10/30/15

Khi người khiếm thính, khiếm thị vào mạng

Lesley Evans Ogden

Image copyrightThinkstock

Thật là tốt nếu ta giữ liên lạc được với người khác. Đây là điều mà Edi Haug và Laura Schwengber biết rất rõ. Hai người là bạn của nhau từ nhỏ.

Một năm sau khi hai người kết thân, những tổn thương về thần kinh do một hội chứng di truyền từ gene đã khiến Haug mất khả năng nghe nhìn. Khi đó anh chỉ mới chín tuổi.

Tuy nhiên trẻ em là những nhà sáng tạo bẩm sinh.

“Chúng tôi đã bắt đầu sáng tạo ra những ngôn ngữ và cách thức giao tiếp khác vì chúng tôi là trẻ con và chỉ muốn chơi đùa,” Schwengber nói.

“Thật khó chịu vì anh ấy không thể nghe thấy tôi, và tôi không thể viết,” cô nói.

Vì vậy, cả hai đã nghĩ ra cách giao tiếp phi ngôn từ của riêng mình.

Khi Haug và Schwengber lớn hơn, họ đã thay thế ngôn ngữ đó bằng một ngôn ngữ phổ biến hơn: Lorm, một cách giao tiếp bằng xúc giác, với các vần được viết bằng đầu ngón tay lên lòng bàn tay.

Phương pháp này được phát minh vào thế kỷ 19 bởi Hieronymus Lorm, bút danh của nhà thơ, nhà báo và tiểu thuyết gia người Áo Heinrich Landesmann và đến ngày nay vẫn được cộng đồng khiếm thị và khiếm thính ở các nước nói tiếng Đức sử dụng.

Khó để đánh giá tầm quan trọng của Lorm đối với Haug và Schwengber. Nhưng Lorm và những ngôn ngữ xúc giác khác cũng có giới hạn của chúng.

Việc sử dụng ngôn ngữ này đòi hỏi phải có sự tương tác trực tiếp với nhau, với việc các bên phải gặp mặt trực tiếp, hay chính xác hơn là phải chạm vào tay nhau trực tiếp. Do đó, nó đã hạn chế phạm vi các mối quan hệ xã hội của những người mất khả năng nghe nhìn.

Image copyrightiStockImage captionNgôn ngữ Lorm sử dụng đầu ngón tay của người này viết lên lòng bàn tay người kia để truyền đạt thông điệp

Ngay cả trong phạm vi rất hạn hẹp trên thì cũng chỉ những người bỏ thời gian ra học và tập luyện Lorm mới có thể thực sự trở thành một phần của cộng đồng khiếm thị và khiếm thính.

Ví dụ, mối quan hệ xung quanh Haug chỉ bao gồm: Mẹ anh, Schewengber, giáo viên và bác sỹ trị liệu.

Anh chỉ dành ra 10 ngày một năm để đến thăm người thân ở Stuttgart, phía nam nước Đức.

“Năm ngày đầu tiên họ cần học Lorm để có thể nhớ các ký tự, và đến ngày thứ 10, khi họ đã bắt đầu thuần thục thì đó là khi tôi phải trở về nhà,” Schwengber nói.

Thế nhưng những giới hạn này sẽ sớm biến mất, một khi phát minh của Tom Bieling được thương mại hoá.

Bieling, một nhà nghiên cứu tại Design Research Lab ở Berlin, đã phát minh một loại găng tay được đính các thiết bị cảm ứng áp lực.

Bằng việc dịch những chữ cái của ngôn ngữ xúc giác sang chữ điện tử, chiếc găng tay này có thể loại bỏ sự cần thiết của việc tương tác trực tiếp giữa hai người khiếm thị và khiếm thính.

Không những thế, do phần lớn các giao tiếp qua mạng đều là bằng chữ in điện tử nên găng tay này có thể đóng vai trò là một thiết bị phiên dịch, giúp những người khiếm thị và khiếm thính giao tiếp thoải mái với người khác và giúp người khác giao tiếp thoải mái với họ.

Phát minh này trông giống như một trong các vật dụng từ phim James Bond, và đã mang về cho Bieling giải nhất trong cuộc thi Falling Walls Lab 2014, được tổ chức hàng năm ở Berlin.

Image copyrightDesign Research LabImage captionLorm chỉ trở thành một phần trong xã hội của những người khiếm thính-khiếm thị sau một thời gian học cách sử dụng (Hình: Design Research Lab)

Phiên bản thử nghiệm đầu tiên được làm bằng vải Gore-Tex, mang lại cảm giác như một chiếc găng tay bình thường, Bieling giải thích.

Nó được gắn các motor rung nhỏ và “ngay khi bạn nhận được một tin nhắn, nó sẽ bắt đầu rung ở những điểm nơi các ký tự được đặt”, ông nói.

Với phiên bản hiện nay, người sử dụng có thể điều chỉnh cường độ và tốc độ của các tin nhắn xúc giác dựa theo kỹ năng đọc nhanh hay chậm của mình.

Bên cạnh đó, toàn bộ khu vực bàn tay của chiếc găng trong phiên bản hiện thời được thiết kế để có thể nhập dữ liệu bằng cảm ứng, ‘giống như máy tính bảng’, ông nói.

“Hệ thống này có khả năng đọc vị trí và đường đi của ngón tay.”

Người dùng có thể đánh vần tin nhắn của họ. Nếu một ký tự không được nhập đúng cách, găng tay Lorm sẽ gợi ý từ gần nhất, giống như thuật toán sửa lỗi chính tả trên điện thoại thông minh.

Ví dụ, trong ngôn ngữ Lorm, một vòng tròn trên tay đồng nghĩa với chữ S, Bieling giải thích.

Nếu bạn vẽ hình tam giác hoặc hình vuông, hệ thống này vẫn đủ thông minh để nhận ra chữ S là ký tự gần nhất.

Nâng cao tính độc lập

Haug, nói chuyện qua lời phiên dịch của Schwengber, cho biết mẫu thí nghiệm của chiếc găng tay vẫn nhận thông điệp chậm hơn những gì mà anh thường sử dụng.

Image copyrightDesign Research LabImage captionVới phiên bản hiện nay, người sử dụng găng Lorm có thể điều chỉnh cường độ và tốc độ của các tin nhắn xúc giác dựa theo kỹ năng đọc nhanh hay chậm của mình (Hình: Design Research Lab)

“Cảm giác giống như khi thầy giáo hoặc mẹ anh ấy đang dùng ngôn ngữ Lorm vậy,” Schwengber nói. “Nhưng anh ấy rất thích nó.”

"Tôi có thể sử dụng găng tay này để dễ dàng gửi và nhận các thông điệp,” Haug nói.

Dự án của Bieling là một phần trong luận án tiến sỹ của ông nhằm khám phá mối liên kết giữa thiết kế và khả năng ứng dụng.

Ông cho rằng cảm giác khuyết tật chỉ là vấn đề về thiết kế. Chẳng hạn như một cái dốc thoai thoải sẽ khiến ai cũng có thể đi lên một cách dễ dàng, ngay cả nếu họ ngồi xe lăn.

Ông hy vọng rằng thiết kế của mình sẽ giúp những người mất khả năng nghe nhìn đóng một vai trò to lớn hơn trong cộng đồng của mình và tiếp cận nhiều thông tin hơn, từ đó nâng cao tính độc lập của họ.

Tuy nhiên ông cũng hy vọng rằng việc hiểu biết về những hệ thống liên lạc khác có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Haug, giờ đây 22 tuổi, hiện đang sống với mẹ ông ở Spreewald, cách Berlin 100km về phía nam.

Anh đang học kỹ năng xoa bóp trị liệu với hy vọng có thể theo đuổi nghề này.

Anh cũng muốn được chuyển tới Berlin, Schwengber nói, nhưng điều này cho đến nay vẫn xa vời với anh vì thiếu sự hỗ trợ.

Găng tay này có thể mở rộng khả năng giữ liên lạc của Haug với những người thân khi ở xa.

Thế nhưng nó còn có thể làm nhiều hơn như vậy: Nó có thể giúp anh mở rộng các mối quan hệ xã hội của mình một cách đáng kể.

Image copyrightDesign Research LabImage captionGăng tay giúp Haug giữ liên hệ được với mọi người ngay cả khi ở xa nhau (Hình: Design Research Lab)

Thế giới trong tay bạn

Gần đây, Haug, với sự giúp đỡ của Schwengber, đã tỏ ra khá thích thú với Twitter, một phương tiện giúp anh giao tiếp với những người không bao giờ cần biết là anh mất khả năng nghe nhìn.

Trên mạng xã hội, Haug chỉ là ‘một người có tài khoản Twitter đang nói điều gì đó,” Schwengber giải thích.

Haug nói “điều này cứ giống như là một vũ hội hoá trang, bạn có thể đeo mặt nạ và nói bất cứ gì mình muốn”, Schwengber dịch lại.

Haug rất thích thú với những phản ứng từ những người đang theo dõi mình trên Twitter mỗi khi anh viết điều gì đó buồn cười. Anh có thể làm điều này một cách dễ dàng hơn với găng tay Lorm của riêng mình.

Khi được hỏi điều anh sẽ làm đầu tiên khi có găng tay Lorm riêng, Haug nói anh sẽ nói chuyện với người anh họ ở Stuttgart và hỏi liệu người đó có nhớ tên một bộ phim khá thú vị mà họ đã đề cập đến gần đây hay không (Schwengber và Haug thường đi tới rạp phim, nơi Schwengber thường phiên dịch các bộ phim cho Haug bằng Lorm).

Hầu hết chúng ta đều không quý trọng cách mạng số hoá và những sự kết nối mới mà nó mang lại.

Đối với những người đang bị giới hạn bởi tấm màn ngăn cách họ với những hình ảnh, những tiếng động mà họ chưa thể khám phá, đây từng là một vùng đất xa lạ.

Thế nhưng với găng tay Lorm, họ rất có thể sẽ nắm được thế giới đó trong lòng bàn tay.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.

No comments:

Post a Comment