10/1/15

Nhật Bản: Tân hội viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ?

 

Shannon Tiezzi * Samsung dịch - Đại Hội Đồng LHQ đã bước vào ngày tranh luận thứ hai vào hôm thứ Ba. Sau các bài diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Park Geun-hye vào hôm thứ Hai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới phiên ngày hôm nay. Trong bài diễn văn của mình, ông Abe trình bày viễn kiến của Nhật với LHQ và kết thúc bằng lời kêu gọi cho Đông Kinh được ban cấp một ghế trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Ông Abe tuyên bố: "Nhật Bản muốn trở thành một hội viên thường trực trong Hội đồng Bảo an và đóng góp cân xứng với vị thế đó".

Thật vậy, phần lớn bài diễn văn của ông Abe đọc giống như một lá thư ngỏ cho cuộc vận động giành quyền hội viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ. Ông Abe nói rằng: "Nhật Bản có lịch sử về trợ giúp kiến thiết quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới. Hơn bao giờ hết, Nhật Bản muốn cống hiến kho tàng kinh nghiệm ấy".

Abe lưu ý rằng Nhật Bản đã và đang là một quốc gia ban tặng sự trợ giúp nhân đạo tích cực. Ông còn cam kết hàng trăm triệu đô la yểm trợ các dự án giúp đỡ trên toàn thế giới, từ giúp đỡ Serbia và Macedonia giải quyết khủng hoảng người tỵ nạn hiện nay ở Ân châu tới xây dựng các hệ thống cung cấp nước và cống rãnh ở Iraq. Trong một thí dụ cụ thể ở cấp độ cá nhân, ông Abe đã nêu trường hợp một bà mẹ trong lúc chạy nạn bạo động ở Syria đã mang theo một máy tính xách tay do Nhật gửi tặng để lưu trữ thông tin sức khỏe của đứa con sơ sinh bà.

Mặc cho các khủng hoảng gần đây, ông Abe trình bày một tương lai tươi sáng của LHQ. Trong bài diễn văn, ông Abe phần lớn tránh thảo luận về các rắc rối gây trở ngại cho nỗ lực ban hành các nghị quyết, từ cuộc nội chiến ở Syria (và hậu quả khủng hoảng người tỵ nạn) cho tới sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo IS. Abe thậm chí tránh không nhấn mạnh tầm quan trọng của luật quốc tế, một đề tài thường thấy trong những bài diễn văn công kích hành động của Nga ở Ukraine và Trung cộng ở biển Đông.

Điểm xung đột quốc tế duy nhất được đề cập trong bài diễn văn là Bắc Triều Tiên. Ông tuyên bố: "Nhật sẽ điều hợp làm việc với các quốc gia liên hệ nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề tồn đọng như bắt cóc, nguyên tử và hỏa tiễn".

Thay vì gây thêm tranh cãi bằng việc bàn thảo về các đề tài làm phân hóa LHQ, ông Abe tập trung quan tâm về các hậu quả nhân đạo của các khủng hoảng đó và về những gì Nhật Bản có thể làm hầu giải quyết. Ông dùng các hứa hẹn để biện luận rằng Nhật Bản sẽ là một sự tăng cường đầy giá trị cho câu lạc bộ biệt lập nhất đó của LHQ.

Ông Abe tuyên bố: "Nhật Bản nghiêm khắc bảo trọng chính mình như là một quốc gia yêu chuộng hòa bình" kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới II. Ông nêu rõ các đóng góp của Nhật Bản cho các hoạt động gìn giữ hòa bình và thiện chí làm việc hơn nữa nhằm san bằng khoảng cách giữa việc hoạch định và hoạt động thực tế. Abe chỉ đề cập tới các luật an ninh mới gây tranh cãi của Nhật một lần duy nhất trong bối cảnh này. Ông nói các cuộc cải cách luật an ninh sẽ giúp Nhật Bản đóng góp đa dạng hơn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình.

Abe còn nhấn mạnh rằng sách lược mà Nhật Bản ưa chuộng để giải quyết các vấn đề quốc tế là giao quyền sở hữu chủ lại cho các địa phương và để họ "xác định nẻo đi của đời họ". Đề cập tới các cuộc đối thoại vừa qua với các quốc gia Phi châu và Hải đảo Thái Bình Dương ông Abe nói Nhật Bản "luôn thực hiện mọi nỗ lực để trở thành một quốc gia lắng nghe tích cực tiếng nói của các thành phần liên hệ."

Abe kết thúc bài diễn văn rằng: "Là một quốc gia đóng góp tiên khởi cho hòa bình dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế, Nhật Bản quyết định tiến hành cuộc cải cách Hội đồng Bảo an ngõ hầu biến LHQ thành một cơ quan thích hợp hơn cho thế kỷ 21, và sau đó, với tư cách một hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an, sẽ thực hiện các trách nhiệm đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và thịnh vượng thế giới".

Abe không hề cô đơn trong cuộc vận động tăng cường số quốc gia hội viên thường trực trong Hội đồng Bảo an bởi vì còn ba nước khác cũng bộc lộ ước vọng cải tổ, đó là Đức, Brazil và Ấn Độ. Bộ tứ này đã gặp gỡ nhau bên lề cuộc họp cấp cao LHQ và nhất trí rằng nay đã tới thời điểm tái tục cuộc vận động. Theo tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India), "Hoàn cảnh trên thế giới đã thay đổi kể từ sau cuộc hội nghị của nhóm Tứ Cường này hồi năm 2004".

Dù vậy, nhóm Tứ Cường biết hết sức rõ rằng việc vận động gia tăng con số các quốc gia hội viên thường trực bây giờ cũng khó khăn không kém cuộc vận động trong quá khứ. Nỗ lực phản đối việc ban cấp thêm tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an của Pakistan, Trung cộng, Đại Hàn cũng ngang bằng với nỗ lực gia nhập của Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil và Đức.

Nguồn:http://thediplomat.com/2015/09/abe-outlines-why-japan-should-join-the-un-security-council/

No comments:

Post a Comment