Dẫn nhập :
Có một số người có lẽ gần "đắc đạo" (?!) đã khuyên bảo tôi: - Bốn mươi năm rồi sao vẫn còn thù hận, buồn bã đau lòng làm gì? Chuyện mất nước đã qua rồi, quá khứ không kéo lại được thì than khóc thương nhớ mà làm gì?
Một số người khác lại bảo: - Già rồi, sao không chịu "hoà hợp hoà giải" (sic) và bỏ hết tất cả buồn phiền cho lòng thanh thản rồi về "thăm quê hương" (sic), du lịch, chụp ảnh, làm "từ thiện" (sic) và "tham quan" (sic) các nơi? Đẹp lắm, rẻ lắm và vui lắm!
Xin cám ơn các bạn!
Nhưng...
Rất mong các bạn có dịp gặp gỡ những người Arménie và bảo họ rằng: - Chuyện Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát dân của quý ông bà đã xảy ra cả 100 năm rồi, sao còn nhớ và thù hận làm gì? Sao không quên đi cho tâm hồn nhẹ nhàng? Hãy noi gương chúng tôi đây, mới 40 năm mà đã muốn quên đi tất cả!
Hoặc gặp người Do thái và bảo họ rằng: - Bọn Nazi giết hại dân Do thái đã hơn 70 năm rồi, sao còn nhắc làm chi cho khổ, hãy quên đi cho lòng thanh thản!
Hoặc gặp người Tây Tạng lưu vong để khuyên họ quên chuyện Tàu xâm chiếm Tây Tạng từ năm 1950...
Hoặc gặp người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) ở Tân Cương để bảo họ hãy bỏ qua việc Tàu Cộng hoàn toàn thống trị Tân Cương từ năm 1949...
Hoặc gặp người Cuba tỵ nạn ở Miami để khuyên họ chấp nhận chế độ Cộng sản đang ngự trị trên Cuba từ năm 1959...
Chúc các bạn may mắn!
Dạo:
Người quên thì cứ việc quên,
Nhưng xin người hãy để yên tôi buồn.
Cóc cuối tuần:
Hãy Cho Tôi Buồn
Hỡi người bạn chắc gần "đắc đạo",
Cám ơn người đã bảo ban tôi,
Rằng: - Mình mất nước lâu rồi,
Sao còn thù hận, đứng ngồi đắng cay;
Rằng: - Sao chẳng khoanh tay "hoà giải",
Để trở về thoải mái vui chơi,
Của ngon, vật lạ, giá hời,
Nhởn nhơ thỏa thích, chuyện đời mặc ai;
Rằng: - Hãy bỏ ngoài tai mọi chuyện,
Về quê làm "từ thiện" một phen,
Để nghe thiên hạ ngợi khen,
May ra lại được chính quyền tuyên dương;
Rằng: - Hãy viếng quê hương "đổi mới",
Với đền thờ chói lọi nguy nga,
Những khu giải trí xa hoa,
Tha hồ chụp ảnh mang ra khoe người.
x
x x
Những lý lẽ "hợp thời trang" ấy,
Đừng phí giờ chỉ dạy riêng tôi.
Bạn ơi, hãy gắng dành hơi,
Để đi rao giảng những nơi đang "cần".
Giờ bạn hãy phát tâm Bồ tát,
Khuyên bảo người dân Arménie,
Bỏ qua chuyện Thổ Nhĩ Kỳ,
Trăm năm còn nhớ làm chi hở trời.
Xin bạn đến can người Do Thái,
Bảy mươi năm sao mãi sân si,
Hãy quên hẳn bọn Nazi,
Bao nhiêu thù oán dẹp đi một lần.
Bạn hãy nhắc giùm dân Tây Tạng,
Chuyện đã hơn hai vạn ngày rồi,
Giờ đây mọi sự đã nguôi,
Đấu tranh xuôi ngược, ngược xuôi ích gì.
Xin bạn gặp người Duy Ngô Nhĩ,
Bảo họ đừng lo nghĩ viển vông,
Tân Cương số phận đã xong,
Hãy vui sống với cùm gông giặc Tàu.
Và bạn hãy nặn đầu bóp trán,
Khuyên nhủ người tỵ nạn Cuba,
Ráng quên đi chuyện nước nhà,
Tự do dân chủ chỉ là mộng thôi.
x
x x
Mang thân phận mồ côi đất nước,
Làm sao tôi quên được mà quên,
Làm sao bịt mắt trùm mền,
Khi dân tôi vẫn triền miên đọa đày.
Quên sao được chuỗi ngày bi đát,
Khi giặc thù ào ạt vô Nam,
Để rồi cửa nát nhà tan,
Máu xương lầy đất, oán than ngập trời.
Quên sao được những người yêu nước,
Vạch âm mưu xâm lược của Tàu,
Nên đành gánh chịu thương đau,
Đêm đêm ngục tối gục đầu đếm canh.
Quên sao được dân lành đói khổ,
Trong khi bầy cán bộ đảng viên,
Thẳng tay vơ vét bạc tiền,
Ra ngoài sắm sửa liền liền cơ ngơi.
Quên sao được những người chiến sĩ,
Giữ gìn quê liên lỉ ngày đêm,
Giờ đây thân xác tật nguyền,
Vẫn còn hứng chịu liên miên đòn thù.
Quên sao được ngục tù "cải tạo",
Lò giết người tàn bạo ngụy trang.
Từ khi bị ép tan hàng,
Biết bao xương trắng rừng hoang mỏi mòn.
Quên sao được mảnh non sông Việt,
Giờ biến thành đất Chệt, thương thay!
Quê nhà nay đã sang tay,
Lối về cố quận dấu giày lạnh căm.
x
x x
Người ta cả trăm năm còn nhớ,
Mãi kiên trì nhắc nhở cháu con,
Lời thề phục quốc sắt son,
Qua bao ngày tháng vẫn còn như xưa.
Ngọn lửa Việt chỉ vừa mới tắt,
Bốn mươi năm lâu lắc gì đâu,
Mà sao nỡ vội quay đầu,
Mà sao mới chớm sang giàu đã quên.
Bạn cứ việc thản nhiên hạnh phúc,
Hưởng thụ đời sung túc ấm no.
Xin đừng nặng nhẹ nhỏ to,
Quê tôi đã mất, hãy cho tôi buồn.
x
x x
Lạnh lẽo mưa tuôn
Trên cánh buồm xa bến.
Ngậm ngùi nhớ đến
Những lời thề vượt biển năm xưa.
Trần Văn Lương
Cali, 10/2015
No comments:
Post a Comment