9/2/15

Tiếng Chuông Năng Tĩnh - Tháng Ngày Thụ Nhân

L á T h ư P a r i s

clip_image002

Thụ Nhân Paris có truyền thống kính thầy, mến bạn. Trong mấy tháng qua, vì có nhiều anh chị Thụ Nhân ở xa đến thăm, chúng tôi nấn ná ở lại Paris. Bạn bè đi rồi, Thụ Nhân Paris phân tán mỗi người một ngả, đi nghỉ hè. Tôi lưu lạc đến miền núi Pyrénées-Orientales lạnh lẽo, có thung lũng buồn và hồ nước mênh mông. Nghe văng vẳng tiếng chuông chiều ngân nga. Xa nhà đã lâu, làm sao mà nghe lại ‘‘Tiếng chuông Thiên Mụ’’ để hình dung cảnh chiều hôm ‘‘canh gà Thọ Xương’’. Hồi chuông đổ dồn khiến tôi nhớ lại ‘‘tiếng chuông Năng Tĩnh’’ để nhớ lại ‘‘tháng ngày Thụ Nhân’’ vừa qua.

Tháng ngày Thụ Nhân, vì chỉ mới đây, (09/08/2015), anh Lưu Văn Dân lái chiếc xe Kia, đưa chị Marie, anh Kiệt, chị Bảo Cầm và tôi đến nhà chị Nguyễn Ngọc Thương ăn trưa. Trên đường đi, chị Bảo Cầm cho tôi nghe hồi chuông Nhà Thờ Đức Bà Paris thâu vào iPhone.

Tiếng chuông chùa hoặc nhà thờ thường gắn liền với sử sách. 70 năm về trước, cũng vào ngày 06 và 09/08/1945, hai quả bom nguyên tử tàn phá Hiroshima (広島県) và Nagasaki (長崎県), hủy hoại bao nhiêu là sinh linh. Bốn năm sau (1949), nhà văn Nhật Takashi Nagai viết cuốn Nagasaki no Kane (長崎の鐘 : Tiếng Chuông Trường Kỳ), đem vào văn chương hồi chuông bất tử của ngôi thánh đường Urakami cổ kính ở Nagasaki. Theo Nagai, sau nhiều tháng im bặt, hồi chuông Nagasaki lại ngân nga, gieo bức thông điệp hòa bình đi khắp nơi.

Tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà Paris trong iPhone của chị Bảo Cầm có chiều dầy lịch sử. Nhân kỷ niệm 850 năm thành lập, nhà thờ cho đúc dàn chuông đồng nặng 13 tấn, chia làm hai:

- tháp phía bắc (cánh trái) gồm 8 quả chuông chúng sinh ;

- tháp nam tông (cánh phải) gồm hai đại hồng chung : chuông Đức Bà nặng 6 tấn (bourdon Marie) và chuông Hài đồng Giêsu (bourdon Emmanuel) có cùng trọng lượng.

Tháp chuông mẫu tử tiêu biểu cho kiến trúc gothique. Không riêng gì hồi chuông Trường Kỳ nói lên thông điệp hòa bình, chuông nhà thờ Notre-Dame giữa kinh thành ánh sáng khiến ta gần gũi nhau hơn, bỏ qua những bất đồng ngăn cách.

Nghe lại tiếng chuông thánh đường, anh Lưu Văn Dân là nhạc sĩ đã phân biệt giữa hồi chuông báo tang (glas) và tiếng chuông chiều (angélus). Cung điệu của hồi chuông tang trắng chậm rãi, ngân nga cung điệu trầm buồn chỉ gồm ba nốt nhạc Do, Ré, Mi ray rứt :

- Do Ré Do Do Ré Do Do Ré : nếu có hai quả chuông đối đáp ;

- hoặc Do Ré Do Mi Do Ré Do Mi nếu là ba hồi chuông phụ họa.

Ngày 08/04/2005, hồi chuông báo tử của nhà thờ Đức Bà Paris rền rĩ cung buồn vào ngày cử hành tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II ở Vatican. Trong văn học, văn hào Ernest Hemingway viết cuốn For Whom the Bell Tolls, diễn tả tâm sự của Robert Jordan và Pablo từng tham chiến ở Tây Ban Nha. Nhà văn Hoàng Hải Thủy dịch là Chuông Gọi Hồn Ai. Bản tiếng Pháp : Pour qui sonne le glas.

Tiếng chuông angélus nhắc lại lịch sử ơn cứu độ. Angélus mở đầu Kinh Truyền tin bằng tiếng la tinh : Angelus Domini nuntiavit Mariae (Thiên thần truyền tin Đức Bà Maria). Tiếng chuông angélus ngân nga vào lúc 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ chiều, bắt đầu là ba nhịp chuông (tintements) trần hoàn, tiếp theo là tiếng chuông dồn (pleine volée) thiên quốc đáp lại. Như vậy, anh Kiệt và chị Bảo Cầm đã ghé thăm ngôi thánh đường láng giềng của dòng sông Seine vào 12 trưa, hoặc 6 giờ chiều, trong tháng 8 thờ kính Thánh Mẫu.

clip_image004

Năm 1857, Jean-François Millet vẽ bức danh họa Angélus : hai vợ chồng nông dân chân lấm tay bùn, chắp tay đọc kinh chiều khi nghe hồi chuông Angélus vọng từ xa.

Anh Kiệt và chị Bảo Cầm từng học Lycée Blaise Pascal ở Đà Nẵng, nghe chuông mà nhớ lại bài cổ ca Le roi Dagobert. Theo truyền thuyết, vua Dagobert (602-638) bị sốt nặng, được vua cha cậy nhờ thánh Longis chữa chạy. Dagobert khỏi bệnh. Sau này, vua Dagobert còn bị bệnh cùi. Nhà vua cùng với hoàng hậu du hành Atenborg (Alsace). Nhân lúc đi săn, Dagobert ngủ giữa đồng hoa, sương sớm đọng trên làn da, chữa lành bệnh phong. Từ đó, nhà vua hết lòng sùng kính Thiên Chúa đã cứu khỏi nan y. Sau này, vua Dagobert đích thân chỉ huy một đạo quân hùng hậu, vượt sông Rhin tấn công quân Đức, tiêu diệt địch quân. Sau khi vua cha băng hà, Dagobert cho tái thiết thánh đường Saint-Denis ở phía bắc Paris, dùng làm lăng tẩm cho vua chúa nước Pháp. Theo lời anh Lưu Văn Dân, ca khúc Bon Roi Dagobert ra đời vào thời cách mạng Pháp, kể lại sự tích nhà vua đội mũ đia hia mặc quần đùi.

***

clip_image006

Hè năm nay, tôi cưỡi ngựa rong ruổi vùng núi Pyrénées. Con ngựa đi qua rừng thông bát ngát làm tôi nhớ lại ngày vui đã qua ở Đà Lạt ; rồi con tuấn mã băng ngang nhiều kỳ hoa dị thảo, có chim bay bướm lượn, là chuỗi ngày ngắn ngủi còn lại. Con ngựa không leo lên đỉnh núi cao diệu vợi. Sau này, chỉ riêng tôi sẽ phải vượt qua đỉnh núi trần hoàn để đến cõi xa xăm.

Cuộc đời xem ra quá ngắn ngủi !

Puyvalador, ngày 19/08/2015

Lê Đình Thông

No comments:

Post a Comment