặc kết nối nhiều đường hầm cho mục tiêu phòng thủ và kinh tế trong vùng Walbrzych

Thời Hitler, người Đức đã xây thêm hoặc kết nối nhiều đường hầm cho mục tiêu phòng thủ và kinh tế trong vùng.

Cả mạng lưới hỏa xa và đường hầm này có thể dài hàng trăm km và người Ba Lan tin rằng trong phạm vi chừng 60 km quanh Walbrzych có con tàu chở đầy vàng.

Cho đến tháng 8/2015, sau khi có lời khai của hai người dân, một Đức, một Ba Lan, chính quyền Ba Lan đã vào cuộc.

Họ cấm các đợt tìm kho báu tự phát đang bùng phát vì trị giá của các kiện hàng trên con tàu nếu tính ra thời giá hiện nay là 30 tỷ USD và chính quyền nói là 'thuộc về nhân dân Ba Lan'.

Cảnh sát đã ngăn lối vào các khu rừng, ngọn đồi quanh Walbrzych để cơ quan chuyên trách dùng thuốc nổ vào tìm con tàu.

Theo một thứ trưởng bộ văn hóa Ba Lan trả lời báo chí cuối tháng 8 vừa qua thì khả năng tìm ra con tàu là 99% nhưng ông muốn làm nhẹ đi 'trị giá tài sản' của kho báu và chỉ nhấn mạnh đến các tài liệu và di vật lịch sử 'vô giá' phát-xít Đức đã lấy đi từ Ba Lan.

Dù vậy, sự kiện này đang làm bùng lên chú ý của dư luận châu Âu và nhắc lại một loạt kho báu mất tích thời chiến ở Nga và các nơi khác.

Phòng Hổ phách từ St Petersburg

Ly kỳ hơn, cho đến hôm 27/08 vừa qua, một số sử gia ở Anh còn đặt giả thuyết là con tàu phát-xít ở Ba Lan có thể chở ít ra là một phần các tác phẩm từ Phòng Hổ phách (Amber Room) nổi tiếng của Nga.

Vào năm 2003, sau hơn 20 năm phục chế, Nga và Đức hoàn tất công trình này, hiện mở cửa cho du khách xem.

Nhưng bản gốc, gồm nhiều bộ đồ dùng sang trọng, tranh, khung cửa, tấm ghép tường, trần nhà, bằng hổ phách và được bọc, chạm khắc bằng vàng ngọc thì biến mất cũng vào hồi Thế Chiến 2.

Image copyrightGettyImage captionPhòng Hổ phách bản phục chế ở Cung Catherine gần St Petersburg

Ban đầu thuộc về Hoàng đế Friedrich-Wilhelm I của nước Phổ, Phòng Hổ phách 'lọt vào mắt xanh' của Nga Hoàng, Peter Đại đế năm 1716 khi ông sang thăm Đức.

Sau đó, để ký kết một liên minh với Nga chống lại Thụy Điển, vua chúa Phổ đã tặng Hoàng gia Nga căn phòng nổi tiếng và nó tiếp tục được Nga bổ sung thêm các tác phẩm mới để đặt trong Cung điện của Nữ hoàng Catherine.

Tổng số các tác phẩm nặng tới sáu tấn và nếu tính theo trị giá ngày hôm nay là khoảng 250 triệu USD.

Phát-xít Đức đã cướp và tháo gỡ toàn bộ Phòng Hổ phách ở gần Leningrad năm 1941 rồi chuyển về Konigsberg ở vùng Đông Phổ.

Lúc chiến tranh tàn cuộc, Đức có thể đã đem các phần Phòng Hổ phách chạy tiếp về phía Tây hoặc các tác phẩm trong Phòng đã bị bom đạn tàn phá.

Bản phục chế của Phòng Hổ phách chỉ dùng có vài trăm kg hổ phách và trị giá 12 triệu USD, chẳng thấm gì so với bản gốc và tất nhiên là không có giá trị lịch sử nên không lạ là nhiều người vẫn hy vọng một ngày nào đó kho báu này lại được tìm ra.

Kho vàng Yamashita

Tại châu Á, Thế Chiến 2 đến hồi kết thúc cũng để lại một bí ẩn là Kho vàng Yamashita ở Philippines khiến người địa phương đến nay vẫn đào bới lung tung để tìm.

Trong thời kỳ quân đội Nhật Hoàng chiếm đóng nhiều nước châu Á, các tài sản quý, vàng bạc, châu báu cướp được đều phải mang về Nhật bằng tàu thủy hoặc hàng không.

Nhưng đến năm 1943, vì quân Đồng Minh dội bom chặn các tuyến giao thông, Nguyên soái Terauchi, tổng tư lệnh quân Nhật ở Đông Nam Á ra lệnh đưa hết những thứ quý giá cướp được từ Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar và Ấn Độ về Philippines.

Image copyrightGettyImage captionMột lính Nhật ra đầu hàng ở Philippines nhiều năm sau Thế Chiến 2

Trong số thuộc cấp của ông Terauchi có Tướng Tomoyuki Yamashita, tổng chỉ huy quân đội Nhật ở Philippines, được cho là người cuối cùng trong quân đội Nhật biết các kho báu cất ở đâu.

Ngày 2/9/1945, Tướng Yamashita ra đầu hàng quân Mỹ ở Hungduan-Tinoc và sau đó bị xử tử vì tội ác chiến tranh ngay tại Philippines.

Chẳng ai biết ông ta có để lại thông tin gì cho ai về nơi chôn giấu kho báu hay không.

Nhưng từ đó, người Philippines vẫn không ngưng cơn sốt tìm Kho vàng Yamashita mà họ tin là tổng cộng có thể tới 6000 tấn, trị giá 100 tỷ USD (trích theo một ước tính của tác giả Tony Wells).

Trong nhiều thập niên hậu chiến, không ít cựu quân nhân Nhật cũng quay lại Philippines để tìm vàng, nhất là ở Baguio và các vùng phụ cận.

Theo báo chí Philippines, tin đồn thổi về Kho vàng của Nhật để lại trong các hố sâu, đường hầm trong núi, thậm chí dưới nước, không ngớt gợi trí tò mò.

Có hàng trăm điểm đào bới cào nát nhiều vùng của Philippines và kẻ tìm vàng còn đào cả phòng trong bưu điện, doanh trại quân đội.

Hoàng đế Phổ Nghi mang đi bộ sưu tập tranh cổ, thư họa nhưng không thành

Philippines phải luôn nhắc lại các luật về khai khoáng trong đó có điều cấm đào bới những nơi không được phép để ngăn các nhóm tìm vàng nhưng có vẻ như không hiệu quả.

Thùng vàng Kruger ở Nam Phi

Chiến tranh và các cuộc chạy loạn luôn kéo theo huyền thoại về kho vàng hoặc những khoản tiền triệu.

Tại Nam Phi hồi thế kỷ 19 có cuộc chiến của quân Anh với người định cư gốc Hà Lan (Boer).

Khi biết thủ đô Pretoria của họ thất thủ, lãnh tụ của người Boer, Paul Krugger vào năm 1890 đã đem hàng nghìn đồng tiền vàng cùng đoàn quân của mình chạy về phía Đông, hướng nay thuộc Mozambique.

Tháng 10/1900, ông Krugger đã lên tàu thủy rời Nam Phi về Pháp, để lại đằng sau kho báu mà ngày nay người ta tin rằng được chôn giấu tại vùng Đông Bắc Transvaal.

Nếu tìm ra, trị giá ngày nay của kho báu này có thể lên tới 250 triệu USD.

Mang đi hay để lại?

Chuyện lãnh đạo bỏ đi khi chiến tranh kết thúc và câu hỏi họ có mang đi gì hay không đưa ta đến với hai câu chuyện.

Một là cuộc chạy trốn của Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của Thanh Triều bên Trung Quốc.

Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận vàng của chính quyền Sài Gòn và vàng của các nguồn khác...Chuyến đầu tiên rời Hà Nội ngày 1-12-1979, số lượng 101 hòm, nặng 4.455kg... Sau đó là những hợp đồng giao vàng tái chế, vay mượn, cầm cố bán vàng với số lượng hơn 40 tấn, thu được trên 500 triệu USDBài trên Tuổi Trẻ

Được phát-xít Nhật đặt lên ngai vàng của Mãn Châu Quốc, ông đã đem một bộ sưu tập tranh và bình phong, cổ văn ra khỏi Cố Cung để lên Trường Xuân, Đông Bắc Trung Quốc.

Khi Nhật thua trận, ông cùng họ hàng đem nhiều vật quý lên phi cơ đi trốn nhưng bị Hồng quân Liên Xô bắt tại sân bay Mukden và bị giam ở Syberia đến 1950 thì bị trả về cho Trung Quốc.

Bộ sưu tập Phổ Nghi được coi là vô giá hiện có nhiều bức họa giữ lại Liêu Ninh mà chỉ bản sao được đặt hàng cũng có giá cả triệu USD.

Tháng 4/1975, cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu rời Sài Gòn bay đi Đài Bắc để sau sang Anh Quốc định cư rồi qua đời tại Hoa Kỳ năm 2001.

Tin đồn mà báo chí ở Việt Nam khi đó cũng như nhiều năm sau 1975 nhắc đi nhắc lại là ông Thiệu 'mang đi 16 tấn vàng' từ kho của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhưng về gần đây, các nhân chứng được báo chí ở nước ngoài và tại Việt Nam trích thuật nói không có chuyện đó.

Số vàng 16 tấn của VNCH đã được trao lại cho chính quyền mới tháng 4/1975 và sau được bán sang Liên Xô để trả nợ và mua gạo năm 1979, theo bài ' Thương vụ bán vàng' trên Tuổi Trẻ hôm 10/04/2015

No comments:

Post a Comment