5/25/19

Trước mắt

Chủ nhật Mother' Day vừa qua, đi dự "Ngày lễ mẹ" về, tôi thấy trước cửa nhà có một tờ giấy nhỏ, mở ra xem," Lòng tin là con đường đến Thiên Đàng". Hai chữ Thiên Đàng khiến tôi nhớ lại một câu chuyện mẹ tôi kể lúc tôi còn nhỏ.

Một cô giáo dạy tiểu học, là Phật tử rất chuyên cần, thường giảng dạy pháp lý nhà Phật trong lớp học. Một hôm cô giáo nói về nỗi khủng khiếp của Địa Ngục, rồi hỏi:
" Em nào muốn xuống Địa Ngục, đưa tay lên."
Không có em nào đưa tay, cô giáo cảm thấy rất vui.
Tiếp theo, cô giáo nói về vẻ đẹp của Thiên Đàng và sự tốt lành của Cực Lạc Thế Giới, rồi hỏi:
" Em nào muốn lên Thiên Đàng, đưa tay lên."
Hầu hết các em đều đưa tay, chỉ có một em đang lặng lẽ suy nghĩ ở cuối lớp không đưa tay.

Cô giáo mỉm cười hỏi em ấy:
" Tai sao em không muốn xuống Địa Ngục, cũng không muốn lên Thiên Đàng?"
Em ấy trả lời: " Mẹ bảo sau khi tan học phải về nhà ngay, không được đi đâu hết!"
Mẹ tôi kể câu chuyện này là vì sợ tôi tan học rồi mải mê đi chơi, bỏ bê chuyện sách vở.
Bước vào tuổi già tôi lại có một nhận xét khác.
Bất kỳ tôn giáo và pháp môn nào cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tương lai và cho chúng ta biết nỗi khủng khiếp của nghiệp chướng trong quá khứ. Vì thế, nhiều người đều sám hối về quá khứ và ao ước tương lai, mà bỏ quên "Trước Mắt".
Thực ra, trước mắt là quan trọng nhất.
Trước mắt mình sống thiện, vui vẻ và thanh tịnh, chính là Thiên Đàng. Trước mắt sống bất thiện, buồn rầu và trụy lạc, giây phút đólà Địa Ngục.
Chữ trước mắt khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện về Thiền Tông khác rất hay, mà tôi đọc cách đây 25 năm về trước lúc tôi bước vào ngưỡng cửa tu hành, tạm có tựa là:" Tiếng Phèng Cuối Cùng".
Thuở xưa, tại một làng quê có hai thanh niên mơ ước trở nên giàu có. Họ nghĩ chỉ có đi lên thành thị nơi có nhiều việc làm, có cơ hội làm ăn may ra thành người nhiều tiền lắm của. Sau nhiều lần bàn luận, họ xin phép cha mẹ và lên đường.
Nhờ quyết tâm theo đuổi ước mơ và cố gắng vượt qua mọi khó khăn, 50 năm từ ngày rời quê nhà, họ đã thành đạt và giàu có.
Nhân một hôm ngồi uống trà hai người ôn chuyện cũ và chợt nhận ra sức khỏe mình đã sa sút nhiều sau mấy mươi năm vất vả kiếm tiền, bây giờ tiền nhiều quá không biết làm gì cho hết.
„Về quê an hưởng tuổi già!“
Mấy tháng sau hai người cùng hồi hương.
Khi đến đầu làng bỗng gặp một ông lão mặc áo trắng trên tay cầm một cái phèng đang đứng bên đường.
" Bác định đi đâu mà cầm cái phèng vậy?" một người hỏi.
" Tôi chuyên gõ phèng cuối cùng cho người sắp chết, tôi biết cả hai ông chỉ còn sống được 5 ngày nữa thôi. Chiều ngày thứ năm, tôi sẽ đứng trước cổng nhà các ông mà gõ phèng, khi nghe tiếng phèng của tôi hai ông sẽ từ giả thế gian này." Nói xong ông lão biến mất.
Hai người sửng sốt khi nghe lời tiên đoán của ông lão rồi cùng suy nghĩ, mình cố gắng làm việc vất vả suốt mấy mươi năm mới trở nên giàu có, giờ muốn về quê hưởng thanh nhàn lúc tuổi già, không ngờ chỉ còn sống có 5 ngày nữa thôi.
Người thứ nhất rất bi quan, cả ngày cứ than thở, buồn rầu, ăn ngủ không yên, cứ nhớ tới lời ông già gõ phèng báo chết (chấp về quá khứ), và lo sợ tới ngày thứ 5 mình sẽ chết (chấp về tương lai). Rồi ngày thứ 5 cũng đến, khi mặt trời vừa lặn, ông lão mặc áo trắng xuất hiện trước cổng, tay cầm cái
phèng gõ "BENG", người giàu có thứ nhất nghe tiếng phèng lăng ngã xuống và chết ngay.
Riêng người thứ hai sau khi về nhà ngồi suy nghĩ, mình vất vả suốt 50 năm, kiếm được nhiều tiền thế này, nay chỉ còn sống được có 5 ngày. Mình rời quê từ thời trai trẻ, chưa bao giờ làm việc gì giúp ích cho quê nhà, nếu nay chết đi thì uổng quá; thôi thì dùng tiền của này giúp cho quê mình và những người nghèo khổ trong làng. Sau khi suy nghĩ ra lẽ, ông liền mời các trưởng lão trong làng để bàn kế hoạch dự định của mình và yêu cầu bắt đầu thực hiện ngay ngày hôm đó.
Suốt ngày đêm, tất cả dân làng thay phiên nhau sửa sang đường lộ, trùng tu ngôi chùa cổ, xây nhà dưỡng lão và viện mồ côi, xây bệnh xá, xây trường học mới.
Suốt ngày đêm bận bịu lo phương án đã hoạch định, ông quên hẳn ngày tiếng phèng báo tử. Mặc dù công trình chưa hoàn tất, nhưng dân làng quá cảm kích nghĩa cử từ bi hỉ xả của ông, nên tổ chức liên hoan ngay sân nhà của ông gồm nhiều tiết mục như: đốt pháo, múa lân, ca múa, trống chiêng, quang cảnh thật tưng bừng náo nhiệt suốt ngày đêm.
Đến chiều ngày thứ 5, ông lão mặc áo trắng xuất hiện, ông đứng trước cổng đánh phèng " BENG, BENG, BENG....." nhưng đâu có ai nghe được.
Một thanh niên thấy ông lão đánh mãi nên hỏi:
" Này ông ơi, đoàn trống chiêng ở phía bên kia, sao chỉ có ông đứng ở đây mà đánh phèng?"
Ông lão đánh mãi cũng không thấy linh ứng nên rời đám đông và biến mất.
Nhiều ngày sau, trong khi cùng các trưởng lão đi xem xét các công trình vừa hoàn thành, ông nhà giàu sực nhớ tới ông lão đánh phèng báo tử rồi thắc mắc sao ông lão lại quên hẹn.
Đây là niềm vui bao la và thanh tịnh vô nhiễm khi sống trong giây phút trước mắt, nếu mọi việc trong cuộc đời đều được gánh vác ngay trước mắt; biết sống thiện, sống không ích kỷ và không chấp, thì chúng ta sẽ không phiền não về quá khứ, không lo sợ cho tương lai, không ngại tiếng phèng sẽ vang lên lúc nào, là vì cuộc sống của mình không còn gì hối hận nữa. Viết một bài thơ gởi cho các bạn, với tựa" Mộng Hồng Trần"
              
Danh danh lợi lợi đeo bám mãi
Nồng nồng ấm ấm qua tháng ngày
sớm sớm chiều chiều bận sinh kế
Mê mê muội muội tóc đã phai
Thị thị phi phi chuyện thế sự
Phiền phiền não não tỏ cùng ai
Đường đường chánh chánh đường tu đạo
Đời đời kiếp kiếp thoát trần ai

     紅塵夢                      Hồng trần mộng

名名利利苦追求          Danh danh lợi lợi khổ truy cầu
寒寒暖暖度春秋          Hàn hàn noãn noãn độ xuân thu
朝朝暮暮營家計         Triêu triêu mộ mộ doanh gia kế
睞睞昏昏白了頭         Lai lai hôn hôn bạch liễu đầu     
是是非非總常在         Thị thị phi phi tổng thường tại
煩煩惱惱何時休         Phiền phiền não não hà thời hưu
堂堂正正一條路         Đường đường chánh chánh nhất điều lộ
生生世世了苦愁         Sanh sanh thế thế liễu khổ sầu. 李清祥 Lý Trinh Trường

别名: 李大呆 ( biệt danh : Lý đại ngốc )

No comments:

Post a Comment