10/30/15

Google phát sóng internet bằng khí cầu

Image copyrightOtherImage captionNhững khí cầu của Google trong dự án Loon đã bay hàng triệu km quanh Trái Đất

Với Dự án Loon, Google tin rằng mình đang trong quá trình tạo ra các khinh khí cầu phát internet từ tầng bình lưu, phủ sóng internet một phần trái đất trong năm tới.

Google cho BBC biết dự án này thử nghiệm dịch vụng cung cấp internet liên tục cho những người sống bên dưới đường bay của khí cầu.

Ba nhà mạng của Indonesia dự định sẽ thử nghiệm truyền dữ liệu với dự án Loon trong năm tới là XL Axiata, Indostat và Telkomsel.

Google cho rằng Dự án Loon sẽ đem đến giải pháp rẻ hơn cáp quang hoặc các cột thu phát sóng di động trên các đảo của Indonesia, vốn nhiều rừng và núi cao. Dự án có thể giải quyết tình trạng ở quốc gia 255 triệu dân này, hơn 100 triệu người vẫn chưa có kết nối internet.

Chris Green, một tư vấn kỹ thuật từ tập đoàn Davies Murphy cho biết: “Bất cứ quốc gia nào đang nỗ lực lắp đặt cáp hoặc hệ thống hạ tầng internet không dây trên mặt đất sẽ thấy vệ tinh hoặc các cơ chế cung cấp internet từ trên không là một giải pháp khả thi.”

Image copyrightGetty ImagesImage captionKhí cầu sẽ được bơm khí heli trước khi thả vào tầng bình lưu

Ưu thế của khí cầu internet so với vệ tinh đó là duy trì hệ thống này rẻ hơn rất nhiều – ít nhất là khi các thách thức công nghệ có thể vượt qua được.

Sri Lanka vừa ký một thỏa thuận riêng cho thấy họ muốn tham gia vào dự án khí cầu khổng lồ này.

Tốc độ internet tương đương 4G

Google công bố dự án khí cầu siêu áp lực lần đầu vào năm 2013, khi họ thả khoảng 30 khí cầu từ New Zealand.

Bên dưới các khí cầu nhẹ hơn không khí có treo các thiết bị:

  • Hai thiết bị thu phát sóng radio để để thu phát truyền dữ liệu, kèm theo một radio dự phòng
  • Một thiết bị định vị GPS và máy tính cho chuyến bay
  • Một hệ thống điều khiển độ cao, để di chuyển khí cầu lên xuống tìm luồng gió thích hợp để đưa khí cầu đến vị trí mong muốn
  • Tấm năng lượng mặt trời cung cấp pin cho tất cả

Ban đầu thiết bị có thể cung cấp đường truyền internet tương đương 3G, nhưng giờ nó có thể cung cấp đường truyền đến 10Mbit/giây cho thiết bị có ăng-ten trên mặt đất. So sánh tốc độ này, thì đường truyền 4G ở Anh có tốc độ 15Mbit/giây.

Phó chủ tịch dự án Loon Mike Cassidy trả lời BBC: “Ban đầu, khí cầu chỉ bay được bảy đến 10 ngày. Nhưng giờ chúng tôi đã có những quả bay được đến 187 ngày.”

“Chúng tôi đã cải tiến quy trình thả khí cầu. Ban đầu phải có 14 người để thả trong một đến hai giờ , bây giờ với một trục tự động, chúng tôi có thể thả một quả khí cầu trong 15 phút chỉ với hai hoặc ba người.”

“Chúng tôi cần khoảng 300 khí cầu hoặc hơn để tạo ra một vòng mạng liên tiếp vòng quanh trái đất. ”

“Khi một khí cầu bay theo gió ra khỏi quỹ đạo, một quả khác sẽ bay vào thế chỗ nó.”

“Chúng tôi hi vọng năm tới có thể tạo ra vòng mạng liên tục đầu tiên vòng quanh thế giới, và có thể có mạng thông suốt ở một số khu vực nhất định.”

“Và nếu mọi thứ ổn, sau đó chúng tôi sẽ bắt đầu có những khách hàng thương mại thử nghiệm đầu tiên.”

Vì mỗi quả khí cầu chỉ có thể cung cấp kết nối internet cho một khu vực đường kính khoảng 40km trên mặt đất, vòng kết nối ban đầu có thể giới hạn trong một khu vực nhỏ trên Trái Đất vì nó bao quanh một khu vực ở Nam Bán Cầu.

Khí cầu siêu áp lực làm bằng nhựa dán kín, có thể bơm vào loại khí áp lực cao nhẹ hơn không khí bình thường. Nó có thể bay lâu và duy trì độ cao ổn định, không bị giảm độ cao khi nhiệt độ xuống thấp.

Loại khí cầu này được không quân Hoa Kỳ phát triển vào thập niên 1950. Cho đến nay đã có 88 quả được thả, quả bay lâu nhất là 744 ngày. NASA cũng thử nghiệm để một ngày nào đó có thể dùng khí cầu này trong bầu khí quyển Sao Hỏa.

Google cũng đang phát triển một dự án khác với tên gọi Titan, dùng tấm năng lượng mặt trời bay được để cung cấp internet cho các vùng không được kết nối trên thế giới.

Facebook cũng đang phát triển một dự án tương tự dựa trên thiết bị bay.

No comments:

Post a Comment